Mặc những người chung quanh an ủi, tôi vẫn thấy nản lòng. Tôi thấy tội nghiệp cho bác Kita quá, bỏ cả công ăn việc làm và tốn công tốn của, dẫn tôi về quê. Bác đã báo cho chúng tôi biết đúng lúc. Tôi cũng hiểu các anh tôi đã buồn phiền ra sao. Thật không may chút nào.
Người con gái trẻ tuổi đón tôi ở nhà ga lúc nãy, bước vào phòng, tủm tỉm cười và cúi đầu chào. Tôi lại thất bại nữa. Lần này là do quá thận trọng. Cháu không phải là người giúp việc. Cháu là đứa con gái đầu lòng của chị tôi. Tôi biết khi cháu còn là một đứa gái nhỏ bé, đen đúa. Bây giờ thì hoàn toàn thay da đổi xác, cao ráo, trông cũng thanh lịch.
“Cháu Mitchan đó mà”. Ngoại tôi cười. “Thấy cháu đẹp như hoa hậu không?”
“Dạ, đúng vậy. Cháu rất đẹp.” Tôi thành thật trả lời: “Nước da trắng trẻo.”
Mọi người cười vui vẻ. Tôi cảm thấy hơi thoải mái. Lúc ấy chợt nhìn vào phòng bên cạnh, tôi thấy mẹ tôi há miệng một cách mệt nhọc, thở mạnh hai ba cái, đôi vai run run. Rồi giơ cánh tay gầy guộc quờ quạng trong chân không như đuổi ruồi. Gì đây? Nghĩ vậy, tôi đứng lên đi đến gần giường mẹ tôi. Các người khác cũng đến tụ tập bên đầu giường, vẻ mặt lo lắng.
“Thỉnh thoảng bà thấy đau.” Cô y tá nói nhỏ, giải thích cho mọi người hiểu rồi luồn tay vào trong mền, liên tục xoa nắn thân thể mẹ tôi. Tôi quỳ thấp xuống, hỏi mẹ tôi đau chỗ nào. Mẹ tôi chỉ khẽ lắc đầu.
“Mẹ ơi gắng lên! Mẹ chờ Sonoko lớn lên đi.” Tôi hơi ngượng mà nói với mẹ tôi như thế.
Đột nhiên một người dì nắm lấy tay tôi để vào lòng bàn tay mẹ tôi rồi siết chặt lại. Không phải một tay. Tôi dùng cả hai bàn tay để bao bọc và làm ấm bàn tay lạnh lẽo của mẹ tôi. Dì úp mặt trên tấm mền đắp trên người mẹ tôi khóc. Ngoại tôi, cháu Taka (cháu gái người anh thứ) cũng bật khóc. Tôi gắng gượng, mếu máo. Như thế một hồi lâu tôi không chịu đựng được nữa nên lặng lẽ rời mẹ tôi, bước ra hành lang. Đường hành lang dẫn đến một phòng khách bài trí theo kiểu tây phương. Phòng lạnh, vắng tanh. Trên bức tường sơn trắng treo một bức tranh dầu hoa bạch phiến và một bức tranh khác vẽ người phụ nữ khỏa thân. Trên khung thành lò sưởi, lẻ loi một con búp bê gỗ, chạm trổ thô sơ. Trên bộ ghế xa-lông có miếng da beo. Cái bàn, cái ghế đến tấm thảm tất cả không thay đổi, vẫn như xưa. Tôi đi quanh quẩn trong phòng, cố đừng để rơi nước mắt. Tôi nhủ thầm bây giờ mà khóc thì là giả dối, giả dối thật đấy. Lặng lẽ trốn vô phòng khách để khóc một mình, tôi sẽ được mọi người xem như là một người con thật hiếu thảo. Xạo! Không phải là xi-nê rẻ tiền ư? Tôi là cậu Shuji, ba mươi bốn tuổi đời, con người hiền hậu. Thôi, đừng đóng kịch ướt át nữa. Đã từng làm những chuyện ích kỷ, bây giờ mới là người con hiếu thảo à. Dẹp đi! Khóc là giả dối. Nước mắt là nước mắt cá sấu. Vừa nói với chính tôi như thế, tay để trong túi quần, tôi đi quanh quẩn trong phòng khách. Nhưng bây giờ tôi cảm thấy nghẹn nơi cổ. Tôi bặm miệng lại. Tôi hút thuốc, tôi hỉ mũi, làm đủ mọi cách. Không để một giọt nước mắt rơi xuống đất.
