Ngọc Hoàn vừa trở về nhà thì người bỗng nổi lên những mụn nước lớn bé khiến ông Bá Ký và các gia nhân hoảng hốt. Lão tri phủ lật đật cho người gọi đám lang y dân gian đến khám chữa nhưng họ đúng thật vô tích sự, vừa đến đã vội tìm cớ trốn tránh. Ngỡ con gái bị đậu mùa, ông Bá Ký thân như ngồi trên đống lửa, bởi một đứa trẻ khi dính phải căn bệnh này, tính mạng nó phó mặc cho ông trời.
Liễu sốt sắng không hiểu cái tên lang y hôm trước sao giờ vẫn chưa đến thì bỗng thấy y thất thểu đi đi lại lại chung quanh. Liễu mừng quýnh lên, chạy đến kéo y vào trong.
- Bẩm ông! Bẩm ông! – Liễu hối hả réo lên – Bẩm ông! Có lang y! Có lang y giỏi rồi!
Nguyễn Bá Ký không hỏi han chi, liền đưa lang y đến nơi giường bệnh của con gái.
Tên lang y ấy chẳng hiểu ất giáp chi cả. Hai hôm trước sau khi nghe lời Ngọc Hoàn tìm đến huyện Tiên Du, y lại quên khuấy mất thay vì phải tìm gặp ông quan triều đình thì lại đến phủ nhà ông tri phủ Từ Sơn. Y cứ lảng vảng quanh làm đám lính canh bực tức xua đuổi. Y thầm nguyền rủa hai tên tiểu tử đã lừa mình thì bỗng bị một cô gái ép buộc vào trong cái phủ khác gần đấy.
Dưới sức ép của người đàn ông trung niên ra vẻ quyền lực, y không thể làm trái, đành miễn cưỡng chẩn bệnh.
Đúng nửa canh giờ, khi nghe báo lại rằng Ngọc Hoàn mắc chứng thủy đậu, không nguy hiểm tính mạng, ông Bá Ký lòng nhẹ nhõm, sai hầu thưởng tiền cho tên lang y ấy.
Chưa kịp vui mừng, Liễu chặn lối ra rồi cáo với ông Bá Ký rằng:
- Con có việc kính mong được thuật lại về tên lang băm này.
Đợi ông Bá Ký cho phép, Liễu mới dám bẩm tiếp:
- Trước, cũng có một nhà bị thủy đậu, hắn không những không trị dứt, lại khiến con cái người ta chịu khổ cực chịu bệnh tình dai dẳn.
Ông Bá Ký ánh mắt sắc lạnh, lườm y dữ dội. Tên lang y mặt biến sắc, hớt hải quỳ rạp xuống, đổ ngược lỗi cho Liễu.
- Bẩm ngài môn hạ, con ả này tôi thật sự không quen không biết. Cớ sao con ả lại vu oan cho tôi như vậy.
Liễu quay ngoắt sang y, nhìn chằm chằm vào y, nét mặt hung dữ:
- Ông xem kĩ tôi là ai.
Tên lang y trợn tròn mắt, dường như nhận ra được Liễu chính là thằng Liệu hôm nọ ép y đến nhà mụ đàn bà nghèo ấy. Chỉ kêu được tiếng “A”, khuông miệng run cầm cập không phản biện được gì.
Ông Bá Ký đập mạnh tay xuống bàn, chỉ thẳng mặt y, quát:
- To gan! Không chữa được bệnh, sao còn nhận chữa?
Y luống cuống dập đầu liên tục, giọng oan ức phân trần:
- Bẩm ngài môn hạ, bởi nhà mụ kia không tiền nên buộc hạ dân không thể đưa thang thuốc đắt tiền, nhưng thực sự hạ dân đã chữa dứt cho con gái mụ. Còn… Còn tiểu thư của ngài môn hạ, hạ dân nào dám dở trò gì… Xin ngài môn hạ minh giám… Xin ngài môn hạ minh giám…
Liễu khấu đầu thưa:
- Bẩm ông, hắn bất lương cũng vì đồng tiền nhưng y thuật của hắn không thể phủ nhận. Lời hắn nói là thật, việc chữa trị cho tiểu thư, có mười cái mạng chăng nữa hắn cũng không dám có sơ suất.
Y vội nương theo ý tứ của Liễu mà nói:
- Đúng, đúng. Tiểu thư ngài môn hạ thiên kim cao quý, có mười cái mạng chó của hạ dân cũng không đền được mạng của tiểu thư…
Liễu hếch mặt, liếc y một cái rồi buông lời đe dọa:
- Bẩm ông, con nghĩ nên để y lưu tại đây cho đến khi tiểu thư khỏe hẳn. Đặng nếu như y có giở trò, ông cũng có thể lường được mà bêu đầu hắn thị chúng.
Ông Bá Ký dịu đi một chút nhưng giọng vẫn tỏ uy lực:
- Con gái ta có bất trắc chi, liệu hồn cái mạng quèn nhà mày!
Nói rồi, ông Bá Ký sai Liễu cho người dọn căn phòng nhỏ ở khu phía Tây cho y, rồi cử người lần lượt canh chừng y cẩn thận. Tên lang y chỉ biết nuốt vội nước bọt, y càng thêm nguyền rủa Liễu và cái thằng nhóc đi cùng hôm trước.
Sau hơn mười ngày, sức khỏe Ngọc Hoàn tiến triển tốt đẹp, các mụn nước dần biến mất, cô bé cũng chẳng bị biến chứng chi khác. Tuy vậy, tên lang y vẫn chưa được thả ra. Y có bức bối nhưng chỉ dám trút giận lên cái chăn hay cái kê đầu nằm.
Chợt có tiếng mở cửa, một hình dáng nhỏ nhắn bước vào. Nhìn kĩ thì là vị tiểu thư yêu quý của ông Thị lang. Tên lang y này thở dài:
- Tiểu thư đã khỏi bệnh, còn giữ tôi làm chi.
