Nghe phong phanh trong các kẻ hầu của mình có nội gián, Lê Tuân sau cơn bạo bệnh liền tiến hành tra khảo từng đứa một. Ban đầu chỉ là dọa nạt, nhưng càng ngày, sự phẫn nộ đối với cái chết của thằng tớ yêu ngày một chiếm lĩnh toàn bộ tâm trí. Lê Tuân không còn tự chủ mà tự thân dùng hình lên đám hầu còn lại.
Không chịu nổi áp lực lẫn đau đớn thể xác, một đứa quan tì khai báo chính ả đã chứng kiến thằng nô Tặng nhiều lần lén lút gặp kẻ khác, lại có lần ả chính mắt trông thấy nó rời khỏi Đông cung còn đi đâu lại không rõ. Lê Tuân vốn tính nóng nảy, khắc nghiệt, lại thêm lời nói như đổ dầu vào lửa khiến y như muốn phát cuồng. Thằng Tặng dĩ nhiên phủ nhận mọi thứ nhưng vì Lê Tuân càng lúc càng tàn bạo nên nó buông xuôi, cúi đầu chịu tội. Lê Tuân không nương tay thêm nữa, tức giận vớ lấy chiếc bình một phát đập vào đầu nó, máu chảy lênh láng, chết ngay tức khắc. Chúng nô tớ sợ kết cục như thằng Tặng nên tuyệt nhiên không dám hó hé một tiếng, dẫu biết trong cung nghiêm cấm việc đánh chết hay bạo hành kẻ dưới nhưng chúng chỉ nhắm mắt làm ngơ. Ngay cả thị thiếp Ngọc Đỉnh, bọn hầu còn chẳng dám nửa lời tiết lộ.
Đương đêm khuya khoắt, theo lệnh của Lê Tuân, bọn nô bỏ xác thằng Tặng vào cái bao, dùng dây buộc sao cho gọn nhất có thể, rón rén tìm chỗ phi tang. Được biết cứ vào độ giờ sửu, sẽ có đám người kéo xe đổ các bệ xí ra khỏi cung bằng Bảo Khánh môn, chúng trao đổi thỏa thuận, chỉ cần tìm cách đến điểm hẹn gần đó, sẽ có kẻ chờ sẵn giúp mang cái xác ra ngoài thành.
Nhưng dĩ nhiên, trời cao luôn thấu mọi hành động sai trái.
Lê Tuân quỳ giữa điện Tường Quang, hai tay bấu vào áo ngăn từng cơn run chạy dọc cơ thể. Thái tử cùng Ngọc Hoàn và hai thị thiếp hay tin cũng nhanh chóng có mặt nhưng chỉ mỗi thái tử được phép vào bên trong.
Thái tử giữ vẻ điềm nhiên, lướt ngang nhi tử, hành lễ với vua cha mặc cho đứa con này giương đôi mắt như thể cầu cứu nhìn mình.
Nghĩ đến những việc Lê Tuân gây ra, vua Hồng Đức không thể giấu nỗi sự thất vọng, chỉ vào y mà lớn tiếng: “Ngỡ rằng ngươi hối cãi, ấy vậy mà, không những không nhận ra lỗi lầm, lại còn tạo nên nghiệp chướng! Tranh, ngươi nói sẽ giáo dưỡng nó đường hoàng, nhưng nhìn xem, bấy nhiêu chuyện xảy ra đều do sự vô tâm của ngươi!”
Thái tử ánh mắt đượm chút bất lực, giọng nói trầm đi: “Nhi thần quá hỗ thẹn!”
Vua Hồng Đức cả giận, quát: “Không đơn thuần là thái tử, ngươi còn là cha. Hoặc dĩ ngươi thay ta nối nghiệp đại thống, dẫu nỗ lực hết mực gánh vác sơn hà, nhưng hậu duệ tệ hại, há chẳng phải lũng đoạn chăng?” Ngài nghiêm giọng, thanh âm vang dội, lệnh: “Truyền, hoàng thái tôn Tuân ỷ thế hiếp đáp kẻ dưới, không cố tình hạ sát nô bộc, cấm không được bước chân ra khỏi tẩm phòng, kẻ hầu người hạ cắt giảm còn hai đứa. Bất cứ ai dung túng cho nó, ta tuyệt đối không nương tay!”
