Khí lạnh tràn ngập tàu điện ngầm, lại thêm ít người đi nên rất thoải mái. Đã gần trưa, nhưng có thể đi làm vào giờ này chính là cái hay của nghề phóng viên. Nếu không, hẳn chuyến tàu điện ngầm ở Thượng Hải lúc 8 giờ sáng và 6 giờ tối sẽ giống như dãy dài cá hộp xác - đin xếp hàng nuối đuôi nhau. Hạ thấp nhiệt độ điều hòa sẽ có tác dụng với những chú cá xác - đin đáng thương chăng? Không thể nào!
Đôi trai gái ngồi chênh chếch phía đối diện luôn miệng anh anh em em, còn người đàn ông trung niên cạnh đó thì đã cởi giày, gác chân lên đầu gối chân kia và xoa xoa gãi gãi, vẻ rất sung sướng. Đến tôi cũng cảm thấy mùi chân thối xộc thẳng vào mũi, thế mà đôi trai gái ngồi cạnh chẳng hề phản ứng gì. Tất nhiên làm gì cũng cần phải tập trung tư tưởng, nhưng cũng không nên tập trung đến mức đó chứ.
Sở dĩ tôi chưa bỏ đi, vì nghĩ làm vậy sẽ khiến đối phương bẽ mặt. Kẻ hành nghề phóng viên như tôi là người khá biết điều mà, hà hà…
Tất nhiên còn lý do nhỏ khác là băng ghế dài đối diện chỗ đôi trai gái cùng ông chú đang xoa chân chẳng còn ai, trong khi băng ghế tôi ngồi đã chật ních. Có thể toa phía sau vẫn còn chỗ trống… nhưng chuyển đi như thế lộ liễu quá còn gì?
Thế nên tốt nhất là tôi đành thu vội ánh nhìn từ những bàn tay linh hoạt và đôi chân bắc chữ ngũ của người đàn ông luống tuổi về trang sách mà tôi đang xem dở, tiếp tục đọc một cách chăm chú.
Cuốn sách tôi đang xem có tựa đề “Lược sử thời gian”, từng rất nổi tiếng nhiều năm về trước, còn giờ xem ra đã lỗi thời. Đọc một cuốn sách cũ mà còn chưa hiểu rõ thì quả thật hơi kém. Tôi tự an ủi mình, số người hiểu được cuốn sách này khi đọc nó, vào thời đại nào cũng vậy, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay mà thôi.
Theo nghiệp phóng viên mấy năm nay, trải qua biết bao chuyện cổ kim kỳ quái, đến bây giờ tôi đành chấp nhận số phận. Có những người ngay từ khi sinh ra đã có “số thị phi”, đi đến đâu gặp thị phi đến đấy, người như thế sẽ là thợ săn tin tài ba; lại có những người khi sinh ra đã có số đào hoa, đi đến đâu cũng cố tình lả lơi, “câu” người khác, loại người này dễ trở thành đại dâm tặc bị người đời khinh bỉ và phỉ nhổ; còn loại suốt ngày gặp những việc kì quái như tôi, thì lại có số trở thành nhà mạo hiểm, hoặc cũng có thể sớm trở thành ma chết trẻ. Mạo hiểm không thể nuôi sống mấy miệng ăn, nên tạm thời hãy cứ làm phóng viên cái đã.
Tới giờ thì tôi hoàn toàn chắc chắn là thế giới này không hề đơn giản như ta thấy, nên làm thế nào để giải thích điều tôi gặp phải một cách khoa học cũng là cả vấn đề. Xét trên phương diện là thứ được con người dùng để giải thích thế giới, thì trước giờ khoa học chưa đảm nhận xuất sắc nhiệm vụ này, song điều này không thể cản được sự tò mò đối với khoa học đang càng lúc càng lớn mạnh trong tôi.
Hawking đã cố gắng viết về vật lý học một cách đơn giản và thú vị hết mức có thể. Đọc xong phần liên quan đến cơ học Newton, sang phần thuyết tương đối hẹp, tôi cảm thấy hơi nhức đầu. Công thức sự tương đương khối lượng – năng lượng của Einstein vốn đã nổi tiếng bởi sự đơn giản và hoàn mỹ của nó, nhưng chỉ nhìn vào đấy cũng đủ khiến tôi xây xẩm mặt mày, cái tật này mắc từ hồi trung học hơn mười năm trước, đến giờ vẫn chưa khỏi.
