Chương 3: Chương 3

Đang bạn xem lại mấy trang ghi chú, Robert Langdon chợt nghe thấy tiếng lốp xe nghiến mạnh hơn xuống mặt đường. Anh ngước lên, ngạc nhiên khi nhận ra họ đã tới quãng nào.

Đến cầu Tưởng niệm 1 rồi cơ à?

Langdon buông tập ghi chú xuống và đăm đăm ngắm dòng Potomac hiền hoà chảy qua bên dưới. Sương dày buông là là trên mặt nước. Foggy Bottom 2 là một nơi đúng như cái tên của nó, và có vẻ là một địa điểm khá kỳ cục để xây dựng thủ đô của cả nước. Tân Thế giới có bao nhiêu nơi chốn, mà các bậc tiền bối lại chọn vùng đầm lầy ẩm ướt ven sông này để đặt nền móng cho xã hội không tưởng của họ.

Langdon liếc mắt sang trái, nhìn qua hồ Tidal Basin sang phía bóng tròn duyên dáng của Đài tưởng niệm Jeherson hay đền Pantheon 3 của nước Mỹ như nhiều người vẫn gọi. Ngay phía trước xe, Đài tưởng niệm Lincoln vươn cao với nét khắc khổ cứng nhắc, những đường thẳng trực giao gợi nhớ Parthenon 4 cổ đại ở Athens. Xa hơn nữa là khu trung tâm của thành phố - nơi có chóp nhọn mà Langdon ngó thấy từ trên không. Cảm hứng kiến trúc của nó rất xa xưa, xa xưa hơn cả Đế chế La Mã hoặc Hy Lạp.

Đó là Đài tưởng niệm Washington - tháp Ai Cập của nước Mỹ.

Ngọn tháp bằng đá nguyên khối lù lù hiện ra, nổi bật trên nền trời như cột buồm chính của một con tàu. Từ góc nhìn nghiêng của Langdon, ngọn tháp đêm nay trông như đang lơ lửng… nó tròng trành trên nền trời ảm đạm tựa hồ đang trôi nổi ở một vùng biển động. Langdon cảm thấy mình cũng chống chếnh theo. Chuyến viếng thăm Washington lần này hoàn toàn bất ngờ. Lúc thức giấc mình cứ tưởng sẽ có một Chủ nhật yên tĩnhở nhà… còn giờ thì mình chỉ cách điện Capitol chừng vài phút đi đường.

Sáng nay, vào

Khoảng 6 giờ, Langdon về đến nhà, bắt đầu nghi lễ buổi sớm của mình bằng việc tự tay nghiền cà phê Sumatra và tận hưởng mùi thơm kỳ lạ ngập tràn gian bếp. Anh rất ngạc nhiên khi thấy đèn đỏ nhấp nháy trên màn hình thư thoại. Ai lại gọi tới vào lúc 6 giờ sáng Chủ nhật chứ? Anh nhấn nút nghe tin nhắn.

- Chúc một buổi sáng tốt lành, Giáo sư Langdon. Tôi vô cùng xin lỗi vì gọi vào lúc mới bảnh mắt thế này - Giọng nói nhã nhặn mang âm sắc miền nam ngập ngừng thấy rõ - Tôi là Anthony Jelbart, trợ lý của Peter Solomon. Ông Solomon có nói Giáo sư là người quen dậy sớm… ông đang cố liên lạc với Giáo sư trong sáng nay. Khi nào nhận được tin nhắn này, Giáo sư vui lòng gọi trực tiếp cho ông ấy được không? Chắc Giáo sư đã biết đường dây riêng mới của ông ấy rồi, còn nếu chưa biết thì xin thông báo đó là số 202-329-5746.

Langdon đâm lo cho ông bạn vong niên. Peter Solomon là người có giáo dục và lịch sự hết chỗ chê, chắc chắn không gọi đến vào rạng sáng Chủ nhật trừ phi có chuyện gì đó rất không ổn.

Langdon buông chỗ cà phê nghiền dở và vội vã tới phòng làm việc của mình để gọi lại.

Hy vọng ông ấy không sao.