Lê Tuân bị đưa về Đông cung, thái tử chần chừ, chờ đợi vua cha phán xét mình. Vua Hồng Đức rời khỏi ngai vàng, chỉ bảo thái tử mau hồi Đông cung một cách lạnh nhạt rồi đi khuất.
Thánh thượng lòng luôn canh cánh về hành trạng của Lê Tuân, càng nghĩ, ngài càng trông ra vận mệnh mịt mờ. Có tiếng cung bắn vun vút, thánh thượng nán lại sai đứa nội quan đến xem.
“Hồi đức thánh thượng, là Quảng vương giúp đỡ Kinh vương võ lượt.” Tên nội quan khúm núm thưa.
Thánh thượng mãi suy nghĩ nên chẳng để tâm đã đến nơi nào, tĩnh tâm lại, nhận ra trước mặt là Giảng Võ điện, nơi các hoàng thân luyện tập và cũng là nơi tổ chức thi thố võ biền.
Ngài chợt cảm thấy một chút an lành, hạ giọng nhỏ nhẹ nói: “Hai anh em chúng luôn sát cánh như vậy sao?”
Tên nội quan thưa: “Dạ bẩm đức thánh thượng, Quảng vương rất quan tâm Kinh vương ạ.”
Ngài lại hỏi: “Trời vào trưa, chúng chẳng nghỉ ngơi sao?”
Nó liền đáp: “Dạ bẩm, Kinh vương hiếu học, ham thích văn võ, bất kể giờ giấc nào, vương đều không quản khó khăn mà bền chí dùi mài. Quảng vương vốn tính thuận hòa, lại hay Kinh vương do Kính phi sinh ra nên thật lòng đối đãi cũng xem như là trả ơn nghĩa dưỡng dục trước kia.”
Thánh thượng trầm ngâm, đăm chiêu suy tư điều gì. Ngài hướng mắt về sân Giảng Võ một đỗi rồi lại hỏi tên nội quan: “Gần đây Tuấn không đến học cùng Kiện sao?”
Nó lại đáp: “Dạ bẩm, hoàng tôn Tuấn gần đây cùng hoàng tôn Thuần học hành, lại rất được thái tử phi chiếu cố.”
Thánh thượng khẽ gật đầu, nói: “Truyền ngự sử Quách Hữu Nghiêm đến điện Cần Chánh.”
Ngự sử Quách Hữu Nghiêm là bào đệ của thượng thư Quách Đình Bảo. Hai anh em ông đến hiện tại cũng được xem là những vị đại thần đầu triều, rất được thánh thượng ưu ái. Riêng Nghiêm, với bản tính ngay thẳng, dùng lời lẽ thật can gián nên vua Hồng Đức cực kì tin tưởng và giao phó nhiều trọng trách.
Quách Hữu Nghiêm thi hành lễ của kẻ làm tôi diện kiến đấng bề trên. Thánh thượng ban tọa, Nghiêm cung kính tạ ân. Nhìn thần sắc thánh thượng nhợt nhạt, Nghiêm lộ vẻ âu lo, thưa: “Bẩm đức thánh thượng, bệnh tình của người đã ổn hơn chưa?”
Thánh thượng xua tay, phớt lờ: “Chuyện đó để sau. Ta truyền ngươi vào cung hôm nay cốt có việc muốn nghe ý kiến. Trong tất cả các hoàng tử còn lại của trẫm, ngươi xem từng đứa có tư chất thế nào?”
