Chương 1: P1-C1: Đứa con trai thứ bảy

Khi Thầy Trừ Tà đến nơi, ánh sáng ban ngày đã bắt đầu lịm tắt. Hôm đấy là một ngày dài mệt nhoài, và tôi đã xong xuôi chờ ăn tối.

“Ông chắc đấy là thằng con thứ bảy chứ?” Thầy hỏi. Ông đang nhìn xuống tôi lắc lắc đầu, vẻ nghi hoặc.

Bố gật đầu.

“Ông cũng là người con thứ bảy luôn phỏng?”

Bố lại gật đầu và bắt đầu bồn chồn giẫm giẫm hai chân, làm những giọt bùn nâu và phân chuồng bắn tung tóe lên chiếc quần ống bó của tôi. Nước mưa nhỏ thành giọt từ chóp mũ của bố. Cả tháng nay gần như ngày nào cũng mưa. Cây cối đã đâm vài chồi lá non nhưng tiết Xuân còn lâu mới đến.

Bố tôi là nông dân và cha ông cũng thế, và quy tắc đầu tiên của nhà nông là phải gìn giữ đất đai nông trại. Bạn không thể cứ chia hết đất đai cho các con; làm thế thì cứ mỗi thế hệ qua đi là đất đai mỗi nhỏ lại cho đến khi chẳng còn lại gì sất. Thế nên bố để lại nông trại cho con trai cả. Rồi tìm việc làm cho các con còn lại. Nếu được, bố sẽ cố tìm cho mỗi đứa một nghề.

Để làm được như thế thì bố phải cần nhiều ơn huệ lắm. Lò rèn trong vùng là một giải pháp, nhất là nếu như nông trại được rộng lớn và bố có khối việc giao cho lò rèn. Thế rồi tùy vào đấy mà bác thợ rèn sẽ cho tuyển vào học việc, nhưng mà dù có thế thì mới chỉ giải quyết được cho một đứa con mà thôi.

Tôi là đứa con thứ bảy của bố, nên cho đến lúc tới phiên tôi thì mọi ơn huệ đã được xử hết sạch. Bố cùng đường đến nỗi giờ đây ông đang nhờ Thầy Trừ Tà nhận tôi vào làm chân học việc của Thầy. Hay ít ra là vào lúc ấy tôi nghĩ thế. Lẽ ra tôi đã phải đoán được rằng Mẹ là người đứng sau chuyện này.

Mẹ đứng đằng sau nhiều chuyện lắm. Từ trước khi tôi ra đời rất lâu, nhờ vào tiền của mẹ mà chúng tôi mới mua được nông trại này. Bằng không thì làm cách nào anh con trai thứ bảy lại có đủ tiền mà mua chứ? Mà mẹ không phải người trong Hạt. Mẹ đến từ một vùng đất xa xôi bên kia biển lớn. Đa phần mọi người không nhận ra, nhưng thỉnh thoảng, nếu bạn lắng tai nghe thật kỹ ấy mà, sẽ thấy một tí xíu khác biệt trong cái cách bà phát âm một số chữ.

Nhưng mà này, đừng có tưởng tượng là tôi bị bán đi làm nô lệ hay là gì đấy nhé. Dù gì thì tôi cũng chán ngấy việc nhà nông rồi, và cái nơi mà người ta kêu là “thị trấn” thực chẳng hơn gì một ngôi làng ở chốn đèo heo hút gió. Chắc chắn đấy không phải là nơi tôi muốn sống hết quãng đời còn lại của mình. Cho nên nói theo cách nào đấy thì tôi quả là thích cái ý tưởng làm kẻ trừ tà; làm cái này thú vị hơn việc vắt sữa bò hay việc rải phân nhiều lắm.

