Chương 70: Mâu Thuẫn Nội Bộ

Chủ nhân thần bí được nói ra trong miệng Tên mập kia, đang ở trên một trăm chiến thuyền hộ vệ, lướt về đế quốc Đại Nam.

Hơn nửa năm qua, Hồng Đĩnh luyện binh và làm kinh tế cũng coi như mãn nguyện.

Thật sự là có những lúc căng thẳng đến cao trào, Hồng Đĩnh tưởng chừng mình sẽ phải cuốn gói bỏ chạy về Đại Nam, nhưng đời không tuyệt đường người.

Khi mà các thế lực khác chuẩn bị tấn công tiêu diệt thành Nhai Châu, Hồng Đĩnh đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là thu dọn toàn bộ gia sản, vét sạch toàn bộ Nhai Châu, biến đây trở thành một tòa thành trống rồi vỗ đít trở về Đại Nam. Thế nhưng những tin tình báo do chính nội bộ những thế lực chuẩn bị xâm lược Hồng Đĩnh kia cứ liên tục như tuyết bay tới làm Hồng Đĩnh hoàn toàn cải biến chủ ý. quyết định đánh một trận ra trò, mục đích chính là luyện binh và còn để rằn mặt các thế lực chung quanh.

Quả thật Hồng Đĩnh tự tin đánh một trận tất tay cũng bởi vì tình báo quá mức chi tiết, ngoài binh lực và chiến lược tiến công, tình báo thậm chí còn tiết lộ, thành chủ mỗi ngày ăn món gì, làm việc ra sao, chiến lược như nào. Thế trận như vậy không đánh thắng Hồng Đĩnh nên tìm cái bô đập đầu mà chết đi được rồi.

Đầu tiên là trận đánh ở mặt trận phía Đông, với cuộc hành quân thần tốc, hồng Đĩnh nhanh chóng tiêu diệt quân đội Lăng Thủy, nhận định của Hồng Đĩnh là 2 thành trì phía Tây sẽ đợi Nhai Châu và Lăng Thủy đánh đến lưỡng bại câu thương rồi mới nhảy vào cuộc chiến, cho nên Hồng Đĩnh sau khi đánh bại Lăng Thủy trong thời gian chóng vánh liền ung dung vơ vét toàn bộ vùng biên giới thành Lăng Thủy rồi mới tiến quân về đối phó với quân địch ở mặt trận phía Tây.

Quyết định đột kích quân địch qua vùng hồ Dalong là một nước đi như đánh bạc. Nếu như đối mặt với các vị tướng thời hiện đại thì Hồng Đĩnh chắc chắn sẽ chào thua, thế nhưng ở thời đại này thì đó lại là một cuộc cách tân về chiến thuật quân sự.

Hồng Đĩnh tập trung toàn bộ lực lượng kị binh tinh nhuệ và cơ động nhất của mình thành một khối, thọc sâu qua vùng hồ Dalong, sau đó là đến các khối quân cận vệ SS làm nhiệm vụ bảo vệ của mở cho các trung đoàn bộ binh tràn vào chiến trường. Cuộc đột kích bên sườn đã thành công một cách vô cùng ròn rã, thật ra nói là đột phá phòng tuyến quân địch thì là nói quá, bởi quân địch ở đó không hề có phòng tuyến nào cả, chỉ có lèo tèo mấy đơn vị dân binh già yếu, kị binh Nhai Châu chỉ việc phóng ngựa vượt qua là xong.

Đến lúc này, liên quân vẫn còn một cơ hội chiến thắng cuối cùng, hoặc cũng có thể coi là cơ hội đánh hòa ngang tay cuối cùng, nếu là đối mặt với các vị tướng của Liên Xô thời đệ nhị thế chiến thì chiến thuật của họ sẽ là tung vào trận toàn bộ số kị binh Liên Quân có, đi cản đường kị binh Nhai Châu, sau đó đem quân tinh nhuệ đi đánh chặn cửa mở, không nhất thiết phải đánh chặn hoàn toàn, chỉ cần đánh kìm chân làm ách tắc con đường tiến quân của Hồng Đĩnh ở khu vực rừng núi hiểm trở hồ Dalong là được, lúc đó đội kị binh của Hồng Đĩnh mất đi tiếp tế hậu phương, chỉ còn cách tập trung toàn lực phá vây, và khi đó họ có cơ hội được đánh một trận đánh quy ước với Hồng Đĩnh, điều mà Hồng Đĩnh không hề mong muốn, bởi vì chênh lệch về chất lượng quân đội 2 bên khá xa nhau, Liên Quân sở hữu vũ khí, trang thiết bị và quân đội được huấn luyện bài bản hơn nhiều, Hồng Đĩnh tuy quân đông đến 2 vạn nhưng có đến non nửa là quân đội mới chiêu mộ từ dân binh, đa số thậm chí còn cầm vũ khí lần đầu, quân đội như thế đánh thuận buồm xuôi gió hò hét đánh chó rớt xuống nước thì được, chứ lâm vào khổ chiến chắc chắn sẽ nát bét ngay.

