Chương 8: Tâm tư

Các ngự y cật lực, tận tâm cứu chữa. Người châm kim vào mạch nặn máu độc, kẻ sắc thuốc bôi vào các mụn nhọt lở loét. Sau hai canh giờ, bệnh tình thánh thượng dần có chút khởi sắc. Ngài tỉnh lại nhưng long thể còn rã rời.

Bọn ngự y thấy thánh thượng hồi sức, liền dập đầu. Ngài đảo mắt một lượt, phất nhẹ tay bảo họ lui xuống. Quách Hữu Nghiêm nghe tin nhưng cũng chỉ dám đứng bên ngoài tẩm phòng mà vọng vào: “Bẩm đức thánh thượng, thần Hữu Nghiêm không lúc nào thôi lo lắng. Hay biết đức thánh thượng phục hồi, tâm can thần nhẹ nhõm thay.”

“Vì sợ xông vào tẩm phòng phải tội phạm thượng nên hắn mãi lấp ló bên ngoài. Hắn thật có lòng, quả nhiên là sủng thần của ta.” Thánh thượng thầm nghĩ lại càng thêm hài lòng bầy tôi như Nghiêm. Ngài lệnh cho tên nội quan bên cạnh cho gọi y vào.

Quách Hữu Nghiêm được cho phép đặt cái ghế nhỏ ngồi cạnh giường. Đôi chân mày nhướng lên đầy ưu sầu, để lại những nếp nhăn rõ rệt trên vầng trán. Y chốc chốc thở ra tiếng nặng nhọc.

Nhớ lại những năm đầu Quang Thuận, triều đình lúc này vừa xong binh biến, dẹp được đám tàn dư quan liêu của Lệ Đức hầu, quanh đi quẩn lại chỉ có đám thần lão niên Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Lý Lăng,… Nhận thấy vấn đề cấp bách, thánh thượng lập tức mở khoa thi tuyển chọn hiền tài.

Thời kỳ ấy, Lương Thế Vinh và Quách Đình Bảo nổi lên như một luồng gió mới giữa đám tre già cằn cỗi. Hai người không chỉ có lối nghĩ tiến bộ tương đồng mà còn trạc tuổi vị vua trẻ nên họ nhanh chóng được tin dùng. Tuy nhiên, tính khí họ Quách kỷ luật có phần cứng ngắt. Họ Lương lại quá phóng khoáng, đôi khi bỡn cợt các lão thần quá giới hạn khiến nhiều phen lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười. Vì thế, thi thoảng thánh thượng vẫn chưa thực sự hài lòng.

Quách Hữu Nghiêm như một sự kết hợp hoàn hảo giữa hai người Lương Quách, muốn nhu có nhu, muốn cương có cương. Đối nhân xử thế biết dung hòa thái độ giữa nghiêm nghị và mềm dẻo. Dẫu ban đầu thứ hạng đỗ đạt không nằm trong tam khôi (1) nhưng dần, nhờ sự tinh ý khéo léo, Nghiêm từng bước chứng minh bản thân, trở thành một trong những đại thần cốt cán trong triều, lại được đức thánh thượng hết mực tín nhiệm.

Quách Hữu Nghiêm không chỉ tài giỏi mà tướng mạo cũng rất đoan chính. Nhưng, sau hơn ba mươi năm lăn lộn chốn quan trường, đường nét xưa kia không tránh khỏi sức tàn phá của thời gian. Y lộ gương mặt thảm não khiến cái già nua ấy càng làm y thêm xấu xí.

“Thời gian thật quá vô tình.” Thánh thượng nở nụ cười thoáng vẻ bất lực.

Hữu Nghiêm chấp tay rằng: “Bẩm đức thánh thượng, xin người đừng quá bi uất. Ngự y đã nói chỉ cần chú ý dưỡng bệnh, không lâu nữa, người sẽ khỏe lại mà thôi.”