Dầu vậy chuyện này cũng làm tôi bồn chồn chứ, bởi đây là một công việc đáng sợ. Tôi sẽ học cách bảo vệ các nông trại và làng xóm khỏi những thứ quấy phá về đêm. Đương đầu với ma cà rồng, với ông kẹ và tất tần tật các loài ác thú dữ tợn là việc hàng ngày. Đấy là những gì Thầy Trừ Tà làm và tôi sẽ là người tập sự của Thầy.

“Thằng bé mấy tuổi rồi?” Thầy Trừ Tà hỏi.

“Tháng Tám tới đây là nó được mười ba đấy.”

“Tầm tuổi này vậy là hơi bé xác nhỉ. Nó có thể đọc viết được không?”

“Ậy,” Bố đáp. “Nó có thể đọc viết tất và còn biết cả tiếng Hy Lạp nữa ấy chứ. Mẹ nó dạy cho nó và nó nói được còn trước cả khi biết đi cơ đấy.”

Thầy Trừ Tà gật gù và ngoái nhìn về hướng căn nhà chính của nông trại qua lối đi bùn lầy ở bên kia cánh cổng, như thể đang lắng nghe gì đấy. Đoạn Thầy nhún vai. “Cuộc đời này với một người trai tráng đã cam go lắm rồi, đối với một cậu bé thì miễn bàn,” Thầy bảo. “Ông nghĩ thằng bé đã sẵn sàng à?”

“Nó mạnh lắm và khi trưởng thành, nó sẽ to con như tôi đây,” bố tôi vừa đáp, vừa vươn vai đứng thẳng hết cỡ. Đã làm thế rồi, vậy mà đỉnh đầu bố chỉ cao mới ngang cằm Thầy thôi.

Thốt nhiên Thầy mỉm cười. Đấy là điều cuối cùng mà tôi mong thấy. Gương mặt Thầy to tướng và trông như thể được đẽo ra từ đá. Cho đến lúc ấy thì tôi nghĩ Thầy khá hung tợn. Chiếc áo choàng đen dài cùng mũ trùm đầu làm Thầy trông như cha xứ, nhưng khi Thầy nhìn thẳng vào bạn, vẻ mặt đăm đăm của Thầy làm cho Thầy có vẻ như một tay hành quyết đang đong đếm bạn để chọn cho vừa sợi dây treo cổ.

Món tóc chĩa ra từ phần trước mũ trùm tiệp màu với bộ râu, màu xám, nhưng hai chân mày Thầy lại đen thui rậm rì. Lại còn có lắm lông đen sì thò ra từ hai lỗ mũi nữa, và hai mắt Thầy màu xanh lục, cùng màu với mắt tôi.

Thế rồi tôi để ý thấy một điều khác về Thầy. Thầy đang cầm một cây trượng dài. Hẳn nhiên là tôi đã trông thấy từ lúc Thầy lọt vào tầm nhìn kia, nhưng điều tôi đã không nhìn ra cho đến lúc này là Thầy đang cầm trượng bằng tay trái.

Thế có phải là Thầy cũng thuận tay trái như tôi?

Đấy là thứ đã đem đến cho tôi rắc rối liên tu bất tận ở trường làng. Người ta thậm chí còn cho mời cha xứ trong vùng đến nhìn lấy tôi rồi cha xứ cứ lắc đầu mãi, bảo tôi phải bỏ tật ấy thôi trước khi quá muộn. Tôi chẳng hiểu ý cha xứ nói gì. Anh em tôi chẳng ai thuận tay trái cả và bố tôi cũng không. Nhưng mẹ tôi lại thuận tay trái ấy chứ, mà việc ấy dường như chẳng bao giờ làm bà quan tâm, thế là khi thầy giáo dọa sẽ đánh cho tôi bỏ cái tật ấy và buộc viết vào tay phải của tôi, thì mẹ đem tôi ra khỏi trường và từ ngày đấy trở đi mẹ dạy tôi học tại gia.

