Chương 26
Mẹ tôi vì lo lắng mà đi ngủ cũng ôm chặt lấy tôi. Tôi nghĩ mãi về người đàn ông ở hõm đá, tại sao anh ta lại cứu tôi, tại sao anh ta lại muốn tôi rời khỏi cái làng này… và anh ta là ai?
Trước khi đi ngủ, mẹ tôi sau khi rửa vết thương và băng lại cho tôi xong mà nước mắt cứ lã chã rơi. Mãi mới ngưng lại mà đi ngủ. Tôi sợ mẹ lo nên mặc áo khoác ngoài của bố giấu mọi người vết thương ở tay. Lúc cả nhà giải tán tôi mới kéo ra bảo mẹ thay rửa cho tôi.
Tôi trằn trọc suốt đêm không thể nào ngủ nổi vì nghĩ nhiều cũng vì cảm giác buôn buốt ở tay. Có lẽ mẹ tôi cũng chợp mắt không được. Mẹ cứ ôm tôi cả đêm, xong có lúc ngủ mê man hét lên gọi tên tôi to tướng đến nỗi bố tôi ở giường trong cũng phải chạy ra xem thế nào. Tôi gọi mẹ tỉnh dậy, bố tôi lấy cho mẹ cốc nước gừng pha đường ấm cho mẹ tôi uống, lúc này bà mới bình tĩnh trở lại. Tôi biết việc ngày hôm nay có lẽ đã làm cho mẹ tôi lo lắng quá độ, tinh thần bất ổn mất rồi. Tôi nhìn mẹ tiều tụy chỉ sau một buổi mà hối hận khôn nguôi.
Khi một người con bị thương thì vết thương ấy nằm trong tim một người mẹ. Tôi đã nghe đâu đó câu nói này, giờ ngẫm lại mới thấy thấm thía làm sao. Tôi ôm mẹ.
“Con hứa từ nay sẽ không làm liều nữa, có chuyện gì con cũng sẽ nói với bố mẹ.”
Mẹ tôi vỗ nhè nhẹ vào lưng tôi, thở dài nhưng không trách tôi nữa.
“Mẹ biết con nghĩ cho mọi người, nhưng mà đối với bố mẹ và mọi người không gì bằng con bình an. Dù mẹ có phải đánh đổi cái mạng này mẹ cũng không để con bị nguy hiểm đến tính mạng.”
Trái tim tôi từng nhịp thình thịch, đập lên những nhịp đập ấm áp, cảm nhận tình mẫu tử thiêng liêng mà bình thường nó ẩn giấu sau bao điều thường nhật. Người ta chỉ dễ dàng nhận ra thứ tình cảm sâu sắc mà thiêng liêng này mỗi khi gặp hiểm nguy, mỗi khi thiếu đi nó hay gặp những chuyện xấu ngoài xã hội. Khi đối mặt với sự phũ phàng của người đời ta mới nhận thấy thế giới này không ai tốt với ta vô điều kiện như cha mẹ. Bởi vì có một điều duy nhất và cũng là điều kiện duy nhất để có được tình cảm này… đó chính là ta là con của bố mẹ ta.
Mỗi đứa con là máu thịt là trái tim là tình yêu của bố mẹ. Con mất cha mẹ người ta gọi là mồ côi nhưng cha mẹ mất con lại chẳng có từ ngữ nào có thể mô tả nỗi đau thấu trời như ngàn vạn đao tiễn xuyên tim cứa gan này. Tôi ân hận quá, từ nay tôi sẽ luôn cẩn thận. Bởi vì sức khỏe và sự bình an của tôi còn là sinh mạng của bố mẹ tôi nữa.
Trời cũng sắp sáng rồi, tôi nằm giữa bố với mẹ cứ nằm như thế mà thủ thỉ tâm sự với nhau, không khí căng thẳng cũng dần dần được nới bớt, nỗi lo lắng bất an của mẹ cũng nguôi ngoai dần. Lâu lắm rồi, không biết bao nhiêu năm rồi tôi mới được nằm giữa bố và mẹ, chân gác hai bên mà thoải mái bày tỏ lòng mình.
