Chương 9: tình trong như đã mặc ngoài còn e

Hai tuần sau …

Chiến Thắng cho xe trờ tới cổng, gặp Kim Chi đi ra.

Chi hồ hởi:

- Ồ! Anh Thắng tới chơi.

Thắng tắt máy, xuống xe:

- Chi có việc ra ngoài à?

Chi mở rộng cổng cho Thắng dắt xe vào:

- Thì đi chợ chứ đâu. Anh vô chơi. Ở lại dùng cơm luôn nha. Tôi sẽ làm món bún thịt nướng đãi anh.

Thắng xuýt xoa:

- Ngon qúa còn gì … À! Tôi ngồi chờ có tiện không? Hay để tôi đưa Chi đi chợ?

Chi cười “gian gian”:

- Có bé Diệp trong nhà đó. Lên lầu, rẽ phải, phòng đầu tiên.

Thắng ho nhẹ:

- Cám ơn Chi.

Chi cười lớn đẩy Thắng vào trong:

- Nhớ đóng cổng dùm tôi luôn.

Theo lời chỉ dẫn của Kim Chi, Thắng đến trước cửa phòng, gõ cửa:

- Cửa em không khóa!

Thắng xoay nắm tay cầm, đẩy cửa bước vô. Ngọc Diệp đang hí hoáy tô phết bên khung tranh. Mái tóc dài túm gọn trong chiếc khăn voan, trông Diệp dịu dàng, lãng mạn làm sao.

Thắng không tưởng tượng nổi người con gái đáng yêu, nữ tính đến vậy lại có lúc vô cùng gai góc, nhẫn tâm, liều lĩnh. Lòng thù hận có sức mạnh ghê ghớm qua! Cái gút trong lòng cô bao giờ mới chịu tháo mở?

- Dễ chừng có đến hơn nửa năm em mới cầm cọ. Thấy hơi lạ tay.

Diệp nhoẻn miệng cười. Nụ cười của cô rất có duyên, đôi môi hồng đầy đặn vừa rụt rè, vừa bướng bỉnh, hàm răng trắng ngà đều tăm tắp:

- Cuối tuần sau, em đi Cần Giờ vẽ, chị có đi với em không?

Thắng không thể im lặng nữa, anh khẽ giọng để không làm cô giật mình:

- Chi ra ngoài đi chợ rồi.

Nghe giọng, Diệp biết ngay là ai. Diệp ngẩng lên, gật đầu:

- Chào anh.

- Không phiền nếu tôi xem tranh cô vẽ chứ?

Diệp dịch người qua một bên:

- Mời!

Thắng đến gần xem tranh Diệp vẽ, rồi đưa mắt ngắm quanh phòng. Toàn là tranh phong cảnh. Điểm độc đáo là kết hợp với nét vẽ, có ráp lá cây thật lên.

Thắng lẩm bẩm:

- Kim Chi - Ngọc Diệp (cành vàng lá ngọc), có phải vì thế cô đặc biệt yêu thích những chiếc lá không?

Diệp gác cọ:

- Anh nghĩ thế hả?

Thắng ngắm bức tranh cây ngô đồng có đề dòng cổ thi: “Ngô đồng nhất diệp lạc. Thiên hạ cộng tri thu” (Một chiếc lá ngô đồng rơi, người ta biết mùa thu đã đến).

- Tôi chỉ đoán vậy.

Diệp kéo Thắng lại mảng tường bên trái:

- Anh hãy nhìn thử bức này!

Tranh vẽ con đường ngập lá, một người lao công đang quét đường, một đôi tình nhân, người nam đang trao người nữ chiếc lá.

Tiếng hát của Diệp thoảng bên tai Thắng:

- “Anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em”.

Thật khó có gì lạng mạn và tình tứ hơn. Thắng gãi đầu tiếc rẻ:

- Tôi không rành nhạc nên không biết cô đang hát bài gì. Ngại quá!

Diệp nhìn mông lung:

- Tôi cũng đâu có biết. Chỉ nhớ khi còn sống má hay hát bài này lắm. Tôi thuộc có mỗi câu ấy. Chắc anh không biết má tôi là một họa sỹ, phải không? Tâm hồn bà đẹp nhưng mong manh dễ vỡ lắm.

Vài hạt bụi nắng rơi xuống đậu trên hàng mi dài rợp của Diệp. Chúng đen và cong quá. Thắng thầm nghĩ. Anh nói về má Diệp với giọng điệu kính trọng:

- Hẳn bác đã dạy cô vẽ từ nhỏ?

Diệp tự sự:

- Ừ. Sau này tôi có tham gia thêm vài khóa học ngắn hạn nữa.

