Dọc đường trở về nhà ở Phương Quan, ông Lữ đã suy nghĩ rất nhiều về cuộc nói chuyện với lão đạo sĩ. Có nhiều điều ông cần phải lưu tâm, dù rằng chưa biết thực tài của đạo sĩ đó ra sao, nhưng kiểm chứng thì dễ dàng lắm. Nếu ba tháng sau con trai ông kết hôn thật, vậy thì đạo sĩ ấy quả thực là bậc kỳ nhân đoán trước được vận mệnh, sau này có biến cố gì có thể nhờ ông ấy tới thu xếp. Còn nếu ba tháng sau mọi chuyện vẫn bình thường thì coi như lời nói gió bay, lão đạo sĩ kia chỉ là một tên bịp bợm, dệt chuyện để ăn chùa hai bát phở.
Chẳng biết có phải do cuộc đối thoại hôm ấy với lão đạo sĩ, mà tối đó ông Lữ gặp dị mộng, ông thấy ông đồ Trương cầm dao chặt mình thành từng khúc vì dám vi phạm lời thề năm xưa.
Ông la hét lúc nửa đêm khiến cho bà Lữ nằm cạnh bị phá giấc ngủ. Thấy ông Lữ mồ hôi ướt đẫm lưng áo bà gặng hỏi mãi ông Lữ mới nói chuyện gặp đạo sĩ ở ngoài tỉnh. Rồi nhân tiện nhớ đến lời thề năm xưa nên ông thành thật nói với bà chuyện ông muốn lấy tiền đi chuộc gái về làm gia nhân.
Nửa đêm bị phá giác lại nghe chuyện của ông Lữ muôn chuộc thân cho gái. Bà Lữ không nhịn được mà to tiếng với chồng.
“Ông bị làm sao thế, tự dưng đi lo chuyện bao đồng. Ông và con bé đó có quan hệ gì mà phải bỏ tận 1000 lượng chuộc thân. Nó là con rơi con vãi của ông ở ngoài à?”
Ông Lữ nhẹ giọng.
“Tôi làm gì có con riêng ở ngoài, Tự nhiên thấy thương cảm cho con bé vậy thôi, mới 15 tuổi, còn trẻ dại như vậy đã phải đi hầu rượu.”
Bà Lữ trì triết.
“Mười lăm tuổi đã phải đi hầu rượu, vì ai? không phải vì thỏa mãn cái lạc thú của đám đàn ông mấy người à? Vì chuyện làm ăn nên chuyện ông tới mấy quán ăn trên tỉnh đàn đúm trên đấy tôi nhắm mắt làm ngơ. Chứ bỏ tiền ra chuộc người thì tôi không đồng ý. Mắc mớ gì đến ông mà phải ra tay thu nhận một người dưng, hôm nay ông thương cảm một đứa 15 tuổi, ngày mai có đứa, 14, 13 tuổi thì ông tính thu về đây hết à.”
Ông Lữ thở dài im lặng và không nói thêm câu nào nữa bởi vì những lí lẽ mà ông đưa ra không thuyết phục được bà vợ nằm cạnh mình.
Bà Lữ thấy từ khi chồng về cứ thơ thẩn, người ở đây nhưng hồn lại lạc ở nơi khác. Bảo ra ngoài đốc thúc đám người làm thì lại kêu mệt nằm ở nhà. Khi ấy bà Lữ thấy chồng mình như một đứa trẻ con đang dỗi vặt vì không đòi được thứ mình muốn. Bà nghĩ rằng nghỉ một hôm thì ông nhà sẽ thông suốt lại ngay, nhưng ngày kế tiếp tì thái độ của ông Lữ vẫn thờ ơ lạnh nhạt như vậy.
Con Xoan, người hầu của bà Lữ đem hoa quả cho ông ở trên nhà thì thấy ông Lữ đang ngồi yên lặng trên cái chõng tre dõi ánh mắt nhìn về phía tường gạch phủ kín rêu xanh.