“Ông tính bao nhiêu để nhận nó vào?” bố tôi lên tiếng hỏi, làm gián đoạn dòng suy nghĩ của tôi. Bây giờ thì chúng tôi bắt đầu bàn chuyện làm ăn thực sự rồi đây.

“Hai đồng vàng cho một tháng thử thách. Nếu thằng bé chịu được, ta sẽ quay trở lại vào mùa thu và khi đó ông sẽ thiếu ta thêm mười đồng. Còn nếu không, ông có thể nhận lại thằng bé và chỉ thêm một đồng cho bõ công phiền toái của ta thôi.”

Bố lại gật gù và thế là thỏa thuận đã xong. Chúng tôi đi vào kho chứa cỏ và tiền vàng được trao trả nhưng họ không bắt tay nhau. Chẳng ai muốn chạm vào một kẻ trừ tà cả. Bố tôi đã là một người can đảm lắm rồi khi dám đứng gần một thầy trừ tà.

“Ta bận vài việc gần đây,” Thầy bảo, “nhưng ta sẽ quay trở lại đón anh chàng này vào sáng sớm mai. Nhớ là chuẩn bị trước cho thằng nhỏ đấy. Ta không thích bị bắt chờ đâu.”

Khi Thầy đi rồi, bố vỗ vỗ vai tôi. “Một cuộc sống mới mẻ cho con đấy, con trai,” bố bảo. “Đi mà tắm rửa đi con. Việc đồng áng của con tới đây là chấm dứt rồi.”

Khi tôi bước vào bếp, Jack, anh trai tôi, đang quàng tay ôm vợ anh ấy, Ellie, và chị đang mỉm cười ngước nhìn anh.

Tôi thích Ellie lắm lắm. Cái kiểu chị ấy ân cần thân mật làm cho bạn cảm thấy như chị quan tâm đến bạn thật hung. Mẹ bảo việc cưới được chị Ellie thật có ích cho Jack vì chị giúp cho anh ấy bớt nóng nảy.

Jack là anh lớn tuổi và to con nhất trong đám anh em chúng tôi và, như lời bố thỉnh thoảng trêu, cũng là người đẹp trai nhất trong một đám xấu xí. Anh ấy to khỏe thật đấy, nhưng mặc cho anh có đôi mắt xanh và hai má hồng hào khỏe mạnh, cặp chân mày rậm đen của anh lại gần như châu lại vào nhau ngay chính giữa trán, nên tôi chẳng bao giờ đồng ý với điều bố nói. Một điều tôi không khi nào tranh cãi là anh ấy đã rù quến được một cô vợ xinh xắn dễ thương. Tóc Ellie có màu như loại rơm tốt nhất được thu hoạch ba ngày sau một vụ mùa khấm khá, và làn da biết tỏa sáng ngay cả dưới ánh nến.

“Sáng mai em sẽ lên đường,” tôi thốt lên. “Thầy Trừ Tà sẽ đến đón em ngay khi bình minh ló dạng.”

Gương mặt chị Ellie rạng rỡ. “Ý em là ông ta đồng ý nhận em ư?”

Tôi gật đầu. “Thầy cho em một tháng thử thách.”

“Ôi, giỏi quá đấy Tom. Chị mừng cho em,” chị ấy nói.

“Anh không tin nổi!” Jack chế giễu. “Em ấy à, là chân học việc cho kẻ trừ tà ư? Làm sao em có thể làm được cái việc ấy khi em vẫn không thể ngủ mà không thắp nến chứ hả?”

Tôi bật cười khi nghe câu nói đùa của anh nhưng anh ấy cũng có lý đấy. Đôi lúc tôi lại nhìn thấy những thứ trong bóng tối và thắp một cây nến là cách tốt nhất để xua những thứ ấy biến đi cho tôi có thể chợp mắt tí chút.

Jack đi lại chỗ tôi, gầm lên rồi ghì đầu anh vào đầu tôi và bắt đầu kéo tôi rê quanh bàn bếp. Đấy là kiểu đùa của anh ấy. Tôi chỉ chống cự vừa đủ để làm anh cười thôi, rồi vài giây sau anh thả tôi ra và vỗ vỗ lưng tôi.

