Chương 5: Bàn về sự tiến hóa tột bậc của kẻ ngu hiếu 5

Việc nhà họ Giang tách hộ khẩu đến nhanh hơn dự tính của tất cả mọi người. Ngay sau ngày Giang Lưu giết gà, đội vợ chồng già họ Giang đã gọi vài trưởng bối và một vài cán bộ đến chủ trì việc chia nhà. Cùng nhau tiến hành phân chia phần lớn tài sản trong nhà một cách rõ ràng.

Do hai vợ chồng họ quyết định sống cùng với nhà con thứ, nên nhà chính thuộc về vợ chồng Giang Hải. Còn gian nhà vợ chồng Giang Lưu đang ở và một căn phòng nguyên được sử dụng như nhà kho được chia cho con cả.

Nói cách khác, cánh phía tây của dãy nhà thuộc về con cả, cánh phía đông và nhà chính là tài sản của con thứ. Trong nhà còn năm con gà mái, vợ chồng Giang Lưu được hai con. Nồi chén gáo bồn chia theo đầu người, thực phẩm khác cũng vậy.

Về phần tiền bạc, Miêu Thải Phượng một mực khăng khăng rằng nhà không có lấy một xu nên không phân chia. Hơn 60 đồng mà Giang Lưu nợ bệnh viện là dùng cho chính hắn, nên khoản nợ này là của riêng vợ chồng hắn.

Giang Lưu và Từ Tú Tú không dị nghị câu nào với cách chia tài sản này. Ngược lại, vì hai người quá thành thật nên những bô lão làm chứng lại nhìn không vừa mắt.

"Vợ chồng thằng Lưu vất vả chăm lo cho cái nhà này, vậy mà đến cuối cùng ngoài một khoản nợ ra không nhận được gì?"

Người lên tiếng là một trưởng lão trong tộc họ Giang. Tính theo vai vế, Giang Truyền Căn phải gọi người này là ông chú.

"Vợ Truyền Căn này, ông cậy già lên mặt khuyên con một câu: Làm gì cũng đừng quá tuyệt tình. Con ỷ vào việc vợ chồng thằng Lưu hiếu thuận mà làm càn, để chúng nó nản lòng thất vọng. Chẳng lẽ con biết chắc rằng mai này vợ chồng thằng Hải cũng hiếu thuận hệt như thằng Lưu sao?"

Không phải ông chưa từng thấy người mẹ nào bất công, nhưng đến trình độ của Miêu Thải Phượng thì cực kỳ hiếm lạ.

"Ông chú nói vậy thật không phải. Vợ chồng con hiếu thảo với cha mẹ còn không kịp, sao có thể làm ra việc gì ngỗ nghịch được?"

Vương Tuyết Mai rất hài lòng với kết quả phân chia này. Trong lòng cô biết chắc mẹ chồng có không ít tiền, mà tương lai chắc chắn sẽ thuộc về nhà cô. Nên ngay khi các trưởng lão vừa ra mặt nói giúp anh cả, cô là người đầu tiên phản đối.

"Tuyết Mai nói không sai, thằng Hải là đứa hiếu thảo, hơn nữa con và chồng còn phải dựa vào Kiến Quân, Kiến Đảng để duy trì hương hỏa. Sau này chúng nó cưới vợ xây nhà đều cần tiền, người làm ông bà phải thay tụi nó tính toán."

Miêu Thải Phượng đã suy tính cả đêm, mặc kệ bà có tệ bạc với con cả hay không thì mọi việc đều là chuyện đã rồi. Con trai cả đời này đoán chừng không thể sinh con, vì sự phát triển lâu dài của gia tộc, bà cần phải bất công mà thôi, phải giúp nhà con thứ tranh thủ thật nhiều gia sản. Vợ chồng con cả có tay có chân, lại không có gánh nặng con cái, từ từ trả hết nợ nần thì vẫn có thể miễn cưỡng sống qua ngày mà.

Miêu Thải Phượng cảm thấy bà vì nghĩ cho đại cục mới đưa ra cách chia tài sản thế này. Người khác chỉ biết đứng nhìn từ bên ngoài rồi chỉ trỏ, không có tư cách gì để phê phán bà.

