Chương 1: Triều Đại Tây Sơn

Tỉnh Bình Định của Việt Nam.

Vào những năm 1776, một trong Tây Sơn tam kiệt là Nguyễn Nhạc tự xưng Vương đóng đô ở đây và xây dựng nhiều công trình lớn, đến năm 1778 thì hoàn thành.

Sau khi kết thúc, Nguyễn Nhạc làm lễ lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu Thái Đức.

Nơi đây theo đó cũng gọi là thành Hoàng Đế.

Tháng 7, năm 1778.

Hiện tại đang là buổi sáng, thiên nhiên tràn ngập sức sống, tiếng chim ríu rít hót vang không ngừng. Xa xa ở phía đông một trong bốn cửa thành của thành Hoàng Đế, lúc này có một đoàn người đang nối đuôi nhau đi tới.

Từ áo quần trên người cho đến từng đường nét đặc trưng trên cơ thể, có thể dễ dàng nhận thấy tất cả họ đều là người ngoại quốc.

Họ là phái đoàn sứ giả của vương quốc Anh được phép đến thành Hoàng Đế triều kiến do sứ giả Chapman dẫn đầu.

Khi càng tới gần và đi vào sâu bên trong, Chapman vừa cất bước vừa lần lượt đánh giá hoàn cảnh xung quanh, bốn mặt thành đều được đắp cao hơn năm mét và ốp bằng đá ong làm tòa thành không những có quy mô bề thế mà còn vững chắc, xung quanh cũng xây dựng nhiều pháo đài, cùng với vọng canh để bảo vệ thành.

Đất trong thành cũng là ruộng lúa cùng vô số nhà dân.

Một mạch thẳng hướng nơi hoàng đế trú ngự cùng triều đình, kế tiếp họ trèo lên từng bậc thềm có từng hàng binh sĩ canh gác quanh cung điện.

Cung điện được mở trống hai bên, đằng trước mặt tiền rộng rãi, các mái ngói được nâng đỡ bằng từng cột gỗ quý.

Sau khi được thông cáo và dẫn tiến đi vào, đập vào mắt họ chính là ngai vàng, nơi ấy một vị trung niên có tướng mạo uy nghiêm đang ngồi trên chiếc ghế bành trang trí đầu rồng thếp vàng, đồng thời trước mặt có cái bàn nhỏ đặt một chiếc gối bằng lụa đỏ thêu hoa vàng để tựa tay. Chiếc ghế đặt ở vị trí trang trọng nhất trong cung điện, nó cao hơn so với sàn nhà ba bậc thềm, cùng với phía sau là một bức ngăn đẹp đẽ đầy hoa văn.

Hiển nhiên rằng người đang ngồi này là hoàng đế Nguyễn Nhạc, có thể yên tọa ở vị trí cao quý nhất trong cung điện thì dù tên ngốc cũng nhận ra thân phận của người đàn ông trung niên này.

Đồng thời ở hai bên ngai vàng cũng được đặt hai chiếc ghế, nó được đặt ở vị trí nhìn lên ngai. Chapman biết đây là dành cho em vua là Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Lữ, nhưng hiện tại chỉ có một ông em ngồi đó, ghế còn lại thì để trống.

Và sau hai ghế ấy, cũng đặt nhiều tràng kỷ cho các quan lại ngồi theo thứ bậc, rất nhiều người cũng đang yên tĩnh ngồi ở đó, Đại tư mã Ngô Văn Sở, nội hầu Phan Văn Lân, Thái úy Võ Đình Tú, Đại tư khấu Võ Văn Dũng, Thiếu phó Trần Quang Diệu hay Trung Thư Lệnh Võ Văn Hầu, hay bà Bùi Thị Xuân Đô đốc đại tướng quân..

Chapman đương nhiên không nhận ra toàn bộ, nhưng dù sao cảnh quan cũng vô cùng đẹp đẽ.

“Tham kiến Trung ương Hoàng Đế!”

“Tham kiến Trung ương Hoàng Đế!”

Chapman đi vào thì ngay lập tức dẫn đầu chắp tay hành lễ, các sứ thần còn lại cũng học theo kính cẩn lễ bái, thanh âm mặc dù có chút vặn vẹo, nhưng thủy chung vẫn nghe ra họ nói gì, đây toàn bộ là công lao của thư ký phái đoàn, người có trách nhiệm ở giữa phiên dịch.