Tôi nắm tay bố mẹ, tôi kể học được bao nhiêu thứ tôi học được từ sư phụ Nhẫn. Nhưng mà dù bố tôi cười tôi vẫn biết ông cũng chưa thật sự hết lo về tôi. Bố lớn lên ở trong cái làng này từ nhỏ, làm sao mà không hiểu được những chuyện trong làng này. Không chỉ tách biệt văn hóa mà nhiều tập tục cổ hủ cũng còn được giữ lại nguyên vẹn. Bởi vì có người không muốn để cho ngôi làng này hội nhập mà người trong làng quen nếp sống đó chẳng ai muốn đấu tranh. Họ cho rằng đây là điều tốt đẹp nhất rồi.
Đúng vậy, so với chiến tranh ngoài kia, vào thời đó thì đây chính là khung cảnh tốt nhất, bình an nhất, sâu xa nhất rồi. Trời vừa hửng sáng, tôi dậy theo thói quen được tập sẵn từ khi đến đây, hít thở bầu không khí mát lành. Tôi sẽ kể cho bố mẹ nghe chuyện ở miếu, nhưng có lẽ phải chờ mấy hôm nữa. Bởi vì tôi lo rằng nếu kể chuyện đó ra bố mẹ sẽ bằng mọi cách để tôi trốn đi. Như thế thì tôi không thể hoàn thành ước nguyện cuối cùng của bà nội nữa rồi. Mà tôi lại đang nghi ngờ rằng trong miếu ở rừng đó chính là nơi có hài cốt của bà Cúc. Nếu có thể làm sáng tỏ, đưa bà Cúc về gần bà nội thì tôi cũng không muốn nán lại làm gì, nhưng…
Tôi giội nước ấm tắm táp vì đêm qua quá khuya tôi chỉ rửa chân tay thay quần áo chứ không tắm khuya. Sáng dậy tôi và mẹ đun một nồi nước lá cây to đùng, thơm nức nào là tía tô, xả, hương nhu để tắm. Mùi thảo dược xông vào mũi làm tôi thấy thoải mái và tỉnh táo. Tía tô giúp cho cơ xương vững chắc, hương nhu thông lỗ chân lông, xả loại bỏ cặn bã trên cơ thể. Ở đây lâu ngày tôi cũng quen thói tắm lá uống cây, sống thuận tự nhiên giống như mọi người trong làng.
Xong xuôi tôi tìm Hiếu nói chuyện rồi dặn dò nó. Chú Nghĩa đã gọi nó về thành phố rồi nhưng nó cứ nhất quyết muốn ở lại. Chú cũng hiểu cho tình cảm hai chị em tôi mà không giục nó về. Thời gian cứ thế trôi qua, tôi có một quyển sổ nhỏ tổng hợp mọi thứ tôi gặp phải, tôi giấu quyển sổ nhỏ này trong ruột tượng không để ai biết.
Đến ngày trước khi rước dâu. Ông Lý sang nhà tôi bàn bạc. Tôi không biết bố mẹ tôi nói gì nhưng lúc ra ông Lý gương mặt căng thẳng, còn nhà tôi thì mọi người nhìn tôi gật gật đầu. Đợi người bên nhà trai đi hết, mẹ tôi mới nắm tay tôi bảo:
“Bên nhà trai sẽ để cậu Đức ở đó cùng con. Mà ông Lý xót con nên chẳng để cậu ấy ở lâu đâu, cuối cùng thì mọi người quyết định chỉ đi qua vái mộ bà rồi sẽ về luôn mà không ở lại đó lâu nữa.”
Tôi biết để có được điều này bố mẹ và các chú nhà tôi phải căng như thế nào. Vì muốn phá bỏ tập tục cũng rất khó. May là cậu cả nhà ông Lý bất tiện, cũng may ông ấy còn biết yêu thương con nên có thể làm vậy. Các thím các cô xúm lại, hôm nay mọi người ở lại đây hết, ngày mai thiết khách xong thì bảy giờ tối bắt đầu chuẩn bị để đợi giờ đưa dâu. Tôi nghĩ đến ngày mai, trong lòng cứ nằng nặng khó chịu làm sao.