Nhưng Liên Quân không hề làm vậy, hoặc là do hạn chế về tư tưởng chiến tranh nên không hề biết phải làm như thế nào đối với chiến thuật mới của Hồng Đĩnh, hoàn toàn bị động, để mặc cho Hồng Đĩnh liên tục thọc sâu, nghiền nát từng nơi, từng khối quân một, đến cả các chuyên gia quân sự phương tây làm cố vấn cũng không biết phải làm như thế nào. Sau này rất nhiều cố vấn quân sự Phương Tây đã thừa nhận rằng họ thua về chiến thuật, chiến lược chứ không hề thua về quân đội.

Bởi lẽ, chiến thuật lúc này là bộ binh kị binh phối hợp tác chiến, dùng một trận đánh làm quyết định thắng lợi toàn cuộc chiến, cho nên kị binh không hề được phái đi hoạt động độc lập bao giờ, nhiệm vụ của kị binh là vào lúc then chốt phá tan trận tuyến của đối phương trong một trận đánh quy ước.

Ngược lại, Hồng Đĩnh với tư duy chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng hiện đại, tập trung hết thảy các lực lượng cơ động, làm một cuộc đột phá thọc sâu vào hậu phương địch, khiến chúng hoang mang, rối loạn, khi mà nơi ở phía sau hậu phương bất ngờ gặp tập kích trở thành chiến trường, hậu phương bị tàn phá, lại liên tục gặp tấn công từ khắp các hướng, khiến cho chủ lực Liên Quân sụp đổ.

Những chiến thắng ròn rã, và chiến lợi phẩm khổng lồ thu được đã đưa Hồng Đĩnh và Nhai Châu lên đến đỉnh cao của quyền lực trên đảo Quỳnh Châu, hiện nay Hồng Đĩnh xứng đáng là bá chủ khu vực trên cả danh nghĩa đến hiện thực, bất kì quốc gia Tây Dương nào hiện tại cũng đều phải nể mặt, không còn dám coi thường nữa.

Với hơn 2 vạn quân thường trực, trong đó có 4 ngàn kị binh, biên chế thành 8 trung đoàn bộ binh hạng nhẹ , một lữ đoàn cận vệ SS, một lữ đoàn kị binh cận vệ SS và 2 trung đoàn bộ binh đặc nhiệm Vệ Quốc Quân.

Vũ khí thì đã trang bị súng hỏa mai, hoặc súng hỏa mai theo kiểu phương Tây cho 2/3 toàn quân.

Nhìn lực lượng hùng hậu phía sau đang cùng mình trở về Đại Nam mà Hồng Đĩnh mỉm cười, có lực lượng này thì còn ngại gì giặc Pháp.

Việc Hồng Đĩnh phải lập tức quay về Đại Nam cũng là bất đắc dĩ, vốn Hồng Đĩnh còn muốn tăng cường thêm lực lượng hơn nữa, ít nhất là thống nhất đảo Hải Nam, thế nhưng biến hóa trong nước bắt buộc Hồng Đĩnh phải về.

Câu chuyện bắt nguồn từ 100 kị binh thuộc ban tuyên giáo của Hồng Đĩnh vào Nam hiệp trợ kháng chiến, những người này số lượng không lớn, thế nên cả Hồng Đĩnh và lão Phúc đều không để ý lắm, thế nhưng chính lực lượng này lại đã biến thế cuộc lục tỉnh Nam kì trở nên sôi trào mất kiểm soát.

Đầu tiên khi họ vào tới trong Nam, vốn dĩ với kiến thức quân sự vượt trội, liền nhanh chóng nắm giữ một bộ phận quân đội, cùng với vũ khí tiếp viện đã tăng sức mạnh của quân đội phòng thủ Kì Hòa một cách đáng kể.

Đại Đồn Kì Hòa vốn dĩ lúc này đang là phía ta và Pháp mỗi người chiếm giữ một nửa, 2 bên chiến đấu trong đống gạch vụn, bùn đất tàn tích của đại đồn, phía Pháp điên cuồng dùng đại bác bắn phá, hòng nghiền nát đại đồn và ý chí chiến đấu của quân Việt đồn trú tại đây, thế nhưng quân Việt vẫn kiên cường bán trụ từng mỏm đất, từng con hào.

Nhiều người Pháp đã từng nói trêu nhau, để đánh chiếm được một cái đồn nát, họ đã hy sinh số người ngang với số người chết trong toàn bộ cuộc chiến tranh Nha Phiến lần 2 với nhà Thanh, một tháng người Pháp có thể chiếm lĩnh một vùng rộng cả ngàn km vuông trên đất China, thế nhưng một tháng ở đây người Pháp chỉ chiếm được vài ba mô đất.

