Chương 62: Phân tích sự tàn bạo theo định nghĩa của Machiavelli

Quyển sách Quân Vương của Machiavelli từng bị gọi là Cuốn sách ma quỷ và vài trăm năm về trước lại còn bị Giáo hội Thiên chúa chỉ trích thậm tệ, đặc biệt là những nội dung trong Chương VIII: NHỮNG NGƯỜI TRỞ THÀNH QUÂN VƯƠNG BẰNG TỘI ÁC, và Chương XVII: TÀN BẠO HAY BAO DUNG, LÀM CHO DÂN YÊU HAY LÀM CHO DÂN SỢ.

Chương VIII thảo luận về vấn đề “Làm thế nào mà những kẻ cai trị đất nước bằng việc sử dụng những hành vi vô đạo đức lại có thể trị vì yên ổn mà không gặp phải những vụ nổi loạn trong khi những người cai trị đất nước đường đường chính chính lại thất bại”. Trong đó, Machiavelli đã khẳng định rằng “Chúng tùy thuộc vào việc sử dụng sự tàn bạo đúng cách”

Ngoài ra Chương XVII còn chỉ rõ rằng “Vì con người là loài vô ơn, chúng thường ít ngần ngại khi làm hại người mà chúng yêu mến, hơn là làm hại người mà chúng sợ hãi”, giải thích cho việc “Người cai trị sẽ an toàn khi thần dân sợ ông ta, hơn là khi thần dân yêu mến ông ta”. Ông ấy còn tiếp tục nói rằng “Khi một đấng Quân vương … phải chỉ huy một đội quân đông đảo, ông ta cần phải bất chấp việc bị mang tiếng là tàn bạo”, và vì thế “Hannibal … dù phải lãnh đạo một đội quân khổng lồ … nhưng không bao giờ có chuyện nảy sinh bất đồng dù là nhỏ nhất giữa binh lính với nhau hay giữa binh lính với chỉ huy, cả khi thuận lợi lẫn lúc khó khăn.Điều này có được chẳng nhờ gì khác ngoài sự tàn bạo vô nhân tính của ông”

Giáo hội Thiên chúa, những người chuyên thuyết giảng về lòng tốt, đã trích dẫn những ví dụ này và nói rằng, “Tại sao lại đi ủng hộ những người cai trị đáng ra phải trị vì bằng nhân nghĩa phải tàn bạo cơ chứ, cái lý lẽ quái quỷ gì thế này!” và cấm đoán việc lưu hành quyển sách Quân Vương. Sau đó quyển sách bị mang tiếng là cuốn sách ma quỷ, còn nội dung của chúng thì bị niêm phong lại mà không được xem xét kỹ lưỡng, dẫn đến những hiểu lầm về việc “Quyển sách Quân Vương ủng hộ bạo tàn”, hay “Quyển sách Quân Vương ủng hộ việc giết chóc những người biệt giáo”. Quyển sách thỉnh thoảng vẫn phải nhận những lời đánh giá như vậy dù cho ngày nay chúng đã được đính chính lại.

Nhưng điều tôi muốn khẳng định ở đây là Machiavelli đã nói rằng “Tàn bạo không phải là chủ đề mà chúng ta có thể đào sâu chi tiết được”. Dù trong chương VIII ông đã nói, “Những điều ác cần phải được làm và thực hiện cùng một lúc vì khi thời gian nếm trải càng ít, sự tổn thương cũng sẽ càng ít” dù nêu ra vấn đề như vậy, Machiavelli không hề kết luận rằng “đây chính là giải pháp!” (dù ông ta có đề cập đến một số dẫn chứng lịch sử)

Tương tự, Chương XVII cũng vậy. Dù có nói rằng “Hành động của Hannibal chứa đựng tính cách tàn bạo vô nhân tính của ông”, ông ấy không hề ám chỉ “những hành động tàn bạo” đó là gì.

