Chương 3: Cặp song sinh kì lạ

Chiếc đĩa bay hạ cánh xuống thảm cỏ, luồng khí thốc lên làm tóc tôi bay lòa xòa.

“Đây mới chỉ là khởi đầu!” – Thầy Vương đứng cạnh chiếc đĩa bay của ông nói, nét mặt đầy vẻ tự hào.

Nơi đây là Côn Sơn, thầy Vương là một nông dân, nhưng bây giờ gần như ông đã chuyển hẳn sang nghề chế tạo đĩa bay.

Từ nhỏ, thầy Vương đã thích mua bán đổi chác vật dụng, ông nói mọi người quanh đó đều gọi ông là thầy. Ban đầu tự chế tạo vô tuyến điện, còn bây giờ ông đã có thể tự chế tạo đĩa bay, và ngay ruộng đất cũng được ông đem rao bán để lấy tiền mau nguyên vật liệu. Tòa soạn cử tôi về phỏng vấn nhân vật lập dị này, họ còn lo liệu cả phương tiện đi lại. Dù trong lòng không cảm thấy có gì đặc biệt, nhưng vì là nhiệm vụ, nên tôi đành miễn cưỡng thực hiện bài phỏng vấn chuyên đề này.

Chiếc đĩa bay màu tro có đường kính khoảng ba mét được làm bằng nhôm. Nhờ động cơ phản lực nên nó có thể bay cao hơn chục mét. Hướng nghiên cứu tiếp theo của thầy Vương hẳn là tìm cách khiến thứ đồ chơi này có thể di chuyển, không chỉ là bay lên bay xuống.

“Rồi nó có thể chở người sớm thôi, đây chỉ là khởi đầu!” – Thầy Vương nhấn mạnh.

“Ồ…” – Tôi rất muốn bảo ông ta rằng, trước khi chở người hãy mua bảo hiểm đã, nhưng tôi đã kìm lại được. Dù sao muốn làm được thế cũng còn lâu lắm.

Thứ này có phức tạp hơn mô hình máy bay điều khiển từ xa không nhỉ? Tôi thầm thắc mắc.

Thầy Vương rất hay chuyện, tôi thực sự ngại phỏng vấn kiểu người này. Họ chẳng bao giờ chịu nghe bạn hỏi mà chỉ mải nói về điều họ thích và cứ thế thao thao bất tuyệt, không cách gì ngừng lại.

“Mơ ước của tôi là chế tạo được động cơ diềm kì dị.”

“Ồ… hả? Động cơ diềm kì dị là gì?” – Tôi hỏi.

“Đây là tên tôi đặt cho nó, thực tế các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành nghiên cứu tương tự, tạo ra loại động cơ có khả năng uốn cong không gian, nhằm đạt đến vận tốc siêu ánh sáng.

“Cái này… Anh chắc mình không đọc nó từ một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nào chứ?”

“Tất nhiên là vậy, tôi đọc được tin này trong mục tin tức trên trang Sina [1] cách đây cũng khá lâu. Hình như họ đã cho thành lập nhóm dự án để tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu”.

[1] Trang web tổng hợp được nhiều người Trung Quốc biết đến.

“Nhưng nó thì liên quan gì đến diềm…?” – Tôi thắc mắc hỏi.

“Không phải là diềm mà là điểm!” – Thầy Vương nhíu mày, hẳn ông đang cảm thấy gã phóng viên đứng trước mặt mình thật chịu hết nổi, đang luận bàn về khoa học hắn lại ngoặc sang cái gì không biết.

“Theo thuyết tương đối rộng của Albert Einstein, vật có khối lượng lớn sẽ khiến không gian xung quanh nó bị uốn cong, khối lượng vật càng tăng thì độ cong của không gian quanh nó cũng càng lớn, khi đạt đến mức độ mức độ nhất định, như tâm hố đen, thì điểm kì dị sẽ được hình thành. Không gian tại điểm kì dị [2] bị uốn cong, đây chính là nguyên lý động cơ điểm kì dị, thứ có thể tạo ra lỗ đen kích cỡ nhỏ giúp ta đi xuyên không gian”.

[2] Theo định nghĩa vật lý thiên văn, điểm kì dị là điểm có tỉ trọng vô hạn tại trung tâm của một hố đen, nơi những lực biên trạng trở nên vô hạn và các định luật vật lý ngưng áp dụng.