Ngọc Hoàn lém lỉnh cười nói:
- Y thuật của ông quả là rất thần kì. Ta đổi ý rồi, muốn ông ở đây dạy cho ta mấy món nghề này của ông, cha ta nhất định trả ông rất hậu.
Y lườm nhẹ rồi xưa tay:
- Không được. Không được. Nếu như vậy chẳng phải tôi chết đói sao?
Ngọc Hoàn nhảy đến trước mặt y, nhướng đôi mày thanh tú, ba ngón tay trắn nõn giơ lên:
- Ta không bao giờ cho ai rõ cả, đảm bảo sẽ không ai tranh nghề với ông!
Y vẫn lắc đầu:
- Đây là tuyệt kĩ gia truyền của họ Trâu tôi, sao lại truyền lung tung cho kẻ ngoài! Tiểu thư thương tình thì thả tôi ra, dù gì tôi cũng đã chữa khỏi cho tiểu thư, xem như số má Trâu Lương Chí tôi xui, đã làm ơn còn mắc oán.
Ngọc Hoàn cảm thấy khá bị xúc phạm, cô bé nhăn mặt, đá vào ống chân tên lang họ Trâu ấy:
- Ông liệu cái mạng mà ăn nói cho cẩn thận.
Tên Trâu ấy suýt xoa. Lực đá của một cô bé mười tuổi so ra chẳng hề hấn gì với người đương tuổi trưởng thành như y nhưng ngặt nỗi Ngọc Hoàn có biết chút mấy món võ phòng thân nho nhỏ, dù vậy thì y cũng chỉ cảm giác bị nhói. Y lăn ra ăn vạ.
Liễu nghe tiếng la thì vội vã chạy vào xem xét. Ngọc Hoàn ra hiệu bằng ánh mắt, Liễu cúi xuống giơ hai ngón tay hù dọa:
- Này tên lang băm, vờ vịt là tôi móc mắt ông ra!
Họ Trâu câm miệng ngay tức thì, y bỗng nhận ra Ngọc Hoàn chính là thằng nhỏ nhà giàu ở nhà mụ đàn bà ven sống ấy. Ngọc Hoàn thích thú nhưng vẫn không quên nghĩ kế khiến y phải dạy mình y thuật:
- Trâu Lương Chí, ta với ông giao hảo đi. Ông truyền mấy món nghề lại cho ta, ta bái ông tiếng thầy. Về sau, khi ông nói học trò ông là ái nữ của ông Thị lang trên Kinh sư, mọi người sẽ kính nể ông ngay!
Tên y Lương Chí này biết thừa tính khí cô bé nhưng những lời thuyết phục của Ngọc Hoàn không hẳn không có lý. Suy nghĩ giây lát, Trâu Lương Chí hạ giọng nói:
- Nếu tôi dạy cho tiểu thư, vậy thì con cái tôi sau này thì sao đây? Tôi chưa thê thiếp, vốn y thuật của họ Trâu tôi chỉ truyền cho con cháu kiếm sống, truyền cho tiểu thư rồi thì họ Nguyễn nhà tiểu thư sẽ tranh họ Trâu nhà tôi à?
Ngọc Hoàn lại tấn công tâm trí y bằng lý lẽ:
- Cha ta có nhiều em gái, các cô cô ta rất xinh đẹp. Nếu ta là học trò ông, chẳng phải chuyện kiếm thê thiếp dễ như trở bàn tay hay sao? Khi đó, cha ta thấy ông tài giỏi, lại còn được thêm ta đốc thúc, ông không những trở thành con rễ của Tam phẩm Thị lang, mà có cơ may được cha ta tiến cử trở thành ngự y bên cạnh đức thánh thượng.
Lương Chí nheo mắt tỏ ý ngờ vực. Y định chỉ vào Ngọc Hoàn nhưng lại e ngại ả Liễu hung dữ đứng cạnh, đành rụt ngón trỏ lại, dùng bàn tay xoa xoa lên bên vai nhỏ của cô mà rằng:
- Tiểu thái hoàng thái hậu. Ngươi không phải tiểu thư nữa mà là tiểu thái hoàng thái hậu. Ngươi ranh ma như vậy chi bằng theo ta thong dong mọi nẻo, chúng ta cùng giúp nhau kiếm sống, ta sẽ tận tình chỉ dẫn ngươi có được không?
Ngọc Hoàn tuy thông minh linh lợi nhưng vẫn biết đạo lý, những gì nên nói hay không nên nói. Thấy tên lang này phạm thượng đến đức bề trên, cô chau mày không bằng lòng:
- Ông cẩn thận miệng lưỡi, sau rước họa vào thân đừng trách ta chưa nhắc nhở.
Trâu Lương Chí hắt tiếng khinh thường:
- Ta chỉ nể nang cha ngươi, ngươi là cái thá gì chứ?
Ngọc Hoàn trở nên khó chịu, quay sang Liễu bảo ả mau gọi cha cô đến trị tội cái tên lang y không biết phép tắc. Y hấp tấp chạy ù đến chặn cửa, cười hì hì xoa đầu Ngọc Hoàn. Liễu hất tay y ra, bộ dạng như muốn nhào đến sống mái với y.
Trâu Lương Chí giở giọng xu nịnh:
- Tiểu thái hậu, ngươi không chịu là thái hoàng thái hậu thì ta gọi ngươi tiểu thái hậu. Tiểu thái hậu của ta ơi, đời rộng lớn, nói thực thì ta cũng không mong gặp lại ngươi.
Ngọc Hoàn cười phì:
- Được thôi! Chỉ cần ta tìm thấy ông lần nữa, ông buộc phải làm lang y riêng cho ta, như thế có được không?
Lương Chí nghĩ thầm chỉ cần thoát khỏi đây, y sẽ tìm cách về lại cố hương phương Bắc. Y khoái chí lầm bầm:
- Khà khà! Tiểu thái hậu, ngươi có chạy lên trời cao hay lục tung mọi ngóc ngách cũng không thể tìm ra ông đâu.