“Giỏi lắm, Tom,” anh bảo. “Em làm việc đó sẽ kiếm được bộn tiền đấy. Nhưng mà này, chỉ có một vấn đề thôi...”

“Vấn đề gì ạ?” tôi hỏi.

“Em sẽ phải cần từng đồng từng xu em kiếm được đấy. Biết vì sao không?”

Tôi nhún vai.

“Bởi vì những người bạn duy nhất em có lại là những người mà em phải mua chuộc lấy!”

Tôi cố cười, nhưng những lời anh Jack nói đầy sự thật mười mươi ra đấy. Kẻ trừ tà làm việc và sinh sống một mình.

“Ôi Jack! Đừng có tàn nhẫn thế chứ!” Ellie quở.

“Chỉ là đùa thôi mà,” Jack trả lời, cứ như thể anh ấy không thể hiểu được vì sao Ellie lại nhặng xị lên đến thế.

Nhưng chị Ellie lại đang nhìn tôi chứ chẳng phải nhìn Jack và tôi thấy gương mặt chị ấy đột nhiên xịu xuống. “Ôi Tom!” chị nói. “Như vậy nghĩa là em sẽ không có mặt ở đây khi em bé chào đời...”

Chị ấy trông thật thất vọng làm tôi cảm thấy buồn vì mình không có mặt ở nhà để gặp cô cháu gái sắp chào đời. Mẹ đã bảo con của chị Ellie sẽ là bé gái và mẹ thì không bao giờ nói sai những chuyện như thế này.

“Em sẽ quay lại thăm ngay khi có thể ấy mà,” tôi hứa.

Ellie cố mỉm cười, và anh Jack bước đến gác tay lên vai tôi. “Em luôn có gia đình ở bên,” anh bảo. “Bọn anh sẽ luôn có mặt ở đây nếu em cần đến mọi người.”

Một tiếng đồng hồ sau, tôi ngồi vào bàn ăn tối, bụng biết rằng sáng ngày mai mình đã đi mất rồi. Bố khấn lời tạ ơn như vẫn thường làm mỗi tối và tất cả chúng tôi đều lầm rầm “A men” trừ mẹ. Mẹ nhìn chăm chăm xuống chân mình như mọi khi, lịch sự chờ đợi cho đến khi chúng tôi khấn nguyện xong. Khi lời nguyện chấm dứt, mẹ thoáng mỉm cười với tôi. Một nụ cười trìu mến đặc biệt mà tôi nghĩ chẳng có ai khác để ý thấy. Nụ cười làm tôi thấy ấm lòng hơn.

Ngọn lửa vẫn còn bập bùng trong lò sưởi, làm hơi ấm tràn ngập căn bếp. Ngay chính giữa bàn ăn rộng lớn bằng gỗ của chúng tôi là một chân nến bằng đồng đã được đánh thật bóng cho đến khi bạn có thể soi thấy mặt mình trong ấy. Nến được làm từ sáp ong và là loại mắc tiền, nhưng mẹ không cho phép dùng nến mỡ trong bếp vì mùi khó chịu. Bố là người quyết định nhiều thứ về nông trại, nhưng có một số chuyện mẹ luôn làm theo ý bà.

Khi chúng tôi múc súp nóng hổi ra những chiếc đĩa lớn, tôi bất chợt bần thần nhận ra tối nay bố trông mới già nua làm sao – già nua và mệt mỏi – và thỉnh thoảng có một nét biểu cảm thoáng qua mặt bố, một thoáng buồn rầu. Nhưng bố vui vẻ lên một tí khi Jack bắt đầu bàn tán về giá thịt lợn và thảo luận giờ có phải là thời điểm thích hợp để kêu người mổ lợn đến hay chưa.

