[[Tác giả: La Kiều Sâm ------ Dịch: Phong Lăng]]
Nếu mà nói lão Liễu uống say, nửa đêm nửa hôm lái xe ra bãi lau Liễu, thì cũng không thể nào!
Tôi hỏi Lưu Văn Tam, hay là lão Liễu nhận việc về làm riêng?
“Lão Liễu theo chú bấy nhiêu năm trời, những chuyện này lão vô cùng tường tận, không dám làm bừa đâu.”
Lưu Văn Tam nheo mắt, lại lắc lắc đầu: “Lão với chú giống nhau, không con cái gì, có cái chú đỡ hơn lão tí, một thân một mình, lão thì họ hàng nghèo cả đống, đầy đứa cầu cho lão chết sớm, để còn chia gia tài của lão.”
Nói rồi, Lưu Văn Tam lôi từ hiên nhà ra một cái ghế dựa, khép mắt nằm xuống xong, thì gà gật nằm phơi chút nắng cuối chiều.
Câu nói này có chút ý tứ sâu xa, nếu lão Liễu không phải bị quỷ hại, thì quá nửa là do nhân họa rồi!
Tôi nhớ lại những lời ban nãy Lưu Văn Tam nói với Liễu Chí... Lẽ nào, lão đã đoán ra điều gì ?
Tại sao lão lại hỏi Liễu Chí,
Mày có chắc chắn lấy chỗ ba mươi vạn này không? Lão đang nghi ngờ Liễu Chí!
Tim tôi đập thình thịch, lại cúi đầu xuống nhìn Lưu Văn Tam một cái.
Lão nhắm mắt, bốn năm mươi tuổi, lẫn trong đám tóc đen ngắn, xen kẽ một ít tóc trắng, trông có vài phần loang lổ. Trước đây tôi cho rằng, người vớt xác là loại hạ cửu lưu xuống sông vớt xác chết lên, rồi giữ xác chết mà ra giá. Nhưng Lưu Văn Tam hoàn toàn không phải như vậy, có những lời lão chỉ nói đến điểm là dừng, cũng chẳng có gì liều lĩnh.
Lưu Văn Tam tuyệt đối không phải người thường, chứ không bà nội đã không bảo tôi nhận bố nuôi!
Bụng đói cồn cào, lúc này cũng đã bốn năm giờ, chúng tôi vẫn còn chưa ăn cơm trưa. Vào bếp nấu một nồi mì to, đập mấy quả trứng gà ta, cho ít gia vị đơn giản, dội thêm thìa dầu ớt, là thơm nức mũi.
Múc ra hai bát tô, gọi Lưu Văn Tam dậy, hai người cùng ăn ngon lành.
Lưu Văn Tam cười hề hề bảo với tôi, không ngờ tôi còn biết nấu ăn, cái danh sinh viên đúng là không phải cho không. Tôi nghe mà thấy ngượng đỏ cả mặt. Nấu có bát mì thôi, làm gì dám nói là biết nấu ăn?
Lão ăn xong thì lại tiếp tục gà gật, tôi lôi hai quyển sách kia ra xem.
Trong quyển Âm sinh cửu thuật, không chỉ có cách làm tượng gốm xương mèo, áo khoác da mèo, găng tay tiên xám, về sau còn có cách dùng xương và da các động vật như hồ ly (cáo), chồn, rắn, nhím để làm đồ vật đỡ âm linh! Hình minh họa sơ sài, hành văn nhạt nhẽo, cho người ta cảm giác lạnh lẽo. Tôi thì cũng chẳng phải thánh mẫu gì, mà chỉ đơn thuần cảm thấy, mấy loài động vật này có phần rợn người. Ngoài mèo ra, thì năm loại động vật kia, chính là ngũ gia tiên!
Duy có mèo đen, còn gọi là huyền miêu! Âm u lắm luôn.
Tiếp tục lật ra sau, thì là nguồn gốc của môn đỡ âm linh này. Cùng với một số cấm kỵ, ví dụ như xác chết mà thầy đỡ âm linh không được đỡ.
“Xác mẫu tử không tên không họ không được đỡ, bởi vì âm thai sinh ra, thì bắt buộc phải có người nhà thờ cúng đặt tên, mới được phép đầu thai, nếu không tên không họ, không thể thờ cúng, thì bọn chúng vẫn không có tên trên sổ sinh tử, sẽ thành ác quỷ lang thang trần gian, người mà chúng hại chết, sẽ trở thành nợ nghiệp của thầy đỡ âm linh.”
“Không được đỡ đẻ cho người sống! Bởi thầy đỡ âm linh đều tiếp xúc với người chết, âm khí đầy người, sẽ xung đột với linh hồn của trẻ sơ sinh, khiến chúng chết ngay khi sinh.”
“Xác mẫu tử mà xác chết không nguyên vẹn, hoặc bị người hại chết, không phải chết do khó sinh hoặc chết ngoài ý muốn, cũng không được đỡ âm linh! Người chết đều có oán hận, có thù báo thù, có nhân có quả, loại này cho dù có đỡ âm linh, cũng không thể khiến chúng bình tĩnh lại, chắc chắn sẽ vẫn giết người báo thù!”
