Chương 43: MỘT SỐ VẤN ĐỀ TÂM THỨC TRONG TRADING(KIÊN NHẪN-KỶ LUẬT)

*3. MỘT SỐ VẤN ĐỀ TÂM THỨC TRONG TRADING *

Ở trên, chúng ta đã tìm hiểu gốc rễ của tham sân si, các ảo tưởng tâm lý gây trở ngại lớn cho công việc trading. Phần này bàn thêm về một số vấn đề khác cũng thường được nhắc đến trong trading như kiên nhẫn, kỷ luật, trực giác…

*KIÊN NHẪN *

Từ kiên nhẫn (patience) có nhiều nghĩa hơi khác nhau tùy theo từng ngữ cảnh. Khi thì nó có nghĩa kiên trì, không bỏ cuộc; khi thì không quá nóng lòng chờ kết quả, cứ bình tĩnh chờ thời gian đến; khi thì có nghĩa nhẫn nại, nhẫn nhịn, nhẫn nhục, kham nhẫn... Một người thiếu kiên nhẫn thường sẽ mong mỏi sự việc xảy ra theo như ý mình. Anh ta chỉ nghĩ đến những suy nghĩ, dự định của mình mà quên rằng nó còn phụ thuộc nhiều nhân duyên liên hệ khác. Ngược lại, người kiên nhẫn có cái nhìn tổng thể hơn, thấy rõ sự vật thay đổi chuyển động theo quy luật vận hành tự nhiên của chính nó.

Kiên nhẫn là sự chờ đợi bền bỉ khi bạn muốn hoàn thành một công việc nào đó. Không phải chỉ những việc khó khăn, lâu dài mà đơn giản như sự chờ đợi cũng cần phải có lòng kiên nhẫn. Bởi khi chờ đợi một người nào hay một việc gì, bạn càng nôn nóng bao nhiêu càng chịu nhiều áp lực bấy nhiêu. Một trader kiên nhẫn trở nên nhận biết khoảng thời gian cần thiết để thuần thục trong nghề, nhận biết các giai đoạn cần phải trải qua nên chỉ chú tâm luyện tập để hoàn thiện qua từng giao dịch. Khi nhận thức rằng nghề này cần thời gian trải nghiệm tương tự như học một ngoại ngữ thì có lẽ bạn sẽ không nóng vội và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính.

Khi giao dịch, trader cũng nhận biết một xu hướng (trend) cần có đủ thời gian để phát triển nên kiên nhẫn chờ đợi.

Kiên nhẫn là kiên trì làm việc học hỏi thị trường dù gặp nhiều khó khăn vấp ngã. Trader kiên trì là người theo đuổi công việc vượt qua định kiến xã hội, chấp nhận khó khăn khi làm việc một mình (nhưng không phải kiểu chìm đắm nghiện ngập); kiên trì lắng nghe, quan sát, ghi chép về thị trường để đúc rút kinh nghiệm ngày qua ngày; kiên trì giao dịch khối lượng thật nhỏ cho đến khi thuần thục; kiên trì làm lại sau những lần thua lỗ, cháy tài khoản.

Kiên nhẫn là chế ngự thân tâm (có nghĩa là nhẫn nại) trước những xung động quá mức hay những tình cảm bốc đồng, không những chỉ sân hận mà cả tham lam, ngạo mạn, ích kỷ, tật đố v.v... đặc biệt là những thói hư tật xấu hay sự nghiện ngập đã tập nhiễm lâu ngày. Như vậy, trader nhẫn nại là người biết làm chủ bản thân, không bị lôi cuốn theo những cảm xúc bản năng vô thức khi đối diện thị trường dù kết quả thắng thua.

