Chương 212: Duy Vật và Duy Tâm

“Thật vậy ư? Ông đã chết rồi sao lại còn dương thọ?” Ông lão hỏi người lính tên Thân. Đây cũng là điều nhân chi bình thường. Người khi còn sống đều tò mò và quan tâm đến việc khi chết là hết hay là còn luân hồi sang các cõi. Có câu danh ngôn như thế này: đời ngươi chỉ có hai việc lớn đó là sinh và tử. Sinh đã qua rồi nên chỉ còn tử nữa thôi. Ai cũng sẽ phải tử nên chẳng phải vội vàng hay lo lắng các việc khác trên đời.

Vấn đề chết và các vấn đề liên quan đến cái chết rằng sẽ đi đâu về đâu, còn hay hết đều luôn là câu hỏi lớn trong nhân sinh. Nói đến buồn cười là người đang còn sống đôi khi không quan tâm đến việc mình sống như thế nào lại cứ mãi quan tâm đến khi đã chết ra sao. Ấy thế nhưng nếu suy nghĩ sâu xa thì việc quan tâm đến thế giới người chết lại có quan hệ rất lớn đến suy nghĩ, hành vi, thói quen và thái độ của người đang sống.

Lấy ví dụ như nếu người ta tin rằng chết là hết, chết là không còn gì, chết là kết thúc mọi việc bao gồm tất cả vui sướng cũng như khổ đau thì sẽ dẫn đến hành vi sống phóng túng, tùy tiện, không kiêng nể, phạm ác nghiệp không ngừng. Người ta có thể tự kết thúc sinh mệnh của mình để trốn tránh mọi khổ đau và sự hổ thẹn.

Người ta cũng có thể phóng tay làm ác vì nghĩ rằng đằng nào cũng chết và chết là hết nên sẽ không bị trừng phạt. Người ta cũng vì yêu quý mạng sống mà làm ra những việc người và thần đều không dung thứ như phản bội lại người thân, quốc gia, dân tộc.

Ngược lại, nếu người ta tin rằng Chết không phải là hết, chết chỉ là sự kết thúc của một giai đoạn và bắt đầu một cuộc sống mới, có thiên đường làm phần thưởng cho những kẻ lương thiện hiền lành và có địa ngục để trừng phạt những kẻ tàn ác súc sinh thì người ta sẽ tự ước thúc suy nghĩ và hành vi của mình. Người ta sẽ ăn chay niệm phật, bớt sát sinh, bớt nói dối, bớt lừa gạt…lẫn nhau.

Và như vậy khi trong lòng có nghi vấn thì nhu cầu được giải đáp và chứng thực sinh sôi không ngừng. Việc chứng thực cũng rất khó. Không phải ai cũng chứng minh được, không phải ai cũng dễ tin tưởng một thuyết pháp nào đó. Vì vậy, mọi dân tộc, mọi tôn giáo, mọi lứa tuổi, mọi giới tính, tất cả đều tìm mọi cách để tìm ra câu trả lời hợp lý cho riêng mình. Từ đó mà xã hội loài người có khái niệm duy vật và duy tâm xuất hiện.

Thật ra, duy vật và duy tâm không chỉ là hai mặt đối lập mà nó còn là nhất thể tức một thể thống nhất như âm và dương. Nếu vũ trụ có âm có dương, có trời có đất, có thiện có ác, có ngày có đêm thì tất nhiên phải có duy vật và duy tâm. Chúng cùng xuất hiện, đối lập với nhau nhưng lại nương tựa vào nhau để tồn tại.

Khi còn bé, chúng ta khi sinh ra trên cõi đời này thông qua 18 cảnh giới là lục căn, lục trần, lục thức (*) để quan sát thế giới xung quanh này. Khi thấy thế giới này quá lạ lẫm, chúng ta sẽ sinh ra ý nghĩ muốn tìm hiểu, khám phá và chinh phục nên tâm chúng ta hướng ra bên ngoài. Chúng ta thấy thế giới vật chất đẹp đẽ nên sinh ý muốn nắm bắt, khống chế và sở hữu, quá trình này gọi là vật chất quyết định ý thức hay còn gọi là duy vật.