Điều thầy Vương vừa nói đã khiến tôi nhìn ông với con mắt hoàn toàn khác, bởi chí ít nghe nó cũng rất huyền hoặc.

“Bên Mỹ họ thành lập hẳn một tổ chức nghiên cứu, còn anh chỉ mỗi một mình, vật anh định bắt đầu thế nào?” – Tôi hỏi

“Trên đời này chẳng có việc gì khó, chỉ e lòng người không bền thôi. Hiện tôi đang nghiên cứu một vài tác phẩm khoa học nổi tiếng của vật lý tuyến đầu để tự trang bị cho mình”.

“Anh đang nghiên cứu cuốn vật lý học tuyến đầu nào?” – Tôi tò mò hỏi.

“Kiểu dạng như ‘Lược sử thời gian’ của Stephen Hawking, nhà vật lý học nổi tiếng người Anh!” – Thầy Vương trả lời.

Tôi chợt không biết nói gì.

Sau khi hoàn tất buổi phỏng vấn ở chỗ thầy Vương, tôi lên chiếc ô tô mà tòa soạn bố trí sẵn cho mình, lòng cảm thấy dở khóc dở cười trước viễn cảnh tươi đẹp của loại động cơ điểm kỳ lạ mà thầy Vương vẽ ra.

Hóa ra đó là cuốn “Lược ra thời gian”, tác phẩm khoa học về vật lý nổi tiếng của Hawking được viết từ nhiều năm trước. Thêm vào đó, mấy năm về trước, hồi đến Trung Quốc, Hawking cũng đã nói, quan điểm về hố đen hiện giờ đã có nhiều sự thay đổi so với thời điểm mà ông viết tác phẩm trên.

Thế nhưng đối với người say mê khoa học viễn tưởng hay với thầy Vương, thì ý tưởng bẻ cong không gian quả thực vẫn có một sức hút vô cùng lớn. Còn đối với kẻ ngoại đạo như tôi, thì uốn cong không gian thường được hình dung một cách đơn giản như việc ta gập tờ giấy lại. Và cách hình dung này đã khiến tôi không khỏi băn khoăn, bởi nếu không gian có thể uốn cong như tờ giấy, thì bốn phía trên dưới xung quanh nó là gì?

Đi thẳng đến nút giao thông phía trước rồi rẽ trái sẽ ra đến đường cao tốc, xe đi từ Côn Sơn về Thượng Hải chỉ mất một tiếng đồng hồ, rất nhanh và tiện lợi. Ngẩng đầu lên nhìn khi chờ tín hiệu giao thông, tôi chợt thấy tấm bảng chỉ đường ghi “Đại Đường 23km”.

Tôi bất ngờ đổi ý.

“Bác tài…” – Tôi gọi người lái xe.

“Gì thế cậu?”

Câu “mồm miệng đi trước trí óc theo sau” hẳn được tạo ra để nói về tình huống dạng này. Lời đã thốt ra khỏi miệng, song thực tế tôi còn chưa quyết định dứt khoát.

“Bác tạm tấp xe vào lề đường một lát được không?”

Bác tài dù không rõ nguyên cớ nhưng cũng làm như tôi bảo.

Tôi nhìn lại bảng chỉ dẫn, quả không sai, Đại Đường cách đây không xa lắm.

“Bác có thể đưa tôi đến thôi Đại

Đường không?” – Chẳng còn do dự, tôi cất tiếng hỏi người lái xe.

“Đại Đường à? Lát nữa tòa soạn cần dùng đến xe, tôi e ta không thể về kịp”.

“Không vấn đề gì, bác cứ đưa tôi đến đó rồi cứ về trước, không phải chờ, tôi tự bắt xe khách về sau”.

“Vậy thì được.” – Rồi chiếc xe phỏng vấn tiếp tục bon bon lăn bánh trên đường cao tốc, thẳng tiến về phía trước.

Hoàng Chức sống ở Đại Đường.

Kể từ sau buổi phỏng vấn ở bệnh biện bà mẹ trẻ em số 1 ba năm về trước, tôi chưa gặp lại cô ấy lần nào. Liên lạc thư từ giữa hai bên đều chỉ từ một phía, hồi nhận lá thư đầu, tôi có viết thư trả lời, nhưng từ khi biết cô ấy mắc bệnh tâm thần thì tôi không hồi âm nữa.

