Chương 4: Một kiếp má hồng - Một dải non sông

Ta vốn sinh ra đã mang phận công chúa lá ngọc cành vàng, phụ hoàng có mỗi mình ta là gái, hoàng huynh có mỗi mình ta là tiểu muội, di mẫu vì thương xót bọn ta tuổi thơ đã mất mẹ mà chấp nhận tước vị hoàng hậu, thay chị gái chăm sóc các con. Cả hoàng cung này đều xem ta như viên ngọc quý mà nâng niu trên tay, dù thiếu vắng tình yêu của mẹ nhưng tuổi thơ ta lại trôi qua êm đềm bên cạnh tình thân, phụ hoàng và hoàng huynh chưa từng để ta phải chịu khổ. Trái tim thiếu nữ của ta đã bất chợt rung động trước viên võ tướng đứng đầu triều ngày ngày ra vào bảo vệ cung cấm – Khắc Diên.

Thế rồi phụ hoàng ta thoái vị tìm vui nơi cửa Phật, ngao du khắp sơn thủy. Hoàng huynh tức vị đăng quang thay thế ngôi trời, ngày ngày bận rộn chính sự, sức khoẻ di mẫu cũng không còn tốt như xưa, cả hậu cung rộng lớn này đây chỉ có mỗi Khắc Diên có thể bầu bạn cùng ta. Ta vốn nghĩ bản thân đã yêu huynh ấy, và có lẽ huynh ấy cũng yêu ta.

Năm ấy, bước chân du ngoạn của phụ hoàng đã đến đất Nghĩa Cừ. Dải đất ấy tuy chẳng hùng vĩ như non sông ta nhưng đất đai trù phú, khoáng vật dồi dào, con người phóng khoáng. Nghĩa Cừ vương đón tiếp phụ hoàng vô cùng nồng hậu như một vị thượng khách từ phương xa đến. Khi về lại tặng vô số sản vật quý hiếm, đáp lại tấm chân tình ấy, phụ hoàng đã hứa gả con gái mình cho Nghĩa Cừ vương.

Một thời gian dài trôi qua, mỗi khi Nghĩa Cừ vương dâng sính lễ xin hỏi cưới ta, hoàng huynh đều phân vân không quyết. Cuối năm ấy, Nghĩa Cừ dâng sính lễ năm ngàn bạch tượng, ba thuyền châu báu và vô số sản vật quý hiếm cùng hai ô Dương, Châu. Triều đình bàn luận, hoàng huynh dao động, Khắc Diên đứng đầu những đại thần tán thành hôn sự này. Trong mắt viên võ tướng ấy, có thể giành được hai ô Dương, Châu – một vùng đất rộng lớn, mà không tốn một binh sĩ, không rơi một giọt máu, còn việc gì tốt hơn thế nữa. Ta rồi cũng phải trở thành một công chúa hoà thân!

Đối diện với sự phản đối quyết liệt của ta, hoàng huynh và di mẫu ra sức dỗ dành, Khắc Diên mỗi khi đối mặt chẳng dám nhìn thẳng vào mắt ra. Ta nhìn thấy trong mắt huynh ấy có ta, nhưng sâu thẳm trong đôi mắt kia là ấp ủ bao hoài bão về tương lai phía trước, kiến công lập nghiệp, tung hoành ngang dọc cho bõ chí trai.

Hôm ấy, sau buổi tranh luận suốt mấy nén hương của các đại thần mà ta cũng được phép có mặt. Họ đều muốn ta nghĩ đến quê hương, đất nước này mà chấp nhận hy sinh mình, ta trốn ra khỏi hoàng cung, một mình đi đến đỉnh Yên Sơn tìm phụ hoàng. Tối đêm đó, ta và người cùng thưởng trà dưới ánh trăng, phóng tầm mắt xuống một dải non sông rộng lớn. Nhấp một ngụm trà sen thơm ngát, lặng lúc lâu, người khẽ đưa bàn tay mình lên trước mặt.