Liễu thính tai mách lại Ngọc Hoàn:
- Tiểu thư, hắn gọi tiểu thư là thái hậu đã phạm thượng bậc bề trên. Nay lại xưng hắn vai vế ông của tiểu thư có nghĩa là ông của thái hậu. Tội của hắn đáng mang cắt lưỡi!
Trâu Lương Chí thất kinh, vội nhéo nhéo tay Liễu nói ả vu khống. Ngọc Hoàn liếc y rồi cất tiếng gọi cha. Trâu Lương Chí xanh mặt, nghĩ rằng y đến đây coi như tàn đời.
Ông Bá Ký nghe hầu bẩm lại thì nhanh chóng có mặt. Ông lo lắng hỏi han con gái yêu rồi trừng mắt dọa nạt họ Trâu. Y ấp a ấp úng sợ sệt. Ngọc Hoàn muốn cười phá lên nhưng dằn lại, dù vẫn còn hứng thú trêu chọc nhưng khi thấy y hoang mang, cô miễn cưỡng nói cha thả người. Ngọc Hoàn giữ đúng lời hứa, nói cha cô thưởng hậu cho y. Ngẩn người ra vài khắc, Trâu Lương Chí liền cảm kích lạy tạ.
Liễu mặc dù không muốn thấy mặt y nhưng cũng chẳng muốn y dễ dàng đạt được ý nguyện nên cứ thắc mắc mãi cớ sao Ngọc Hoàn không làm khó thêm nữa để y chừa thói huênh hoang. Khóe môi Ngọc Hoàn cong lên, vẻ mặt tự đắc cho ả hầu hay rằng:
- Trước kia vào đời Hiến Tông Chí Hiếu hoàng đế Trần triều, có một thần y tên họ Trâu Canh đã cứu được lục vương tử của thượng hoàng Minh Tông. Sau lục vương tử lên ngôi tức Dụ Tông Quang Hiếu hoàng đế đã rất trọng dụng y. Họ Trâu ở nước ta khá hiếm, lại còn sành y thuật nên chắc chắn y là con cháu Trâu Canh. – Ngọc Hoàn im lặng một lúc rồi nghĩ – Trâu Lương Chí, nhất định ta và ông sẽ có ngày gặp lại.
-o0o-
Trở về Kinh sư đến nay đã tròn một tuần trăng, bà cả ông Bá Ký nghe con bệnh thì xót, trách Liễu không chăm sóc kĩ Ngọc Hoàn, phạt ả năm hèo thật đau. Ngọc Hoàn cũng chẳng được tự do dạo chơi như trước nữa làm cô bé bẩm sinh hiếu động luôn trong trạng thái bức rứt. Ông Bá Ký tuy nuông chìu con gái nhưng lại rất nghiêm khắc đối với các công tử, việc này làm bà cả không hài lòng bởi bà nghĩ đã là con cái thì nên thống nhất cách dạy dỗ. Đôi khi Ngọc Hoàn ỷ bản thân con bà An nhân (1) nên hành xử có phần hơi quá đáng, ông Bá Ký thương con chẳng la rầy, các bà vợ lẻ vì không muốn động chạm con bà lớn nên bà cả buộc lòng thay đức ông chồng giáo dục đứa con gái duy nhất nên thân.
Bà An nhân nguyên họ Trần, gọi Thái tử thái bảo kiêm cung sư phủ thái tử Trần Phong hai tiếng “thúc phụ”. Dẫu xuất thân danh giá nhưng không vì thế mà bà kiêu căng với các bà vợ lẽ của phu quân, hơn thế, bà đối xử tất cả các con đều công bằng. Tuy nhiên, cũng bởi gia thế cao quý, bà lại không thể chịu được khi ông chồng mình lại lẹt đẹt ở hạng tam phẩm như vậy. Nhiều lần bà đề nghị Trần Phong tiến cử chồng, khi biết được, ông Bá Ký lại mắng bà rồi họ xảy ra tranh cãi gay gắt.
Trần Phong sau khi hầu triều, ngay lập tức đến phủ Thị lang Nguyễn Bá Ký bàn việc. Đức vua vừa xuống chiếu chinh phạt Bồn Man, Ai Lao và Lão Qua, lệnh Sùng quận công Lê Thọ Vực, Đoan Vũ hầu Trịnh Công Lộ, Diên Hà bá Lê Huy Cát chia làm các hướng chính tiến quân.
Lần này, nhà vua đích thân cầm quân xung trận. Theo lệ thường, mỗi khi vua xuất cung, thái tử còn ít tuổi thì người nhiếp quản là thái hậu cùng thân vương. Tuy nhiên, thời điểm bấy giờ, Cung vương Lê Khắc Xương đã mất, thái hậu lớn tuổi lại chẳng ham muốn chuyện triều chính, may thay lần này thái tử đã trưởng thành nên ra coi chầu. Người có quyền uy nhất chính là Kỳ quận công Lê Niệm hết lòng giúp đỡ.
Trần Phong tặc lưỡi, lắc đầu:
- Thái tử cũng chỉ là đứa trẻ nít miệng còn hôi sữa, chẳng thể tự chủ được chuyện chi. Cái tên Niệm đó, thể nào cũng được dịp lên mặt thị uy.
Nguyễn Bá Ký hớp ngụm trà, từ tốn nói:
- Kỳ quận công nổi tiếng trung thần. Nhất định tận lực trợ giúp thái tử điện hạ ổn thỏa chính sự. Ông đừng ăn nói hồ đồ kẻo mang vạ.
Trần Phong bất bình, cho rằng Nguyễn Bá Ký không thông suốt. Các khai quốc công thần từ đời Thái Tổ Cao hoàng đế như bọn Nguyễn Xí, Đinh Liệt đều đã không còn, ngoại tổ phụ của thái tử tức Trinh quốc công Nguyễn Đức Trung vừa qua đời. Quyền lực cao như Lê Thọ Vực cùng hoàng thượng xuất quân. Trần Phong nhận định, việc giúp thái tử giám quốc phải để người có thâm niên cao như ông chứ không phải là kẻ trẻ non dạ Lê Niệm.