“Nên chờ thêm độ một tháng nữa,” bố nói. “Giá cả đến lúc ấy chắc chắn là tăng cao hơn.”

Jack lắc đầu và cả hai bắt đầu tranh luận. Đấy là một cuộc tranh luận ôn hòa, kiểu thường có trong các gia đình, và tôi có thể nhận thấy là bố đang rất thích thú. Nhưng tôi lại không tham gia vào. Tất cả những chuyện đó giờ đã chấm hết với tôi. Như bố đã bảo, việc đồng áng với tôi là chấm dứt.

Mẹ và Ellie đang thì thầm rúc rích với nhau. Tôi cố nghe ra họ đang nói gì, nhưng lúc này thì Jack đã oang oang, giọng anh mỗi lúc một lớn. Khi mẹ liếc xéo sang anh ấy thì tôi có thể nhìn ra là bà đã bực bội cái giọng chợ vỡ của anh lắm rồi.

Jack chẳng hề hay biết gì về những lần liếc háy của mẹ và tiếp tục tranh luận lớn tiếng, anh với tay lấy lọ muối và vô ý làm ngã cái lọ, đổ một chóp muối nho nhỏ trên bàn. Ngay lập tức anh nhón một nhúm muối và rảy ngược ra sau vai trái mình. Đấy là một tục mê tín cổ xưa của người trong Hạt. Làm thế thì bạn sẽ tránh được những vận rủi mà bạn đã gây ra khi làm đổ muối.

“Jack này, dù thế nào thì con cũng không cần thêm muối vào đó nữa đâu,” mẹ lên tiếng mắng. “Làm vậy sẽ hỏng mất món súp đang ngon và đấy là một điều sỉ nhục đối với đầu bếp đấy.”

“Xin lỗi mẹ ạ,” Jack tạ lỗi. “Mẹ nói đúng. Món súp như thế là ngon tuyệt rồi.”

Mẹ mỉm cười với Jack, đoạn gật đầu về phía tôi. “Mà này, chẳng ai để ý gì đến Tom cả. Đấy không phải là cách đối xử với em nó trong buổi tối cuối cùng em nó ở nhà.”

“Con ổn mà mẹ,” tôi đáp. “Chỉ ngồi đây lắng nghe thôi là con đủ thấy vui rồi.”

Mẹ gục gặc. “Ừ, mẹ có vài lời cần nói với con. Sau buổi tối con ở lại dưới bếp và mẹ con mình nói chuyện một chút nhé.”

Thế là sau khi Jack, Ellie và bố đã đi ngủ, tôi ngồi trên ghế cạnh lò sưởi và kiên nhẫn chờ đợi nghe những điều mẹ nói.

Mẹ không phải là người thích nói dài dòng; thoạt tiên bà không nói gì nhiều ngoài việc giảng giải những gì bà đã gói cho tôi mang đi: một chiếc quần dài để thay, ba chiếc áo sơ mi và hai đôi vớ tốt mà mỗi chiếc chỉ mới bị vá có một lần.

Tôi nhìn chăm chăm vào đống lửa hồng, nhịp nhịp chân xuống nền đá, trong khi mẹ kéo chiếc ghế đu lại và đặt ghế sao cho bà đối diện với tôi. Mái tóc đen của bà điểm vài sợi bạc, nhưng ngoài điều đó ra thì bà trông vẫn giống hệt như bà ngày xưa, khi tôi còn là thằng bé con chập chững cao chưa đến đầu gối bà. Hai mắt bà vẫn sáng, và mặc cho nước da tai tái, bà trông vẫn khỏe khoắn.

“Đây là lần cuối cùng mẹ con mình nói chuyện với nhau và còn lâu mới được nói lại đấy,” bà bảo. “Việc rời khỏi gia đình và bắt đầu sống tự thân là một bước lớn. Vậy nên nếu có điều gì muốn nói, bất cứ điều gì con cần hỏi, thì đây là lúc đấy con.”

