Chương 5 - P1- C5: Ông Kẹ Và Phù Thủy
Chúng tôi đang hướng về nơi mà Thầy Trừ Tà gọi là “Căn nhà mùa Đông” của mình.
Khi chúng tôi đang cuốc bộ, những đám mây cuối cùng của buổi sáng tan đi và tôi chợt nhận ra một điều khác biệt về mặt trời. Ngay cả khi ở trong Hạt, thi thoảng mặt trời cũng chói chang vào những ngày đông, thế cũng tốt vì như vậy thường là ít nhất trời cũng sẽ không mưa; nhưng cứ mỗi đầu năm mới có một khoảnh khắc bạn bỗng cảm nhận được hơi ấm đầu mùa. Cảm giác giống như là một người bạn cũ đã quay về. “Hôm nay là ngày đầu xuân này, anh bạn,” thầy bảo, “thế nên chúng ta hãy đi đến Chipenden nào.”
Nói điều này ra nghe thấy kỳ kỳ. Thế ra thầy khi nào cũng đến Chipenden vào ngày đầu tiên của mùa xuân hay sao, mà nếu là thế thật, thì tại sao cơ chứ? Vậy là tôi mở miệng hỏi thầy.
“Ba tháng hè. Mùa đông chúng ta sinh hoạt ven rìa Bãi Hoang Anglezarke còn mùa hè thì ở Chipenden.”
“Con chưa bao giờ nghe đến Anglezarke. Đó là ở đâu thế ạ?” tôi hỏi.
“Ở mũi cực Nam của Hạt đấy anh bạn. Là nơi ta được sinh ra. Gia đình ta đã sinh sống ở đó mãi cho đến khi bố ta chuyển cả nhà đến Horshaw.”
Mà thôi, ít ra là tôi đã từng nghe về Chipenden, thế nên tôi thấy an lòng hơn. Tôi chợt vỡ lẽ ra rằng, làm chân học việc cho Thầy Trừ Tà thì chẳng những tôi phải ngao du rất nhiều mà còn phải học cách tự tìm ra đường đi nữa.
Chúng tôi chẳng chút chần chừ đổi hướng về phía đông – Bắc, hướng đến những ngọn đồi xa xa. Tôi không hỏi thêm câu nào, nhưng đêm đó, khi một lần nữa chúng tôi lại trú trong một kho cỏ lạnh lẽo và bữa tối lại chỉ là vài miếng phô mai vàng vàng, dạ dày tôi bắt đầu nghĩ rằng cổ họng mình đã bị cắt bỏ. Trước giờ tôi chưa khi nào đói thế này.
Tôi thắc mắc không biết đến Chipenden chúng tôi sẽ ở đâu và liệu ở đó chúng tôi có kiếm được thứ gì tử tế mà ăn không nữa. Tôi không quen ai đã từng đến đó nhưng nơi ấy được cho là một nơi hẻo lánh, kém thân thiện nằm đâu đó giữa những vùng đồi đá – là những ngọn đồi xám xịt tia tía mà từ nông trại của bố tôi nhìn ra chỉ thấy được mang máng. Với tôi, những ngọn đồi ấy luôn trông như những con quái vật khổng lồ đang ngủ yên, nhưng có lẽ đấy là do lỗi của một trong những ông bác của tôi, bác ấy thường hay kể cho tôi nghe những câu chuyện như thế. Bác kể rằng, vào ban đêm, những ngọn đồi ấy sẽ bắt đầu nhúc nhích, thế rồi đến bình minh toàn bộ vài ngôi làng nhiều khi biến mất hẳn khỏi mặt đất vì đã bị nghiền nát thành bụi dưới sức nặng của những ngọn đồi kia.
Sáng ngày hôm sau, một lần nữa những đám mây xám đen lại che khuất mặt trời và có vẻ như là chúng tôi phải đợi thêm một thời gian nữa mới được thấy ngày thứ hai của mùa xuân. Gió cũng mạnh hẳn lên, gió thốc vào quần áo chúng tôi khi chúng tôi chầm chậm bắt đầu leo lên sườn đồi, gió thổi tung đám chim bay xáo xác lên trời, những đám mây rần rật đua nhau dạt về hướng Đông để che phủ đỉnh đầu của các ngọn đồi.
Nhịp bước thầy trò tôi chậm chạp nhưng tôi lại lấy đó làm mừng vì mỗi bên gót chân tôi đã phồng rộp lên đau đớn. Vậy nên mãi đến quá trưa chúng tôi mới đến gần Chipenden, lúc đó ánh sáng ban ngày đã bắt đầu phai nhạt.
Khi ấy, dù trời vẫn còn rất gió, bầu trời lại đã quang mây và những ngọn đồi đá tia tía sắc nhọn trên nền trời. Gần suốt quãng đường đi, Thầy Trừ Tà hầu như chẳng nói chẳng rằng nhưng đến lúc này, thầy như đang rất phấn khích khi gọi tên lần lượt từng ngọn đồi một. Những cái tên như là Mỏm Parlick, ngọn đồi này gần Chipenden nhất; những đồi khác – vài ngọn nhìn thấy rõ, vài ngọn xa xăm ẩn mình – được gọi là Gò Mellor, Đồi Yên Ngựa và Đồi Chó Sói.
Khi tôi hỏi thầy mình liệu có con chó sói nào trên ngọn Đồi Chó Sói đó không thì thầy tôi chỉ thoáng cười gằn. “Anh bạn nhỏ à, ở đây vạn vật thay đổi nhanh lắm, và chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác.”
Đến lúc những mái nhà đầu tiên của ngôi làng hiện ra trước mắt, Thầy Trừ Tà chỉ vào một con đường mòn chật hẹp từ con lộ chính rẽ ra ngoằn ngoèo đi ngược lên đến bên dòng suối nhỏ ồng ộc chảy.
“Lối này về nhà ta,” thầy bảo. “Lộ trình có dài hơn một chút nhưng đi đường ấy có nghĩa là mình khỏi phải đi xuyên qua làng. Ta muốn giữ khoảng cách với dân chúng sống trong ấy. Họ cũng thích thế hơn.”
Tôi chợt nhớ đến những gì Jack đã nói về Thầy Trừ Tà, thế là tim tôi chùng xuống. Anh ấy đã nói đúng. Đấy là cuộc đời cô độc. Rốt cuộc bạn phải làm việc chỉ có một mình.
Mỗi bên bờ suối có vài cây còi cọc bám vào sườn đồi chống chọi với sức gió, nhưng rồi đột nhiên, ngay đầu lối ấy là một khu rừng cây ngô đồng và tần bì; khi chúng tôi tiến vào, gió giật dần lịm, chỉ còn nhè nhẹ như tiếng thở dài xa xăm. Khu rừng chỉ là một quần thể tập hợp thật nhiều loại cây, khoảng chừng vài trăm loại hay hơn thế, vươn cành che chắn khỏi cơn gió dập vùi, nhưng một chốc sau tôi nhận ra phải có nhiều loại cây hơn thế.
Trước đấy tôi từng để ý thấy, thi thoảng, có vài loại cây thật ồn ã làm sao, lúc nào cũng răng rắc cành hay xào xạc lá, trong khi đó có những loại cây khác chẳng khi nào phát ra âm thanh. Trên cao xa kia, tôi có thể nghe thấy hơi thở xa xôi của ngọn gió, nhưng khi ở trong lòng rừng, âm thanh duy nhất có thể nghe thấy được là tiếng bước giày của thầy trò tôi. Vạn vật thật tĩnh lặng, nguyên một khu rừng đầy cây lại im ắng quá đỗi đến nỗi một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi. Chừng đấy suýt chút nữa làm tôi nghĩ rằng rừng cây đang lắng nghe chúng tôi.
Sau đấy, hai thầy trò tiến vào một khoảng rừng thưa, và ngay trước mặt là ngôi nhà. Một rặng hàng rào cây táo gai bao quanh nhà để chỉ còn lộ ra mỗi tầng trên và phần mái. Một làn khói trắng nhả ra từ ống khói. Làn khói bốc thẳng lên không trung, thẳng tắp không xiên xẹo đi đâu, cho đến khi vừa vượt lên khỏi hàng cây thì ngọn gió đã thổi bạt làn khói đi về hướng Đông.
Lúc này tôi nhận ra, ngôi nhà và khu vườn tọa lạc trên vùng đất hõm bên sườn đồi. Trông như thể lúc trước một gã khổng lồ sốt sắng đã lạc bước đến nơi đây, dùng tay vốc đi một phần đất.
Tôi theo chân Thầy Trừ Tà đi dọc quanh hàng rào cho đến tận chỗ cánh cổng bằng kim loại. Cánh cổng bé teo, cao không quá eo tôi, được sơn màu xanh lá cây sặc sỡ, nước sơn còn rất mới khiến tôi băn khoăn liệu sơn đã khô hẳn chưa và liệu Thầy Trừ Tà có dây sơn vào tay hay không, mà lúc này tay thầy đã với tới then cửa rồi.
Thốt nhiên có chuyện gì đấy xảy ra làm tôi nín thở. Trước khi Thầy Trừ Tà chạm vào then cửa, chiếc then tự mình nhấc lên và cánh cổng chầm chậm xoay mở như thể có bàn tay vô hình đã đẩy cửa đẩy then giùm.