Thánh thượng cười xòa. Lần đầu tiên, Quách Hữu Nghiêm không hiểu được ngụ ý của ngài. Có vẻ, y lo toan quá độ nên không thể suy nghĩ được gì ngoài bệnh tình của đức hoàng thượng. Cái lo của ngài và cái lo của y dường như khác xa nhau. “Thấm thoắt đã gần ba mươi bảy năm ở ngôi cao, chưa chuyện gì ta chưa từng trải qua. Cay, đắng, ngọt, bùi của dân chúng, ta sao không thấu hiểu? Chỉ tiếc rằng, dẫu tham lam khẩn cầu phật tổ kéo dài thêm bao năm, cũng không thể làm dân chúng đời đời ấm no.”

Nghiêm để ý được tiếng não nề khẽ khàng, y liền nói: “Bẩm đức thánh thượng, nhờ ơn đức Thái Tổ gây lại nền độc lập tưởng chừng đã rơi vào tay giặc. Đức Thái Tông quyết đoán, tinh tường. Đức Nhân Tông khoan hậu, độ lượng. Đức thánh thượng mở rộng bờ cõi, công lao to lớn vô cùng. Là con dân Đại Việt, lại được phục vụ cho Lê triều là phúc phần của thần. Ngày nào Lê triều còn, dân chúng Đại Việt vẫn còn hưởng hồng ân.”

Thánh thượng khẽ nhếch một bên khóe môi. Chợt, ánh mắt trở nên xa xăm, mãi lúc sau mới lên tiếng: “Tranh đâu rồi?”

“Bẩm, thái tử điện hạ vẫn đang quỳ bên ngoài sân điện. Thần sẽ vời thái tử điện hạ vào hầu người!” Quách Hữu Nghiêm từ nãy đến giờ muốn nhắc đến thái tử nhưng sợ rằng thánh thượng vẫn chưa nguôi giận nên y không dám nói. Nghe ngài chủ động hỏi về thái tử, cặp mắt y sáng rỡ, chưa dứt câu đã toan đứng dậy rời đi.

“Hãy bảo nó hồi Đông cung.”

Lời lẽ như thể tạt một gáo nước lạnh băng. Hữu Nghiêm chưa đến cửa đã nhanh chóng trở vào.

“Nó luôn là đứa biết phép tắc nhất trong số các hoàng tử của ta. Quỳ suốt mấy canh giờ như thế hẳn tự tâm nó biết có lỗi. Biết ta hồi tỉnh nhưng không tự ý vào trong mà vẫn kiên trì quỳ bên ngoài, nó sợ ta vẫn chưa nguôi mà ảnh hưởng thể trạng.” Giọng điệu bình thản, chậm rãi như vậy, có lẽ ngài đã phần nào dịu đi vụ việc của thái tử. Tuy nhiên, một thoáng sau, ngài chợt đẩy nhẹ hơi thở dài, “Thái tử được lòng bầy tôi nhưng bởi từ nhỏ dựa dẫm vào mẹ khá nhiều, gia thế của Vĩnh Ninh cung quý phi ấy rất lớn. Nếu nó nối nghiệp đại thống, với tính e dè không tự quyết đại sự mà hỏi han ý kiến của mẫu phi nó, há chẳng phải tiếp tay cho họa ngoại thích chăng?”

Quách Hữu Nghiêm không nói một lời. Bao nhiêu tâm tư y đã nói hết ra, bao nhiêu lời lẽ y đã giải trình tất cả. Đức thánh thượng tự biết đúng sai, giờ này mà lặp lại chuyện trữ vị e khiến ngài thêm phiền não. Ngay lúc này, chẳng còn gì tốt hơn việc lẳng lặng nghe hầu chuyện.

Bên ngoài có tiếng báo Kinh vương xin cầu vấn thăm. Thần sắc đức thánh thượng bỗng bừng sáng. Rõ ràng, ngài thực sự mong mỏi vị hoàng tử này rất nhiều.