Biết rằng đánh trực diện không thể khuất phục được quân ta, Pháp thay đổi sách lược, tập trung quân từ 2 bên cánh, đánh vu hồi ra phía sau, nhằm cắt đứt đường tiếp vận người và vật lực của quân ta. Đúng lúc này, viện trợ của Hồng Đĩnh tới nơi, có vũ khí viện trợ, có quan quân chỉ huy thiện chiến, ngay lập tức làm tăng thêm chiến lực cho quân Việt, chẳng những quân ta đứng vững được giữa các cuộc tấn công khốc liệt của quân giặc bảo vệ hậu phương tiếp tế mà còn liên tục phản công quân giặc, đẩy chúng về vị trí xuất phát, qua đó thiết lập thêm 2 đồn phụ ở phía bên sườn tạo thành thế sừng trâu ỷ giác, qua đó khích lệ tinh thần chiến đấu của toàn bộ nhân dân miền Nam, dân miền Nam nô nức, hăng hái tham gia đầu quân chiến đấu chống giặc bảo vệ đất nước, lúc này Tôn Thất Hiệp cũng nhận thấy tình thế có phần biến chuyển, liên tục tung quân đánh từ mặt bắc, tuy rằng không có mấy thành công thế nhưng cũng khiến cho quân Pháp phải phân chia hỏa lực ra chống trả, không còn có thể tập trung toàn bộ quân lực đánh đại đồn nữa.

Tình hình có lẽ nếu cứ tiếp diễn như vậy thì ngày giặc Pháp phải bỏ chạy ra khỏi bờ cõi Đại Nam không còn xa, thế nhưng đúng là đời không như là mơ.

Đội quan tuyên giáo ấy đánh nhau rất tốt, luyện quân cũng rất giỏi, thế nhưng tư tưởng bài người Hoa của họ quá nặng, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ trong toàn quân, nên nhớ rằng hiện ở trong Nam người Hoa chiếm một tỉ lệ rất lớn, tuy rằng cũng có rất nhiều người Hoa lựa chọn hợp tác với giặc thế nhưng không thể phủ nhận đại đa số người Hoa đã sống ở trên mảnh đất này hàng trăm năm, họ đã coi đây là mảnh đất quê hương của mình, và chiến đấu vì nó, những người quan tuyên giáo kia lại không hề biết điều đó mà liên tục khiêu khích bài trừ họ dẫn đến rất nhiều người bất mãn, đặc biệt là sự kiện một quan tuyên giáo đẩy hơn một trăm binh sĩ người Hoa phản công làm bia thịt, điều này đã gây nên sự phẫn nộ vô cùng gay gắt trong nội bộ quân Việt.

Trần Trung cũng không có cách nào, bởi đây không chỉ là mâu thuẫn dân tộc mà còn là mâu thuẫn giữa trường phái các tướng lĩnh trong nội bộ Hồng Đĩnh, giữa một bên là các tướng lĩnh quân sự thuần túy và một bên là các tướng lĩnh chính trị, mặc nhiên địa vị của Trần Trung không thể lớn đủ để khắc chế đạo quân ưu ái của Lão Phúc, hồng nhân bên cạnh tướng chủ Hồng Đĩnh, cho nên chỉ có thể ra sức điều giải. Rõ ràng là khi Hồng Đĩnh ở bên áp chế thì nhưng điều như vậy không hề xảy ra, thế nhưng Hồng Đĩnh không ở đây thì mâu thuẫn nội bộ giữa các đoàn phái trong quân đội bỗng nãy sinh và căng thẳng.

Việc mâu thuẫn nội bộ trong chính quân đội đã dẫn đến tình hình chiến cuộc bỗng nhiên chững lại, các cuộc phản công bắt buộc phải dừng lại, để chỉnh đốn nội bộ. Dẫn đến cho quân Pháp vốn đã kiệt sức sau các cuộc tấn công không thành vốn đã nản lòng thoái chí có cơ hội thở dốc, chiến tuyến dần đi vào ổn định.

Việc rất nhiều người Hoa bất mãn rời bỏ hàng ngũ quân ta khiến cho sức mạnh quân Việt giảm đi đáng kể, chưa kể người Hoa nắm giữ hầu hết kinh tế phía Nam, mất sự ủng hộ của họ làm cho tuyến tiếp tế của quân Việt gặp trắc trở không ít.

Để giải quyết tình trạng này, Trần Trung đã làm một hành động được coi là đúng đắn của hiện tại thế nhưng lại là thảm họa của mai sau, nhằm xoa dịu người Hoa, Trần Trung đã quyết địch trục xuất những tướng lĩnh của quan tuyên giáo này khỏi quân đội, với lời lẽ cực kì hoa mĩ đó là đi về các nơi, nhằm trên lục tỉnh Nam kì xây dựng và tổ chức lực lượng sau đó sẽ đem quân mới xây dựng lên Đại Đồn Chí Hòa đánh nhau với giặc trong một trận đánh quyết định.

Tính toán của Trần Trung không sai, thế nhưng Trần Trung không thể lường hết được sức mạnh của đội quan quân tuyên giáo này, chỉ một quyển sách " Dòng máu lạc hồng", họ đã khiến miền Nam rực lửa sôi trào.