Tôi không thể nghĩ ra nổi dù chỉ là một câu hỏi. Thực ra thì tôi còn không thể nghĩ nổi nữa là. Chỉ nghe mẹ nói thế thôi là nước mắt đã bắt đầu nhoi nhói trong đáy mắt tôi.

Sự im lặng kéo dài một lúc. Chỉ còn nghe được tiếng chân tôi nhịp nhịp trên nền đá. Cuối cùng mẹ thở dài. “Chuyện gì thế?” bà hỏi. “Mèo nuốt mất lưỡi con rồi à?”

Tôi nhún vai.

“Đừng có ngọ nguậy nữa Tom, và tập trung vào những gì mẹ nói đây,” mẹ cảnh cáo. “Trước hết, con có mong đến ngày mai để bắt đầu công việc mới của mình không?”

“Con không rõ nữa mẹ à,” tôi vừa thưa với bà vừa nhớ lại câu nói đùa của Jack về việc phải mua lấy bạn bè. “Không ai muốn đến bất cứ đâu gần một kẻ trừ tà cả. Con sẽ chẳng có bạn bè. Lúc nào con cũng sẽ cô độc.”

“Sẽ không tồi tệ như con nghĩ đâu,” mẹ nói. “Con sẽ có thầy để nói chuyện cùng. Ông sẽ là thầy con, và chắc chắn dần dần rồi ông cũng thành bạn của con. Và con sẽ bận rộn luôn ấy mà. Bận rộn học hỏi những điều mới. Con sẽ chẳng có thời gian mà thấy cô độc đâu. Con không nhận thấy toàn bộ chuyện này thật mới lạ và phấn khích sao?”

“Phấn khích thì có đấy nhưng công việc này làm con sợ. Con muốn làm nhưng lại không biết liệu mình có đủ sức hay không. Một phần trong con muốn chu du thăm thú nhiều nơi nhưng mà việc không còn sống ở nơi này nữa cũng khó khăn lắm. Con sẽ nhớ tất cả mọi người. Con sẽ nhớ cuộc sống ở nhà.”

“Con không thể ở đây,” mẹ bảo. “Bố con rồi sẽ già đi, không làm lụng được nữa, và đến mùa đông tới ông sẽ giao nông trại lại cho Jack. Ellie rồi sẽ chóng có em bé, chắc chắn còn thêm nhiều đứa nữa; từ từ rồi ở đây sẽ chẳng còn chỗ cho con. Không, tốt hơn là con nên tập làm quen với điều này trước khi nó xảy đến. Con không thể về nhà.”

Giọng của bà nghe có vẻ lạnh lùng khắc nghiệt, và nghe thấy bà nói chuyện với mình như thế lại gây ra một nỗi đau ngấm sâu vào ngực và cổ họng tôi làm tôi chẳng thể nào thở nổi.

Lúc ấy tôi chỉ muốn lên giường đi ngủ, nhưng bà còn nhiều chuyện để nói. Hiếm khi nào tôi nghe bà nói lắm chữ trong một lúc đến thế.

“Con có công việc phải làm và con sẽ phải thực hiện nó,” bà nghiêm khắc nói. “Mà không chỉ là thực hiện suông đâu; con còn phải thực hiện thật tốt kia. Mẹ lấy bố các con vì ông ấy là người con trai thứ bảy. Và mẹ sinh cho ông sáu thằng con trai để mẹ có thể có được con. Bảy lần bảy là ra con và con còn có năng khiếu nữa. Thầy mới của con vẫn còn lực nhưng ông ấy đã qua thời đỉnh cao, và cuối cùng thời của ông ấy rồi sẽ chấm dứt.