Peter Solomon là một người bạn, người thầy và mặc dù chỉ lớn hơn Langdon mười hai tuổi, với anh, ông còn là một người cha ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ tại Đại học Princeton. Hồi học năm thứ hai, Langdon được mời tham dự một buổi diễn thuyết tối của sử gia kiêm nhà phúc thiện lừng danh này. Solomon đã nói chuyện với niềm say mê đầy sức lan toả, trình bày một cách nhìn rất mới lạ về ký hiệu học và lịch sử hình thành của nó, từ đó khơi dậy trong Langdon hứng thú trọn đời dành cho các biểu tượng. Tuy nhiên, không phải sự lỗi lạc mà chính vẻ khiêm nhường trong đôi mắt xám dịu dàng của Peter Solomon đã giúp Langdon có đủ dũng khí để viết cho ông một lá thư cảm ơn. Chàng sinh viên năm thứ hai chẳng bao giờ dám mơ tưởng rằng Peter Solomon, một trong những trí thức trẻ tuổi giàu có và hấp dẫn nhất nước Mỹ, lại viết thư trả lời. Nhưng Solomon đã làm đúng như thế, và đó là sự khởi đầu cho một tình bạn đẹp đẽ.

Peter Solomon là một học giả nổi tiếng, có phong thái giản dị trái ngược hẳn với gia thế huy hoàng của mình. Ông xuất thân từ gia tộc Solomon giàu sang, một dòng dõi mà nhiều tên tuổi xuất hiện trên các công trình và trường đại học ở khắp đất nước này. Tương tự dòng họ Rothschild bên châu Âu, cái tên Solomon ở Mỹ luôn nhuốm đầy màu sắc kỳ bí của một thế gia vọng tộc và của những thành công. Peter kế thừa danh vọng và sự sản từ người cha quá cố khi còn rất trẻ, giờ đây ở tuổi 58, ông đã kinh qua không ít vị trí quyền thế. Hiện ông là người đứng đầu Viện Smithsonian. Đôi lúc, Langdon bỡn Peter rằng tì vết duy nhất trên lý lịch sáng chói của ông chính là tấm bằng tốt nghiệp một trường đại học hạng hai - trường Yale.

Vừa bước vào phòng làm việc, Langdon đã nhận ra có một bức fax của Peter.

Peter Solomon

VĂN PHÒNG TÔNG THƯ KÝ VIỆN SMITHSONIAN

Chúc một buổi sáng tốt lành, Robert, Tôi cần nói chuyện với cậu ngay.

Trong sáng nay hãy gọi cho tôi theo số 202-329-5746, càng sớm càng tốt.

Peter

Langdon lập tức quay số, ngồi xuống bên chiếc bàn gỗ sồi chạm trổ tinh xảo để đợi tín hiệu trả lời.

- Văn phòng Peter Solomon - giọng nói quen thuộc của viên trợ lý vang lên - Tôi là Anthony. Tôi giúp gì được quý vị?

- Chào anh, tôi là Robert Langdon đây. Sớm nay anh có gửi cho tôi một tin nhắn…

- A vâng thưa Giáo sư Langdon! - Giọng chàng trai ở đầu dây bên kia như giãn ra - Cảm ơn Giáo sư đã gọi lại nhanh như vậy. Ông Solomon rất muốn nói chuyện với Giáo sư. Để tôi báo cho ông ấy biết rằng Giáo sư đang nghe máy. Giáo sư vui lòng chờ một lát được chứ?

- Được!

Trong lúc đợi Solomon đến nghe máy, Langdon cúi nhìn cái tên Peter ở trên cùng tờ giấy in tiêu đề của Viện Smithsonian và bất giác mỉm cười. ít thấy ai vô công rồi nghề trong gia tộc Solomon. Cây phả hệ nhà Peter sản sinh ra toàn những tên tuổi, từ các doanh nhân giàu có, các chính khách nhiều ảnh hưởng đến vô vàn khoa học gia trứ danh, thậm chí một vài người còn có chân trong Hiệp hội Hoàng gia London 5. Cô em gái Katherine, người thân duy nhất còn lại của Peter hiển nhiên cũng được thừa hưởng gene khoa học, bởi vì hiện thời cô là nhân vật hàng đầu trong một ngành học thuật mới mẻ gọi là Lý trí học.

