Chương 104: Ba Người Tiến Đến

Điểm tâm ăn được một nửa thì ba Hứa đột nhiên nhận được một cú điện thoại. Sau khi nhận điện, ông về bàn ăn vội cho xong chén cơm rồi nói: “Ba đi trấn Long Sơn một chuyến!”

“Ba!”, Hứa Luật nhận thấy sắc mặt ba có chút thay đổi: “Có việc gì ư?”

Ba Hứa vừa mặc áo khoác vừa nói: “Một đứa trẻ mất tích trở về!”

Hứa Luật biết ba mình vẫn còn đang theo một vụ án mất tích.

Vào cuối năm 2009 đầu năm 2010, ba Hứa từng bị điều đến một địa phương tên Long Sơn, đây là một trấn nhỏ nằm sát biên giới. Vụ án mất tích chính là phát sinh ở trấn này.

Ngay khi vụ án xảy ra ba cô đã hoàn thành chuyến công tác, đang chuẩn bị để về lại thành phố Z; thêm vào đó mấy tháng xa nhà nên ông cũng nhớ vợ và con gái nên vẫn quyết định về nhà. Thế nhưng trong lòng ông vẫn canh cánh vụ án mất tích đó. Bây giờ thân ở thành phố Z cũng không thể quản được một nơi xa như vậy, nên có nhờ bên ấy nếu có tin gì thì thông báo liền cho ông.

Mấy năm qua, vẫn có người bị mất tích ở trấn nhỏ ấy, vậy mà đồn cảnh sát lại không coi trọng chuyện này.

Đối với tình huống này, dù ba Hứa có lòng nhưng không đủ lực. Đã từng làm việc nên ông cũng hiểu trong vụ án đó cảnh viên có sơ sẩy, có lười biếng; thế nhưng không thể đem toàn bộ mọi sai lầm và trách nhiệm đổ lên đầu bọn họ. Chỉ vì do cơ sở vật chất cùng hoàn cảnh còn nhiều hạn chế khiến cho công tác điều tra liên tục gặp khó khăn.

Nói đến trấn Long Sơn, một trấn nhỏ nằm ở vùng biên giới, do điều kiện kinh tế không phát triển khiến người dân buộc phải chuyển đi đến các khu thành thị lớn làm ăn. Theo bên phía đồn cảnh sát giải thích, năm rồi cũng có người báo án mất tích. Kết quả sau khi tìm đông tìm tây phát hiện thì ra người ta chạy đi nơi khác kiếm sống. Chuyện như thế này đâu phải một lần, hai lần. Do vậy nên từ đó về sau bên phía cảnh sát cũng chán.

Bây giờ nhận được tin đứa trẻ mất tích quay trở về, ông không thể ngồi yên được nữa.

“Chuyện bên cảnh sát thì ông mặc kệ đi, lo nhiều như vậy làm gì!!!”, mẹ Hứa hơi khó chịu: “Ông tới thì có ích lợi gì?”

“Tôi chỉ đến xem qua một chút!”, ba Hứa đứng dậy tính trở về phòng thu thập vài món đồ đơn giản để vào vali rồi gọi cho lãnh đạo bên Cục cảnh sát thành phố Z xin nghỉ phép … Mấy năm qua ông đã cống hiến cho bên Cục không ít, đã là ‘lão đại' trong Cục nên phía lãnh đạo rất thoải mái cho phép.

Mẹ Hứa đặt chén cơm lên bàn, khuôn mặt rầu rĩ: “Đã lớn tuổi lắm rồi mà cứ nghĩ mình còn thanh niên, cuồng công việc quá mức …. Lại còn không phải nơi ông ấy quản nữa chứ …”

“Mẹ! Ba là người biết chừng mực!”, Hứa Luật khuyên can mẹ. Cô cũng không yên lòng để ba mình đi một mình, đang suy nghĩ không biết nên làm thế nào thì nghe thấy Đường Tố lên tiếng: “Cháu cùng Hứa Luật đi với bác trai!”

