Chương 12: Ngày Xá Tội Vong Nhân

Ngày Rằm tháng Bảy hay còn gọi là ngày Xá tội vong nhân là ngày mà Diêm Vương cho mở cửa âm phủ để ân xá cho các vong hồn không nhà cửa, bị chết oan hoặc chết bất đắc kì tử mà không có người thờ cúng được lên dương gian để hưởng hương khói người dân thờ cúng.

Vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hàng năm, ngoài việc sắp cơm, đặt lễ để thờ cúng vong hồn người thân đã khuất trong gia đình thì người ta còn thực hiện một hoạt động nữa gọi là ‘cúng thí thực’. Trong dân gian người ta gọi là cúng cô hồn còn trong quan niệm của Phật giáo không có tháng cô hồn nên tên cúng thí thực cũng từ đó mà ra. Một mâm lễ cúng thí chuẩn quy cách gồm có: 1 dĩa muối gạo, 12 chén nhỏ cháo trắng hoặc 3 vắt cơm, 12 cục đường thẻ, giấy nến và quần áo vàng mã, bánh kẹo, vài tờ tiền với nhiều mệnh giá khác nhau ngoài ra còn có khoai, ngô, sắn luộc,…Người thực hiện cúng thí khi thực hiện nghi lễ chỉ cần thành tâm, hoan hỉ phát nguyện là được. Nghi thức cúng thí thực là nét đẹp văn hoá tâm linh truyền thống của người Việt được lưu giữ và phát triển cho đến tận ngày nay.

Tuy nhiên, gia đình của ông Toàn đã 17 năm chưa thực hiện ghi thức cúng thí vào ngày Rằm tháng Bảy, năm nay cũng không ngoại lệ. Kể từ khi Phương Diễm được sinh ra, vào ngày Rằm tháng Bảy hàng năm tất cả các thành viên trong gia đình nhà họ Phương đều phải gồng mình chống lại sự quấy nhiễu đến từ những âm hồn dã quỷ đến từ khắp nơi. Điển hình cho câu nói: ”Thỉnh thần dễ, tiễn thần khó” lũ ma quỷ không ngừng tìm mọi cách phá vỡ trận pháp đuổi tà cũng như tìm cách đi xuyên qua lớp bùa chú của thầy pháp Toàn để tiến vào nhà ăn linh hồn Phương Diễm. Đây chính là lí do không có năm nào kể từ khi cô con gái út nhà họ Phương sinh ra mà ông Toàn lại thực hiện nghi lễ cúng cô hồn cả.

“Cốc cốc,…” Tiếng ai đó gõ cửa vang lên.

“Diễm ơi, dậy chưa con? Mau xuống nhà ăn sáng.” Đã gần 8 giờ mà vẫn chưa thấy con gái xuống nhà dưới ăn sáng nên bà Thuỷ bèn lên phòng gõ cửa phòng cô. Hôm nay cả nhà sẽ phải đối mặt với một mối nguy hiểm lớn nhất từ trước đến giờ, bà Thuỷ lo lắng nghĩ ngợi.

“Vâng ạ, con xuống ngay đây.”

“Ừ, xuống nhanh nhé con đừng để ông nội, bố và anh đợi lâu.” Nói xong, bà đi xuống nhà ăn sau khi nghe thấy tiếng đáp của con gái.

Về phía Phương Diễm, cô nhanh chóng vệ sinh cá nhân rồi mang theo một chó đen lớn và hai chú sói con xuống lầu.

“ Con chào cả nhà ạ.” Sau khi xuống đến phòng khách cô gái nhỏ cất tiếng chào mọi người sau đó nhanh chóng tiến đến phụ giúp bà Thuỷ bưng đồ ăn mang ra bàn.

“Ừ, con nhanh qua ăn sáng.” Phương Tùng vừa gọt dưa hấu vừa trả lời con gái. Ông Toàn thì không trả lời mà chỉ gật đầu tỏ ý đã biết. Phương Tuấn thì đang sắp bát đũa ra bàn.

“Oa~ hôm nay chị đẹp nấu cháo nghêu à, thơm quá! Cháo mẹ Thuỷ nấu là ngon nhất trên đời.”

Phương Diễm nịnh nọt nói. Thực ra nói là nịnh nọt cũng không đúng bởi do điều kiện gia đình khá giả nên bà Thuỷ không đi làm mà chỉ ở nhà làm nội trợ nên có nhiều khi không tránh khỏi sự nhàm chán. Vì vậy bà rất chú trọng đến việc bếp núc trong nhà, cuối tuần bà Thuỷ thường tham gia khoá học nấu ăn nên rèn luyện được kĩ năng nấu nướng không kém gì các đầu bếp ba sao ở nhà hàng. Một fan cuồng của bà Thuỷ đó là gâu đần Đức Trí, nó mê tít món thịt kho bà làm, năm ba ngày mà không được ăn một bữa là nó ỉu như bún thiu ngay.