Mãi đến ngày hôm kia, lúc nhận được lá thư cầu cứu thứ hai từ Hoàng Chức thông báo về sự mất tích của cô con gái, tôi cũng thấy hơi bất an, nhưng trong tay không có số điện thoại liên lạc của cô nên chẳng làm gì được. May hôm nay tiện xe nên tôi định đến tận nơi tìm hiểu, nhưng nhỡ đâu tình hình chưa đến mức ấy, hoặc chỉ là câu chuyện bịa đặt của người bệnh tâm thần thì sao? Thôi, cho dù có thấy con gái cô ấy đang chơi trong nhà, thì cũng xem như đây là cách xoa dịu lương tâm mẫn cảm của chính mình.

Phóng mắt nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ xe lùi dần lại phía sau, tôi thầm nghĩ thời gian thấm thoát tựa thoi đưa. Kể từ cuộc phỏng vấn mà rốt cuộc chẳng thể viết thành bài, do quá kì dị lần ấy, đến giờ đã hơn nghìn ngày. Dù đã có thêm nhiều trải nghiệm phong phú trong suốt quãng thời gian đó, nhưng mỗi khi hồi nhớ lại cảnh tượng vị bác sỹ nhặt đứa trẻ sơ sinh trông hệt tờ giấy trong tay, rồi mang đến trước mặt mình, tôi vẫn bất giác rùng mình.

Càng đến gần thôn Đại Đường, những thước phim về quá khứ đã vùi sâu trong ký ức, lại liên tục hiên ra, đan xen với nhau, đưa tôi quay về cuối buổi chiều ngày hôm đó.

“Đây là thứ quỷ gì vậy?” – Tôi gắng định thần, hít vào một hơi thật sâu, làm bộ tỉnh bơ hỏi. Mùi tanh tanh bốc ra từ bộ da đứa trẻ trước mặt theo luồng hơi hít vào xâm nhập vào bên trong cơ thể khiến đầu óc tôi quay cuồng, suýt ói.

“Đây…” – Bác sỹ Trương nhìn lướt qua xác đứa trẻ sơ sinh mỏng tanh trên tay, mặt lộ vẻ khó chịu, lắc đầu nói, “Tôi cũng chẳng rõ nữa. Thôi, bây giờ anh cũng đã nhìn rồi, tôi tin rằng anh chẳng còn hứng thú đào bới sâu thêm”.

Tôi cười khổ, ai thích nhìn mãi xác đứa trẻ sơ sinh kì dị này chứ?

“Nếu còn muốn phỏng vấn anh cũng không nên thực hiện ở đây, ta chuyển sang địa điểm khác nhé. Song tôi cũng không có nhiều thời gian đâu!” – Bác sỹ Trương tuyên bố.

“Vâng, nếu tiện ta ra ngoài hành lang”.

Dọc hai bên hành lang có kê những băng ghế dài, chúng tôi tìm một chỗ ngồi xuống.

Phải chăng chỉ là cảm giác tâm lý, bởi sau khi rời phòng sinh, tôi cảm thấy không khí trong lành hơn nhiều, tựa như tảng đá đè trước ngực đã được nhấc bỏ.

“Trường hợp trẻ dị dạng thế này rất hiếm phải không?” – Tôi cất tiếng hỏi.

“Không chỉ rất hiếm, trước đây tôi chưa từng gặp trường hợp nào như vậy.” – Bác sỹ Trương đáp.

“Đứng ở vị trí người bình thường ngoài ngành, tôi thực không cách gì hình dung ai đó có thể sinh ra đứa trẻ như vậy. Sao nó có thể phát triển thành hình dạng này trong bụng mẹ?”

“Nói thật dù tôi chưa từng gặp trường hợp này bao giờ, thậm chí không vị bác sỹ nào ở bệnh viện này từng gặp trường hợp trẻ sơ sinh dị dạng kiểu này, nhưng trước đây đã từng có người sinh ra đứa trẻ bị chết tương tự”.

“Hả?” – Tôi hơi bất ngờ.

“Ồ vâng, đúng là có trường hợp vậy. Hiện tượng này được gọi là thai nhi giấy, hiếm gặp đến mức chỉ được ghi lại trong tài liệu y khoa”.

“Thai nhi giấy?” – Thật là cái tên phù hợp, song tôi càng cảm thấy mất phương hướng hơn. Tôi còn nhớ lúc trong phòng sinh mình đã hỏi vị bác sỹ đây là thứ gì, ông ta nói là không biết, vậy sao giờ ông ta lại bảo từng có trường hợp tương tự và được gọi là thai nhi giấy. Thế chẳng phải là tiền hậu bất nhất sao?

