Chương 16: Ủ mưu

Am Từ Công chính là nơi ngày xưa đức Quang Thục hoàng thái hậu cầu tự cho đức Thánh Tông đế có con nối dõi, là nơi mà đức Quang Thục chiêm bao thấy Thượng đế sai sao Thiên Lộc xuống làm con người họ Nguyễn. Tức thì, thái hậu liền thụ thai khi còn là Vĩnh Ninh cung Sung nghi bấy giờ.

Nghĩ đến chuyện đó, thái hậu cho am Từ Công linh thiêng bèn chọn ngày đến cầu an cho long thai mà Ngọc Hoàn đang mang. Ả hầu già khúm núm thay thái hậu dâng lễ, bà liền cản ngăn. Đích thân thái hậu muốn tự mình dâng lòng thành kính để thần thánh cảm thấu mà phù hộ.

“Sau bao năm trời, nội cung mới có một người thụ thai, hơn nữa, người đó lại là Quý phi. Long thai này muôn phần cao quý.”

Ả hầu già đỡ thái hậu đứng dậy. Xương cốt bà có vẻ dần trở nên yếu đi, một tay phải chống lên gối làm điểm tựa. Thái hậu dạo quanh thăm cảnh núi Phật Tích, một cảnh đẹp hùng vĩ đã lâu rồi bà mới được thấy lại. Năm đó đức Quang Thục hoàng thái hậu sai cha bà là Trinh quốc công đến đây cầu đảo, bà cũng được đưa theo cùng các vị cung nhân của tiên đế đến giờ cũng đã bốn mươi năm ròng.

Thái hậu như trút được nỗi canh cánh bấy lâu, sắc mặt an lành, ngày đêm vui sướng hơn ai hết. Ả hầu già cung kính thưa: “Thưa bẩm đức bà, Quý phi mang long thai khiến bà hoan hỉ đến vậy sao ạ?”

Thái hậu tươi cười, gật gù nói: “Thánh thượng cũng rất trông mong cái thai này. Cũng đã ban tên cho long thai là Hoàng, bọn Tư thiên giám căn cứ vận mệnh, bảo đây là nam thai. Thật ra, là công chúa cũng tốt bởi dẫu gì thánh thượng cũng đã có ba hoàng nam mà chưa có một hoàng nữ nào. Tuy nhiên, Thuần sức khỏe yếu kém, tuy tư chất thông minh nhưng chỉ cần ra gió một chút là bệnh, mặc không ấm một chút là bệnh. Người ta nói rằng, bậc đế vương văn võ song toàn, các bậc tiên đế trước kia đều có thể tự cầm quân ra trận. Nó có văn mà không có võ, quả là một thiếu sót lớn. Chi bằng, hãy mong Quý phi bình an sinh ra một hoàng nam, đặng sau có chi bất trắc, dòng máu tôn quý vẫn không bị mất đi.”

Ả hầu già không dám bàn thêm vào chuyện của các bề trên, chỉ có thể thở dài não nề cho số phận mà Lê Thuần phải chịu. Năm xưa, Ngọc Hoàn bị động thai nên chưa đủ tháng đủ ngày đã vội sinh Lê Thuần. Lê Thuần từ nhỏ đã có thể chất không được như Lê Tuân hay Lê Huyên, sau vụ việc ngã hồ Vĩnh Dạ, sức khỏe cậu càng thêm trầm trọng.

Lê Thuần ho khan vài tiếng, hơi thở khó nhọc nhanh chóng với lấy tách trà kề bên. Nguyễn Nhữ Vi vội vàng hầu thuốc, Lê Thuần uống được vài muỗng liền nhổ ra bằng hết.

