Bát nguyệt hồ thủy bình
Hàm hư hỗn thái thanh
Khí chưng Vân Mộng Trạch
Ba hám Lạc Dương thành.
Mặt hồ tháng tám phẳng bằng
Nước trời hỗn hợp một vùng trong xanh
Hí đầm Vân Mộng vây quanh
Trồng trềnh sóng lượn lay thành Lạc Dương.
(Thơ Mạnh Hạo Nhiên, bản dịch Trần Trọng Kim)
° ° °
Lạc Dương có cổ danh là Ba Khâu, hoặc Ba Lăng, triều đình thiết lập ra Lạc Dương phủ, vị trí tại giao điểm Động Đình Hồ và Đại Giang, do nằm phía nam Thiên Lạc Sơn mà thành tên .
Thời Tam Quốc, Đông Ngô đại tướng Lỗ Túc phòng thủ Ba Khâu, xây thành Ba Khâu, dựng đài duyệt binh, đến đầu đời Đường năm thứ tư, Trung thư lệnh Trương Thuyết mở rộng thêm đài duyệt binh, gọi là lầu Nam, về sau đổi tên là lầu Lạc Dương, lại chiêu tập học sĩ văn nhân lên lầu làm thơ. Tới thời Bắc Tống, Phạm Trọng Yêm viết "ký sự lầu Lạc Dương", tên lầu nhờ văn chương mà được biết đến, văn chương nhờ có lầu mà phổ biến, Lạc Dương do đó vang danh khắp thiên hạ.
Nguyễn Tu Chân vào thành trước giờ Ngọ, đoàn tùy hành có tám cao thủ trong bang, người người vóc dáng kiêu dũng, võ công cao cường, do Khâu Cửu Sư đặc biệt chọn ra để theo bảo vệ vị thư sinh nho nhã này. Cả chín người cỡi ngựa vào thành, chen chúc theo giòng người và xe trên đại lộ phồn hoa náo nhiệt dẫn từ cửa chính, thẳng đến lầu Ban Trúc thì xuống ngựa. Nơi đây nổi danh về món cua đặc sản tại Động Đình Hồ. Khâu Cửu Sư đã đứng chờ ngoài cửa, hắn dẫn cả đoàn vào trong, lên thẳng lầu hai đến sương phòng giáp mặt đường. Tám vệ thủ lưu lại ngoài sảnh đường dùng cơm, riêng hai người ra chỗ ngồi lý tưởng nơi lan can lầu Ban Trúc, gọi xong thức ăn và rượu, cả hai nhìn nhau, bỗng cảm thấy không khí có chút kỳ dị.
Nguyễn Tu Chân nở nụ cười cổ quái.
Khâu Cửu Sư ngơ ngác hỏi: "Chuyện gì thế?".
Nguyễn Tu Chân như đang lắng tai nghe, thư thả đáp: "Nghe không? Có người đang rao bán mật rắn, nghe nói dùng mật rắn nhúng rượu, có công hiệu trừ phong thấp thần kỳ, tôi thật muốn mua dùng thử, vừa đến vùng Động Đình thì tôi cũng bị hơi mỏi lưng đau vai".
Khâu Cửu Sư mỉm cười: "Tôi gọi người xuống mua mật rắn cho tiên sinh nhé?".
Nguyễn Tu Chân ngăn lại: "Phải tự đi mua mới thú, nếu không hiệu nghiệm chỉ tự trách mình nhãn quang không đủ giỏi".
Khâu Cửu Sư than: "Đừng vẽ trò nữa, tiên sinh điều tra được kết quả gì chăng?".
"Hay là Cửu Sư nói trước chuyện Quý Nhiếp Đề đi".
Khâu Cửu Sư tường thuật việc đi gặp Quý, Tiền hai người, đoạn nói: "Tôi thấy hai kẻ đó không hòa hợp cho mấy, lúc tôi đến, họ đang nói chuyện, sắc diện Tiền Thế Thần có vẻ khó coi, như đang bị Quý Nhiếp Đề quở trách".
Nguyễn Tu Chân nhìn qua lan can xuống đại lộ náo nhiệt, dưới ánh nắng chói có cảm giác như cảnh vật hơi nhòe đi. Gã thốt: "Nội vụ Phu Mãnh và Tiết Đình Hao không đơn giản như Quý Nhiếp Đề nói đâu, mãi đến ngày nay Quý Nhiếp Đề vẫn không đề cập đến nguyên do họ Phu và họ Tiết bội phản hôn quân kia. Có sự việc gì quan trọng đến mức y phải thủ khẩu như bình?".
Khâu Cửu Sư nói: "Việc này không can dự đến bọn ta, trước mắt bọn ta chỉ cần tận lực phối hợp để đổi lấy sự hợp tác của họ".
Nguyễn Tu Chân khẽ gật đầu, song vẫn ra chiều suy nghĩ, khiến Khâu Cửu Sư không biết gã có đồng ý cách nhìn của mình không. Bỗng Nguyễn Tu Chân nhìn sang Khâu Cửu Sư, chậm rãi thốt: "Bọn họ bị quỷ mê hoặc rồi".
