TRỰC GIÁC
Một khả năng mà các trader chuyên nghiệp luôn tìm kiếm, đó là trực giác. Trực giác cho họ có khả năng phản ứng chính xác đến mức kỳ lạ, nhưng chỉ thoáng qua, khi ẩn khi hiện và không phải ai cũng kinh nghiệm được. Albert Einstein đã mô tả nguồn gốc của trực giác như sau: “Một ý tưởng mới thình lình xuất hiện và đúng ra là theo cách trực giác, nhưng trực giác chẳng là gì ngoài kết quả của những trải nghiệm trí thức trước đó” (A new idea comes suddenly and in a rather intuitive way, but intuition is nothing but the outcome of earlier intellectual experiences).
Trực giác là một vấn đề thuộc tâm thức con người, rất khó nắm bắt nên chỉ có một số ít bậc thầy mới trực nhận được nó. Mô tả của Thiền sư Nyanaponika về trực giác có thể giúp chúng ta hiểu rõ về nó:
“Trực giác không phải là một món quà cho không, biếu không. Cũng như các khả năng tâm linh khác, nó sanh khởi lên từ những nhân duyên, điều kiện nhất định. Trong trường hợp này, nhân duyên chủ yếu là bộ nhớ lưu trữ những suy nghĩ và nhận thức trong tiềm thức. Hiển nhiên, những ký ức là mảnh đất màu mỡ để trưởng dưỡng trực giác phải là những ký ức có cường độ mạnh, rõ nét và có nhiều đặc tính khác biệt; bởi vì đó là những ký ức dễ tiếp cận nhất. Ở đây cũng vậy, mối quan hệ nhân duyên của đối tượng nhận thức được lưu trữ trong ký ức có đóng góp rất lớn. Những hồi ức loại này có tính liên kết lớn hơn những sự kiện riêng rẽ, rời rạc và mơ hồ; và chúng sẽ tham gia tạo dựng những hình thái ý nghĩa mới một cách dễ dàng hơn. Những hình ảnh hồi ức rõ ràng này sẽ là những nhân tố kích thích và trợ giúp mạnh mẽ cho trực giác. Trong những tầng sâu kín của vô thức, công việc thu thập và tổ chức vật liệu: bao gồm tri thức và kinh nghiệm nhận thức, vẫn tiếp tục diễn ra một cách thầm lặng cho đến khi nó chín muồi và nổi lên thành trực giác. Sự bùng nổ trực giác ấy đôi khi bắt nguồn từ những sự kiện hết sức thường tình. Tuy nhiên, mặc dù có vẻ là thường tình, song những sự kiện đó lại có khả năng liên tưởng, kết nối mạnh nếu trước đó chúng đã là đối tượng của sự chú ý liên tục. Công năng làm chậm và tạm dừng của ghi nhận thuần túy sẽ làm bộc lộ những chiều kích sâu sắc của những sự việc đơn giản trong cuộc sống đời thường, và do đó cung cấp tác nhân kích thích cho trực giác phát triển.
Điều này cũng được áp dụng với trí tuệ trực giác chứng nghiệm chân lý Tứ Thánh Đế (bốn sự thật cao thượng: khổ, nguyên nhân của khổ, con đường diệt khổ, và sự đoạn diệt khổ), mà đỉnh cao là sự giải thoát hoàn toàn (arahatta). Trong kinh điển ghi lại nhiều trường hợp các vị Tăng và Ni không thể đạt được trí tuệ trực giác khi thực hành thiền. Tia chớp trực giác đôi khi chợt đến với họ trong những hoàn cảnh rất khác nhau: khi vấp chân phải hòn đá hay lúc nhìn thấy một đám cháy rừng, khi bắt gặp hình ảnh một đám bọt trên sông. Ở đây chúng ta thấy lại một điều khẳng định câu nói dường như rất mâu thuẫn là: “với chủ ý, đạt đến trạng thái không còn chủ ý”. Với chủ ý đưa toàn bộ ánh sáng chánh niệm soi chiếu từng hành động và sự việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày, cuối cùng trí tuệ giải thoát sẽ sanh khởi.
