Tôi thức dậy trước rạng đông cả tiếng nhưng mẹ đã ở trong bếp từ lâu, chuẩn bị bữa điểm tâm ưa thích cho tôi, món thịt muối và trứng.
Bố đi xuống lầu khi tôi đang dùng lát bánh mì cuối cùng vét sạch đĩa. Lúc chúng tôi tạm biệt nhau, ông lôi vật gì đó từ trong túi áo ra đặt vào tay tôi. Đấy là chiếc hộp nhóm lửa nho nhỏ lúc trước thuộc về ông nội và trước đó là thuộc về cụ nội. Một trong những vật dụng bố rất yêu thích.
“Bố muốn con giữ lấy vật này, con trai của ta,” bố bảo. “Vật này sẽ rất hữu ích cho con trong công việc mới. Và nhớ chóng quay về thăm chúng ta. Chỉ bởi vì con đã rời khỏi gia đình, không có nghĩa là con không thể trở về thăm hỏi.”
“Tới giờ đi rồi đấy con trai,” mẹ vừa nói vừa đi đến ôm tôi lần cuối. “Thầy đang đứng trước cửa. Đừng bắt ông phải chờ.”
Chúng tôi là một gia đình không thích chia tay lằng nhằng, với lại đã chào tạm biệt nhau rồi, thế nên tôi một mình bước ra sân.
Thầy Trừ Tà ở bên ngoài cánh cổng, một nhân ảnh tối om nổi bật trên nền ánh sáng bình minh xam xám. Thầy đội mũ trùm lên và đang đứng thẳng băng, cao lêu nghêu, tay trái cầm trượng. Tôi bước về phía thầy, mang theo mình túi nhỏ đựng vật dụng cá nhân, cảm thấy vô cùng bồn chồn.
Ngạc nhiên làm sao, Thầy Trừ Tà tự tay mở cổng và bước vào trong sân. “À này anh bạn nhỏ,” thầy lên tiếng, “Đi theo ta nào! Chúng ta nên khởi đầu theo cách như chúng ta sau này sẽ tiếp tục.”
Thay vì đi hướng ra đường lộ, thầy lại đi về phương Bắc, trực diện thẳng tiến đến Đồi Treo Cổ, và chẳng mấy chốc chúng tôi đã băng qua cánh đồng cỏ phía Bắc, tim tôi bắt đầu đập mạnh. Khi chúng tôi đi đến hàng rào lằn ranh, Thầy Trừ Tà nhảy qua nhẹ nhàng như một người đáng nửa tuổi mình, nhưng tôi thì chôn chân tại chỗ. Lúc vừa đặt tay lên nóc hàng rào, tôi đã có thể nghe thấy âm thanh của các rặng cây đang rên xiết, những tán cành cong oằn dưới sức nặng của những người bị treo cổ.
“Có chuyện gì thế anh bạn?” Thầy Trừ Tà hỏi, quay lại nhìn tôi. “Nếu con sợ hãi những thứ ở ngay trước cửa nhà con, thì với ta, con không được tích sự gì.”
Tôi hít một hơi sâu rồi leo qua hàng rào. Chúng tôi chậm chạp hướng lên trên, ánh sáng bình minh dần tối lại khi chúng tôi tiến vào trong bóng tối của rừng cây. Càng leo lên cao không khí có vẻ càng lạnh hơn và chẳng bao lâu sau tôi đã bắt đầu run lẩy bẩy. Cái kiểu lạnh làm cho bạn nổi da gà và khiến cho tóc tai sau cổ bạn bắt đầu dựng đứng. Đấy là điều cảnh báo rằng có chuyện gì đó không thật ổn. Trước đây tôi đã có cảm giác này khi có thứ gì đó không thuộc về thế giới này tiến đến gần tôi.