Bà Thuỷ cười hiền rồi lấy tay dí nhẹ vào đầu Phương Diễm mắng yêu: “Cô chỉ được cái nịnh mẹ là giỏi thôi.”

“Hì hì…Con nói thật mà.”

“Rồi, rồi con mau múc cháo với mang thịt hộp ra bát cho Đức Trí với sói nhỏ cho nguội để chúng ăn cho dễ.”

“Tuân lệnh.” Phương Diễm dí dỏm bắt trước theo nghi thức chào của quân đội rồi tiến đến múc cháo ra bát chuyên dụng giành cho chó của Đức Trí. Gia đình cô coi gâu đần như một thành viên trong nhà nên hầu như là mọi bữa ăn 'người ăn gì chó ăn đấy', tuy nhiên vẫn có sự khác biệt chút xíu do có nhiều loại thức ăn động vật không ăn được.

Chỉ chốc lát sau, trong phòng vang lên tiếng bát đũa va chạm vào nhau, tiếng trò chuyện tiếng cười nói vang lên khắp căn phòng đầy rộn rã.

Sau khi ăn sáng xong, cả nhà bốn người cùng tiến vào từ đường để làm lễ dâng hương. Sau đó, ông Tùng và Phương Tuấn đến công ty làm việc, ở nhà chỉ còn lại ba người là ông Toàn, bà Thuỷ và Phương Diễm.

“Hai đứa mang theo bùa bên người chưa đấy?” Ông Toàn hỏi xác nhận lại trước khi bố con ông Tùng lên xe rời đi.

“Con mang theo rồi, bố cứ yên tâm.” Ông Tùng đáp.

“Của con đây ông nội.” Phương Tuấn dùng ngón tay kẹp tấm bùa màu vàng được gấp gọn thành hình tam giác trong túi quần tây đen đưa ra trước mặt ông Toàn.

“Được rồi, nhớ hôm nay về nhà trước 5 giờ chiều đấy nghe chưa.”

“Vâng.” Hai người cùng đồng thanh đáp sau đó lên chiếc xe VinFast 9 màu đen nổ máy rời đi.

“Còn bé Diễm, con theo ông vào từ đường.” Ông Toàn quay qua phía của Phương Diễm rồi nói.

“Vâng ạ.” Phương Diễm ngoan ngoãn đáp lại rồi theo chân ông Toàn vào từ đường.

Cót két… Tiếng tấm bản lề của cánh cửa cũ kĩ bằng gỗ lim vang lên khi ông Toàn đóng cánh cửa chính giữa lại. Ánh đèn vàng mù mờ yếu ớt chiếu sáng không gian rộng khoảng 60m2 của từ đường, theo phong thuỷ nơi thờ tự không nên để quá sáng hoặc có quá nhiều cửa thoáng khí để tránh việc khí khó tụ, không tốt cho vận khí của gia chủ.

Chính điện gian thờ có một bàn thờ tam cấp được bài trí đủ bộ ngũ hành Kim- Mộc- Thuỷ- Hoả- Thổ, vị trí bài vị được sắp xếp theo địa vị tuổi tác cũng như chức vụ của các vị gia tiên đã khuất theo thứ tự từ thấp đến cao. Cùng với đó, tất cả chữ viết trên bài vị đều được ghi bằng tiếng Việt theo nguyên tắc chia hết cho bốn hoặc chia hết cho bốn(dư ba) theo cách đếm tuần tự bốn chữ: Quỷ-Cốc-Linh-Thính; nếu là người nam thì phải vào chữ Linh( dư ba) còn nữ thì phải vào chữ Thính(chia hết) là được. Riêng chỉ có hàng trên cùng có duy nhất một tấm bài vị làm bằng gỗ hoàng đàn- loại gỗ quý hiếm được coi là vương mộc của Việt nam. Bài vị khắc duy nhất một chữ ‘Phượng' theo thể chữ Hán Nôm cổ.

Phương Diễm quan sát thấy ngay chính giữa, dưới sàn nhà lát bằng gỗ lim đã được ông nội bày một trận pháp trừ tà hình tròn chỉ đủ cho một người ngồi và còn dư một khoảng nhỏ. Xung quanh vòng tròn phía ngoài của trận pháp treo chín dây chỉ đỏ có sỏ rất nhiều đồng xu cổ tạo thành quẻ Thái Tức Sự Thịnh Vượng. Bốn hướng theo thứ tự lần lượt là đông, tây, nam, bắc bày bốn hồ lô bình đồng bên trong có đựng nước bùa đã được làm phép.