Sư phụ tôi - thầy Nhẫn đưa cho tôi một bình thuốc lại đưa cho tôi túi hương. Thầy nói ở bãi tham ma âm khí nặng, hàn khí rồi những loại xú khí, mầm bệnh ấp ủ ở đó hết. Do đó phải mang theo thứ bột này để xua đuổi những thứ khí đó, không để không khí ở đó ô nhiễm vào người. Tôi ngửi túi hương thấy mùi thơm nức, có cả mùi trầm, mùi xả, mùi bồ kết và rất nhiều mùi khác.
Trước khi đến đấy tốt nhất nên lấy một ít tung lên rồi bước qua để bột phủ hết lên người là tốt nhất. Tôi rất tin tưởng tay nghề của thầy nên trong lòng an tâm hơn bội phần. Ngày mai cũng không phải chỉ một mình tôi ở đó thì có gì mà tôi phải sợ nữa. Vì sợ có kẻ ám hại nên mọi người sắp xếp anh Thể với anh Thế trong đoàn đưa dâu, trước khi đến bãi tham ma thì trốn đến trước để canh chừng.
Tôi nghe người lớn quan tâm chăm sóc, có phương án bảo vệ tôi chu toàn, cảm giác nặng nề trong lòng cũng không còn nữa. Đêm nay, tôi đi ngủ sớm để ngày mai bắt đầu một hành trình mới. Mà trên chặng đường này, có lẽ là có nhiều chuyện tôi phải đối mặt một mình. Nhưng tôi biết sau lưng tôi có cả một hậu phương vô cùng vững chắc, kiên cố.
Một đêm trôi qua, buổi sớm thức dậy, tôi cùng mọi người dựng rạp, thiết khách, tôi là cô dâu nên được đặc cách làm những công việc nhẹ nhàng như têm trầu cánh phượng, rót trà cho các cụ trong làng. Bà Nga cũng đến từ sớm. Thấy bà Nga không ít người ở đây đứng dậy, nhất là những cô gái trẻ. Trong làng này, muốn có trang phục đẹp không thể gây hấn với bà.
Bà Nga đến chỗ tôi, xoay tôi một vòng rồi kéo tôi vào trong buồng kín. Bà dặn dò tôi mặc bộ quần áo “đao thương bất nhập” kia vào người rồi lấy trong hộp gỗ ra một bộ đồ màu hồng vải mỏng như cánh ve.
“Bộ quần áo này giúp ngăn cản khí lạnh, được dệt từ tơ tằm ngâm thảo mộc, giữ ấm thân thể, ngăn nước rất tốt. Con mặc xem có vừa không?”
Tôi nhìn bộ áo mỏng tang xinh đẹp không kiềm lại mà đón lấy ướm lên người.
“Vâng, con cảm ơn ạ.”
“Không phải khách sáo.”
Tôi thấy bà nhìn tôi trìu mến, khác hẳn với ánh mắt của người ngoài. Tôi thấy trong mắt bà là một thứ tình cảm gì đó gần gũi. Nhưng tôi không thân với bà cũng chẳng có họ, không biết điều gì lại khiến bà lo lắng và để tâm đến tôi tỉ mỉ như vậy. Tôi thất thần mông lung một lúc rồi gạt sang một bên. Tôi không biết đó là gì nhưng tôi biết đây là một điều tốt.
Tôi thay áo xong lại khoác lễ phục bên ngoài không hề lộ ra lớp áo mỏng bên trong, khi mặc vào cũng không thấy khó chịu chút nào. Bà Nga xoay người tôi một vòng, mắt sáng lên khen ngợi vài câu. Trang phục chỉnh tề xong xuôi, bà chải lại đầu tóc, búi lại kiểu tóc rồi cài một cây trâm phượng bằng vàng ngậm ngọc. Tôi hốt hoảng muốn từ chối nhưng như đọc được ý nghĩ của tôi, bà đã ấn vai tôi xuống nói:
“Đừng từ chối, ta có việc muốn nhờ con khi vào nhà họ Lý, nhưng con đừng lo, chỉ là việc nhỏ tôi. Chỉ có con mới giúp được ta mà thôi.”
