Chương 23: Có ta ở đây

Khải Ca hét lớn đánh vòng ra phía trước thì thấy một tay Thục Phán đang chụp lấy thân dao lưỡi qua, máu từ tay hắn chảy xuống dài trên nền đất.

"Ngươi ... sao ngươi ngốc vậy?" Nàng nghẹn ngào nói, mặt không còn miếng máu.

"Ta ngốc đâu chỉ một lần."

Tình cảnh này mà hắn còn bình chân như vại thật sự nàng không thể hiểu nổi. Đoạn nàng quay lại nhìn kẻ đã làm ra trò tiêu khiển độc ác vừa rồi. Thiếu nữ chỉ đương tuổi trăng tròn, nét mặt hoa ngọc nhưng tâm tính độc ác như loài rắn rết, khiến người căm phẫn!

Nữ tử giật phắt lưỡi qua khác trên xe đẩy, nhún người lấy đà bay lên nắm lấy tàn dây cổ thụ lớn đang treo lơ lửng ở không trung nhắm hướng thiếu nữ y đỏ ra sát chiêu. Hai chân nàng khép lại định bụng quật ngay cổ nàng ta một cú đánh đau đớn, mất mạng như chơi. Thiếu nữ y đỏ hơi chút bất ngờ nhưng không nao núng, thiếu nữ đợi nàng bay đến thì đưa tay chấn một bên chân nàng mà quặt sang bên. Khải Ca mất trớn, nữa thân người trên bị rớt xuống đất, nàng lanh trí đưa tay ra chống đỡ trọng lực thân thể, nương đó mà đánh bật lại người đầu bên kia như cái đòn bẩy khổng lồ. Thiếu nữ nhìn ra được ý đồ của nàng liền xoay tay mình nhanh hơn để chân nàng cũng phải quay theo như thế quay tơ, Khải Ca không trở mình ngay được nên quay mấy vòng trên đất, hai tay giữ vững thế sẵn sàng phản công bất ngờ.

Thục Phán cứ ngỡ có thể tiết chế được tính khí nóng nẩy của nàng nên vừa rồi lơ là cảnh giác. Ai ngờ, một phút chớp nhoáng nàng đã liều mạng bay đến hơn thua với thiếu nữ độc ác kia.

"Tên nô lệ này chán sống rồi sao? Thần nữ cũng dám động vào."

Viên chủ quản tuy bất ngờ trước sự tàn nhẫn của thiếu nữ y đỏ nhưng dù sao nàng ta cũng là Thần nữ Nam Cương. Đụng đến nàng ấy thì rắc rối to, chẳng khác nào ngang nhiên chống đối lại chín bộ lạc Nam Cương một cách liều lĩnh?

"Ngăn hắn lại. Nhanh lên." Sai nô nín thở đứng bên ngoài đen kín, định mượn thời cơ nới lỏng giữa hai người mà nhảy vào kéo tên nô lệ không sợ trời đất ra, nào đâu họ đấu liên tiếp liền mấy chiêu vẫn không chút sơ hở, thậm chí một phút mất cảnh giác cũng không có.

Thiếu nữ y đỏ mượn thế dây xích đang khoá hai chân nàng, không thể bung sức hết cỡ nên nắm lấy tầm trung sợi dây kéo xoay vòng, vẽ nên cái vòng tròn lớn. Khải Ca nhắm mắt lại, dùng hết lực tập trung ở phần giữa thân để giảm lực tải ở chân ra, làm một cú hích mạnh ngược hướng thiếu nữ kéo bên kia, khiến nàng ta bị văng lên không trung, rớt xuống cột đang dựng bạt lớn, bị va chạm mạnh khiến nó gãy làm đôi, toàn bộ bạt che khu khắc binh khí đều đổ sập.

Thiếu nữ y đỏ ngậm một miệng đầy máu!

"Khá lắm!" Thiếu nữ y đỏ nói.

