Mấy đứa trẻ nhỏ hơn cũng cùng nhau la hét, sợ rằng mình sẽ bị bỏ lỡ chuyện thú vị gì đó.
Lý Duy Hán nghiêm túc nhìn quanh một vòng, mắng: “Ông nội bảo cho các con biết, trong con sông này có một loài khỉ nước, chuyên kéo người xuống nước rồi nhấn chìm làm ma chay cho nó, như vậy nó sẽ có thể đầu thai.”
Lời này đã lập tức khiến bọn trẻ sợ hãi, không dám nói gì.
Thạch Đầu không phục, hỏi: “Sao các anh lại được đi?”
Phan Tử và Lôi Tử dù sao cũng là anh lớn, hiểu chuyện, sẽ giúp ông nội dọa em trai, em gái:
“Anh khỏe, khỉ nước không kéo nổi anh.”
“Anh bơi giỏi, khỉ nước không đuổi kịp anh.”
Lý Truy Viễn không bị dọa, cậu bé cũng muốn đi nhưng lại ngại ngùng không dám mở miệng, chỉ có thể cúi đầu mân mê bàn tay nhỏ, thỉnh thoảng lại liếc nhìn ông nội.
Lý Duy Hán nói: “Tiểu Viễn Hầu cũng đi.”
Hổ Tử lập tức bất bình: “Không công bằng, anh Viễn chỉ lớn hơn con một tuổi.”
Thạch Đầi cũng phụ họa: “Đúng, anh Viễn còn chưa khỏe bằng con, sao đánh nhau với khỉ nước được!”
Lý Duy Hán từ từ nhả một vòng khói, đưa ra một lý do vô cùng hợp lý mà ngay cả trẻ con cũng tin:
“Tiểu Viễn Hầu là người từ bên ngoài về, loài khỉ nước ở địa phương này không biết nó.”
…
Các ngôi nhà trong thôn chủ yếu dựa vào nước mà xây lên, cửa chính hướng ra đường, cửa sau hướng ra sông.
Lúc rửa rau, giặt giũ thì chỉ cần xách đồ ra cửa sau, đi xuống vài bậc thang bằng gạch xanh là có thể đến bờ sông rồi.
Người biết lo toan thường sẽ bố trí một cái lưới ở đoạn sông gần nhà để nuôi vịt, nuôi ngỗng bên trong.
Thuyền của Lý gia được buộc vào gốc cây thị ở cửa sau, Lý Duy Hán cởi dây thừng rồi lên thuyền trước, dùng sào tre giữ thăng bằng cho thuyền.
Phan Tử ôm cần câu, Lôi Tử cầm lưới, lần lượt nhảy lên thuyền.
Lý Truy Viễn đeo một cái giỏ tre nhỏ, được Lý Duy Hán đưa lên thuyền.
“Nào, tất cả ngồi cho vững, khởi hành nào!”
Sào tre cứ liên tục co lại rồi kéo dài trên mặt nước, thuyền cũng bắt đầu di chuyển.
Phan Tử và Lôi Tử sớm đã thành thói quen, cả hai đều nằm nghiêng trên thuyền, rất là thảnh thơi, Lý Truy Viễn thì ngồi thẳng lưng, nhìn mấy đám rong rêu trôi trên mặt nước và vài con chuồn chuồn bay ngang qua.
“Cầm đi, Viễn Tử.” Phan Tử đưa cho cậu bé một nắm đậu phộng rang.
Cậu ta là con nhà anh cả, nhà cũng ở gần đó nên bình thường sẽ tranh thủ về nhà lấy vài món đồ ăn vặt, nhưng mẹ cậu ta dặn phải giấu để ăn riêng, không được chia cho người khác.
Ngược lại, mỗi khi mẹ của Lý Truy Viễn đưa cậu bé đến thì đều gửi theo một túi lớn đồ ăn vặt, bánh quy, thịt ruốc, trái cây đồ hộp này nọ, hôm trước lại gửi thêm một gói lớn, đều đượcThôi Quế Anh khóa trong tủ, mỗi ngày phân phát cho tất cả đám trẻ theo định lượng.