“Cảm ơn,” tôi nghe thấy thầy nói.
Cánh cửa trước không tự mình dịch chuyển được, vì trước hết cửa phải được mở khóa bằng chiếc chìa to đùng mà Thầy Trừ Tà rút trong túi mình ra. Chìa này trông tương tự như chiếc mở vào căn nhà trong Hẻm Ướt.
“Phải cùng chiếc chìa thầy dùng ở Horshaw không ạ?” tôi hỏi.
“Ối dào anh bạn à,” thầy vừa đáp vừa liếc xuống tôi khi đẩy cánh cửa mở ra. “Anh trai ta, người làm thợ khóa ấy, đã đưa nó cho ta. Chìa này có thể mở được hầu hết các loại khóa nếu khóa không phức tạp cho lắm. Hóa ra chìa như thế này lại rất hữu dụng cho loại công việc chúng ta làm.”
Cánh cửa mở ra kèm tiếng kẽo cà gầm gừ rõ to, và tôi theo chân Thầy Trừ Tà đi vào lối hành lang tối tăm nhỏ hẹp. Bên tay phải là một cầu thang dốc đứng còn bên trái là lối đi chật chội nền lát đá.
“Bỏ mọi thứ lại nơi chân cầu thang ấy,”
Thầy Trừ Tà bảo. “Coi nào anh bạn. Đừng có lần lữa thế chứ. Không có thời gian để lãng phí đâu. Ta thích thức ăn phải thật nóng sốt!”
Thế là tôi bỏ túi của thầy và dúm đồ đạc của mình tại nơi thầy bảo, rồi đi theo thầy qua lối đi về phía nhà bếp và hít hà lấy hương thức ăn nóng hổi.
Khi vào đến bếp tôi không phải thất vọng. Khung cảnh khiến tôi nhớ đến bếp của mẹ mình. Các loại rau mùi được trồng trong những chậu lớn đặt trên bậu cửa sổ và ánh chiều tà chiếu loang lổ bóng hình những chiếc lá lên khắp phòng. Nơi góc kia căn phòng, một lò sưởi thật lớn đang bập bùng, tỏa hơi ấm tràn ngập không gian, còn ngay chính giữa sàn nhà lát đá phiến là một chiếc bàn gỗ sồi to tướng. Trên bàn có hai chiếc đĩa trống không bự chảng, giữa bàn là năm đĩa chất thức ăn cao ngất cạnh một lọ đầy ứ nước sốt nóng hổi bốc hơi nghi ngút.
“Ngồi xuống ních đầy bụng đi nào anh bạn,” Thầy Trừ Tà mở lời mời, còn tôi chẳng cần chờ được mời đến lần thứ hai.
Tôi tự nhiên cắt lấy mấy miếng thịt gà thịt bò thật lớn, làm đĩa tôi chẳng còn chỗ đâu mà chứa cả ụ rau tươi và khoai nướng được thêm vào sau đấy. Cuối cùng tôi chế lên đấy thứ nước sốt thơm ngon đến nỗi chỉ có mẹ tôi mới có thể làm ra món nước sốt ngon hơn thế.
Tôi thắc mắc không biết bác đầu bếp ở đâu và làm sao bác ấy biết chính xác khi nào chúng tôi tới để có thể dọn thức ăn nóng sốt sẵn ra bàn như thế. Tôi có cả đống câu hỏi nhưng cũng rất mệt nữa, nên thôi tôi dành sức để chén vậy. Rốt cuộc, khi tôi nuốt xong miếng ngồm ngoàm cuối cùng, thì Thầy Trừ Tà đã ăn sạch đĩa mình từ lâu.
“Thích chứ?” thầy hỏi.
Tôi gục gặc, no quá gần như đến nỗi không thể nói được. Tôi cảm thấy buồn ngủ.
“Sau một cữ kiêng khem chỉ ăn toàn phô mai, bao giờ trở về nhà ăn một bữa cơm nóng canh ngọt cũng tuyệt vời cả,” thầy bảo. “Ở đây chúng ta ăn uống rất thịnh soạn. Để bù lại cho những lúc chúng ta ra ngoài làm việc ấy mà.”
Tôi lại gục gặc rồi ngoác mồm ngáp.
“Ngày mai sẽ có nhiều chuyện phải làm lắm đấy nên con đi ngủ đi thôi. Phòng của con có cánh cửa màu xanh lá cây, ngay đầu dãy cầu thang thứ nhất,” thầy dặn dò. “Ngủ ngon nhé, nhưng nhớ ở yên trong phòng và chớ có đi loanh quanh trong đêm. Con sẽ nghe tiếng chuông báo hiệu điểm tâm đã dọn xong. Nghe thấy rồi thì con phải xuống ngay – khi người ta đã nấu cho thật ngon mà con lại để thức ăn nguội lạnh thì họ có thể giận đấy. Nhưng cũng đừng xuống bếp sớm hơn vì như thế cũng chẳng hay ho gì.”