Trong gần sáu mươi năm nay, ông ấy đã đi ven quanh Hạt thực thi nghĩa vụ. Làm những việc cần phải được làm. Sẽ sớm tới phiên con thôi. Và nếu con không làm việc ấy thì ai sẽ làm đây? Ai sẽ là người coi sóc dân lành? Ai sẽ là người bảo vệ họ không bị làm hại? Ai sẽ giữ cho nông trại, làng xóm và thị trấn được an toàn để phụ nữ và trẻ con có thể rảo bước trên phố trên đường mà không phải hãi sợ?”

Tôi chẳng biết phải nói gì và cũng không thể nhìn thẳng vào mắt bà. Tôi chỉ cố kiềm chế không trào nước mắt.

“Mẹ yêu hết mọi người trong gia đình này,” bà nói tiếp, giọng dịu xuống, “nhưng trong toàn cái Hạt rộng lớn này, con là người duy nhất thật sự giống mẹ. Tuy con chỉ là thằng bé con còn phải trưởng thành nhiều, nhưng con lại là đứa con trai thứ bảy của người con trai thứ bảy. Con là ân phước và là sức mạnh để làm những gì cần phải được làm. Mẹ biết con sẽ làm cho mẹ hãnh diện về con.”

“À, giờ này,” mẹ bước xuống ghế và nói, “mẹ vui vì chúng ta đã làm rõ mọi chuyện. Giờ thì con đi ngủ đi. Mai là một ngày trọng đại và con cần phải được khỏe khoắn nhất.”

Mẹ ôm tôi thật chặt và mỉm cười trìu mến, còn tôi cố gắng hết mực tỏ ra vui vẻ cười đáp trả, nhưng khi lên đến phòng ngủ, tôi ngồi bên mép giường, nhìn đăm đắm vô hồn suy nghĩ về những gì mẹ đã nói với tôi.

Trong vùng này mẹ tôi rất được nể trọng. Bà hiểu biết về cây cỏ thuốc men còn nhiều hơn cả bác sĩ địa phương, và lúc nào có ca rắc rối với chuyện sinh đẻ em bé, bà đỡ luôn nhờ gọi mẹ. Mẹ là chuyên gia về các ca gọi là đẻ ngược. Đôi khi em bé muốn được sinh ra bằng chân trước nhưng mẹ tôi rất giỏi trong việc xoay em bé khi bé vẫn còn trong bụng mẹ. Hàng tá phụ nữ trong Hạt nợ bà mạng sống.

Dù sao thì, đấy là những gì bố luôn nói còn mẹ thì khiêm tốn và không bao giờ đề cập đến những chuyện như thế. Bà chỉ làm những gì cần phải làm và tôi biết đấy là điều bà trông đợi nơi tôi. Nên tôi muốn làm cho bà hãnh diện.

Nhưng có thể nào bà thực sự có ý là bà cưới bố tôi và sinh ra sáu anh trai chỉ để sinh ra tôi thôi không? Chuyện này dường như không khả thi lắm.

Sau khi nghĩ thông mọi điều, tôi đến bên cửa sổ và ngồi vài phút lên chiếc ghế cũ kỹ bện từ cây liễu gai, nhìn trừng trừng qua cửa sổ hướng về phía Bắc.

Mặt trăng đang chiếu sáng, nhuộm hết vạn vật trong ánh trăng bàng bạc. Tôi có thể dõi tầm mắt hướng qua bên kia cánh đồng trang trại, vượt qua hai cánh đồng rơm và đồng cỏ hướng Bắc, thẳng đến tận ven rìa trang trại của chúng tôi, ngừng ngay lưng chừng lối lên Đồi Treo Cổ. Tôi thích quang cảnh này. Tôi thích Đồi Treo Cổ khi nhìn từ xa. Tôi thích cái cách nó là điểm xa nhất mắt bạn có thể nhìn thấy được.