“Con nhìn bàn tay mình xem nơi ấy chứa những gì!”

Theo lời, ta đưa bàn tay mình lên vừa tầm mắt, thoáng chút bối rối vẫn chưa hiểu hết ẩn ý của người.

“Năm xưa khi chưa lên ngôi ta cũng như con bây giờ, chiếc ngai vàng với ta mà nói chẳng sung sướng bằng vui với tiếng kệ lời kinh, nhưng rồi ta hiểu ra trên vai ta là gánh nặng của giang san, đôi tay ta nắm giữ vận mệnh của cả non sông này.”

“ …”

“Con gái, có những vận mệnh mà con người không thể nào thay đổi được. Đây không chỉ là hạnh phúc của riêng con, mà còn là vận mệnh của non sông, hạnh phúc của trăm ngàn bách tính của đất nước này.”

Ta khẽ nhìn xuống bàn tay mình, hình ảnh lập loè ánh lửa của những căn nhà dưới núi xuyên qua kẽ tay. Như bản thân vừa được khai sáng, nàng nở một nụ cười, đôi mắt sáng lên như ánh sao trời.

Mùa xuân sang năm, Nhược Vũ công chúa được ban hôn cho Nghĩa Cừ vương, từ nội cung ra đến ngoại thành trải đầy lụa đỏ, giăng đèn kết hoa sáng rực cả góc trời. Của hồi môn hoàng huynh chuẩn bị cho ta đủ để xây đến hàng chục toà tháp tráng lệ. Ở bến thuyền, hơn chục chiếc thuyền lớn đã được neo đậu sẵn, chở đầy hồi môn, cung nữ theo hầu và cấm quân hộ tống. Dẫn đầu đoàn sứ thần hộ tống ta xuất giá là Khắc Diên, huynh ấy cứ như đang cố né tránh, không dám nhìn thẳng vào ánh mắt ta.

Ngay từ khi chấp thuận, triều đình đã lập tức tìm đến mấy vị cung nhân thông hiểu kiến thức để dạy văn hóa, phong tục cho ta. Lần đầu tiên ta nghe đến cái tên Chúc Miên, theo lời kể của các quan, đó là một vị quốc vương anh dũng vô song, đức tài đều hơn hẳn người khác. Lòng ta hoang mang cực độ, ta chẳng thể phân biệt nổi đó là sự thật hay chỉ là những lời nói tốt đẹp của bá quan để làm yên lòng ta. Bên đây ta vì chữ hiếu, vì non sông mà chấp nhận dùng thân mình làm cống phẩm, non sông nợ ta một lời đa tạ; nhưng ở phía bên kia, ta phụ bỏ một mối tình vừa chớm nở, với huynh ấy, ta nợ một lời tạ lỗi!

Đoàn thuyền xuôi dòng về phương nam mươi ngày sau thì cập bến, Nghĩa Cừ vương đích thân ra tận ngoại thành đón ta. Trên bến thuyền, kèn trống đánh liên hồi, những điệu múa theo phong tục của Nghĩa Cừ, từ phía xa, nam nhân trong bộ chiến bào đang uy nghi trên lưng voi đi đến. Trước mắt ta là một vị vua tuấn tú, anh dũng, và rất mực chu đáo với ta. Người mà ta sắp gọi là chồng đã xoá đi cái ác cảm trong tâm trí ta về vị vua trăng hoa, phóng đãng của một vùng đất chư hầu.

Chàng vốn đã có vương hậu là con gái quan thừa tướng và thế tử. Cách đây mấy năm vương hậu mất, không lâu sau thì phụ hoàng đến và hứa gả ta cho chàng, ngay từ ngày ấy chàng đã ôm ấp hình bóng một nữ nhân dù chỉ qua tranh vẽ, chàng ấy chẳng tiếc bất cứ giá nào chỉ để làm ta vui vẻ. Nghi lễ vương triều không cho phép phong hậu cho nữ nhân ngoại tộc, nhưng điều ấy sao có thể cản bước ước muốn của vị quốc vương từng oai phong trong chiến trận như chàng. Ta thuận lợi nhận lấy tước vị vương hậu, ngồi ở vị trí mà bao người phụ nữ nơi đây hằng mong ước.