“Con mời ông xơi mít ạ, Mít nhà vừa mới bổ đó ông, thơm lắm.”
Ông Lữ “Ừ” một tiếng rồi cũng lầm lấy một miếng ăn thứ, con Xoan nhìn mặt ông không biểu lộ chút cảm xúc nào thì chạy vội ra báo với bà Lữ.
“Bà ơi, ông bị bệnh hay sao ấy, con thấy ông ngồi im re như người bị mất hồn.”
Bà Lữ chột dạ chạy ra xem, quả nhiên giống như lời con Xoan nói, biểu hiện hôm nay không giống bình thường chút nào. Bà bước tới nhìn theo hướng ông Lữ, thấy ông nhìn bờ tường gạch chằm chằm, bà thấy khó hiểu lắm nên ngồi xuống vỗ vào vai ông chồng khiến ông giật nảy mình.
“Bà làm gì thế.”
Bà lữ hỏi lại.
“Ông đó, cái tường gạch có gì mà ông nhìn từ sáng đến giờ.”
Ông Lữ giật mình.
“Đến giờ trưa rồi à?’
“Mới giữa buổi thôi, mà ông bị làm sao? bệnh tật chỗ nào ,nói tôi nghe.”
Ông Lữ, thẫn thờ đáp.
“Có gì đâu, nghĩ mấy chuyện lông bông thôi mà.”
Bà Lữ chép miệng.
“Chuyện lông bông là chuyện gì? Lại là chuyện con nhỏ 15 tuổi bị ép hầu rượu ấy hả?”
Ông Lữ buồn rầu chẳng đáp, hôm nọ mạnh miệng ba hôm sẽ đem tiền tới chuộc người, vậy mà về nhà xin tiền, vợ không cho nên ông buồn là phải. Bà Lữ ít khi thấy chồng ngồi ở nhà mà lại tơ tưởng tới người con gái khác. Đây có lẽ là lần đầu ông bày ra bộ dạng này trước mặt bà.
“Ông muốn lấy thêm vợ bé thì cứ lấy, nhưng nó còn nhỏ quá, mới 16 tuổi thì còn ít tuổi hơn Thế Nhân nhà mình. Nghĩ tới cảnh đó tôi thấy gai mắt lắm, không chấp nhận được, ông có lấy vợ bé thì chọn người khác đi.”
Ông Lữ gắt nhẹ.
“Ai bảo bà tôi muốn lấy vợ bé, khi tôi thấy nó, cái cảm giác ấy không phải là trai gái, mà giống như cha chú với con gái mà thôi. Muốn lấy vợ bé thì tôi lấy lâu rồi chứ đâu đợi đến bây giờ.”
Bà Lữ vỡ lẽ thì thấy an lòng phần nào, đàn ông thời này có ba bốn cô vợ là bình thường, ông Lữ còn phong độ ngời ngời như thế mà chỉ có mỗi mình bà suốt hai chục năm, giờ muốn có thêm vợ thì bà cũng không cản.
“Cha chú thì cha chú, tôi thấy ông không chuộc con nhỏ chắc cứ ẩm ương như vậy đến phát bệnh quá. Tươi tỉnh lên, rồi tôi đưa tiền cho mà đem nó về, tôi cũng muốn xem mặt mũi con nhỏ như thế nào mà khiến ông đờ đẫn như vậy.”
Ông Lữ nghe vậy thì phấn chấn hẳn lên cảm ơn rối rít bà Lữ. Từ chỗ bơ phờ như kẻ bị bệnh nan y, bỗng chốc lại tràn đầy sức sống. Bà lữ nhìn vậy chỉ biết lắc đầu cười.
Ngày thứ ba trong kỳ hạn chuộc Thanh Nguyệt, Bầu trời xám xịt xem chừng sắp có giông kéo đến, phu xe đánh xe ngựa tới nhà để đưa ông Lữ đi lên tỉnh trước những lời căn ngăn của bà Lữ.