Nghiêm nhẹ nhàng cúi đầu, thưa: “Hồi đức thánh thượng, trong số các vương hiện tại, Kiến vương là người có gia thế ngoại thích nhất khi là ngoại tôn của Phùng gia, học rộng tài cao, tinh thông âm luật. Tuy vương vẻ ngoài điềm tĩnh nhưng đối với vị trữ quân lại có chút động tâm. Phúc vương giản dị, là người không dụng tâm. Quảng vương tuy danh nghĩa là dưỡng tử của Kính phi nhưng được phi đối đãi hệt con đẻ nên cũng có thể tính vào hàng vương có gia thế. Dẫu vậy, vương là người biết giữ mình, vui thích người hiền, thực lòng chăm lo huynh đệ. Kinh vương tuổi nhỏ nhất trong số các hoàng tử, nhưng không vì thế mà có thể xem thường. Vương tư chất thông minh, mai sau ắt là cánh tay đắt lực của thái tử. Các vương còn lại không có gia thế ngoại thích, không rõ là cố ý khép mình hay chăng nhưng tuyệt nhiên họ không có tư tưởng dòm ngó hoàng vị.”
Thánh thượng gật gù, ngẫm nghĩ từng câu chữ mà Nghiêm nói ra, bèn hỏi: “Vì sao không nhắc đến Thoan? Rõ ràng ngươi biết nó không phải không manh nha hoàng vị, nói nó không có ngoại thích không sai mà cũng chẳng đúng. Sinh mẫu nó không có thế lực hậu thuẫn nên có thể nói là không có ngoại thích, nhưng nàng ta là quý phi, lẽ nào không gọi là không có ngoại thích sao?”
Trước câu hỏi cắt cớ, Nghiêm cúi đầu hồi đáp: “Bẩm đức thánh thượng, những lời nói về Triệu vương e không được hay, thần sợ mang tội phạm thượng.”
“Nói như vậy chẳng phải ngươi quá thông minh rồi sao?” Thánh thượng nghiêm túc nhìn Nghiêm, y chớ hề có chút dao động, ngài phì cười, nói, “Khẩu khí khẳng khái thế kia dẫu có là chuyện không muốn nghe những vẫn sẽ nghe. Ngươi biết mình sẽ mang tội phạm thượng, ấy vậy ngươi vẫn cứ gợi ra làm ta càng muốn biết bên trong ngươi đang nghĩ gì. Ngươi là ngự sử, mọi lời nói đều muốn tốt, ta cho phép nói những gì ngươi muốn.”
Nghiêm mỗi một câu đều cúi đầu, đáp: “Bẩm, quý phi chỉ là hư danh, nội cung họa chăng chỉ là nể mặt vì quý phi đứng đầu, nhưng nếu để nói ra thì lời lẽ của quý phi không được phi tần coi trọng. Triệu vương tuy luôn nhắm đến vị trữ quân nhưng vương quả thực còn non trẻ, không đáng lưu tâm.” Nghiêm đột ngột dừng lại, dường như đã thông suốt chuyện gì, liền hỏi, “Bẩm, việc đức thánh thượng đang đau đáu khôn nguôi phải chăng là về ngôi trữ quân?”
Thánh thượng lia ánh mắt sắc lẹm nhìn Nghiêm, y cúi đầu nói: “Thần mạo muội đoán bừa, nếu không đúng, xin đức thánh thượng lượng thứ!”
Thánh thượng bật cười thành tiếng, thoải mái đẩy ra hơi thở dài: “Quả nhiên là Quách Hữu Nghiêm, mọi tâm ý của ta, ngươi đều dễ dàng nắm bắt.”
Nghiêm im lặng vài khắc rồi tiếp lời: “Phải chăng, đức thánh thượng đang mãi lo về hoàng thái tôn?”
Thánh thượng không nói không rằng, Nghiêm tiếp tục: “Thái tử là gốc rễ, nếu thay đổi không vì một lẽ gì chỉ e gây náo loạn lòng người. Huống hồ, thái tử điện hạ là người nhân đức, lại chí hiếu sáng suốt, hậu đãi kẻ dưới, người người nhất nhất kính trọng. Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín đều quy ở thái tử, không thể vì hoàng thái tôn mà phế vị.”
