Chương 211: Xuất Hồn Báo Mộng

Quay trở lại với dân làng Cổ Pháp, sau khi đưa tiễn con em mình lên đường ra chiến trường thì mọi người cũng quay trở lại nhà mình để tiếp tục giấc ngủ dang dở. Tất nhiên, đại đa số mọi người đều không thể nhắm mắt bởi những nỗi lo lắng, sầu muộn và cả những nỗi buồn ly biệt (*) Có lẽ chỉ có lũ trẻ con là vô tư vô lự nên khi đặt lưng xuống giường là nhanh chóng chìm sâu vào trạng thái an lạc.

Người ta nói đời người ngủ nhiều nhất là khi mới sinh ra, sau đó thì ngủ ít dần và về già thì thời gian nhắm mắt lại càng thiếu. Có người cho rằng có lẽ do biết ngọn lửa sinh mệnh của đời mình không còn có thể kéo dài bao lâu nên họ phải tranh thủ mở mắt để ngắm nhìn cõi nhân gian xinh đẹp để không còn hối tiếc khi nhắm mắt lìa đời.

Nếu chúng ta quan sát kỹ sẽ thấy trẻ sơ sinh có thể ngủ hai mươi tiếng một ngày; thanh thiếu niên thì ngủ tầm mười hai, mười ba tiếng; người trưởng thành ngủ tầm mười tiếng; tuổi trung niên chỉ khoảng sáu đến tám tiếng; người già thì chỉ còn đâu đó bốn tiếng tức hai canh giờ. Và đêm nay đã chú định là một đêm không ngủ của đại đa số những người trưởng thành, là đêm của những tiếng thở dài thao thức.

Thế nhưng, có một số trường hợp là ngoại lệ. Đó là một số trưởng lão có uy tín trong làng cùng các chức sắc như lí trưởng. Bọn họ vừa đặt lưng lên giường thì một con gió ùa qua, thân thể đột nhiên mềm nhũn còn tinh thần thì bắt đầu mê man. Trong không gian mộng mị không phân biệt đông tây nam bắc nhìn như sương khói mờ ảo họ nghe được tiếng nói như xa như gần vọng qua đánh thức:

“Này, già làng, ông mau mau mau tỉnh lại”.

“Ai gọi tôi thế?” Ông lão tỉnh lại ngồi dậy nhìn qua thì thấy hai người lính đang đứng bên cạnh giường

“Chúng tôi là binh lính bảo hộ cho làng này. Quan lớn mời ông qua đình gặp mặt”. Hai người lính chắp tay chào hỏi rồi nói rõ ý đồ đến đây.

“Quan nào cơ ạ? Tôi có làm sai gì sao? Các anh đến bắt tôi à”. Ông lão nghe đến quan lớn thì hoảng sợ vội nói. Xưa nay bất cứ cái gì đụng đến quan lớn đều là chuyện đại sự cả. Quan người ta không tự nhiên rảnh rỗi mà hỏi đến dân đen như mình. Nếu đã hỏi đến thì nhất định phải có chuyện xảy ra. Và chuyện này thì tất nhiên sẽ không đơn giản.

“Không. Ông lão có tội gì đâu mà chúng tôi bắt cơ chứ. Chúng tôi, chỉ nhận được lệnh đến nhà mời ông đến gặp quan lớn thôi. Cùng với ông còn có các chức sắc của làng và một số già làng khác như ông Tý, ông Sửu nhà bên cạnh. Ông cứ an tâm. Không có ai hại ông cả đâu. Thôi. Ông tranh thủ theo chúng tôi về đình làng gặp quan, chậm trễ chúng tôi sẽ bị phạt đấy”. Hai anh lính ôn tồn khuyên bảo

Nghe thấy thế ông lão cũng an tâm bước xuống giường xỏ dép rơm vào và với cái ao choàng vắt ở đầu giường khoác lên người. Ông lão vừa đi theo vừa nói: “Vâng. Vậy các anh chờ tôi một chút. Người già rồi cũng không còn nhanh nhẹn như hồi còn thanh niên. Ngày tôi còn là thanh niên ấy mà. Tôi khỏe lắm đấy.

