Chương 26: HIỂU MÌNH-1. GỐC RỄ

*1. GỐC RỄ *

Trong khi huyền thoại đầu cơ J. Livermore chỉ đích danh các kẻ thù chính trong nghề trading là sự tham lam, sợ hãi, hy vọng, ngu dốt (greed, fear, hope, ignorance) thì tỷ phú đầu tư W. Buffett hướng dẫn chúng ta khai thác chúng qua câu nói nổi tiếng “Tham lam khi người ta sợ hãi, sợ hãi khi người ta tham lam”. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không nhìn sâu hơn để chỉ ra gốc rễ của sự tham lam, sợ hãi,… và làm thế nào để đối trị chúng có hiệu quả. Nếu đã trải nghiệm giao dịch thực tế đủ lâu, bạn sẽ nhận ra tham lam - sợ hãi là hai lực co kéo chi phối trong thị trường tài chính và cũng là nguồn gốc của hầu hết phản ứng sai lầm và gây phiền não trong công việc của trader. Chúng đến từ đâu vậy?

Trong trading thì các dạng dính mắc này rất dễ xuất hiện như một trader đã chia sẻ: “Bạn hãy mở một tài khoản với tiền thật và giao dịch với khối lượng nhỏ nhất mà công ty môi giới của bạn cho phép. Điều này sẽ mở ra một thế giới hoàn toàn mới về “gã tí hon trong đầu bạn”, “con người trong gương” và “quái vật quỷ ma” trong bạn. Đôi khi bạn thấy chúng được gọi chung là “con người thứ hai”. Chúng là thứ tiếng nói bên trong bảo bạn “làm một phần đi thôi”, “giao dịch này sẽ hiệu quả nếu bạn chộp lấy”, “đã lâu rồi bạn chưa giao dịch, tốt hơn là ta vào cuộc thôi”, “lẽ ra vào lệnh thì đã thắng ”. - Strat

Tâm lý học phương Tây cho rằng gốc rễ của chúng là từ vô thức của con người. Nhà tâm lý học Sigmund Freud, người được công nhận là đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về phân tâm học đã viết như sau:

“Vô thức là những sự kiện tâm linh cá nhân, chìm khuất trong góc tối của tâm hồn và không bao giờ biểu hiện, không thể dùng ý chí để điều khiển được. Nó là động cơ tiềm ẩn, có khi trở nên mãnh liệt, thôi thúc hành động đến mức không kiểm soát được, không hợp với lý trí. Vô thức được ví như phần chìm của tảng băng tâm linh, góp phần quyết định trong việc hình thành các khuynh hướng của mỗi cá nhân. Trong vùng vô thức liên tục diễn ra cuộc đấu tranh giữa bản năng với bản ngã, giữa phần "con" và "người" và bản năng sẽ bị dồn nén lại trong hàng rào kiểm duyệt không cho vượt qua lên tầng ý thức được. Nên những xung lực này chỉ biểu hiện phần nào trong các giấc mơ và phần lớn trong các chứng loạn thần kinh. Vô thức nằm ở đáy sâu tăm tối của tâm linh nên không thể thực nghiệm và không thể khảo sát được bằng các trắc nghiệm.”

Vậy thì làm sao chúng ta có thể giải quyết một vấn đề khi không thể xâm nhập vào gốc rễ của chúng?

Tôi tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề này từ Đạo học phương Đông và hiểu ra rằng quá trình hình thành cái “gốc rễ” ấy là một quá trình tích lũy liên tục kể từ khi con người được sinh ra trong cuộc đời này:

“Con người từ lúc mới sơ sinh đã biết hướng ra thế giới bên ngoài để thu thập những thông tin cần thiết cho đời sống. Đến bốn năm tuổi đã tích lũy được những sở tri cơ bản để có thể xử lý những sinh hoạt thông thường. Sau đó nhờ học tập từ gia đình, bè bạn, học đường và cộng đồng xã hội; kết hợp với khả năng tư duy, chiêm nghiệm, phán đoán mà kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng v.v... ngày càng phong phú, đa dạng và cũng càng phức tạp hơn.

… Cái sai đưa đến phiền não, khổ đau, chán chường, thất vọng v.v… chính là vì con người không biết rằng mình đã dần dần bị dính mắc, sa lầy, lệ thuộc vào thế giới bên ngoài đến độ hoàn toàn bỏ quên chính mình. Đó là sự vong thân, tha hoá mà Albert Camus đã phát hiện khi thấy mình không còn là chính mình nữa, mình đã trở thành kẻ lạ mặt không biết tự bao giờ!

Trên mỗi đối tượng tiếp xúc hàng ngày, bạn không ngừng gia thêm những tình cảm, chẳng hạn như ưa, ghét, tham, sân v.v… rồi tùy thuộc vào những cảm tính đó bạn chủ quan chọn lựa, lấy bỏ. Ở một mức độ nào đó, điều này xem ra cũng là chuyện bình thường, nhưng khi những thái độ này ngày càng được tích lũy, vun bồi, gia tăng, phát triển cho đến khi trở nên quá sâu dày, kiên cố, thì bắt đầu trở nên vô cùng nguy hiểm! Tại sao? Lý do là bạn đã hình thành những thành kiến, cố chấp, hận thù, oan kết hay những say mê, chìm đắm trong thế giới bên ngoài, đến độ bạn đánh mất khả năng trở lại chính mình.