Vậy sau cùng, ý của Machiavelli là gì khi ông ấy nói “Những điều ác cần phải được làm và thực hiện cùng một lúc”, hay đấng Quân Vương cần phải “tàn bạo” như thế nào? Chúng ta chỉ có thể suy luận từ những hành động tàn bạo tồn tại trên thế giới này, trừ những điều Machiavelli đã nói “không thể giải quyết được gì”

◇ ◇ ◇

Đầu tiên, trong Chương XVII, Machiavelli đã khẳng định rằng đấng Quân Vương cần tránh việc bị thù ghét nếu ông ta không thể có được sự yêu mến, và để không bị thù ghét, họ cần phải “tránh việc xâm phạm đến tài sản và vợ con của thần dân cùng những kẻ bề tôi”. Trong một cách nói tương tự, ông ấy cũng khẳng định rằng “khi muốn hành quyết ai, ông ta phải giải quyết bằng những phán quyết hợp lý và tội danh thì phải rõ ràng”. Nói cách khác, “Cho dù có nguyên do chính đáng, người cai trị cũng không nên đụng vào tài sản và vợ con của những kẻ bề tôi và thần dân của ông ta, và chỉ nên hành quyết họ với một tội danh rõ ràng (hay nói cách khác, đừng bao giờ hành quyết họ mà không có tội danh rõ ràng).”

Điều đó có nghĩa là, sự “tàn bạo” mà Machiavelli đề cập đến sẽ giới hạn ở việc “giết người với tội danh rõ ràng”. Vậy khi nào thì “giết người với tội danh rõ ràng” được cho phép? Nó có phải như Giáo hội Thiên chúa đã từng tuyên bố, “tiêu diệt tất cả những kẻ đối đầu với bạn”?

Tôi rất hiểu rằng ý kiến đó sẽ vấp phải rất nhiều mâu thuẫn trong hoàn cảnh này, nhưng theo ý của tôi, tôi nghĩ tôi sẽ nói là “không phải”. Vì sao? Bởi vì chính Machiavelli đã nói trong quyển sách Quân Vương Chương XX:

“Các bậc Quân Vương, đặc biệt là tân vương, thường nhận thấy rằng những kẻ mà họ nghi ngại khi mới lên ngôi thường tỏ ra trung thành và hữu ích hơn những kẻ được tin cậy ngay từ đầu”

Những kẻ đã từng là kẻ thù,vào buổi đầu lên ngôi, vì chúng rơi vào hoàn cảnh cần sự trợ giúp để bảo vệ mạng sống của chính mình, nên Quân vương luôn dễ dàng lôi kéođược bọn chúng. Một khi chúng đã được lôi kéo, chúng sẽ tận tâm phục vụ vị Quân Vương bằng sự trung thành tuyệt đối, nhằm mục đích xóa bỏ mối nghi ngờ vốn có trong lòng Quân Vương, và vì thế Quân Vương sẽ khai thác được nhiều lợi ích từ chúng hơn là từ những kẻ quá cẩn trọng đã phục vụ ông ta ngay từ ban đầu. Như trong lịch sử Nhật Bản, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được từ câu chuyện của Shibata Katsuie, vị tướng phục vụ dưới trướng Oda Nobunaga. Trong cuộc nổi loạn của em trai Nobunaga, ban đầu Katsuie đứng về phía người em trai, nhưng sau đó đã quay sang hỗ trợ và trở thành chư hầu của Nobunaga. Từ đó trở đi, Katsuie luôn tậm tâm phục vụ cho Nobunaga và trở thành một cận vệ thân tín, nhưng vì những hành động thiếu suy nghĩ, mà ông ta đã bị trục xuất khỏi nhà Oda tương tự như những hàng tướng Hayashi Hidesada và Sakuma Nobumori.

Điều này có nghĩa là “sự tàn bạo” mà Machiavelli nói đến không nhất thiết phải “luôn tiêu diệt kẻ thù của mình”. Nhưng nếu vậy thì nó là gì? Chúng ta chỉ cần nhìn và suy luận từ những ví dụ mà Machiavelli đã nêu ra về việc “sử dụng sự tàn bạo đúng cách”. Khi Syracuse bị người Carthage tấn công, Agathocles đã tiến hành một cuộc đột kích vào Senate và vào chính những nguyên lão của Syracuse, củng cố tầm ảnh hưởng của ông ta và đẩy lùi cuộc tấn công của người Carthage. Oliverotto, nhằm mục đích chiếm lấy quyền cai trị Fermo nơi hắn sinh ra, đã thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ vào những công dân có tầm ảnh hưởng bao gồm cả người chú chống lưng cho hắn, rồi giành quyền cai trị Fermo trong suốt 1 năm.

