Lệ Thánh Thái thượng hoàng hậu tuy giữ vị chính cung đã lâu nhưng bà chỉ có duy nhất đích công chúa Ngọc Tha. Từ đó đến nay mấp mé cũng đã gần mười năm trời, Lệ Thánh Thái thượng hoàng hậu bỗng có hỷ rồi bình an hạ sinh vị hoàng nam đầu tiên của bà với thượng hoàng. Sinh dục dồi dào, bà lại mang long thai chỉ vài tháng sau đó. Thượng hoàng mở yến tiệc chiêu đãi các hoàng thân, đại thần mừng đích tử ra đời.
Vượng tuy là con trưởng của thượng hoàng, thân lại là hoàng đế Đại Việt nhưng chàng chỉ là con của thiếp thất. Việc người giữ ngôi cao chỉ mang một nửa dòng máu vương tộc là điều chưa từng có ai nghĩ đến; tuy nhiên, vì thượng hoàng trước đây quá sủng ái sinh mẫu của chàng, phần vì hoàng hậu lúc này không có hoàng tử nên thượng hoàng bất chấp luật lệ hoàng gia mà đưa Vượng lên ngôi.
Vượng dự yến cho có lệ rồi sớm cáo bệnh với thượng hoàng để được hồi cung. Chàng trong đêm bí mật xuất cung đến phủ Chu An, thưởng thức cảnh sắc đẹp đẽ của khu vườn mà người thầy đáng kính dành riêng cho mình, những bức bối trong tâm cũng nhờ thế mà bị cơn gió thoảng cuốn bay mất.
Do đây cũng là dịp tiết Nguyên Đán nên buổi yến xuyên đêm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chu An bản chất là người cần kiệm lỗi lạc, hẳn ông không thể nào thích ứng với những loại hình tiệc xa hoa như thế này. Vì hoàng đế là người hiếu học, ngay cả dịp lễ cung không cho phép bản thân buông thả nên Chu An vui vẻ vào cung những ngày này để trau dồi kiến thức cho vị học trò đặc biệt. Biết được vị vua trẻ sớm rời khỏi yến tiệc, Chu An liền đến chính tẩm vua tại cung Quang Triều nhưng chỉ thấy mỗi Nguyên thái phi ở đó. Bà trách Chu An không làm tròn trách nhiệm của một thái bảo, vận mệnh bách tính đều trong tương lai đều nằm ở vua nhưng bà cho rằng ông suốt ngày truyền bá những thứ đạo đức tầm thường. Chu An phận tôi, không muốn phạm tội bất kính bề trên nên chỉ từ tốn khấu đầu mà lui ra. Vừa trở về phủ thì bọn hầu vội vàng báo Thiện Anh đã vào nơi cấm địa chỉ dành riêng cho đức vua, ông liền đến và giải vây cho cô.
Trước khi Chu An về, một viên nội hầu đến vời Trần Vượng hồi cung nên chàng nhanh chóng chào thầy rồi đi khỏi.
Vượng đến hành cung Thiên Trường thăm hỏi Thái thượng hoàng hậu, bà tuy không phải mẹ thân sinh nhưng chàng rất mực yêu thương, kính trọng nên thượng hoàng hài lòng. Thái thượng hoàng hậu vui mừng nhưng cũng chút lo ngại bởi bà nghe báo lại hoàng đế rời yến tiệc trong tâm trạng không được vui, bà nghