Chương 4: Tam Quỷ Tề Động

Vô Song Nữ dắt hắc mã đi qua phố tại Thanh Hương Trấn, thong dong bước trên đại lộ nối đông tây, nàng nhìn tứ bề với ánh mắt hiếu kỳ, tựa như nhàn tản vô mục đích.

Thị trấn này khá lớn, nhà nhà san sát nhau hai bên đường, ước tính vài trăm hộ gia cư, sinh hoạt khá phồn thịnh. Tuy Vô Song Nữ khoác áo bào rộng để che khinh phục bó sát thân, nhưng vì nét đẹp khác thường nên gây sự chú ý của nhiều người. Thân hình hấp dẫn, suối tóc đen tuyền đầy sức sống, làn da trắng mịn, một mỹ nữ hiếm thấy như thế, không cần làm chi cả cũng đủ khơi lòng ham muốn của các nam nhân cùng lòng đố kỵ của nữ nhân khác.

Vô Song Nữ không mấy quan tâm sự chú mục của kẻ khác, vì nàng vốn không sợ ai cả, nàng tự tin trong người mình luân lưu dòng máu của cha nàng, mà Phu Mãnh chính là một người không sợ gì cả.

Chẳng bao lâu nàng đến đúng cửa tiệm muốn tìm, trước sự đon đả chào hàng, nàng lựa mua một số lương khô và đồ nhật dụng, xếp đầy túi hành lý.

Trước khi nàng đi ra, người bán hàng đã cao tuổi không nhịn được liền hỏi: "Cô nương lên đường một mình à?".

Vô Song Nữ mỉm cười gật đầu: "Có chuyện gì chăng?".

Người bán hàng vội đáp: "Không có gì".

Như đã ngưng rồi lại không dằn được, vị lão bá lo ngại nói: "A! Ma Tử Quang và đám thổ bá đang để ý cô nương, cô...".

Vô Song Nữ thấy lão nhìn lén ra đường trước rồi mới nói câu trên, liền hiểu ngay, nàng không nhìn theo ánh mắt của lão, để đám lưu manh đang theo dõi nàng không biết lão đang nhắc nàng đề phòng, hòng tránh cho vị lão bá có lòng tốt này khỏi lãnh họa vào thân. Nàng cắt ngang: "Lão bá chớ lo! Ta biết cách đối phó".

Nói xong nàng cầm túi hành lý bước ra ngoài cửa đến bên thân ngựa, cột chặt túi bên mình ngựa, không thèm nhìn đến vài thanh niên đang tụ tập bên kia đường bình phẩm nàng. Đám thanh niên này mới nhìn đã biết không phải hạng lương thiện.

Vô Song Nữ ôm cổ hắc mã thủ thỉ vài câu, rồi dắt ngựa thong thả đi về hướng đông của thị trấn, thần thái an nhàn.

Có người từ phía sau đuổi tới, Vô Song Nữ không cần nhìn lại cũng nhận ra đối phương có bảy người tất cả.

Bỗng một hán tử mặt rỗ hoa mè rượt ra trước mặt Vô Song Nữ, dang hai tay cản đường, cười nham nhở nói: "Cô nương phải chăng đang tìm chỗ ở, chi bằng đến nhà ta, vừa đỡ tốn tiền vừa tiện lợi".

Sáu tên vô lại còn lại cùng ùa đến, bao vây Vô Song Nữ, trong bọn một tên trơ trẽn cười: "Quang ca biết chiều mỹ nhân nhất, bảo đảm phục vụ chu đáo, nếu không được thì còn bọn ta đây?".

Cả bọn cười hô hố.

Người trong trấn đều tránh xa hết, chẳng ai dám nhúng tay vào, chừng ấy đủ biết đám thanh niên này bình thường hoành hành bá đạo đến mức nào.

Vô Song Nữ không một chút giận, nhưng đã hết cười, nàng lạnh lùng nói: "Cút đi!".

Tên mặt rỗ giả bộ kinh ngạc, chỉ vào mũi mình nói: "Mỹ nhân nói sao? Tai ta lãng mất rồi, nàng lặp lại lớn tiếng một chút".

Một tên khác giả giọng: "Quang ca không nghe à? Nghe lại cho rõ này! Nô gia bảo ngươi xéo xuống giường đi, để cho các huynh đệ khác lên. Hứ!".

