Có kẻ nào vào phòng này mà không khoe khoang “chiến tích” một phen để chấn nhiếp ma cũ? Thành thử, đám tù phạm cũng nắm được đại khái những gì tên tử tù vừa đòi thơ từng kinh qua trước khi vào ngục.
Kẻ này tên Trần Nguyên Long, ở bên ngoài có biệt hiệu là Kháo Sơn vương. Vốn ban đầu vào tù vì tội bán muối lậu, được thả ra ít lâu thì bắt đầu rủ một đám bè bạn thân thuộc mưu “đại nghiệp”.
Vào tù lần này vì tội chiếm núi làm vua, mưu phản triều đình.
Thỉnh thoảng, đêm nằm ngủ mơ, Trần Nguyên Long lại thường kêu gào chửi bới kẻ bán đứng mình, sau đó khóc than rằng không biết cẩn thận đề phòng người bên cạnh nên mới mang họa.
Mà càng li kì hơn chính là người đánh bại y – Lý Huyền Cơ của Lý gia – chính là sử dụng tre của Lục Trúc hải tạo thành lồng giam mới tóm sống được gã.
Cả cuộc đời Trần Nguyên Long cơ hồ ứng khớp với một bài thơ “Chiết Tự” của tên “phàm nhân” ôm mèo, thử hỏi bọn chúng không sợ hãi sao được?
Đám người cũng dần lấy lại bình tĩnh.
Con mèo kia nhìn thế nào cũng là đại yêu đã vào Vụ Hải. Có thể khiến một sinh linh như thế cam chịu thần phục, tên kia há lại chỉ đơn giản là một “phàm nhân”?
Thế nhưng, nhiệm vụ của mèo béo giao phó thì chúng có sợ hãi cũng vẫn phải làm.
Bấy giờ, có một nữ tù tiến lên, nói:
“Nhà ngươi đã cho thằng cha kia một bài, nếu bây giờ chúng ta không có phần thì há là thua hắn à? Mau đọc đi! Bà đây dỏng tai lên nghe rồi đây.”
Cải Thảo nằm trong lòng Nguyễn Đông Thanh chợt rên “hừ hừ”, ra chiều khoái trá lắm.
Kỳ thực, con mèo đúng thực là thấy rất kinh ngạc vì khả năng diễn xuất của đám tù phạm. Sau khi Bích Mặc tiên sinh ngâm quả thơ kia mà vẫn có thể đối xử với Nguyễn Đông Thanh không khác nào người phàm thì quả thực phải có thần kinh thép mới làm nổi.
Nguyễn Đông Thanh gật đầu, nói:
“Vậy tại hạ xin mạn phép đọc một bài cũng của tiền bối Nguyễn Ái Quốc cho công bằng.
Xã hội đích lưỡng cực,
Pháp quan dữ phạm nhân.
Quan viết: nhĩ hữu tội,
Phạm viết: ngã lương dân.
Quan viết: nhĩ thuyết giả,
Phạm viết: ngã ngôn chân.
Pháp quan tính bản thiện,
Giả trang ác ngân ngân.
Yếu nhập nhân ư tội,
Khước giả ý ân cần.
Giá lưỡng cực chi gian,
Lập trước công lý thần.
Thơ tên là Vấn Thoại.”
(Dịch nghĩa:
Hai cực của xã hội,
Quan toà và phạm nhân;
Quan bảo: anh có tội,
Phạm nhân thưa: tôi dân lành;
Quan bảo: anh nói dối,
Phạm nhân thưa: tôi nói thật;
Quan toà tính vốn thiện,
Lại hầm hầm giả làm bộ ác;
Muốn khép người vào tội,
Lại ra vẻ ân cần;
Giữa hai cực này,
Có thần công lý đứng.)
Nữ tù nghe xong, mắt hơi phiếm hồng, vội vàng quay mặt đi chỗ khác không dám đối mặt với Nguyễn Đông Thanh, sợ rằng để lộ sơ hở trước vị “tiên sinh” này.
Vốn y thị chịu oan khiên, chẳng những bị cường bạo, cả nhà chồng bị sát hại. Tố lên quan phủ, thì tên quan tham lại nhận tiền hối lộ của tên trộm hái hoa vu cho thị nổi lòng tham giết nhà chồng, đóng lồng lợn thả trôi sông dìm chết.