Nhữ Vi hoảng hốt, y liền gọi hầu tẩu tán bát thuốc rồi sai đứa khác sắc lại liều thuốc khác. Nhữ Vi quỳ mà xin rằng: “Thưa điện hạ, con phận nô bộc thấp hèn, không dám làm trái ý bề trên. Nhưng con mong điện hạ hãy dùng hết thuốc, như thế mới khỏi bệnh. Bằng không, con sẽ bị bề trên phạt nặng…”

Trước kia, có một lần Lê Thuần nhiễm hàn nhẹ, cậu nhất quyết không chịu uống thuốc nên sai Nguyễn Nhữ Vi đem đổ. Không may, ả Liễu phát hiện. Ả Liễu là tâm phúc của Quý phi, sẽ là chuyện lạ nếu ả không mách lẻo lên chủ. Thánh thượng cùng đến Đông cung với Quý phi, Nguyễn Nhữ Vi suýt chút nữa bị điều làm viên ứng sai thấp bé của các ty cục.

Trông điệu bộ hèn hạ của y đang khẩn khiết van nài, Lê Thuần có vẻ như chẳng mấy quan tâm đến những lời vừa rồi, cậu toan đứng dậy, không nói không rằng rời khỏi điện Hoàng cực. Nguyễn Nhữ Vi thêm một lần rối bời với vị trữ quân trẻ này, y lồm cồm bò dậy, tức tốc theo sau.

Phía trước bất ngờ có một nữ nhân hấp tấp đến độ va phải Lê Thuần, nàng ta mất thăng bằng mà ngã nhào lên Nhữ Vi. Y đau đớn nhăn nhó, tay vò đầu miệng chửi rủa. Nữ nhân ấy vội vã đứng lên, không ngừng xin thứ lỗi.

Nguyễn Nhữ Vi hung hăng chỉ vào nàng, quát: “Mày là ả hạ tiện nơi chi mà cả gan chạy nhảy trong cung cấm? Có biết người đang đứng trước mặt là ai hay chăng?”

Nàng ta tỏ vẻ khá lúng túng, không dám nhìn thẳng mặt bề trên. Trông trang phục Lê Thuần đang mặc, cậu lại tự do đi lại trong cung cấm, có cả kẻ hầu người hạ nên nàng ta chắc mẩm hẳn phải là một trong ba người con của thánh thượng. Cả ba người nàng chưa từng được gặp qua, nhưng, thấy Nguyễn Nhữ Vi sổ sàng, dữ tợn, mà nghe người ta bảo hoàng tử trưởng của đức thánh thượng là An vương tính tình cũng hung bạo như thế, nàng liền quỳ rạp xuống mà lạy: “Xin An vương tha cho con. Xin An vương tha cho con.”

Nguyễn Nhữ Vi lanh chanh định nói thêm vài câu thì bị Lê Thuần ngăn lại. Cậu bảo nàng ta nhặt thẻ bài vừa nãy bị nàng va trúng mà rơi ra. Bốn chữ “Đại Việt hoàng thái tử” hiện rõ mồn một. Nàng bất giác “a” lên thành tiếng.

Nguyễn Nhữ Vi giật lấy thẻ bài, đeo lên y phục Lê Thuần. Lê Thuần bình thản hỏi: “Người ở đâu? Xem ra không phải phận nô bộc trong cung nên không biết trong cung cấm không được gây náo nhiệt.”

Nàng ta thản nhiên hơn trước, không chút sợ sệt đáp: “Thần nữ tên Lê Thị Thanh, thân phụ là Đông các đại học sĩ Lê Tuấn Ngạn.”

Nghe đến thân thế là một kim chi ngọc diệp, Nguyễn Nhữ Vi có chút ái ngại bởi y chỉ mới vừa xúc phạm nàng ban nãy. Tuy nhiên, y là nội quan thân cận nhất của thái tử, vả lại, Đông các đại học sĩ cũng chỉ ở trật tòng ngũ phẩm, Nhữ Vi nhanh chóng trở lại với vẻ huênh hoang: “Dẫu có là các Quận thượng chúa cũng không được phép vào cung tự do, con gái của Đông các đại học sĩ mà đứng ở đây sao?”

