Chương 25: Chương 3 HIỂU MÌNH

*Chương 3 HIỂU MÌNH *

Thị trường tài chính do con người sáng tạo ra và chế định các nguyên tắc riêng để nó vận hành giống như mỗi môn cờ có luật chơi riêng vậy. Mỗi trader tham gia thị trường đều có quyền tự do lựa chọn nước đi tuân theo luật chơi (hành vi mua bán) tùy vào nhận thức của mình: đó là nghiệp, là gieo “nhân” đúng để gặt “quả” thắng và ngược lại. Có một điều là người ta chỉ ưa thích quả ngọt mà ít ai sáng suốt đón nhận quả đắng để học ra các bài học giá trị cho chính mình sau mỗi giao dịch. Cũng chính cái nghiệp này là con đường “đạo” giúp chúng ta nhận ra sự thật của trading và khám phá ra chính mình cho dù chúng ta vẫn tiếp tục công việc này hay sẽ từ bỏ nó.

Nếu bạn có quá trình giao dịch bằng tiền thật (real trade) đủ lâu thì chắc hẳn bạn đã nhận ra những dạng trói buộc tâm lý như tham lam, sợ hãi, lo lắng, hy vọng… rất nguy hiểm và dai dẳng trong nghề trading. Làm sao để thoát khỏi những trói buộc này? Đây là một câu hỏi lớn trong nghề nghiệp của mỗi trader và cũng là một câu hỏi lớn trong cuộc đời của con người. Tôi xin trích dẫn chia sẻ của một trader từng trải đã nhận ra con đường “tự biết mình” để thoát dần khỏi sự kềm tỏa đó:

“Anh không bao giờ bỏ nó đi được, chỉ ráng kềm nó thôi. Mà muốn được như thế anh phải tự biết mình. Anh phải tự học về những cái thua và thắng của mình. Học đến lúc anh sẽ phân biệt được TẠI SAO anh thắng, và tại sao anh thua? Trong trò chơi này dĩ nhiên có nhiều việc ngoài tầm kiếm soát của chúng ta, nhưng những gì chúng ta làm được thì nên làm. Còn chuyện hên xui thì không tính được rồi. Việc đầu tiên của việc trading là viết nhật ký. Anh viết về lối phân tích của anh TRƯỚC và SAU khi anh mua bán. Anh cứ làm như thế mỗi lần mua bán. Dần dần anh sẽ thấy được cái hay và cái dở của chính mình. Anh sẽ thấy anh "nhát" đến đâu, và anh cũng sẽ thấy anh "dở" đến đâu. Thị trường chỉ có 3 hướng đi chính. LÊN, XUỐNG, và Đi Ngang. 2 trong 3 hướng đi đó sẽ làm anh từ Huề cho đến Thắng. Thế nhưng người vào cuộc chơi lại thua nhiều hơn thắng. Tôi không biết anh ở market nào, currency hay stocks. Nhưng nếu bên currency thì là từ 80-90% là thua. Câu hỏi được đặt ra là với 2/3 (66%) dựa theo hướng đi của market là từ huề cho đến thắng, vậy thì con số 80-90% thua trong market này là vì ai? Vì anh hay là vì market? Anh trade lâu thì anh sẽ thấy rõ cái tánh của mình thêm. Rất nhiều người thua, trong đó có tôi, không biết tại sao mình thua. Việc đầu tiên trong việc thắng thua là đổ lỗi cho người khác, cho market. Ít ai chịu đi tìm về lỗi của mình. Khi thấy được cái "dở" của mình thì lúc đó anh mới tiến được. Đến một lúc nào đó khi nhìn chart formation là anh nhớ đến lỗi xưa. Khi thấy được cái này thì cái thua sẽ giảm dần đi, và từ từ anh sẽ gỡ lại số tiền đã thua. Financial trading là thế đó. Chứ không phải ai có phép tắc gì để thấy được tương lai. George Soros, người hùng của currency trading, thành công trong nghiệp trade không phải vì ông ta có một system trade hoài không thua, nhưng ông ta có một cái nhân sinh quan khác người. Ông ta suy luận về con người, về phản ứng của nó trong những trường hợp khác nhau. Áp dụng lý thuyết này vào trading, Soros làm chủ thiên hạ. Bởi vậy cho nên trading thật ra là một mind game. Mind game là vì người chơi với người, chớ không phải người chơi với máy. Người với người thì làm sao anh đoán được, đúng hông? Anh có bao giờ yêu chưa? Có nghe câu thơ "đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn" hông? Đó cũng là a mind game. Trading cũng thế. Trong tình yêu thì có thương và hận; trong trading thì có FEAR & GREED. Và anh sẽ bị hai cực điểm này trì kéo cho đến khi anh hiểu mình để không bị chi phối nữa. Thì lúc đó sát xuất thắng của anh sẽ cao hơn hiện tại.” - VietCurrency