Khâu Cửu Sư ngẩn người hỏi: "Ai bị quỷ mê?".
"Là bốn đổ bác cao thủ tự nhận là tứ đại thiên vương tại đổ trường. Hôm trước, sau khi Ngũ Độn Đạo thắng liên tục ba ván, bốn kẻ kia thay phiên nhau ra tay, kết quả vẫn là đại bại. Bọn họ thua rất kỳ quái, ví dụ rõ ràng phải bắt được mười hai điểm mới thắng, nhưng trong đầu cứ nghĩ phải bắt số thấp hơn mười hai điểm, làm cho họ thua mà chẳng hiểu vì sao, không phải bị quỷ mê thì là gì?".
Khâu Cửu Sư nhíu mày suy nghĩ, gật đầu: "Đúng là kỳ lạ quá, tuy nhiên cũng không cần nghĩ chi thần bí, có thể Ngũ Độn Đạo tinh thông vu pháp, hay biết dị thuật nuôi ngải, nói cho cùng chỉ là thủ đoạn thấp hèn trên giang hồ, chẳng phải chính phái".
Nguyễn Tu Chân hai mắt phát sáng, hạ giọng thốt: "Từ nhỏ tôi rất hiếu kỳ, hỏi người nhà hoài không chán. Năm mười lăm tuổi, tôi bắt đầu nghiên cứu dịch lý thuật số, vì các loại sách bách gia chư tử không mấy hứng thú, chỉ thích loại huyền thuật thần bí. Còn nhớ lần đầu bốc quẻ đoán việc hôm sau, chẳng ngờ ứng nghiệm, cảm giác như mở ra một chân trời mới, đến bây giờ tôi vẫn chưa quên".
Khâu Cửu Sư ngỡ ngàng nhìn Nguyễn Tu Chân, tuy không hiểu tại sao tiên sinh lại chuyển đầu đề, song hắn biết rõ lòng hiếu kỳ chính là động lực thúc đẩy Nguyễn Tu Chân tiến lên và trở thành một học sĩ quảng bác và một trí giả đa mưu.
Nguyễn Tu Chân trầm ngâm, đoạn nói tiếp: "Tôi thường nghĩ, mình xem quẻ được ứng nghiệm, thật sự là vì có linh cảm tàng ẩn, hay có quỷ thần thao túng? Bây giờ có thể tôi đã có câu trả lời. Ngũ Độn Đạo chắc chắn không biết vu pháp, ít nhất hắn không biết loại vu pháp mà có thể giúp hắn thắng đổ cuộc, đương nhiên hắn càng không biết thuật nuôi quỷ, bằng không ngày trước hắn không phải bị thua bao nhiêu lần, đúng chăng?".
Khâu Cửu Sư cảm thấy Nguyễn Tu Chân phân tích quá rõ, không cách gì phản bác, y cười gượng: "Tiên sinh có đáp án như thế nào?".
Nguyễn Tu Chân có chút phấn khởi thốt: "Ngoài thế giới hiện hữu trước mắt bọn ta, còn có những vật khác, bọn ta gọi chung là quỷ thần. Chuyện lạ như Ngũ Độn Đạo thắng liên tục bảy ván, cho bọn ta thấy một điểm rất quan trọng, đó là tuy quỷ thần không thể ảnh hưởng số điểm của con xúc xắc, song có thể ảnh hưởng tinh thần của người đổ xúc xắc, khiến họ đổ ra số sai. Một người cũng vậy, bốn người cũng vậy, thì không còn là ngẫu nhiên thất thủ nữa".
Khâu Cửu Sư hỏi: "Nếu tâm chí đủ kiên định, có thể không bị ảnh hưởng của quỷ thần chăng?".
"Ai mà biết được".
"Tiên sinh nói làm tôi cũng rùng mình. Bây giờ bọn ta phải làm sao?".
"Vì có yếu tố không lường được này, bọn ta tuy bề ngoài chiếm thượng phong, nhưng việc bắt Ngũ Độn Đạo thật sự là tốt xấu khó liệu, bọn ta nên có chuẩn bị".
"Có nên mời đạo sĩ pháp lực cao cường đến đuổi ma trừ quỷ?".
Nguyễn Tu Chân im lặng suy nghĩ.
Khâu Cửu Sư nói: "Nếu nói về bản lãnh bắt quỷ, không ai hơn Đạo gia Qua Mặc, nghe nói người này học được thiên thư thần bí của Nguyên Thủy Thiên Tôn, vị thần cao nhất trong Đạo giáo, hắn tinh thông phù chú, biết pháp lực khó dò. Lúc trước tôi chẳng khi nào nghe mấy lời đồn này, bây giờ lại hy vọng có thể mời được hắn đến giải nghi vấn này. Chỉ có điều người này hành tung vô định, hiện tại không biết nên đi đâu tìm hắn".