“Trời sắp mưa rồi, để bữa khác hãy lên.”
Ông lữ liếc nhìn bầu trời u ám.
“Đã hẹn với người ta rồi, hôm nay là hạn chót, bà mà đưa tiền cho tôi sớm thì đã không phải chạy mưa như thế này.”
Chiếc xe ngựa chầm chậm lăn bánh, người phu xe quất mông ngựa liên tục, mong sao có thể lên Tỉnh trước khi mưa kéo xuống. Mây đen vần vũ kéo đến, gió thổi khiến cho bụi đường bay mịt mù, con ngựa hoảng sợ, chạy loạn khiến, chiếc xe ngựa lao xuống bờ mương, Phu xe kịp nhảy ra ngoài, còn ông Lữ chậm chân hơn nên bị kẹt trong.
Phu xe vội vàng nhảy xuống mương, lôi ông Lữ ra khỏi xe, đúng lúc cơn mưa nặng hạt bắt đầu đổ xuống. Hai bóng người hớt hải trong mưa tới một gốc cây đa, bên cạnh có một cái miếu nhỏ, hai người không nghĩ nhiều liền chui vào trong đó. Khi xe ngựa lao xuống mương nước, đầu gối và cánh tay của ông Lữ đã bị thương, ngấm thêm nước mưa nên nó sưng tấy lên.
Dẫu sao ông Lữ đã có tuổi, vết thương kiểu này rất dễ để lại di chứng. Gã phu xe thấy vậy thì lo lắm, anh khuyên ông trở về Phương Quan chữa trị, ông Lữ không chịu, và nhất quyết lên tỉnh bằng được.
Chờ cơn mưa tạnh Xa phu đi tìm lại con ngựa, cái xe tiêu tùng rồi nên gã để ông lữ lên Lưng Ngựa còn mình cầm dây thừng đi bộ phía trước.
Trận mưa giông hồi sáng khiến đường phố trên tỉnh vắng tanh, lác đác vài người đi lại, quán xá hầu hết ngừng việc buôn bán. Trong số những quán ở ngoài chợ, lão đạo sĩ đang ngồi vắt chéo chân trên ghế, dõi mắt nhìn người qua đường, bộ đồ nghề được lão cất gọn một bên. Thường ngày lão đạo sĩ sẽ lượn qua lượn lại trên phố hành nghề xem tướng số, đặc biệt lão thường lảng vảng ở những quán ăn cửa tiệm lớn, nơi mấy người giàu có hay lui tới. Đó cũng là đối tượng mà đạo sĩ hay nhắm vào.
Lão đạo sĩ này có thực tài hay chỉ là một gã lừa bịp? mỗi người ở đây nói một kiểu, người được lão giúp thì tâng bốc lão hết lời, những người khác nhìn vào chỉ nói lão ăn may, giỏi khua môi múa mép chứ chẳng có chút đạo pháp nào. Lão có nhược điểm là tham ăn và tham tiền, dù được người ta trả công khi xem tướng số nhưng việc ăn uống, lão chưa từng bỏ tiền túi ra lần nào, tất cả đều là ăn chùa, khất nợ, hoặc gài người vào trả hộ mình. Cuộc gặp gỡ hôm qua với nhà ông Lữ cũng thuộc dạng như vậy.
Hôm nay trời mưa nên lão đạo sĩ không tìm được chỗ để ăn ké, bụng réo ùng ục từ sáng đến giờ. Đến giờ chiều thì lão bắt gặp ông Lữ cưỡi ngựa đi trên đường. Lão vội vàng xách đồ nghề, chỉnh đốn lại quần áo rồi, thong thả bước tới trước, tay phải bấm độn, miệng ngân nga mấy câu.