Tôi lật sang phần sau, lực hấp dẫn Newton gần như được thay bằng thuyết tương đối rộng dạng hình học không gian, liệu mình có đọc nổi không? Tôi thấy vô cùng nghi ngờ.
Trên đường từ tàu điện ngầm đến tòa soạn, tôi mải mê suy nghĩ về vấn đề vật lý cao siêu, rồi mới chợt nhận ra là nên để vấn đề này đến tối nghiền ngẫm, sẽ giúp mình dễ buồn ngủ hơn.
Trong phòng tin tức tòa soạn báo Sao Mai, ít nhất còn một nửa nhân viên vẫn chưa đến. Tôi vừa ngồi vào ghế của mình, chưa kịp bật máy tính, thì đã bị Lưu Đường quăng cho một lá thư.
“Này, thư của ông!” – Giọng điệu gã quỷ sứ Lưu Đường đầy ẩn ý.
Cầm thư lên tôi chợt ngẩn ra, phong bì đã bị xé. Tôi nhìn lướt qua phong bì, không thấy đề họ tên người gửi, còn người nhận, chỉ có: “Bộ phận cơ động – Tòa soạn báo Ngôi sao buổi sớm”.
Lia mắt nhìn xuống góc dưới bên phải thấy chữ kí người gửi, tôi cười khổ, rút thư ra. Đúng là thư gửi cho tôi, hầu như tháng nào tôi cũng nhận được một bức thư kiểu này, có khi người viết còn quên đề tên tôi lên phong bì như lần này.
Phóng viên nhận được thư từ độc giả là chuyện hết sức bình thường, đôi khi là thư mắng chửi, đôi khi là thư khen ngợi, hay cả thư cung cấp tư liệu thực tế hoặc đơn thuần chỉ là thư giải bày tâm sự từ người hâm mộ. Một phóng viên lão luyện, xét về cơ bản, đều phải trải qua những điều này, đôi khi gặp tình huống khác cũng chẳng có gì là lạ; chẳng hạn như Dương Hoa, đảm nhận đường dây an ninh công cộng phòng bên, thường xuyên nhận được thư thông báo về thành tích cướp giật gần đây của tên cướp khét tiếng, đã bị cảnh sát âm thầm theo dõi từ lâu mà vẫn chưa tóm được.
Tôi lại là trường hợp khác, người viết thư cho tôi là người mắc bệnh tâm thần, bố cục bức thư tôi nhận cơ bản đều có ba phần: bình luận về đại sự quốc gia, khen ngợi tin bài của tôi, và cuối cùng là hàn huyên về một số việc trong cuộc sống của cô ấy. Thái độ cô ấy, xét qua thư, khá là nghiêm túc, song nó chỉ mang lại hiệu ứng giải trí, nên lần nào cũng được lan truyền rất lâu ở cả trong lẫn ngoài bộ phận.
Nhân lúc máy tính đang khởi động, tôi lướt qua thư một lượt, ngay câu mở đầu đã khiến tôi phải mỉm cười. Cô trịnh trọng bày tỏ lòng cảm ơn sự quan tâm tôi dành cho cô, rằng tôi không cần phải tiếp tục lo lắng, bệnh tình cô đã thuyên giảm nhiều, và rằng cô đã có thể sinh hoạt như người bình thường.
Tôi… rất quan tâm đến tình trạng bệnh tật của cô ư?
Đọc tiếp là rõ ngay, cô dặn tôi không nên lúc nào cũng thể hiện kiểu quan tâm vòng vo với mình trên mặt báo, người khác nhận ra sẽ không hay…
Trong mỗi lá thư gửi đến, cô đều vui mừng báo với tôi căn bệnh thần kinh của mình đã thuyên giảm nhiều, nhưng đọc xong thư cô viết thì bất kì người bình thường nào cũng sẽ phải lắc đầu. Ở phần tiếp theo của bức thư, cô hỏi tôi liệu có thể đăng tin tìm người lên báo “Ngôi sao buổi sớm” không, bởi con gái cô đã mất tích.