Nguyễn Bá Ký nghe than, chỉ đành mỉm cười:
- Chẳng phải như vậy càng có thời gian để nhạc thúc nghỉ ngơi hay chăng? Lại nói, thái tử điện hạ nay tròn mười tám tuổi, đức thánh thượng chúng ta bằng tuổi điện hạ đã có thể ổn thỏa việc nước. Điện hạ thừa hưởng điểm tốt của tổ tiên, là người có thể trông cậy, không nhất tiết cần Kỳ quận công trợ chính nữa. Có điều, dù cho là gì chăng nữa thì đây không phải chuyện đơn giản. Tôi chỉ nghĩ, Trần nhạc thúc nên cảm thấy may mắn vì không phải đảm nhiệm trọng trách nặng nề đó.
Trần Phong nóng tính đập bàn thật mạnh, quát:
- Ý ngươi chửi xéo ta tài không bằng thằng Niệm đó?
Nguyễn Bá Ký vội khuyên nhủ:
- Nhạc thúc bớt giận, tôi nào có nghĩ như vậy? Chỉ là tôi thấy, việc giám quốc này rất mơ hồ. Một sơ suất nhỏ có thể mất đầu như chơi. Tôi khuyên ông nhạc thúc đừng nên ham mê khi mà kẻ chống đối còn nhiều hơn người thân cận.
Trần Phong trong khoảnh khắc cảm thấy hợp lý. Ngày trước, khi Thái Tổ Cao hoàng đế khởi quân, những người theo cùng đều đồng lòng phò trợ Thái Tổ nên nghiệp lớn. Sau trở thành công thần khai quốc, mỗi người họ đều có mưu đồ riêng của bản thân, không còn chung chí hướng như thuở khổ cực xưa nữa. Thái Tổ Cao đa nghi như Hán Cao Tổ hay Hồng Vũ đế Minh triều, lần lượt Nguyên Hãn, Văn Xảo kết cục không được tốt đẹp. Đến đời Thái Tông Văn hoàng đế, Lê Sát, Lê Ngân và Nguyễn Trãi cũng không thể giữ được tính mạng. Khi Nhân Tông Tuyên còn tại thế, tình hình lúc này như thể bên ngoài trông vào mọi thứ đều hoàn hảo nhưng nội tình lại phe cánh rõ rệt. Trần Phong, Ngô Sĩ Liên thân cận Lệ Đức hầu Nghi Dân, Lê Lăng tận lực với Cung vương Khắc Xương, Lê Xí và Lê Liệt dốc tâm dạy dỗ hoàng thượng lúc này đang là Bình Nguyên vương. Lệ Đức hầu biến loạn, Lê Ê, Lê Thụ, Đỗ Bí, Lê Ngang đều bị giết sạch. Hồng Đức thánh thượng trong những năm đầu cũng diệt trừ Lê Lăng, rồi Cung vương bị nghi kị dẫn đến phải tự sát. Ngô Sĩ Liên những năm này an phận, gần đây còn được vua giao việc chép sử. Chỉ còn mỗi Trần Phong là cái gai trong mắt vua, tiếc là vẫn chưa thể nhổ. Trần Phong mọi sự tinh thông, có điều ông ta bị danh lợi che mờ dẫn đến mù quáng.
Ai cũng bảo rằng Nguyễn Bá Ký tư duy quá sức hạn hẹp, không biết lợi dụng họ vợ mà thăng tiến. Ngay cả Nguyễn Công Đán là người ngoài mà cũng được Trần Phong nâng đỡ thì chẳng có lý gì ông ta không đưa tay giúp vợ chồng cháu mình chút đỉnh. Suy đi ngẫm lại, Nguyễn Bá Ký chính là khôn ngoan, ông tường tận vai trò của họ Trần đối với nhà vua ra sao. Tuy Trần Phong chức vị cao nhưng thực quyền liệu chăng có như ông ta bấy lâu vẫn tự mãn?
Phóng ánh nhìn ra ngoài sân, trông thấy con cái đang nô đùa vui vẻ, Nguyễn Bá Ký khà ra tiếng sảng khoái:
- Chốn quan trường như bãi chiến trường. Tôi chỉ mong lắm những khoảnh khắc chứng kiến con trẻ quây quần, thế cũng mãn nguyện.
Trần Phong thở dài chán nản:
- Ngươi thật thiển cận. Chẳng phải thằng trưởng Kỳ Thạc, thằng hai Kỳ Vinh của ngươi đang học tập ở Sùng Văn quán hay sao? Hai đứa trông rất đĩnh đạc, ắt về sau thành danh. Ngươi cũng phải phấn đấu tạo tiền đồ cho chúng chứ?
Vừa dứt câu, Ngọc Hoàn từ đâu sà vào lòng ông Bá Ký khiến Trần Phong thập phần phật ý. Nể mặt Phong là chú vợ, Nguyễn Bá Ký nhẹ nhàng nói con gái thưa cho có phép.
Trần Phong lắc đầu bất mãn:
- Chẳng có dáng dấp của đại tiểu thư! Ngươi xem, cháu ta bằng tuổi đứa nhỏ này đã ra dáng một thiên kim đại cát. Ngươi đừng nuông nó nữa, bằng không sau này sinh tật! Con gái cũng có lợi, về sau liên hôn với nhà quyền quý khác sẽ được muôn phần lợi lộc.
Nguyễn Bá Ký sai hầu bê chiếc ghế nhỏ đặt cạnh, ông ân cần nhấc bổng con đặt lên, khuông miệng từ từ nở nụ cười dịu:
- Ngọc Hoàn nhà tôi hãy còn thơ dại. Sau này trưởng thành, nếu con bé kết một ai đó miễn cậu ta tốt thì tôi vui lòng gã cho.