"Vợ chồng con bây giờ vẫn còn ra đồng làm việc được, nên không cần nhà thằng Lưu đưa phí phụng dưỡng làm gì. Chờ đến khi vợ chồng con trăm tuổi, nhà chính để lại cho vợ chồng thằng Hải, phần tài sản này xem như là dùng làm phí dưỡng lão."

Miêu Thải Phượng nhìn thấy sự bất mãn trên mặt các trưởng lão, bà nói tiếp: "Đến khi vợ chồng con 70 tuổi không thể làm việc được nữa, nếu lúc đó vợ chồng thằng Lưu đã trả hết nợ rồi mà lại có lòng đưa tiền dưỡng lão thì tốt. Không có cũng chẳng sao, con không oán trách gì. Nhưng nếu lỡ như con và cha nó bệnh nặng, thì tiền chữa trị cần vợ chồng nó góp một phần, cũng dựa theo kết quả phân chia ngày hôm nay, bỏ ra 1/3 là được. Ông chú, ông cho rằng con phân chia như vậy còn chưa công bằng sao?"

Nghe xong lời này thật đúng làm người ta khó mà nói được thêm điều gì.

Bởi vì cách Miêu Thải Phượng chia nhà tương đương với việc dùng tài sản trong nhà để phân chia trách nhiệm dưỡng lão trong tương lai. Người nào thừa kế nhiều thì ngày sau cũng phải bỏ ra nhiều. Nhưng cách làm này thật sự công bằng sao? Chưa chắc!

Mọi người đều biết dãy nhà cũng xem như là còn mới này, mỗi một viên ngói, viên gạch là ai xây thành. Người ta cũng biết anh em Giang Hải Giang Quyên có thể đi học là do công ai vun vén.

Tài sản hiện giờ của nhà họ Giang có hơn một nửa là công sức của vợ chồng Giang Lưu. Bây giờ lại dùng của cải do bọn họ làm ra để phân chia, về bản chất thì việc này đã sai rồi.

Chỉ là có con cả nhà ai mà không như thế. Trong thời buổi này, đứa lớn nhất phụ giúp cha mẹ kiếm sống, chăm sóc các em, lúc nào cũng là đứa con thiệt thòi nhất.

Huống chi mọi người đã quá rõ thói bất công của Miêu Thải Phượng. Bây giờ bà ta chịu lui một bước, bày tỏ bản thân không cần vợ chồng Giang Lưu dưỡng lão, cũng đã là bớt đi một gánh nặng không nhỏ cho hai người.

"Thưa ông chú, con và Tú Tú có tay có chân, không chết đói được. Mọi người quan tâm đến con, con xin ghi nhớ. Còn quyết định của mẹ đã như vậy rồi, vợ chồng con cũng xin nhận."

Giang Lưu thấy chia tài sản kiểu này cũng tốt. Bản thân vốn ở vào thế yếu, hoàn cảnh này càng gợi được sự đồng cảm. Sau này có thể dựa vào phần dư luận thương xót này chống lại hiếu đạo, bất kể hắn làm ra chuyện gì, việc đầu tiên người ta nghĩ đến phải là hắn đã chịu uất ức nhiều năm. Hắn sẽ không phải thỏa hiệp với ân sinh ân dưỡng đè nặng trên đầu.

"Chậc!"

Giang Lưu đã chấp nhận rồi, người ngoài còn có thể nói được gì, chỉ có thể thay hắn ai thán tiếc hận.

"Truyền Căn à, sau này con sẽ hối hận!"

Đây là câu nói mà Giang Truyền Căn nghe nhiều nhất trong hôm nay. Tất cả mọi người đều cảm thấy ông ta ép một đứa con hiếu thảo như vậy xa cách mình, đó là sai lầm lớn nhất trong đời.

Lúc đầu Giang Truyền Căn còn nghe vào. Nhưng lâu dần, ông ta bắt đầu hình thành tâm lí phản nghịch.

Mọi người đều một hai cho rằng con thứ tương lai không thể nào hiếu thảo được, còn liên tục bênh vực Giang Lưu mà lên án hắn. Tình hình này làm hắn cảm thấy người ta đặt Giang Lưu ở vị trí cao hơn, rõ ràng hắn là cha của Giang Lưu mà.