Lê Thị Thanh từ tốn tiếp lời: “Bẩm điện hạ, cha được đức thánh thượng cho phép mới dám đưa thần nữ theo hầu vào cung. Thần nữ y mệnh cha, đến nội phủ thông báo cho họ đặng phân bổ những viên ứng sai mang sách vở đến các thư phòng cho bề trên. Vì cha bảo đây là chuyện gấp, thần nữ lại lần đầu vào cung nên vô ý mà phạm phải cung quy. Kính xin điện hạ trách tội.”

Nguyễn Nhữ Vi đánh đá nói: “Thái tử điện hạ thân quý như vàng, há lại đi tranh chấp việc vặt vãnh? Tuy vậy, Lê tiểu thư bị tội không thể bỏ qua mà phải làm gương để răn kẻ khác, điện hạ, con nghĩ, hay là điện hạ chuyển tội cô ta vào Đại lý tự định tội nặng nhẹ, như thế được chăng ạ?”

Lê Thuần lườm Nhữ Vi, y điếng người vội nín bặt. Lê Thị Thanh mỉm cười tự tin đáp: “Đại Lý tự phụ trách trọng án, không rãnh rỗi xử lý chuyện vặt vãnh. Thần nữ có tội, sẽ lãnh tội. Nhưng, nếu trách phạt thần nữ mà lại bỏ qua tội của tên nội quan này thì thật là thiếu lý lẽ. Hắn dẫu là tâm phúc của thái tử điện hạ nhưng lại tự tiện nói chen vào mà chưa được điện hạ cho phép. Hơn nữa, thần nữ dẫu không quyền cao chức trọng mà chỉ là con gái của viên quan tòng ngũ phẩm, phận nô bộc vẫn chỉ là kẻ hạ nhân không hơn không kém. Thần nữ nói thế, điện hạ hẳn hiểu ý thần nữ chứ ạ?”

Lê Thuần nghi hoặc nhìn chằm chằm vào Lê Thị Thanh, nàng ta không chút dao động, chỉ là không nhìn thẳng mặt cậu vì sợ phải tội phạm thượng. Lê Thuần hắt ra tiếng ngao ngán, phất tay nói: “Mau hoàn thành trọng trách mà thân phụ ngươi giao. Chốn cung đình ác liệt, tránh mang họa vào thân.”

Lê Thị Thanh tạ lễ rời đi. Nguyễn Nhữ Vi lòng bực tức nhưng không dám hó hé thêm tiếng nào. Từng câu chữ mà Lê thị vạch tội y không sai một điểm. Y lẳng lặng theo sau Lê Thuần như cái bóng.

Nhân việc hồi tháng mười hai, phương Bắc sai người sang lễ viếng đức Thánh Tông, Hàn Lâm viện thị giảng Lương Chừ của nước Minh bỗng dưng đổ bệnh, thánh thượng chợt thấy khả nghi nên đích thân đến sứ quán lấy cớ thăm hỏi nhưng thực chất là ngầm dò xét. Lê Thuần theo lời dặn của vua cha, đến Điển Khách thự kiểm tra các ghi chép sổ sách, những người đón tiếp hay có tiếp xúc đáng ngờ nhất.

“Nhữ Vi!”

Nguyễn Nhữ Vi giật thót, vội khúm núm mà đáp: “Điện hạ có chuyện gì căn dặn ạ!”

“Ngươi mau đến Quang Lộc tự, cứ bảo sắp tới là ngày kị đức Quang Thục hoàng thái hậu, cần thiết xem xét các lễ trước kia đặng dặn dò các viên chủ sự sắp xếp. Tiện thể theo đó mà tra xem ngày lễ viếng đức Thánh Tông ta có gì bất thường. Nhớ rằng đừng đánh động đám quan lại.”