Đám thanh niên ôm bụng ngả nghiêng cười rú lên.

Vô Song Nữ hừ nhạt một tiếng, bèn dắt ngựa tiến thẳng về phía Ma Tử Quang đang đứng chận đường.

Hai mắt Ma Tử Quang lộ hung quang, đưa tay định chộp cương ngựa.

Vô Song Nữ hô một tiếng "muốn chết", nhanh như chớp vung cước đá ra, tên mặt rỗ chưa biết xảy ra chuyện gì, thì thấy vùng bụng dưới đau nhói kịch liệt, cả thân mình nặng đến trăm cân bị đá văng ra sau đến nửa trượng, té chổng bốn vó lên trời, khiến mọi người đều không tin mắt mình, không ngờ một nàng gái liễu yếu lại có cước lực mạnh như thế.

Sự tình diễn tiến ngoài định liệu của mọi người, đám thanh niên còn chưa hiểu rõ đã xảy ra chuyện gì, thì Vô Song Nữ lộn ngược đến trước mặt hai tên đứng phía sau, tung mình phóng liên hoàn cước đá thẳng vào mặt của cả hai, chúng rú lên, mũi miệng đổ máu té ra phía sau ngồi bệt xuống đất.

Nhóm vô lại địa phương này tên nào cũng biết chút võ nghệ, mỗi ngày đấm đá vung đao, bằng không chẳng thể hoành hành vùng hương thôn này. Thấy đồng bạn bị đá, bốn tên còn lại nổi xung, xông vào từ hai phía tấn công Vô Song Nữ.

Vô Song Nữ rốt cuộc cười lên đôi chút, bỗng phi thân nhẹ như mèo không chút phí lực ung dung đáp lên lưng ngựa, lại rút bên hông ra một ngọn roi mềm màu đen dài cỡ nửa trượng.

Bốn thanh niên xông vào chộp hụt, chẳng biết nàng đang ở đầu, bỗng thấy bóng roi xẹt trên đầu, giữa tiếng kêu rú và trong chớp mắt, mỗi tên đã bị trúng ít nhất một roi trên mặt, khiến chúng đau đớn chẳng còn sức phản công.

Dân trong trấn bàng quan vừa trố mắt nhìn vừa cảm thấy khoái trá. Không ai ngờ tiểu cô nương yêu kiều hấp dẫn kia không những có thân thủ lợi hại, mà còn tạo cho người đứng nhìn cảm giác đang xem một màn biểu diễn ngoạn mục.

Vô Song Nữ huýt nhẹ một tiếng, tuấn mã được lệnh lập tức phóng đi.

Lúc này Ma Tử Quang đang ngồi dậy, Vô Song Nữ thúc ngựa phóng ngang qua chỗ gã. Gã vừa giận vừa đau hét lên một tiếng, mới nửa chừng bỗng tắt nghẹn, thì ra đã bị ngọn roi siết chặt gã té ngược ra sau, ghì sát xuống đất.

Vô Song Nữ nét mặt bình tĩnh, như không biết mình đang siết cổ một người, đến khi Ma Tử Quang gần sắp đứt hơi nàng mới thu roi, phi ngựa ra cổng trấn, để lại Ma Tử Quang nằm còng queo dưới đất ôm cổ họng rên la.

° ° °

Khâu Cửu Sư cùng Nguyễn Tu Chân sánh vai thả bộ trên lối đi nhỏ trong vườn hoa, họ Nguyễn đột nhiên dừng bước thở dài một tiếng.

Khâu Cửu Sư đồng tình thốt: "Nếu công tử có được hai, ba thành công phu của long đầu thì không phải chết dễ dàng như vậy".

Nguyễn Tu Chân nói: "Ta thì không tiếc cho công tử. Nói trắng ra, long đầu nuông chiều công tử quá mức, lâu ngày chày tháng quen thành tính. Công tử cứ ngang ngược bá đạo, nếu chẳng phải là con trai Hoàng Phủ Thiên Hùng ắt đã chết không biết mấy lần".

Hai người làm việc chung lâu năm, cùng trọng tài nhau, quan hệ đôi bên rất tốt, nên khi trò chuyện riêng có thể nói thẳng suy nghĩ mà không úy kỵ gì cả.