Trần Phong dần nản chí nói:
- Ngươi thật… Ít ra cũng phải kiếm một tấm chồng môn đăng hộ đối chứ? Cháu ta, nó hiện đang được dạy dỗ đặng vài năm nữa, khi đủ mười lăm tuổi sẽ tiến cung thái tử điện hạ.
Kể ra cũng thật nực cười, Trần Phong câu trước vừa đả kích thái tử câu sau đã muốn gả cháu vào nhà hoàng gia. Nhớ khoảng năm Hồng Đức thứ năm, Nguyễn Công Đán được cất nhắc lên chức Thượng thư Binh bộ. Đán có một cháu gái ở quê nhà, người đẹp không ai sánh bằng. Trần Phong đã gặp qua cô gái ấy và gợi ý Đán đưa cô tiến Đông cung. Tuy nhiên, Đán vì kém trí lại u mê quyền lực nên thẳng thắn muốn xin đưa cháu vào làm cung tần đức vua.
Trần Phong ngao ngán nói:
- Thái tử tương lai nối ngôi đại thống, hắn không biết nghĩ cho sau này, chỉ ham lợi quyền trước mặt. Đức thánh thượng nội cung vô kể, tam phi, cửu tần đều đầy đủ. Cháu hắn sung vào liệu ở vị trí thế nào đây? Trong khi thái tử chưa có thê thiếp, chẳng phải khi đó cháu gái hắn trở thành người vợ đầu tiên, về sau dễ dàng lên vị phi hơn sao?
Nguyễn Bá Ký xua tay, tiếp lời:
- Chuyện đã qua lâu, nhắc lại làm chi. Vả lại, cháu gái của Công Đán các hạ cũng trở thành thê tử của thái tử điện hạ rồi còn gì.
Trần Phong nhắc đến lại giận lên:
- Là do đức thánh thượng không chấp thuận nên đã chuyển cháu gái hắn sang thái tử. Cái tên Đán là kẻ ngu xuẩn. Chỉ tự chuốc nhục cho bản thân.
Nguyễn Bá Ký lại thắc mắc hỏi:
- Ông nhạc thúc, ông vừa bảo sẽ cho cháu ông tiến Đông cung nhưng nếu vậy ông không sợ cháu ông sẽ bị chèn ép chăng?
Trần Phong vỗ ngực thị uy:
- Có nội tổ phụ là ta, ai dám ức hiếp nội tôn của ta? Không phải ta tốt lành chi mà bảo hắn đưa cháu vào, là ta muốn khi cháu gái ta vào Đông cung, liên minh giữa vợ cả vợ thứ chắc chắn. Dựa vào thân phận cao quý, cháu gái ta ắt phải được nể trọng hơn rất nhiều.
Trần Phong im lặng một chút rồi tiếp tục:
- Cháu gái hắn năm rồi sinh hạ trưởng nữ cho thái tử nhưng đứa trẻ phúc mỏng không may yểu mệnh. Chỉ lo rằng là vợ cả mà lại sinh trưởng tử sẽ khó đối phó.
Nguyễn Bá Ký phì cười:
- Tôi thấy ông nhạc thúc lo xa quá rồi.
Một ả hầu đứng ngoài cửa, kính cẩn thưa gửi:
- Bẩm ông, bà cả gọi con sang nhà ông Thị lang môn hạ vời ông về dùng bữa.
Ngọc Hoàn nghe giọng nói quen thuộc, bất giác nhận ra được ả hầu ấy chính là Thị Cẩn con gái của mụ đàn bà ở huyện Yên Phong dạo trước. Cô bé kinh ngạc, đứng phắt dậy. Ông Bá Ký luôn miệng hỏi con có chuyện gì.
Ngọc Hoàn chỉ vào ả hầu bên ngoài, nói với Trần Phong:
- Ả là hầu mới của người ạ?
Trần Phong gật đầu:
- Phu nhân ta mua nó từ một người quen. Chả là mẹ nó phạm trọng tội phải bán nó lấy tiền chuộc.
Ngọc Hoàn đến bên ông Bá Ký, nũng nịu nài cha:
- Con chán ả Liễu rồi. Cha ơi, con muốn ả này. Chẳng phải cha mẹ luôn không an tâm ả Liễu sao? Có người khác cùng ả Liễu chăm con, cha mẹ hẳn an tâm hơn nhiều mà.
Nguyễn Bá Ký không muốn từ chối con nhưng hầu là của họ Trần khiến ông cũng khó xử mà nhìn sang lão Trần cũng đang chán chường nhìn cha con họ.
Trần Phong miễn cưỡng nói:
- Ả này có thể ở lại đây. Dù sao cũng chỉ là một ả hầu rẻ mạt, nhà ta cũng không cần lắm. – Rồi Trần Phong ra ngoài, nói với ả hầu – Mày cẩn thận hầu hạ cho đàng hoàng không khéo tổn hại thanh danh ta, ta sẽ không cho mày yên cái thân đâu.
Ả trông lấm lét, cất tiếng “vâng, dạ” sợ sệt. Trần Phong được vài thằng lính đưa rước bằng võng lọng rất uy. Ngọc Hoàn tuy vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh việc mụ đàn bà kia cớ sao vướng tội, lại còn nỡ bán con cho họ Trần nhưng hiện ả Cẩn, con mụ đã ở nhà cô, thoát khỏi lão họ Trần kia thật là may mắn lắm.
Bà cả sắp xếp ả Cẩn đứng cửa nơi tẩm phòng của Ngọc Hoàn, bà cũng định thêm hầu cận cho con gái nhưng vẫn chưa thấy ai phù hợp với tính cách bướng bỉnh của con. Nay ả Cẩn được chính Ngọc Hoàn chọn, lại vốn tính tình nói ít làm nhiều nên cũng được lòng bà.
