Chương 4: Chương 4

Điện Capitol hay Toà nhà Quốc hội Hoa Kỳ, vươn lên bề thế ở đầu phía đông Công viên Quốc gia, trên một khu đất bằng được tôn cao mà Kiến trúc sư cảnh quan Pierre L’Enfant từng mô tả là "nền móng sẵn sàng cho một đài kỷ niệm". Vô cùng đồ sộ với chiều dài khoảng 229 mét, chiều rộng 107 mét, bao phủ hơn 16 mẫu mặt sàn và có tới 541 phòng, toà nhà được xây dựng tỉ mỉ đến chừng chi tiết theo phong cách kiến trúc tân cổ điển nhằm mô phỏng sự huy hoàng của La Mã cổ đại, nơi có nhiều ý tưởng tạo nguồn cảm hứng cho những người sáng lập nước Mỹ trong việc thiết lập luật pháp và văn hoá của nền cộng hoà mới.

Dưới lòng đất, sâu trong trung tâm du khách mới hoàn thiện, người ta vừa lập một trạm kiểm tra an ninh ra vào Điện Capitol, bên trên là mái kính rất lộng lẫy, chẳng khác gì phần khung tranh mà nội dung bên trong là vòm Điện. Một vị khách nam đang tiến đến gần trạm. Alfonso Nunez, nhân viên mới vào làm thận trọng quan sát anh ta: Người đàn ông nọ đã nấn ná trong sảnh được một lúc, gắng kết thúc cho xong một cuộc điện đàm trước khi bước vào toà nhà. Đầu anh ta cạo nhẵn thín, tay phải quấn băng choàng qua cổ, bước chân hơi khập khiễng. Trông chiếc áo khoác thuỷ quân rách rưới và cái đầu trọc lốc, Nunez đoán vị khách này xuất thân từ quân ngũ. Những người đã từng phục vụ trong lực lượng vũ trang Hoa Kỳ là diện khách thường xuyên nhất của Washington.

- Chúc ông một buổi tối tốt lành, - Nunez lên tiếng, theo đúng quy định chào hỏi dành cho các vị khách nam giới đến tham quan một mình.

- Chào anh, - vị khách đáp, đưa mắt nhìn quanh lối vào gần như vắng tanh - Một buổi tối yên tĩnh quá nhỉ!

- Đang diễn ra trận đấu sống còn của NPC mà. Tối nay mọi người đều mải xem những anh chàng áo đỏ rồi - Nunez đáp, thầm ước giờ này mình cũng được ngồi xem như vậy, nhưng đây là tháng làm việc đầu tiên của anh, và anh lại gặp đúng phiên trực - Xin hãy bỏ mọi đồ vật bằng kim loại ra khay.

Trong khi vị khách dùng bàn tay lành lặn rờ rẫm moi hết các túi áo khoác của mình, Nunez quan sát anh ta rất kỹ. Theo bản năng, con người thường ưu tiên chiếu cố cho những đồng loại bị thương và tàn tật nhưng Nunez đã được huấn luyện để biết cách gạt bỏ chính bản năng đó.

Vị khách moi từ trong túi ra ít xu lẻ, chìa khoá, và mấy chiếc điện thoại di động. Trong khi chờ đợi, Nunez đưa mắt nhìn bàn tay bị thương của người đàn ông, nó được quấn kín dưới nhiều lớp băng rất dày.

- Bị bong gân à? - Anh hỏi.

Gã trọc gật đầu.

- Trượt ngã trên băng. Tuần trước. Vẫn đau chết cha?

- Rất lấy làm tiếc cho ông. Xin mời bước qua đây.

Vị khách tập tễnh bước qua máy dò, cỗ máy kêu lên kinh ỏi.

Vị khách cau mày.

- Biết ngay mà. Tôi vẫn đang đeo nhẫn dưới lớp băng gạc này.

Ngón tay tôi sưng tướng nên không tháo nhẫn ra được, vì thế bác sĩ băng trùm lên luôn.

- Không sao. - Nunez nói - Tôi sẽ dùng máy dò cầm tay.