Khâu Cửu Sư nhíu mày hỏi: "Vậy sao tiên sinh vẫn một mực ưu tư?

Nguyễn Tu Chân hạ nhỏ giọng: "Ta lo cho tương lai của bổn bang. Từ mấy năm qua, uy thế của bọn ta lên đến tột đỉnh, có câu thịnh cực tất suy, vật cực tất phản. Cái chết bất ngờ của công tử là một đả kích lớn cho long đầu, cứ nhìn thần thái của long đầu khi nãy, đủ biết việc này ảnh hưởng long đầu nhiều đến mấy. Tướng quân theo long đầu bấy lâu, có bao giờ thấy ngài rơi lệ chăng?".

Khâu Cửu Sư thốt: "Chuyện này cũng thường tình thế nhân không ai tránh khỏi thương tâm, tuy nhiên long đầu là một người rất kiên cường, ta tin ngài sẽ hồi phục rất mau, mọi việc sẽ trở lại bình thường. À! Hy vọng trong nhóm tỳ thiếp của long đầu có người sẽ sinh hạ cho ngài một trai".

Nguyễn Tu Chân nói: "Nhưng nếu có biến họa trước lúc ấy thì sao? Triều đình do bao năm liên tục chiến loạn nên trở thành thế yếu, mà bọn ta mấy năm gần đây thì thế lực tăng trưởng không ngừng, ta tin chắc triều đình đang cố kỵ bọn ta. Quý Nhiếp Đề hôm nay đến gặp đại long đầu, hẳn không phải tốt lành gì".

Khâu Cửu Sư gật đầu: "Long đầu bây giờ đang nói chuyện cùng Quý Nhiếp Đề tại nghị sự đường, sớm muộn gì bọn ta sẽ biết rõ mục đích của họ Quý. Long đầu tín nhiệm tiên sinh nhất, chỉ có lời của tiên sinh mới nghe, bây giờ là lúc long đầu đang cần tiên sinh nhất đấy".

Vẻ mặt Nguyễn Tu Chân vẫn lo âu, trùng trùng tâm sự.

Khâu Cửu Sư ngạc nhiên hỏi: "Tình huống thực sự nghiêm trọng thế sao? Nhưng ta không cảm thấy gì khác lạ, theo cách nhìn của ta, chỉ cần bắt sống Ngũ Độn Đạo cho long đầu rửa sạch hận, thì mọi thứ sẽ trở lại như trước".

Hắn lại hừ lạt: "Nếu Phụng công công muốn trừ khử bọn ta, năm năm trước họa chăng miễn cưỡng làm được, để đến hiện nay thì đã lỡ mất thời cơ. Phạm vào bọn ta, bọn ta thẳng thắn công nhiên tạo phản, xem thử ai làm khó được ai".

Nguyễn Tu Chân ngẩng đầu nhìn bầu trời hoàng hôn, từ từ thốt: "Ngay sau khi công tử chết bất ngờ, ta gieo ba quẻ cho bổn bang".

Khâu Cửu Sư kinh ngạc hỏi: "Chẳng phải gieo một quẻ đã đủ đoán hung cát sao? Tại sao phải lấy liền ba quẻ?".

Nguyễn Tu Chân cười gượng: "Ta cũng không biết bắt đầu nói từ đâu. Quẻ đầu tiên ta bốc, trúng phải tam hào tề động, tâm tư rúng động, vì bốc quẻ quan trọng nhất là động hào, nhưng hào động quá mức sẽ khiến kẻ bốc quẻ không biết giải thế nào. Điều khiến ta bất an hơn, ba hào động đều là quỷ hào. Tam tam bất tận, lục lục vô cùng. Trời ạ!".

Khâu Cửu Sư nhíu mày: "Ta chưa hiểu".

"Không hiểu cũng không sao. Nói đơn giản là ta không thể dựa vào quẻ này đoán điềm hung cát. Qua một ngày sau, ta bốc thêm một quẻ, lại cũng tam hào tề động, cũng giống quẻ trước, là quỷ hào động".