Ông Toàn đưa cho Phương Diễm ba chiếc chuông gió đồng rồi ra hiệu bảo cô treo chúng ở trước ba cánh cửa của từ đường. Trong phong thuỷ có khái niệm rằng phong linh là linh hồn của gió, sự hoà trộn giữa chuông và gió sẽ tạo nên âm thanh của đất trời và vạn vật, giữa âm và dương. Chính vì vậy mà chuông gió phong linh có thể hoá giải hung khí, trừ tà đặc biệt là vào những tháng cô hồn, ngày mở cửa ngục. Buổi tối, tất cả ba pháp khí đồng xu, bình đồng hay chuông gió đều sẽ phát huy tác dụng của nó.

Tiếp đến, Phương Toàn lại đưa cho cháu gái một chiếc túi làm bằng vải màu vàng bên trong có đựng tro hương rồi nói:

“ Con đem tro trong túi rải đều xung quanh trận pháp, bắt đầu từ lối từ cửa hất vào.” Tiếp theo ông lại nhắc nhở thêm:

“Còn số tro hương còn lại hãy đợi đến sau 5 giờ chiều thì hãy rải đều bên ngoài thềm và sân trước, sân sau của từ đường. Nhớ kĩ khi rải tro hương, tâm không được mang tà hay oán niệm.”

Phương Diễm đáp “vâng” một tiếng rồi làm theo những gì ông nội nói. Liệu cô có vượt qua được đêm nay hay không đây? Sinh nhật mười tám tuổi của cô cũng chính là ngày hôm nay, đây là cơ hội duy nhất cho lũ quỷ có cơ hội tấn công mà không có bất kì một sự phán kháng nào.

Mặc dù được học rất nhiều pháp và bùa chú của ông nội nhưng mọi thứ chỉ dừng lại trên mặt lí thuyết, Phương Diễm không có bất kì một tia linh lực nào ngoại trừ đôi mắt âm dương được khai mở từ khi mới sinh ra. Do không có linh lực nên một thân tài nghệ của cô không biết dùng vào đâu, cô chỉ biết bất lực đứng dưới sự bảo hộ của ông nội khỏi sự tấn công của tà ám.

Trong giới pháp chia ra làm nhiều cấp bậc khác nhau, thấp nhất là người có căn thấp hay còn gọi là thầy đồng cô đồng, cao hơn nữa có thầy bùa-những người chuyên về bùa chú, người có đạo hạnh cao hơn thì gọi là thầy pháp-ông Toàn cũng là một trong số thầy pháp ít ỏi có đạo hạnh cao thâm ở Việt Nam. Nếu Phương Diễm không được sinh ra ở nhà họ Phương thì có lẽ cô đã chết từ khi mới chào đời rồi.

Tuy nhiên thầy pháp vẫn chưa phải là cấp bậc cao nhất trong giới, cao cấp nhất là âm dương sư. Không phải cứ ai có đạo hạnh cao là có thể trở thành âm dương sư mà đúng như tên gọi âm và dương người có khả năng kết nối được âm dương mới có đủ tư cách. Nếu chỉ có điều kiện này thì thầy âm dương phải nói là xuất hiện đầy đường bởi có không ít thầy bùa, thầy pháp trong giới có khả năng chiêu gọi và kết nối với quỷ thần. Điều kiện nhất định phải có để trở thành thầy âm dương là phải có con mắt thứ ba-mắt âm dương. May thay Phương Diễm có đủ cả hai điều kiện trên.

Lại nói Âm Dương Sư cũng chia ra ba cấp bậc theo thứ tự từ thấp đến cao Nhân-Địa-Thiên. Cấp Nhân là cấp thấp nhất, ngoại trừ có khả năng nhìn thấy người cõi âm thì pháp lực cũng rất yếu ớt chỉ ngang hàng với thầy đồng. Còn cấp Địa thì có pháp lực cao hơn, người đạt cấp địa pháp lực ngang hàng với thầy pháp đạo hạnh cao mà nếu người cấp địa tu hành tốt thì có năng lực tương đương như một vị Thành Hoàng quản cõi một phương. Cấp Thiên là cấp cuối cùng trước giờ chỉ có trong truyền thuyết, chưa từng có thầy âm dương sư cấp Thiên nào xuất hiện trong vòng 10000 năm trở lại đây. Nghe nói âm dương sư cấp thiên là tiên hoặc đế chuyển thai thành, họ sở hữu pháp lực vô biên. Do tư liệu ít ỏi nên không có mấy ai hiểu biết nhiều về cấp bậc này.

Phương Diễm mong rằng, sau đêm nay cô sẽ đủ tư cách trở thành một âm dương sư hàng thật giá thật.