Điều này biểu hiện quá rõ đối với những người ghiền cờ bạc, rượu chè, ma tuý v.v… Nhưng thật ra, ít nhiều gì mỗi người cũng đã từng sống trong một mức độ vong thân nào đó. Bằng chứng là khi thương yêu hay thù ghét, khi thất bại hay nhục nhã v.v… thì ai cũng có thể quên ăn, mất ngủ, sợ hãi, lo âu, thẫn thờ, thất chí v.v… Kết quả tâm lý ấy đơn giản chỉ vì đã bị dính mắc quá sâu vào ngoại cảnh. Lúc đó, dù muốn an bình, thanh thản chỉ trong chốc lát thôi cũng không dễ gì có được!” – (Thiền sư Viên Minh)

Từ đó, tôi bắt đầu hiểu rằng trong quá trình tích lũy liên tục ấy, mọi thứ vật chất và tinh thần bị thu hút vào hình thành các lớp quanh tôi, nhưng cuối cùng "Tôi là ai?" thì lại rất mơ hồ. Có lẽ là câu hỏi này cũng bí ẩn như câu hỏi về vô thức vậy?

Thật may mắn cho nhân loại chúng ta là những vấn đề trên đã được Đức Phật khám phá cách đây 2500 năm. Không những thế, Ngài còn chỉ bày cụ thể con đường vượt thoát mọi trói buộc của chúng. Các yếu tố chướng ngại trong trading mà J. Livermore đã nêu ở trên chính là ba thứ tam độc tham sân si, còn những tiếng nói ồn ào trong tâm trí con người là những tư tưởng miên man xuất phát từ kho ký ức tích lũy trong suốt cuộc đời của chúng ta.

Trước khi đi vào sâu hơn, tôi xin nói trước rằng tài liệu này vận dụng đạo Phật để giải quyết các vấn đề trong nghề trading chỉ dừng ở góc nhìn tâm lý mà thôi và xin mượn lời của nhà văn hóa Bùi Mộng Hùng:

“Hành vi luận (behaviourisme) nêu lên một vấn đề lý thuyết căn bản: truyền đạt cho người khác những sự kiện nội tâm – vốn là cái rất riêng tư thầm kín của mỗi cá nhân – có thể được hay chăng? Vấn đề chẳng giản đơn. Đối với một nền tâm lý học có tham vọng khách quan thì lại càng hóc búa.

Có điều, đạo Phật không đặt trọng tâm tâm lý học của mình nơi điểm đó. Vì rất thực dụng. Chỉ nhằm cho bạn cho tôi cho mỗi ai ai trong chúng ta đều có thể tự mình biết lấy mình. Đặt vấn đề như vậy thì thử hỏi ngoài phương pháp lấy lòng tự xét lòng còn có cách nào khác chăng ?...

Tâm lý học nhà Phật đứng trên quan điểm động, nhìn cả bề dày kích thước lịch sử của sự sống. Phân tích những thành phần tâm lý cá nhân, đã đành, nhưng nó còn đi sâu vào nguyên nhân và điều kiện hình thành tâm lý một con người. Vì vậy mà phân tích các cơ quan, các chức năng sinh lý làm nền tảng cho đời sống tâm lý…

Lĩnh vực của tâm lý gồm hoạt động của các giác quan và của hệ thần kinh. Trong đó dĩ nhiên có hoạt động tâm thần. Nhưng vì nhận định rằng không thể quan sát "tâm" một cách khách quan được, tâm lý học ngày nay tránh đề cập trực tiếp vấn đề này. Chỉ xét tâm một cách gián tiếp qua hành vi, qua những biến số của tâm lý….cái khái niệm nhà Phật không ngừng nhắc tới nhưng tâm lý học ngày nay cố tình tránh né : CÁI TÂM… (Tâm được định nghĩa là biết cảnh, có nghĩa là nhận thức sự hiện hữu của đối tượng.

Phân tâm học phân tích ra "cái tôi", "cái trên tôi" và ngừng với những khái niệm ấy.

Nhà Phật cũng theo con đường tương tự đến khái niệm "tôi". Nhưng phân tích đến tận cùng cái "tôi" này thì chỉ thấy toàn là những trạng thái phù du tiếp nối nhau. Vì thế mà nhận định "tôi" để rồi vượt qua và phủ nhận "cái tôi". ”

Nếu bạn thực tâm đi tìm giải pháp rốt ráo cho các vấn đề tâm lý trong trading thì nên bỏ qua thành kiến về tôn giáo để mở lòng tiếp nhận những tư tưởng mới mẻ, bởi vì “công phu tu tập trong Phật Giáo nhằm mục đích kiểm soát tâm, và sự kiểm soát nầy có thể thực hiện được nhờ hiểu biết chân chánh và tư tưởng trong sạch.” - Narada Mahathera.

Phần này tôi sẽ sắp xếp các vấn đề lớn gồm có: quá trình nhận thức, nguyên nhân phiền não, bản ngã và ngũ uẩn dựa trên sự giải thích của các bậc thầy tâm linh để trả lời các câu hỏi đã đặt ra, đặc biệt sẽ trích dẫn nguyên văn nhiều đoạn từ các tác phẩm “Thực tại hiện tiền” và “Sống trong thực tại” của thiền sư Viên Minh để làm rõ các vấn đề thâm sâu này.