Hồi đó, tôi còn gia nhập làm lính của Thiên tử cơ, khi ra trận tôi dũng mãnh xung phong chém giết được rất nhiều quân địch còn được Tướng quân rất nhiều lần tuyên dương. Không may một lần xung phong đánh quân của sứ quân Đỗ Cảnh Thạc tôi bị trúng tên vào phổi, từ đó sức khỏe đi xuống, cuối cùng phải giải ngũ về quê.

Ài dà. Nếu tôi còn theo Hoàng Đế thêm một thời gian nữa, chí ít cũng lên làm tướng quân chứ không phải chơi. Gia đình con cháu có khi cũng trở thành danh gia vọng tộc. Tôi tiếc nuối mất mấy năm. Nhưng nói đi cũng phải nói lại các anh à. Nếu tôi còn tham gia quân ngũ, có lẽ cũng mất mạng chứ chẳng sống đến bây giờ. Xưa nay có được ắt có mất, trời đâu cho ai tất cả cũng như chẳng lấy mất của ai hết bao giờ”.

“Chúng tôi biết ở cái làng này ông là người dũng mãnh gan dạ. Mà cả cái làng này có ai mà chúng tôi không biết rõ đâu. Chúng tôi biết hết đấy chứ. Ai thiện ai ác, ai gian ai trung, ai khổ ai sướng, chúng tôi đều biết cả đấy” Một anh lính gật đầu nói vào câu chuyện

“Thật vậy sao, các anh biết rõ từng người dân làng cả ư? Mà sao tôi nhìn mặt anh thấy quen quen nãy giờ nhưng nghĩ mãi mà chẳng biết đã gặp anh ở đâu cả. Lạ thật.” Ông lão ngạc nhiên hỏi

“Biết rõ. Thế ông có nhớ ngày xưa khi còn thanh niên, ông từng nhân lúc trời tối, ông lén sang nhà bà quả phụ Tâm ở cuối làng tòm tem hay không? Ha ha. Lúc ấy chúng tôi những tưởng ông cũng dạng anh hùng, ai dè mới thụt vô rút ra chưa được nửa khắc đã phất cờ trắng xin hàng làm bà quả phụ cụt hứng lườm nguýt trách móc không thôi. Những lần sau mò đến bị bà ấy đuổi thẳng cổ phải tiu nghỉu ra về.” Một anh lính cười tủm tỉm pha trò

Ông lão nghe anh lính vạch trần hành vi lén lút của mình thì xấu hổ quá trời quá đất. Trên đời này sợ nhất là có kẻ biết mình làm điều xấu xa là đi trộm tình quả phụ nhưng càng xấu hổ hơn là chứng kiến tình cảnh thất trận bại vong trong tình trường. Thật là giây phút thê thảm của nhân sinh. Ông lão quê quá phát bực: “Các anh đừng có ngậm máu phun người. Tôi chắc chắn lúc đó không có ai biết. Nếu có biết thì chỉ là ma quỷ thần linh mà thôi”.

Vừa nói đến đây, ông lão bỗng nhận ra điều gì bất thường nên cơ thể phản ứng lạnh cả sống lưng, miệng há to nhưng không thể phát ra tiếng kêu y như con vịt bị nắm lấy cổ. Tay ông lão chỉ chỉ vào hai anh lính. Hiểu ra ý nghĩ của ông lão, một anh lính cười cười

“Ha ha. Ông nghĩ đúng rồi đấy. Chúng tôi không phải người. Nói đúng ra chúng tôi đã từng là người sống như ông. Còn bây giờ chúng tôi là quỷ thần, là quỷ sai dưới trướng Thành Hoàng đại nhân. Mọi việc trong làng này từ lớn bằng trời đến nhỏ như lông gà lông vịt chúng tôi đều thông hiểu và ghi chép hết. Ai đúng ai sai, ai công ai tội đều không bỏ sót. Chờ phút lâm chung chúng tôi mới đến mời về trước mặt Thành Hoàng để xét xử. Ông không nghe câu: Trên đời ba thước có thần minh hay sao?”