Quá trình này tăng trưởng cùng với ngũ độc là Tham, sân, si, mạn, nghi cho đến hết tuổi trung niên thì đạt đến đỉnh điểm cũng trùng hợp với đỉnh cao của nhân sinh (sự nghiệp, tiền bạc, danh vọng, thành đạt). Cũng chính là lúc này chúng ta đã trải nghiệm rất nhiều thất bại, đau khổ và rủi ro. Chúng ta cũng phát hiện ra thế giới này quá rộng lớn, vũ trụ này quá vĩ đại mà sức lực, trí tuệ, tuổi thọ của bản thân lại quá mức hạn chế và nhỏ bé.

Trong lòng chúng ta nảy sinh rất nhiều nghi vấn về nhân sinh và thế giới. Những câu hỏi bắt đầu như là tại sao, thế nào, vì lẽ gì cứ liên tục xuất hiện trong đầu. Nó thôi thúc chúng ta phải đi tìm câu trả lời cho chính mình để thỏa mãn niềm hiếu kỳ và cũng để an tâm rời bỏ cuộc sống.

Không tài nào tìm ra đáp án ở bên ngoài nên chúng ta quay đầu tìm câu trả lời bên trong chính nội tâm chúng ta. Quá trình khám phá bản thân, tìm hiểu con người thật sự của chính mình, tìm hiểu bản chất thật sự của thế giới, và để giải đáp tam đại vấn đề tôi là ai, tôi từ đâu tới và tôi sẽ đi về đâu chính là quá trình ý thức quyết định vật chất hay còn gọi là duy tâm.

Nếu chủ nghĩa duy vật và hướng ra bên ngoài thông qua các công cụ vật chất hình thành nên Khoa Học thì chủ nghĩa duy tâm lại thông qua các nghi thức, cầu cúng, tế lễ để hình thành nên các loại tín ngưỡng và tôn giáo. Xã hội nếu quá thiên về Khoa học hay quá thiên về Tâm linh thì đều gây ra sự đổ vỡ và hủy diệt. Thiên về Khoa học thì chúng ta sẽ bị chính Khoa Học hủy diệt, Thiên về Tâm linh sẽ dẫn tới mê tín dị đoan và bị chính bản thân chúng ta giết chết.

Thế nên, dù là cá nhân hay đất nước đều phải hoạt động một cách cân bằng giữa hai khía cạnh này để đảm bảo sự tồn tại mạnh khỏe cả về vật chất lẫn tinh thần. Lối sống vô vi của Lão tử và học thuyết Trung đạo của Đức Phật đều dạy hậu nhân thực hành phương pháp cân bằng này. Tuy ngôn ngữ và phương pháp có thể khác nhau nhưng trăm sông đổ về một biển, hải nạp bách xuyên, đại đạo quy nhất.

Quay trở lại với cuộc đối thoại của ông lão và hai người lính quỷ sai về vấn đề sinh tử. Người lính tên Thân đưa ra đáp án:

“Đương nhiên là thật rồi. Chết làm sao mà hết được cơ chứ. Còn vấn đề dương thọ thì thế này. Ví dụ như ông kiếp này có thể sống được 80 tuổi nếu ông chết ở tuổi 80 thì được coi là hết dương thọ và khi chết sẽ được luân hồi tái sinh ngay. Thế nhưng nếu ông chết bởi chiến tranh, dịch bệnh hay tự tử thì được coi chết bất đắc kỳ tử hay chết ngoài ý muốn. Lúc này tuy thân xác đã tiêu hủy nhưng nghiệp quả của kiếp này vẫn còn nên thực tế ông vẫn chưa hết dương thọ.

Nếu như không được các Đền chùa miếu đình chứa chấp thì đành trở thành ma quỷ hay còn gọi là cô hồn dã quỷ lang thang vô chủ. Cô hồn dã quỷ phải chịu cảnh đói khát uất ức nên nổi cơn sân hận hay phá phách dọa nạt người sống để người sống sợ hãi mà cúng kiếng bố thí. Đoạn thời gian này khổ không thể tả. Ông nghĩ xem, nhìn người khác ăn mà mình không thể ăn, nhìn người khác uống mà mình không thể uống, thân thể không có nhưng cơn đói khát vẫn ngày đêm hành hạ. Có khổ sở hay không a?

