"Thị Lộ, ngươi có nhận tội không?", một thùng nước lại dội xuống, át đi giọng quát hỏi của một tên cai ngục. Người phụ nữ ngẩng đầu lên, khuôn mặt ướt nước và máu, đôi mắt đỏ ngầu. Thái Hậu Nguyễn Thị Anh đứng trước mặt nàng, không khỏi sững người. Lễ Nghi nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ tài sắc nổi danh kinh kỳ, bây giờ yếu ớt như cành non trước gió, tiều tụy như cánh hoa trong mưa, tà áo dài nhuộm đỏ bởi máu, mái tóc lấm tấm sợi bạc xõa xuống vai. Đôi mắt nàng đẫm lệ, âm thanh nhè nhẹ vang lên, "Ta nhận tội". Vừa nói xong, Thị Lộ ngửa mặt lên trời mà kêu oan, rồi lịm đi lúc nào không hay. Tuyên Từ thái hậu nghe được những lời vừa rồi, liền lập tức rời khỏi đại lao. Hình ảnh nữ tử tù cứ thế ám ảnh trong tâm trí nàng, tạo nên một vết hằn sâu hoắm, không thể nào quên đi. Bên ngoài ngục tối, Thị Anh mới bình tâm lại đôi chút, truyền gọi thị nữ thân cận bên mình. "Bẩm đức bà, đức bà cẩn trọng phượng thể". Thúy Liễu vừa dìu nàng trở về điện Kính Thiên, vừa lo sợ không kể siết. Từ ngày theo hầu đức bà tới giờ, thị chưa bao giờ thấy Thái Hậu dao động như thế. Hai vai nàng run rẩy không ngừng, mồ hôi lạnh vã ra như tắm. Ngoài điện Kính Thiên, con trai nàng đang chập chững tập đi, nhìn các vương tử, hoàng tôn khác chạy nhảy vui đùa với một vẻ ghen tị không giấu được trong ánh mắt ngây thơ. Nguyễn Thị Anh nhắm mắt lại, cố gắng ổn định lại nhịp thở, nàng không biết phải làm gì nữa, cũng không biết ngày mai sẽ ra sao. Sự tày trời nàng gây ra, biết đâu một ngày nào đó, lại giáng xuống đầu Bang Cơ của nàng. Thị Anh lắc đầu, sự việc của ngày đó, không nên nhắc tới nữa...
"Bẩm đức thánh thượng, thần cùng Thị Lộ sẽ điều tra rõ chân tướng vụ việc này, trả lại trong sạch cho Ngô Tiệp Dư", quan hành khiển Nguyễn Trãi nghiêm trang bẩm báo, vẻ kiên định chính trực không gì lay chuyển được hiện trên gương mặt sương gió. Vị hoàng đế trẻ tuổi khẽ thở dài, đuôi mắt nhạn mệt mỏi nhắm lại, khoát tay ra hiệu cho kẻ hầu gần đó. Một cung nhân tiến lên, dìu Ngô Thị Ngọc Dao đang quỳ trên mặt đất đứng lên, đỡ nàng ra điện phía sau nghỉ ngơi. Ngọc Dao đã mang long thai được 4 tháng, sóng gió không ngừng ập đến, đổ lên đôi vai gầy yếu của nàng, Từ chuyện mơ thấy tiên đồng thác sinh, bị các vị cung phi ganh ghét, lại bị Nguyên phi Nguyễn Thị Anh buộc tội dùng vu thuật, ám hại thái tử Bang Cơ. Nàng quay đầu nhìn lại, ánh mắt long lanh nước, giống như cô thiếu nữ hồn nhiên trong sáng năm xưa từng làm trái tim vị vua trẻ rung động. Lê Thái Tông không hề ngoảnh lại, ngài bước ra khỏi cung Khánh Phương, để mặc các cung phi đang náo loạn sau lưng. Hiếm khi họ trông thấy đức thánh thượng giận dữ như vậy, kể từ chuyện của Hoàng phi Dương Thị Bí. Nàng ta vì cậy sủng sinh kiêu, đức thánh thượng ghét lắm mới chỉ giáng nàng ta làm thứ dân, còn Ngô Thị Ngọc Dao... Lúc chuyện xảy ra, không ai tưởng tượng được, vị cung phi thường ngày khiêm nhường, ít nói lại... Trong đó có một người sắc mặt sầm tối, là nguyên phi Nguyễn Thị Anh. Nàng nhìn theo xa giá rời đi, lại nghe tiếng trò chuyện của Ngô tiệp dư với Nguyễn Thị Lộ ở gian sau, trong lòng bất an mà khẽ vân vê vạt áo. Nàng và Ngô Thị Ngọc Dao hơn kém nhau có một tuổi, một người vào cung năm trước, một người năm sau, cũng gọi là thân thiết. Ngọc Dao vốn hiền lành lại có đôi phần nhút nhát, có người tỷ muội sắc sảo như Nguyễn Thị Anh, cuộc sống thâm cung đã dễ thở hơn trước rất nhiều. "Xin lỗi chị, ta còn có con trai, cần phải có được hậu vị". Nàng lấy lại nét mặt bình thường, nặng nề rảo bước về phía trước.