Mẹ Hứa nghe vậy: “Nhưng … còn công việc của các con …” Nếu con gái bà đi cùng dĩ nhiên là quá tốt, bà cũng an tâm hơn.

“Bọn con gọi điện thoại báo tình hình có thể xin nghỉ phép”, Hứa Luật nhanh chóng đáp lời, rút điện thoại di động gọi một cuộc.

Chờ ba Hứa đi ra thì Hứa Luật cũng kéo vali trên tay từ trên lầu đi xuống: “Ba! Bọn con đi theo ba luôn!” Cô vừa gọi cho Tô Tử Khiêm nói sơ qua sự việc.

Ba Hứa vốn là muốn cự tuyệt nhưng ông suy nghĩ một chút rồi trả lời: “Được!” Ông nghĩ nếu có Đường Tố đi cùng chắc chắn anh sẽ hỗ trợ quan sát tình huống.

Ba người hành lý gọn nhẹ, cùng nhau đi đến trấn Long Sơn.

Đến được Long Sơn, họ không đến ngay đồn cảnh sát mà đến một nông trang nhỏ.

“Cảnh sát Hứa đến rồi!”, một người đàn ông trung niên, nước da ngăm đen mở cửa đón họ vào trong.

Bước vào căn nhà nhỏ, Hứa Chí Siêu đi thẳng vào vấn đề: “Tôi nhận được tin của anh liền lập tức đến đây. Tình hình hiện tại thế nào?”

Người đàn ông trung niên họ Trương, tên Trương Ngọc Thuận. Đứa con trai bảy tuổi của ông mất tích năm 2008. Khi ấy, ông ta đến đồn cảnh sát báo án. Cảnh sát lấy thông tin cơ bản xong xuôi thì nói với ông một câu ‘Khi nào có mang mối sẽ báo cho ông’. Sau đó … không có sau đó. Về sau, ông bỏ tiền thông báo tìm trẻ lạc trên các tờ báo và truyền hình địa phương, nhưng đều không có tin tức.

Hứa Chí Siêu quen biết Hứa Ngọc Thuận năm 2010.

Khi đó, Trương Ngọc Thuận nhận được một cú điện thoại, hắn nói con ông ta đang trong tay bọn chúng, phải đem ba vạn tệ đến thì sẽ thả người.

Trương Ngọc Thuận vét hết tiền của trong nhà,bỏ vào trong một chiếc túi màu đen, rồi mang đến ngân hàng chuyển tiền. Đồng một trăm đồng có hơn mười cục do vậy khi đi, ông ta khệ nệ xách một túi lớn.

Lúc điền thông tin, Hứa Chí Siêu đứng ngay sau lưng ông. Ông nhận thấy tâm trạng của ông ta có chút dị thường. Trực giác của cảnh sát báo cho ông biết có vấn đề nên tiến về phía trước hỏi han ông ta một chút. Đầu tiên Trương Ngọc Thuận cứ ấp a ấp úng, không nói thật tình, sau đó Hứa Chí Siêu nói rõ thân phận của ông, ông ta mới dám kể.

Hứa Chí Siêu nghe xong liền ngăn cản ông ta chuyển tiền. Sau khi điều tra, ông phát hiện là do một tên lưu manh sống cùng thôn với Trương Ngọc Thuận bày ra trò này.

Hứa Chí Siêu vẫn còn nhớ như in, sau khi ông vạch trần âm mưu đó, Trương Ngọc Thuận mắt ngấn nước: “Tôi tình nguyện để bọn họ tiếp tục lừa tôi, chí ít ra tôi cũng tự lừa bản thân mình rằng Hổ Tử không có chuyện gì …”

Cho đến tận bây giờ, Trường Ngọc Thuận vẫn chưa từ bỏ hi vọng tìm được đứa con trai, đối với ông mà nói, không có tin gì cũng là một loại tin tức tốt.

