Phải rất khó khăn Khánh Chi mới làm quen được với cuộc sống nơi làng Lá miền biên viễn. Cũng phải thôi, khác với Hương vốn 1 nửa là người cổ đại, Chi hoàn toàn là 1 người từ thế kỷ 21. Đến thế giới này với cô là 1 cú sốc quá lớn, khiến thời gian đầu trừ lúc ăn ra, cô như người mất hồn. Mỗi tối, khi vừa chợp mắt, cô lại nghĩ đến những ngày tháng êm vui ở Hà Nội với gia đình, những bữa cơm mà gia đình cô quây quần và nhớ người em gái hoạt bát hay đùa giỡn. Cô nhớ cả những tháng ngày vô lo trên giảng đường cùng giấc mơ được khoác trên mình màu áo blouse, nhớ ngày cô tốt nghiệp với lời thề Hypocrates, nhớ cả dáng hình vui vẻ của mình lúc cứu sống bệnh nhân và cả sự bất lực khi không thể cứu chữa được người bệnh. Những hình ảnh ấy như những thước phim quay chậm, hiện ra vô cùng rõ nét trong tâm trí cô, khiến mỗi lần nhớ về nó, hai hàng nước mắt lại chực chảy ra. Suy nghĩ của 1 người trưởng thành đã đi làm sẽ khác với 1 sinh viên, nhất là với 1 bác sĩ, thời gian bên người thân ít ỏi, từng giây từng phút với gia đình càng trở nên vô giá. Bởi vậy, không giống như người em gái của mình đang trải nghiệm chân trời mới, văn hóa mới cách đó hàng nghìn cây số, Chi thật sự đau khổ rất nhiều.
Có những lúc, cô muốn tự mình kết liễu cuộc sống này, để trở lại cuộc sống trước kia. Chả phải nhiều bộ truyện nói sau khi tự sát, con người ta có thể trọng sinh đó sao? Nhưng là thầy thuốc, hiểu hơn ai hết cái giá trị của từng sinh mạng, cô lại không thể tự mình xuống tay với mình. Bởi vậy, cô cắn răng, vất vưởng sống tiếp. Cô lao vào học tiếng Việt cổ để giết thời gian và không nghĩ nhiều nữa. Phải nói dù trải qua nghìn năm Bắc thuộc, mất đi chữ viết nhưng người Việt vẫn cố gắng bảo tồn cho mình tiếng nói, bởi như Phạm Quỳnh từng nói, “tiếng Việt còn, nước ta còn”. Nhờ thế, dù cho thời gian có làm thay đổi tiếng Việt rất nhiều, cái hồn cốt sẵn có vẫn còn lại, chẳng mấy chốc Chi đã nắm được cách giao tiếp căn bản hàng ngày. Cô cũng cố gắng giúp đỡ người dân làng Lá trong cuộc sống hàng ngày, thay đổi điều kiện sinh hoạt của họ, bởi cô biết vệ sinh sạch sẽ giúp giảm nguy cơ bệnh tật đi rất nhiều. Cùng Hương, Chi làm ra những hệ thống lọc nước đơn giản với than củi, cát và sỏi – những thứ luôn sẵn có bền bờ suối. Cô cũng nhờ cụ Mết, già làng “ép” dân làng phải tắm rửa hàng ngày, “ép” che chắn cẩn thận chum vại nước, tránh lăng quăng, bọ gậy, “ép” đun sôi nước mới được uống, “ép” phải đi vệ sinh ở nơi quy định. Tất nhiên với cuộc sống nông nghiệp, phân cũng là 1 loại tài nguyên quý giá, nên Hương cũng yêu cầu thu gom lại để ủ thành phân bắc, phân xanh. Yêu cầu của 2 người, dù hơi phiền phức 1 chút, nhưng cũng không phải quá khó khăn, chưa kể hai người, 1 là “sứ giả của thần”, 1 là thần y, tất có cao kiến riêng của mình, nên cũng chả ai phản đối. Nhờ giữ gìn vệ sinh tốt nên sau hơn 1 tháng, không có ai bị ốm vặt như trước nữa, cảnh quan trong làng đổi thay trông thấy. Giờ đây, khi người làng Lá đi sang những làng khác, họ ngẩng cao đầu hơn, họ cảm thấy sao những làng kia nhếch nhác như vậy mà có thể sống được? Có lẽ họ cũng quên trước đó không lâu, chính họ cũng chả khác gì, thời loạn lạc lấy cái gì bỏ vào miệng còn khó huống giữ gìn vệ sinh? 1 đồn 10, 10 đồn trăm, chẳng mấy chốc những làng ở khu vực ấy cũng thay đổi nếp sống cho bằng bạn bằng bè. Từ trong đống tro tàn chiến tranh, mọi thứ được hồi sinh, sức sống đã trở lại nơi đây.