Thục Phán chạy đến chỗ nàng lo lắng, hắn ngó trước sau xem xét một lượt những chỗ nàng bị thương, nhất là ở hai bàn tay đều bị xước mảng lớn, hắn nhìn thấy mà đau xót vô cùng.

"Đưa tay ra băng vết thương này. Có ta ở đây, ngươi cứ chạy lung tung vậy? Người ngợm như khỉ con, chẳng hiểu chuyện gì hết."

"Đầu tròn, tay huynh ... bị thương cũng không nhẹ."

Thục Phán phớt lờ lời nàng nói, hắn tháo sợi dây vải tử sắc quấn ngang trán mình xuống, xé dây vải theo chiều dọc ra làm hai. Mỗi sợi đều quấn thành mấy vòng tròn trên tay nàng. Bên kia, thiếu nữ y đỏ lom khom đứng dậy, tỳ nữ chạy đến hốt hoảng vô cùng, miệng ả như bị kim châm, mắng nhiếc nàng không tiếc lời. Viên chủ quản cũng lật đật chạy lại xem thần nữ Nam Cương có bị thương tật thế nào không, chứ lúc hai người họ đánh nhau hăng máu thì hắn cũng biết nữ nhân này võ nghệ chẳng phải tầm thường, đúng hơn là rất có bản lĩnh và cơ trí. Chẳng qua là đứa nô lệ kia lanh mắt hơn chút nên phút cuối nàng ấy mới dính một đòn ê mặt như vậy.

"Thần nữ bớt giận, nô lệ kia mới bị đưa đến đây nên bản chất lỗ mãng vẫn chưa thay đổi. Ta bắt hắn đến chỗ người thỉnh tội lập tức ha, thậm chí xử chết tại chỗ cũng không vấn đề. Người đâu, bắt tên đó đến đây mau."

"Không vội. Ngày sau còn dài. Hôm nay xem như bổn toạ được vận động xương cốt vậy. Đi thôi."

"Hả? Người không trách phạt gì sao? Thần nữ! Ớ ớ ... ta đang tỉnh hay đang mơ đây?"

"Chủ quản ơi, trời vẫn còn sáng." Tên tuỳ tùng bên cạnh được nước trêu hắn. Tổng quản tức khí quay qua đánh đầu hắn bôm bốp, nghe muốn rụng hết cả tóc.

"Nói năng hàm hồ, đồ chết bầm. Suy nghĩ giải quyết hết đống hỗn tạp này đi. Dù có xé hắn ra thành trăm mảnh cũng phải thu dọn chiến trường lại như cũ, không được thất thoát gì. Nếu không ngươi liệu thân đi chung với hắn một thể."

"Dạ dạ, tiểu nô lại lắm lời rồi. Tiểu nô đi ngay."

...

"Tiểu tử ngươi ngày thường không có gì nổi bật nhưng lúc giận dữ lên thật khiến người khác hoảng sợ."

Cao Lỗ, người thợ rèn có bắp tay vạm vỡ khi trước đến chỗ nàng đang đứng. Hắn thấy nàng tay chân không hoạt bát như trước do vết thương ở lòng bàn tay chưa lành hẳn nên vừa làm vừa bắt chuyện để nàng giảm bớt cái đau âm ỷ nơi tay.

"Ta chỉ tự bảo vệ mình, nếu ả không quá đáng thì đã không chuốc lấy kết cục như vậy."

Cao Lỗ không ngần ngại hỏi:

"Ngươi không sợ đối đầu với Thần nữ của các bộ lạc Nam Cươn ư? Nàng ta chính là người đó."

"Sợ ư? Với kẻ không thân quyến, phụ mẫu, không còn gì để mất thì chữ sợ có nghĩa lý gì?"