“Vâng, thai nhi giấy, đúng vậy!:” – Giọng điệu bác sỹ Trương lại trở nên mơ hồ, như thể ông ta không lấy gì làm tự tin cho lắm.

“Sao thế?”

“Cứ nói thế này, thai nhi giấy tôi từng nhìn thấy trên sách vở thực sự rất giống vậy, nhưng thực sự tôi thấy rất khó tin rằng đây chính là thai nhi giấy!”

Điều ông ta nói khiến tôi hoàn toàn bối rối, nó có ý gì chứ?

Nhận ra vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, vị bác sỹ khẽ lắc đầu, rồi nói rằng điều này ngay chính ông cũng thấy rất bối rối.

“Hẳn anh nghĩ lời tôi nói rất mâu thuẫn phải không? Đó là bởi vì trường hợp này hết sức kì lạ. Tuy trong y học có hàng trăm hàng nghìn trường hợp kì lạ, đặc biệt là trong xã hội hiện đại, khi sự thay đổi về điều kiện sinh hoạt và thói quen đã liên tục tạo ra nhiều căn bệnh mới, song…” – Nói đến đây vị bác sỹ lại khẽ lắc đầu, như thể suy nghĩ của ông đang bị rối, nhất thời chưa tìm ra cách diễn đạt để có thể giải thích rõ chuyện này cho tôi hiểu.

Cảm giác sợ hãi ban nãy giờ lại bị áp đảo bởi tính hiếu kỳ, tôi chăm chăm nhìn vị bác sỹ ngồi phía đối diện, đưa mắt giục ông ấy mua nói tiếp. Không lâu trước đó, sự rối ren do tiếng thét kinh hoàng kia gây nên đã lắng xuống. Hay có thể nói rằng, nỗi tuyệt vọng ẩn chứa trong tiếng hét kinh hoàng đó đã nhấn chìm tất cả những người nghe thấy… Bởi vì, con người thường có xu hướng đón lành tránh dữ, nên họ nhanh chóng giải tán ai về chỗ nấy, và rồi hẳn sẽ tìm mọi cách quên chuyện này đi. Thế nhưng cũng rất có thể, vào lúc nửa đêm, tiếng hét kinh hoàng đó sẽ lại thình lình đánh thức họ khỏi giấc mộng.

Duy chỉ có một người vẫn đứng cách đó không xa, nơi có thể nghe được cuộc trò chuyện giữa tôi và vị bác sỹ. Đó chính là cô y tá trẻ đứng đợi trước cửa phòng sinh ban nãy. Hiển nhiên cách hành xử hiện giờ của cô ấy có phần hơi khác thường, bởi bất kể thế nào thì việc cô cần làm lúc này chắc chắn không phải là đứng ở đây.

Cô y tá đó đã biết Hoàng Chức sinh ra thứ gì. Lòng hiếu kỳ của cô hẳn không ít hơn tôi, và nhất định cũng bị một phen kinh sợ. Cảm giác sợ hãi tột độ vào khoảnh khắc nhìn thấy đứa trẻ giấy cũng đủ gây ám ảnh. Tôi đoán cô muốn nghe xem bác sỹ sẽ giải thích với tôi thế nào. Sự sợ hãi bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và sẽ tự khác biến mất khi chân tướng sự việc sáng tỏ.

Nhưng chẳng phải việc gì cũng có thể giải thích tỏ tường, và lúc này đây… Vị bác sỹ thở dài.

“Tôi nghĩ nó không phải là thai nhi giấy…” – vị bác sỹ tiếp tục, “mà chỉ có vẻ ngoài giống hiện tượng thai nhi giấy thôi. Trước tiên, hãy để tôi giải thích thế nào là thai nhi giấy, rồi anh sẽ hiểu tại sao tôi nói vậy. Anh biết hiện tượng mang đa thai chứ?”

“Hả?”

“À, đấy là cách gọi thông thường của hiện tượng song thai hoặc đa thai. Khả năng song thai, đa thai ở phụ nữ đang mang thai chiếm khoảng một phần trăm. Thường mọi người xem đây là tin tốt, song thực ra mức độ nguy hiểm đối với người mẹ ở trường hợp mang đa thai cao hơn đơn thai nhiều. Nó không chỉ khó khăn cho người phụ nữ trong quá trình sinh nở, mà còn khiến sự phát triển của những bào thai trong tử cung người mẹ gặp nhiều hạn chế hơn. Bởi cơ thể người phụ nữ vốn chỉ có thể đảm nhiệm việc cung cấp chất dinh dưỡng cho một bào thai, còn giờ lại phải san ra thành hai hoặc nhiều hơn”.