Cứ như vậy, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm qua đi trong sự giãy giụa đau khổ. Đến khi hết dương thọ thì linh hồn mới được phép qua cánh cửa Luân hồi để tái sinh. Nhưng tới đây lại gặp cảnh khổ khác. Nếu ông trong thời gian làm cô hồn dã quỷ mà vẫn giữ được bản tính thiện lương, biết tu tập, biết làm phước thì khi luân hồi mới tái sinh cõi trên được. Còn nếu nổi sân hận lên phá phách dọa dẫm tống tiền người sống thì khi luân hồi sẽ tái sinh xuống các cõi dưới thành loài quỷ đói hoặc súc sinh”.

Ông lão mặt mày tái mét lắp ba lắp bắp hỏi: “Như vậy Địa ngục là có thật ư? Nó như thế nào vậy?”

Quỷ sai trả lời tỉnh queo: “Tôi không biết!”

“Anh không biết à? Anh là quỷ mà anh còn không biết thì người sống như tôi sẽ biết chắc?” Ông lão thất vọng la lên.

Quỷ sai không nhanh không chậm giải đáp: “Tôi nói không biết là tôi nói thật đấy. Tuy tôi chết là ma là quỷ nhưng tôi đã hết dương thọ đâu. Chưa hết dương thọ thì tôi đâu đã đầu thai làm người hay làm quỷ. Công đức của tôi đã đủ cho tôi sau này đầu thai làm người cho nên có thể tôi lại càng không có cơ hội để biết Địa Ngục nó tròn méo ra làm sao.

Ông không thấy tôi vẫn ở cõi nhân gian đây hay sao? Tôi mà về địa ngục chắc gì ông sẽ gặp được đấy. Ngay cả Thành Hoàng đại nhân còn không biết rõ huống chi là lũ quỷ sai nhỏ bé như chúng tôi. Tóm lại, ông cứ làm nhiều việc thất đức đi, kiểu gì khi chết cũng đọa xuống dưới đấy, tha hồ mà tìm hiểu Địa ngục nó như thế nào nhé.

Đương nhiên tuy tôi không biết nó ra làm sao nhưng dùng đầu ngón chân suy ra cũng biết nơi đó rất tệ hại chẳng ai muốn tới. Nước chảy về chỗ trũng nhưng người thì lại muốn leo cao. Không phải tự nhiên lại có tin đồn rằng thiện lương sẽ về cõi trời còn ác nghiệt thì chui xuống Địa Ngục. Nơi toàn người ác độc sống thì làm gì có chuyện vui vẻ an lạc hạnh phúc, đúng không”.

---------

(*) Lục Căn, Lục Trần, Lục Thức

Lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não), lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), lục thức (thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc giác, ý thức). Phật giáo gọi chung lục căn, lục trần và lục thức là 18 giới hay nói rõ hơn là 18 cảnh giới. Tất cả 18 cảnh giới đều là tâm cảnh chứ không phải vật cảnh, vì vật chất xét cho cùng là không có thật, mặc dù lục căn và lục trần phần lớn là vật chất, chỉ có pháp trần có thể một phần là tinh thần, bởi vì não phải nhận thông tin từ các giác quan, so sánh với dữ liệu lưu trữ trong ký ức mới có được nhận thức.

Nếu ký ức không có dữ liệu, ví dụ đứa trẻ sơ sinh, không có gì để so sánh, thì nó không hiểu không biết gì cả. Có những đứa trẻ chưa học mà biết, đó là do ký ức của nó còn lưu lại những dữ liệu của kiếp trước. Đối với người giác ngộ, đã mở được a-lại-da thức thì biết cả quá khứ vị lai, vì bản chất đích thực của pháp giới là vô thủy vô chung, không có không gian, không có thời gian, không có số lượng.