Nhận điếu thuốc từ tay Hứa Chí Siêu, nhen lửa, ông ta hít một hơi, giọng có chút nặng nề: “Là con của Vường Thành Hùng, tình hình … Không tốt lắm.”

Hứa Luật chú ý khi Trương Ngọc Thuận nói mấy lời này, bàn tay đang cầm điếu thuốc vô thức run rẩy, sau đó lại hít một hơi thật sâu mới ổn định được tinh thần: “Đợi trời tối một chút, tôi đưa mọi người qua đó.”

Hứa Luật đánh giá nông trang nhỏ này, có thể nhìn ngay được chủ hộ điều kiện kinh tế không tốt lắm. Trước đây cô cũng đã nghe ba mình kể qua tình hình của Trương Ngọc Thuận. Vì sự mất tích của con trai mà vợ ly hôn với ông ta. Vốn là một gia đình hạnh phúc thì khi ấy phải tan đàn xẻ nghé, vợ con ly tán.

Khoảng năm giờ chiều, sắc trời tối sầm.

Theo sự chỉ dẫn của Trương Ngọc Thuận, ba người bọn họ đi đến nhà của Vương Thành Hùng.

Con trai của Vương Thành Hùng là Vương Chí Minh, mất tích năm 2012. Lúc mất tích nó được chín tuổi. Trông thấy Vương Chí Minh, Hứa Luật mới hiểu được câu nói của Trương Ngọc Thuận ‘Tình huống không tốt lắm’ vẫn còn là nhẹ.

Vương Chí Minh, mười hai tuổi, vừa đen vừa gầy, hai chân bị cắt đứt, lưỡi cũng bị cắt, một từ hoàn chỉnh cũng không thể nói ra, đôi mắt tràn đầy sợ hãi. Nó do một người cùng thôn phát hiện khi đang ăn xin ở đầu đường tỉnh lân cận.

Vợ của Vương Thành Hùng khóc đến sưng mắt, Vương Thành Hùng hai mắt đỏ au. Hai người bọn họ dĩ nhiên cũng chẳng muốn nói chuyện nhiều, nhìn con của mình bộ dạng ra thế này, đối với gia đình bọn họ mà nói đau không bút nào tả xiết.

Lúc rời khỏi nhà Vương Thành Hùng, tâm trạng Hứa Luật cực kỳ nặng nề, nhìn bộ dáng của Vương Chí Minh cô lập tức nghĩ đến bọn họ buôn người để ăn xin.

Bọn tội phạm bắt cóc trẻ em, sau đó đánh chúng thành tàn phế để cho bọn chúng đi ăn xin. Bình thường mà nói, đứa bé so với người lớn lại càng dễ người ta cảm thông hơn, do vậy xin cũng được nhiều tiền hơn. Hơn nữa, lứa tuổi còn nhỏ ăn cũng ít, năng lực phản kháng yếu, đợi chúng nó lớn thì phần lớn đều bị vứt bỏ.

Ba người trở về khách sạn trên trấn, vừa vào đến phòng khách khách sạn, có hai người một mập một gầy đi đến trước mặt bọn họ, tiến về Hướng Chí Siêu chào hỏi một tiếng: “Anh Hứa! Đến đây rồi sao không thông báo một tiếng.”

Hứa Chí Siêu run lên một cái, sau khi nhận ra thân phận hai người bọn họ là cảnh viên trong đồn, đồng thời cũng là cộng sự của ông khi ấy. Người có bề ngoài mập mạp là Lưu Tử, còn người kia là Tiểu Triệu.

“Tiểu Triệu nói với em là trông thấy anh, em còn không tin … Không ngờ lại là anh thật!”, Lưu Tử hớn hở nói. Anh ta khoảng chừng bốn mươi tuổi, khi cười trông khá giống phật Di Lặc.