Tôi gật đầu, cảm ơn thầy về bữa tối và quay ngược ra lối đi về phía phần trước của căn nhà. Chiếc túi của Thầy Trừ Tà và dúm đồ của tôi đã biến mất. Tôi vừa băn khoăn chẳng biết ai đã chuyển chúng đi vừa leo lên lầu đi ngủ.
Hóa ra phòng mới của tôi lại rộng hơn phòng tôi ngủ ở nhà rất nhiều, đã vậy có thời tôi còn phải ở chung với hai anh trai khác. Căn phòng mới này có đủ chỗ cho một chiếc giường, một chiếc bàn nhỏ có chân nến, một chiếc ghế và một tủ ngăn kéo, vậy mà trong phòng vẫn còn nhiều chỗ để đi đi lại lại nữa. Mà kia rồi, trên đầu tủ ngăn kéo là túi vật dụng cá nhân của tôi đã nằm chờ sẵn đấy.
Đối diện thẳng với cửa phòng là một cửa sổ trượt bằng kính, cửa chia thành tám khung kính thật dày và gồ ghề đến nỗi tôi chẳng thể nhìn thấy được gì trừ những vòng màu sắc xoay xoay xoắn xít từ bên ngoài. Cửa sổ trông như thể hàng năm trời chưa được mở ra lấy một lần. Chiếc giường được đẩy kê sát tường ngay dưới cửa sổ, thế là tôi tháo ủng ra, quỳ lên tấm khăn phủ mà cố sức mở cửa sổ. Dù cửa có hơi cứng thật, nhưng mở nó ra cũng dễ dàng hơn nó thoạt trông. Tôi giật giật vài lần dây kéo cửa để nâng nửa dưới cửa trượt lên, chỉ đủ rộng để tôi thò đầu ra ngoài nhìn quanh kỹ càng hơn.
Tôi có thể nhìn thấy một vạt cỏ rộng rãi bên dưới, một lối mòn rải sỏi trắng dẫn lẫn vào đám cây chia vạt cỏ làm hai. Bên trên những rặng cây phía bên phải là những rặng đồi đá, đỉnh đồi gần nhất trông thật gần đến nỗi tôi tưởng như mình có thể vươn tay ra mà chạm vào được. Tôi hít sâu vào một hơi khí trời trong mát để ngửi lấy mùi cỏ non trước khi thụt đầu vào mở lấy túi vật dụng bé nhỏ của mình. Mọi thứ dễ dàng được xếp vào ngăn kéo trên cùng. Khi đẩy ngăn kéo đóng lại, tôi bất giác nhìn thấy những chữ viết trên bức tường đầu kia căn phòng, khuất dưới bóng đối diện chân giường.
Bức tường phủ đầy những tên, tất cả được nghuệch ngoạc bằng mực đen trên nền vôi trần trụi. Vài cái tên được viết to hơn những tên khác, như thể những ai viết ra những tên ấy chỉ toàn nghĩ về mình. Nhiều tên đã phai màu theo thời gian, nên tôi thắc mắc không biết đấy có phải là tên của những người học việc đã từng ngủ trong chính căn phòng này. Tôi có nên viết thêm tên mình vào hay phải chờ đến mãi cuối tháng, khi mà biết đâu tôi được nhận vào hẳn luôn ấy? Tôi không có cả viết lẫn mực nên chuyện này để sau hẵng hay, nhưng tôi săm soi bức tường kỹ hơn, cố xác định xem cái tên nào là gần đây nhất.
Tôi quyết định đấy là BILLY BRADLEY – tên này có vẻ được viết rõ ràng nhất và phải viết ép vào một khoảng thật nhỏ vì bức tường đã kín đặc những chữ. Trong một lúc, tôi tự hỏi không biết giờ Billy đang làm gì, nhưng rồi tôi mệt quá, chỉ sẵn sàng chợp mắt.
Chăn màn thơm sạch và chiếc giường như gọi mời, thế là tôi chẳng phí phạm thêm chút thời gian nào, cởi quần áo ra, và ngay khi đầu tôi chạm xuống gối thì tôi đã ngủ say.
Lần tiếp theo tôi mở mắt ra thì mặt trời đã rọi qua cửa sổ. Tôi đã ngủ mơ và rồi đột ngột bị đánh thức bởi một tiếng động. Tôi nghĩ chắc có lẽ là chuông báo điểm tâm.