Khi chúng tôi đã lên đến đỉnh đồi, tôi có thể nhìn thấy thứ ấy phía bên dưới chân mình. Ít nhất phải có đến một trăm, đôi chỗ đến hai ba người treo cùng trên một cây, mặc những bộ quân phục có thắt lưng da rộng bản và mang những đôi ủng to lớn. Hai tay họ bị trói quặt ra sau lưng và mỗi người phản ứng một kiểu. Vài người vùng vằng thật tuyệt vọng đến nỗi cành cây bên trên họ bật lên bật xuống, trong khi những người khác chỉ chầm chậm quay quanh đầu sợi dây, xoay sang bên này rồi qua bên kia.
Trong khi quan sát, tôi đột nhiên cảm nhận được một làn gió lớn thốc vào mặt, một làn gió lạnh cóng dữ dội đến mức không thể nào là tự nhiên được. Những rặng cây rạp xuống thấp, các tán lá rung rinh và bắt đầu rụng xuống. Trong một loáng, tất cả các cành cây đều trụi lá. Khi ngọn gió đã dừng lại, Thầy Trừ Tà đặt tay lên vai tôi để dẫn tôi đến gần những người bị treo cổ. Chúng tôi dừng cách người đầu tiên chỉ vài bước.
“Nhìn anh ta đi,” Thầy bảo. “Con thấy được gì?”
“Một người lính đã chết,” tôi đáp bằng giọng chớm run run.
“Anh ta trông khoảng bao nhiêu tuổi?”
“Cao lắm là mười bảy.”
“Giỏi. Làm tốt lắm anh bạn. Giờ nhé, nói cho ta nghe nào, con còn cảm thấy sợ không?”
“Chút chút. Con không thích đứng quá gần anh ta.”
“Tại sao chứ? Chẳng có gì đáng sợ cả. Chẳng có gì có thể làm hại con. Hãy nghĩ về chuyện với anh ta thì hẳn sẽ như thế nào. Tập trung vào anh ta hơn là vào bản thân con. Anh ta đã phải cảm thấy thế nào? Điều gì sẽ là tồi tệ nhất?”
Tôi cố gắng đặt mình vào vị thế người lính và mường tượng nếu chết như thế thì phải cảm thấy ra sao. Cơn đau và nỗi giằng co cố giành lấy hơi thở hẳn là rất kinh khủng. Nhưng có lẽ còn có điều gì đó thậm chí còn tệ hại hơn...
“Hẳn anh ấy đã biết là mình sắp chết và rằng mình sẽ không bao giờ còn về nhà được nữa. Rằng anh ấy sẽ không được gặp lại gia đình mình nữa,” tôi trả lời Thầy.
Những lời ấy thốt ra khiến một làn sóng buồn bã quét qua tôi. Thế rồi, cùng lúc khi điều đó xảy ra, những người bị treo cổ từ từ biến mất, cho đến khi chỉ còn hai người chúng tôi trên sườn đồi và lá cây bắt đầu xanh trở lại trên cành.
“Giờ thì con cảm thấy thế nào? Vẫn còn sợ không?”
Tôi lắc đầu. “Không, con chỉ thấy buồn.”
“Giỏi lắm anh bạn. Con đang học hỏi. Chúng ta là con trai thứ bảy của người con thứ bảy và chúng ta có năng khiếu nhìn thấy những chuyện mà người khác không thể nhìn được. Nhưng cái tài năng ấy đôi khi lại là lời nguyền. Nếu chúng ta sợ, thỉnh thoảng có những thứ có thể lợi dụng nỗi sợ hãi ấy. Sợ hãi làm cho cuộc sống chúng ta thêm khó khăn. Bí quyết là phải tập trung vào những gì mình có thể nhìn thấy và ngưng nghĩ về bản thân. Bí quyết này luôn có tác dụng.
Này anh bạn, cảnh tượng ấy thật kinh hoàng, nhưng họ chỉ là những vãn hồn,” Thầy giảng tiếp. “Chúng ta chẳng thể làm được gì nhiều cho họ và khi đến lúc thì họ tự động tan biến đi. Một hai trăm năm nữa sẽ chẳng còn lại gì.”