Khâu Cửu Sư cảm thấy rờn rợn, tuy không thông hiểu phép bốc quẻ, nhưng cứ nhìn thần sắc ưu tư của Nguyễn Tu Chân cũng biết sự bất thường của hiện tượng này, chắc chắn không phải điều tốt.

Nguyễn Tu Chân nói tiếp: "Quẻ thứ ba ta bốc vào bảy ngày sau, ôi!".

Khâu Cửu Sư ngạc nhiên hỏi: "Tình thế không thay đổi ư?".

"Vẫn là tam hào tề động, đều là quỷ hào. Đừng hỏi ta hiện tượng này mang ý nghĩa gì, vì ta cũng chẳng biết, chỉ biết là ta không dám gieo quẻ thứ tư".

Khâu Cửu Sư trầm ngâm không nói.

"Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Có rất nhiều sự việc không chờ đến phiên bọn ta lý giải, chỉ có cách tận lực mà làm, phải chăng?".

Khâu Cửu Sư không nói được gì cả.

° ° °

"Ta không muốn chết chút nào".

Câu nói đó không ngừng lặp lại trong đầu Ô Tử Hư.

Từ nhỏ hắn vẫn là một người kiên cường tranh đấu, bất luận thất bại thế nào cũng không tiêu hao ý chí phấn đấu sinh tồn của hắn. Xuất thân từ một đại gia đình bảo thủ phong kiến, từ lúc hiểu việc thì hắn không thích "nhà" cho lắm, đặc biệt hắn thuộc giòng trắc thất thứ năm, cha hắn bạo ngược ngang tàng, mẹ hắn yếu bệnh thường xuyên, huynh đệ tỷ muội khá đông. Khi mẹ hắn thất sủng, bị đại nương, nhị nương cùng tam nương liên thủ bức tử, lúc ấy chỉ mười hai tuổi hắn đã quyết ý bỏ nhà ra đi, tự bấy đến nay không hối hận.

Hắn đã từng đi xin ăn, từng học đủ nghề khác nhau, làm qua vô số công việc. Bất luận học thứ gì, chỉ học qua thì làm được, thậm chí trội hơn cả thầy truyền nghề cho hắn, thiên tư học tập của hắn chưa ai bì kịp. Hắn lại khám phá ra mình chẳng bao giờ làm một nghề gì quá nửa năm vì hắn rất mau chán. Mơ hồ hắn cảm thấy mình như đang tìm kiếm một vật nhưng không rõ là thứ gì.

Nói về võ công, hắn theo học hơn mười vị sư phụ, nhưng lần nào cũng chỉ nội trong vài tháng là hắn đã vượt trội hơn thầy, khiến hắn trở nên một đồ đệ không được ưa chuộng nhất.

Đến năm mười tám tuổi, hắn học được một thân toàn tài, thập bát ban võ nghệ loại nào cũng tinh thông. Hắn có một đôi tay linh xảo, thính lực hơn người thường, tuy nhiên hắn hãnh diện nhất là nhãn lực của mình. Các cư viện bố cục thế nào, thậm chí các loại khóa tinh xảo nhất, hắn chỉ nhìn qua một lần là nắm vững mọi chi tiết chính xác.

Hắn cũng vướng vào tật cờ bạc, hắn thích sự kích thích khi ngồi trong bàn đoán cuộc thắng thua, điều này khiến hắn nghèo kiết xác, nợ đầy thân. Rất may cuối cùng hắn nghĩ ra một cách.

Ô Tử Hư tốn hết năm năm chuẩn bị, truy tìm nghiên cứu các thủ đoạn trộm cắp, chế ra đủ loại dụng cụ, luyện tập thân thủ. Đến năm hai mươi ba tuổi, lần đầu tiên hắn xuất thủ trộm được con ngựa bằng ngũ sắc hoàng kim, bảo vật trứ danh của phú hào bậc nhất phủ Ứng Thiên, lúc ấy hắn biết mình đã xoay chuyển mệnh vận của mình. Tuy trở thành một tay trộm, nhưng hắn chẳng phải như bọn cẩu đạo trộm vặt, mà là một đại đạo siêu cấp có phong cách riêng.