Tiếp đến, chúng ta cùng tham khảo quan điểm của Mark Douglas, một chuyên gia tâm lý trading. Ông nhấn mạnh vào yếu tố “niềm tin” tác động phía sau một loạt sai lầm giao dịch trong quyển sách Trading in the zone như sau:

“Nếu bạn thực sự tin rằng kết quả giao dịch là không chắc chắn thì có bao giờ bạn xem xét một giao dịch mà không xác định rủi ro trước? Có bao giờ bạn do dự cắt lỗ nếu bạn thực sự tin rằng bạn không biết diễn biến tiếp theo? Còn những lỗi giao dịch khác như giao dịch hấp tấp (jump the gun)? Làm thế nào mà bạn dự đoán được một tín hiệu mà nó chưa biểu hiện ra trên thị trường nếu như bạn không bị thuyết phục rằng bạn sẽ lỡ sóng. Tại sao bạn để một lệnh thắng biến thành lệnh thua, hay không có kỹ thuật chốt lãi mang tính hệ thống nếu như bạn không bị thuyết phục rằng thị trường sẽ còn đi theo hướng của bạn mãi? Tại sao bạn do dự hoặc không dám vào lệnh nếu như bạn không bị thuyết phục rằng lệnh đó sẽ thua tại ngay điểm vào lệnh? Tại sao bạn phá vỡ nguyên tắc quản lý tiền bằng cách giao dịch khối lượng quá lớn so với vốn trong tài khoản và ngưỡng cảm xúc chịu đựng thua lỗ nếu như bạn không quả quyết chắc chắn? Cuối cùng, nếu bạn thực sự tin vào sự phân bố ngẫu nhiên giữa lệnh thắng và lệnh thua thì bạn có bao giờ cảm thấy rằng thị trường phản bội bạn? Giả sử như bạn tung đồng xu và đoán đúng, chắc bạn sẽ không kỳ vọng đúng tiếp trong lần tung sắp tới chỉ vì bạn đã đúng trong lần trước đó.” Theo tôi, lập luận của Mark Douglas là rất logic nhưng trong thực tế trading thì có những trở ngại nhất định bởi khó đặt niềm tin trên một đối tượng luôn biến hóa, không rõ ràng và nhiều cạm bẫy như thị trường tài chính. Mặt khác, quá trình cài đặt “niềm tin” bằng lý trí chỉ mang tính đối trị và thường không có đủ thời gian để bám rễ sâu xuống vô thức trong khi các dạng ham muốn, ưa ghét,… là những tập khí đã tích lũy từ lâu đời và mỗi khi bị kích thích qua các giác quan và ý nghĩ thì chúng có khuynh hướng bùng phát, phá vỡ các niềm tin “chưa đủ vững chắc”.

Tuy nhiên, nếu một trader được hướng Tâm đúng đắn ngay khi vào nghề thì tâm thức anh ta sớm trưởng thành và không bị đắm chìm trong phiền não nghề nghiệp; kiểu như một người tuy uống rượu mà vẫn tỉnh thức và làm chủ hành vi của mình vậy. Bí quyết của tôi mà cũng có thể là của bạn: “Tôi không phải là chuyên gia tâm lý hay trading. Tôi chỉ là chuyên gia về chính mình”. Có thể ai đó hiểu biết hơn bạn về kiến thức trading hay tâm lý học nhưng chắc chắn họ không thể hiểu hơn bạn về chính con người bạn nếu bạn muốn hiểu. Và đây chính là lợi thế của bạn trong nghề trading! Phần dưới đây sẽ trình bày về gốc rễ vấn đề để giúp bạn có thể từng bước là chuyên gia về chính mình.