Nguyễn Tu Chân cười gượng: "Chớ có lẫn lộn. Nguyên Thủy Thiên Tôn sinh trước thái nguyên, nhưng cuốn kinh xưa nhất của Đạo giáo là Thái Bình kinh lại không đề cập, phải đến thời Đông Tấn trong cuốn ‘Chấm Trung Thư’ của Cát Hồng mới thấy xuất hiện những ghi chép về ‘Nguyên Thủy Thiên Hoàng’, chừng ấy đủ biết Nguyên Thủy Thiên Tôn chỉ là một danh xưng như Ngọc Hoàng Đại Đế. Chỉ điểm này cũng đã khiến tôi khó tin Qua Mặc. Cầu người chi bằng cầu chính mình, tôi vẫn theo câu nói ‘tận nhân sự, thính thiên mệnh’. Không thể không thừa nhận, càng lúc tôi càng thích trò đuổi bắt Ngũ Độn Đạo này".
Khâu Cửu Sư đang định nói, tiếng vó ngựa chợt vang lên, hai người cùng nhìn xuống đường.
Sáu con ngựa từ xa phóng đến gần, qua mặt những xe, ngựa trên đường, có lúc thậm chí lấn lên cả lối của người đi bộ, khiến người người lo tránh, gây nguy hiểm cho đám đông trên đường.
Sáu kỵ sĩ đều khoảng hai mươi tuổi, mình mặc võ phục, đao đeo ngang hông, bên mình ngựa treo cung tên, nhìn như một đoàn người nai nịt đi săn, nhưng không biết tại sao không xuất thành mà lại chạy ngược vào trong thành. Nhóm người này có vẻ ngạo mạn không nể ai cả, nếu không phải con nhà quyền thế, thì cũng thuộc nhà giàu có, mới dám hoành hành bá đạo, không kể đến sự an nguy của người khác.
Còn cách lầu Ban Trúc chừng một trăm bước, nhóm người này như tìm được mục tiêu theo đuổi, cùng hô lên, tung roi quất ngựa, lập tức ngựa phóng nhanh hơn, vượt qua ba chiếc xe lừa chở hàng vào thành, chạy lên chận đầu một cỗ xe có hai ngựa kéo.
Một người trong nhóm đưa tay nắm lấy dây cương của ngựa kéo xe, bắt xe ngựa dừng gấp lại. Tên phu đánh xe sợ tái mặt không biết làm gì. Những người khác trong nhóm lục tục tới nơi, vây quanh cỗ xe ngựa dừng bên đường kêu lớn như vô cùng phấn khởi. Các xe khác đến sau chỉ có cách đi vòng một bên mà vượt qua, chẳng ai dám nói một tiếng, đừng nói chi dừng chân can thiệp. Người đi bộ cũng vội vã né một bên đi qua, không ai dám dừng lại xem, hẳn là sợ liên lụy vô cớ.
Sáu kỵ sĩ đồng nhảy xuống ngựa, hai người trong nhóm bước đến trước cửa xe, một kẻ cúi mình thi lễ một cách khoa trương, cất giọng quái dị xướng lên: "Lạc Dương lục công tử thỉnh an Bách Thuần cô nương".
Người bên cạnh tiếp lời: "Nhóm tại hạ đang định xuất thành, nghe được Bách Thuần cô nương định đến Đông miếu dâng hương cầu phúc, vội quay ngược trở lại, muốn mời cô nương cùng xuất thành đi săn. Mời không bằng ngẫu nhiên gặp gỡ, Bách Thuần cô nương xin chớ cự tuyệt".
Người phía sau lại cười nói: "Bách Thuần cô nương cầu quẻ gì? Nếu là cầu duyên, tại hạ sẳn sàng giải quẻ cho cô nương".
Cả bọn nghe xong cùng cười hô hố.
Bách Thuần trong xe chưa có cơ hội phản ứng, bỗng từ phía trên truyền xuống một tiếng hừ lạnh lùng, một giọng nói hùng tráng vang vang: "Sáu tên nhãi ranh dưới đó, mau câm miệng và cút đi, chớ làm ta mất tửu hứng".
Lạc Dương lục công tử cùng nổi cơn thịnh nộ, tại Lạc Dương có ai dám vuốt râu hùm của họ? Mười hai con mắt lộ hung quang nhìn lên phía trên. Chỉ thấy trên lầu Ban Trúc bên lan can có hai người đang ngồi, phong thái nhàn nhã, đang nhìn họ dò xét như chẳng có gì đáng kể.
Lục công tử đồng thanh chửi mắng, hai người trong bọn đang muốn xông vào tửu quán, từ trên lầu cách mặt đường độ nửa trượng, đại hán mặc võ phục cất tiếng cười dài, vươn mình đứng dậy, phóng qua lan can đáp xuống đất vững vàng. Hắn đưa tay nói: "Cần chi nhọc công lên lầu? Ta chịu khó chạy xuống đây này?".
Lục công tử bị chọc tức tóe khói, đồng loạt vung đao xông đến đánh đại hán.
Kẻ ra tay nghĩa hiệp đương nhiên là Khâu Cửu Sư, gặp chuyện bất bình hắn không nhịn được, biết rõ là náo động như vầy sẽ lộ hành tung, sẽ gây bất lợi cho việc đuổi bắt Ngũ Độn Đạo, song hắn vẫn không thể làm ngơ. Một chiếc túi da dài ba thước đeo sau lưng hắn, bên trong là cây Phong Thần côn danh chấn thiên hạ của hắn, lúc vung ra có thể dài đến sáu thước, thu xếp sáu tiểu tử này chẳng phí sức chi cả. Tuy nhiên hắn không thể dùng côn vì như thế sẽ cho mọi người trong thành biết Khâu Cửu Sư đã đến.