“Ngưu tinh tạo tác chủ tai nguy
Cửu hoành tam tai bất khả thôi,
Gia trạch bất an nhân khẩu thoái,
Điền tàm bất lợi, chủ nhân suy,
Giá thú, hôn nhân giai tự tổn,
Kim ngân tài cốc tiệm vô chi
Nhược thị khai môn tính phóng thủy
Ngưu trư dương mã diệc thương bi.”
Ông chủ Lữ ngồi trên lưng ngựa cất tiếng chào hỏi.
“Lại là ông nữa à, mưa gió thế này sao người lại ở đây.”
Lão đạo sĩ không đáp mà hỏi lại.
“Câu này nên hỏi ông mới đúng, hôm nay là ngày đại hung, trời sinh dị tượng, không tốt cho chuyện làm ăn. Không ở nhà nằm ngủ lại lặn lội lên tỉnh làm gì cho mệt người ra.”
Ông chủ Lữ đáp
“Tôi có công việc quan trọng không thể không tới.”
Lão đạo sĩ chép miệng thở dài. Trong đầu không ngừng suy tính, tìm cách nào để vị đại gia này mời mình một bữa cơm. May thay gã dắt ngựa cho ông Lữ lên tiếng nhắc nhở.
“Ông chủ, vết thương của người, phải tới tiệm thuốc tìm lang y. Nếu để lâu sẽ có hại cho sức khỏe của ông.”
Ông Lữ toan lên tiếng từ biệt lão đạo sĩ, thì lão đạo sĩ đã lên tiếng trước.
“Ông bị thương sao? Thật khéo, bần đạo có năm mươi năm kinh nghiệm trên Phương diện y thuật, có thể để bần đạo xem qua được không?”
Nghe lão đạo sĩ tự giới thiệu năm mươi năm kinh nghiệm, Ông Lữ gật đầu ngay.
“Vậy thì tốt quá, làm phiền lão đạo sĩ rồi.”
Ba người tấp ngay vào một quán xá ven đường, vì hôm nay mưa to nên chợ nghỉ bán. lão đạo sĩ sai người phu xe kê sát mấy chiếc bàn lại với nhau. Còn ông chủ lữ xắn quần, vạch áo để lộ ra hai vết bầm, nay đã sưng tấy lên rõ rệt. Lão đạo sĩ nhìn vậy thì xuýt xoa chép miệng liên tục.
“Bị thương bậc này mà ông vẫn đội mưa từ Phương Quan lên tận đây. Ông đây cũng thật là người cố chấp đấy. Nội thương đáng sợ và khó chữa hơn nhiều so với ngoại thương, Dù có chưa khỏi cũng sẽ bị dị tật phần đời còn lại. “
Đợi cho sắc mặt ông Lữ và người đánh xe trùng xuống, lão đạo sĩ lại nói thêm.
“Phúc ba đời cho ông vì gặp bần đạo ở đây. chỗ bị tụ máu này không làm khó được ta.”
Nói xong ông lấy trong hộp gỗ một bộ kim châm, cùng một chiếc lọ sứ to bằng lòng bàn tay. Lão đạo sĩ dùng hai ngón tay kẹp một lá bùa lật qua lật lại,miệng lẩm nhẩm một câu rồi lá bùa bốc cháy. Ông thắp một ngọn nến, rồi lần lượt mấy chiếc kim châm hơ qua hơ lại trên ngọn lửa trước khi tiến hành châm cứu. để nguyên chục cây kim trên người ông Lữ hồi lâu, rồi mới rút ra. Sau đó lấy tay mở lọ sứ, quệt một thứ gì đó như thuốc mỡ, bôi lên chỗ bị thương, hai tay xoa xoa nắn nắn một hồi. Thủ pháp vô cùng điêu luyện. Cuối cùng lấy thêm một thứ thuốc màu xanh đen đắp lên rồi lấy từ trong hộp một cuộn vải trắng. Lão đạo sĩ bảo người đánh xe cố định lớp thuốc đắp trên vết thương lại.