“Cảm ơn anh Phan Tử.”
Lý Truy Viễn nhận lấy rồi cho một hạt vào miệng, loại đậu này ở địa phương gọi là “đậu nắm”, thực chất là đậu ván, chỉ cần thêm một ít gia vị rồi rang với muối, nhai sẽ rất thơm.
Có điều, Lý Truy Viễn không thích ăn loại này, quá cứng, không cắn nổi, dễ vỡ răng.
Cho nên, khi hai anh trai liên tục “răng rắc răng rắc” trong miệng còn Lý Truy Viễn thì cho một hạt vào miệng, ngậm như kẹo vậy.
“Ngày mai dù có ngàn bài hát, bay bổng trên đường ta đi; ngày mai dù có ngàn vì sao, sáng hơn trăng đêm nay.”
Phan Tử hát.
“Hát sai rồi.” Lôi Tử cười, “Không phải hát như vậy đâu.”
Phan Tử khinh thường nói: “Hừ, giỏi thì hát đi!”
Lôi Tử lẩm bẩm vài lần, gãi đầu: “Mình chỉ nhớ được giai điệu thôi.”
Lý Duy Hán đang chèo thuyền hỏi: “Hát cái gì thế, ông không hiểu.”
Phan Tử trả lời: “Ông nội, là Tiểu Hoàng Oanh hát hôm qua đó, gọi là Việt kịch.”
“Việt kịch?” Lý Duy Hán hơi ngạc nhiên, “Vừa rồi con hát Việt kịch à?”
Lôi Tử: “Không phải đâu, ông nội, là nhạc Quảng Đông, ở Quảng Đông, Hồng Kông đấy.”
“Ồ, vậy à, các con hát cho ông nghe xem xem.”
Lôi Tử: “Phan Tử không biết hát đâu, nó còn không nhớ lời bài hát, kém xa Tiểu Hoàng Oanh hôm qua.”
Thực ra, Tiểu Hoàng Oanh cũng hát không chuẩn, nhưng đối với nội địa hiện nay, chuẩn hay không chuẩn cũng không có gì khác biệt, dù sao cũng không hiểu, chỉ cần cái âm điệu tự tin đó là được.
Phan Tử chỉ vào Lý Truy Viễn, nói: “Hôm qua lúc Tiểu Hoàng Oanh hát, con thấy Viễn Tử hát theo, nó biết hát.”
Lý Duy Hán: “Tiểu Viễn Hầu, con hát cho ông nghe một đoạn xem nào.”
Lý Truy Viễn rất ngại ngùng nói: “Con chỉ biết hát một chút thôi.”
“Hát đi, hát đi.” Lôi Tử thúc giục, “Viễn Tử đừng nói là hát nhạc Quảng Đông, nó còn biết hát tiếng Anh nữa đấy.”
Lý Truy Viễn đành phải hát:
“Ngày mai dù có ngàn bài hát, bay bổng trên đường ta đi; ngày mai dù có ngàn vì sao, sáng hơn trăng đêm nay.
Con chỉ biết có vậy thôi, mẹ con thích bài hát này nên thường xuyên mở ở nhà.”
Lôi Tử khiêu khích nhìn Phan Tử: “Nghe chưa, lời bài hát sai rồi đó.”
Phan Tử lườm Lôi Tử.
Mấy anh em nói chuyện suốt một đường, thuyền cuối cùng cũng chèo đến đoạn sông rộng hơn.
Phan Tử đi giúp ông nội cầm sào, Lý Duy Hán thì bắt đầu tìm vị trí vừa sắp xếp lưới, Lôi Tử thì dựng cần câu.
Lý Truy Viễn không được phân công nhiệm vụ nên tiếp tục đeo giỏ tre nhỏ ngồi yên đó, lúc nhìn ông nội và anh trai làm việc, lúc lại nhìn mấy đám rong rêu trên mặt nước với con ếch nhảy nhót trên đó.
Nhìn nhìn một hồi, Lý Truy Viễn chợt có chút nghi ngờ, nghiêng người về phía trước.