Thánh thượng trong lòng cảm thấy vài phần nặng trĩu, nói: “Tranh được đích thân ta chuyên tâm dưỡng dục nên hẳn là đứa con xuất sắc nhất trong tất cả các hoàng nam của ta, để nó nối nghiệp, khí vận tốt đẹp sẽ được duy trì. Chướng ngại duy nhất là Tuân, thằng nhỏ này nếu được lập vào ngôi trữ, sẽ không lường được hậu vận giang sơn.”
“Bẩm Đức thánh thượng, thái tử còn hai vị hoàng tôn.” Nghiêm vội lên tiếng khi thánh thượng vừa dứt câu, “Thái tử chắc chắn duy trì đại thống nhưng hoàng thái tôn chỉ là danh xưng đối với trưởng tử của thái tử. Hoàng tôn Tuấn hiếu chí, cần mẫn. Hoàng tôn Thuần lương thiện, chính trực, sinh mẫu lại là thái tử phi, được thái tử hết lòng thương yêu.”
Thánh thượng lại mang vẻ trầm mặc, khi tức vị, ngài cứ ngỡ việc chọn ngôi báu chỉ cần chú tâm dạy dỗ một người con thì có thể an tâm mà giao phó cơ nghiệp. Ngài không thể ngờ, giờ đây, chuyện này lại bị nhiều yếu tố tác động như thế.
Nhớ lại năm xưa, cũng là Lê Nghi Dân từng được cho giữ ngôi chính Đông cung, trong phút chốc mọi hi vọng tan tành mây khói nên cả thẹn, hóa giận gây binh biến Diên Ninh. Thánh thượng không khỏi bận lòng, chất giọng lắng xuống: “Lệ Đức hầu năm đó tạo nghiệp ra sao, hẳn Nghiêm ngươi đã nghe qua. Tuân ngỗ nghịch, tàn bạo như vậy, ta không chắc nó sẽ có những kế sách gì về sau.”
Nghiêm không chờ đợi ngài nói thêm, y liền nói: “Đức Lý Nhân Tông lên ngôi thuở tấm bé nhưng có được Thường Kiệt, Đạo Thành. Đức Lý Anh Tông có Hiến Thành. Chung quy phải có bề tôi giỏi, biết can gián đúng mực. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả thưa đức thánh thượng. Khi thượng hoàng Trần Minh Tông đang tại vị, Trần Dụ Tông được ca ngợi là vị vua sáng, học một biết mười. Mấy ai ngờ, Dụ Tông đích thân chấp chính, cơ nghiệp nhà Trần trong chớp mắt lại lụi tàn. Dẫu là tôi giỏi, Chu An cũng bất lực. Huống hồ, Lê triều ta hiện không ai sánh bằng Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục, làm sao có thể mơ tưởng đến bề tôi như Lý Thường Kiệt hay Tô Hiến Thành?”
Thánh thượng dĩ nhiên đã chọn một hoàng tử sáng giá khác làm lựa chọn thứ hai cho vị trí trữ quân. Qua những hành động và lý lẽ của ngài, Quách Hữu Nghiêm dễ dàng biết được vị hoàng tử ấy là ai. Y tránh không chỉ đích danh nhưng cũng không muốn bỏ qua, liền mượn các điển tích xưa cũ để ngài cân nhắc.
“Hữu Nghiêm ngươi cũng có thể kể đến là bề tôi tài đức hiện tại.”
Vốn nhạy bén, Nghiêm nhận ra đây chỉ là ý tứ thánh thượng thử lòng mình, y vẫn giữ vẻ bình tĩnh, liền thưa: “Bẩm đức thánh thượng, tài đức thần chưa dám nhận mình nhưng điều thần chỉ trung mỗi đức thánh thượng thì không cần bàn cãi. Thần trung với người, trung với quyết định của người.”
Thánh thượng cười lên tiếng sảng khoái, thầm khen Nghiêm là người biết giữ kẽ. Đoạn, ngài cho Nghiêm lui, tĩnh tâm suy xét lời khuyên giải của y.