Đã bảy ngày kể từ khi bị chuyển đến phủ ông Thị lang, Liễu tủi thân với số phận hẩm hiu của mình. Nó như một món đồ không giá trị ai ai cũng có thể chà đạp, ai ai cũng có thể đùn đẩy qua lại. Nhớ những ngày tháng còn thơ bé, được cha dạy chữ, mẹ ngày đêm bên cạnh cơm nước, cuộc sống tuy nghèo nhưng ả vẫn được cảm nhận sự ấm áp hạnh phúc mà hiện nay dường như cái tốt đẹp đó với ả bị coi là xa xỉ. Nghĩ kĩ thì làm hầu ở nhà ông Thị lang, ả được đối đãi tốt hơn. Dù bà cả trông nghiêm khắc, có phần ồn ào nhưng xét ra bà là người hiểu lý lẽ chứ không như đám người phủ họ Trần ỷ thế hiếp đáp. Cẩn nghe loáng thoáng mấy đứa hầu kháo rằng tiểu thư rất ngang ngược, ả thầm gật đầu đồng tình. Cái lúc mà vị tiểu thư nhỏ nằng nặc đòi cha xin lão Trần Phong để lại đứa hầu là ả, ả thầm nghĩ thật đúng là trẻ con sinh ra trong nhà thế gia. Nói là hầu tiểu thư nhưng kể từ khi ấy đến giờ, ả Cẩn chưa gặp tiểu thư thêm lần nào nữa vì không phải lúc nào ả cũng đứng trực cửa mà còn phải phụ giúp việc vặt. Vị tiểu thư ấy cứ mỗi lần ả đi làm chuyện khác thì lại ra hoặc vào phòng như không muốn thấy ả.
- Này!
Cẩn theo quán tính quay nhìn nơi có tiếng gọi, ả từ bất ngờ đến không giấu nỗi vui mừng mà reo lên:
- Kỳ Thạc công tử? Có phải là Kỳ Thạc công tử?
Ngọc Hoàn lại cải nam trang, mỉm cười gật đầu. Cô kéo Cẩn đến mái đình phía vườn nơi bãi sân sau, cho ả ngồi ngang hàng với mình. Cẩn ái ngại không dám bởi khi còn ở phủ họ Trần, ả được răn dạy rất nghiêm về vấn đề bề trên kẻ dưới. Ngọc Hoàn ép lắm mới có thể khiến ả ngồi đối diện mình.
Cẩn thoáng chút lo lắng mà lên tiếng:
- Công tử… Lỡ may tiểu thư trở về, không thấy em ở đấy lại trách lên bà cả, em sẽ bị đánh…
Ngọc Hoàn cười hì hì nói:
- Không sao không sao! Chị cứ an tâm ở tôi, em tôi rất tốt, không như những gì kẻ hầu người hạ chung quanh đồn đại đâu.
Cẩn e thẹn gật nhẹ. Ngọc Hoàn quả coi trọng ả Cẩn này, bởi hiện ả đã là hầu của nhà cô bé nhưng cô vẫn gọi ả tiếng “chị” chứ không phải gọi “em” như gọi ả Liễu.
Ngọc Hoàn tò mò về nguyên do khiến ả bị bán vào nhà họ Trần. Cẩn đau lòng, đôi mắt ngấn lệ trả lời:
- Mẹ em vồn nghề mụ sinh (2), ba ngày sau khi được công tử giúp đỡ, lão tri huyện lại đến ép mẹ em đỡ cho vợ lão. Đứa trẻ là thai chết lưu, vừa ra đời đã không còn nhịp thở nhưng lão ta đổ tội mẹ em hại chết con lão, tống giam bà vào ngục. Muốn tha tội chết phải đền hai trăm quan…
Ngọc Hoàn cau mày tức giận, buông lời mắng:
- Năm trăm quan? Năm trăm quan là ba mươi vạn đồng cho cái thai chết lưu? Đúng là tên loạn thần. Quan như cha mẹ dân chúng, hắn ta ắt có ngày sẽ rơi vào cảnh hoạn nạn.
Cẩn bỏ qua lời ấy, nói tiếp:
- Thầy lang hôm nọ là người đã đã gợi ý đưa em vào nhà họ Trần…
- Cái gì cơ? – Ngọc Hoàn không giữ được bình tĩnh mà thốt lên – Cái tên Trâu Lương Chí đó sao?
Cẩn vội ra khỏi chỗ ngồi, quỳ xuống:
- Thật ra em mang ơn ông ta. Sau khi mẹ em bị bắt ngục gần một tuần trăng, tình cờ em gặp được Trâu lang y, em đã nài nỉ và nhờ ơn ông ấy quen biết một người quen, đã đưa em vào phủ họ Trần. Tuy không có giả cả nhưng uy danh họ Trần đã đưa được mẹ em thoát khỏi lão tri huyện ấy.
Ngọc Hoàn quá đỗi thương tâm cho cảnh bần cùng của ả Cẩn. Cẩn nói rằng mẹ ả đã bị đuổi khỏi huyện Yên Phong nên hiện giờ cũng chẳng biết đi đâu về đâu. Ngọc Hoàn tự biết bản thân còn nhỏ chẳng thể giúp được chi, chỉ đành giữ ả bên cạnh, mỗi ngày đều bảo Liễu bí mật cho người thăm dò tin tức.
Ngày qua tháng lại, Cẩn tuy phận hạ nhân nhưng cuộc sống của ả đã dễ dàng hơn rất nhiều vì gặp được chủ tốt. Cẩn nhút nhát nên dù vào hầu họ Nguyễn một thời gian nhưng ngoài Liễu ra, ả vẫn không thể nói chuyện với bất kỳ ai. Dĩ nhiên rằng Liễu cũng đã căn dặn bọn hầu khác không được hó hé việc tiểu thư của ả mạo danh đại công tử. Ông bà Bá Ký thấy con gái suốt ngày cải trang vui đùa cũng chỉ nghĩ rằng cô bé thấy người mới nên hiếu động nghịch phá.