1 tháng ấy cũng khiến Chi dần thoát khỏi nỗi nhớ nhà – hay ít nhất dù nhớ nhưng cũng không còn quá mãnh liệt, bi thương như trước nữa. Thời gian là phương thức chữa lành tốt, làm vết sẹo trong lòng của Chi dần thu lại, biến cô trở thành 1 phần tử của xã hội này. Mỗi sáng thức dậy, cô cũng xắn tay cùng mọi người ra đồng, cùng đám trẻ con chăn trâu trên những bờ cỏ ven sông, dạy chúng nó những câu hát thiếu nhi hay đơn giản ngồi bên bờ suối lắng nghe tiếng nước chảy “Tiếng suối trong như tiếng hát xa” – chả phải Ông Cụ đã từng miêu tả như thế rồi sao?
Bỗng 1 ngày, sứ giả từ Động Đình công đến làng, mang theo lời mời Hương và Chi đến yết kiến Đô công. Buổi tiệc nào rồi cũng phải đến lúc tàn, nên dù không nỡ, hai người cũng khăn gói lên đường. Thời gian qua, làng Lá đã sớm coi 2 người như người mình, nên giờ phút chia tay thật bịn rịn. Cụ Mết cố gắng giữ cho mình không khóc, nhưng càng làm vậy càng khiến khuôn mặt già nua, nghiêm nghị của cụ thêm buồn cười. Chống cây gậy 3 chân tiễn 2 người ra cổng làng, cụ nói:
-Nay hai đứa phải đi rồi, ta không mong gì hơn, chỉ mong 2 đứa bình an. Hãy nhớ, làng Lá này luôn là nhà của 2 cháu, lúc nào mệt mỏi quá có thể về nơi đây. Mà có cần ta bảo Ruộng đi theo hộ tống 2 cháu không?
-Dạ thôi thưa cụ, cũng chuẩn bị vào đông rồi, bác Ruộng còn phải lo việc làng nữa. Xin cụ đừng lo lắng, chúng cháu nhất định sẽ sớm trở về làng thăm cụ.
Từ biệt những người Dương Việt hồn hậu, mến khách, họ rong ruổi lên đường. Có lẽ Đô Thiên cũng nóng lòng gặp hai người, nên ông cử 1 cỗ xe ngựa Đại Uyên đi không kể ngày đêm để đón 2 chị em. Phải biết rằng, phương Nam khó nuôi được loại ngựa tốt, giống ngựa Đại Uyên này vốn có nguồn gốc từ vùng Trung Á, dáng cao lớn, 1 ngày có thể chạy hàng trăm dặm khiến bao đời vua Trung Quốc say mê. Nó chính là Hãn huyết bảo mã trong truyền thuyết. Trước đó gần 200 năm, Hán Vũ Đế đã nhiều lần sai Lý Quảng Lợi đem binh mã tấn công Fergana, cuối cùng chết hàng vạn tướng sĩ cũng chỉ cướp được hơn 1000 con ngựa giống. Đúng là dưới góc nhìn của quân vương, mạng người còn không bằng loài súc vật.
Thời này đường xá còn chưa có nhiều, chủ yếu là đường mòn, đường rừng, bánh xe còn chưa có vòng bi giảm xóc, nên đi lại bằng xe ngựa tưởng sướng mà thực ra lại như cực hình. Chi bị say xe, nôn thốc nôn tháo mấy lần, còn Huyền thì khá hơn, bởi dù sao cô cũng từng đi phương tiện này 1 thời gian rồi, miễn cưỡng có thể ngồi yên. Trên đường đi, họ chứng kiến những ngôi làng bị bỏ hoang vì khói lửa chiến tranh, chứng kiến những đống tro tàn mà rất có thể trước đó không lâu còn là 1 nơi trù phú, gặp cả ven đường những đứa trẻ suy dinh dưỡng, gầy trơ xương vẫn vưởng đi lại, tưởng như 1 cơn gió cũng có thể đánh gục. Chiến trường miêu tả thì hùng tráng, nhưng cuộc sống không chỉ có đánh nhau. Chiến thắng 1 cuộc chiến đã khó, nhưng tái thiết lại sau cuộc chiến còn gian nan hơn rất nhiều. Nhất là với đất nước còn quá non trẻ này, quyền lực Trung ương còn yếu, tất cả chỉ trông chờ vào nỗ lực của từng quân phiệt địa phương.
Những ngày là Thanh Hương, được tiếp xúc nhiều với báo đài, TV, internet đã khiến đầu óc chính trị của Hương trở nên nhạy bén rất nhiều. Cô hiểu những người đồng chí, đồng đội trước kia của mình đều là những người can trường, đối diện trước kẻ địch luôn không hề nao núng, nhưng khi trở lại thời bình, họ sẽ lúng túng khi phải bắt tay xây dựng Chính quyền từ con số 0. Chẳng nói đâu xa, ngay ở thời hiện đại, chẳng phải hơn 10 năm bao cấp với chính sách kinh tế sai lầm đã kéo tụt đất nước đó sao? Thời gian sẽ không chờ đợi ai cả, nếu bây giờ không làm gì thì chỉ năm sau thôi, khi quân Hán tiến đến nước ta, tất cả lại quay lại cát bụi.