Nguyễn Nhữ Vi vâng dạ, toan quay lưng đi thì chợt ấp úng nói: “Điện hạ không đi cùng con sao ạ?”

Lê Thuần gằn giọng, nói: “Ta phải đi cùng ngươi sao? Ta đi đâu hay làm gì phải cho ngươi rõ à?”

Nguyễn Nhữ Vi mặt mũi tiu nghỉu. Y trông vẻ khá khôi ngô, tính tình tuy có chút lỗ mãng nhưng hầu hạ Lê Thuần chưa từng xảy ra sơ suất. Bộ dạng điều hiu thế kia thật tội nghiệp. Lê Thuần không nén được bèn cười thành tiếng.

“Ta đến Thái y thự, mang thuốc bổ đến cho mẫu phi. Ta sẽ gặp ngươi ở Điển Khách thự.”

Nguyễn Nhữ Vi cơ mặt biến hóa, bỗng chốc trở nên vui vẻ lạ thường. Y phấn khởi đi ngay theo dặn dò của chủ.

Lê Thuần tới cửa Thái y thự vừa hay gặp Lê Huyên bước ra. Lê Huyên liền hành lễ theo cấp bậc. Thấy trên tay Lê Huyên đang cầm thang thuốc, Lê Thuần không khỏi thắc mắc: “Kính phi sức khỏe không ổn chăng?”

Lê Huyên giữ phận, đáp: “Hồi thái tử, thân mẫu tôi dạo gần đây có chút mệt mỏi. Đây là vài thang thuốc bổ thái y kê cho thân mẫu.”

Lê Thuần có nhã ý muốn trò chuyện với Lê Huyên, bèn nói: “Đệ cũng lấy thuốc an thai cho mẫu phi. Đều tiện đường đến nội cung, chi bằng chúng ta cùng đi.”

Thánh thượng và thái hậu đều không thích Lê Thuần thân cận Lê Huyên, thừa biết điều ấy, Lê Huyên lựa lời từ chối khéo. Mặc dầu lòng vài phần khó chịu, Lê Thuần không tỏ thái độ gì. Lê Huyên nhanh chóng cáo lui rồi vội đi.

Cung Thọ Am trước đây từng trải qua hai vị chủ Kính phi và Quý phi của tiên hoàng, giờ đây được ban cho Đường Lan. Khi xưa, xảy ra một số biến cố, thái hậu bị tiên hoàng giam lỏng, Kính phi qua đời, một vị phi tử được tiên hoàng sủng ái bấy giờ là thân mẫu của Triệu vương được phong vị Quý phi, ban ở cung Thọ Am. Dù cung Thọ Am lúc ấy được trang hoàng lộng lẫy nhưng vẫn không thể làm mất đi cái cô độc, ủ rủ.

Lê Huyên chầm chậm đẩy ra tiếng thở dài, đưa bọc thuốc cho đứa hầu, ngó quanh chánh điện tìm dưỡng mẫu. Khương Xung từ ngoài, sải bước nhanh thưa: “Bẩm điện hạ, Kính phi đã rời cung gần một canh giờ.”

Lê Huyên định hỏi vài câu, chợt thấy dưỡng mẫu cũng vừa hồi cung. Lê Huyên hành lễ, nói: “Người cảm thấy không được khỏe, con đã nhờ thái y bốc thuốc cho người. Người còn đi đâu vậy?”

Đường Lan cởi lớp choàng mỏng, ả Lý nhanh nhẹn đem cất. Đường Lan mỉm cười, đáp: “Ta đến cung Trường Lạc, thăm thái hậu. Sẵn tận hưởng khí trời. Chẳng phải như thế tốt cho sức khỏe sao?”

Lê Huyên trông hơi lơ đãng, y gật đầu có lệ. Đường Lan dễ dàng nhận ra, nàng nhíu đôi chân mày lá liễu đẹp đẽ, không nói không rằng tiến thẳng vào chánh điện. Lê Huyên lẳng lặng theo sau.