Khâu Cửu Sư cười khanh khách, chân bước vào khoảng trống giữa lằn đao một cách dễ dàng.
"Bình!".
Một tiếng rú lên, một người trong nhóm Lục công tử văng ra ngoài, thì ra gã bị Khâu Cửu Sư đá trúng bụng dưới, chẳng những đao vuột khỏi tay, mà còn té bò càng dưới đất không dậy nổi.
Một kẻ khác nhắm vào vai Khâu Cửu Sư chém tới, nào hay bỗng thấy hoa mắt, đối phương đã dời đến bên gã, chẳng những vừa tránh khỏi thế công của những kẻ khác, mà còn đưa tay chộp lấy cổ tay cầm đao của gã như gọng sắt siết chặt, xương vừa gãy thì đao của gã cũng bị đối phương đoạt mất, lồng ngực bỗng đau nhói, thì ra gã bị trúng chưởng của đối phương, đau đớn rú lên một tiếng quỳ gục sang bên.
Tiếp theo đó tiếng đao chém vang lên không ngớt, trong chớp mắt bốn công tử còn lại đều bị Khâu Cửu Sư dùng đao vừa đoạt được đánh văng trường đao, gần gãy xương tay, vội ôm tay lui ra bốn phía, người người mặt cắt không còn giọt máu, lộ vẻ không thể tin được những gì vừa xảy ra.
Khâu Cửu Sư vẫn một vẻ thong dong, quay sang tên công tử quỳ bên cạnh đang sợ tái mặt, thuận tay tra đao vào vỏ đao trên mình gã, miệng cười bảo: "Trả cho ngươi!".
Lại vỗ tay nói: "Công phu dường này mà cũng dám chường mặt ra giang hồ, mau cút ngay đi, chớ để ta gặp mặt lần nữa".
Kẻ đầu tiên lên tiếng ghẹo Bách Thuần, xem ra kẻ đứng đầu nhóm, run run môi cất tiếng: "Có gan thì lưu lại tính danh xem!".
Khâu Cửu Sư nhún vai bật cười thốt: "Các ngươi chưa đủ tư cách hỏi tên ta, có đủ bản lãnh thì đi dò xem ta trọ ở đâu, nếu chuyện vặt ấy cũng không làm được, thì chờ sáng mai đến lầu Ban Trúc kiếm ta".
Hai mắt hắn chiếu thẳng vào kẻ phát ngôn, hừ một tiếng: "Việc này ta đã lãnh, theo quy củ giang hồ, từ nay các ngươi không được quấy nhiễu Bách Thuần cô nương. Nếu ta biết được các ngươi làm càn không theo quy củ, thì bất luận các ngươi trốn đến chân trời góc bể nào, ta cũng nắm cổ lôi ra được, chừng ấy các ngươi sẽ biết thủ đoạn của ta, không còn thủ hạ lưu tình như hôm nay. Cút đi!".
Lục công tử tự biết không đấu lại Khâu Cửu Sư vì chênh lệch quá xa, chẳng dám nói gì thêm, tức tối lên ngựa rời đi.
Khâu Cửu Sư hướng về phía xe ngựa phủ rèm châu thốt: "Đáng tiếc đã làm cô nương kinh sợ!".
Hắn bảo người phu xe còn chưa định thần: "Còn không mau đánh xe đi! Mau đưa cô nương về nhà".
Nói xong hắn quay lưng bỏ đi.
Một giọng nói dịu ngọt, trong như tiếng chim hót, từ bên trong rèm châu vọng ra: "Xin tráng sĩ dừng bước".
Khâu Cửu Sư không quay đầu lại nhưng ngưng bước, lạnh nhạt thốt: "Chỉ là chuyện nhỏ, cô nương không cần để tâm. Danh xưng tráng sĩ chỉ thêm thẹn, cô nương về nhà đi nhé!".
Tiếng rèm khua lên phía sau Khâu Cửu Sư, thanh âm mê hoặc của Bách Thuần vang lên: "Công tử quả thật anh hùng, thi ân bất vọng báo, có thể nào quay lại cho nô gia xem tường tận dung mạo chăng?".
Khâu Cửu Sư chẳng ngờ Bách Thuần lại bạo dạn trực tiếp như thế, hắn ngạc nhiên quay lại, bỗng thấy trước mắt sáng rực lên.
Rèm châu vén lên, hiện ra một dung mạo mỹ lệ, đôi mắt to ủy mị vừa đen vừa sáng, đuôi mắt hơi xếch lên, mày mảnh như tơ, trông vô cùng hấp dẫn, có thể khuấy động khát vọng sâu kín nhất của bất cứ nam nhân nào, khiến người cảm thấy chủ nhân của đôi mắt chắc chắn phải là phần thưởng lớn nhất của thượng đế.
Trong chốc lát Khâu Cửu Sư quên cả chú ý đến chiếc mũi xinh xắn, bờ môi mọng đỏ, da thịt căng mềm của nàng.