Bất chấp mọi người có suy nghĩ ra sao, việc chia nhà, chia gia sản đã kết thúc.

Đội 3 của đại đội sản xuất Hồng Tinh mà nguyên thân tham gia có một mảnh đất mặn kiềm(1) khá lớn. Đất này không thích hợp cho cây nông nghiệp sinh trưởng, không thể trồng lúa nước, lúa mạch, nhưng nó lại rất thích hợp để trồng hoa hướng dương. Sản lượng hạt hướng dương thu hoạch hàng năm đem về cho đội thu nhập rất cao, vì vậy có không ít người gọi đội 3 là đội hướng dương.

(1)Đất mặn kiềm là đất có nồng độ muối cao như đất mặn và trao đổi Na cao như đất kiềm. Đất này có pH<8,5. Khi rửa mặn cho đất này, Na trao đổi thủy phân sẽ làm tăng pH, hình thành đất kiềm.

Tuy nhiên, ngoài thích hợp trồng hoa hướng dương thì đất mặn kiềm còn thích hợp cho cỏ tranh sinh trưởng. Hàng năm, việc xử lí cỏ dại có sức sống còn mãnh liệt hơn cả hoa hướng dương luôn là việc đau đầu nhất của cả đội.

Thời buổi này cỏ tranh không đáng bao nhiêu tiền, trừ một số người phụ nữ biết đan lát đến lấy cỏ về đan chiếu, bện giày rơm ra, còn lại chỉ để nhóm lửa, hầu như không còn bất cứ giá trị kinh tế nào. Trái ngang là cỏ tranh lại có sức sống ngoan cường, cắt một vụ thì vụ mới lại mọc lên, không có cách nào diệt sạch.

Giang Lưu đã có ký ức của nguyên thân, hắn nhìn chằm chằm cỏ tranh không được sử dụng chất đống xung quanh, đồng thời suy nghĩ cách kiếm trong thời gian sắp tới.

Mọi người đều biết hắn cần phải an dưỡng, Giang Lưu danh chính ngôn thuận đến gặp đội trưởng Quản Đại Ngưu xin nghỉ hơn nửa tháng. Thừa lúc nghỉ ngơi, hắn tranh thủ vận chuyển cỏ tranh về nhà, trải chúng ngoài sân trống phơi nắng.

"Tú Tú, cậu Lưu nhà cô mang nhiều cỏ tranh về nhà như vậy làm gì?"

Có người tò mò về hành động của Giang Lưu, muốn đan giỏ đan chiếu cũng không cần dùng nhiều cỏ tranh như vậy. Vì vậy những người có quan hệ tương đối thân thiết với nhà họ đến tìm Từ Tú Tú để hỏi thẳng.

"Mọi người đều biết chồng tôi không chịu được nhàn rỗi mà. Vì bác sĩ đã dặn dò anh ấy phải nghỉ ngơi cẩn thận, nếu không anh ấy đâu nỡ bỏ phần điểm công trên đồng. Vậy nên chồng tôi định dùng cỏ tranh đan giỏ và giày xăng đan, để một ít ở nhà dùng, số còn lại mang ra chợ xem có ai muốn trao đổi hàng hóa hay không."

Từ Tú Tú giải thích hành động của Giang Lưu cho những người thắc mắc. Sau khi "bè lũ bốn tên"(2) bị lật đổ, họp chợ bị hủy bỏ trước đó đã được khôi phục lại, người dân có thể tụ tập lại để trao đổi hàng hóa dư thừa trong nhà, việc này không phạm pháp.

(2)"Bè lũ bốn tên" được cho là lực lượng phản Cách mạng trong Cách mạng Văn hóa và bị chính phủ Trung Quốc chính thức quy trách nhiệm về những hành vi quá mức tồi tệ nhất của sự hỗn loạn xã hội xảy ra sau đó trong 10 năm xáo trộn. Sự sụp đổ của họ là vào ngày 6 tháng 10 năm 1976, chỉ một tháng sau khi Mao Trạch Đông qua đời.

Mỗi tháng có hai lần họp chợ, không chỉ có thôn dân quanh đây, mà cả người ở trấn trên và huyện thành cũng tham gia. Họ đổi các loại tem phiếu mua hàng công nghiệp và một vài loại phiếu mà người dân ở đây không có để lấy rau dưa sạch, trứng gà tự nuôi trồng của nông dân.