Còn những cấm kỵ khác, thì phải tự mình phán đoán theo tình hình thực tế. Tôi cũng không xem kỹ nhiều, lại mở Trạch Kinh ra lướt qua một lượt.
Âm sinh cửu thuật tôi xem còn hiểu, dù gì cũng học qua chút ít về đỡ âm linh, chứ Trạch kinh, thì hoàn toàn ù ù cạc cạc!
Ngay trên trang đầu tiên là hình minh họa một ngôi nhà gồm cả sân vườn (trạch viện), chi chít chữ nhỏ, liên quan đến thuật phong thủy, và cả tin mật.
Trang đầu đọc không hiểu, chỉ còn cách lật qua một lượt, xem qua thôi mà đầu óc tôi đã tê liệt, giống như lần đầu tiên nhìn thấy thuật toán cao cấp vậy...
Đúng lúc này, trong cuốn Trạch kinh rơi ra một tờ giấy nhỏ đã ố vàng, tôi nhặt lên trải phẳng ra, là một trang thư nguệch ngoạc.
Mở đầu là Di thư của La Trung Lương...
Tôi ngây người, cái tên La Trung Lương vô cùng lạ lẫm với tôi, nhưng cũng có nghe qua vài lần, đều là do bà nội với bố tôi nhắc đến. Trong thôn, cái tên này giống như một thứ cấm kỵ vậy, chưa từng được người trong thôn nhắc qua nửa lời!
Đó, là ông nội tôi!
Tôi cúi đầu, từng câu từng chữ xem đến hết nội dung của di thư, rồi trong lòng như có tảng đá đè lên vậy, cảm giác khó chịu không nói hết được...
Vốn tôi cứ tưởng dân thôn không nhắc đến ông nội, nguyên nhân do bà nội là bà đỡ âm linh, nên đều tránh xa cả nhà chúng tôi. Không ngờ, ông nội ở trong thôn cũng có một bí mật!
Thôn Tiểu Liễu trước đây, trong thôn lắm tai nhiều họa, đại bộ phận người dân đều nghèo rớt, thậm chí cơm cũng không có mà ăn.
Hồi đó bà nội làm bà đỡ âm linh trong thôn, người dân quanh vùng đều đến mời bà đi đỡ âm linh.
Theo lý mà nói, bà nội cũng phải kiếm được không ít tiền mới đúng, chứ sao trong nhà lại nghèo đến mức, đến tiền đưa mẹ tôi đi viện cũng không có!
Tất cả nguyên nhân, trong di thư của ông nội đều nói rõ...
Hồi đó, bà nội đích thực là bà đỡ âm linh, còn ông nội thì là thầy phong thủy có tiếng nhất trong thôn chúng tôi!
Bà nội đỡ âm linh, ông trấn xác!
Mấy chục dặm quanh vùng, những năm ấy hầu như có bất cứ chuyện quỷ quái hoành hành nào, đều đến tìm ông bà nội, thậm chí ông nội còn giúp tận mấy nhà trong thôn sửa lại kiến trúc nhà.
Chỉ có điều, ông nội có một quy tắc bất dịch.
Tiền kiếm được từ đỡ âm linh và trấn xác, cả nhà không được tiêu dù chỉ một xu, nếu những nhà kia có thể mang gạo mì trứng đến cho thì được phép ăn. Chỉ có điều những đồ vật liên quan đến tiền bạc, đều bị ông nội cất đi.
Bởi danh tiếng của ông nội được truyền đi rất xa, nên có rất nhiều quý nhân có tiền có quyền đến xin ông chỉ bảo đường lối.
Từ những quý nhân này, ông nội nhận được tương đối nhiều tiền tài!
Nhưng ông không lấy một xu ra cho người nhà tiêu!
Khi mẹ tôi mang thai tôi, ông nội đưa ra một quyết định kinh người!
Ông đứng đầu tìm những nhà quan chức quyền quý trên huyện, đến thôn chúng tôi sửa đường, đồng thời lấy toàn bộ những gì tích cóp ra được để trả tiền công trình! Con đường cái nối từ thôn lên huyện, là do ông nội làm!
Ý định ban đầu của ông nội là tích đức tích phúc cho tôi, khi mẹ tôi bắt đầu mang thai tôi, ông đã bói một quẻ, nói tôi có chín kiếp chín nạn!
Cái nạn đầu tiên là nạn sinh tử! Phúc duyên không đủ, thì tôi sẽ không ra đời được!
Làm một con đường cho thôn, là chuyện vô cùng tốt, đa phần là có thể bù trừ cho kiếp nạn này được, thậm chí còn bù trừ cho không chỉ một kiếp nạn.
Kết quả, làm đường đết lúc cuối, thì xảy ra hai chuyện.
Chuyện thứ nhất, là nhân sự.
Ở sông Tiểu Liễu chỗ cổng thôn, đầu tiên có một hộ sống chết không chịu chuyển đi, nói là đường cái làm đến cổng nhà họ là được, dân khác trong thôn vẫn ra ngoài được. Ông nội bỏ ra số tiền lớn, toàn bộ người trong thôn đều đến nói chuyện, mới khiến bọn họ chuyển đi.
Nhà này, chính là nhà thợ mổ lợn của thôn!