“Anh muốn nói, thai nhi giấy là thai nhi dị dạng do thiếu dinh dưỡng trong trường hợp người mẹ mang đa thai?”

“Không, không!” – Bác sỹ Trương liên tục xua tay, “Nếu chỉ vậy sao có thể coi là trường hợp hiếm? Từ góc độ này mà nói, đứa trẻ giấy là đứa trẻ sơ sinh bất hạnh bị mưu sát từ khi còn chưa ra khỏi bụng mẹ”.

“Bị mưu sát từ khi còn chưa ra khỏi bụng mẹ, bị ai mưu sát? Chẳng lẽ là những người anh em đa thai cũng trong bụng mẹ của nó sao?”.

“Có lẽ nên nói là người anh em song sinh kia thì chính xác hơn. Khả năng gặp thai nhi giấy ở trường hợp mang đa thai là rất thấp, gần như không thể. Thường thì trong trường hợp mang thai đôi, hai bào thai phát triển đồng đều trong tử cung người mẹ. Nhưng dưới điều kiện cực đoan nào đó, một trong hai bào thai phát triển mạnh hơn, mới đầu nó sẽ lấy phần lớn chất dinh dưỡng về cho mình, chèn ép không gian sống của bào thai kia. Sau cùng, đến một lúc nào đó, cơ thể người mẹ sẽ tự cắt bỏ nguồn dinh dưỡng dành cho bào thai yếu hơn rồi dần dần hấp thu nó”.

“Những cá thể mạnh luôn giành được cơ hội sinh tồn, anh dùng từ mưu sát ở đây có phần hơi quá!” – Tôi nói.

“Vấn đề là rất nhiều người nghi ngờ, nếu chỉ bị cơ thể người mẹ hấp thu, thai nhi này không thể trở thành mỏng như tờ giấy!” – Bác sỹ cố ý nhấn mạnh.

Tôi chợt rùng mình, đăm đăm nhìn ông.

“Nên rất có thể đã xảy ra một khả năng khác, khi bị bào thai khỏe chèn ép, bào thai yếu hơn sẽ dần thay đổi hình dạng, sau đó một phần cơ thể nó bị cơ thể người mẹ hấp thu, phần kia bị bào thai khỏe hấp thu, sự hấp thu này có thể xảy ra khi bào thai yếu đã chết hoặc… ai mà biết được!”

Bác sỹ không nhắc đến cái khả năng kia, điều này thật hết sức khó tin và cũng thật ghê tởm. Trong đầu tôi vụt lóe lên hình ảnh bào thai này bám dím lấy bào thai kia, và hút dần hút mòn sự sống người anh em của mình, khiến bào thai kia khô quắt lại như thể tờ giấy. Đúng là một con quỷ hút máu biến hình.

Sau này lớn lên biết được chuyện này, thì kẻ hút cạn sự sống của người ruột thịt để chào đời sẽ cảm thấy thế nào?

“Khi nhìn xác đứa trẻ giấy dị dạng này, phản ứng đầu tiên của tôi cho rằng đó là đứa trẻ giấy. Nhưng sau đó tôi liền nghĩ, nếu thế thì đứa trẻ kia đâu?”

Vị bác sỹ chăm chăm nhìn tôi, dù trên thực tế ánh mắt ông chẳng hẳn dõi vào tôi, mà xuyên qua tôi, hướng về phía điểm mơ hồ nào đó trong không gian. Ông như thể đang hỏi tôi, dù kỳ thực ông cũng không hy vọng mình sẽ nhận được bất cứ lời giải đáp nào. Càng nghĩ về đứa trẻ giấy mà Hoàng Chức sinh ra, tôi càng thấy khác thường hơn. Ngay đến vị bác sỹ trung niên, với hơn chục năm kinh nghiệm làm việc này, cũng chết lặng trước hàng loạt câu hỏi hiện lên trong đầu.

“Tại sao bệnh nhân chỉ sinh ra đứa trẻ giấy, còn đứa trẻ chèn ép nó đi đằng nào? Nếu không có đứa trẻ chèn ép kia, sao đứa trẻ đã chết lại có bộ dạng như vậy? Thứ gì đã chèn ép, hấp thu nó? Thứ ấy đâu rồi?”