Thắng buột miệng hỏi:

- Sao cô không nối nghiệp mẹ?

Diệp chựng người. Thắng có cảm giác cô run nhẹ.

- Tôi không muốn mình mong manh, dễ vỡ.

Thắng bâng khuâng. Do vậy mà cô đã trở thành một kiểm toán viên ư? Ngành nghề suốt ngày đối diện với những con số, những thủ thuật của các doanh nghiệp. Rất lý tính!

Diệp cười to khỏa lấp:

- Anh tưởng làm họa sỹ đơn giản lắm hả? Những người làm nghệ thuật ngoài sự cố gắng, nỗ lực của bản thân còn phải có tài năng trời phú. Tôi làm gì có thiên khiếu đó. Là dân amateur (nghiệp dư) thôi.

Thắng thành thật:

- Không đâu. Tôi thấy tranh cô vẽ có hồn mà. Thật đó! Dù không phải dân trong nghề nhưng nhìn tranh cô, tôi thích lắm.

Nghe khen, bất giác Diệp liếc qua Thắng. Thấy anh cũng đang liếc mình, đầy dịu dàng. Mặt Diệp hơi đỏ. Ánh mắt hai người chạm nhau, đều thấy thiếu tự nhiên, vội vã quay đi.

Diệp tìm cớ bỏ đi mong sớm trấn tĩnh mình, thoát khỏi cảm giác nguy hiểm này:

- Tôi vô ý quá, anh tới chơi mà không mời nước. Anh đợi tôi một chút nha.

Thắng cũng đang lúng túng nên ậm ờ cho qua chuyện.Một lát sau, Ngọc Diệp quay trở lại với khay đá chanh.

Dù cả hai cố tình nhâm nhi, uống chậm. Nhưng chẳng mấy chốc ly nước đã cạn veo mà Thắng với Diệp chưa bắt chuyện với nhau lại được.

Thắng không phải là người giỏi giao tiếp, ứng xử. Hôm nay anh đến gặp Diệp có việc, chưa biết mở lời thế nào.Giờ rơi vào tình huống này càng khiến anh rối rắm hơn.

Suy nghĩ hồi lâu, Thắng quyết định hỏi thẳng:

- Cô đang kiểm tra tài chính công ty của bác Quỳnh Như phải không?

Diệp phòng bị:

- Mới đây anh đã biết? Nhanh thật!

Thắng bổ sung:

- Có nghĩa là bên gia đình bác Như cũng đã biết.

Diệp khoanh tay trước ngực:

- Thì đã sao?

Thắng rất dị ứng với cái vẻ kênh kiệu, thách thức này ở Diệp:

- Cô đừng nhúng tay vào được không? Đừng va chạm với họ nữa.

Diệp thất vọng:

- Cách nói của anh cho tôi cảm giác tôi là đứa dở hơi, không làm được chuyện gì ý nghĩa hơn, suốt ngày tìm cơ hội ám hại người khác.

- Ý tôi không phải vậy.

Diệp bỏ ngoài tai tất cả:

- Mà tôi có như thế thì đã sao? Cái bọn họ nợ ra gia đình chúng tôi, không bao giờ họ có thể trả hết.

Tôi tìm cách trả thù có gì sai trái đâu? Gia đình chúng tôi là người bị hại mà. Chúng tôi không có quyền phản kháng ư? Sao bất công thế? Sao bắt tôi làm Phật tổ tự cắt thịt mình nuôi lũ chim khát máu?

Thắng kinh ngạc. Diệp kích động dễ sợ. Hễ đụng tới những chuyện liên quan đến gia đình bà Quỳnh Như là Diệp bị lên dây thần kinh. Sống kiểu này chắc Diệp nhọc nhằn lắm.

- Không phải như cô nghĩ! Ý tôi đâu phải vậy!

Thắng lúng túng nhất thời không biết giải thích. Anh quanh quẩn có mỗi câu nói đó.

Ngọc Diệp khăng khăng:

- Được. Cho dù ý anh không phải vậy. Nhưng cách biểu lộ của anh khiến tôi không thể nghĩ khác hơn. Tôi đã làm gì sai? Bọn họ kêu bán công ty, người mua nhờ chúng tôi kiểm toán. Chuyện bình thường.

Có ai bỏ tiền mua một công ty mà chẳng biết gì về tài chính của nó? Bà Quỳnh Như đã giở trò. Anh biết công ty tôi phải lập một nhóm chuyên biệt phụ trách việc này không? Trong đó có tôi. Chẳng lẽ vì những sự trùng khớp đó mà kết luận tôi là con ma ám hại họ? Họ đáng giá mình cao quá.