Tối đó, tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao bí mật cùng lễ nghi nữ học sĩ rời khỏi cung cấm, tới được cửa Đông, nơi Nguyễn Trãi đích thân chờ sẵn. Cùng đi với ông còn có một người khoác áo choàng màu đen, không nói một lời đặt một miếng ngọc vào tay nàng rồi nhanh chóng quay lưng biến mất. Ngọc Dao vừa nhìn đã biết đó là ai, nàng gạt nước mắt bước lên xe ngựa, rời xa chàng thiếu niên ấy. Mãi mãi. Đêm đó ở Lệ Chi Viên, ngài đã hỏi Nguyễn Thị Lộ: "Nàng ấy có hận trẫm không?". Lễ nghi nữ học sĩ thương tâm trả lời, "Ngô tiệp dư trước nay tính tình hiền hòa, bao dung độ lượng, tuyệt đối sẽ không ghi hận". Ngài mệt mỏi nhắm mắt lại, hơi thở mỗi lúc một yếu dần. Nét mặt trưởng thành đã sớm quen lo nghĩ của vị hoàng đế trẻ cuối cùng cũng được buông xuống, lộ ra nét ngây thơ vốn có của một thiếu niên. Ngày mùng bốn tháng tám, đức thánh thượng băng hà, trọng tội đổ lên đầu vợ chồng Nguyễn Trãi...
Bỗng từ chính điện vọng đến một tiếng khóc, thái hậu mới sực tỉnh, chạy đến bế con trai, ôm cậu bé vào lòng. Bang Cơ không bị xây xát gì nhiều, tấm áo cổn rồng còn quá dài so với một đứa trẻ 2 tuổi lết quết đất, lấm lem cát bụi. Nguyễn Thị Anh suýt nữa thì òa lên khóc, nếu nàng đợi được tới vài năm sau thì tốt quá,... Nhìn qua nhìn lại, đức thánh thượng nhỏ tuổi, xung quanh không hề có huynh đệ ruột thịt. Ngoài Lệ Đức hầu có phủ đệ riêng ngoài cung cấm, nàng vốn không có thiện cảm với mẹ của chàng, thứ phụ Dương Thị Bí. Bùi Quý Nhân bảo vệ con trai nàng ta rất kỹ, nhất nhất tránh xa chuyện triều chính, tránh xa đức thánh thượng. Cũng phải, số phận những đứa trẻ nơi này, phần lớn là do đương kim thái hậu, Nguyễn Thị Anh quyết định. "Bẩm đức bà, ba tháng trước, Ngô tiệp dư đã sinh được một hoàng nam, hiện đang trú tại chùa Huy Văn". Nàng thở dài, lại như nhìn thấy bóng dáng người tỷ muội ngày trước hiện ra trước mắt. Hai thiếu nữ trẻ người non dạ từng cùng nhau học thêu thùa với các cung nhân, Thị Anh sẽ vừa vẽ hoa mẫu đơn, vừa nhắc nhở Ngọc Dao: "Chị đừng có cả tin quá, trong cung thâm sâu, không cách nào đo đươc lòng người". Đôi mắt đức thánh thượng sáng lên, trong miệng lẩm bẩm gì đó, nghe như "Tư Thành". Nguyễn Thị Anh trìu mến hỏi lại, "Con muốn em tên Tư Thành sao?". Bang Cơ gật đầu, cậu bé mới lên hai nhưng đã biết nghĩ suy, cũng khá thông minh sáng suốt. Nàng đứng lên, quay về chính điện. Thôi vậy, con ta dù sao cũng đã ngồi vững trên ngai, không cần đuổi cùng giết tận những kẻ ngày xưa nữa...Không bao giờ được lặp lại thảm án Lệ Chi Viên năm đó nữa. Giữ mạng lại cho Tư Thành, coi như tích thêm phúc cho Bang Cơ, dù sao có thêm anh em tương trợ, ngai rồng mới vững chắc...
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chẳng mấy chốc cậu bé Lê Tư Thành ngày nào đã tròn mười bảy tuổi, được đức Nhân Tông phong tước vương, tới Kinh Diên điện học tập cùng các vương hầu. "Tư Thành, đa tạ hoàng huynh chiếu cố". Nhìn thiếu niên sáng lạn hiên ngang, thông minh hơn người trước mặt mình, Lê Nhân Tông vô cùng hài lòng, xúc động kéo em trai đứng dậy. "Huynh đệ chúng ta, cùng dốc sức cho giang sơn Đại Việt!". Khuôn mặt hai đứa trẻ bừng nở một nụ cười rạng rỡ, cùng nhau cắp sách đi về đại điện. Lúc này, thái hậu Nguyễn Thị Anh mới tạm yên lòng, những dằn vặt ngày xưa đã đi theo suốt nửa đời người, cũng đôi phần vơi bớt.