Nhưng lúc ấy tôi lại thấy lo lắng. Liệu đấy có phải là tiếng chuông gọi tôi xuống ăn sáng hay là tiếng chuông trong giấc mơ của mình? Làm sao tôi có thể biết chắc được đây? Tôi phải làm gì nhỉ? Có vẻ như tôi xuống sớm hơn hay muộn hơn thì cũng đều gặp rắc rối với bác đầu bếp cả. Thế là, quyết định rằng chắc mình hẳn đã nghe thấy tiếng chuông, tôi mặc quần áo và đi xuống lầu ngay lập tức.
Trên đường đi xuống, tôi có nghe thấy tiếng xoong nồi loảng xoảng vọng ra từ nhà bếp, nhưng ngay lúc tôi nhẹ nhàng mở cửa, mọi vật lập tức im phăng phắc.
Rồi tôi mắc phải sai lầm. Lẽ ra tôi phải quay ngược lên lầu ngay bởi vì rõ ràng là bữa sáng chưa được chuẩn bị xong. Chén đĩa bữa ăn tối qua đã được dọn khỏi bàn nhưng mặt bàn vẫn còn trống trơn và lò sưởi thì đầy tro lạnh. Thực ra thì cả căn bếp lạnh tanh, và còn tệ hơn thế, dường như mỗi lúc căn bếp mỗi lạnh hơn.
Lỗi tôi phạm phải là bước thêm một bước tiến về phía bàn. Chẳng kịp bước xong thì tôi đã nghe vật gì đó phát ra âm thanh ngay đằng sau mình. Là một âm thanh giận dữ. Chắc chắc là thế rồi. Dứt khoát đấy là một tiếng rít phẫn nộ gần sát bên tai trái tôi. Gần đến mức tôi cảm nhận được cả hơi thở của nó.
Thầy Trừ Tà đã cảnh báo tôi đừng nên xuống sớm và chợt tôi ngộ ra mình đang gặp nguy thực sự.
Ngay khi tôi chiêm nghiệm được ý nghĩ này thì một thứ gì đó đập rõ mạnh vào sau đầu tôi; tôi loạng choạng lùi ra phía cửa, sém chút là mất thăng bằng mà ngã chúi nhụi xuống đất.
Tôi chẳng cần được cảnh cáo thêm lần nữa làm gì. Tôi co giò bỏ chạy khỏi phòng và hướng thẳng lên lầu. Thế rồi, mới chạy được nửa đường, tôi chết cứng. Có ai đấy đang đứng trên đầu cầu thang. Một người dong dỏng cao đầy vẻ hăm dọa, bóng hình ngược nắng với ánh sáng tỏa ra từ cánh cửa phòng tôi.
Tôi khựng lại, chẳng biết phải chạy hướng nào cho đến khi một giọng nói quen thuộc làm tôi tĩnh tâm. Là Thầy Trừ Tà.
Đấy là lần đầu tiên tôi nhìn thấy thầy không mặc áo choàng đen. Thầy mặc chiếc áo suông đen và quần ống bó màu xám, và tôi có thể nhìn ra, dù là thầy cao ráo với đôi vai rộng, phần cơ thể còn lại của thầy ốm tong teo, rõ là vì những ngày thầy chỉ nhấm nháp có mỗi phô mai. Thầy trông giống như một lão nông dẻo dai nhất khi đã về già. Dĩ nhiên là có vài ông chỉ có béo ra thôi, nhưng phần lớn thì – như những bác mà bố tôi thi thoảng mướn vào những vụ mùa gặt hái khi giờ đây hầu hết các anh tôi đã rời khỏi gia đình – phần lớn các bác ấy người roi roi, thân mình dẻo dai rắn chắc. “Càng ôm ốm là càng khỏe,” bố luôn bảo thế, và giờ đây, nhìn vào Thầy Trừ Tà, tôi có thể hiểu được vì sao thầy lại có khả năng bước đi nhanh trong một quãng đường dài như thế mà không nghỉ chân lấy một lần.
“Ta đã cảnh báo con về việc xuống sớm,” thầy lẳng lặng bảo. “Rõ là tai con bịt nút hết rồi. Hãy lấy đấy làm bài học cho con đấy anh bạn. Lần tới biết đâu lại còn tệ hơn rất nhiều.”
“Con nghĩ mình nghe thấy tiếng chuông. Nhưng chắc là tiếng chuông trong giấc mơ của con rồi.”
Thầy cười nhẹ. “Đấy là một trong những bài học đầu tiên và quan trọng nhất mà một người học việc phải ghi nhớ,” thầy nói; “sự khác nhau giữa mơ màng và thức tỉnh. Có vài anh chẳng bao giờ học lấy được.”
Thầy lắc đầu, bước lên một bước về phía tôi và vỗ vỗ vai tôi. “Đi nào, ta sẽ chỉ cho con xem vòng quanh khu vườn. Chúng ta phải bắt đầu từ đâu đó và việc này sẽ giúp chúng ta giết thời gian cho đến khi điểm tâm được sẵn sàng.”