Tôi nhớ ở bức thư trước cô cũng đã nhắc đến việc con gái cô bị mất tích. Vậy nhưng biết đến câu chuyện này qua bức thư của người bị mắc bệnh tâm thần lại khiến tôi nghi ngờ vào độ chân thực của nó, vì có thể con gái cô chỉ ra chơi ở ngoài nhà lâu hơn một chút. Thư lần này lại nhắc đến, thì không rõ rốt cuộc con gái cô bị mất tích từ lần trước đến giờ hay lại vừa mới mất tích? Đặt bức thư xuống, không biết sao tôi thấy hơi bồn chồn, lo lắng trong lòng.
Không nên coi chuyện này là thật, mà nếu con gái cô có mất tích thật đi chăng nữa, thì việc này cũng thuộc chức trách của bên cảnh sát.
Cô ấy chỉ là bệnh nhân tâm thần, và dựa trên mức độ lộn xộn, rối rắm trong mạch lôgíc của bức thư, thì bệnh tình của cô còn lâu mới khỏi.
…
“Chà, xong rồi à, buồn cười thật, thế nào mà cô ấy hay viết thư cho ông vậy nhỉ?”.
“À” – Tôi giật mình, ngẩng đầu lên nhìn Lưu Đường cười cười.
Mấy giây vừa rồi, tôi quả có hơi thẫn thờ, để mặc bức thư nằm chỏng trơ trên bàn, ngẩn người nhìn nó một lúc lâu. Tôi nhớ con gái cô là đứa bé gái có cặp mắt to với hai chấm đồng tử vừa đen vừa tròn, khiến ai nhìn vào là chết chìm trong đó. Lúc ấy, con bé đứng lẻ loi một mình ở góc phòng, yên lặng như thể nó không tồn tại. Hồi đó, nó mấy tuổi nhỉ… bốn tuổi chăng? Có lẽ giờ con bé đã lên bảy, đã đến tuổi đi học rồi đây.
Con bé tên gì nhỉ? Bất chợt tôi chẳng tài nào nhớ ra.
“Sao thế? Ông không nghĩ điều cô ấy viết trong thư là thật đấy chứ?” – Lưu Đường thấy thần sắc tôi khác lạ liền buông thêm một câu.
Tôi lắc đầu, cố chặn dòng suy nghĩ của mình lại, đó cũng chẳng phải những hồi ức vui vẻ gì.
“Không có gì!” – Tôi nhún vai, nhét lại thư vào phong bì, quăng lên chồng báo bên cạnh.
“Muốn qua xem quà Thất Tịch tôi mua không, cực kì sáng tạo đấy nhé!” – Gã quỷ sứ Lưu Đường hất hất mái tóc nhuộm màu đỏ sậm, dương dương tự đắc tuyên bố.
Kể từ khi Lưu Đường được chúng tôi gán cho biệt hiệu “Quý tóc đỏ” cậu ta chỉ trung thành với một màu tóc nhuộm đỏ, không chịu chuyển về màu đen mà chỉ xê dịch giữa hai tông là màu phớt đỏ và đỏ đun.
“Quà Thất Tịch?” – Tôi nhớ ra còn mấy ngày nữa là đến lễ Thất Tịch [1] theo lịch âm, “Giờ lễ Tình Nhân cũng được bản địa hóa rồi à?”
[1] Lễ Thất Tịch: là ngày lễ tình nhân của người Trung Quốc, được tổ chức vào ngày 7/7 âm lịch hàng năm.
“Kiếm tiền ấy mà, chẳng qua chỉ để giúp tôi tăng cơ hội hẹn hò với người đẹp, vậy là ai cũng có được thứ mình cần, đôi bên đều hài lòng mãn nguyện”.
“Ngữ ông thì sáng tạo gì chứ!”.
“Búp bê bơm hơi, ông đã thấy bao giờ chưa?”
“Búp bê bơm hơi?” – Tròng mắt tôi như lập tức lồi hẳn ra ngoài, “Ông chuẩn bị búp bê bơm hơi làm quà Thất Tịch cho bạn gái?”
“Này, vẻ mặt thế là sao, chẳng phải kiểu như ông nghĩ đâu!” – Lưu Đường tức giận mắng, “Đồ dâm ô, ông nghĩ đi đâu thế?”.
“Thì tại ông vừa nói là búp bê bơm hơi còn gì!” – Tôi ngượng ngùng chữa thẹn.