Y thị may mắn sống được, lại học được một thân bản lĩnh trở về báo thù. Từ đó, ả trở thành một nữ phi tặc chuyên môn giết đám tham quan ô lại. Song đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, y thị sa lưới, bị khép tội giết hại mệnh quan triều đình.
Sở dĩ chưa chết, là do triều đình còn muốn ép cung bắt y thị lộ ra chỗ lấy được truyền thừa mà thôi.
Sau đó...
Lần lượt có mấy người tù khác bất đắc dĩ lên “đòi thơ”. Đương nhiên, Nguyễn Đông Thanh kỳ thực chẳng phải cao nhân gì cả, hai bài trước khớp được vào thân thế của nữ phi tặc và Trần Nguyên Long hoàn toàn chỉ là trùng hợp mà thôi.
Thế nhưng, gã đọc mấy bài thơ sau, không có bài nào mà không nói lên nỗi niềm của tù phạm, khiến bọn họ hưởng ứng ầm ĩ.
Tỉ như bài “Cảnh binh đảm trư đồng hành” vừa đọc lên, lập tức khiến đám tù nhân nhớ lại cảnh mình bị giải đi chỗ nọ, điệu tới chỗ kia, ai nấy đều cắn răng nghiến lợi. Thơ rằng:
“Cảnh sĩ đảm trư đồng lộ tẩu,
Trư do nhân đảm ngã nhân khiên.
Nhân nhi phản tiện ư trư tử,
Nhân vị nhân vô tự chủ quyền.
Thế thượng thiên tân hoà vạn khổ,
Mạc như thất khước tự do quyền.
Nhất ngôn nhất động bất tự chủ,
Như ngưu như mã nhậm nhân khiên.”
(Dịch nghĩa:
Cảnh binh khiêng lợn đi cùng đường,
Lợn thì người khiêng, ta người dắt;
Người lại bị coi rẻ hơn lợn,
Chỉ vì người không có quyền tự chủ.
Trên đời nghìn vạn điều cay đắng,
Không gì cay đắng bằng mất quyền tự do;
Mỗi lời nói, mỗi hành động đều không được tự chủ,
Mặc cho người dắt như trâu, như ngựa.)
Bài “Trung thu” lại khiến người tù nhân nhớ cảnh quê nhà, không thiếu người sụt sịt khóc thành tiếng.
“Trung thu thu nguyệt viên như kính,
Chiếu diệu nhân gian bạch tự ngân.
Gia lý đoàn viên ngật thu tiết,
Bất vong ngục lý ngật sầu nhân.
Ngục trung nhân dã thưởng trung thu,
Thu nguyệt thu phong đới điểm sầu.
Bất đắc tự do thưởng thu nguyệt,
Tâm tuỳ thu nguyệt cộng du du!”
(Dịch nghĩa:
Trăng trung thu tròn như gương,
Chiếu rọi cõi đời, ánh trăng trắng như bạc;
Nhà ai sum họp ăn tết trung thu,
Chẳng quên người trong ngục nuốt sầu.
Người trong ngục cũng thưởng thức trung thu,
Trăng thu, gió thu đều vương sầu;
Không được tự do ngắm trăng thu,
Lòng theo cùng trăng thu vời vợi.)
Thực ra, nếu là người khác đọc những vần thơ này có lẽ vẫn sẽ cảm khái đồng cảm, song chưa chắc đám tù phạm đã phản ứng mạnh đến thế. Thế nhưng hiện tại trong mắt bọn họ, Nguyễn Đông Thanh chính là một “đại nhân vật” thâm sâu khó dò, không gì không làm được. Thành thử, thơ mà hắn ngâm người ta cũng coi là trân bảo, là chí lí ở đời.
Nguyễn Đông Thanh đọc đến độ có chút khô cổ, lại xua tay:
“Không ngờ trong ngục lại gặp người thích thơ, thế nhưng cái lưỡi thịt này cuối cùng cũng có giới hạn, chẳng xá mạng bồi quân tử được. Xin cho đọc nốt một bài rồi thôi.”
Đám tử tù cơ hồ lên tiếng cùng lúc:
“Nói đúng, nói đúng lắm.”