Mình mù tịt về thể loại ấy, Langdon nghĩ bụng, thích thú nhớ lại một bữa tiệc ở tư gia Peter hồi năm ngoái, hôm ấy Katherine đã ra sức giải thích cho anh hiểu thế nào Lý trí học, anh lắng nghe rất chăm chú rồi nhận xét:

- Nghe giống phép thuật hơn là khoa học!

Katherine nháy mắt dí dỏm:

- Hai lĩnh vực đó gần gũi nhau hơn anh tưởng đấy, Robert ạ.

Lúc này, viên trợ lý của Solomon đã trở lại đầu dây.

- Tôi xin lỗi, ông Solomon còn đang cố kết thúc một cuộc họp qua điện thoại. Sáng nay, mọi việc ở đây có phần lộn xộn.

- Không sao. Tôi gọi lại sau cũng được.

- Thực ra, Peter có dặn tôi giải thích cho Giáo sư biết lý do của lần liên lạc này. Giáo sư bằng lòng nghe tôi nói chứ ạ?

- Tất nhiên.

Viên trợ lý hít một hơi thật sâu.

- Chắc Giáo sư cũng biết, hằng năm, ban Giám đốc Smithsonian thường tổ chức một bữa tiệc riêng tư tại Washington để tri ân những người đã nhiệt thành ủng hộ Viện. Đối tượng tham dự đều thuộc giới thượng lưu của đất nước.

Langdon thừa hiểu với một tài khoản ngân hàng có quá ít số 0, anh khó lòng được coi là một nhân vật thượng lưu, nhưng biết đâu Solomon định mời anh tham dự thì sao.

- Năm nay, như thường lệ - viên trợ lý tiếp tục - trước dạ tiệc sẽ có một bài diễn văn quan trọng. Chúng tôi may mắn đăng ký được Đại sảnh Tượng đài Danh nhân Quốc gia để trình bày bài diễn văn đó.

Địa điểm xịn nhất thủ đô còn gì, Langdon nghĩ thầm, nhớ lại một buổi diễn giảng chính trị từng tham dự tại đại sảnh hình bán nguyệt đầy ấn tượng ấy. Thật khó lòng quên được 500 chiếc ghế gấp bố trí thành một vòng cung hoàn hảo, xung quanh là 38 pho tượng cỡ bằng người thật, trong căn phòng mà Hạ viện từng sử dụng làm phòng họp.

- Vấn đề là thế này - viên trợ lý nói - Diễn giả bị ốm và vừa mới thông báo cho chúng tôi biết rằng bà ấy không thể diễn thuyết được - Anh ta ngừng lời vẻ lúng túng - Nghĩa là chúng tôi đang xoay xở tìm diễn giả thay thế, và ông Solomon hy vọng Giáo sư bằng lòng đảm nhiệm vai trò ấy.

Langdon ngạc nhiên lặp lại.

- Tôi ư? - Anh hoàn toàn không ngờ đến tình huống này - Tôi dám chắc Peter có thể tìm được người thế chân tốt hơn nhiều.

- Thật khiêm nhường quá! Giáo sư chính là lựa chọn đầu tiên của Peter Solomon đấy ạ. Các khách mời của Viện sẽ rất vui nếu được nghe Giáo sư diễn thuyết. Để đỡ công chuẩn bị, ông Solomon cho rằng Giáo sư có thể sử dụng lại bài giảng mà Giáo sư đã trình bày trên Bookspan TV cách đây vài năm. Ông ấy bảo nội dung bài giảng đề cập đến tính biểu tượng trong kiến trúc ở thủ đô chúng ta. Nghe có vẻ thích hợp lắm.

Langdon ngần ngừ.

- Theo tôi nhớ thì bài diễn thuyết đó liên quan đến lịch sử xây dựng Hội Tam điểm nhiều hơn là…

- Chính xác! Chắc Giáo sư biết Peter Solomon là một hội viên Tam điểm, và rất nhiều bạn bè ông ấy đến dự tiệc lần này cũng thế. Tôi tin rằng họ sẽ ưa thích chủ đề của Giáo sư.