Và tiếp theo toàn trình hội thoại cũng sẽ do thư ký phụ trách phiên dịch.

“Miễn lễ, ban ghế ngồi!”

Nguyễn Nhạc ra lệnh một tiếng.

Rất nhanh từng binh sĩ lần lượt từ bên ngoài vác theo từng chiếc ghế ghỗ đi vào cẩn thận đặt ở nơi ấy.

Tất cả đồng loạt ngồi xuống.

Sau khi mọi người đều đã yên vị trên từng vị trí của mình, lúc này Nguyễn Nhạc mở miệng.

“Vua đã biết lý do mục đích chuyến đi này của các vị, mọi việc đều được quan Thượng Thư thông cáo với Vua, việc thiết lập mối quan hệ hữu nghị và kết nối giao thương giữa hai nước, thông điệp của đoàn sẽ được Nhà Tây Sơn ghi nhận.”

Sau khi được thông dịch, Chapman cũng lên tiếng:

“Thưa Vua, nếu vậy thì không gì tốt đẹp hơn, tôi cũng hy vọng việc thương mại sẽ diễn ra theo cách thức tốt đẹp, tôi cũng rất yêu quý nơi này và người dân nơi đây. Sau khi tiếp tục cuộc hành trình của chúng tôi tại Ấn Độ và ghé vào một làng chài ở Pullo Gambir (Cù Lao Xanh),  người dân tiếp chúng tôi khá niềm nở, họ rất lịch sự, một ngư dân của làng chài đã tình nguyện dẫn đường cho đoàn đi đến Quy Nhơn. Tại đây tàu thuyền có thể hoàn toàn tránh đi gió bão.. Trên bờ, trồng trọt trù phú, phong cảnh thật ngoạn mục, chỗ thấp cấy lúa, chỗ cao trồng hạt tiêu đến đỉnh đồi, Quy Nhơn là một nơi rất tuyệt hảo, chúng tôi cũng bắt gặp khá nhiều thương thuyền như Macao và Bồ Đào Nha, một nơi rất sầm uất..”

Thông dịch viên cũng không quên nhiệm vụ của mình, Chapman một bên nói, thông dịch viên một bên mở miệng. Nguyễn Nhạc chỉ im lặng nghe và khẽ gật đầu.

Cuộc trò chuyện cứ thế diễn ra, những quan viên khác bao gồm Nguyễn Nhạc cũng biết đến nhiều hơn về chiến tích của người Anh trên khắp biển cả, khi Chapman một lần nữa đề cập đến việc thương mại thắt chặt tình hữu nghị giữa hai bên thì Nguyễn Nhạc cũng không từ chối mà cho phép người Anh buôn bán suốt cả mùa với một thuế suất nhất định.

Tuy vậy, ban đầu mức thuế Nguyễn Nhạc đưa ra có hơi cao nên Chapman phân tích và đề nghị nhà vua giảm xuống.

Khi các cuộc đối thoại cơ bản này chấm dứt và đi đến thống nhất, Nguyễn Nhạc tiếp tục mời Chapman tới tư dinh để bắt đầu cuộc nói chuyện riêng, đây là cuộc trao đổi liên quan đến mặt chính trị.

Đi theo hai người còn có em trai nhà Vua và thông dịch viên, tổng cộng bốn người bọn họ, những người còn lại trong phái đoàn đều đã được an bài xắp xếp nghỉ ngơi.

Sau khi đến dinh thự và để mọi người đều ngồi, Nguyễn Nhạc ra lệnh cho thị nữ dâng trà, còn bản thân thì rời đi.

Em của Vua, người đàn ông vẫn đi theo bên cạnh lúc này mới niềm nở cười giải thích.

“Thật xin lỗi, anh cả tôi không có thói quen mặc áo rồng trong dinh thự vậy nên anh ấy muốn cởi bỏ, nếu không phiền thì ngài đợi một lát nhé, nhanh thôi ấy mà!”

“Không có vấn đề gì, không sao cả.. Đúng rồi nhỉ, vẫn chưa giới thiệu và nhận thức ngài, phải chăng ngài là ngài Nguyễn Huệ hay Nguyễn Lữ?”