Ngân lượng vào tay, hắn lại tiêu pha như nước, tận tình hưởng lạc cuồng hoan, đến khi xài hết tiền tài, không thể không làm một chuyến trộm bảo vật khác, từ kích thích cực độ đến phóng túng cực độ. Thế nhưng hắn có thỏa mãn chăng? Hắn cũng không rõ, sâu trong tâm tư hắn biết mình đang tìm kiếm một thứ gì đó. Có thể là một bảo vật, cũng có thể là một nữ nhân, hắn không rõ, chỉ biết nỗi khao khát trong tâm rất có thể vĩnh viễn không tìm được.

Cũng có thể chỉ tìm được trong mộng. Bất giác trong đầu hắn hiện lên rất rõ hình ảnh nữ nhân tuyệt sắc trên chiến xa cổ đại.

Mặt trời chưa lặn xuống gò đất phía tây.

Tìm được củ hoàng tinh ăn xong, tinh thần thể lực Ô Tử Hư hồi phục, lại đầy đủ ý chí tranh đấu.

Đúng lúc ấy, hắn nhìn thấy ở xa xa như có một điểm sáng, định thần muốn nhìn kỹ hơn thì điểm sáng đã biến mất.

Hắn nghĩ thầm chỗ ấy có thể có người ở nên cả mừng, vội nhảy phắt dậy đi về phía đã xuất hiện ánh sáng. Trong đầu hắn chỉ có một ý niệm là mau rời khỏi vùng hoang dã như quỷ vực này.

° ° °

Quý Nhiếp Đề tướng cao ốm, trên dưới bốn mươi, luôn cho người ấn tượng an nhiên tự tại, chỗ khác người là thần thái ung dung khoan thai của y không phải cố luyện tập để tạo ra, mà như là một vẻ tự nhiên bẩm sinh. Vẻ lạnh lùng, cùng với nhãn thần không biểu lộ tình cảm của y, tạo cho người tiếp cận y cảm giác đè nặng kỳ lạ. Đối phương không bao giờ biết được y nghĩ gì bên trong, hay y có phải đang ngầm toan tính gì. Nếu y chỉ là một kẻ tầm thường, muốn nghĩ gì là chuyện riêng của y. Điều không may là Quý Nhiếp Đề lại là nhân vật quyền thế nhất trong thiên hạ ngoài Phụng công công, cho nên không ai dám khinh thường ý nghĩ của y. Ngay cả Hoàng Phủ Thiên Hùng đối với Quý Nhiếp Đề cũng không dám bê trễ, e chuốc lấy hậu họa.

Hoàng Phủ Thiên Hùng hoàn toàn hồi phục phong độ lúc bình thường, trầm tĩnh lạnh lùng, nỗi đau mất con không chút thể hiện, tựa như chưa từng xảy ra chuyện gì cả. Lão đứng tại đại môn nghinh tiếp Quý Nhiếp Đề vào nghị sự sảnh, phân ngôi chủ khách an tọa, tỳ nữ dâng trà rồi lui ra xong, Hoàng Phủ Thiên Hùng mỉm cười nói: "Bao nhiêu năm nay không gặp mặt! Mừng cho Quý đại nhân vẫn phong thái như xưa, xem chừng còn trẻ hơn lần trước hội kiến".

Một chút ý cười hiện nơi khoé miệng Quý Nhiếp Đề, trong mắt Hoàng Phủ Thiên Hùng, họ Quý dường như lúc nào cũng đeo một lớp mặt nạ che giấu chân bản ngã. Hoàng Phủ Thiên Hùng tự hào với khả năng nhìn người của mình, nhưng cũng tự nhận không nhìn thấu được họ Quý, cũng không định được võ công của y cao thấp thế nào. Căn cứ theo lời đồn, cây Long đầu đao hình thù đặc biệt của Quý Nhiếp Đề có thể là thiên hạ đệ nhất khoái đao, chưa có ai đấu với y trong vòng mười chiêu mà không bị thương.

Quý Nhiếp Đề cười ha hả: "Đại long đầu nói chơi rồi, bọn ta không gặp nhau đúng chín năm, dù thân này chưa già, thì tâm cũng đã già đi rất nhiều".

Nói xong y đưa chén trà nóng trong tay lên nhấp một ngụm.