Lưu Đường ném thứ gì lại, tôi nhanh tay chộp lấy.
“Ấy, nhẹ, nhẹ tay thôi, đừng có bóp mạnh!” – Đường tóc đỏ hét lên.
Quả nhiên là con búp bê được bơm hơi to chừng nửa lòng bàn tay, hình thỏ MashiMaro, được làm từ chất liệu dày dặn hơn là bóng bay, đây không phải loại nhựa dẻo thông thường, khi dùng tay bóp cảm giác rất thích.
“Khá thú vị, các cô gái trẻ hẳn rất thích!” – Tôi nói.
“Không chỉ có một con này thôi đâu”
– Lưu Đường vẫy tôi lại, bảo: “Ở đây tôi còn hẳn một hộp này, nhìn riêng một con chỉ thấy khá thú vị, chứ nếu đem tặng cả hộp thì người nhận cứ gọi là chết đứ đừ”.
Đặt trên bàn làm việc của Lưu Đường là chiếc hộp gỗ gia công tinh xảo, nhấc nắp lên bên trong là mấy chục con búp bê da chưa bơm hơi được xếp rất gọn gàng.
Lưu Đường giơ từng con lên cho tôi xem:” Đây là mèo Garfield, đây là Snoopy, còn đây là Ultraman…”
Sở hữu xấp búp bê bơm hơi được chế tạo tinh xảo như vậy cũng đáng được tôn lên thành cấp sưu tầm, và hẳn sẽ có sức hút khó cưỡng đối với nhiều cô gái trẻ. Lưu Đường mải khoe kho báu của mình, không hay mặc tôi đã biến sắc.
Những con búp bê bơm hơi khơi lại trong tôi hồi ức nãy giờ tôi cố gắng kìm nén, nhưng đến giây phút này chúng chợt ùa về tràn ngập tâm hồn, rồi từng cảnh từng cảnh vụt lóe lên trước mắt.
Có những việc dù đã qua rất lâu, mà khi nhớ lại vẫn như đang hiển hiện trước mắt.
Một buổi chiều của ba năm về trước, khi tôi đưa tấm danh thiếp của mình cho Hoàng Chức, cô còn chưa có bất kỳ vấn đề gì về tâm thần. Tôi cũng không ngờ về sau cô ấy liên tục gửi thư cho mình địa chỉ ghi trên tấm danh thiếp đó.
Tôi tin căn nguyên gây ra bệnh tâm thần của cô có liên quan đến những chuyện đã xảy ra trong buổi chiều ba năm về trước.
Khoảng chừng ba giờ chiều, nhận được tin báo, tôi vội chạy đến một bệnh viện phụ sản có tiếng nhất thành phố Thượng Hải, với cái tên thường gọi là Bệnh viện bà mẹ trẻ em số 1.
Người báo tin cho tôi là người phụ trách thông tin của bệnh viện. Anh ta không giỏi đánh giá thể loại tin nào là đề tài viết báo hay, thể loại tin nào chỉ có thể trở thành đề tài bàn tán. Mặc dầu vậy, anh ta vẫn luôn hăng hái cung cấp đủ mọi thể loại tin cho tôi, bởi nếu tôi lấy tin đó viết bài, anh ta cũng sẽ nhận được khoản thù lao nho nhỏ.
Tin báo lần này từ anh ta chỉ là mẩu tin ngắn: “Khoa sản có một trường hợp rất kì lạ, anh muốn đến phỏng vấn không?”. Vừa hay lúc đó tôi đang ở cách bệnh viện không xa, nên sau chưa đầy hai mươi phút từ khi nhận được tin, tôi đã xuất hiện trước cửa phòng làm việc của anh.
Người báo tin hỏi thăm giúp rồi dẫn tôi đến nơi.
“Tôi không nhiều lời nữa, anh tự đi phỏng vấn nhé!” – Dứt lời anh ta bỏ đi, vẻ mặt rất không tự nhiên. Có thể đó chỉ là ảo giác, nhưng dù sao tôi cảm thấy hình như anh ta hơi khiếp sợ.
Đây là hành lang ngoài phòng bệnh, tình hình có phần khác lạ. Nơi đây thường là khu vực rất yên tĩnh, nhưng hiện giờ lại đang có người to tiếng cãi cọ, chính xác là có bệnh nhân đang lớn tiếng chỉ trích nhân viên y tế, còn người bị chỉ trích thì chỉ nhẹ nhàng giải thích.
