Chương 6: 2. NGHỀ THUẬN LOGIC ?

*2. NGHỀ THUẬN LOGIC ? *

Bạn sẽ trả lời như thế nào nếu được một người hỏi: “Tôi đang nói dối, đúng hay sai?” Nếu bạn kết luận anh ta nói đúng, thì người đó đã nói đúng sự thật rằng anh ta nói dối, tức là anh ta đã nói dối.

Còn nếu bạn nói anh ta nói dối, như vậy mệnh đề “tôi đang nói dối” của người đó là dối trá, tức là anh ta đã nói thật. Dù bạn trả lời như thế nào thì câu trả lời vẫn luôn mâu thuẫn với hệ quả logic của nó. Cái vòng luẩn quẩn này chỉ ra vấn đề của tính logic, được gọi là nghịch lý Epimenides. Bạn thử tìm xem, có nhiều ví dụ khác đấy!

Sở dĩ tôi nêu ví dụ này là để thấy rằng không phải mọi vấn đề đều phải xem xét giải quyết hợp logic; hoặc như người Việt mình nói là đôi khi phải giải quyết “sao cho hợp tình, hợp lý”, hợp cả với lý lẽ con tim nữa. Trading nó đi ngược với lối suy luận thông thường cho nên người ta thua là thế, logic quá trong cuộc sống có thể dễ thất bại trong trading.

Dưới đây, tôi xin liệt kê một số nghịch lý mà tôi quan sát được trong quá trình theo đuổi công việc trading để bạn đọc không tuyệt đối hóa tính logic trong trading mà qua đó có niềm tin vào sự cảm nhận hay trực giác của mình khi đã trải nghiệm đủ lâu:

Những trader có phẩm chất lãnh đạo (leading) bị khó khăn hơn do khuynh hướng đối kháng với thị trường để bảo vệ quan điểm của họ.

Đa số lĩnh vực kinh doanh cần đến sự năng động (động) để thành công thì trading cần đến sự kiên nhẫn chờ đợi, làm việc trầm tĩnh (tĩnh).

Luôn theo đuổi ước mơ và tính kiên quyết có thể tốt để thành công trong lãnh vực khác, còn nghề trading đòi hỏi sự linh hoạt, nhanh chóng chấp nhận sai lầm.

Phần nhiều công việc đề cao tính hiệu quả khi làm việc đồng đội nhưng nghề trading đòi hỏi trader phải luôn suy nghĩ và ra quyết định độc lập.

Trong khi đa số trader hướng ra bên ngoài để thu nạp các loại kiến thức, thông tin thì phần trọng tâm nhất lại là quay vào trong để hiểu chính mình.

Người ta thường tham lam khi chọn nghề nhưng nghề này lại khắc chế sự tham lam. Người ta thường thấy nhàm chán thì thị trường tạo điều kiện để lăng xăng.

Khi mọi người nghĩ trading rất phức tạp thì thực tế nó khá đơn giản.

Cần phải giữ kỷ luật chặt chẽ đối với một số nguyên tắc cơ bản trong khi cần phải ứng phó linh hoạt khi tình huống giao dịch thay đổi.

Hoạch định chi tiết có thể tốt trong công việc khác nhưng có thể làm trader mất đi sự linh hoạt trước biến hóa của thị trường.

Bạn không cần biết trước thị trường sẽ đi về đâu để thực hiện tốt một giao dịch.

Thu gom kiến thức phân tích quá nhiều có thể gây phân vân, khó hòa nhịp với thị trường.

Cùng một tình huống thị trường, một trader mới vào nghề có thể giao dịch thắng trong khi một trader lâu năm có thể thua hay không dám giao dịch.

Có khi bạn phán đoán sai xu hướng thị trường nhưng lại thắng và ngược lại.

Hai người vào lệnh gần như cùng lúc nhưng có người thắng kẻ thua.

Nếu bạn thua trong 70% số giao dịch thì không có nghĩa là bạn sẽ thắng 70% nếu bạn giao dịch theo chiều ngược lại.

Tin tốt ra nhưng giá cổ phiếu giảm và ngược lại.

Tuy giao dịch để kiếm tiền nhưng không nên suy nghĩ đến tiền khi giao dịch.

Trader thành công thường thấy tẻ nhạt trong một nghề được cho là tốc độ cao và đầy áp lực

Người mới chơi mà thua thì tốt hơn là mới chơi mà thắng (bởi sinh kiêu ngạo và sẽ thua lớn sau này)…

Ngoài ra, còn có một điểm đặc biệt khác của nghề trading là nó rất oái ăm; nó bóc trần bản tánh con người ta. Một người bị hấp dẫn bởi ưu điểm nào của nghề trading thì thường sẽ phải đối mặt với các khó khăn tương ứng của nó, ví dụ như:

-Kiếm nhiều tiền: đây là biểu hiện sự tham lam. Khi đó, bạn dễ mắc lỗi giữ lệnh thắng quá lâu đến mức nó chuyển thành lệnh thua.

-Giàu nhanh chóng: đây là biểu hiện thiếu kiên nhẫn. Bạn sẽ thường mắc lỗi ép lệnh vào quá sớm hoặc khi chỉ có tín hiệu yếu.

-Tiện đi lại, chỉ cần làm việc 2-3 giờ mỗi ngày: đây là biểu hiện sự lười biếng. Bạn sẽ không có thái độ làm việc nghiêm túc để nâng cao hiểu biết về thị trường, không tìm được niềm vui khi làm việc.

-Sống ở bất kỳ nơi nào: đây là biểu hiện sự thiếu kiên định. Bạn dễ chạy theo cảm xúc, phạm các lỗi giao dịch mang tính gỡ gạc hay đuổi giá.

-Không bị ảnh hưởng bởi các thay đổi môi trường (về kinh tế, chính trị, thiên tai,..): đây là biểu hiện của sự sợ hãi. Bạn có khuynh hướng do dự khi vào lệnh, thoát lệnh quá sớm, không giữ được lệnh khi sóng hồi lại.

-Không cần đầu tư tài sản cố định: điều này cho thấy bạn không gắn bó lâu dài. Bạn dễ thay đổi hệ thống hay phương pháp giao dịch mỗi khi gặp thua lỗ.

Thực ra sự oái ăm kể trên muốn minh họa là các sự vật đều có hai mặt của nó, như là một qui luật chung của cuộc sống. Một khi trader hiểu rằng các lý do hấp dẫn anh ta chọn nghề cũng ẩn chứa các chướng ngại tương ứng ngăn cản thành công thì anh ta dễ thấy ra bản tánh của mình để chú trọng đối trị nó theo hướng ngược lại.