Tôi gật gật đầu cũng không ngăn cản bà nữa. Nhìn bản thân xinh đẹp trong gương, khác hẳn ngày thường lúc này tôi mới có cảm giác hôm nay đúng là ngày trọng đại của mình, ngày mà bất kỳ người con gái nào trải qua cũng in sâu trong ấn tượng, đến chết không quên.
Dòng họ nhà tôi rất có tiếng trong làng, tuy mời khách không nhiều nhưng lại có nhiều người đến tặng lễ vật rồi về. Đây là tập tục trong làng, những người được trọng vọng thường được người dân đến tặng lễ. Mọi người cứ xếp đồ đầy bên ngoài cổng, tôi thấy lạ lẫm vô cùng. Chú Thím tôi để vài người làm ở đó nhận và cảm ơn cũng không mời họ ở lại dùng cơm. Chú thím nói đây là lệ của làng nên không cần phải nghĩ.
Một người trong số người hôm nay đến giúp đám cưới nói:
“Chắc chị không biết thôi, cô chú đã giúp rất nhiều người nên mọi người mới đến chung vui như thế. Như nhà em cũng được bố mẹ chị, các chú thậm chí là thời ông em cũng nhận giúp đỡ của mọi người. Thế nên đám cưới chị mới đông vui như vậy.”
Giờ tôi mới hiểu ra, hóa ra đây là tập tục để người ta thể hiện sự trân trọng biết ơn, uống nước nhớ nguồn, thụ ân thì trả lễ. Tôi ngắm nhìn dòng người qua lại, thẫn thờ một lúc suy nghĩ miên man. Ở trong làng có nhiều hủ tục mà cũng có nhiều phong tục tốt đẹp như thế. Có những thứ đáng bỏ mà cũng có những điều nên giữ.
Trời đang về chiều, khách đã tan hết, mọi người dọn đồ trong sân. Cũng đến lúc tôi sắp phải lên kiệu hoa về nhà chồng. Hôm nay là rằm tháng bảy, ngày cúng cô hồn. Nhìn lên trời trăng sáng vằng vặc, dù chưa tối hẳn mà đã thấy trăng lưng trời tròn to lơ lửng.
Thím Hoài kéo tôi vào bên trong, phụ nữ cũng tụ lại hết ở trong phòng này rồi. Mọi người dặn dò tôi những điều cần cẩn thận, lại dặn trong đoàn người có những ai là người nhà mình, ai là người nhà họ Lý cần phải để tâm. Sau khi kiểm tra thấy tôi đã ghi nhớ rõ mọi người mới hài lòng.
Mẹ tôi đưa cho tôi con dao bấm để vào trong ngực, dặn khi cần dùng. Sau chuyện ngày đó thà chuẩn bị thừa còn hơn là thiếu. Sau bữa cơm tối, rõ ràng là ngày cưới của tôi nhưng mọi người trong nhà cứ sao ấy. Khiến chính tôi lại phải cổ vũ, động viên mọi người.
Tiếng kèn tiếng nhạc kèm theo tiếng trống xa xa vọng lại, mẹ tôi lúc này không kìm được nước mắt mà ôm tôi nức nở. Đến nỗi cô Lễ, các thím phải an ủi mãi mẹ tôi mới ngưng rơi nước mắt. Tôi vào trong phòng, mặc lễ phục cưới lên người, tung một nửa gói bột thầy Nhẫn đưa cho rồi bước qua một lần. Xong xuôi tôi đội chiếc voan loan phượng trùm lên đầu.
Nếu yêu thích đừng ngại để lại bình luận dưới các chương truyện của mình nha. FB mình là Dạ Nguyệt Thanh Khâu, rất hân hạnh được kết bạn! https://www.facebook.com/tranthom1995/
Nhóm đọc truyện của mình trên fb: https://www.facebook.com/groups/1066847937217483/
Cảm ơn bạn đã yêu thích bộ truyện của mình! Cầu đề cử và TLT ạ
(Bạn đang đọc truyện của Dạ Nguyệt Thanh Khâu, chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!)
Cảm ơn mọi người đã dành thời gian để đọc truyện của mình! Rất vui được kết bạn ạ.