Kinh vương vừa vào tẩm điện liền sà vào nơi thánh thượng nghỉ. Vương không kiềm được mà nước mắt ngắn dài, cầm tay hoàng thượng không nói nên lời.

Quách Hữu Nghiêm sợ xúc cảm của Kinh vương ảnh hưởng không tốt đến thánh thượng, y nhanh ngăn cản nhưng vẫn giữ chừng mực bầy tôi: “Xin Kinh vương điện hạ đừng quá thương tâm. Ngự y hồi rằng thể trạng đức thánh thượng chỉ cần dưỡng sức sẽ qua cơn đại hoạn.”

So với những hoàng tử của thánh thượng, Kinh vương có lẽ là vị tình cảm nhất. Mọi cảm xúc đều bộc lộ không biết giấu diếm. Ắt có lẽ, do thánh thượng và Quang Thục hoàng thái hậu thương xót Kính phi mất sớm nên thay vì dùng cách dạy nghiêm khắc như những vị hoàng tử khác, Kinh vương sớm hôm được yêu thương bảo bọc từng li từng tí.

Tình phụ tử được thấy rõ nhất ở nhà thường dân, càng nắm trong tay quyền lực, thứ tình cảm thiêng liêng ấy dần nguội nhạt. Bởi từ nhỏ thiếu vắng đi cảm giác có người cha bên cạnh, lớn lên lại chứng kiến cảnh tượng nồi da nấu thịt nên phần nào ngài tâm niệm phải giữ tâm trí lạnh nhạt với mọi thứ. Đến khi thái tử ra đời, vì quá sủng ái Vĩnh Ninh cung phi nên thái tử cũng rất được thương yêu. Tuy nhiên, thái tử lại là người kiệm lời, luôn mang ưu tư giấu vào trong, vui thú hay phiền muộn cũng chẳng buồn để lộ. Các hoàng tử khác có chăng chỉ là những thứ lo lắng có lệ, âu cũng chờ chực vào cái vị trữ hòng lấy lòng vua cha mà hạ bệ huynh trưởng.

Giờ đây, Kinh vương tuổi nhỏ hồn nhiên, không mưu toan tính toán, dùng thực tâm mà bày tỏ sự âu lo với bệnh tình vua cha làm ngài cuối cùng cũng cảm nhận được tình phụ tử mà tưởng chừng như chưa từng trải qua trong đời.

Thằng tớ theo hầu Kinh vương khúm núm giữ khay thức ăn nóng hổi, chờ bề trên bịn rịn với nhau vài câu, nó vâng mệnh bày biện lên bàn. Kinh vương tự tay dâng bát canh thuốc cho thánh thượng, vui mừng ra mặt khi ngài ăn ngon miệng.

Kinh vương tuy hiếu học, tài giỏi nhưng dù gì cậu cũng chỉ là trẻ con. Tâm tư cứ thẳng tuột mà bộc lộ không chút suy nghĩ. Thánh thượng bật cười, một tay xoa đầu con nhỏ, trìu mến hỏi thăm: “Nghe nói mấy ngày gần đây, Tảo không tiện vào cung thăm con. Con không cảm thấy tẻ nhạt sao?”

“Thưa phụ hoàng, quý phi rất tốt với nhi thần!” Kinh vương tươi cười hồi đáp, “Quý phi sợ nhi thần cô độc nên hôm nào cũng bầu bạn cùng nhi thần. Người nghe nhi thần đối thơ, còn nấu cho nhi thần nhiều món ngon nữa. Nhi thần rất thích quý phi.”

Thánh thượng bỗng khựng lại một chút, liền đảo mắt về phía Hữu Nghiêm đang đứng phía sau Kinh vương. Nghiêm cũng ngạc nhiên không kém. Bình thường, quý phi chỉ quan tâm mỗi nhi tử bà ta rứt ruột đẻ ra, sao nay lại kết thân với Kinh vương? Dĩ nhiên có gì đó khó hiểu.