Tương tự, người cai trị lý tưởng của Machiavelli, Cesare Borgia, đã ám toán những kẻ thù của ông ta khi những tên đó muốn hòa giải với ông, và xây dựng vững chắc quyền lực của mình. Một trong những kẻ thù đó là Oliverotto. Machiavelli có cái nhìn rất tích cực về hành động này. Từ 3 ví dụ trên ta có thể thấy điểm mấu chốt là “Mục tiêu cho sự tàn bạo của một người chính là phe phái của họ”

Cho dù thuộc về cùng một phe phái, những nhà chính trị vẫn sẽ ngăn cản những chính sách của bạn, gia đình sẽ cản trở công việccai trị của bạn, và cho dù có thể thỏa hiệp được, một ngày nào đó những đồng minh vẫn có thể quay lưng lại với bạn … những kẻ ngáng đường mà chúng ta hay gọi là “ném đá giấu tay” này chính là những mục tiêu mà Machiavelli muốn chĩa mũi giáo tàn bạo về phía chúng.

Ông ta còn nói nhiều hơn trong Chương XVII: Hannibal được miêu tả là một người “tàn bạo vô nhân tính” đối với quân đội của ông ta, nhưng mục đích của sự tàn bạo này có thể được nhìn thấu thông qua việc đưa ra những so sánh với Scipio. Scipio cũng là một vị tướng tài ba, nhưng ông ta đã bị những cuộc nổi loạn đến từ chính những binh sĩ và những thần dân của mình ngáng đường. Nguyên nhân được đề cập đến là do tính cách nhân từ của ông ta, ông ta đã không nỡ trừng phạt những thủ hạ của mình, những kẻ đã gây ra những hành vi không thể chấp nhận được. Điều đó có nghĩa là chính vì Hannibal đứng trên một quan điểm đối lập hoàn toàn, việc ông ta bắt bỏ tù chính đồng minh của mình, đã khiến binh lính sợ hãi ông ta, và khiến họ không dám làm phản, bất chấp kết quả cuộc chiến như thế nào.

Xét theo việc mục tiêu mà Machiavelli ủng hộ “sử dụng tàn bạo đúng cách” là những kẻ thù trong cùng một phe phái, và xét đến những khẳng định khác của ông ta trong quyển sách Quân Vương, trong đoạn viết rằng “Khi những nước láng giềng của bạn xung đột với nhau, cách thuận tiện nhất là tuyên bố mình đứng về một phe nào đó” hay “việc đứng về một phe luôn tốt hơn so với việc đứng trung lập”(1) , các bạn có thể thấy được ẩn ý của Machiavelli, cụ thể là:

“Đừng bao giờ đặt lòng tin vào loài dơi (2), những kẻ chỉ muốn mình kết minh với bên chiến thắng”

Machiavelli là một nhà ngoại giao trong thời kì rối ren của nước Ý, với đầy những âm mưu và thủ đoạn (3).Ông ấy đã hiểu được điều đó bằng việc nhìn vào những con người lúc nào cũng giữ lập trường của mình không rõ ràng, ông nhận ra rằng họ sẽ trở thành nguồn cơn của những rắc tối sau này. Đó là lý do vì sao ông ta đã khuyên rằng nên nhổ tận gốc những mối nguy hiểm dưới danh nghĩa “tàn bạo”.

Và đó là lý do vì sao tôi lấy đầu 12 tên quý tộc này.

———————————————————————————————————————

(1) TN: Quân Vương, Chương XXI

(2) TN: Ám chỉ một câu chuyện ngụ ngôn của Aesop về loài Chim và loài Thú: Loài Chim và loài Thú đang chuẩn bị cho một cuộc chiến. Loài chim nói với dơi rằng: hãy về phe chúng tôi, và dơi trả lời rằng: “Không, tôi thuộc loài thú”. Loài thú nói với dơi rằng: hãy theo chúng tôi, và dơi trả lời: “Không, tôi thuộc loài chim”. Khi cuộc xung đột được giải quyết mà không cần phải đánh nhau, dơi bay đến chỗ loài chim để tham dự buổi lễ ăn mừng, nhưng họ hướng thái độ thù địch về phía cậu ta, và dơi buộc phải bay đi. Sau đó cậu ta bay đến chỗ loài thú nhưng bị đánh cho phải bỏ chạy, lo sợ rằng họ sẽ xé xác cậu ta. “Giờ tôi mới hiểu”, dơi nói “Tôi chẳng thuộc loài nào, và cũng chẳng thể có người bạn nào”

(3) TN: tiếng Nhật = Kenboujussuu, về nghĩa, tình cờ thay, nó cũng có nghĩa là Triết lý Machiavellianism