Sự chú ý liên tục không chỉ cung cấp mảnh đất màu mỡ cho trực giác phát triển, mà còn giúp chúng ta tận dụng tốt hơn và thậm chí có thể tái lặp lại những khoảnh khắc trực giác ấy. Nhiều người hoạt động trong các lĩnh vực sáng tạo khác nhau đều phàn nàn giống nhau về một kinh nghiệm là: tia chớp trực giác xuất hiện quá đột ngột và biến mất quá nhanh đến nỗi phản ứng chậm chạp của tâm không kịp nắm bắt được nó. Nhưng khi tâm đã được huấn luyện tạm dừng để quan sát, làm chậm lại và chú ý liên tục, và nếu vô thức được tác động như đã nói ở trên, thì khoảnh khắc trực giác sẽ trở nên hoàn chỉnh hơn, chậm rãi và mạnh mẽ hơn. Trong trường hợp đó, tác động của nó sẽ đủ mạnh và rõ ràng, cho phép chúng ta tận dụng đầy đủ khoảnh khắc trí tuệ trực giác ấy. Thậm chí có thể kéo những xung động đang trên đà đi xuống lên tới đỉnh cao mới, tương tự như những giai điệu nhạc trong một bài hát, khi đi xuống lại được hòa âm lên cao, tiếp nối từ những nốt nhạc cuối cùng của giai điệu trước.”
TƯ DUY
(Thiền sư Viên Minh) - Có thể nói, suy nghĩ hay tư duy là điểm ưu việt, độc đáo nhất của loài người. Suy nghĩ nâng cao trình độ nhận thức và đem lại cho con người vô số thành tựu tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Suy nghĩ hình thành tư tưởng, lý luận, biện giải, hiểu biết, quan niệm, chủ thuyết, triết học và rất nhiều hoạt động tri thức khác, kể cả khoa học thực dụng nhất cũng phải xem tư duy là yếu tố then chốt. Người không biết suy nghĩ thì chẳng khác gì gỗ đá.
Tuy nhiên, vì hoạt động của tư duy quá phức tạp, thiếu chính xác, thường bị bóp méo bởi tính chủ quan của bản năng, tình cảm và lý trí trong giới hạn của những kiến thức phiến diện, mơ hồ, manh mún, nên tư tưởng không khỏi bị lệch lạc, võ đoán, hồ đồ... Điều này đã đưa đến biết bao tai họa cho con người.
Tư tưởng dẫn đầu mọi sinh hoạt hành động và nói năng. Vì vậy, tư tưởng lầm lạc dĩ nhiên đưa đến hành động, nói năng sai trái và kết quả chắc chắn là khổ đau và phiền muộn - không phải chỉ cho từng cá nhân mà còn cho cả tập thể cộng đồng. Rất nhiều tư tưởng đã đem lại tai họa cho toàn thể nhân loại dù theo nó hay chống đối lại nó (...)
Khi bạn thật sự chánh niệm, tỉnh giác thì tư tưởng sẽ tự dừng lại đúng lúc một cách tự nhiên, và nó sẽ sẵn sàng ứng hiện trở lại lập tức, khi cần thiết. Vậy, trong khi đang chánh niệm, tỉnh giác, nếu tư tưởng tự ngưng bặt thì đó là chánh kiến, nếu tư tưởng ứng khởi đúng lúc và chính xác (phát xuất từ chánh kiến) thì đó là chánh tư duy.
Chánh kiến giúp bạn nhận biết trực tiếp sự vật một cách trung thực. Chánh tư duy giúp bạn thấu hiểu sự vật một cách thực dụng. Chánh kiến và chánh tư duy là hai mặt của trí tuệ. Trên cùng một thực kiện, chánh kiến nhận chân bản chất của thực tại, trong khi chánh tư duy nhận ra tướng dụng của hiện tượng. Tuy cả hai không xuất hiện đồng thời, nhưng luôn luân phiên hỗ trợ nhau trong quá trình nhận diện sự thật. Giống như hai chân thực hiện động tác đi, chân này trụ vững cho chân kia bước tới, và ngược lại; tuy hai chân không cùng lúc thực hiện chung một động tác, nhưng luôn thay phiên bổ túc cho nhau để bước những bước đi vững vàng, chính xác. Nếu loại bỏ một chân thì lập tức chúng ta sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong đi lại. Cũng vậy, người quá thiên về định hoặc trực giác mà thiếu tư duy thì còn tệ hơn người biết tư duy chín chắn.