Chapman theo tục lệ chắp tay hỏi, đồng thời tỉ mỉ quan sát em của Vua. Người đàn ông này có thân hình cao lớn, mày kiếm mắt sáng, dáng người khỏe mạnh cứng cáp, có thể là một người tập võ theo như ông ta biết.

“Tôi là Nguyễn Huệ, Long nhượng tướng quân của Tây Sơn!”

Nguyễn Huệ cười thoải mái nói.

“Ồ! Ra là ngài Nguyễn Huệ, vậy ngài ở đây chẳng hay Nguyễn Lữ?”

“Lữ đang ở vùng Nam Bộ để tiết chế quân đội, Lữ là một người rất cần mẫn và chăm chỉ..”

Nhắc tới em trai, Nguyễn Huệ hơi thở dài, khẽ lắc đầu và lầm bầm nói nhỏ: “Nhưng cũng không khiến cho tôi và anh cả bớt lo..”

“Thật vậy sao? Không lẽ võ thuật của ngài Nguyễn Lữ rất kém?”

Nguyễn Huệ nghe thấy vậy không nhịn được bật cười lắc đầu.

“Kém? Không, không đâu, trước đây khi ba anh em chúng tôi còn ở Nhà Tây Sơn, Lữ học rất nhiều môn võ, tinh thông Miên quyền và Miên kiếm rất lợi hại, kinh khủng nhất là Hầu kê quyền do chính Lữ sáng tạo, rất nhiều tướng sĩ Nhà Tây Sơn trước đây khi vẫn còn là anh hùng, lãng khách đều bị một tay Lữ đánh phục.”

“Ồ! Kinh khủng như vậy?”

“Tất nhiên rồi, không ngoa khi Lữ được anh cả phong cho Võ quan, được tất cả anh em Tây Sơn gọi là Võ thần.”

“Nếu vậy tại sao ngài lại buồn rầu?”

“Bởi vì tính cách của Lữ, vì là người có tính nết hiền hòa chỉ ưa thích thanh tịnh, nên dù làm Võ quan, nhưng Lữ chỉ phụ trách công việc hậu cần, cái này ngài không thấy kỳ lạ sao? Nếu không phải anh cả quyết tâm khởi nghĩa, có thể Lữ chỉ muốn phiêu bạc giang hồ, thật sự đức tính của Lữ không thích hợp ở thời đại loạn lạc này.”

Mỗi khi nhắc đến Nguyễn Lữ, dù đối phương hay người nghe có là ai đi chăng nữa, Nguyễn Huệ đều có thể bô bô nói không ngừng.

Nguyễn Lữ là đứa em trai mà Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc rất tự hào, dù Nguyễn Huệ vang danh với môn Nghiêm thương, Tứ Môn kiếm, Tứ Môn côn, những môn võ sử dụng binh khí rất đặc thù dẫu vậy vẫn bị Lữ đánh bại. Không nói đến việc sử dụng binh khí. Nguyễn Huệ có khổ người to lớn, chắc nịch không như Nguyễn Lữ có thân hình mảnh khảnh, dẫu vậy khi cả hai vứt đi vũ khí và đấu tay đôi với nhau Nguyễn Huệ cũng dễ dàng bị Nguyễn Lữ hạ đo ván.

Hoặc vị Đô đốc đại tướng quân kiệt xuất, bà Bùi Thị Xuân rất nổi tiếng với bộ Tuyết Hoa Song kiếm và Song Phượng kiếm kia cũng phải cam bái hạ phong.

Nguyễn Lữ đích xác là người đại diện cho câu nói yếu có thể đánh mạnh, thấp có thể đánh cao, nhỏ có thể đánh lớn, ít có thể đánh nhiều.

Sau khi Nguyễn Huệ và Chapman tán gẫu một hồi thì Nguyễn Nhạc mới chầm chậm bước ra, quen thuộc ngồi xuống chủ vị.

Chapman thấy Nguyễn Nhạc đã cởi bỏ toàn bộ mão, áo lễ nghi và lúc này chỉ mặc một bộ áo ngắn, đầu quấn khăn nhiễu đỏ, trong bộ dạng không gò bó và đầy thiện chí.

“Cả hai đang nói với nhau chuyện gì vậy? Huệ, có phải là em đang bí mật nói xấu anh cả hay không?”

“A! Không đâu, em nào dám chứ. Em không muốn bị chính anh mình xét nhà đâu!”