Khi Thầy Trừ Tà dẫn tôi ra ngoài theo lối cửa hậu của ngôi nhà, tôi nhìn thấy khu vườn rất rộng, rộng hơn nhiều khi nhìn thấy nó từ bên ngoài hàng rào.
Chúng tôi đi về hướng Đông, mắt nheo nheo trong ánh mặt trời buổi sớm, cho đến khi đến được vạt cỏ rộng. Đêm trước tôi đã nghĩ rằng toàn bộ khu vườn được hàng rào bao quanh, nhưng giờ tôi thấy là mình đã lầm. Có những khoảng trống trong vườn, và ngay thẳng trước mặt đây là khu rừng. Lối mòn rải sỏi trắng chia đôi vạt cỏ và biến mất vào trong ấy.
“Thực ra có nhiều hơn một khu vườn ở đây,” Thầy Trừ Tà bảo. “Đúng ra là ba, mỗi khu được dẫn đến bằng một lối mòn như thế này. Chúng ta sẽ tham quan vườn phía Đông trước. Khi mặt trời ló dạng thì khu vườn này khá an toàn, nhưng chớ bao giờ đi vào lối này khi trời tối. À, cũng chớ đi vào trừ khi con có lý do thật chính đáng và đương nhiên là không bao giờ khi con chỉ có một mình.”
Tôi bồn chồn theo chân thầy đi về phía rặng cây. Ngay rìa vạt cỏ, những ngọn cỏ như dài hơn và lấm tấm hoa cát cánh. Tôi thích hoa cát cánh vì chúng đơm bông vào mùa xuân và luôn gợi cho tôi nhớ rằng những ngày hè dai dẳng nóng nực đã không còn xa nữa, nhưng giờ thì tôi chẳng buồn liếc lại đám hoa thêm một lần. Rừng cây che khuất mặt trời và không khí đột nhiên trở nên lạnh lẽo hơn. Điều này nhắc tôi nhớ đến cuộc viếng thăm nhà bếp. Trong phần rừng này có điều gì đó lạ lùng và nguy hiểm, và dường như điều ấy đang mỗi lúc mỗi dần dà lạnh hơn khi chúng tôi tiến sâu vào rừng cây.
Cao cao bên trên đầu thầy trò tôi là những tổ quạ, và tiếng quang quác chói tai, giận dữ của lũ quạ khiến tôi run còn lập cập hơn là vì lạnh. Tiếng chim nghe đầy nhạc điệu như tiếng bố tôi hay ngân nga, bố thường bắt đầu hát khi chúng tôi gần vắt xong sữa. Nếu sữa có bị chua thì mẹ tôi thường đổ lỗi cho bố.
Thầy Trừ Tà dừng bước và chỉ tay về vạt đất phía trước chúng tôi khoảng năm bước chân. “Cái gì thế kia?” thầy hỏi, giọng thầy chẳng lớn hơn tiếng thì thầm là bao.
Đám cỏ nơi ấy đã bị xới bỏ và ngay chính giữa khoảnh đất trống trơn là một bia mộ. Bia cắm thẳng đứng nhưng hơi nghiêng sang bên trái. Trên nền đất phía trước bia mộ, nấm mồ gần hai mét được viền bằng những phiến đá nhỏ hơn, điều này không bình thường. Nhưng lại có điều khác càng lạ lùng hơn nữa: ngang qua đầu mảnh đất, được vít vào những phiến đá rìa ngoài, là mười ba thanh sắt dày cộm.
Tôi đếm qua đến hai lần cho chắc ăn.
“A thôi nào anh bạn – ta đặt câu hỏi cho con mà. Cái gì thế kia?”
Mồm tôi khô khốc đến độ không nói nổi, nhưng tôi cũng cố lắp bắp được ba chữ: “Là ngôi mộ...”
“Giỏi lắm. Mới nhìn lần đầu tiên mà đã nhận ra. Có thấy gì bất thường không?”
Đến khi đó thì tôi chẳng thể nói được lời nào nữa. Tôi chỉ gật đầu.
Thầy mỉm cười vỗ về vai tôi. “Không có gì phải sợ cả. Chỉ là một mụ phù thủy đã chết và dưới mộ ấy là một mụ phù thủy khá yếu kém. Người ta đã chôn mụ dưới một vùng đất không thiêng bên ngoài sân nhà thờ cách đây chẳng mấy dặm. Nhưng mụ cứ bới đất chui lên mãi. Ta đã nói chuyện phải trái với mụ nhưng mụ chẳng chịu nghe, thế nên ta phải cho mang mụ về đây. Như thế giúp người dân thấy thoải mái hơn. Như thế thì họ có thể tiếp tục an lành sinh sống. Họ không muốn phải nghĩ về những thứ như thế này. Và đấy là công việc của chúng ta.”