“Đã ăn uống gì chưa?”

Đường Lan chiễm chệ ngồi lên trường kỷ, nhấp ngụm trà nhỏ, thanh âm lẫn chút hờn dỗi. Lê Huyên gật đầu đáp: “Hồi mẫu thân, con đã ăn rồi.”

Đường Lan nhìn Lê Huyên thật lâu, từ từ buông hơi thở dài: “Đứa con này thật là… Từ bé đến giờ, con chưa từng thể hiện cảm xúc gì, người điềm đạm như con, chuyện ấy cũng dễ hiểu. Nhưng như người khác, khi thân mẫu họ có điều phật ý, họ sẽ hối hả hỏi han. Đằng này, con của ta lại như cây cột, chẳng một chút động tĩnh chi.”

Lê Huyên trầm tư hồi lâu, nói: “Thật ra, con đang suy nghĩ về việc phụ hoàng ban tên cho long thai của Quý phi. Lần này, phụ hoàng đã quá vội vàng. Nếu như long thai là nữ, không như kì vọng, phụ hoàng ắt sẽ…”

“Quý phi sinh hạ hoàng nữ, lẽ đương nhiên đó là điều tốt. Con còn mong cô ả sinh thêm hoàng nam?”

Đường Lan khẽ lắc đầu, tiếp tục nói: “Con đúng thật khờ quá! Nếu long thai này là nam, Quý phi sẽ trở nên độc sủng, địa vị cô ả càng thêm vững chắc, không thể lay chuyển. Nhưng, hoặc giả là một hoàng nữ, mọi chuyển biến sẽ khác đi. Tên hoàng thái tử ốm yếu ấy bệnh tật triền miên, chẳng tiên liệu mệnh số đến đâu. An vương tuy là trưởng tử nhưng chưa một lần được thái hậu để ý, lại nói trước đây, khi tiên hoàng còn tại thế, hắn gây tai họa cho thánh thượng không biết bao lần. Chính vì thế, con trở thành trông đợi duy nhất của Lê triều.”

Lê Huyên thái độ có phần lưỡng lự, nửa muốn phản bác nửa muốn không. Dường như hiểu rõ điều đó, Đường Lan “hừ” một tiếng đủ nghe, lạnh lùng hạ giọng: “Hay là con vẫn còn quyến luyến Quý phi?”

Lê Huyên vẫn bất biến, nét mặt không thay đổi, chỉ dương mắt nhìn Đường Lan. Nàng lộ vẻ thất vọng, nói: “Thương cảm với kẻ sát hại sinh mẫu, sớm biết ngươi như vậy, lẽ ra ta không nên ngăn cản khi nàng ta có ý muốn bỏ ngươi!”

Lê Huyên giật mình, y chưa từng nghe qua việc này. Sinh mẫu của y sao lại muốn bỏ y? Y thấy toàn thân lạnh toát, bên trong như thể bị hàng trăm lưỡi dao xé nát.

Đường Lan lường trước y sẽ trở nên kích động, liền nhẹ giọng giải bày: “Ta đã nói con hãy tự mình tìm hiểu. Ta sẽ không dính dáng gì đến bất cứ việc con làm. Sinh mẫu con cũng chẳng hề muốn làm như vậy, chẳng qua nàng ta quá phẫn uất mà thôi.”

Lê Huyên vẫn đứng như trời trồng, các ngón tay bấu chặt vạt áo. Đường Lan gọi ả Lý dìu mình vào tẩm phòng, không quên căn dặn Lê Huyên một câu: “Những kẻ ngoài mặt tỏ ra nhân đức mới là những kẻ nguy hiểm nhất, con liệu mà lo lấy thân, có khi chính kẻ mà con ngưỡng mộ bấy lâu lại là kẻ không muốn con xuất hiện trên cõi đời này nhất!”