“Để thuốc ngấm một đêm, ngày mai tháo ra, thì vết thương này không còn vấn đề gì nghiêm trọng nữa.”
Ông Chủ Lữ gật đầu, chắp tay hành lễ,
“Cảm ơn lão đạo sĩ, gặp gỡ mấy lần rồi, không biết nên xưng hô như thế nào.
Lão đạo sĩ ưỡn ngực hai mắt khép hờ, tay vuốt vuốt chòm râu.
“Ông cứ gọi là Vô Duyên Đạo Sư.”
Ông Chủ Lữ chắp tay hành lễ,
“Vô Duyên đạo sư, ân tình này họ Lữ sẽ không bao giờ quên.”
Lão đạo sĩ vội xua tay.
“Ấy, nợ ân tình thì khó trả lắm, bần đạo không dám nhận. Ông có thể trả bằng tiền thì thực tế hơn. Nói cho ông biết nhé, Thứ thuốc mà ta vừa sử dụng đều là ta tự điều chế, có một không hai, trên thế gian có thể sánh với tiên dược. Vì có duyên gặp gỡ nên ta lấy rẻ thôi 100 lượng.”
Ông Chủ Lữ và anh phu xe tròn mắt
“100 lượng?”
Lão đạo sĩ nhắm mắt giới thiệu phương thuốc của mình với vẻ tự hào
“Chứ sao? Để điều chế loại cao đặc biệt này, ta đã phải lên núi giết Hổ Vương, vào rừng rậm bắt Xà Mẫu, nguy hiểm trùng trùng. NHìn vậy thôi chứ nó có khả năng làm liền xương nữa cơ đấy. 100 lượng thoạt nghe thì đắt nhưng nếu ông bị tật ở chân, đi khập khiễng nửa đời sau thì mới thấy rằng 100 lượng này là còn rẻ lắm.”
Ông chủ Lữ cảm thấy từ lúc bôi thuốc của Vô Duyên Đạo Sư xong thì không còn cảm giác đau nhức nữa, vậy nên tạm tin tưởng vào lời nói của ông ấy.
“Đạo sư nói rất phải, chỉ là hiện tại tôi còn có việc dùng đến tiền, nhất thời chưa có ngay được. Nếu thầy vẫn còn ở Tỉnh này vậy thì để hôm khác gặp mặt, tôi sẽ đưa lại sau.”
Lão đạo sĩ khẽ thở dài.
“Thôi được bần đạo không làm khó ông, chỉ là…”
Nói đến đây bụng của lão đạo sĩ sôi lên ùng ục, khiến cho người đánh xe ngựa không nhịn được cười một tiếng. Lão đạo sĩ vội quay sang gắt nhẹ.
“Cười cái gì, cái này là do lúc nãy tiến hành châm cứu tốn không ít khí lực… Hầy da tự nhiên bần đạo thấy hoa mắt rồi, chân tay bủn rủn. bước đi không vững nữa.”
Ông Lữ nhớ lại bữa gặp mặt trước liền ngỏ ý mời lão đạo sĩ.
“Đạo sư, hiện tại tôi đang tới Hương Tình Quán chuộc người, nếu ngài không bận việc gì, chi bằng đi cùng tôi một chuyện. Tiện thể để tôi mời ngài bữa cơm tỏ lòng thành ý.”
Lão đạo sĩ chỉ chờ có vậy liền đáp ngay.
“Ông chủ Lữ có lời, sao bần đạo có thể từ chối chứ.”
Ông chủ Lữ cùng Vô Duyên đạo sư đi vào Hương Tình quán, còn gã đánh xe thì dắt ngựa đi gửi nhà người quen, thời tiết hôm nay thất thường quá nên khó về Phương Quan ngay trong ngày.