Tiểu Triệu trẻ hơn Lưu Tử, khoảng chừng ba mươi tuổi, đứng một bên phụ họa: “Em đã nói là anh Hứa mà anh Lưu không tin. Sau đó em đến khách sạn phải kiểm chứng liền.”

Lưu Tử: “Anh Hứa đến đây lần này để du lịch?”

Sau khi rời khỏi trấn Long Sơn, vì vẫn còn bận tâm chuyện của Trương Ngọc Thuận nên thỉnh thoảng vẫn gọi cho Lưu Tử, nhờ bọn họ để ý đến ông ta một chút. Nghe qua điện thoại bọn họ vâng vâng dạ dạ, thế nhưng lại chạy đến cảnh cáo Trương Ngọc Thuận không được gây thêm chuyện, có tin tức sẽ thông báo cho ông ta.

Chuyện này là sau này Hứa Chí Siêu mới biết, ngay lập tức ông gọi cho bọn họ nói cách làm như vậy ông không hề đồng ý. Từ đó về sau, ông không liên lạc với bọn họ mà mọi thông tin mất tích của đứa nhỏ ông đều gọi trực tiếp cho Trương Ngọc Thuận.

Mấy năm vừa qua, ông nghĩ đến không ít phương pháp, ví như liên hệ với bên lãnh đạo Cục cảnh sát trấn Long Sơn, thế nhưng đây không phải là phạm vi ông quản lý, nên hiệu quả rất thấp.

Hứa Chí Siêu cũng hiểu rõ bọn Lưu Tử không thích ông, là ‘người ngoài’ nhúng tay vào chuyện bọn họ nên giờ đây ông chỉ đứng bên cạnh Hứa Luật cười cười nói: “Trước kỳ nghỉ đông, con gái tôi nói muốn xem qua nơi công tác trước đây của ba, nên tôi dẫn nó đến đây tham quan.”

Lưu Tử nhìn hai người Đường Tố và Hứa Luật, cười ha hả: “Vậy hôm nay để tôi làm hướng dẫn viên cho các anh chị.”

“Không cần làm phiền đâu!”, Hứa Chí Siêu uyển chuyển dùng ngôn từ cự tuyệt: “Mọi người cũng bận bịu, tôi đâu phải lần đầu tiên đến đây … Không cần mất thời gian đâu.”

Tiểu Triệu lên tiếng: “Anh Hứa đã bao năm không đến, Long Sơn bây giờ biến đổi không ngừng, khác xa so với lúc anh còn ở đây. Mọi người cũng lâu lắm không gặp anh … Để em gọi bọn họ qua đây tụ tập, chào hỏi anh một tiếng.”

“Tiểu Triệu …”, Hứa Chí Siêu đưa tay muốn cản hắn ta, Lưu Tử liền kéo tay ông lại: “Anh Hứa đừng khách sáo. Hơn nữa đây là lần đầu tiên cô con gái cưng của anh đến trấn Long Sơn của bọn em, em phải tròn chức trách làm chủ chứ!”

Hứa Chí Siêu biết từ chối cũng vô dụng nên đành đồng ý.

Lưu Tử đặt một bàn lớn ở nhà hàng có tiếng nhất vùng, ngoại trừ ba Hứa Luật, Lưu Tử, Tiểu Triệu còn có thêm vài cảnh viên khác, ngồi đầy bàn. ‘Anh một câu, tôi một câu’ bầu không khí thật náo nhiệt.

“Đội trưởng Tôn đâu? Làm sao không gọi anh ấy đến đây luôn.” Hứa Chí Siêu nhìn bao quát mọi người thì thiếu mất Đội trưởng Tôn của đồn cảnh sát trấn Long Sơn năm đó.

Lời ông vừa dứt, bầu khí trong bữa tiệc đột nhiên trở nên lạnh lẽo.