Bách Thuần e thẹn mỉm cười, để lộ hàm răng trắng đều, hân hoan nói: "Đến Hồng Diệp Lâu là tìm được nô gia, chỉ cần công tử xưng là vị công tử trước lầu Ban Trúc, Bách Thuần sẽ hết lòng tiếp đãi, hy vọng đêm nay có thể gặp lại công tử".
Dứt lời rèm châu hạ xuống, xe ngựa lăn bánh.
Ô Tử Hư và Khâu Cửu Sư cùng một lúc nhìn thấy dung mạo đầy tính kích thích của Bách Thuần, đều bị sắc đẹp của nàng làm chấn động. Tuy hắn đứng xa hơn Khâu Cửu Sư hai chục bước, nhưng nhờ nhãn lực hơn người hắn nhìn rõ mỹ nhân, khiến hắn nhớ lại kiều nữ tuyệt sắc trên cỗ chiến xa, mà đến giờ hắn vẫn chưa rõ là cảnh thật hay mộng. Hắn chưa từng gặp mỹ nữ nào khiến người động lòng hơn Bách Thuần, ngoại trừ cổ mỹ nhân kia. Tim hắn đau nhói, tình hình trước mắt không cho phép hắn động lòng, vì hắn đã nhận ra tay anh hùng cứu mỹ nhân kia là ai. Cuộc đời sao cứ gặp thất bại và chuyện bất khả kháng? Kiếp trước hắn đã tạo nghiệp chướng gì mà kiếp này phải trả nợ? Mệnh vận gì thế này?
Khâu Cửu Sư nhìn xe ngựa đi xa dần, máu huyết toàn thân vẫn còn đảo lộn, thầm than khắp thiên hạ có nữ nhân nào đầy ý vị hơn thế. Ôi! Chỉ rất tiếc...
Nguyễn Tu Chân đến bên cạnh Khâu Cửu Sư, tám vệ thủ từ trong lầu Ban Trúc bước theo ra đứng tản ra sau lưng y, khí thế oai phong như vậy, ai cũng nhìn ra họ chẳng phải phận tầm thường, không sợ bất cứ ai kể cả quan phủ.
Khâu Cửu Sư nhíu mày hỏi: "Làm như vầy phải chăng quá khoa trương?".
Nguyễn Tu Chân không đáp, mỉm cười thốt: "Mỹ nhân tạ ân, công tử trước lầu Ban Trúc đêm nay có đúng hẹn chăng?".
Khâu Cửu Sư cười gượng: "Tiên sinh cũng trêu tôi, kẻ này chí tại sa trường, da ngựa bọc thây, chẳng dám đa mang chuyện nhi nữ tư tình. Tôi tuyệt đối không tìm gặp nàng đâu. Tiên sinh vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi".
Nguyễn Tu Chân hai mắt linh hoạt, bình tĩnh đáp: "Ngay lúc Cửu Sư nhảy xuống mặt đường, tôi có cảm giác rất kỳ diệu, như có một động lực nào đang thao túng bọn ta. Này nhé, tại sao lục công tử không chận đường xe ngựa ở chỗ nào khác, mà ngay tại đây dưới chân bọn ta? Tôi cảm thấy sau khi xảy ra việc này, vận mệnh tương lai của Cửu Sư đã bị dẫn sang một hướng khác".
Khâu Cửu Sư nhíu mày: "Tiên sinh nên xem chừng cách suy nghĩ của mình đến gần mức tẩu hỏa nhập ma đấy, luận việc đơn giản thành phức tạp. Sự thật vẫn như cũ, giữa tôi và Bách Thuần sẽ không phát sinh chuyện gì cả, duyên gặp nàng chỉ là giây phút khi nãy mà thôi".
Nguyễn Tu Chân vui vẻ thốt: "Cửu Sư bị tôi nói đâm ra có ý sợ rồi, mới cảnh cáo tôi như thế. Song vấn đề của Cửu Sư là không dám đối diện với sự thật không thể lý giải được. Ba lần gieo quẻ đều là ba quẻ quỷ hào tề động, chỉ vì do tôi nói nên Cửu Sư khó tin được".
Khâu Cửu Sư lúng túng nói: "Tiên sinh phải biết rằng tôi tuyệt đối tín nhiệm tiên sinh, làm sao có thể nghĩ thế được".
"Vấn đề không nằm chỗ Cửu Sư tín nhiệm tôi hay không, mà là cho đến giây phút này, Cửu Sư vẫn chưa thể chấp nhận quái sự xảy ra ngay trước mắt".
Khâu Cửu Sư bực tức: "Tiên sinh bảo tôi đối đầu thiên binh vạn mã thì tôi làm được, vì tôi tin mình có thể đánh thắng. Nhưng nếu đối thủ là quỷ thần, bọn ta nằm trong thế bị động, không thể hoàn thủ. Nếu tôi thực sự tin vào ‘cảm giác’ của tiên sinh, thì tôi đâu cần làm việc gì nữa?".