Tôi lại gật đầu và bất chợt nhận ra mình đang không thở, nên tôi hít một hơi đầy phổi. Tim tôi đang nện thình thịch trong ngực, đe dọa có thể bật ra bất cứ lúc nào, còn tôi lại run như cầy sấy từ đầu tới chân.
“Mà không, giờ đây mụ ta hơi quấy quá một chút,” thầy giảng giải tiếp. “Đôi khi những lúc trăng tròn, con có thể nghe thấy mụ vùng vẫy, nhưng mụ không có đủ sức mạnh để ngoi lên mặt đất, mà dù sao thì những thanh sắt cũng ngăn không cho mụ làm thế. Nhưng sâu hơn, sau những rặng cây kia lại có những thứ xấu xa hơn nhiều,” thầy vừa nói vừa chỉ ngón tay xương xẩu về hướng Đông. “Đi khoảng thêm hai mươi bước nữa là con sẽ đến chỗ ấy.”
Xấu xa hơn ư? Còn gì có thể xấu xa hơn nữa chứ? Tôi thắc mắc lắm, nhưng tôi biết cỡ nào thầy cũng sẽ chẳng nói cho tôi hay.
“Còn có thêm hai phù thủy khác nữa. Một đã chết và một còn sống. Mụ đã chết được chôn thẳng đứng, đầu chúc xuống, nhưng mà dù có như thế, thì mỗi năm một hai lần chúng ta cũng phải chỉnh những thanh sắt trên mồ mụ cho ngay ngắn. Chỉ là sau khi trời tối phải luôn tránh thật xa nấm mồ này.”
“Sao lại phải chôn chúc đầu xuống ạ?”
“Câu hỏi hay đấy anh bạn. Con thấy đấy, linh hồn một phù thủy đã chết là thứ mà chúng ta thường gọi là “bị-buộc-vào-xương”. Chúng bị mắc kẹt trong bộ xương của chúng và nhiều tên còn không biết là mình đã chết. Thoạt tiên chúng ta thử chôn đầu chúng chổng lên trời trước và thường với hầu hết các loại phù thủy như thế cũng đủ rồi. Mọi tên phù thủy đều khác nhau và có vài tên thực rất ương bướng. Vì vẫn còn trói buộc vào bộ xương nên phù thủy luôn cố hết sức ngoi lên lại dương gian. Làm thế là như thể chúng được tái sinh, nên chúng ta phải gây thêm khó khăn cho chúng bằng cách chôn chúng theo chiều ngược lại. Ngoi lên bằng chân chẳng phải dễ dàng gì. Những em bé sơ sinh đôi khi cũng mắc phải vấn đề như thế. Nhưng mụ ta vẫn còn nguy hiểm lắm, cho nên phải tránh cho thật xa.
Với mụ còn sống thì con nhớ phải luôn tránh mặt. Mụ ta có chết thì vẫn nguy hiểm hơn khi còn sống, vì một mụ phù thủy pháp lực mạnh như thế sẽ chẳng gặp khó khăn gì trong việc ngoi trở lại dương gian. Đấy là lý do vì sao chúng ta giam mụ trong một cái hố. Tên mụ ấy là Mẹ Malkin và mụ ta thường lảm nhảm một mình. À, thực ra thì nghe giống như tiếng thì thầm hơn. Mụ ta độc ác quỷ quyệt đến mức thượng thừa, nhưng vì bị giam trong hố quá lâu nên phần lớn sức mạnh của mụ đã ngấm rỉ vào lòng đất hết rồi. Mụ ta rất muốn bắt được một anh chàng như con đấy. Cho nên nhớ tránh cho rõ xa vào. Hãy hứa với ta ngay là con sẽ không bén mảng đến gần. Hứa cho ta nghe đi...”
“Con hứa sẽ không bén mảng đến gần,” tôi thì thào, lòng cảm thấy bất an với toàn bộ chuyện này. Có vẻ thật khủng khiếp, tàn bạo quá khi giữ bất cứ sinh vật sống nào – cho dù đó là phù thủy đi nữa – dưới lòng đất, và tôi không thể tưởng tượng ra mẹ tôi thích thú gì với ý tưởng này.
“Giỏi đó anh bạn. Chúng ta không cần có thêm tai nạn nào giống như tai nạn sáng nay. Có những chuyện còn tồi tệ hơn là bị đấm vào tai nhiều. Tệ hơn nhiều lắm.”