Tôi những muốn kể cho thầy nghe rằng có lần mẹ đã làm gì đấy với bọn họ, nhưng rồi lại thôi. Cãi lời thầy chắc sẽ lôi chúng tôi vào một khởi đầu chẳng hay ho gì.
“Mà này, nếu đây là những hồn ma thì lại là chuyện khác,” Thầy bảo. “Con có thể nói chuyện phải trái với hồn ma. Chỉ cần con làm cho chúng nhận ra chúng đã chết, đấy là một hành động rất tốt bụng và là một bước quan trọng giúp cho hồn ma bước tiếp. Thường thì một hồn ma là một linh hồn hoang mang bị mắc kẹt trên dương gian này nhưng lại không biết chuyện gì đã xảy ra. Vậy nên thường là hồn ma luôn đau khổ dằn vặt. Nhưng rồi cũng có những hồn ma tồn tại nơi này có chủ đích và họ có lẽ có chuyện muốn bảo với con. Nhưng vãn hồn chỉ là một mảnh của một linh hồn đã chuyển qua điều tốt đẹp hơn. Họ chỉ là thế thôi anh bạn ạ. Chỉ là vãn hồn. Con có thấy những rặng cây thay đổi không?”
“Lá rụng hết và tiết trời là mùa đông.”
“À, giờ thì lá đã mọc trở lại. Cho nên mới nói con chỉ là đang nhìn vào điều gì đó trong quá khứ. Chỉ là một sự nhắc nhở về những điều tàn khốc thi thoảng lại xảy ra trên trái đất này. Theo lẽ thường, nếu con gan dạ, bọn chúng không thể nhìn thấy con và cũng chẳng cảm nhận được gì. Một vãn hồn chỉ giống như hình ảnh phản chiếu trong hồ nước vẫn còn tồn tại dù chủ thể của nó đã siêu thoát. Hiểu những gì ta đang nói không?”
Tôi gật đầu.
“Được rồi, vậy là đã giải quyết xong một chuyện. Thỉnh thoảng chúng ta phải đương đầu với thế giới người chết, vậy con cũng nên làm quen với bọn họ. Mà thôi, chúng ta bắt đầu đi nào. Còn một chặng đường khá dài để đi tiếp đấy. Đây, từ rày trở đi con sẽ phải mang thứ này.”
Thầy Trừ Tà đưa cho tôi chiếc túi da to lớn của thầy và rồi không liếc ra sau lấy một lần, thầy sải bước đi ngược lên đồi. Tôi theo chân thầy trèo qua đỉnh đồi, đi xuống rồi xuyên qua rừng cây về phía đường lộ, lúc này là một vết sẹo xám xa xa chạy ngoằn ngoèo về hướng Nam qua những đồng cỏ như những mảng vá màu nâu hay xanh lục.
“Trước đây có chu du nhiều chưa anh bạn?” Thầy hỏi với qua vai. “Đã nhìn thấy được gần hết Hạt chưa?”
Tôi thưa với thầy là mình chưa bao giờ rời xa khỏi trang trại của bố tôi hơn một cây số. Chuyến chu du xa nhất mà tôi từng thực hiện là đi đến chợ trong vùng.
Thầy Trừ Tà lẩm ba lẩm bẩm và lắc đầu; tôi có thể nhận thấy là thầy không được hài lòng hết mực với câu trả lời của tôi.
“Vậy thì, bắt đầu từ hôm nay con sẽ chu du,” thầy bảo. “Chúng ta đang đi về hướng Nam tới một ngôi làng lên là Horshaw. Chỉ hơn hai mươi lăm cây số theo đường quạ bay và chúng ta phải đến đó trước khi trời tối.”