Mặt trời xế bóng. Tôi không trở về phòng bệnh của mẹ tôi mà nằm yên trên ghế xa lông trong phòng khách. Phòng khách này hơi xa, có vẻ không có ai lui tới, bật nút cũng không có điện. Tôi ở đây một mình trong bóng tối lạnh lẽo. Bác Kita và bác Nakabatake vẫn không xuống. Họ làm gì vậy? Hình như vợ tôi và Sonoko đang ở trong phòng bệnh. Đêm nay, rồi đây chúng tôi sẽ phải làm sao. Theo dự định ban đầu và như ý kiến của bác Kita, sau khi thăm mẹ, chúng tôi sẽ cáo từ rồi đến nhà ngoại tôi ở Goshogawahara để ngủ lại một đêm. Nhưng mẹ tôi bệnh nặng như thế này mà tôi rút đi như đã định thì chắc sẽ làm bà con cô bác không vui. Dầu sao chăng nữa, tôi phải gặp bác Kita, nhưng không biết bác đang ở đâu. Hay là việc bàn tính với anh tôi càng lúc càng khó khăn, bác không tìm được giải pháp chăng? Tôi cảm thấy ở đâu cũng không ổn.
Vợ tôi bước vào phòng khách không đèn đuốc:
“Anh! Cảm lạnh chết.”
“Sonoko đâu?”
“Con đang ngủ.” Vợ tôi nói đã cho nó ngủ ở trong phòng chờ đợi bên phòng bệnh.
“Có sao không? Em đắp cho con đủ ấm chứ?”
“Dạ, ngoại có mang mền đến cho mình mượn”
“Em thấy sao? Mọi người tử tế chứ?”
“Vâng.” Vợ tôi trả lời nhưng vẻ mặt không yên. “Rồi chúng ta sẽ ra sao?”
“Không biết được.”
“Đêm nay mình ngủ ở đâu?”
“Hỏi anh chuyện đó thì làm sao mà trả lời được. Nhất cử nhất động, mình phải theo chỉ thị của bác Kita mà. Mười năm nay là như vậy. Nếu mình không bàn tính với bác mà nói chuyện thẳng với ông anh thì sẽ lôi thôi lắm thứ chuyện. Tình cảnh bọn mình là như vậy. Em hiểu chứ? Bây giờ anh chả có một cái quyền gì hết. Mang hành lý đến cũng không được.”
“Anh nói có vẻ như anh hờn bác Kita vậy đó.”
“Nói bậy. Bản thân anh, anh hiểu rõ hảo tâm của bác Kita. Tuy nhiên vì bác làm trọng tài ở giữa nên giữa anh và ông anh cũng có cái gì khó xử. Mình không thể nào để bác mất mặt được, mà cũng không có ai là người xấu …”.
“Anh nói nghe cũng phải.” Vợ tôi cũng tỏ vẻ hiểu chuyện một chút. “Bác Kita tử tế sẵn sàng dẫn chúng ta về quê. Nghĩ rằng phụ lòng bác thì không hay nên em cùng Sonoko đến đây. Bây giờ nếu xảy ra chuyện gì làm phiền bác thì chính em đây cũng cảm thấy ái ngại đó.”
“Đúng vậy. Mình không thể là bọn vong ơn được. Chỉ có anh, một thứ kỳ đà cản mũi, là không nên có mặt ở đây thôi. Thật là tội nghiệp cho bác Kita. Không ngại đường xá xa xôi dẫn mình đến đây mà không được mình hay ông anh tỏ lòng tri ơn, thì thật là hết chỗ nói. Mình phải làm một cái gì để giữ thể diện cho bác, nhưng không may là ở đây mình không có một ảnh hưởng nào cả. Không khéo thì chỉ gây thêm rắc rối mà thôi. Vậy thì mình chỉ còn cách là ngồi yên rồi xem sao. Em vào phòng thoa nắn chân cho mẹ đi. Chỉ cần nghĩ đến bệnh tình của mẹ thôi.”