Cao Lỗ có chút đắn đo, suy nghĩ trong lòng khi nghe những lời của tên nhãi nô lệ có vóc người mảnh khảnh nhưng lại có cái gan cùng mình nhất thiên hạ. Hắn không ngần ngại đối đầu với kẻ ác nhưng hoá ra là kẻ không biết ý nghĩa của sự sống còn là gì. Sống chết đối với hắn nhẹ như lông hồng, nhưng kỳ thực hắn mới không biết ý nghĩa của việc muốn được sống còn khó hơn việc tìm đến cái chết.

"Ngươi nhìn xem, muốn có kiếm tốt thì kim loại phải qua sự đun nóng, nấu chảy thành một khối dài như vậy. Sau đó, đem nó đi rèn, dập búa nhiều lần mới thành hình hài của thanh kiếm này. Nhưng đó chưa phải là tất cả! Kiếm cần phải qua sự mài dũa bền bỉ mới trở thành kiếm tốt trong thiên hạ. Kiếm tốt lại đi đánh nhau, sát thương con người, thậm chí là đoạt mạng người khác. Một thanh kiếm tốt là thanh kiếm phải qua sự mài dũa, tôi rèn rất công phu mới thành, sau đó nó có trở thành vũ khí có ích cho đời hay không là do tâm tính người cầm kiếm. Có những lúc, kiếm đả thương người để cứu thiên hạ, nhưng cũng có lúc giết người để mưu cầu dục vọng cá nhân."

"Huynh không phải xuất thân từ nô lệ sao? Ta chưa từng nghe nô lệ nào có suy nghĩ muốn lấy việc rèn kiếm như việc tôi rèn nghị lực sống. Đó là suy nghĩ vượt phận, một trong những điều đại kỵ ở đây. Bọn họ có thể nói rằng huynh càn rỡ điên rồ. Ta chưa từng nghĩ sẽ phải đối diện những ngày tháng sau này ở đây của mình như thế nào, nhưng ta tin huynh, tin những lời huynh vừa nói đó, rất đáng chiêm nghiệm. Hôm nay, ta quả nhiên được mở mang tầm mắt của mình."

Cao Lỗ cười phóng túng:

"Tất nhiên là không rồi. Ta vốn là người dưới trướng Mã Đề, thủ lĩnh Thương Lang. Vì phạm đại tội nên mới bị đưa đến đây chịu khổ sai, nhưng ta không phục. Ngày nào còn hơi thở ta sẽ nghĩ cách ra khỏi nơi đây. Tiểu tử, ta nói nhiều lời chẳng qua cũng chỉ muốn ngươi suy nghĩ thấu đáo hơn. Tìm con đường sống cho mình không hề dễ dàng bằng việc tìm đến cái chết. Nếu ngươi muốn chết thì thử nhảy vào lò kim loại đang đun kia đi. A Ngưu, bọn chúng không ai ngăn cản ngươi đâu, may ra có Viên Hoằng hắn sợ thiếu người làm đơn hàng cho thành chủ thì sẽ ra tay cản trở. Nhưng sau việc đó thì sao? Hắn xem các ngươi không hơn gì loại thấp hèn. Chúng ta cũng là người, nô lệ sao không thể được cư xử như những con người bình thường khác?

Vạn vật được sinh ra ở khắp đại địa đều đã được định sẳn những sứ mệnh của riêng mình, nếu ngươi không tìm được mục đích sự tồn tại của mình thì mãi cứ như một hòn đá vô tri không cảm xúc, sống một cuộc đời vô nghĩa, phụ tấm lòng của những người yêu thương mình. Thậm chí những đấng sinh thành đã qua đời của ngươi."

"Ta, ta nhất thời lỗ mãng ..."

"Không nhanh tay làm việc mà làm gì đây?"