Tôi tin lời thầy, nhưng tôi không muốn nghe nữa. Thế nhưng thầy vẫn còn những điều khác cần phải chỉ cho tôi nên tôi sẽ còn nghe cả đống những lời đáng sợ từ thầy. Thầy dẫn tôi ra khỏi khu rừng và sải bước sang vạt cỏ khác.
“Đây là khu vườn phía Nam,” Thầy Trừ Tà bảo. “Cũng đừng có đi ra đây sau khi trời tối.” Những nhánh cây đan xen chằng chịt nhanh chóng che khuất mặt trời và không khí dần dà trở lạnh hơn nên tôi biết chúng tôi đang tiến gần đến thứ gì không tốt lành cho lắm. Thầy đột ngột ngừng bước cách một phiến đá lớn nằm bẹt trên mặt đất chừng mười bước chân, gần bên gốc một cây sồi. Phiến đá choán chỗ rộng hơn ngôi mộ một chút, và căn cứ vào phần trồi lên trên mặt đất, thì phiến đá này hẳn rất dày.
“Thế con nghĩ kẻ nào bị chôn dưới đấy nào?” Thầy Trừ Tà hỏi.
Tôi cố ra vẻ như là tự tin lắm. “Một phù thủy khác phải không ạ?”
“Không phải. Con không cần đến nhiều đá như thế cho một phù thủy. Thường thì sắt là đủ tốt rồi. Nhưng cái thứ bên dưới kia có thể chuồn qua các thanh sắt chỉ trong nháy mắt. Con nhìn phiến đá gần hơn chút nào. Con có thể đọc thấy những gì được khắc trên ấy không?”
Tôi gật đầu. Tôi nhận ra chữ khắc nhưng không hiểu nó mang nghĩa gì.
“Đấy là ký tự beta[2] trong tiếng Hy Lạp,” Thầy Trừ Tà bảo. “Là ký hiệu chúng ta dùng để chỉ một ông kẹ. Đường gạch xéo có nghĩa ông kẹ đó đã bị người ta ép chèn xuống dưới phiến đá và cái tên khắc bên dưới cho ta biết ai là người đã làm việc đó. Góc phải bên dưới là chữ số một trong số La Mã. Thế nghĩa là một ông kẹ bậc nhất và cực kỳ nguy hiểm. Như ta đã nói, chúng ta phân loại cấp bậc từ một đến mười. Hãy nhớ lấy điều ấy – một ngày nào đó điều này sẽ giúp cứu mạng con. Bậc mười nghĩa là yếu đến nỗi hầu như người thường thậm chí còn không nhận ra là có ở đấy. Bậc một lại có thể dễ dàng lấy mạng con. Ta đã phải tốn cả gia tài để mang được phiến đá đó về đây nhưng lại rất đáng đồng tiền bát gạo. Phiến đá này giờ đang chèn một ông kẹ dưới ấy. Ông kẹ ấy bị ép chèn xuống và sẽ ở yên đấy cho đến ngày tận thế.
“Anh bạn này, con cần phải học rất nhiều thứ về ông kẹ, và ta sẽ bắt đầu huấn luyện con ngay sau bữa điểm tâm, nhưng có một khác biệt quan trọng giữa những tên bị chèn và những tên còn thả rông. Một ông kẹ thả rông có thể đi xa khỏi nơi chúng ở cả hàng dặm, và nếu thích, chúng có thể gây ra vô vàn điều ác. Nếu một ông kẹ nào đó đặc biệt thích gây rối và không muốn nghe theo lý lẽ, thì khi đấy nhiệm vụ của chúng ta là bắt chèn lấy nó. Làm thật gọn gàng vào và chúng ta gọi đấy là ép chèn. Khi đấy thì ông kẹ chẳng thể nhúc nhích gì được nữa. Tất nhiên là nói thì dễ hơn lúc làm nhiều.”
Đột nhiên Thầy Trừ Tà cau mày, như là nhớ ra điều gì ấy khó chịu. “Một trong những anh chàng tập sự của ta đã gặp rắc rối to khi đang cố chèn một ông kẹ,” thầy vừa kể vừa buồn bã lắc đầu, “nhưng vì hôm nay chỉ là ngày đầu tiên của con nên chúng ta sẽ chưa nói đến chuyện này vội.”
Đúng lúc ấy, từ phía ngôi nhà, tiếng chuông xa xăm vọng đến. Thầy Trừ Tà mỉm cười. “Ta đang tỉnh hay ta đang mơ đây?” thầy hỏi.
“Tỉnh ạ.”
“Con chắc chứ?”
Tôi gật đầu.
“Thế thì vào nhà ăn đi thôi. Ta sẽ chỉ cho con khu vườn còn lại khi bụng đã no căng.”
14
2
1 tháng trước
5 ngày trước
BÌNH LUẬN TRUYỆN (0)