Hoàng Phủ Thiên Hùng nhìn họ Quý đặt chén trà xuống bàn, hân hoan thốt: "Quý đại nhân chuyến này từ kinh sư xa xôi đến đây, chẳng biết có việc gì dùng được Hoàng mỗ, Hoàng mỗ xin dốc toàn lực, hy vọng không như lần trước khiến Quý đại nhân thất vọng".

Quý Nhiếp Đề lắc đầu: "Chuyện năm ấy làm sao có thể trách đại long đầu, chỉ vì đối thủ của bọn ta quá lợi hại, sự giúp đỡ của đại long đầu, công công và ta vẫn khắc ghi trong tâm, vô cùng cảm kích".

Nói xong y lại nhíu mày tiếp tục: "Hơn mười ngày nay, quý bang huy động bang chúng, dường như đang tìm một kẻ nào, chẳng hay đã có đầu mối gì chưa? Xưởng Vệ bọn ta có giúp gì được chăng, đại long đầu cứ nói thẳng".

Hoàng Phủ Thiên Hùng trong bụng thắt lại thầm giật mình, song hiểu rằng chuyện này không thể giấu Quý Nhiếp Đề với tai mắt khắp thiên hạ, càng biết là giấy không gói được lửa, bị bắt gặp nói dối thì sau này gặp mặt khó nói, nên lão đành nói qua loa: "Chuyện xấu trong nhà không nên truyền ra ngoài, chỉ là gia sự mà thôi! Đa tạ Quý đại nhân quan tâm, việc này Hoàng mỗ đủ sức xử lý, hãy trở lại nói chuyện của Quý đại nhân!".

Quý Nhiếp Đề không hỏi gạn thêm, đưa tay vào tay áo rút ra một ống trúc dài cỡ hai thước, hai tay cung kính trao cho Hoàng Phủ Thiên Hùng.

Hoàng Phủ Thiên Hùng đưa hai tay tiếp nhận ống trúc, theo chỉ thị của Quý Nhiếp Đề mở ống lấy ra một cuộn giấy trương ra xem, thì ra là một bức họa chân dung một hòa thượng. Y ngạc nhiên hỏi: "Hòa thượng này là ai, nhìn quen quá, ta có biết người này chăng?".

Quý Nhiếp Đề không biểu lộ chút thay đổi, chỉ đáp: "Đại long đầu đương nhiên nhận ra kẻ này, hắn là Tiết Đình Hao, một trong hai tên đào phạm của triều đình mà chín năm trước ta đã nhờ đại long đầu truy sát".

Hoàng Phủ Thiên Hùng đang nghĩ thầm, họ Quý làm thủ lãnh của xưởng vệ, có phải là một kẻ không có thất tình lục dục, hay là đã đè nén tuyệt đối tình cảm của mình, bằng không làm thế nào trở thành công cụ sát nhân của Phụng công công. Lão gật đầu nói: "Thì ra là Tiết Đình Hao, thảo nào trông quen mắt, khen cho hắn cải trang thành tăng nhân, khiến bọn ta không tìm được hắn. Tuy nhiên nếu đổi là ta, thì sẽ trốn ra hải ngoại hay tái ngoại, tuyệt đối không lưu lại Trung nguyên, tên xú tiểu tử này vẫn còn thiếu kinh nghiệm".

Quý Nhiếp Đề không để ý lời phê bình ấy, chỉ nói: "Hắn không phải giả làm tăng nhân, mà thật sự quy y không môn, chẳng những thế còn khắc khổ tu tập hơn bất cứ tăng lữ nào, hắn nghiên cứu Phật pháp, tu loại tham thiền khó khăn nhất. Chính vì hắn biến thành một cao tăng hành đạo nên không ai có thể nhận ra hắn là Tiết Đình Hao, ngay như đối diện với hắn cũng khó nhận ra, bởi khí chất của hắn cũng thay đổi rồi".

Hoàng Phủ Thiên Hùng chăm chú nhìn hình họa, có chỗ chưa hiểu: "Nhưng căn cứ theo bức họa này, nhìn ngang nhìn dọc vẫn thấy đây là Tiết Đình Hao cải trang thành hòa thượng, chỉ cần người nào chú ý kỹ chắc chắn có thể nhận ra hắn".