Những câu hỏi của vị bác sỹ càng lúc càng bật ra dồn dập hơn, gương mặt ông cũng dần chuyển thành trắng bệch, vầng trán ông thoáng chốc lấm tấm mồ hôi. Sau khi nêu ra câu hỏi cuối cùng, lông mày ông chợt rung lên, mắt ông trợn tròn khiến tôi dựng tóc gáy.

“Không thể, không thể có thứ như vậy được!” – Ông bật thốt lên sau đó vài giây một cách gắng gượng, ghê tởm nặn từng chữ ra khỏi miệng mình, “Cái thai này không thể tự nhiên thành ra vậy!”

Nước bọt theo từng con chữ khó nhọc thoát ra khỏi miệng ông, bắn trúng chóp mũi tôi.

“Ồ, xin lỗi anh, tôi hơi nhập tâm quá!” – Vị bác sỹ tạ lỗi.

Nhập tâm? Tôi thấy ông bị đứa trẻ giấy bắt mất hồn thì có.

Tiếng chân rải bước vội vàng xa dần. Ngoảnh đầu nhìn lại, tôi thấy cô y tá vừa nãy đứng bên nghe trộm càng lúc càng bước nhanh hơn, hai chân hơi ríu vào nhau, khiến cô lảo đảo suýt ngã.

Lượng thuốc an thần không nhiều, nên không lâu sau đó Hoàng Chức đã tỉnh lại. Cô không ngồi dậy trên giường, mà chỉ đờ đẫn đưa mắt nhìn lên trần nhà. Đứa bé gái ngồi trên chiếc ghế nhỏ nhìn mẹ.

“Mẹ” – Con bé khẽ gọi.

Hoàng Chức không phản ứng gì.

Con bé lại yên lặng, thực ra nó vẫn luôn yên lặng, khép kín đến mức có phần lẻ loi.

Bệnh nhân cùng phòng ở giường khác thỉnh thoảng đưa mắt nhìn hai mẹ con. Họ có thiện ý hỏi thăm mấy câu, song Hoàng Chức cũng chẳng trả lời.

Tôi đứng quan sát từ phía ngoài phòng bệnh hồi lâu, phân vân không biết có nên phỏng vấn Hoàng Chức nữa hay không. Phỏng vấn cô vào ngay lúc này thì thật tàn nhẫn, vả lại chưa chắc cô đã chịu hợp tác, nhưng nếu không phỏng vấn mà chỉ dựa vào những điều bác sỹ Trương vừa nói, thì bài báo viết ra vẫn chưa hoàn chỉnh, thậm chí có thể bị biên tập viên xử tử, chẳng thể đăng báo.

Những câu hỏi chưa có lời giải đáp của bác sỹ Trương tựa như chiếc đèn kéo quân xoay vòng vòng trong đầu tôi, cộng với sự đeo bám dai dẳng của hình ảnh đứa trẻ mỏng dính như tờ giấy, tạo thành cái bóng trơ lì, ngoan cố neo chặt lấy tâm can tôi.

Liếm nhẹ đôi môi không biết đã khô nẻ từ khi nào, tôi chậm rãi thọc tay phải vào túi áo sơ mi.

Hoàng Chức vẫn giương mắt nhìn chằm chằm lên trần nhà loang lổ. Mồ hôi trên gương mặt cô đã khô từ lâu, còn sức sống trong cơ thể cũng gần như tan biến vào không trung theo những giọt mồ hôi đó. Gương mặt nhỏ nhắn, yếu ớt và xinh đẹp, đã bắt đầu xuống sắc do kiệt quệ tinh thần, khiến người ta trong lúc mơ màng tưởng nhầm cô chỉ là xác ướp.

Luồng không khí khẽ xáo động, làm cô chớp chớp mắt.

Con ngươi cô vẫn đờ ra, không vì những cái chớp mắt đó mà thay đổi, song chúng đã phản chiếu bóng dáng một người khác.

“Chào chị, tôi là phóng viên toàn soạn báo Ngôi sao buổi sớm” – Tôi cúi xuống nói với cô.

“Đây là danh thiếp của tôi.” – Tôi giơ tấm danh thiếp rút từ túi áo sơ mi ra trước mặt cô.

Chớp mắt thêm lần nữa, cô chầm chậm đưa mắt nhìn tôi.