Bích Mặc tiên sinh chắp tay tỏ ý cảm tạ, lại hắng giọng một cái, đọc:
“Nhị điểm khai lung hoán không khí
Nhân nhân ngưỡng khán tự do thiên
Tự do thiên thượng thần tiên khách
Tri phủ lung trung dã hữu tiên.”
(Dịch nghĩa:
Hai giờ chiều, nhà lao mở cửa đổi không khí,
Mọi người ngẩng lên ngắm trời tự do;
Khách thần tiên trên trời tự do,
Biết chăng trong tù cũng có tiên?)
Nguyễn Đông Thanh đọc xong, thấy đám bạn tù không có phản ứng gì, đoán chừng bọn họ đã nghe chán, bèn lăn ra ngủ.
Chờ tiếng ngáy đều đều của hắn cất lên, đám tù trọng phạm mới dám thở phào một tiếng, kéo nhau vào một góc phòng cách càng xa Bích Mặc tiên sinh của chúng ta càng tốt.
Trần Nguyên Long là người đầu tiên lên tiếng:
“Chư vị, bài ban nãy liệu có phải tiền bối đang công khai thân phận với chúng ta hay không?”
Nữ phi tặc nói:
“Sao có thể? Nhà ngươi không thấy con mèo nói tiền bối đang tự coi mình là phàm nhân mà thể ngộ hồng trần hay sao? Chúng ta là cái thá gì mà có thể khiến tiền bối phá lệ?”
Kỳ thực, ban đầu nghe con mèo nói chủ nhân của nó là tiền bối cao nhân giả làm người phàm thì đám tử tù cũng chẳng tin lắm, chỉ cho rằng con yêu vật kia đã trát vàng lên tượng phật, cố lộng huyền hư mà thôi.
Thế nhưng, sau màn đọc thơ liên hoàn của Nguyễn Đông Thanh, cả đám cơ hồ không thể không tin là thật.
Nhất là hai bài đọc cho Trần Nguyên Long và nữ phi tặc, cơ hồ giống như đang gõ đầu bọn họ vì cái tội khinh nhờn thánh nhân vậy.
Lại có một người nói:
“Vậy cũng chưa chắc.”
Cả đám cùng quay về phía y, nói:
“Thằng lùn!!! Nhà ngươi có kiến giải gì thì mau nói đi.”
Tên lùn này từng là Nho sinh, vì phá văn bia, đốt thư quán của Quốc Tử Giám mà bị tống giam vào ngục. Có thể nói trong số những người ở đây y là người hay chữ nhất, có văn hóa nhất.
Tên lùn nói:
“Các ngươi chẳng lẽ không để ý lời thơ của tiên sinh vừa có cái nhân hậu độ lượng, lại vừa có sự căm phẫn trước thế đạo bất công hay sao? Mà thế đạo bất công, nạn nhân trực tiếp nhất còn ai ngoài chúng ta nữa?”
“Ý ngươi là... tiền bối cố tình lộ ra cho một chút manh mối về thân phận thật của mình là bởi ngài chọn chúng ta làm quân cờ?”
“Không sai. Chư vị, sau này phải nhớ khắc chế ngôn hành cử chỉ, đừng bá đạo ngang ngược như trước nữa. Chúng ta hiện giờ thân phận đã khác xưa, đừng có làm xấu mặt tiên sinh, hiểu không?”
Tên lùn gật đầu, lại căn dặn đám cùng phòng.
Cải Thảo nheo mắt, nhếch mép lên giống như đang bĩu môi, rồi leo lên người Nguyễn Đông Thanh nằm ngủ.
oOo
Sáng hôm sau...
Lúc hai tên cai ngục được lệnh thả người thì trời còn chưa sáng hẳn.
Nguyễn Đông Thanh ra khỏi phòng giam, bỗng thấy chẳng mấy khi lại gặp được một đám tù nhân có tâm hồn “thi sĩ” đến thế. Gã bèn xin hai tên cai ngục giấy bút, muốn viết một bài thơ.
Có bài học hôm qua, hai tên này nào dám nói nửa chữ không?
Thế là, Nguyễn Đông Thanh đứng sau lưng đọc, tên cai ngục già thay mặt viết ra một bài thơ, rằng:
“Lão phu nguyên bất ái ngâm thi,
Nhân vị tù trung vô sở vi.
Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật,
Thả ngâm thả đãi tự do thì.”
(Dịch nghĩa:
Già này vốn không thích ngâm thơ,
Nhân vì trong ngục không có gì làm.