Nguyễn Tu Chân ung dung thốt: "Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bất bại, phép quân lược này dùng để đối phó quỷ thần cũng thế. Tôi có nói lực ấy chỉ có thể ảnh hưởng tinh thần của con người, chứ không thể ảnh hưởng kết quả của con xúc xắc, do đó lực quỷ thần vẫn là hữu hạn. Luận như vầy tức là tri bỉ".
Ánh mắt Khâu Cửu Sư nhìn ra đường, một chiếc xe chở lương thực dùng một con la kéo đi qua, kẻ đánh xe là một nam nhân, phía sau lưng có một đứa trẻ ngồi trên đống hàng chất cao như núi, đang đong đưa hai chân, miệng hát nghêu ngao, cả hai xem chừng như là cha con. Giữa ban ngày, quang cảnh này rất thường thấy, rất sinh động chân thực. Nhưng nghe xong lời Nguyễn Tu Chân nói, dù trên đường người, xe, ngựa vẫn qua lại tấp nập, song hắn có cảm giác mình và Nguyễn Tu Chân đang ở riêng trong một thế giới khác, khiến hắn cảm thấy rợn người. Lời Nguyễn Tu Chân nói có phải là sự thực, hay chỉ là cảm giác sai lầm?
Nguyễn Tu Chân nói tiếp: "Đây là nguyên do ‘tam quỷ tề động’. Bọn ta phải đối phó không chỉ riêng Ngũ Độn Đạo, mà còn cả lực lượng đã khiến hắn thắng liên tiếp bảy lần, ấy là một dạng dị lực có thể lay chuyển tâm ý bọn ta. Từ lúc Ngũ Độn Đạo khai sát giới một cách ly kỳ, hạ sát ái tử độc nhất của Đại long đầu bổn bang, thì lực lượng ấy một mực chi phối bọn ta. Lực này vô hình vô ảnh, chỉ lộ dấu vết trong ba lần gieo quẻ của tôi và trong lần thắng đổ trường của Ngũ Độn Đạo, tất cả những kẻ có liên quan đến việc này đều bị kéo vào, đặc biệt là Cửu Sư và tôi, thậm chí có thể kiêm luôn cả Quý Nhiếp Đề và Tiền Thế Thần. Bọn ta đang bị dẫn từng bước một đến một kết quả nào đó, mà kết quả ấy bọn ta hoàn toàn không khống chế được, vì kẻ đang thao túng là lực lượng ấy chứ không phải bọn ta. Tất cả bọn ta bị hãm trong vòng mệnh vận nào đó, do tâm không tự chủ mà hóa ra thân không tự chủ được, ngày nào bọn ta chưa phá được cục diện này, thì bọn ta không có cách gì cầm chắc sự thành bại".
Khâu Cửu Sư yếu ớt hỏi: "Vậy bọn ta có thể làm được gì?".
Nguyễn Tu Chân đáp: "Bất cứ bố cục nào có liên lụy nhiều người, cũng cần vòng nối vòng như mắt xích, bất kỳ vòng nào xảy ra sơ sót thì sẽ ảnh hưởng toàn bộ cục diện, cũng như màn lưới vận mệnh có một lỗ lủng. Nếu một trong bốn kẻ đánh bạc cùng Ngũ Độn Đạo lúc ấy phục hồi được sức tự chủ, thắng hết ngân lượng của Ngũ Độn Đạo, thì sự việc sẽ không phát triển theo hướng hiện tại. Do đó bọn ta chẳng phải hoàn toàn không thể hoàn thủ, chỉ cần bọn ta đừng để bị ảnh hưởng, ắt có cơ hội phá cục, và quyền chủ động sẽ rơi vào tay bọn ta, lúc ấy mệnh vận của Ngũ Độn Đạo sẽ do bọn ta định đoạt".
Khâu Cửu Sư nghe đến phấn chấn tinh thần: "Tiên sinh nghĩ ra cách phá cục chưa?".
"Trước hết phải xem thử bọn ta có thể nhận biết bố cục của đối thủ chăng. Ngay lúc Cửu Sư nhảy xuống đây, tôi có cảm giác mơ hồ rằng lực lượng ấy đang dẫn bọn ta, đến khi Bách Thuần vén rèm nói chuyện, lưu lại lời hẹn tái ngộ, thì cảm giác mơ hồ trở nên rõ ràng, đối phương muốn Cửu Sư cùng Bách Thuần tạo dây tình ái để thay đổi Cửu Sư hoàn toàn, dùng nữ sắc chôn anh hùng. Tuy bọn ta không biết làm như vậy được mục đích gì, song ta có thể cảm nhận được đây là một mắc xích quan trọng của cả bố cục, nhưng nếu Cửu Sư có thể không bị lay chuyển thì bọn ta có thể phá cục".
Khâu Cửu Sư cảm thấy phiền toái: "Nhưng bọn ta làm thế nào biết đối phương muốn tôi nghiêng về Bách Thuần, hay là cự tuyệt nàng?".