“Nhẫn nại hoàn hảo nhất là hoàn toàn buông cái ta đối kháng. Khi trí tuệ thấy rõ trật tự vận hành tự nhiên của pháp trong quan hệ nhân quả nghiệp báo, bạn bắt đầu tinh tấn sống thuận pháp, không quá nỗ lực, cũng không buông lung. Tuy nhiên, khi gặp phải khó khăn gian khổ bạn thường phản ứng theo thói quen đối kháng hoặc trốn chạy, từ chối đón nhận sự thật. Nhưng chính phản ứng đối kháng hoặc chạy trốn này càng làm gia tăng áp lực của sự gian khó, và tất nhiên đưa đến căng thẳng, phiền não và khổ đau. Vì vậy, người có trí tuệ biết nhẫn nại để thoát ly cái ta bất bình, đối kháng. Nghịch cảnh không đem đến khổ đau mà chính cái ta nóng nảy không nhẫn nại mới tạo ra đối kháng rồi lãnh lấy hậu quả là lo âu, sợ hãi, khổ đau và phiền muộn. Cho nên, mỗi khi gặp phải tình huống khó khăn nguy hiểm, bạn càng căng thẳng nôn nóng muốn thoát khỏi nó bao nhiêu càng làm cho vấn đề khó khăn phức tạp và khó chịu đựng hơn bấy nhiêu. Thái độ tốt nhất là bình tĩnh nhẫn nại thì áp lực sẽ không phát sinh, còn nếu đã phát sinh thì nó sẽ tự hóa giải.

Mục đích của nhẫn nại không phải để vượt qua gian khó, mà là thoát khỏi sự bồn chồn, nóng nảy của cái ta đối kháng. Bạn không thể vượt qua mọi khó khăn trong đời sống. Có những khó khăn mà bạn phải đón nhận và chung sống hòa bình suốt đời. Ngay khi bạn khởi lên ý muốn vượt qua gian khó là bạn đã dựng lên chướng ngại cho mình. Chướng ngại lớn nhất chính là cái ta của bạn. Nó chỉ biết làm sao có lợi cho mình mà không thấy nguyên lý vận hành của sự sống. Cho nên nó luôn tìm cách phản kháng cái không thích, và đòi được cái vừa lòng. Chính vì thái độ lăng xăng đó cái ta tự tạo ra bất an trong khi luôn muốn được bình an!” – Thiền sư Viên Minh.

KỶ LUẬT

Một vấn đề lớn khác trong nghề là trader thường thất bại do không giữ được kỷ luật đã đặt ra, thậm chí có người đùa rằng đối với nghề trading thì “kỷ luật sinh ra là để bị phá vỡ”. Trừ phi có được may mắn làm việc trong một môi trường mang tính tổ chức chuyên nghiệp cao, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi tự áp dụng kỷ luật cho chính mình nếu không hiểu bản chất của nó.

Đạo Phật đi sâu vào nguyên nhân và điều kiện hình thành tâm lý một con người nên xem giới luật là rất quan trọng trong sinh hoạt đời sống (bộ ba giới - định - tuệ) để ngăn ngừa hay chặn đứng những hành vi gây tổn hại hoặc đối phó với tình trạng bất ổn trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, không có giới luật nào hoàn hảo, vì bản chất của giới luật thường được quy định dưới hình thức cấm đoán, có thể chỉ tốt đối với người này không tốt cho người kia, hợp mỗi thời, không hợp mọi lúc. Giới hỗ trợ con người hoàn thiện bản thân qua một số khía cạnh sau:

Giới là điều học vì qua đó, nếu khéo quan sát, chúng ta học được tình trạng, tính chất và động lực thúc đẩy đằng sau của mỗi hành vi để từ đó điều chỉnh hành vi sai xấu.

Giới là sự phòng hộ, như áo giáp để phòng thân có thể ngăn ngừa những tai hại đến từ bên ngoài.

Giới là sự thận trọng, vì hành động đạo đức chỉ được hoàn hảo khi có sự cẩn thận, khéo léo, kỹ lưỡng, nghiêm túc, trong mọi hành vi.

Giới là sự tự chủ vì những điều học nhắc nhở chúng ta biết dừng lại đúng lúc, biết tự điều chỉnh hành vi của mình, và biết trường hợp nào cần tự chế, tiết giảm hay điều độ.