Từ dạo đụng chuyện với thiếu nữ y đỏ thì viên chủ quản, Viên Hoằng, đã để ý nàng hơn, hắn thường xuyên làm khó dễ kiếm chuyện mỗi khi nàng ngơi tay được một chút thì lại xuất hiện để chấn chỉnh người. Nô lệ ở Hắc Nhai không có nhiều thời gian nghỉ ngơi như ở trại Nam Cương nhưng ngược lại lương thực được phát ngày ba bữa, bù lại chẳng có phút nghỉ ngơi tán rỗi như trước nên lắm lúc nàng nghĩ Hắc Nhai sơn như một cái bánh xe quay kéo nước khổng lồ mà những con người ở đây đều là những giọt nước vô tri luôn phải làm lấp đầy hồ bất kể ngày đêm.

"Khải Ca, qua đây giúp ta một tay."

Thục Phán bên phía đối diện đã gọi nàng tới vừa kịp lúc. Nàng để ý trong lúc mình và Cao Lỗ đang trò chuyện thì Thục Phán cứ đảo mắt về phía nàng suốt buổi. Có lẽ hắn đã nghe được hết những lời nói sống chết bạt mạng của nàng. Trong mắt hắn, nàng là một người sống tuỳ tiện và hành động vô cùng lỗ mãng. Chả trách hắn luôn xuất hiện để cứu giúp nàng, ôn nhu những lúc cần thiết để chăm sóc nàng như một tiểu đệ thiếu suy nghĩ.

"Hắn rất có sức hút." Thục Phán điềm nhiên mở lời trước, ngữ ý có vẻ trách móc khó hiểu.

"Ai?"

"Còn ai vào đây?"

"Ý huynh, là Cao Lỗ? Không phải chứ? Chúng ta là bằng hữu."

"Chúng ta? Hai người thân thiết lúc nào ta không biết vậy?"

"Cao Lỗ là người rất uyên bác và hiểu chuyện. Huynh ấy khiến ta được mở mang tầm mắt, ngưỡng mộ vô cùng."

"Vậy à?"

"Uhm, thật đó."

Thục Phán nhìn chỗ lưỡi qua nàng đang đập dở có vẻ không vui, ánh mắt cau có, hỉ nộ thất thường. Nàng cũng thấy hơi khó hiểu.

"Lưỡi qua sao cùn vậy? Ngươi phải rèn lại hết mới được."

Nàng có phần nghi hoặc, khổ sở nói:

"Huynh nhìn xem, có khác gì hôm qua chứ? Không phải một, hai cây mà huynh bảo hết chỗ này. Hay huynh cố tình làm khó dễ ta phải không?"

"Khải Ca, mắt ngươi nhìn người có thể sai nhưng mắt ta nhìn kim khí vô cùng chuẩn xác, không thể chạy đâu khỏi. Ta thấy chỗ này làm không đúng thì tốt bụng nói cho ngươi biết. Ngươi tin không thì tuỳ. Nếu để Viên Hoằng đến kiểm tra, ngươi không thoát được thì đừng trách ta không nể tình báo trước."

"Ờ ờ, để ta làm lại. Sao hôm nay huynh khó chịu với ta vậy? Vết thương ở tay khiến huynh đau nữa sao?"

Trái với sự lo lắng của nàng thì Thục Phán tỉnh queo như khúc gỗ:

"Lúc nãy bị đau mắt nên thấy không khoẻ. Giờ thì thoải mái vô cùng."

"Thì ra vậy. Đầu tròn, ta còn nghĩ huynh đang ... mà thôi, chuyện này sao có thể xảy ra được chứ?"

Thục Phán không thèm nghe nàng nói hết câu đã quay lưng đi, trở về chỗ đứng khi nãy. Hắn điềm nhiên bắt tay vào công việc với khối kim loại trong tay, ra sức uốn kim loại thành đường vòng cung uốn lượn để làm mặt lưỡi binh khí. Chốc chốc, thanh kim loại bị nhúng vào nước phát ra những tiếng xì khét lẹt, bóng nước nổi lên tua tủa.

Nàng nhìn lại đống lưỡi qua dưới chân mình mà ngao ngán.

Đầu tròn, hắn có con mắt tinh tường nhìn xuyên binh khí được sao?

