Chương 158: Đúng là đồ mọt sách

Trương Gia tuy ở trong quan trường nhiều năm, nhưng ông ta không tham gia chuyện đấu đá tranh chức tranh quyền, chỉ hết lòng vì bổn phận của mình, nghe Đường Kính Chi nói cũng có lý, lòng vừa sợ vừa giận.

Sợ là vì mình bị người ta hãm hại thiếu chút nữa mất mạng.

Giận là vì đám quan lớn suốt ngày nói những lời nhân nghĩa đạo đức lại chỉ vì bản thân mà làm cái chuyện vô nhân tính thế này.

Có điều vẫn còn may, may là ông ta gặp được Đường Kính Chi, chỉ cần khai phát mảnh đất hoang này, bất kể là do triều đình làm hay là do hào môn đại tộc làm, đều là chuyện tốt lợi dân lợi nước.

Mặc dù người hưởng lợi lớn nhất là Đường gia, nhưng mảnh đất lớn như thế, Đường gia phải cho điền nông thuê, vậy là vô hình trung nuôi sống ngàn vạn người dân, chính bởi vì như thế ban đầu ông ta mới cự tuyệt nhận tiền công Đường Kính Chi trả.

- Đường công tử nói rất có lý, giờ Trương mỗ đã hiểu vì sao mình mất chức, lòng nhẹ nhõm hơn nhiều, đa tạ.

Trương Gia chắp tay thi lễ:

Đường Kính Chi vội đáp lễ:

- Trương tiên sinh khách khí rồi, kỳ thực tại hạ thấy với con người của Trương tiên sinh, thực sự không thích hợp lăn lộn chốn quan trường.

- Đường công tử nói đúng lắm, có điều cho dù là thế, nếu như sau này còn có cơ hội làm quan, Trương mỗ nhất định không bỏ qua.

Trương Gia nói đầy chính khí, trong tư tưởng của ông ta, chỉ cần làm chút việc cho dân, dù lên núi đao biển lửa cũng không từ.

- Trương tiên sinh quả nhiên đại nghĩa sáng ngời.

Trương Gia không thích tán tụng qua lại thế này, liền đổi đề tài:

- Đường công tử, thực ra thì Trương mỗ cũng đã làm bản đồ vùng đất sau ngọn núi kia rồi, chẳng qua là thấy tác dụng của nó không lớn, cho nên cất dưới rương sách.

- Hay quá, có bản đồ là tốt rồi.

Đường Kính Chi chỉ vào một cái khe sâu ở ngọn núi cao trăm mét kia:

- Trương tiên sinh có phải là định chuyển hướng kênh đào qua phía đó không?

Đào đất đã tốn công nói gì tới đào núi, cho nên bất kể là ai nhất định cũng sẽ lựa chọn đào qua đó.

- Chính nó, tấm bản đồ kia nửa đầu giống như Trương mỗ đã trình bày, chỉ có nửa sau tới ngọn núi kia là thay đổi, tuyến đường đằng sau ngọn núi đó cũng đã được làm xong.

Nói tới đây hai người rất hợp ý, chỉ ngọn núi đó bàn tính nửa canh giờ, lúc này Trương Gia mới nhớ tới một vấn đề trọng yếu:

- Đường công tử tìm Trương mỗ bàn bạc nửa ngày trời, vẫn chưa nói khi nào thì khởi công, còn nữa nhân lực sẽ lấy ở đâu ra?

Đường Kính Chi trầm ngâm một lúc mới đáp:

- Trương tiên sinh, thực ra đằng sau chuyện Đường gia khai hoang này còn có một số bí mật tại hạ không thể nói cho tiên sinh biết, cho nên thời gian và nhân lực còn chưa được quyết.

Trương Gia nghe thế cuống lên:

- Chẳng lẽ Đường gia chỉ mới tính trên giấy thôi sao?

Thế chẳng phải coi ông ta như trò đùa à?

- Đương nhiên không phải, tại hạ có thể đảm bảo đây là chuyện chắc như đinh đóng cột, tuyệt đối không phải giả, hơn nữa công văn thì Trương tiên sinh thấy rồi đấy, tốn của Đường gia tận 30 vạn lượng bạc kia mà.

Đường Kính Chi thấy Trương Gia còn chưa yên tâm, bổ xung:

- Muộn nhất không quá một tháng nữa sẽ khởi công.

Trương Gia nghe lời khẳng định này của Đường Kinh Chi mới thở phào, so với Đường Kính Chi, ông ta còn khát vọng sớm ngày khai hoang mảnh đất này hơn, vì tạo phúc cho bách tính cũng là vì hoàn thành mộng tưởng của mình.

- Có câu này của Đường công tử là Trương mỗ yên tâm rồi, có điều trước khi khởi công, Trương mỗ còn muốn nhắc một câu, đây là một công trình cực lớn, nhân lực không thể thiếu, ngoài ra công cụ cũng phải chuẩn bị sẵn sàng, thừng, xẻng và sọt trúc nhất định phải mua nhiều một chút.

Đường Kính Chi nghe vậy vỗ đầu, thầm nghĩ bản thân đúng là thiếu kinh nghiệm, dè đâu chuyện trọng yếu như thế mà không nghĩ tới, nếu không khởi công rồi chẳng lẽ bắt người ta lấy tay đào đất, hơn nữa nếu tới khi đó mới khẩn cấp mua một lượng lớn, nhất định sẽ bị ép giá đẩy lên gấp nhiều lần.