Quả thực công việc khá dễ dàng. Langdon luôn giữ lại bản thảo của tất cả các buổi nói chuyện mà anh từng thực hiện.

- Tôi cho rằng tôi cần phải xem xét đã. Sự kiện sẽ diễn ra hôm nào nhỉ?

Viên trợ lý hắng giọng, nghe chừng bối rối…

- Chà, thật tình thì, đúng tối nay.

Langdon bật cười vang.

- Tối nay à?

- Chính vì vậy mà sáng nay mọi việc ở đây cứ nháo nhào cả lên. Viện Smithsonian đang rơi vào tình thế nước sởi lửa bỏng… - Viên trợ lý nói vội vã hơn - ông Solomon sẵn sàng cho phi cơ riêng tới Boston đón Giáo sư. Chuyến bay chỉ mất một tiếng, và Giáo sư sẽ trở lại nhà trước nửa đêm. Chắc Giáo sư đã rất quen với ga hàng không tư nhân của Sân bay Logan ở Boston rồi phải không?

- Phải, - Langdon miễn cưỡng thừa nhận. Chẳng trách Peter luôn thành công.

- Tuyệt quá! Vậy Giáo sư sẽ ra chỗ máy bay lúc… xem nào, 5 giờ được không?

- Các vị đâu có để cho tôi nhiều lựa chọn, - Langdon cười.

- Tôi chỉ muốn làm ông Solomon vui vẻ thôi.

Peter luôn biết cách khiến người ta dốc sức vì mình. Langdon cân nhắc một lúc lâu, và thấy rằng chẳng thể nào từ chối được.

- Thôi được rồi. Nhắn với Peter rằng tôi nhận lời.

- Tuyệt vời! - viên trợ lý thốt lên, thực sự trút được gánh nặng. Anh ta báo cho Langdon số hiệu máy bay và vài thông tin khác.

Gác máy xong, Langdon tự hỏi không biết có ai từ chối nổi Peter Solomon điều gì chưa.

Anh quay trở lại với món đồ uống và múc thêm hạt cà phê vào máy xay. Một chút caffeine nữa cho buổi sáng, anh nghĩ thầm. Hôm nay sẽ là một ngày rất dài.

--- ------ ------ ------ -------

1 Cầu tưởng niệm, tên tiếng Anh là Arlington Memorial Bridge, nối liền đảo Columbia với Đài tưởng niệm Lincoln tại Washington D.C. ngang qua sông Potomac. Đầu phía đông của cầu là rìa phía tây của Công viên Quốc gia, gồm Công viên West Potomac và Vườn Hiến pháp. Đầu phía tây của cầu chạy tới Nghĩa trang Quốc gia Arlington, Virginia - ND.

2 Đáy Sương mù - ND.

3 Đền Pantheon là một công trình ở Rome, nguyên thuỷ được xây làm điện thờ tất cả các thần của La Mã cổ đại, và được xây lại vào đầu thế kỷ thứ II sau Công nguyên - ND.

4 Parthenon là ngôi đền bằng đá cẩm thạch trắng thờ thần Athena, được xây dựng vào thế kỷ V trước Công nguyên ở Acropolis. Đây là công trình xây dựng nổi tiếng nhất còn lại của Hy Lạp cổ đại. Tên của đền Parthenon có nguồn gốc từ bức tượng Athena Parthenos bằng ngà voi và vàng ở căn phòng phía Đông công trình. Tên gọi cho Athena là parthenos, có nghĩa là vị nữ thần vẫn còn trinh nguyên - ND.

5 Hiệp hội Hoàng gia London về Nâng cao Kiến thức Tự nhiên, gọi tắt là Hiệp hội Hoàng gia, là một tổ chức học thuật khoa học được thành lập năm 1660 và được coi là tổ chức lâu đời nhất theo hình thức này hiện vẫn còn tồn tại. Nó cũng được xem là Viện Khoa học Anh quốc - ND.