Chương 26: Chao Xìn! 2010

Ở thành phố nhỏ hẻo lánh tại miền Bắc năm 2010, vẫn còn hình thức mua gà trả sau.

Vào khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm, các trại giống sẽ cử người đi xe đạp hoặc gánh gà con mới nở cho vào sọt, sau đó đến các vùng quê để bán trả sau cho người dân. Họ sẽ ghi lại số lượng gà và địa chỉ của các hộ dân, đến mùa thu sẽ quay lại thanh toán. Gà con bán theo hình thức này rất rẻ, thậm chí chưa đến 1 tệ 1 con.

Đợi đến mùa thu, những con gà con này được nuôi lớn, dựa vào cân nặng có thể bán được vài chục tệ 1 con. Đối với những người nông dân nghèo thì đây là một khoản thu nhập không nhỏ. Hơn nữa, giai đoạn đầu nhờ hình thức mua trả sau nên gần như không mất vốn, chỉ cần bỏ thêm chi phí chăn nuôi trong 4, 5 tháng sau.

Tuy nhiên, hình thức mua gà trả sau này khi Trình Hành còn nhỏ rất thịnh hành, vì ông bà hắn đã từng nuôi rất nhiều. Nhưng đến năm 2010, ngay cả trong thôn, việc nuôi gà, nuôi vịt cũng không còn phổ biến nữa.

Bởi vì thanh niên trai tráng trong làng phần lớn đều đi làm ăn xa, không ở nhà làm ruộng, chỉ còn lại người già ở nhà. Nuôi dăm ba con thì còn được, chứ nuôi nhiều, mỗi ngày gà vịt ra ngoài thì lại phải lùa về, kiểm kê số lượng, mất một con lại phải đi tìm, rất tốn công sức mà cũng chẳng kiếm được bao nhiêu.

Hơn nữa, không phải cứ mua trả sau 20 con thì đến mùa thu sẽ bán được đủ 20 con, bởi vì gà con vịt con rất dễ chết, trong 20 con mà có 11 hay 12 con sống được đã là tốt lắm rồi.

Khương Lộc Khê đang cho gà con ăn, dựa vào ánh đèn lờ mờ từ nhà chính hắt ra và ánh đèn trong bếp, cô cẩn thận kiểm tra số lượng gà trong sân. Do lũ gà con tranh nhau ăn nên chạy loạn xạ, cộng thêm ánh sáng rất yếu, lúc này Khương Lộc Khê lại không đeo kính nên nhìn không rõ lắm, đếm mấy lần vẫn chưa chính xác.

Khương Lộc Khê bèn ngồi xuống, giữ chặt một con gà con đang chạy lung tung, sau đó mới đếm lại. Con gà này không chạy nữa, hơn nữa nhìn gần nên dễ thấy hơn, cuối cùng Khương Lộc Khê cũng đếm được, 17 con, không thiếu con nào.

Đầu tháng 4 mùa xuân năm nay, cô mua trả sau 20 con, bị chết mất 3 con.

Tuy tỷ lệ sống sót như vậy đã được coi là cao, nhưng lúc đó cô vẫn rất đau lòng.z

“Thế nào? Đủ chưa?" Bà nội đang nhóm bếp hỏi.

“Dạ đủ rồi ạ, 17 con, không thiếu con nào." Khương Lộc Khê đáp.

“Không cần cho ăn nhiều quá, 2 hôm nữa là có thể mang đi bán rồi."

“Vâng ạ, đến lúc đó lại có thêm một khoản thu nhập."

Khương Lộc Khê cười nói: “Nhưng cũng không thể bán hết, phải giữ lại mấy con, bà nội sức khỏe yếu, đến mùa đông phải hầm canh gà bồi bổ."

“Bà không sao, bà tự biết sức khỏe của mình. Cháu xem, bà chỉ có chân cẳng là không được nhanh nhẹn như trước, chứ mắt mũi tai vẫn còn tốt lắm, không điếc, không mù.

Cháu nhìn bà Trương nhà bên cạnh đi, bằng tuổi bà mà giờ nói chuyện người ta còn không nghe rõ, đúng là khổ sở. Bà mà cũng như vậy thì thà chết quách cho xong."

Bà nội Khương Lộc Khê cười hiền hậu nói.

“Bà nội, không được nói vậy. Bà mà nói vậy nữa là cháu giận bà luôn." Khương Lộc Khê giận dỗi.