"Điều đó còn tùy vào tâm ý của Cửu Sư, nếu đối phương muốn Cửu Sư nghiêng theo Bách Thuần, thì bằng đủ mọi cách Cửu Sư sẽ cảm thấy sức hấp dẫn của nàng mỗi lúc một mạnh, không chấp nhận Bách Thuần sẽ trở thành một nỗi khổ khó có thể chịu nỗi. Nhưng nếu Cửu Sư có thể xem như chuyện vừa rồi chưa từng xảy ra, trong lòng như chưa từng biết qua một nàng Bách Thuần, thì bọn ta xem như đã thắng trận này".
Trên mặt Khâu Cửu Sư lộ vẻ kiên quyết, khẽ gật đầu, như muốn dùng động tác này giúp mình hạ quyết tâm.
Nguyễn Tu Chân thốt: "Sáu tiểu tử bị trừng trị lúc nãy, tuy là vô danh tiểu tốt trên giang hồ, nhưng vẫn là bọn côn đồ nổi tiếng tại Lạc Dương này, việc này rồi sẽ truyền khắp thành, với bản lãnh thám thính tinh vi của Ngũ Độn Đạo, lại thêm hắn biết bọn ta đang truy bắt hắn, ắt sẽ đoán ra là Cửu Sư xuất thủ tương trợ, nên có khoa trương hay không cũng không thành vấn đề nữa. Thật ra, bọn ta đã lộ hành tung, mà đây cũng là một mắc xích khác trong kế hoạch của đối phương. Ý tôi nói vòng kết vòng là thế".
Khâu Cửu Sư nói không nên lời.
Nguyễn Tu Chân thở dài: "Nếu bắt không được Ngũ Độn Đạo, với tính cách của Cửu Sư, dù Long đầu có chịu nhượng vị, Cửu Sư cũng nhất định không muối mặt mà tiếp nhận, thế thì tất cả công lao trong quá khứ của Cửu Sư sẽ đổ ra biển cả. Mưu đồ bá nghiệp gì cũng kể như không. Do đó giữa mỹ nhân và giang sơn, tướng quân chỉ có thể chọn một. Tôi thực không muốn nói ra điều này, nhưng chẳng thể không nói".
Hai người đang đứng giữa đại lộ phồn hoa tại thành Lạc Dương, mà bàn chuyện tạo phản, lật đổ triều đình hủ bại.
Khâu Cửu Sư lấy lại thần sắc bình tĩnh thường ngày, đặt tay lên vai Nguyễn Tu Chân, mỉm cười nói: "Quỷ thần không có thần thông quảng đại như bọn ta tưởng tượng đâu, bằng không thiên hạ đã đại loạn, tuy nhiên bất kể thế nào, tôi xin nghe lời khuyên của tiên sinh, không đi tìm Bách Thuần. Nào! Để tôi tặng tiên sinh một cái mật rắn ngâm rượu".
Vừa nói hắn vừa đẩy Nguyễn Tu Chân đi về phía Ô Tử Hư, đang đứng bên đường rao bán mật rắn.
Nguyễn Tu Chân vui vẻ thốt: "Khỏi mất công, lúc nãy tôi chỉ cố ý nói lảng để có thêm thời gian suy nghĩ, chứ không phải thực sự muốn mua mật rắn".
Khâu Cửu Sư cười đáp: "Nhưng tiên sinh quả có bị phong thấp, mà tôi cũng nghe nói mật rắn trừ phong thấp hiệu nghiệm thần kỳ, thử một phen đâu có sao".
Ô Tử Hư vừa bán xong một cái mật rắn, lúc này hắn đã hoàn toàn nhập vai, thì thấy hai người bước đến, liền mừng rỡ đưa ngón tay cái về phía Khâu Cửu Sư, giọng khàn khàn nói lớn: "Vị đại gia này quả là công phu số một, tiểu nhân đi khắp nam bắc Đại giang, cũng chưa gặp ai có thân thủ mau như thế, giữa đường gặp chuyện bất bình ra tay tương trợ, đúng là bậc hiệp nghĩa mà kẻ này kính trọng, mật rắn của tiểu nhân bán lấy nửa giá cho đại gia vậy".
Nguyễn Tu Chân tức cười thốt: "Lão huynh thật là biết cách làm ăn".
Khâu Cửu Sư tỉnh queo hỏi: "Lão huynh hôm nay buôn bán thế nào?".
Ô Tử Hư tự hào đáp: "Lạc Dương thành nhiều người dư tiền nhất, nếu hai vị chịu mua mật rắn, tổng cộng bán ra bốn cái, là hôm nay kẻ này có thể dẹp hàng sớm".
Nguyễn Tu Chân vụt hỏi: "Lão huynh ở trọ quán nào?".
Khâu Cửu Sư lộ nét ngạc nhiên trong mắt, thầm nghĩ chẳng lẽ Nguyễn Tu Chân nghi ngờ hán tử này.
Ô Tử Hư than thở: "Mang theo lồng rắn độc, toàn thân hôi mùi rắn, có quán nào chịu cho ở? Tôi tìm đại chỗ nào đó, nằm xuống được thế là nhà, tôi đã quen cách sinh nhai này, cảm thấy sống như vầy tự tại hơn những kẻ nhà giàu".
Nguyễn Tu Chân gật đầu không nói.
Khâu Cửu Sư nói: "Ta muốn mua loại mật rắn có thể trị phong thấp nhức mỏi, tốn bao nhiêu?".