Theo tính toán đại khái của y, nhân lực cần thiết chừng khoảng 6 tới 8 vạn, cho dù chỉ cần một phần ba trong đó phải đào đất đã cần mấy vạn cái xẻng, còn cả sọt trúc nữa, nghe Trương Gia nhắc tới, đột nhiên Đường Kính Chi nhớ tới xe ba gác kiếp trước thường thấy.

Ở thời đại này bách tính thường dùng loại xe kéo bánh gỗ.

Xem ra mình phải bỏ thời gian nghiên cứu một chút rồi.

- Đa tạ Trương tiên sinh nhắc nhở, những thứ này tại hạ sẽ mau chóng chuẩn bị sẵn sàng.

Nói xong thấy thời gian không còn sớm nữa, mà dưới đít còn cả đống việc phải làm, Đường Kính Chi liền chủ động đề nghị về thành.

Ngọc Nhi luôn theo sát bên cạnh Đường Kính Chi, nghe hết cuộc đối thoại của hai người, mới đầu nghe tới chuyện đào kênh khai hoang cũng giật mình, tới khi bình tĩnh lại, nàng mang lòng hiệp nghĩa suy nghĩ cũng giống như Trương Gia, cho rằng nếu tướng công thư sinh thực sự có thể khai phát mảnh đất hoang này, thì đó là công đức cực lớn.

- Ngọc Nhi, ra ngoài nửa ngày rồi, nàng có đói không?

Đường Kính Chi lên ngựa, quan tâm hỏi:

Ngọc Nhi dù hơi đói, nhưng nàng cũng quen chuyện bữa đói bữa no rồi, nên chẳng để ý lắm, lên ngựa muốn quất roi đi trước, nhưng thấy tướng công nhà mình cho tay vào lòng lấy ra hai quả táo lớn chín đó, sau đó ném cả cho nàng.

Nhận lấy hai quả táo, nàng còn đang ngẩn ra thì Đường Kính Chi đã xoay đầu ngựa, quất roi phóng đi như bay.

Nhìn bóng lưng gầy gầy xa dần, Ngọc Nhi cúi đầu xuống, lau sạch quả táo, sau đó vén khăn che mặt khẽ cắn một miếng, Đường Kính Chi đi cùng với nàng, nàng đói bụng thì y cũng chẳng dễ chịu hơn.

Rõ ràng là có hai quả táo mà không biết giữ lại một quả để ăn, lại đưa hết cho người ta, đúng là cái đồ mọt sách ngốc nghếch.

Nàng xưa nay tự lập kiên cường rồi, chuyện được quan tâm tỉ mỉ thế này làm nàng không thích ứng lắm, nhưng cảm thấy quả táo trong tay ngon hơn thường ngày rất nhiều, mở miệng nhanh chóng giải quyết một quả táo, quả còn lại nhét trong lòng, kẹp bụng ngựa đuổi theo.

Tới khi Đường Kinh Chi về tới Lạc Thành thì đã là đầu giờ dậu ( 5 -7 pm), Trương Gia muốn nhanh chóng lôi kéo mấy trợ thủ trước kia tới, liền xuống ngựa, định cáo từ rời đi, Đường Kính Chi thấy vậy cũng xuống ngựa, nói:

- Trương tiên sinh, sau này phải thường xuyên rời thành, đường xá xa xôi, tặng tiên sinh con ngựa này đi lại cho tiện.

Trương Gia mới đầu không dám nhận, vì một con ngựa ở chợ giá rẻ nhất cũng tới 20 lượng, cuối cùng không chịu nổi Đường Kính Chi khuyên giải, vả lại cũng biết sau này không thể thiếu ngựa đi lại, đành cám ơn luôn miệng, rồi dắt ngựa về nhà.

Đợi Trương Gia đi xa, Đường Kính Chi nhìn độ cao của mặt trời, thấy thời gian còn sớm, liền giao ngựa cho hộ vệ, bảo bọn họ dẫn về phủ trước, hiện là lúc người đi lại trên phố nhiều, cưỡi con ngựa cao lớn thế này, không cẩn thận một chút có thể làm người khác bị thương.

Con ngựa màu đen đầy linh tính, thấy chủ nhân muốn rời nó mà đi, nó không bằng lòng lồng lộn hết hí lại thở phì phì, không cho hộ vệ cầm cương đưa đi, Đường Kính Chi mềm lòng chẳng biết làm sao, nhưng Ngọc Nhi trừng mắt lên nhìn nó một cái, con ngựa đen cúi gục đầu xuống, để hộ vệ kéo đi.

- Ngọc Nhi, uy tín của nàng cao thật.

Đường Kính Chi phủi bụi trên y phục, cười đùa:

Ngọc Nhi không hưởng ứng, chỉ lấy quả táo trong người ra đưa cho y:

- Nhị gia cũng đói rồi, ăn tạm quả táo lót dạ.

Lúc này đã về thành rồi, Đường Kính Chi hoàn toàn có thể tìm tửu lâu ăn uống, nhưng y vẫn nhận lấy quả táo, cười rất vui:

- Ừ, đi nào, chúng ta đi tìm hiệu thợ rèn.

Mặc dù Ngọc Nhi chỉ đưa quả táo mà y đã đưa nàng, nhưng chỉ nhìn từ chuyện rất nhỏ này đã thấy, thái độ của Ngọc Nhi với y đã có thay đổi lớn rồi, không kỳ thị y nữa, mà trong lòng cũng đã có y.