“Rồi rồi, bà nội chỉ đùa cháu thôi. Cháu còn chưa thi đại học, sao bà có thể nhắm mắt được. Bà nội còn phải đợi cháu thi đậu đại học, làm rạng danh dòng họ. Cả cái Bình Hồ này đến giờ được mấy người học đại học đâu."

Khương Lộc Khê mím môi: “Cháu thi đậu đại học rồi, bà cũng không được chết, bà phải sống với cháu suốt đời."

“Được rồi, bà sẽ sống với cháu gái ngoan của bà, với Tiểu Khê của bà suốt đời." bà nội Khương Lộc Khê cười nói.

“Như vậy mới đúng chứ."

Khương Lộc Khê hít hít mũi: “Sau này bà không được nói gở như vậy nữa.”

“Không nói nữa, không nói nữa."

Khương Lộc Khê gật đầu, sau đó vào nhà chính, lấy một ít cám mì rồi ra khỏi nhà, đi đến một con ngõ nhỏ tối om bên ngoài.

Vì con ngõ nhỏ rất tối, ánh trăng không thể chiếu vào nên gần như không có ánh sáng. Khương Lộc Khê bị vấp phải hòn đá, tay phải đang cầm cám mì theo quán tính đập vào bức tường xi măng chưa được trát bên cạnh, khiến da tay bị xước, chảy máu.

Cô đưa tay lên miệng thổi thổi, sau đó tự nhủ: “Không sao, không đau.”

Thật ra, nếu như lúc bị vấp ngã, theo quán tính ngả người về bên phải, cô lập tức đưa tay ra chống xuống đất thì đã không sao. Nhưng lúc đó trong tay cô đang cầm cám mì, cô không muốn buông ra.

Khương Lộc Khê tiếp tục đi về phía trước, sau đó dừng lại ở cuối con ngõ nhỏ.

“Tiểu Đoàn, Tiểu Viên" cô nhẹ nhàng gọi.

Hai con mèo màu vàng cam từ trong bụi cỏ đối diện chạy ra.

Cảm nhận được hơi thở quen thuộc, chúng chạy đến cắn cắn vào ống quần Khương Lộc Khê.

“Đừng cắn, cắn rách quần áo, tao lại phải lấy kim ra khâu, lần trước bị bà nội nhìn thấy, bà lại la.”

Khương Lộc Khê ôm một con mèo vào lòng, vuốt ve bộ lông của nó, cười nói: “Chắc là hai đứa mày đói rồi, xin lỗi, sáng nay tao đi gấp quá nên quên mất.”

Nói xong, Khương Lộc Khê lấy nắm cám mì đang cầm chặt trong tay phải ra, đặt xuống đất.

Một con mèo tiến đến ăn, Khương Lộc Khê đặt con mèo trong lòng xuống, cười nói: “Mày cũng ăn đi.”

Khương Lộc Khê ngồi xổm xuống, chống cằm, yên lặng nhìn chúng ăn.

Hai con mèo này là do Khương Lộc Khê nhặt được ở con ngõ này vào một ngày mưa năm cô 9 tuổi.

Hôm đó trời mưa, lúc Khương Lộc Khê nhìn thấy chúng thì chúng đã gần hẹo.

Khương Lộc Khê mang chúng về nhà, chăm sóc mấy ngày, hai con mèo nhỏ đã hồi phục một cách thần kỳ.

Nhưng bà nội Khương Lộc Khê không thích mèo, hơn nữa nhà cũng nghèo, không có dư thừa thức ăn để nuôi mèo, nên Khương Lộc Khê đành mang trả chúng về con ngõ nhỏ.

Tuy nhiên, cô bé Khương Lộc Khê khi đó mới 9 tuổi, ngày nào cũng lén lút mang thức ăn đến cho chúng, cứ như vậy cho đến bây giờ.

Năm đó Khương Lộc Khê học lớp 3, cha mẹ cô đã 2 năm không về nhà. Khương Lộc Khê đặt tên cho hai con mèo là Đoàn Đoàn, Viên Viên, với mong muốn đến cuối năm nay, cha mẹ đi làm ăn xa có thể trở về nhà từ Hải Thành, gia đình được đoàn tụ.

Nhưng mùa đông năm đó, Khương Lộc Khê không đợi được tin cha mẹ về, mà lại nhận được hung tin cha mẹ cô bị tai nạn lao động qua đời.

Mùa đông năm đó, cô bé 9 tuổi mặc áo tang, đứng trước linh cữu của cha mẹ.