Đến ngày Giải đảo huyền (3), Thánh mẫu hoàng thái hậu cùng hoàng thượng, các hoàng tử, công chúa, tần phi phẩm vị cao và hoàng thân quốc thích cùng đến Dục Khánh tự hành lễ. Các bá quan vài người từ tam phẩm trở lên đều được theo nên ông Bá Ký từ sớm đã có mặt ở điện Thị Triều hầu xuất cung.
Bà Cung nhân (4), phu nhân của Trần Phong sau khi lễ Phật ghé ngang phủ Thị lang Nguyễn Bá Ký theo lời của đức ông chồng để giúp đỡ bà An nhân chuẩn bị mâm cúng thí thực (5).
- Ngọc Hoàn đâu?
Bà Cung nhân không thấy Ngọc Hoàn từ sáng giờ nên có chút thắc mắc. Bà cả An nhân mỉm cười đáp:
- Thưa thẩm (6), Ngọc Hoàn nhà tôi xin đi Khai Quốc tự, cả mấy tháng nay con bé ngoan ngoãn hơn hẳn nên tôi đồng ý cho nó đi.
Bà Cung nhân nhìn Liễu đang loay hoay dọn dẹp phòng của Ngọc Hoàn, lại hỏi:
- Chẳng phải nó là tâm phúc của Ngọc Hoàn sao? Sao nó không đi cùng?
Bà cả chỉnh trái cây ngay ngắn, rồi nói:
- Tôi thật hài lòng con Cẩn. Ngọc Hoàn cũng thích nó nên đã bớt đi tính ương ngạnh.
Bà Cung nhân ngạc nhiên, nói:
- Cẩn là đứa hầu của nhà tôi để ở nhà cô sao? – Nhận được cái gật đầu từ cháu chồng, bà Cung nhân vẻ mặt lo lắng – Cô dám để con bé đi cùng nó à?
Bà cả hiểu được thái độ đó của thẩm mình, rõ là có chuyện không hay, bà chầm chậm gặng hỏi:
- Thưa thẩm, rốt cuộc là có chuyện chi đáng ngại?
Bà Cung nhân thở dài, nói:
- Cô ơi là cô! Con Cẩn nó bị đậu, tôi nghe đâu đấy là nổi thủy đậu nhưng thủy đậu với thiên hoa(7) tôi nghĩ cũng như nhau cả. Nó bị nặng đến độ để lại di chứng là chứng bệnh phế. Tôi lại nghe đức ông chồng nhà tôi bảo lại rằng Ngọc Hoàn nhà cô cũng vừa mới dứt bệnh, không khéo đi cùng cái mầm bệnh ấy sẽ phát tiếp không chừng.
Bà cả cả kinh, vội gọi người tìm Ngọc Hoàn trở về. Biết sắp có chuyện chẳng lành, Liễu xung phong đi tìm tiểu thư đặng tiện báo tin nhưng bà cả quá rõ sự trung thành của Liễu, bà bắt ả nói địa điểm con gái đang ở và nhất quyết sai đứa hầu khác đến rước về.
Ngọc Hoàn cùng Cẩn vẫn vui vẻ khắp các đền tự, ả Cẩn chưa từng được một lúc thoải mái nào kể từ khi cha qua đời. Đã lâu rồi Cẩn chưa lễ Phật, ả thành tâm khấn vái người cha quá cố sớm được thác sinh một kiếp tốt hơn và mong cho mẹ ả bình an vô sự.
Một vị sư thầy khoảng độ tứ tuần, giọng thanh thoát vang to:
- Thỉnh các vị thí chủ hãy nghe bần tăng nói đôi lời.
Đợi khi chung quanh im ắng, sư thầy nói tiếp:
- Bần tăng xin hỏi, trong các vị thí chủ ở đây, vị nào có quý danh Nguyễn Ngọc Hoàn?
Ngọc Hoàn không ngần ngại mà chen khỏi đám đông ấy, thu hút sự chú ý của vị tăng. Cẩn đơn giản nghĩ rằng công tử Kỳ Thạc đang đi bên ả chỉ là nghe đến tên em gái thì nhanh chóng xem xét liệu chăng có chuyện gì. Ả vẫn chưa hề phát hiện ra Kỳ Thạc này thật ra chính là vị tiểu thư tinh nghịch giả dạng.
Vì người dân đến lễ phật rất đông, đứa hầu chẳng biết phải tìm tiểu thư của nó thế nào, bèn nhờ vị sư thầy đánh tiếng thông báo. Ngọc Hoàn trông bộ dạng gấp gáp của thằng hầu thì không khỏi suy nghĩ, nghi xảy ra chuyện, cô bé vội chạy đến chỗ Cẩn kêu ả mau về phủ.
Cả hai về đến nơi thì thấy ả Liễu bị đánh hèo. Cẩn liền bị hai tên lính giữ lại, đưa ngay vào căn phòng bỏ hoang phía tây phủ. Ngọc Hoàn thấy cũng không thể làm gì được, bởi lo lắng cho Liễu hơn cả, cô bé chạy xô đến, lấy thân người bé nhỏ của mình chắn lên ả. Liễu bị phat tơi tả, cơ thể bầm tím, nước mắt giàn dụa trên gương mặt trẻ thơ tuông ra tự khi nào, Ngọc Hoàn nấc nghẹn:
- Sao mẹ lại đánh ả Liễu của con như vậy? Liễu không làm gì sai. Là con ép uổng ả. Ả không cản được con, không phải lỗi của ả…
Bà Cung nhân thấy cảnh tượng chướng mắt, buông lời lăng mạ:
- Cô trông, đường đường là đại tiểu thư của tam phẩm quan văn mà lại ăn vận như lũ phường hề. Bán nam bán nữ được cả chủ lẫn tớ.
Bà cả giận lắm toan mắng con thì bà Cung nhân nhắc khéo:
- Cô liệu cơm gắp mắm sao cho hợp lý. Chuyện nhà ông Thị lang Hộ bộ có ái nữ không đặt “công, dung, ngôn, hạnh” lên hàng đầu mà chỉ thích rong chơi với bọn hạ đẳng lan truyền đi thật không hay cho lắm.