Vậy bạn đừng sợ tư duy. Hãy cứ tư duy trong trầm tĩnh, sáng suốt trên những thực kiện mà chánh kiến đã phát hiện; đừng quá lệ thuộc vào những kiến thức vay mượn từ bên ngoài chưa được kiểm chứng hay chưa được thể nghiệm trực tiếp. Chánh kiến chỉ đến khi bạn chánh niệm tỉnh giác đúng mức, nghĩa là lúc tư tưởng tự ngưng bặt, chứ không phải bạn chủ quan bắt nó dừng lại.
Có bốn loại ý nghĩ:
Ý nghĩ đáp ứng tự nhiên: Ý nghĩ này âm thầm ứng khởi theo điều kiện hoặc nhu cầu tự nhiên. Ví dụ như khi đói, tự nhiên có ý nghĩ muốn ăn; ngồi lâu có ý nghĩ muốn đứng, đi, hoặc nằm...
Ý nghĩ phản ánh thực tại: Khi chánh niệm tỉnh giác đạt đến mức thích hợp thì tư tưởng tự động ngưng bặt và chánh kiến tự nhiên xuất hiện, thấy rõ bản chất sự thật (thực tánh pháp). Nhưng ngay lập tức sau đó tư duy tự động khởi lên để duyệt lại và lý giải pháp vừa được chánh kiến minh sát. Đó là chánh tư duy. Loại ý nghĩ này rất cần thiết trong lãnh vực tướng dụng của đời sống hàng ngày...
Ý nghĩ lan man bất định: Đây là loại ý nghĩ thường tự phát một cách bất định khi tâm trí bạn không trầm tĩnh, sáng suốt hoặc thiếu chú tâm và an lạc; nghĩa là một nội tâm rối loạn, căng thẳng, bất an. Khi tâm trí tích lũy quá nhiều thông tin trong tình trạng thiếu tỉnh thức, những dữ liệu tàng trữ trong vô thức này sẽ trở thành những xung động tạo ra vô vàn đợt sóng “tư tưởng hoang dã” gọi là phóng tâm hay trạo cử. Loại tư duy này khuấy động làm cho tâm trí khó an ổn, và trầm trọng hơn có thể trở thành hoang tưởng trong bệnh tâm thần hưng cảm. Đừng trấn áp nó, nếu bạn chủ quan cố kìm hãm nó thì nó có thể sẽ tạm ngưng trong chốc lát, rồi lại bùng lên trong những cơ hội khác hay dưới nhiều hình thức khác tồi tệ hơn. Bạn chỉ cần trầm tĩnh quan sát, lắng nghe, cảm nhận hay nhận biết nó một cách trung thực khách quan, không khởi lên một thái độ phản ứng hay đối kháng nào thì nó sẽ tự lặng lẽ rút lui, trả lại cho bạn một tâm trí rỗng lặng trong sáng như bầu trời không một áng mây.
Ý nghĩ chủ tâm tạo tác: Hoạt động tư duy này tạo tác hành vi có mục đích và chủ ý. Loại ý nghĩ này khá phức tạp, có đúng có sai, có thiện có ác. Tuy vậy, bạn không cần phải cố gắng chặn đứng mọi tư tưởng loại này mà chỉ cần quan sát thật khách quan và tinh tế diễn biến của từng tư tưởng để thấy rõ bản chất thật của nó: Đúng hay sai, thiện hay ác, chân hay giả, diệt hay sinh... Khi đã thấy biết tỏ tường như vậy thì bạn sẽ tự biết một cách chính xác tư tưởng nào nên ngăn ngừa, loại bỏ; tư tưởng nào nên duy trì, phát triển, một cách tự nhiên, không chọn lựa chủ quan theo tư ý, tư dục.