Nguyễn Huệ giả vờ hồi hộp phe phẩy cánh tay đáp, rồi nói tiếp:

“Em đang nói về Lữ!”

Chapman cũng chen vào một câu, giơ lên ngón cái:

“Nguyen Lu is an outstanding talent!”

“?”

“?”

“Nguyễn Lữ là một tài năng kiệt xuất!”

Người phiên dịch vội nói.

“À!”

“À!”

Cả hai nhịp nhàng thốt lên.

“Ok! Xây nô vông!” (Say no wrong)

Nguyễn Huệ ngồi ngay ngắn khoanh tay gật gù.

“?”

Nguyễn Nhạc kinh ngạc nhìn Nguyễn Huệ như thể cả hai anh em họ chỉ vừa mới nhận biết.

“Em mới học được..”

Nguyễn Huệ bị anh cả nhìn chằm chằm trên mặt có chút đỏ lên, chỉ vào thông dịch viên:

“Đương nhiên là từ người này!”

“Hiếu học như vậy? Còn câu nào khác nữa?”

“Ừ có.. Ai đớp du!” (I love you)

“Ai cơ? Đớp cái gì?”

“Là ai đớp du!” (I love you)

“?”

Nếu hoàng đế không cần uy nghiêm, Nguyễn Nhạc thật muốn chửi mẹ. Nguyễn Nhạc biết, Chapman sau khi neo tàu tại cảng, theo đề nghị của viên quan coi cảng Chapman cử thư ký tới nhà Nguyễn Huệ gần đó và tặng vài tấm vải hoa, vài chai rượu mạnh và một tấm nhung, có thể Nguyễn Huệ lúc ấy đã học vài từ tiếng Anh mới mẽ dùng để khoe mẽ với thê thiếp cũng nên.

“Anh cả, đừng nhìn em bằng ánh mắt đó, anh nên vào vấn đề chính đi đừng để khách của chúng ta đợi lâu!”

Nguyễn Huệ ho khan một tiếng đẩy đi sự chú ý.

Liên quan đến việc này, nét mặt Nguyễn Nhạc cũng trở nên nghiêm túc lên.

“Vị sứ giả của phương Tây, nguyên nhân các cuộc loạn lạc gần đây khiến đất nước đang rơi vào tình trạng xáo trộn, Vua phải tận sức mình để dẹp yên. Hơn hết còn phải thôn tính các trấn phía bắc. Mà muốn đạt tới được kết quả ấy, Vua thật tha thiết cần sự trợ giúp từ một số chiến thuyền của người Anh và Vua sẽ trả công bằng việc nhường một khoảng đất cho người Anh xét thấy cần thiết để lập thương điếm hay cứ địa...”


Hơn nữa giờ sau, Chapman mới rời khỏi dinh thự cùng ba phong thư.

Cuộc trò chuyện nhận được kết quả rất khả quan.

Những phong thư mà Chapman cầm chính là Nguyễn Nhạc gửi đến Anh quốc.

Bao thứ nhất có ấn triện của vương quốc, chỉ dẫn các điều kiện cho tàu thuyền tới buôn bán trong nước, cùng yêu cầu mấy huấn luyện viên quân sự.

Hai bao còn lại mang con dấu nhỏ hơn: Một thư mô tả ngựa mà Nguyễn Nhạc muốn người Anh gởi tặng và thư kia cho phép cập bến ở các cửa khẩu.

Bên trong dinh thự, lúc này Nguyễn Nhạc đang ngồi im lặng suy tư, còn Nguyễn Huệ thì nâng tách trà chậm rãi thưởng thức.

“Cấp báo!!! Cấp báo!!!”

Bỗng nhiên một tiếng kêu thất thanh của binh sĩ hớt hãi chạy vào từ bên ngoài khiến cho Nguyễn Nhạc khẽ giật mình một cái, Nguyễn Huệ vì thế cũng dừng lại động tác uống trà.

“Vào đi!”

Nguyễn Nhạc cất cao giọng.

“Thưa đức vua cùng với tướng quân! Có tin tức từ vùng Nam Bộ truyền về, võ quan Nguyễn Lữ đã mất tích trong khi thao luyện quân sĩ!”

Nguyễn Huệ cánh tay vô thức buông ra chén trà khiến nó rơi xuống mặt đất vỡ toang.