Tôi có nghe về Horshaw. Đấy là một ngôi làng hầm mỏ và có vỉ than lớn nhất trong Hạt, cung cấp đầu ra cho hàng tá mỏ than chung quanh. Tôi chưa bao giờ mong được đến đấy và thắc mắc công chuyện của Thầy Trừ Tà ở một chỗ như thế có thể là gì mới được.
Thầy bước nhanh khủng khiếp, sải từng sải chân thật dài mà nhẹ nhàng như không. Chẳng mấy chốc tôi đã phải vất vả theo cho kịp; vừa phải mang chiếc túi nhỏ đựng tư trang và quần áo của mình, giờ tôi còn phải vác luôn túi của thầy nữa, mà dường như mỗi phút trôi qua, chiếc túi mỗi thêm nặng. Và rồi, để cho mọi chuyện thêm khó khăn, trời bắt đầu đổ mưa.
Khoảng một tiếng trước giữa trưa thì Thầy đột ngột dừng bước. Thầy quay lại nhìn tôi trừng trừng. Lúc đấy tôi đang cách thầy mười sải chân. Hai chân tôi đau nhức và tôi đã bắt đầu đi khập khiễng. Con lộ chẳng hơn một rãnh đường hẹp là mấy và lại nhanh chóng biến thành đường bùn. Khi vừa bắt kịp thầy, tôi vấp phải ngón chân mình, trượt đi và sém chút mất thăng bằng.
Thầy tặc lưỡi. “Thấy xây xẩm hả anh bạn?” thầy hỏi.
Tôi lắc đầu. Tôi muốn cho cánh tay mình nghỉ ngơi chốc lát nhưng có vẻ như bỏ túi thầy xuống bùn là không được đúng đắn cho lắm.
“Vậy là tốt,” Thầy Trừ Tà vừa nói vừa hơi hơi cười mỉm, nước mưa nhỏ thành giọt từ vành mũ trùm xuống bộ râu thầy. “Không bao giờ tin tưởng một kẻ xây xẩm. Đấy là một điều rất đáng phải ghi nhớ.”
“Con đâu có xây xẩm,” tôi phản đối.
“Không ư?” thầy nhướn mày hỏi lại. “Vậy thì chắc là do đôi ủng của con rồi. Đôi ủng ấy sẽ chẳng giúp đỡ được gì nhiều trong công việc này đâu.”
Ủng của tôi thì cũng giống như ủng của bố hay của anh Jack, bền thì bền thật đấy, vả lại cũng thích hợp cho đám bùn sình trong trang trại, nhưng lại là loại ủng cần phải được mang thật lâu cho quen chân. Một đôi mới toanh thường làm bạn chịu hai tuần phồng rộp trước khi chân bạn vừa vặn với đôi giày.
Tôi nhìn xuống đôi ủng của Thầy Trừ Tà. Đôi ủng làm từ da thuộc loại hảo hạng, bền chắc, đế ủng dày dặn hơn bình thường. Đôi này thì phải tốn khối tiền, nhưng theo tôi thì đối với một người phải đi bộ thật nhiều, đôi ủng này thật đáng đồng tiền bát gạo. Đôi ủng cong lên theo từng bước đi của thầy và tôi liền biết là chúng rất êm ái ngay phút đầu tiên thầy xỏ chân vào.
“Trong công việc này, một đôi ủng tốt là rất quan trọng,” thầy nói. “Chúng ta chẳng phụ thuộc vào con người hay quái vật để đưa chúng ta tới nơi ta cần tới. Nếu con dựa vào đôi chân cứng cáp của mình, thì chúng sẽ không bao giờ làm con thất vọng. Vậy nên nếu cuối cùng ta quyết định nhận con vào, ta sẽ tìm cho con đôi ủng giống như của ta. Còn cho đến lúc đấy, con sẽ phải xoay sở lấy theo cách tốt nhất.”