“Ngày nọ, một vị tỳ kheo đến tu tập trong một ngôi chùa có vị nữ thí chủ là bậc thánh có tha tâm thông. Vị ấy e ngại không thể giữ trọn quá nhiều giới luật như vậy. Vị thí chủ có thể sẽ biết được mình có sai phạm giới điều nhỏ nhặt nào mà mình không nhớ hết thì sao. Để tháo gỡ gút mắt này, đức Phật hỏi vị tỳ kheo ấy nếu chỉ giữ một điều thôi có nhớ được không. Vị ấy phấn khởi chấp nhận. Đức Phật dạy vị ấy chỉ cần thận trọng canh chừng cái tâm thôi là được. Và chẳng bao lâu vị ấy hoàn toàn giác ngộ.

Vì vậy, bên cạnh giới luật hữu hạn đã được ban hành cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội, thời gian và trình độ của mỗi người, đức Phật còn dạy giới vô hạn cho những ai có thể tự mình sống trong tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Hay nói cách khác, một người đang giữ giới hữu hạn, chỉ cần thường thận trọng, chú tâm, quan sát tỏ tường ngay nơi hành động nói năng của mình, thì khi đó giới hữu hạn tự trở thành vô hạn. Nghĩa là lúc đó người ấy có thể không nhớ bao nhiêu giới cần phải giữ nhưng mọi hành vi cử chỉ của anh ta đều thuận theo giới luật.” – Thiền sư Viên Minh.

Tương tự như vậy, mỗi trader phải tự ban hành giới luật cho chính mình về mọi mặt liên quan đến công việc trading và có thái độ tuân thủ nghiêm túc giới luật đã đặt ra (giữ giới). Chúng ta cần hiểu tầm quan trọng của “giới luật trong trading” (gọi là kỷ luật) và áp dụng nó như là điều học, là sự phòng hộ, là sự thận trọng, là sự tự chủ để hạn chế thua lỗ trong công việc và giữ thăng bằng trong cuộc sống.

Nhìn sâu một chút, kỷ luật chính là các quy định cụ thể được đặt ra nhằm kiềm chế các ảo tưởng tham sân si, hỗ trợ cho trader tăng thêm khả năng kiên nhẫn. Tuy nhiên, trên thực tế, khi mức độ đối kháng (sân), dính mắc (tham) hay lăng xăng (si) đủ mạnh thì chúng sẽ bộc phát vượt khỏi vòng kiểm soát của ý thức, phá vỡ kỷ luật. Mặt khác, bởi đặc tính của thị trường là khá mơ hồ nên một số quy định cứng nhắc có thể gây tổn thất đáng tiếc hoặc bỏ lỡ cơ hội giao dịch. Thế nên, mức cao nhất của kỷ luật là luôn thận trọng canh chừng cái tâm trước sự biến động khôn lường của thị trường và sự biến hóa tinh vi của cái ta ảo tưởng.

Tóm lại, hai vấn đề nan giải của trader là kiên nhẫn và kỷ luật tựu chung có gốc rễ từ cái bản ngã mong muốn trở thành, không bằng lòng với hiện tại, chạy ra khỏi cái đang là; càng mong muốn thì càng đánh mất thực tại, càng mất kiên nhẫn và không thể giữ được kỷ luật. Nếu tỉnh thức, trọn vẹn với cái đang là (being) thì “nó sao, mình vậy”, không bị lôi kéo bởi cái “cho là, sẽ là, phải là” (becoming) thì không phải “chịu đựng” thực tại nữa. Khi đó thì thời gian tâm lý (thời gian do tâm trí tạo ra, khác với thời gian vật lý) chấm dứt nên không cần đến sự kiên nhẫn mà vẫn có kiên nhẫn vô cùng, không đặt ra kỷ luật mà vẫn có kỷ luật hoàn hảo. Thật ra, cách hóa giải hai vấn đề này cũng chính là thiền vipassana đã trình bày ở trên.