Nhưng vợ tôi có vẻ không muốn đi. Nàng đứng rũ đầu trong bóng tối. Nếu có ai thấy hai vợ chồng chúng tôi ở nơi tăm tối như vầy thì coi không được. Nghĩ vậy tôi liền ngồi dậy bỏ ra hành lang. Không khí bên ngoài lạnh buốt. Nơi này là cực bắc của đảo Honshu. Bầu trời ban đêm nhìn xuyên qua khung cửa kính, đen như mực, không một ngôi sao. Bỗng nhiên không hiểu sao tôi rất muốn làm việc. Và làm một mạch.
Đứa cháu gái đi tìm chúng tôi.
“Trời ơi. Cô chú đang ở chỗ này mà tìm hoài không thấy!” Cháu ngạc nhiên kêu lên, giọng trong trẻo. “Tới bữa ăn rồi. Mời dì Michoko dùng cơm chung.” Đứa cháu gái này không có vẻ gì giữ khoảng cách đối với chúng tôi. Làm tôi rất tin cậy. Tôi nghĩ mình có thể hỏi ý kiến nó mà không sợ nhầm.
Cháu dẫn chúng tôi đến một phòng chánh nằm giữa nhà, có để bàn thờ. Ngồi quay lưng lại bức tường đằng sau phòng là giáo sư ở Goshogawara (con nuôi của ngoại), rồi bác Kita, bác Nakabatake. Đối diện với họ là chỗ ngồi của người anh cả, anh thứ, tôi và Michiko, cả thảy chỉ có bảy người.
“Thư tốc đạt đến trễ.” Tôi nói ngay khi gặp người anh thứ. Anh chỉ gật đầu nhẹ.
Bác Kita có vẻ không vui, mặt tiu nghỉu. Thông thường khi bác ngồi vào bàn tiệc và có rượu là bác vui hẳn lên, nên hôm nay gương mặt buồn xo rõ rệt của bác làm cho tôi tin rằng chắc có điều gì không hay xảy ra đây.
Còn giáo sư ở Goshogawara thì sau khi có chút rượu vào là vui nhộn hẳn lên nên bầu không khí trong phòng tương đối vui vẻ. Tôi đưa tay rót rượu mời anh cả và anh thứ. Tôi không nghĩ đến chuyện tôi được hai người anh tha thứ hay không. Tôi nghĩ suốt đời sẽ không có một lý do nào mà hai anh tôi có thể tha thứ cho tôi. Mà tôi cũng không lạc quan tếu như vậy. Rốt cuộc vấn đề ở đây là tôi có thương hai anh tôi hay không. Có lẽ người có tình thương đối với tha nhân là người có hạnh phúc. Nếu tôi thương hai anh tôi thì cũng đủ rồi. Chúng ta phải bỏ đi lòng tham lam ích kỷ cá nhân. Tự rót rượu cho mình, uống thật nhiều, tôi tự vấn tự đáp lung tung như vậy.
Tối hôm đó, bác Kita ngủ lại nhà ngoại tôi ở Goshogawara. Ở Kanagi có rất nhiều người đến thăm bệnh nhân nên có lẽ bác Kita ngại, nói phải về Goshogawara ngủ ở đó. Tôi ra bến xe, tiễn bác Kita.
“Cám ơn bác nhiều, bác thật tử tế dẫn chúng tôi về đây.” Tôi thành khẩn nói. Giờ đây tôi cảm thấy lẻ loi khi phải xa bác. Không có ai hướng dẫn tôi phải làm như thế nào. “Tối hôm nay gia đình chúng tôi ngủ lại ở Kanagi có được không ?” Tôi muốn hỏi ý kiến trước.
“À chuyện này thì có lẽ được.” Giọng bác hơi lạnh lùng, có lẽ tôi tưởng tượng như thế thôi. “Vì bà đang bệnh nặng.”
“Vậy thì chúng tôi sẽ xin tạm trú ở Kanagi hai hoặc ba đêm. Bác nghĩ như thế trông có trơ trẽn không?”