Thoáng chốc đã qua hai năm, trước đây ta vốn tưởng cuộc hôn nhân này là dấu chấm hết của ta, nhưng thật không ngờ, hai năm này ta đã rất hạnh phúc, chàng yêu chiều ta, cho ta những gì tốt nhất. Lúc này ta mới nhận ra thứ mà ta gọi là tình yêu sâu đậm cùng Khắc Diên chỉ là sự cảm mến, sự ngưỡng mộ của một công chúa dành cho vị danh tướng, tình yêu của ta thuộc về nơi này, trái tim ta đã dành trọn cho Chúc Miên, và ta đã tự mình chứng minh những mẩu chuyện mà ta được nghe kể về chàng ấy trước đây là đúng.

Chàng cho xây dựng một cung điện theo phong cách phương bắc, đặt tên là Giáng Tiên, ngụ ý là nơi tiên nữ giáng trần. Chàng ấy biết ta vẫn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ cố hương, bên trong ấy bày trí hoàn toàn hệt như cung điện của ta trước đây, từng chút từng chút một chàng đều đặt hết tâm ý của mình vào, để mỗi khi ta ở đó nhìn về phương bắc sẽ nguôi đi phần nào nỗi nhớ của người con xa quê.

Lại thêm một năm sau, thái y báo tin ta mang long thai, ngày biết tin, chàng vui như đứa trẻ được quà mỗi khi mẹ đi chợ về. Chàng cho mở tiệc rộn ràng suốt ba ngày liền, kể từ sau khi tiên vương hậu băng thệ, đã mấy năm rồi vương thất chẳng có được tin vui đến vậy. Trừ thời gian thiết triều và luyện binh ở thao trường, cả ngày chàng dính mãi vào ta ở cung Giáng Tiên, thỉnh thoảng nói mãi chàng mới chịu rời đi đến thư phòng một lát, kết quả lại ôm cả đống tấu sớ đến phòng ta, bảo sẽ vừa ngắm ta vừa phê tấu.

Khi đến tháng thứ bảy của thai kỳ, thiện phòng thường xuyên dâng lên món ăn từ cá thu, ban đầu là dăm bữa nửa tháng, sau tần suất tăng dần, đến độ ngày nào cũng ăn. Ban đầu ta chẳng mảy may gì, mấy tháng trước vẫn còn nghén chẳng ăn được mấy, thế nên nay thức ăn hợp khẩu vị thì thích lắm. Chỉ là hôm ấy bụng ta đau, rất đau…

Toàn thân ta khắp nơi đều rất đau, linh cảm của người mẹ cho biết cảm giác ở bụng không ổn. Nhưng đôi mắt và toàn thân ta đều nặng trĩu không nhấc lên nổi. Cách một tấm màn châu nhưng ta vẫn loáng thoáng nghe được rất rõ tiếng khóc van của rất nhiều người, cả tiếng giận dữ của chàng ấy. Lần đầu tiên chàng giận đến vậy.

“Bẩm bệ hạ, thịt cá thu vốn chứa nhiều thủy ngân, người bình thường ăn thì không sao, nhưng thai phụ nếu ăn nhiều, không sảy thai thì cũng chết lưu. Vương hậu liên tục ăn cá thu trong hơn một tháng liền, thần e là… e là không chỉ hiện giờ không giữ được đứa bé mà sau này... sau này vương hậu cũng không thể mang thai được nữa.”

“Lôi ra ngoài. Chém.”

Hôm ấy trời đổ mưa như trút nước, bên ngoài cung Giáng Tiên tràn ngập máu, máu của ta, máu của đứa con chưa kịp chào đời của ta và chàng, cả máu của tên thái y xấu số. Hai cung nữ hầu hạ cơm nước ta ngày thường và người phụ trách thức ăn cho ta ở thiện phòng cũng bị lôi ra đánh chết. Chàng nổi cơn thịnh nộ quyết tìm ra kẻ chủ mưu.