Hãy mượn việc ngâm thơ cho qua ngày dài,
Vừa ngâm vừa đợi ngày tự do.)
Lạc khoản đương nhiên không thể thiếu, Nguyễn Đông Thanh vẫn dứt khoát đề tên nguyên tác giả là bút danh Nguyễn Ái Quốc của Bác. Đoạn cười, bảo mang bức thư này để vào căn phòng ban nãy tặng lại cho mấy người chung phòng.
Hồng Đô, Trương Mặc Sênh cũng đã được tháo cùm.
Ba người sửa sang tư trang đầu tóc một phen, kế được một cung nữ dẫn đến một căn phòng lớn. Bên trong đã chuẩn bị sẵn nước tắm, dầu thơm, y phục mới tươm tất gọn gàng. Nguyễn Đông Thanh thậm chí thấy trên phiến đá kê chân ở cửa nhà cầu đã có khắc chân dung của Lâm Thanh Tùng, bèn lắc đầu.
Kể cũng tội, mà thôi cũng kệ. Ai nói tên Tế Tửu này cứ nhất quyết phải dồn một người chẳng thù chẳng oán gì vào chỗ chết như thế?
Chải chuốt xong đâu đấy, ba người một mèo mới lại được một tên thái giám dẫn lên điện Kim Loan đặng hoàn thành cuộc cá cược ngày hôm qua.
Lời nhóm tác: Bộ thơ Ngục Trung Nhật Ký của Bác Hồ có tổng cộng hơn 130 bài thơ chữ Hán. Mà Nguyễn Đông Thanh chỉ vào tù có 12h đồng hồ, và chắc cũng phải đến non nửa thời gian là hắn ngủ. Thành ra, nhóm tác chỉ chọn một số bài tiêu biểu thôi. Thanh tuy không tự làm thơ được nhưng dù gì hắn cũng có sự hiểu và cảm thụ nhất định đối với thơ. Nên ngoại trừ khi có yêu cầu đặc biệt, còn không thì hắn cũng sẽ chỉ chọn các bài có ý cảnh hoặc cảm xúc phù hợp với hoàn cảnh của bản thân, chứ không phải đọc cho có để trang bức. Nếu muốn trang bức thì hắn cũng đã chẳng cần nêu rõ tên tác giả gốc mà đã tự vơ hết về mình rồi. Thành thử, tuy biết bà con quen thuộc hơn với bài Vọng Nguyệt được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông, cơ mà sau khi suy xét thì bài này không phù hợp với chương này. Thanh vào tù từ quãng đầu chiều, phòng giam thậm chí còn chả có cửa sổ, thì đào đâu ra trăng mà ngắm? Đến lúc có thể có trăng thì cả Thanh cả đám cùng phòng đều ngon giấc rồi. Còn bài về Trung Thu thì trăng chỉ được dùng để gợi đến cái Tết Trung Thu thôi, chứ không cần nhìn thấy thật, cũng không cần lúc ấy đang là Trung Thu, và hoàn toàn có thể hiểu là tử tù có yêu cầu cụ thể nên hắn mới chọn bài ấy. Ngoài ra thì tử tù ở Thiên Lao của Dực hoàng đế cũng chịu rất nhiều loại cực hình, tra tấn, hành hạ, bao gồm cả bị bỏ đói (nhân quyền kém xa thời Bác bị nhốt ở Trung Quốc). Thanh thì vì đang làm "vật thí nghiệm" nên đương nhiên cũng không được ăn gì rồi, nếu không thì đám Vân Tư nghiệp thử hạ độc là được rồi, dẫn quân đến tận nơi tìm cách giết làm gì? Nên mấy bài thơ của Bác về giờ ăn, suất ăn cũng không có đất diễn. Tất nhiên, các bài nêu ra trong chương cũng chưa phải toàn bộ những bài Thanh đọc khi ấy. Vì có tận mấy tiếng cơ mà, cũng đủ thời gian đọc cỡ mười mấy, hai mấy bài.
Anh em ai đọc thấy hay thì like, comment, và đề cử ủng hộ nhóm tác giả ạ! Nếu truyện được ủng hộ mà tổn cảo đủ nhiều, nhóm tác sẽ cố gắng đăng nhiều chương hơn mỗi tuần!