Chiến Thắng giữ vai Diệp:

- Diệp à! Cô bình tĩnh nghe tôi nói đi!

Diệp gỡ tay Thắng ra, tựa người vào bệ cửa sổ:

- Tôi chờ nghe anh nói đây.

Thái độ thù địch của Diệp làm Thắng khó mở miệng hơn:

- Công ty cô làm là công ty kiểm toán lớn nhất nhì ở Sài Gòn, nhân lực hùng hậu. Không có cô thì người ta vẫn làm tròn nhiệm vụ - Thắng xuống giọng - Rút ra đi Diệp. Người ta không suy nghĩ được khách quan đâu.

Họ sẽ đổ mọi tội lỗi cho cô. Họ sẽ tìm cách hại cô.

Diệp xoa trán mệt mỏi. Điều này không phải cô không nghĩ đến.

Cô từ chối quyền làm cha của ba cô. Gặp mặt là cạnh khóe, làm ông và bà Như nhức cả xương. Điều này coi như cái giá phải trả vì phụ má cô.

Cô vạch mặt Quỳnh Hoa, làm cuộc sống Hoa - Hào không hạnh phúc, đi dần tới bờ vực đổ vỡ, coi như cái giá phải trả vì phụ chị cô.

Cô làm Thành Trung bị kết án treo. Coi như cái giá phải trả cho sự ra đi của đứa cháu tội nghiệp, còn chưa có hình người.

Mà có phải cô dựng chuyện, rắp tâm đưa họ vào tròng. Tất cả là do họ tự gây ra. Cô chỉ góp tay vào đưa vụ việc ra ánh sáng.

Không nghĩ Thắng giống như mọi người, đều xem cô là hổ đói, suốt ngày ngồi rình rập con mồi. Diệp chán nản.

Chả trách lần này họ cũng nghĩ cô cố tình bươi móc, phá bĩnh họ.

Diệp tự hỏi, nếu không phải do vô tình đưa đẩy vụ việc đến tay cô, mà do cô tự điều tra ra, cô có nhúng mũi vào không?

Rồi Diệp tự trả lời luôn. Có lẽ là không. Cô sẽ nhắm mắt làm ngơ. Vì cơ ngơi đó chủ yếu là của ba cô.

Không biết nữa. Lỡ cô khùng lên thì sao? Diệp biết, cái ác trong cô nương theo lòng thù hận nhày một lớn dần.

Kỳ này coi bộ họ phải trắng tay thôi.

Diệp quay mặt ngó xuống đường:

- Đó là nhiệm vụ của tôi.

Thắng mím môi:

- Làm ơn rút khỏi đi Diệp. Tôi không muốn cô gặp nguy hiểm.

Diệp hỏi ngược lại:

- Nếu là anh, anh có từ chối vì sợ gặp nguy hiểm không?

Thắng trầm tĩnh:

- Tính chất công việc của tôi và cô hoàn toàn khác nhau, đem so sánh là rất khập khiễng. Với lại, tôi có khả năng tự vệ - Thắng xoay Diệp lại đối diện mình - Rút khỏi đi Diệp. Chuyến này họ không còn gì để mất, dễ liều lĩnh.

Diệp uể oải nhướng một bên mày:

- Anh làm tôi ngạc nhiên vì sự nhiệt tình. Tôi không nhún nhường trước những sai trái đâu. Dẫu sao cũng cảm ơn anh.

Thắng lớn tiếng át cả tiếng Diệp, anh tức giận thực sự:

- Vì tôi yêu em. Thế đã đủ khiến tôi nhiệt tình chưa? Sao em ngoan cố vậy? Cứng nhắc! Lì lợm! Em có tham dự hay không thì mọi chuyện không hề thay đổi. Nếu cần, em có thể âm thầm hỗ trợ.

Em biết em đang đối đầu với ai mà, sao sĩ diện vậy? Lỡ như em có chuyện gì, đáng hay không? Chắc chắn sẽ có chuyện.

Chính cô ép anh nói ra tình cảm của mình, rồi cô lại khó xử với tình cảm đó. Diệp chau mày im lặng. Cô thấy mình buồn cười và kệch cỡm.

Chiến Thắng hiểu Diệp nhiều hơn cô tưởng.

- Anh biết đây không phải là lúc thích hợp nói chuyện tình cảm. Em chưa chuẩn bị tâm lý đón nhận.

Cách xưng hô mới Diệp chưa quen.

- Anh biết thì tốt quá.

Chiến Thắng không phật ý. Anh kiên nhẫn:

- Đấu tranh với cái xấu là cả một đời người. Mình phải biết thực lực mình có bao nhiêu, khi nào tiến, khi nào lùi. “Giữ được rừng xanh ngại gì không có củi đốn”. Bản thân em không tự bảo vệ được thì đừng nói gì tới đấu tranh.