Bệnh nhân hẳn vừa mới sinh xong, đang nằm trên giường đẩy để y tá đẩy về phòng bệnh, song vẫn kiên quyết nắm chặt khung cửa phòng bệnh, sống chết không chịu buông.
“Tôi nhất định phải được nhìn mặt con tôi, nếu không tôi sẽ không vào!” – Cô ta hét toáng lên.
Vài bệnh nhân vây quanh nhìn, thấy y tá thì đang cố gắng giải tán nhóm người khán giả về phòng bệnh.
Tôi bước tới, thầm cảm thấy hơi kì lạ. Giữa người bệnh và bệnh viện đang xảy ra mâu thuẫn, mà sao chẳng thấy người nhà bệnh nhân đâu? Trong hoàn cảnh này, chí ít có chồng cô ta phải ở bên chứ, sao chỉ có người phụ nữ đang nằm trên chiếc giường đẩy kia gào thét đến hụt hơi vậy nhỉ?
Chỉ có một bé gái còn rất nhỏ đứng ở phía xa xa, con bé đứng nép vào tường, chằm chằm nhìn về phía trước. Không một y tá hay người nào đến kéo con bé đi, như thế nó có mối quan hệ gì đó với người bệnh.
Về sau tôi mới biết, đứa bé gái đó là con đầu lòng của người bệnh tên Hoàng Chức, cô bé tên là… đúng rồi là Chu Tiêm Tiêm.
Lúc tôi bước đến gần, Chu Tiêm Tiêm đột nhiên ngoảnh lại nhìn. Vẻ mặt có phần lạnh lùng xa cách, con bé mím chặt môi. Bắt gặp ánh mắt Tiêm Tiêm, tâm can tôi chợt thoáng chấn động, đôi mắt to đó sâu đến hút hồn. Trẻ con và người lớn sống ở hai thế giới, đôi mắt này càng khiến người ta nhận ra điều đó một cách rõ ràng hơn.
“Sao tôi không được nhìn con tôi, đứa con tôi đứt ruột đẻ ra tôi phải có quyền nhìn nó chứ!” – Tiếng hét của Hoàng Chức xuyên vào tai tôi.
Ánh mắt tôi dừng lại trên cơ thể người bệnh rõ rang là đang có phần hoang tưởng này.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô là sự nhỏ bé, yếu ớt. Dù cô đang trong tình trạng trang cãi nảy lửa, nhưng những sợi gân xanh hiện lên trên chiếc cổ thon nhỏ, cộng với gương mặt trái xoan nhợt nhạt sau sinh cũng những vầng đỏ – là kết quả của một tâm trạng đang bị kích động, vẫn khiến tôi cảm thấy người phụ nữ này mang nét đẹp rất liễu yếu đào tơ.
Tôi không vội để lộ thân phận mình, bởi tâm trạng người bệnh đang kích động, nên có lẽ phải đợi đến khi cô ấy bình tĩnh lại. Tình cảnh hiện giờ không cho phép tôi gây thêm phiền hà, đứng nhìn là được rồi.
“Xin lỗi chị, cháu bé nhà chị đã mất rồi!”. Vị bác sỹ nói.
“Không, không thể nào, các người đã làm gì, sao con tôi có thể chết được chứ?” – Giọng nói the thé sắc nhọn của Hoàng Chức bất chợt khàn đi.
“Đó không phải là do công tác hộ sinh của bệnh viện chúng tôi, cháu bé đã qua đời từ lâu rồi, chết trước khi được sinh ra!”.
“Đồ dối trá, anh lừa tôi, đứa con trong bụng tôi rất hiếu động hoạt bát, mỗi ngày tôi đều cảm nhận được nó. Nhất định là do các người, đây là sự cố xảy ra trong quá trình đỡ đẻ!”.
“Ngày nào chị cũng cảm nhận được sao?” – Vị bác sỹ tỏ vẻ hồ nghi, khó hiểu, “Chắc đó chỉ là ảo giác của chị. Đứa bé còn chưa phát triển toàn diện trong bụng mẹ đã chết từ lâu rồi”.