Chỉ một tuần trăng sau chân tướng đã tỏ tường. Thừa tướng vì sợ ta sinh vương tử, con gái ông lại mất sớm mà bệ hạ lại sủng ái ta như vậy thì ngoại tôn ông sẽ mất ngôi thế tử, đành ra tay trước để chiếm thế thượng phong. Lập tức ba ngày sau đầu ông ta bị bêu giữa chợ cho người đời phỉ nhổ. Ông ta có suy tính cách nào cũng không ngờ được đứa cháu mà ông bảo vệ chưa từng có ý nghĩ vì tranh giành hoàng vị mà bất chấp thâm tình, càng không thể ngờ chàng vì một nữ nhân ngoại tộc mà tận diệt cả công thần khai quốc. Cũng là lần đầu tiên tâm hồn ngây thơ của ta biết đến những thủ đoạn tranh đấu thâm độc chốn hậu cung.

Con của ta và chàng ấy cứ vậy mà mất đi, hơn một tháng sau khi mất đứa bé, ta vẫn như kẻ không hồn, chàng đích thân xuất cung tìm loài hoa Tuyết Hải Đường mà ta thích nhất mong làm ta vui, chẳng ngờ vì thế mà trúng lấy mũi tên oan nghiệt của tàn dư phản thần. Mũi tên tẩm độc như giọt nước tràn ly vào sức khoẻ vốn đã nhuốm màu thời gian qua bao cuộc chinh chiến khiến chàng suy yếu nhanh chóng. Hôm đó, trong cơn mê, chàng nắm chặt lấy tay ta, khó nhọc cất từng lời.

“Nhược Vũ, ta thật sự… thật sự rất yêu nàng!”

Canh ba đêm ấy, cái nắm tay của chàng nới lỏng dần, Chúc Miên quốc vương dần đi vào hư vô.

Thế tử đứng ra lo liệu quốc tang và gửi thư báo tin cho hoàng huynh. Theo lệ, khi quốc vương băng hà thì vương hậu phải hoả thiêu cùng chồng. Biết chuyện, hoàng huynh sai Khắc Diên lập tức lên đường sang viện cớ viếng tang rồi nhân lúc không chú ý mà cướp ta khỏi đoàn người hành lễ, dong thuyền thẳng hướng cố hương. Ta đã hôn mê ba ngày liền, đoàn thuyền thì xuất phát được hai ngày. Khi tỉnh lại được nghe kể lại, ta cảm thấy dường như thế tử đã biết tất cả kế hoạch này ngay từ ban đầu, chỉ là người cố tình không nhìn thấy gì, thậm chí là cố gắng dọn đường, nếu không Khắc Diên đã chẳng thể cướp ta đi dễ dàng đến thế, để chuộc lại lỗi lầm ngoại tổ đã gây nên khi xưa, hoặc cũng là hoàn thành di nguyện cuối cùng của người cha quá cố, bảo vệ ta một đời bình an!

Ta yên phận nửa đời còn lại của mình ở đỉnh Yên Sơn cùng phụ hoàng, có một hôm Khắc Diên đến tìm ta, khó nhọc mở lời mong nối lại tình xưa. Chỉ là mối tình ấy đã đứt quá lâu rồi, với ta bây giờ huynh ấy cũng chỉ là huynh trưởng. Với non sống ta đã làm tròn câu trung hiếu, người yêu ta đến tận phút sau cùng vẫn luôn chờ đợi ta, người ta yêu đến khi nhắm mắt vẫn không quên chu toàn nửa đời sau cho ta bình bình an an, không phiền không não, không sầu không lo, nguyện gác lại chuyện nhân gian, nương nhờ nơi cửa Phật trọn đời trọn kiếp, không vướng nợ đời, không vướng hồng trần!