Chương 13: Ánh dương nơi cuối đường

Sau khi ca cấp cứu gần như kết thúc, một bác sĩ trưởng ca bước ra ngoài, trên gương mặt ông không che giấu được vẻ căng thẳng. Ông tiến về phía ba và bà ngoại, những người đã chờ đợi trong sự lo lắng suốt thời gian dài.

Ba cô và bà ngoại nhanh chóng đứng dậy, đôi mắt họ tràn ngập hy vọng và lo lắng. Bác sĩ nhìn họ một cách nghiêm túc rồi nói:

"Hai người họ đã qua cơn nguy kịch và giữ được mạng sống. Tuy nhiên, do mất máu quá nhiều và tổn thương nghiêm trọng, họ hiện đang hôn mê sâu. Chúng tôi không thể xác định chính xác khi nào họ sẽ tỉnh lại. Có thể là một tháng, một năm, hoặc thậm chí là 10 năm, 20 năm, hoặc mãi mãi không tỉnh lại nữa."

Cả ba cô và bà ngoại lặng đi trong giây lát, cảm giác nặng nề trĩu xuống. Nhưng trong sự đau đớn và lo sợ ấy, vẫn còn một tia hy vọng mỏng manh.

Bà ngoại, với giọng nghẹn ngào khó tả, cố gắng tìm kiếm điều tích cực trong tình huống đầy bi kịch này, nói:

"Còn sống là tốt rồi, còn sống là còn hy vọng."

Giọng nói của bà tuy yếu ớt nhưng chứa đựng sự kiên định. Đôi mắt bà rưng rưng nhưng không hề ngừng sáng lên niềm tin. Bà biết rằng chừng nào Tạ Văn và Hinh Nhi còn sống, thì vẫn còn cơ hội cho họ, dù cho phải chờ đợi bao lâu đi chăng nữa.

...

Cảnh sát đã vào cuộc điều tra tình hình, nhưng mọi việc chẳng đi đến đâu, phòng của họ là phòng kín, hơn nữa trên dao chỉ có dấu tay của bọn họ. Cuối cùng họ đưa ra kết luận 2 người họ cùng nhau tự sát...

Một kết luận vội vã nhưng là kết luận thuyết phục nhất...

...

Không lâu sau, bà ngoại ngồi lại nói chuyện với Lộ Khiết. Bà lý giải lý do tại sao dòng họ lại có quy tắc vô lý như vậy. Mỗi khi người trong dòng họ yêu, sau đó ở thời khắc họ và người họ yêu hạnh phúc nhất, tai họa sẽ ập đến, hầu như là cướp mất sinh mạng của họ.

Bà ngoại và ba cô chỉ là không ngờ đến thời điểm Tạ Văn và Hinh Nhi hạnh phúc nhất lại là sau khi đám cưới hoàn thành. Nếu biết, bà ngoại và ba cô sống chết cũng không để đám cưới diễn ra.

Cũng chính vì vậy, mẹ của Lộ Khiết ban đầu nhận lời yêu của ba cô vì bà vốn dĩ không nghĩ sẽ yêu ông, mục đích ban đầu là vì quyền lực và danh tiếng. Nhưng sau đó, mẹ phát hiện mẹ càng ngày càng có tình cảm với ba. Điều này khiến bà lo sợ, nhất là khi một người trong dòng họ đột nhiên qua đời sau khi công khai người yêu và được gia đình chấp nhận. Để bảo toàn tính mạng cho bản thân và ba cô, lo lắng cho hạnh phúc của cô, mẹ đã chọn cách rời bỏ mà không nói lời nào với ba. Chỉ khi ba cô nhớ thương mẹ đến mức phát bệnh phải nhập viện, bà ngoại mới tiết lộ sự thật.

Ban đầu, ba cô cũng hơi lung lay, bởi ba đã hứa đời này không nghi ngờ những điều mẹ cô đã nói, ba cô sẽ nguyện tin tưởng một cách trọn vẹn, cơ mà ông thân là cảnh sát, lại là người có học, sao có thể ngay lập tức tin một chuyện không có khoa học như vậy. Nhưng sau khi điều tra về cái chết của người kia một thời gian dài mà nhận thấy không có manh mối rõ ràng, ông dần dần tin vào lời nguyền. Chú của Lộ Khiết lúc đó ở xa, không biết chuyện và cũng không tin vào mê tín. Khi họ kể về lời nguyền, chú nhất quyết không nghe theo và làm theo ý mình.

Bà ngoại cũng nói thêm rằng cái chết của ông ngoại cũng do lời nguyền này mà mất. Bà mạng lớn, may mắn sống sót nhưng không thể nhớ được đã có chuyện gì xảy ra, như thể kí ức đã bị xóa sạch về ngày định mệnh đó.

Sau cuộc trò chuyện, họ vẫn tiếp tục cuộc sống của mình. Lộ Khiết, nhờ những lời giải thích của bà, đã tìm được câu trả lời cho vô vàn thắc mắc của bản thân từ ngày thơ dại. Họ tiếp tục mong chờ cho sự hồi phục của Tạ Văn và Hinh Nhi.

Tuy nhiên, rất lâu, rất rất lâu sau, Tạ Văn và Hinh Nhi vẫn không tỉnh lại. Ba và bà ngoại vẫn ngày ngày đến bệnh viện thăm và chăm sóc cho họ, vẫn tin tưởng vào một ngày họ có thể mở mắt ra nhìn mọi người, nở nụ cười hiền hòa, nói cười với mọi người. Họ biết rằng chừng nào Tạ Văn và Hinh Nhi còn sống, còn thở, họ sẽ không bao giờ từ bỏ. Trong lòng họ, niềm tin vào giấc mơ về cảnh gia đình họ quây quần bên nhau, cười đùa với nhau như ngày nào luôn là ngọn đèn sáng dẫn lối, bất kể thời gian có trôi qua bao lâu đi chăng nữa.

Cứ như vậy...

Một tháng trôi qua...

Rồi lại một năm...

Hai năm...

Ba năm...

Năm năm...

Tám năm...