Ô Tử Hư chẳng hề nhìn xuống, mở nắp lồng thọc tay vào bắt ra một con rắn toàn thân sắc vàng sậm lẫn điểm trắng dài độ năm thước, cười nói: "Con này tên là Hoa Bạch Dong, sống trong núi sâu, chỉ về đêm mới xuất hiện, rất khó bắt, cả đời tôi mới bắt được lần này là con thứ ba, cực kỳ khó kiếm, bảo đảm dùng xong thấy hiệu nghiệm ngay, nếu không ứng nghiệm, chỉ cần tôi chưa rời thành thì xin hoàn tiền. Nguyên giá mười lượng, giờ bán năm lượng cho hai vị đại gia, coi như vừa bán vừa cho. Cần nhớ là phải nuốt sống chung với rượu, mà phải là rượu hạng tốt như Thiêu Đao Tử, mới có thể lưu thông huyết dịch mà trừ bệnh".
Khâu Cửu Sư và Nguyễn Tu Chân nhìn nhau cười, cùng cảm thấy kẻ này đúng là tay lão làng, biết là hắn nói phóng đại nhưng không thiếu sức thuyết phục.
Khâu Cửu Sư bảo: "Vậy ta mua con này".
Ô Tử Hư kéo thẳng con rắn trong tay, cầm đầu rắn đưa đến trước mắt, miệng niệm chú, sau đó quỳ một chân đè lên đuôi rắn, tay cầm đầu rắn giơ cao cho thân rắn thẳng tắp, tay kia lấy con dao nhọn bên cạnh lồng tre, mổ bụng rắn lấy mật để vào chén để dưới đất.
Nguyễn Tu Chân nhíu mày: "Không thể giết rắn trước khi lấy mật sao?".
Ô Tử Hư vừa bỏ xác rắn còn đang quằn quại vào bao vải, vừa nói: "Nếu rắn bị thương chí mạng, sẽ phát ra tử khí và giảm công hiệu của mật rắn rất nhiều, thế nên cần phải mổ sống lấy mật. Đại gia quả có từ tâm. Yên tâm đi! Tôi đã niệm chú vãn sinh cho nó, không chừng kiếp tới nó được đầu thai làm người, còn tôi vì sát nghiệp quá nặng, kiếp tới phải làm rắn, biết đâu bị nó giết lại không chừng".
Nói xong hắn đứng dậy, hai tay cầm chén được mật rắn cung kính trao cho Khâu Cửu Sư. Hắn tiếp lấy chén, tay kia trả tiền, cười nói: "Nếu không thấy công hiệu, ta sẽ tới tìm ngươi thanh toán đấy".
Hai người vui vẻ rời đi, bước về phía lầu Ban Trúc, các thủ hạ đã chuẩn bị ngựa đứng chờ.
Khâu Cửu Sư không nhịn được lên tiếng hỏi: "Tiên sinh phải chăng nghi ngờ hắn? Nhưng xem ra rất khó giả dạng được".
Nguyễn Tu Chân trầm ngâm nói: "Rất kỳ quái, lúc nãy tôi bỗng nghĩ, nếu kẻ trước mắt là Ngũ Độn Đạo giả dạng, thì độn thuật của hắn quả là không chỗ sơ hở. Điều không làm ai nghi ngờ được là cổ tay hắn có mấy vết sẹo cũ, chứng tỏ hắn đã từng bị rắn cắn.
Khâu Cửu Sư đồng ý: "Nếu độn thuật của Ngũ Độn Đạo cao minh như thế, thì bất kỳ ai ngoài đường cũng có thể là hắn, chắc chắn không tìm được dấu vết. Tuy nhiên tôi nghĩ bọn ta đánh giá hắn quá cao, vì từ trước đến nay, ưu điểm lớn nhất của hắn là không ai biết hắn sẽ đánh cắp bảo vật của nhà nào, còn bây giờ hắn đã mất ưu điểm đó".
Hai người lên ngựa, Khâu Cửu Sư bỗng biến sắc.
Nguyễn Tu Chân ngơ ngác hỏi: "Xảy ra chuyện gì?".
Khâu Cửu Sư quay đầu nhìn theo hướng Ô Tử Hư, hắn đang thu xếp đồ nghề chuẩn gì dẹp hàng. Hắn trầm giọng nói: "Tiên sinh nói đúng, tà lực kia đang ảnh hưởng tâm tôi, tự dưng tôi nảy sinh cảm giác bất định hoang mang, tôi chưa bao giờ có cảm giác như được lại mất như vầy".
Nguyễn Tu Chân cười gượng: "Trận đấu này không dễ đâu, ngày nào chưa bắt được Ngũ Độn Đạo, thì tướng quân không thể uống rượu, rượu vào tính loạn, bọn ta sẽ không tự chủ được".
Khâu Cửu Sư thở dài một tiếng, thúc ngựa đi trước, Nguyễn Tu Chân theo sát phía sau, tám tay thủ hạ lần lượt phi thân lên ngựa, đuổi theo hai người đi mất.
Phía bên kia, Ô Tử Hư đổ mồ hôi trán, mau chóng lẩn đi nơi khác.