Đến giữa trưa, chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi chóng vánh, trú trong một chuồng gia súc bỏ hoang để tránh mưa. Thầy Trừ Tà lấy từ trong túi áo ra một mảnh vải rồi mở ra, bày ra một tảng lớn phô mai vàng vàng.
Thầy bẻ một miếng đưa cho tôi. Tôi cảm thấy tệ hơn, vả lại cũng rất đói nên tôi ăn ngấu ăn nghiến. Thầy Trừ Tà chỉ ăn một mẩu bé tẹo rồi gói phần còn lại nhét trở vào túi.
Khi vào trong trú mưa, thầy kéo mũ trùm ra sau nên giờ là lần đầu tiên tôi có dịp nhìn thấy rõ ràng. Ngoại trừ bộ râu dài rậm và đôi mắt của kẻ treo cổ, điểm đáng chú ý nhất là mũi của thầy, sắc nhọn và khắc nghiệt, khoằm khoằm như mỏ chim. Miệng thầy, khi ngậm lại, hầu như bị râu cằm ria mép che gần hết. Bộ râu thầy thoạt nhìn thì xam xám, nhưng khi tôi nhìn kỹ hơn, mặt cố tỏ vẻ bình thản nhất có thể để thầy không chú ý, tôi thấy dường như mọi sắc màu cầu vồng đều lấp ló trong ấy. Nào là sắc đỏ, sắc đen, sắc nâu và, hiển nhiên, là rất nhiều sợi bạc, nhưng sau này tôi nhận ra rằng tất cả đều phụ thuộc vào ánh sáng.
“Hàm nhỏ thì tính cách hẹp hòi,” bố tôi vẫn thường nói thế và ông cũng tin rằng vài người đàn ông để râu chỉ để che giấu sự thật ấy. Tuy vậy, khi nhìn vào Thầy Trừ Tà, bạn có thể thấy mặc cho bộ râu thì hàm của thầy vẫn dài, và khi thầy mở miệng lại phô ra những cái răng vàng vàng sắc chởm thích hợp cho việc cạp thịt sống hơn là gặm nhấm phô mai.
Tôi rùng mình, bất giác nhận ra thầy nhắc cho tôi nghĩ về con chó sói. Mà không phải chỉ vì bề ngoài của thầy không đâu. Thầy là một loại dã thú vì thầy đi săn trong bóng tối; tồn tại chỉ nhờ vào việc gặm phô mai chắc là khiến thầy luôn đói và tàn ác. Nếu tôi hoàn thành kỳ thử việc của mình, rốt cuộc tôi sẽ giống như thầy.
“Còn đói hả anh bạn?” thầy hỏi, đôi mắt xanh lục của thầy nhìn vào mắt tôi chòng chọc cho đến khi tôi bắt đầu cảm thấy hoa mắt.
Tôi ướt lướt thướt, hai chân đau nhức, nhưng trên hết là tôi đói. Vậy nên tôi gật đầu, nghĩ rằng biết đâu thầy lại cho tôi thêm chút nữa, nhưng thầy chỉ lắc đầu rồi lẩm bẩm lầm bầm. Đoạn, một lần nữa, thầy nghiêm nghị nhìn tôi.
“Đói là việc mà con phải tập làm quen. Chúng ta không ăn nhiều khi đang làm việc, và nếu công việc rất khó khăn, chúng ta sẽ chẳng ăn gì hết cho đến khi xong việc. Nhịn đói là điều an toàn nhất vì nó sẽ khiến chúng ta ít sơ hở hơn trong bóng tối. Khiến chúng ta mạnh hơn. Vậy nên tốt hơn con hãy tập làm quen ngay từ bây giờ, vì chúng ta phải đến được Horshaw, ta sẽ ra cho con một bài kiểm tra nho nhỏ. Con sẽ phải ở qua một đêm trong căn nhà ma ám. Và con phải ở đấy một mình thôi. Bài kiểm tra này sẽ cho ta thấy con thực sự có được những gì!”