Diệp vịn hờ khung cửa:

- Tôi có nguyên tắc của tôi.

Thắng vung tay làm một cử chỉ bất lực:

- Ép người vào đường cùng là việc làm vô cùng nguy hiểm, nhất là đối với hạng tiểu nhân. Anh nghĩ tạm thời em nên thuê vệ sỹ.

Diệp tỏ ra thờ ơ, lười biếng:

- Trong bao lâu?

Thắng không có câu trả lời dứt khoát:

- Đợi mọi chuyện lắng dịu rồi tính tiếp.

Diệp bướng bỉnh:

- Có vệ sỹ mất tự do, không thoải mái chút nào. Tôi không để cuộc sống của mình bị xáo trộn vì những người đó đâu.

Tôi không tin họ dám làm gì thái quá.

- Bệnh sĩ diện còn quan trọng hơn bản thân em?

Không đợi coi phản ứng của Diệp, Thắng quày quả bỏ đi:

- Anh phải về đây. Xin

- lỗi chị Chị dùm anh.

Diệp giữ một khoảng cách, tiễn Thắng ra cổng. Anh có vẻ buồn, giọng chậm và nhỏ hẳn đi:

- Anh tôn trọng quyết định của em. Vì có muốn, anh cũng không thay đổi được. Em đã để lòng thù hằn, căm ghét che lấp tất cả.

Diệp lảng tránh ánh mắt anh, đóng cổng, trở lại bên giá vẽ. Tông màu chủ đạo đã thay đổi. Diệp vẽ rừng phong vào buổi hoàng hôn mùa thu.

“Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”.

Câu thơ khá đắt của Nguyễn Du trong đoạn miêu tả cảnh chia ly giữa Thúy Kiều - Thúc Sinh.

Khi loay hoay tìm chỗ cho bức tranh mới, Diệp chợt phát hiện, trên bức tranh “Sỏi đá yêu thương” của má xuất hiện thêm một bài thơ.

Cánh hoa rơi dìu dặt bên thềm

Bàn tay nâng nhẹ hoa mềm êm êm

Giọt nắng trời đi qua

Nhặt lá vàng rơi rơi

Em nhặt hồn tôi chơi vơi

Em nhặt sao trời nơi nơi

Tôi không là chiếc lá

Em xe thành nhẫn cỏ

Tôi không là cành hoa

Em nhặt nắng nhạt nhòa

Đâu là lá để tháng ngày xoay mãi

Đâu là hoa em xé nát lòng ta

Để mãi là hồn cuội

Nằm lăn trên đường đi

Năm tháng không nghĩ gì

Muôn đời ta vô giá trị

Thì em hỡi trái tim hóa đá

Và lá và hoa

Ta tàn theo lá và hoa …

Nét bút còn mới giúp Diệp đoán ra ngay là Chiến Thắng chứ không ai khác.

Chắc là lúc cô ra ngoài làm nước anh đã viết lên đây.

Dưới góc tranh còn có mảnh giấy học trò gấp làm tư. Diệp mở ra coi:

“Bài thơ này có tựa cùng với bức tranh “Sỏi đá yêu thương”, của tác giả Tôn Thất Tùng.

Anh thấy mọi bức tranh ở đây đều có đề ý thơ hay lời bài hát phù hợp với nó. Không hiểu vì sao bức này không có. Vì sự khác biệt nên nhìn nó cô độc quá. Trùng hợp là anh có thuộc một bài thơ mang đúng tên của bức tranh. Nghĩ chữ mình không tệ lắm (nếu không muốn nói là khá đẹp) nên xin phép đề tặng. Mong em vui.

Ký tên: Chiến Thắng”

Diệp lặng lờ mỉm cười. Anh tự tin quá, dạn dĩ quá. Nếu anh biết được đây là bức tranh cuối cùng của má cô, liệu anh có dám đề thơ không?

Chiến Thắng vô tình lại đẩy Diệp về một hồi ức đẹp. Nơi đó, má cô đang vẽ tranh, còn ba thì đề tranh. Chữ ba đẹp và bay bướm khỏi chê. Chị Chi và cô thì đang đùa giỡn bên cạnh.

Tiếc là bức tranh cuối cùng vừa hoàn thành, ba chưa kịp đề thơ thì đã vội vã bỏ đi theo bà Quỳnh Như. Để bức tranh lạc lõng hơn mười năm nay. Cũng từ ngày hôm đó, má cô đã không bao giờ cầm đến cây cọ nữa.

Không ngờ hơn mười năm sau, lại có người chú ý tới và có lòng hoàn thành nó.