Hàng năm liền, đây là việc tôi thường làm mỗi đêm trước khi trèo lên giường ngủ. Tôi từng nhìn trừng trừng vào ngọn đồi đó và tưởng tượng những gì bên kia đồi. Tôi biết rằng thực ra chỉ có thêm vài cánh đồng và rồi, xa thêm hai dặm nữa, đi quá ngôi làng trong vùng – nửa tá nhà, một nhà thờ be bé và một ngôi trường còn bé hơn – nhưng trí tưởng tượng của tôi còn gợi lên nhiều thứ khác. Thỉnh thoảng, tôi tưởng tượng ra những mỏm đá cheo leo và xa xa là đại dương, hay có lẽ là một khu rừng hay một thành phố lớn với những tháp thật cao và những ngọn đèn nhấp nháy.

Nhưng giờ đây, khi tôi nhìn lên ngọn đồi, tôi cũng nhớ đến nỗi sợ hãi của mình nữa. Phải, nhìn từ xa thì không sao nhưng đấy không phải là nơi tôi từng bao giờ muốn đến gần. Đồi Treo Cổ, hẳn như bạn đã đoán ra, chẳng phải vô cớ mà có được tên gọi ấy.

Ba thế hệ trước, chiến tranh đã quét qua toàn bờ cõi và những người đàn ông trong Hạt đã tham chiến. Đấy là một cuộc chiến tồi tệ hơn hết thảy, một cuộc nội chiến cay đắng mà vì đó những gia đình bị chia rẽ hay thỉnh thoảng huynh đệ phải tương tàn.

Trong mùa đông cuối cùng của cuộc chiến tranh ấy, có một trận giao tranh ác liệt cách về phương Bắc chừng một dặm, ngay ven rìa làng. Rốt cuộc, khi trận giao tranh kết thúc, bên thắng trận mang những tù nhân lên ngọn đồi này và treo cổ họ lên những ngọn cây bên sườn đồi mạn Bắc. Họ cũng đã treo cổ vài người phe họ nữa, vì những lý do mà họ gọi là hèn nhát trước quân thù, nhưng câu chuyện đó còn có một phiên bản khác. Người ta đồn rằng một vài người này từ chối chống lại những người họ coi là hàng xóm của mình.

Ngay cả Jack cũng chẳng bao giờ muốn làm việc gần hàng rào cạnh ven nông trại đó, và những con chó sẽ không đến gần khu rừng hơn dăm mét. Về phần tôi, vì tôi có khả năng cảm nhận những điều mà người khác không thể, tôi thậm chí còn không làm việc được trên đồng cỏ phía Bắc. Bạn biết đấy, từ đó tôi có thể nghe thấy họ. Tôi có thể nghe thấy tiếng những sợi thòng lọng kẽo kẹt và các cành cây oằn mình dưới sức nặng của họ. Tôi có thể nghe thấy tiếng người đã chết bị treo cổ tắc họng phía bên kia ngọn đồi.

Mẹ từng nói rằng chúng tôi giống nhau. Vâng, chắc chắn về một phương diện nào đó thì bà giống tôi: tôi biết bà cũng có thể nhìn ra những điều mà người khác không thể nhìn thấy. Mùa đông nọ, khi tôi còn rất bé và tất cả các anh tôi đều ở nhà, những tiếng động từ ngọn đồi về đêm vọng lại lớn đến nỗi tôi có thể nghe thấy chúng từ tận trong phòng ngủ. Các anh tôi chẳng hay biết gì sất, trong khi tôi lại nghe được và chẳng thể nào chợp mắt. Mẹ vào phòng tôi mỗi khi tôi gọi lớn, mặc cho bà phải thức dậy từ tinh mơ làm việc của mình.

Cuối cùng, mẹ nói bà sẽ giải quyết chuyện này, và vào một đêm bà một mình leo lên Đồi Treo Cổ rồi đi thẳng vào những hàng cây. Khi bà quay lại, xung quanh im phăng phắc và hàng tháng sau đấy mọi thứ vẫn được như thế.

Vậy là có một mặt mà chúng tôi không giống nhau.

Mẹ gan dạ hơn tôi rất nhiều.