Mấy tháng trước bà chủ Hương Tình Quán nhặt Thanh Nguyệt ở đầu đường xó chợ, mang nó về chăm bẵm, chải chuốt mới lộ ra hình dáng xinh đẹp như hiện giờ. Đột nhiên có người đồng ý đem một số tiền lớn tới để chuộc nên bà mừng lắm. Mấy ngày qua bà cảm thấy rất nóng ruột, đếm ngược thời gian chờ ông Lữ quay trở lại, nhất là hôm nay, trời mưa to bà lại càng lo lắng hơn. Sợ rằng ông Lữ không tới được thì bà hụt mất một số tiền tươi.
“Buồn ghê, sáng nay trời mưa to quá nên ông Lữ không tới được rồi. Thanh nguyệt à, đừng có đợi nữa, số phận của con đã an bài rồi, ngày mai chuẩn bị tiếp rượu mấy quan khách giúp ta kiếm tiền đi.”
Thanh Nguyệt ngồi cùng bàn với bà chủ, miệng lẩm nhẩm.
“Không? ông chủ Lữ nhất định sẽ tới, ông ấy đã hứa rồi mà, chắc chắn như vậy.”
Bà Chủ vuốt ve khuôn mặt non nớt của Thanh Nguyệt.
“Trời ơi, sai lầm lớn nhất của phụ nữ là tin vào lời đàn ông. Thanh Nguyệt à, con vẫn còn trẻ, chưa trải sự đời, ngoan ngoãn làm việc ở đây, rồi sẽ ngộ ra đạo lý đám đàn ông chỉ là một lũ tệ bạc, dơ bẩn, hèn mọn, ích kỷ…”
Bà chủ quán đang mải nói xấu thì ông Lữ cùng Vô Duyên đạo sư đi vào.
“Bà chủ đang kể tội gì tôi đó? Tôi làm ăn bao năm có bao giờ thất hứa với ai chưa?”
Bà Chủ mừng quýnh, miệng tươi cười đon đả chạy ra đón. Thanh Nguyệt cũng tương tự cô chạy tới sà vào lòng ông Chủ Lữ.
“Ông Chủ Lữ tới rồi, tôi và Thanh Nguyệt cứ mong ông mấy ngày nay, tưởng ông không tới.”
“Sáng nay trời mưa to quá, phải dừng lại trú mưa nên đến hơi trễ,”
Ông chủ Lữ quay sang phía Vô Duyên đạo sư thuận miệng giới thiệu.
“Đây là Vô Duyên đạo sư, khách quý của tôi, Phiền bà chủ cho nhà bếp chuẩn bị một bàn ăn, để tôi tiếp đãi thầy.”
Bà chủ Lữ thoáng nhìn qua lão đạo sĩ, bà nhận ra dạo gần đây người này thường xuyên lảng vảng trước quán của bà mấy lần. Vốn tưởng lão chỉ là một thầy bói dạo lang thang ngoài đường không ngờ lại quen biết với người giàu có như ông Lữ.
“Thì ra là khách của ông chủ lữ, tôi sẽ cho người chuẩn bị ngay.”
Bà Chủ xoay người vừa đi, vừa hô người trong bếp chuẩn bị vài món ăn, Phía bên ngoài, Ông chủ Lữ tùy tiện dẫn lão đạo sĩ và Thanh Nguyệt cùng ngồi xuống một bàn ở trong tiệm.
Lão đạo sĩ ngồi khoanh chân, phía đối diện là ông Lữ, ngồi bên cạnh ông là Thanh Nguyệt, từ lúc ông Lữ đi vào, cô gái cứ quấn lấy ông không rời nửa bước. Thoạt nhìn thì giống cha con, thế nhưng ánh mắt của Thanh Nguyệt có chỗ không được tự nhiên. Dường như luôn cố gắng lảng tránh cái nhìn săm soi của lão đạo sĩ.
Ông Lữ nhẹ nhàng gỡ tay Thanh Nguyệt ra khỏi tay của mình.
“Về nhà của ta sẽ phải lao động chân tay đấy, con đã nghĩ kĩ chưa, muốn ở lại đây hay cùng ta về Phương Quan.”