1 tháng ở làng Lá đã giúp Hương chứng kiến lại cuộc sống ở thế giới này dưới góc nhìn khác hoàn toàn với cô trước kia. Những dự định ban đầu của cô trở nên quá lý tưởng so với hiện thực. Kế hoạch cần phải thay đổi.
Sau 5 ngày lắc lư trên chiếc xe, cuối cùng họ cũng đến được phủ Đô công. Phủ Động Đình công vốn là Huyện nha của nhà Hán được sửa sang lại, khá khang trang so với xung quanh, là đầu não tạm thời về Hành chính cả vùng Hồ Nam rộng lớn. Sau chiến thắng năm 40, Trưng Vương tạm thời giao vùng này cho cả họ Đô và Phật Nguyệt cùng quản lý. Trên danh nghĩa, Đô Thiên là Tổng trấn Trường Sa, Động Đình công, đáng ra ông sẽ nắm toàn quyền, có thể tự quyết mọi việc lớn nhỏ, nhưng Phật Nguyệt là Nữ tướng bách thắng, uy danh rất lớn, lại đang nắm hơn 5 vạn đại quân, nên mọi quyết định Đô Thiên đều sang người sang doanh bên kia hỏi ý kiến, dù cô cũng chỉ 18 tuổi. Gần đây, giữa hai phe bắt đầu có sự chồng chéo trong phân công nhiệm vụ, thậm chí ở 1 số nơi, còn có sự rạn nứt, ẩu đả giữa binh lính. May mà giữa Đô Thiên và Phật Nguyệt có mối quan hệ cá nhân rất tốt, họ cùng nhau sát cánh từ những ngày đầu nổi dậy, Đô Thiên vốn coi cô như cháu gái trong nhà, nên những hiểu lầm được giải quyết nhanh chóng. Nhưng nếu cứ tiếp tục thế này thì chẳng mấy chốc mọi việc sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Hương và Chi được sắp xếp ở 1 căn phòng riêng trong lúc chờ Công tước mời nói chuyện. 5 ngày đi đường gấp gáp khiến hai người trở nên vô cùng mệt mỏi, nên nhận phòng cái là cả hai đều nằm vật ra giường ngủ 1 giấc. Tỉnh dậy thì đã tầm chiều tà, hai người đi tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ trước khi tham gia tiệc tẩy trần.
Nói là tiệc nhưng thực ra chỉ là 1 buổi ăn uống nói chuyện đơn giản. Người châu Á có cái hay, mọi chuyện phức tạp đều có thể bàn bạc nhau trên bàn ăn, tất nhiên loại trừ Hồng Môn yến ra rồi. Ở bàn chủ vị là một lão nhân râu tóc bạc phơ, tinh thần quắc thước mặc một chiếc áo dài giao lĩnh màu đen, tóc dài được búi lại bằng chiếc trâm ngọc hình chim lạc, cổ tay có đeo chiếc vòng vàng. Bên phải ông là 1 cô gái rất trẻ, mặc áo màu chàm, khoác bên ngoài thêm cái áo choàng đã phai màu, trên tay đeo chiếc vòng ngọc, mới nhìn qua không ai nghĩ chính là vị Tả tướng thủy quân lừng danh đã từng ngàn dặm truy kích Tô Định. Lúc Hai Bà Trưng mới lập quốc, họ đã sai thợ khéo làm ra những chiếc vòng tay khác nhau để phong thưởng công thần, các Nữ tướng được phong Công chúa được ban vòng ngọc bích, trên có khắc hoa văn chim lạc và đất phong của mình, còn riêng Đô Thiên, vòng tay làm bằng vàng nhưng đặc biệt ban cho chiếc trâm ngọc có hình chim lạc, bởi ông vốn là người Hán, quen để tóc dài. Những chiếc vòng, trâm đó chỉ được đeo trong những dịp trọng đại, bởi nó biểu thị công lao và địa vị mà họ phải đổ cả máu để giành được. Ở hai bên, tướng lĩnh, gia quyến của hai quần lần lượt ngồi thành từng hàng. Trong đó có Đô Minh.
Hương và Chi bước đi chậm rãi tiến vào sảnh. Dù cố tỏ ra bình tĩnh, nhưng vào giờ phút gặp lại những người chiến hữu sau nhiều năm xa cách, lòng Hương vẫn tràn ngập cái gì đó vô cùng khó tả. Họ từng cùng nhau hẹn hòa bình rồi sẽ cùng hòa chung chén rượu, cùng nhau say sưa ca hát. Nhưng tiếc là cô đã đi trước 1 bước, cô chưa kịp chứng kiến thời khắc khải hoàn. Giờ là lúc cô có thể thực hiện lời hứa năm nào.