Ông lão sợ hãi, mặt trắng nhợt, chân run rẩy như muốn ngã quỵ. Thì ra hai người này là quỷ sai. Bức tượng của họ cũng được thờ trong đình làng bảo làm sao thấy quen mắt như thế. Quỷ thần đi vô ảnh, khứ vô tung, vô hình vô chất, trên thông thiên dưới triệt địa, giữa hiểu nhân. Trời ạ. Nói vậy, là mình đã chết rồi ư? “Tôi…tôi…anh...anh”

“Ông yên tâm. Ông chưa chết đâu. Dương thọ ông vẫn còn. Dịp này là dịp đặc biệt nên chúng tôi mời ông xuất hồn tạm thời. Xong việc, ông sẽ lại về nhà nhập vào xác thân. Trước khi gà gáy, mọi sự đều an toàn. Ông cứ bình tĩnh. Tý nữa, Thành Hoàng đại nhân có hỏi gì thì ông cứ thành thật trả lời, có sai bảo gì thì nhớ khi tỉnh lại thì làm cho đúng kẻo mang tội”.

“Dạ…da…tôi cảm ơn các anh. Nhất định tôi sẽ nghiêm khắc tuân thủ lệnh của Thành Hoàng Đại Nhân ạ”.

“Ừ. Tôi nói rồi. Ông đừng quá khẩn trương. Chúng ta đều là người cùng làng cả. Các ông lo việc người sống, chúng tôi quản việc người chết, tuy khác nhau về tính chất công việc nhưng lại phụ thuộc vào nhau như bóng với hình, nương vào nhau mà tồn tại. Nói ra, tôi với ông cũng là người trong họ cả đấy.

Tôi là Nguyễn Văn Thân, là anh họ và hơn ông 10 tuổi, chết trận trong cuộc chiến của Ngô Vương, dân làng thương cảm tôi cô hồn dã quỷ nên có tiến cử tôi với Thành Hoàng. Từ đó, tôi làm quỷ sai ở đây để bảo hộ cho làng ta, chờ dương thọ tan hết sẽ luân hồi chuyển thế đầu thai.”

Ông lão reo lên mừng rỡ: “Hóa ra, anh là anh Thân ấy ư? Từ bé tôi có theo anh đi chăn trâu thì phải. Ngày anh chết, cả làng khóc thương quá trời, hóa ra anh vẫn tồn tại với chúng ta à”.

“Đúng vậy. Nhờ ơn dân làng và Thành Hoàng đại nhân tôi mới không phải chịu nỗi khổ của thân phận cô hồn dã quỷ. Về làng làm quỷ sai nên tôi không phải chịu làm con ma đói khát. Mặt khác tôi lại có cơ hội làm việc tích trữ công đức để khi hết dương thọ thì luân hồi không bị đọa Địa Ngục.

Tôi nói cho ông nghe. Chết không phải là hết đâu. Ai nghĩ vậy là một sai lầm nghiêm trọng. Chết thì sẽ phải luân hồi đầu thai sang kiếp khác. Còn việc lên Thiên Giới hay đọa Địa Ngục hoặc làm Người thì tùy vào việc khi còn sống họ như thế nào.”

------

(*) Theo giáo lý nhà Phật thì nhân sinh sẽ gặp phải Bát khổ tức tám loại khổ. Chân lý thứ nhất - Khổ đế - của Tứ diệu đế nói về tính chất của khổ như sau:

“Sinh là khổ; già là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ; lo lắng, than thở, buồn rầu, tuyệt vọng là khổ; không đạt gì mình ưa thích là khổ; nói tóm lại: mọi thứ dính líu đến Ngũ uẩn là khổ.

Sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tằng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ uẩn xí thạnh khổ”.

Những người dân làng Cổ Pháp sở dĩ mất ngủ là bởi gặp một trong tám loại khổ, đó là ái biệt ly.

Ái Biệt Ly Khổ tức sự khổ khi xa lìa người thân yêu. Điều này trong hoàn cảnh chiến tranh, ta càng thấy rõ ràng. Biết bao gia đình chịu cảnh kẻ Bắc, người Nam. Biết bao thanh niên phải dấn thân nơi trận mạc, người ở nhớ thương, kẻ đi sầu thảm. Đó chỉ là cái khổ sanh ly.

Lại biết bao kẻ tuổi hãy còn xuân, tử thần cướp đi người yêu quý, phải chịu cảnh góa bụa bơ vơ. Rồi lại những kẻ cha mẹ, anh em, con cái bị đạn bom tử nạn. Còn biết bao trẻ em quyến thuộc đều chết, thiếu tình thân mật, sống vất vưởng cô nhi! đây là nỗi khổ về tử biệt. Cho nên biển nhớ sông thương đã sâu dài, mà núi hận trời sầu cũng cao rộng! Cảnh sanh ly tử biệt với người thân yêu, quả thật là khổ!