Nunez đưa máy dò trên bàn tay băng bó của vị khách. Đúng như dự liệu, thứ kim loại duy nhất mà anh phát hiện được là một cục to sụ ở ngón đeo nhẫn của người đàn ông. Nunez đưa thiết bị dò kim loại rà kỹ từng li trên khắp ngón tay và băng đeo. Anh biết rằng cấp trên có thể đang giám sát mình qua hệ thống truyền hình tại trung tâm an ninh của toà nhà, mà anh thì rất cần việc làm. Cẩn thận lúc nào cũng vẫn hơn. Nunez thận trọng lách nhẹ máy dò vào dưới lớp băng đeo của vị khách.

Người đàn ông nhăn mặt vì đau.

- Xin lỗi.

- Không sao, - người đàn ông đáp - Thời buổi này thì không thể không cẩn thận được.

- Đúng thế - Nunez bỗng sinh thiện cảm với người khách của mình. Thật lạ, cảm giác ấy dường như có tác dụng rất lớn ở đây. Nước Mỹ đã coi bản năng con người là tuyến phòng thủ đầu tiên trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố. Sự thật cũng chứng minh rằng trực giác là thứ máy cảnh báo chính xác hơn bất kỳ thiết bị điện tử nào trên đời - nó là món quà của sự sợ hãi, như cách gọi trong một cuốn sách tham khảo về vấn đề an ninh.

Trong trường hợp này, bản năng của Nunez không mách bảo điều gì khiến anh phải lo sợ. Chỉ lạ là khi đứng gần sát người khách, anh bỗng nhận ra cái gã bặm trợn ấy có bôi một thứ kem chống nắng hoặc kem xoá nám nào đó trên mặt. Nhưng có sao. Ai lại thích chường bộ mặt nhợt nhạt ra vào mùa đông cơ chứ.

- Ông có thể vào được rồi, - Nunez nói, hoàn tất công việc dò tìm và xếp gọn máy dò cầm tay lại.

- Cảm ơn - Người đàn ông bắt đầu nhặt nhạnh đồ đạc trên khay.

Trong khi anh ta thu dọn, Nunez chú ý thấy hai ngón tay thò ra khỏi lớp băng đều có hình xăm: đầu ngón tay trỏ có hình một cái mũ miện, còn đầu ngón tay cái là hình một ngôi sao. Dường như thời buổi này ai cũng có hình xăm trổ, Nunez nghĩ thầm, mặc dù các đầu ngón tay phải buốt lắm để xăm được thế kia.

- Mấy hình xăm đó có đau không?

Người khách liếc xuống mấy đầu ngón tay mình và cười.

- Không ghê như anh tưởng đâu.

- Thế còn may, - Nunez đáp - Tôi thì đau khủng khiếp. Thời ở trại huấn luyện tân binh, tôi có xăm hình tiên cá trên lưng mà.

- Tiên cá à? - gã trọc cười hềnh hệch.

- Ừ, - Nunez đáp, có phần ngượng ngùng - Sai lầm thời trai trẻ ấy mà.

- Tớ hiểu, - gã trọc đáp - Tớ cũng phạm một sai lầm to đùng thời còn trẻ, và giờ sáng nào tớ cũng phải thức dậy cùng ả.

Cả hai cùng cười, rồi gã kia quay đi.

Đúng là trò trẻ con. Mal’akh nghĩ thầm, băng qua Nunez và lên cầu thang máy tiến về phía Điện Capitol. Việc thâm nhập dễ dàng hơn dự đoán. Dáng đi lom khom và cái bụng độn bông đã giúp gã che giấu được vóc dáng thật, trong khi lớp hoá trang trên mặt và tay giúp phủ kín những hình xăm chi chít khắp cơ thể. Tuy nhiên, món nguỵ trang tài tình nhất lại là cái băng đeo, đang che đậy một đồ vật ghê gớm mà Mal’akh mang theo vào toà nhà.

Đó là món quà dành cho kẻ duy nhất trên đời giúp ta đạt được thứ ta đang tìm kiếm.