Bà cả nghe qua liền hiểu ý, nghiêm mặt, lớn giọng:
- Con Cẩn đó là đứa điềm ngôn mật ngữ (8), dụ dỗ Ngọc Hoàn nhà ta. Ngọc Hoàn chỉ mới mười tuổi, còn non dại lắm nên không biết phân biệt tốt xấu bị bọn hầu xấu rủ rê.
Ngọc Hoàn gắng sức quát lên:
- Không phải! Là con ép họ làm theo ý mình! Không phải lỗi của họ mà!
Bà Cung nhân cười khan. Điệu cười vô cảm ấy làm Ngọc Hoàn bất giác rùng mình. Giọng nói bà ta lanh lảnh, lại thập phần lạnh lùng mà rằng:
- Ngọc Hoàn là tiểu thư độ lượng, không biết đã bao che tật xấu của đám hạ nhân chúng mày bao lần. Quốc có quốc pháp, gia có gia quy. Từ nay, phạm lỗi không được bỏ qua, lập lại kỷ cương phép tắc mới có thể khiến chúng thôi thói nhởn nhơ, xem chủ là bạn.
Đoạn, bà ta ném ánh nhìn vô hồn về phía Ngọc Hoàn mà nói:
- Ngọc Hoàn, cháu cũng nên khắc ghi trong lòng, bất kể là chủ đích của cháu chăng nữa, nếu việc đó được công nhận tốt thì cháu hưởng lộc, nếu sai thì đó là do đứa hầu cản trở. Hầu trung là đứa không bao giờ để chủ mình chịu bất kì trách nhiệm gì.
Bà Cung nhân nghĩ có lẽ chuyện nội bộ gia đình này không nên dính vào nữa. Bà ta bình thản cáo ra về.
Bà cả nhìn con gái đang khóc nức nở. Tuy cảnh này làm tâm người làm mẹ run lên nhưng bà vốn mẫu người cứng rắn, nhân đây cũng muốn răn đám hầu không được xuôi theo Ngọc Hoàn nữa, bà dứt khoát nói:
- Con Liễu, xét ra mày cũng là tớ tốt, cho mày dưỡng sức hôm nay. Kể từ mai, cấm mày không hầu hạ tiểu thư nữa, sang bên khu thổi lửa mà làm.
Ngọc Hoàn bất tuân ý mẹ, cô bé ấm ức:
- Con vẫn không rõ đã làm gì sai mà mẹ lại giận như vậy. Con không lẻn đi chơi nữa mà chính hôm nay mẹ đã cho phép con. Con cũng không hiểu Liễu bị phạt về chuyện gì…
Bà cả cắt ngang:
- Mẹ nghĩ con là người hiểu rõ nhất chứ? Con Liễu đã khai ra hết rằng lúc ở phủ Từ Sơn, con cùng ả lẻn ra ngoài và gặp được con Cẩn. Cẩn bị thiên hoa rồi lây sang con khiến con phải chịu khổ sở hơn mười ngày. Cẩn nó bị bệnh phế do chứng thiên hoa gây nên, con chỉ vừa mới hết bệnh, cơ thể còn yếu, ngộ nhỡ bệnh tái phát sẽ ra sao?
- Nhưng đó không phải bệnh thiên hoa… - Ngọc Hoàn cố gắng phân trần.
Bà cả không muốn con gái giải thích thêm lời nào nữa, đanh thép thể hiện uy quyền:
- Con Liễu tội nặng, biết sự tình mà không cáo, ta chưa đuổi nó đi đã là phúc phần của nó. Con hãy quay về phòng đóng cửa suy ngẫm tất cả những chuyện càn quấy bất quy tắc của bản thân đi.
Liễu thều thào trấn an tiểu thư của ả. Ngọc Hoàn tức tối đi một mạch về tẩm phòng, đóng cửa trong sự giận dữ.
Những tưởng phúc phần của Cẩn sẽ ổn định ở phủ ông Thị lang vĩnh viễn, nào ngờ, vì bà cả cho rằng ả mang mầm bệnh nên trả về phủ Trần Phong. Họ Trần cái tôi cao ngất ngưỡng, xem ả Cẩn như một sự sỉ nhục nên hàng ngày ả phải làm tấm bia để họ trút cơn giận. Ả oán hận họ Trần, oán hận bà An nhân của ông Thị lang Bá Ký, oán hận tên lang y đã gợi ý ả vào nhà họ Trần và tất nhiên lão tri huyện cũng bị ả căm thù.
Năm Hồng Đức thứ mười sáu, Trần Phong vì tính thẳng như ruột ngựa, nói năng không kiêng nể ai, lại hay lươn lẹo mưu mô khiến hoàng thượng chán ghét. Nhân có nhiều bản tấu kể tội, vua khép ông ta tội danh mưu phản, lập tức xử trảm. Vợ con đều biến thành thứ dân, tôi tớ sung vào cung tiếp phận phục dịch.
Chú Thích:
(1) An Nhân: Tước phong vợ chính của quan văn Tòng tam phẩm.
(2) Mụ sinh: Bà mụ, bà đỡ đẻ.
(3) Giải đảo huyền: Hay còn gọi là lễ Xá tội vong linh. Ngày lễ được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, trùng với tết Trung Nguyên của người hán.
(4) Cung nhân: Tước phong vợ chính quan văn Tòng nhất phẩm.
(5) Cúng thí thực: Cúng cô hồn.
(6) Thẩm: Vợ của chú.
(7) Thiên hoa: Đậu mùa. Ở đây, mình phân biệt rằng đậu mùa là dân gian hay gọi còn những người tỏ ra quyền quý sẽ gọi cái tên mỹ miều hơn.
(8) Điềm ngôn mật ngữ: Chỉ kẻ lấy lời nói khéo mà an ủi người, mà rủ rê người.