Thanh Nguyệt đáp.
“Ông chủ Lữ vì Thanh Nguyệt phải hao tổn không ít, Thanh Nguyệt nào dám oán trách nửa lời. Rời khỏi chỗ này, mọi việc con sẽ nghe theo sự sắp xếp của ông.”
Ông Chủ Lữ gật gù.
“Tốt Lắm, vợ của ta rất muốn gặp mặt con, Bà ấy là người thấu tình đạt lý, hiền lành phúc hậu, chắc chắn sẽ không làm khó cho con.”
Lão đạo sĩ ngồi đối diện, hắng giọng một cái, cắt ngang cuộc đối thoại.
“E Hèm, này cháu gái nhìn nét mặt của cháu không giống người vùng này. Không biết cháu từ đâu tới.”
Thanh Nguyệt liếc nhìn ông Chủ Lữ, ông Chủ Lữ liền đáp thay.
“Cháu nó từ Giang Bắc tới đây, không biết thầy đã từng tới nơi đó chưa?”
Lão đạo sĩ vuốt chòm râu. Anh mắt đăm chiêu nhìn ra bên ngoài.
“Giang Bắc sao? Nơi đó có tới vài lần, ta có vài người quen ở nơi ấy, không biết cháu là con cái nhà ai, nhà ở chỗ nào Giang Bắc.”
Thanh nguyệt đáp.
“Cháu chỉ là con nhà bần nông sống ở trong núi, nói ra chắc ông cũng không biết. Người nhà bị thổ phỉ giết cả rồi… một mình cháu may mắn trốn được. hức hức.”
Nói đến đây cô gái ôm mặt khóc thút thít, ông Lữ ở một bên đưa tay đặt lên bờ vai bé nhỏ, vỗ về an ủi. Lão đạo sĩ vội vàng lấy ra một chiếc lọ bằng sứ, rồi nhanh chóng đưa tới trước mặt cô gái.
“Này cháu gái đừng khóc như vậy, nước mắt thiếu nữ là đáng giá lắm, cháu có khó thì dùng cái lọ này hứng giúp ta mấy giọt. Nếu được đầy lọ thì càng tốt.”
Người ta đang khóc mà lão đạo sĩ lại cứ tỏ ra hớn hở, chờ mong, Khiến Ông Lữ cảm thấy khó xử vô cùng, Thanh Nguyệt cũng vì vậy mà cũng dùng tay gạt nước mắt, tuy còn nức nở, nhưng không nhỏ thêm một giọt lệ nào nữa khiến lão đạo sĩ quê một cục, lặng lẽ thu cái lọ về.
Không lâu sau, nhà bếp mang một mâm thức ăn n o thịt gà luộc, cá chép om dưa, nem rán, thịt rang, đậu nhồi thịt, thêm một ít rau sống cùng một hai hũ rượu. Lão đạo sĩ nhìn thấy đồ ăn thì gạt hết mọi chuyện sang một bên. Nhịn đói từ sáng đến cuối ngày cũng được ăn một bữa no nê. Cái tướng ăn uống của ông thì khỏi phải bàn, không nể nang ai cả. Món cá hơi nhiều xương thì ông chủ động gắp cho ông Lữ và Thanh Nguyệt, chứ mấy món xung quanh thì rót hết vào bát của mình, mồm còn đang nhai mà tay thì không ngừng động đũa gắp lia lịa.
Ông Chủ Lữ thì ăn uống điềm đạm hơn, thi thoảng thì gắp thức ăn cho Thanh Nguyệt. Cô gái có vẻ bị lão đạo sĩ dọa cho sợ rồi nên không có nuốt được, chỉ ăn được một hai miếng rồi thôi.
Bữa ăn được lão đạo sĩ dọn sạch sẽ, đến lượt bà chủ ra mời nước tiện thể tính chuyện chuộc thân. Ông Chủ lữ đã chuẩn bị sẵn nên đưa tiền luôn, dĩ nhiên có làm giấy tờ hẳn hoi. Thủ tục bàn giao diễn ra nhanh chóng, Thanh Nguyệt đi theo bà chủ vào phòng thu dọn đồ đạc.