Một lát sau, sai nô đến chỗ Thục Phán nói gì nàng không nghe rõ lắm. Sau đó thì Thục Phán theo chân hắn đi ra ngoài, mãi giờ Ngọ mới thấy trở lại, mồ hôi vã đầy lưng áo. Nàng tò mò đến hỏi thăm thì nhận lấy vẻ lạnh lùng không nói không rằng của Thục Phán, thấy uất ức vì thái độ hờ hững của hắn nên Khải Ca trở về nhưng lòng buồn bực không vui chút nào. Sự việc cứ như vậy lập lại thêm vài ngày sau nữa liền khiến nàng từ buồn bực trở nên hờn giận hắn một cách vô cớ.

"Thêm số này nữa thì còn lại bao nhiêu?"

"Để ta xem, uhm còn khoảng ba trăm bốn mươi bảy kiếm và hai trăm linh tư lưỡi qua nữa."

"Ây dà, nhiều dữ vậy sao?"

Viên Hoằng kéo tuỳ tùng đang cầm sổ ghi chép lại hỏi tiến độ công việc trong khi nô lệ đang vận chuyển quân khí từ sơn động ra khu khắc binh khí. Trong một nơi không xa chỗ nàng và Thục Phán thì a Ngưu cũng đang đốc thúc nô lệ khuẩn trương hơn mọi lần. Càng đến ngày bàn giao đơn hàng cho thành chủ Bản Phủ thì Viên Hoằng càng gấp gáp, đứng ngồi không yên. Mỗi ngày cứ độ hai ba canh giờ hắn lại chạy quanh hò hét người, thậm chí còn tăng thêm số lương thực phát cho mỗi buổi ăn. Sự rộng rãi của hắn liền khiến sai nô lo lắng:

"Không được, nếu ngài làm vậy thì những tháng ngày sau ra sao? Sau đơn hàng này sẽ không còn bao nhiêu lương thực qua mùa đông nữa."

"Hầy dà, lương thực cũng dùng để phát cho nô lệ ăn. Bây giờ, để chúng ăn nhiều mới đủ sức khoẻ làm việc trong nhiều canh giờ liền, sau này bớt ít lại còn đỡ hơn số hàng này không giao đúng thời hạn, đầu trên cổ không còn thì lấy đâu ra sống đến ngày phát lương thực tiếp nữa?"

"Nhưng sau đơn này còn đơn khác. Người bên trại Nam Cương chẳng biết chê ngân lượng bao giờ, ngài làm vậy khác chi đang cầm cự cái đầu treo trên cổ mình? Ngài không bảo Tào chủ đưa thêm nô lệ đến đây sao? Cứ như vầy ta thấy không phải là kế lâu dài."

"Sao hôm nay ngươi lắm lời vậy? Ngươi sợ chết, ông đây còn quý cái mạng này hơn. Xin nô lệ, ta cũng đã lên tiếng, ngặt nỗi trận cháy vừa rồi trại Nam Cương thiệt hại vô số kể. Ván đã đóng thuyền, đến đâu hay đến đó vậy. Đừng nhiều lời nữa, cứ làm như ta bảo."

"Ầy da. Ta vô phương cứu chữa ngài."

Từ xa, một sai nô đi đến thưa:

"Bẩm, Thần nữ vừa đến."

Viên Hoằng đang buồn bực trong lòng chuyện quân khí nên ngữ khí có phần nóng nẩy, quát lại sai nô:

"Nàng ấy có phải đến ngày một ngày hai không? Báo với ta làm gì? Vào gọi Thục Phán như mọi khi. Việc gì cũng trình báo làm ta tức chết mới hả dạ sao?"

Sai nô thấy Viên Hoằng không vui thì rụt rè hạ giọng hết cỡ:

"Nhưng ... Thần nữ muốn mượn hắn về Bản Phủ ít hôm mới cho về. Ta nghĩ việc này cần ngài ra mặt nói chuyện mới ổn thoả."