Thánh thượng như muốn thăm dò tình hình, bèn nói: “Ta giao con cho Nguyễn tu dung nuôi dưỡng, không có tình thì phải có nghĩa. Ở với ai thì theo người đó, nội cung phức tạp, đừng nên đi lại lung tung.”

Kinh vương thật thà trả lời: “Tu dung di nương suốt ngày tụng kinh niệm phật, không đoái hoài trần tục nên di nương cũng chẳng màng đến nhi thần. Quý phi thực sự chăm sóc nhi thần rất tốt thưa phụ hoàng. Dẫu nhi thần trở thành quân chủ hay chăng, nhi thần ắt sẽ phụng dưỡng quý phi chu đáo.”

Lời nói bất giác khiến họ Quách rùng mình. Ngôi chính Đông cung hiện đã có chủ, quân chủ về sau không thuộc về bất cứ ai ngoài thái tử. Ý tứ của Kinh vương như thế lẽ nào cậu cho rằng mình vẫn còn cơ hội? Chẳng phải tạp niệm của cậu đã quá rõ ràng hay sao?

Y khẽ chau hàng mày rậm rạp, ánh nhìn như dò xét thái độ của thánh thượng. Kì lạ thay, ngài vẫn giữ nét bình thản như không.

“Đức Thái Tổ phong đức Thái Tông làm thái tử, đức Thái Tông cho đức Nhân Tông giữ ngôi chính Đông cung. Vậy ai xứng đáng kế nghiệp đại thống sau ta?”

Câu hỏi của ngài nhẹ nhàng, từ tốn nhưng đột nhiên Kinh vương cảm giác toàn thân toát mồ hôi lạnh. Nghĩ đến câu nói không chủ đích của mình mới vừa, cậu vội quỳ thụp xuống: “Nhi thần sai rồi! Nhi thần vốn không có ý đó. Xin phụ hoàng thứ tội!”

Thánh thượng khẽ thở nhẹ, phất tay bảo Kinh vương lui đi. Kinh vương chần chừ chưa muốn rời, vẻ tội nghiệp hiện hữu trên gương mặt trẻ thơ ấy như một lời khẩn cầu. Ngài tiện tay đưa bát canh cho Nghiêm, không chút đoái hoài. Biết nán lại cũng vô ích, Kinh vương thất thểu khấu đầu cáo lui.

“Nhân chi sơ, tính bổn thiện. Phải chăng tất cả bọn chúng khi trưởng thành đều mất đi cái thiện lành ban đầu?”

Tinh ý nhận ra sự thất vọng của ngài, Quách Hữu Nghiêm sau dặn dò đám người gác cửa cẩn thận, y khom người mà thưa: “Bẩm đức thánh thượng, Kinh vương điện hạ vốn chớ hề có ý tranh ngó hoàng vị. Vương hãy còn trẻ người non dạ, ăn nói chưa liệu được chừng mực. Xin thánh thượng đừng quá để tâm mà hao tổn thể sức.”

Vua Hồng Đức trầm ngâm, vô định nhìn về khoảng không phía trước. Họ Quách cũng im lặng. Một đỗi sau, y lấy trong ngực áo một bọc gấm, vừa vặn mở ra những tờ giấy đầy chữ. Đấy là thư từ của Vĩnh Ninh cung quý phi trao đổi với thái tử mà y tra được.

Ngài chăm chú, không bỏ sót một câu từ. Xếp những tờ giấy chỉnh tề, ngài giao lại cho Nghiêm. Sắc khí dần ổn định.

“Quý phi bên trong Vĩnh Ninh cung, cho gọi nàng ta đến đây.”


Chú thích:

(1) Tam khôi: Trạng nguyên, bãng nhãn, thám hoa.