Quý Nhiếp Đề thốt: "Bức họa này là chiếu theo hình họa mười năm trước của hắn và đổi thành trang phục kiểu hòa thượng, bây giờ thì thần thái của hắn hoàn toàn khác. Để ta nói rõ chút, hắn không còn là Tiết Đình Hao của năm xưa, mà hóa thân thành một cao tăng với pháp hiệu Sắc Thâm. Do thay đổi tập quán ăn uống, diện mạo của hắn cũng biến đổi so với lúc xưa ốm hơn nhiều".

Hoàng Phủ Thiên Hùng không mấy chú ý: "Trở thành mập ốm cũng chẳng sao, chỉ cần hắn có vài phần giống thuở trước, chiều cao không đổi, người của bổn bang chắc chắn không nhìn lầm".

Lão không dằn được lại hỏi: "Quý đại nhân làm thế nào nhận chân lớp trá hình của hắn".

Thực ra Hoàng Phủ Thiên Hùng không có lòng dạ nào tính đến chuyện kẻ khác, nhưng vì đối phương là Quý Nhiếp Đề, nên không thể không làm ra vẻ nhiệt tâm giúp đỡ. Tuy nhiên Quý Nhiếp Đề nói chưa rõ, khiến lão một tay lão luyện giang hồ đưa ra câu hỏi theo thói quen.

Hai mắt Quý Nhiếp Đề lộ thần sắc kỳ dị làm Hoàng Phủ Thiên Hùng không sao hiểu được, họ Quý trầm giọng nói: "Đại long đầu xin chớ trách ta nói kiểu thần bí, nhưng vì sự tình quá ly kỳ, nên đến nay ta vẫn chưa làm sáng tỏ mọi việc".

Hoàng Phủ Thiên Hùng xoè hai tay ra biểu thị không chấp: "Quý đại nhân thực sự muốn Hoàng mỗ giúp đỡ cách nào?".

Quý Nhiếp Đề lóe tia sáng trong mắt, nghiêm trang nói: "Đại long đầu trước nay vẫn có quan hệ tốt đẹp với Phật môn, nếu Đại long đầu thị ý cùng các Phật tự lớn nhỏ khắp nơi là không nên chứa kẻ này, thì chắc chắn hữu hiệu, trong tương lai nếu thành công bắt được kẻ này, Quý mỗ tất sẽ báo đáp".

Hoàng Phủ Thiên Hùng hiểu ra, xưởng vệ dù quyền khuynh thiên hạ, nhưng nếu họ trực tiếp ra lệnh với Phật môn, người bên Phật môn đương nhiên sẽ biết ngay chẳng phải tốt lành, rồi sẽ vờ tuân lệnh ngoài mặt, trong khi ngầm cảnh giác cho Tiết Đình Hao biết. Còn như chính lão trước nay vẫn xây miếu tu bổ chùa không tiếc lực, trong mắt Phật môn lão là bạn chẳng phải địch, chỉ cần tìm cách nói dối đường hoàng, thì có thể tìm được Tiết Đình Hao.

Qua sự kiện này có thể thấy Quý Nhiếp Đề đã mất lòng tin trong việc tìm Tiết Đình Hao, không biết hắn đã trốn đến hoang sơn dã tự nào mà tìm hoài không thấy. Phật môn đệ tử trải đầy khắp thiên hạ, tương truyền Hoàng thượng cũng là Phật gia đệ tử, xưởng vệ dù bá đạo đến đâu, cũng không dám phá miếu bắt người, hòa thượng nào cũng đem ra xét nghiệm lai lịch, nên Hoàng Phủ Thiên Hùng hiểu khó xử của Quý Nhiếp Đề.

Nếu có thể lựa chọn, Hoàng Phủ Thiên Hùng quyết không nhúng tay vào việc này, chọc giận Phật môn chỉ tổn hại cho chính mình, không có lợi gì cả.

Quý Nhiếp Đề nói: "Chỉ cần bọn ta biết được hắn đang ở đâu, mọi việc sẽ do xưởng vệ xử lý, bảo đảm mọi việc gọn sạch, không kinh động Phật môn, quý bang có thể đứng ngoài không bị dính dự".

Hoàng Phủ Thiên Hùng làm ra vẻ vui vẻ nhận lời: "Quý đại nhân có lệnh, làm sao mỗ dám không theo, việc này mỗ bảo đảm giúp đại nhân lo liệu ổn thỏa".