“Đó tùy theo bệnh tình của bà. Thôi để ngày mai chúng ta bàn tính với nhau bằng điện thoại.”
“Bác Kita tính thế nào?”
“Ngày mai tôi về Tokyo.”
“Cập rập quá! Hè năm ngoái, bác về gấp nên năm nay thế nào đi chăng nữa tôi cũng sẽ hướng dẫn bác đi tắm suối nước nóng gần Aomori. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cả rồi.”
“Không được. Mẹ bệnh nặng thế, đi tắm suối nước nóng coi sao cho được”. Thật tình mà nói, tôi không nghĩ bệnh tình bà lại nặng như thế. Thật không ngờ. Còn tiền cậu mua vé tàu hỏa cho tôi, thì sau này tôi sẽ tính toán và hoàn lại. Bác Kita thình lình nói chuyện tiền vé tàu làm tôi chưng hửng.
“Bác đừng đùa. Tôi cũng phải trả tiền vé tàu để bác về. Bác đừng lo chuyện đó.”
“Không được. Hãy tính toán sòng phẳng. Về hành lý của cậu gửi ở nhà bác Nakabatake thì sáng sớm tôi sẽ nhờ bác ấy gửi đến nhà ở Kanagi. Thế thì tôi xong việc.” Bác Kita đi nhanh trên con đường tối đen như mực.
“Đây là chỗ đón xe phải không ? Thôi, cậu khỏi tiễn tôi nữa. Thật mà, thôi đi.”
“Bác Kita!” Tôi đi nhanh hai ba bước như đuổi theo bác. “Anh tôi có nói gì với bác không?”
“Không có.” Bác Kita đi chậm, giọng ôn tồn: ”Từ nay trở đi, cậu không cần lo chuyện đó nữa. Đêm nay tôi thấy vui. Thấy ba anh em cậu, cậu Moji, cậu Eiji rồi cậu, ba người con thành đạt ngồi cạnh bên nhau, tôi mừng đến chảy nước mắt. Tôi không cần gì nữa. Đầy đủ rồi. Từ đầu tôi không mong một xu teng tiền thưởng cho chuyện này. Cậu chắc hiểu chứ? Tôi chỉ muốn thấy ba anh em cậu ngồi sắp hàng chung với nhau mà thôi. Vui lắm. Thỏa mãn. À, cậu Shuji ơi, ráng lên làm ăn cho đàng hoàng nhé. Đã đến lúc những người già như chúng tôi rút lui cũng được rồi.”
Tiễn bác Kita xong, tôi trở về nhà. Từ bây giờ không thể nhờ vả bác Kita nữa, tôi phải nói chuyện trực tiếp với anh tôi. Nghĩ đến đó, tôi cảm thấy sợ hãi hơn là sung sướng. Rồi không biết tôi sẽ làm điều gì bê bối khiến hai người anh nổi giận, tôi đâm ra lo lắng vô cùng và cảm thấy mình yếu kém.
Trong nhà tấp nập khách viếng thăm. Để khỏi bị khách bắt gặp, tôi len lén bước vào nhà bếp rồi từ đó đi đến phòng bệnh. Chợt ngó vào phòng nhỏ bên cạnh, kế bên phòng “Thường Cư”, tôi thấy anh Eiji ngồi một mình. Như bị một lực gì đẩy tới, tôi lẹ bước đến cạnh anh rồi ngồi xuống. Nhưng thâm tâm thì không khỏi lo ngại. Tôi hỏi:
“Bệnh mẹ nặng đến nỗi không thể chữa trị được à?” Một câu hỏi đường đột, tôi cũng nghĩ không nên hỏi như vậy. Anh Eiji cười gượng, ngó quanh quất rồi nói:
“Ừ, cậu phải nghĩ lần này là khó khăn đấy.” Khi đó, đột nhiên anh cả tôi bước vào. Vẻ hơi lúng túng, anh đi tới đi lui, mở tủ xong lại đóng, rồi ngồi xếp bằng bên cạnh người anh thứ.
“Khó thật. Không biết phải làm sao đây.” Nói xong, anh cúi mặt, đẩy cặp kính lên trán rồi lấy tay dụi mắt.
Không biết lúc nào người chị cả của tôi đã đến ngồi sau lưng tôi.