Nghe Từ Tú Tú giải thích xong, lòng hiếu kỳ của mọi người giảm xuống. Bọn họ không mấy xem trọng ý tưởng bện giày đan giỏ rơm để đổi hàng hóa của Giang Lưu.

Trên thực tế, từ sớm đã có người nghĩ tới việc bện giày rơm để đổi hàng hóa, nhưng họ đã quên một vấn đề, người ở thành thị đi giày vải, vừa chắc chắn vừa thoải mái hơn. Những thứ như giày cỏ không ai cần tới. Còn người dân quanh thôn hầu hết đều biết làm mấy thứ này, kết quả giày cỏ không bán được, chỉ có thể để trong nhà dùng.

Giỏ rơm cũng tương tự như vậy, vào mùa hè cũng bán khá ổn. Nhưng một cái giỏ bảo quản tốt có thể dùng được đến mười mấy hai mươi năm, thậm chí còn có thể lâu hơn. Nhu cầu về số lượng cũng không lớn, mà thời gian đan một cái giỏ lại vượt xa giá trị nó mang lại.

Đã có nhiều người thất bại làm gương, người dân xung quanh không còn để ý đến việc kinh doanh mặt hàng này nữa. Thỉnh thoảng có lấy có tranh về cũng chỉ để phục vụ nhu cầu cá nhân.

Nhưng tình hình hiện tại của Giang Lưu cũng không làm được việc khác, tìm một vài việc làm giết thời gian cũng được. Tuy mọi người đều cảm thấy việc buôn bán này ắt không thành, nhưng cũng không nói những lời đả kích đôi vợ chồng trẻ.

Mà Giang Lưu không được mọi xem trọng lúc này đang làm gì? Hắn lên núi hái được rất nhiều hoa dại, sau đó phân loại theo màu sắc, rồi băm nhuyễn thành bùn hoa. Xong việc, hắn ngâm cỏ tranh đã phơi khô ngập trong bùn hoa. Sau một đoạn thời gian, Giang Lưu đem cỏ tranh đã nhiễm màu hoa ra phơi nắng lần nữa.

Cách nhuộm đơn giản này có hạn chế về số lượng màu sắc, đồng thời phần lớn hoa dại trên núi đều là màu vàng và màu đỏ, sắc thái cũng hạn chế. Nhưng so với tông màu vàng xanh của cỏ khô thì vẫn phong phú hơn.

Công đoạn chuẩn bị đã hoàn thành Giang Lưu mới bắt tay vào việc đan lát.

Ở thời đại mà hắn sống, đan rơm là một nghề rất thịnh hành. Ngày đó, hắn và ông nội sống nương tựa vào nhau, hai ông cháu làm nghề đan rơm kiếm sống. Một cái giỏ rơm có thể kiếm được 8-15 đồng. Nếu bọn họ nhanh tay, một ngày có thể đan được đến năm cái, tiền kiếm được cũng đủ để ông cháu chi tiêu hàng ngày.

Đương nhiên là đan rơm nhưng không chỉ đơn giản là đan rơm, phải bện thành hoa văn, không ngừng sáng tạo hình dạng và sắc thái. Sản phẩm đan rơm truyền thống không có thị trường tiêu thụ.

Giang Lưu đang đan giỏ rơm, thỉnh thoảng lại thêm vào vài sợi cỏ tranh đã bị nhuộm thành màu đỏ. Ban đầu hắn còn chưa quen tay, sau đó tốc độ càng lúc càng nhanh, hơn một giờ sau, một cái giỏ rơm tròn tròn đã thành hình trong tay hắn.

Cái giỏ rơm này to chừng hai bàn tay, cao không đến mười phân, tương tự như một cái giỏ trái trái cây. Đáng ngạc nhiên là hắn dùng cỏ tranh màu đỏ đan thành một chữ Hỷ (囍), trông vô cùng mới lạ.

Giang Lưu đan một đôi giỏ đựng trái cây như thế xong, lại đan thêm vài kiểu dáng mới.

Vài ngày nữa là họp chợ diễn ra, hắn muốn tiến hành lần khảo sát thị trường đầu tiên.