“Dù thế nào thì tôi vẫn muốn nhìn mặt con tôi, dù chết nó cũng vẫn là cốt nhục máu mủ của tôi đứt ruột đẻ ra!” – Hoàng Chức gượng nhổm dậy nhìn chằm chằm vị bác sỹ đứng trước mặt với ánh mắt đầy hận thù, như thể ông ta là kẻ thù không đội trời chung của cô vậy.
Vị bác sỹ ngoảnh mặt sang bên cạnh, không muốn đối mắt với cô. Ông khẽ lắc đầu, bảo y tá đứng cạnh: “Vậy… vẫn đang ở chỗ phòng sinh phải không?”.
Y tá gật đầu.
“Thôi thế này” – vị bác sỹ nói, “Chúng tôi sẽ đưa chị sang xem. Nhưng chị cũng cần chuẩn bị tinh thần trước, tốt nhất chị hãy bình tĩnh lại và hít thở sâu lấy vài hơi. Đó là… đứa trẻ dị dạng”.
“Dù hình dạng thế nào, nó vẫn là con tôi!” – Hoàng Chức không chút do dự đáp.
Cuối cùng, cô cũng nằm xuống, y tá đẩy giường bệnh về phía phòng sinh. Tôi nhìn lướt qua khung cửa con hằn đầy dấu tay bên trên, đó hẳn là vết mồ hôi từ tay Hoàng Chức.
Giường bệnh được đẩy đi khá xa ngoài hành lang, tôi vội vàng rảo bước, định bám theo. Hoàng Chức đột nhiên nhổm dậy, ngoái đầu lại nhìn.
Thấy cô hướng về phía mình và nở nụ cười có đôi phần miễn cưỡng, tôi khựng lại, chưa biết nên phản ứng thế nào. Sau đó, tôi mới nhận ra rằng chẳng phải cô ấy đang nhìn mình.
“Tiêm Tiêm, đợi mẹ ở phòng bệnh nhé, mẹ sẽ quay lại nhanh thôi!” – Khi nói, ánh mắt Hoàng Chức có phần hơi mê man. Hẳn cô ấy mệt lắm khi vừa vượt cạn xong đã phải hao tốn thể lực vào cuộc tranh cãi với bác sỹ và y tá.
Đứa bé nãy giờ vẫn đứng cạnh cửa, không bám theo. Giờ nghe mẹ nó dặn, nó chẳng vâng dạ gì, chỉ chạy tọt vào phòng bệnh.
Hoàng Chức lại nằm xuống. Thấy tôi, ánh mắt cô lộ vẻ khó hiểu, nhưng cô đã chẳng còn hơi sức để tìm hiểu xem tôi, người đàn ông bám theo cô có thân phận thế nào. Tâm trí cô chỉ hướng về đứa trẻ mình vừa sinh ra.
Trong khoảnh khắc dừng lại ngắn ngủi đó, vị bác sỹ và y tá để ý thấy tôi. Một y tá nhíu mày định lên tiếng thì vị bác sỹ đã bước tới, hạ giọng bảo: “Anh với anh Bạch là…?”
Tôi gật gật đầu. Anh Bạch là người cung cấp tin cho tôi.
“Hừm, e giờ không tiện!” – Vị bác sỹ liếc nhanh về phía Hoàng Chức đang nằm trên giường bệnh. Lúc này khi những quầng đỏ trên mặt đã biến mất, cô trong nhợt nhạt hơn bao giờ hết.
“Tôi hiểu, lát nữa tiện ta sẽ nói sau, giờ tôi chỉ đi theo xem thôi!” – Tôi đáp.
Làm phóng viên không có nghĩa lúc nào bạn cũng phải là người đặt câu hỏi, mà đôi khi việc dùng cái tâm để nhìn nhận cách sự việc phát sinh còn cần thiết hơn.
Không lâu sau, Hoàng Chức được đẩy trở lại phòng sinh. Tôi định bám theo, nhưng thấy có lẽ không được tiện lắm, trong lúc tôi còn đang phân vân lưỡng lự thì cánh cửa phòng sinh đã khép lại.
“Tôi có thể vào trong xem không?” – Tôi hỏi y tá đứng ngoài cửa.
“Anh là…”
“Tôi là phóng viên, phóng viên của tòa soạn báo Ngôi sao buổi sớm”.
“Vậy cũng không được, việc này cần được sự đồng ý của bác sỹ và bệnh nhân đồng ý!” – Cô y tá không đổi ý.