Lúc này chỉ còn hai người ngồi uống nước chè với nhau, lão đạo sĩ mới hỏi ông Lữ.
“Ông Chủ Lữ thực sự mang cô bé đó về nhà thật sao?”
“Tiền đã đưa, giấy tờ cũng đã làm rồi. Có vấn đề gì với Thanh Nguyệt đó ư?”
Lão đạo chậm rãi giải thích
“Giang Bắc là nơi rồng rắn hỗn tạp. cô bé này đi ra từ đó chắc không phải chỉ dựa vào may mắn. Như ta đã nhắc nhở mấy hôm trước, Người này có lẽ sẽ làm đảo lộn nhà của ông chủ Lữ.”
Ông Chủ Lữ cười đáp.
“Cái này chắc thầy đoán sai rồi, Thầy có nói Thanh Nguyệt xung khắc với vợ của tôi, nhưng thực sự thì bà ấy là người đồng ý cho tôi tới chuộc người. Thậm chí còn rất chờ mong được gặp mặt cô ấy. Nói thật với thầy, nếu như không chuộc thân cho Thành Nguyệt, tôi cảm thấy bứt rứt vô cùng.”
Lão đạo sĩ nhâm nhi một hớp chè rồi hỏi.
“Có bao giờ ông tự hỏi tại sao bản thân lại có cảm giác như vậy chưa, Một người ở Phương Quan, một người ở Giang Bắc hai địa phương cách xa như vậy, thế nhưng lại vừa gặp đã mến.?khiến ông bứt rứt không yên như vậy?”
Ông Lữ trả lời bâng quơ
“Cái này chắc là do duyên phận.”
Lão đạo sĩ vuốt râu suy đoán.
“Bần đạo thấy trên cổ cô bé có đeo một đồng xu, đồ vật đó đối với giới huyền thuật cũng có chút tinh diệu. Nếu như mấy ngày qua ông cảm thấy bứt rứt, ngồi thần thờ một mình thì có thể là do đồng xu trên người cô bé gây nên.”
Ông Lữ tò mò hỏi.
“Ý của đạo sư là sao?”
Lão đạo sĩ thẳng thắn đáp.
“Ông Chủ Lữ dù gì cũng đã mời tôi dùng bữa hai lần, tôi sẽ nói thật cho ông biết. Ngày đầu tôi gặp ông là bởi tôi thấy ông bị khuyết một phách, bây giờ ông vẫn còn đang thiếu. Việc này cũng không nguy hiểm gì, chỉ là thi thoảng sẽ si ngốc và nghĩ vẩn vơ một mình. Một Phách còn lại đang ở trên người cô gái đó, nếu ở gần cô ấy thì ông thấy bình thường, nhưng nếu rời xa một chút, đầu óc sẽ không còn linh mẫn nữa.”
Ông Lữ trầm ngâm không đáp. Lão đạo sĩ lại nói thêm
“Lời bần đạo nói, ông chủ Lữ có thể tin hoặc không? Khả năng, con bé làm vậy chỉ muốn được ông cứu vớt ra ngoài mà thôi. Gia đình của ông ăn ở thiện lương nên chẳng có lý do gì để cô bé làm hại ông cả. Bần đạo cũng chỉ là thuận miệng nhắc nhở, để ông Lữ lưu tâm.”
Ông chủ Lữ nửa tin nửa ngờ lời của lão đạo sĩ.
Dùng bữa xong, lão đạo sĩ cáo biệt đi lang thang tìm chỗ ngủ nghỉ, Thanh Nguyệt đi theo ông chủ Lữ tới chi nhánh của họ lữ ở trên Tỉnh, nghỉ một đêm Hôm sau mới trở về làng Phương Quan.