“Anh Bạch trên văn phòng báo cho tôi đến phỏng vấn, anh ấy nói ở đây có một trường hợp kì lạ, phải chăng là ám chỉ đứa bé dị dạng sản phụ kia vừa mới sinh?” – Tôi hỏi.
Y tá mím chặt môi, mặt đột nhiên trở nên căng thẳng.
Nhìn sắc mặt cô, tôi cảm thấy hình như chuyện này không đơn giản. Vốn dĩ tôi đang nghĩ bụng, mỗi chuyện đứa trẻ sơ sinh dị dạng thì có gì để mà đưa lên báo, có lẽ nào có người đẻ ra cá ư? Song dựa vào cuộc tranh cãi vừa nãy, cùng vẻ mặt hoảng sợ thất thần của y tá, xem chừng lần này lão Bạch hốt được tiền thưởng rồi đây.
“Sao lúc sinh xong không bế đứa bé cho mẹ nhìn mặt con?” – Tôi truy vấn.
“Bởi vì cô ấy sinh ra…” – Cô y tá nói được nửa chừng liền im bặt, như thể phần tiếp sau là điều cấm kị, nghẹn lại nơi họng dù thế nào cũng không dám nói ra.
Cô y tá hít một hơi thật sâu, tôi đoán cô sắp sửa tiết lộ chân tướng sự việc cho mình biết, đúng lúc đó một tiếng thét bi thương thảm thiết bất ngờ vang lên từ trong phòng sinh.
Như thể vọng ra từ nơi địa ngục âm u tăm tối, tiếng thét ấy chứa đựng sự hoảng sợ, tuyệt vọng đến cùng cực, vừa khàn đặc vừa sắc nhọn, như cơn gió lạnh buốt xương luồn qua cánh cửa chính nơi phòng sinh lọt ra ngoài. Trong chớp mắt, mọi người ở ngoài đều biến sắc, những người đang đi lại đột nhiên đứng im, bầu không khí tịch mịch đến rợn người, chỉ mỗi tiếng thét bi thương xé tai vang vọng trong đầu.
Mấy giây sau, tôi hỏi y tá: “Chuyện gì xảy ra vậy?”
Tôi lập tức nhận ra đây là câu hỏi ngớ ngẩn; tiếng thét thê lương đáng sợ đó vẫn khiến tôi chưa kịp định thần lại.
Nhân lúc y tá đang đờ ra, tôi định đẩy cửa phòng sinh xông vào.
Nhưng cửa đã được khóa từ bên trong, tôi vặn liền vài cái đều không được,
“Này, anh định làm gì thế?” – Y tá đẩy tôi ra, vặn cánh cửa đang khóa, cô hướng vào trong phòng hét gọi: “Bác sỹ Trương, Bác sỹ Trương!”.
Hình như có người đáp lại từ bên trong, tôi chưa nghe rõ là gì, nhưng y tá lập tức im bặt.
“Sao thế? Tiếng kêu vừa xong có phải là của bệnh nhân được đẩy vào phòng không?” – Tôi hỏi.
“Không có gì, không có gì!” – Y tá đáp.
“Không có chuyện gì ư? Cô biết chuyện gì xảy ra trong đó sao?” – Tôi hỏi lại lòng hơi tức giận, tiếng thét thảm thiết đáng sợ nhường vậy mà chỉ cần một câu nói từ bác sỹ bên trong, y tá đã điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra.
Câu nói của tôi vừa thốt ra ngoài miệng đã thấy cô y tá ngập ngừng, như thể có điều gì khó nói. Phải chăng cô ấy biết điều gì?
“Có thể… có thể là người bệnh đã nhìn thấy đứa bé chị ấy sinh ra!” – Thốt ra được câu này, y tá như thể vừa gỡ được cục nghẹn nơi cổ họng.
“Đứa trẻ cô ấy sinh?” – Tôi nhớ mới vài phút trước trong hành lang, Hoàng Chức hãy còn khăng khăng một mực rằng “Dẫu hình dạng thế nào, nó vẫn là con tôi”. Vậy mà giờ lại bị đứa con chính mình đẻ ra làm cho khiếp sợ đến mức thét lên thê thảm…
Rốt cuộc cô ấy đã nhìn thấy gì? À không, rốt cuộc cô ấy đã sinh ra thứ gì?
Tôi vẫn đang kinh ngạc và nghi ngờ thì cửa phòng sinh bật mở, Hoàng Chức nằm trên chiếc giường đẩy được đẩy ra ngoài hai mắt cô nhắm nghiền.
“Bệnh nhân thế nào?” – Y tá hỏi.
“Sợ hãi quá độ nên đã bị ngất. Tôi vừa tiêm cho cô ấy một mũi ức chế thần kinh!” – Sắc mặt bác sỹ cũng không được tốt, trán ông lấm tấm đầy mồ hôi.
“Cô ấy bị đứa con mình sinh ra làm cho kinh sợ đến mức ngất đi ư? Liệu tôi có thể nhìn qua không?” – Tôi hỏi.
Vị bác sỹ chần chừ một lát rồi đáp: “Vậy thế này đi, anh cứ vào đó ngó qua. Nhưng không được phép chụp ảnh”.
“Tôi không mang máy ảnh” – Tôi vừa nói vừa theo ông vào phòng sinh.
“Tách tách…” Bác sỹ bật chum đèn không bóng trong phòng mổ. Ông lấy đôi găng tay cao su dùng khi phẫu thuật ra đeo, cúi xuống nhặt một thứ gì đó lên, rồi cứ thế xách đến trước mặt tôi.
Tôi tự cho mình trải nghiệm tương đối nhiều chuyện kinh dị, vả lại tiếng hét đầy bi thương vừa xong cũng phần nào giúp tôi có sự chuẩn bị trước về mặt tâm lý, thế nhưng vào giây phút này, tóc gáy tôi bất ngờ như dựng đứng hết lên, nửa thân trên tự động giật lùi ra sau.
Nó là vật gì vậy?
Không biết bao nhiêu thời gian trôi qua, tôi mơ hồ không thể nhớ nỗi, nỗi sợ hãi khiến tôi cảm thấy ngột ngạt. Tôi không nhìn thấy bộ dạng của mình lúc đó, nhưng đoán chắc mặt phải trắng bệch như người chết.
Khi có thể cử động trở lại, tôi lập tức lùi ra sau một bước. Mọi khớp xương trong cơ thể tôi như thể bị han gỉ, chỉ một cử động nhỏ cũng kêu lên răng rắc.
“Đây là thứ cô ấy sinh ra sao?” – Sau khi thốt ra câu này, tôi mới nhận ra giọng mình đã khàn đặc.
Nó không phải là một đứa trẻ, thậm chí còn không thể tính là một đứa trẻ quái thai.
Vật trước mặt tôi, có đầu có chân, tứ chi lành lặn, đang nhè nhẹ lay động theo tay bác sỹ.
Không sai, là lay động. Bởi nó chỉ là một tấm da!
Hoàng Chức sinh ra một tấm da mang hình hài đứa trẻ!
Tất nhiên, nó cũng dày hơn tấm da một chút, song chắc chắn chưa đến một centimet.
Hai chân kết dính với nhau tựa như đuôi cá. Tay ép chồng lên nửa thân trên, phần duy nhất có thể phân biệt được là một vài dấu vết nằm giữa phần ngực với bụng.
Còn gương mặt thì…
Gương mặt ấy dị hợm với chiếc mũi bị đè bẹp, vẹo vọ dán chặt sang phía bên trái; cái miệng hơi nhe ra; trên vị trí đại loại là đôi mắt, thì con mắt bên trái còn mang chút hình dạng, con mắt bên phải biến thành một cái hốc hơi lõm vào, chính giữa là tổ chức giống như con ngươi.
Nếu tưởng tượng một chút, thì đứa trẻ này như bị một máy ép hàng vạn tấn nén xuống một cách từ từ, sau đó được người ta lau sạch vết máu đi. Nhưng nếu thực sự có đứa trẻ nào bị đè bẹp như vậy, thì người ta chỉ cảm thấy thương xót, không nỡ nhìn, còn giây phút này, tôi chỉ thấy quái dị, một cảm giác quái dị đến độ âm u, ghê sợ. Một người bình thường sao có thể sinh ra một vật dị hợm như thế này?
Một ý nghĩ bất chợt lóe lên trong đầu tôi: Đây là đứa trẻ bị ma quỷ nguyền rủa!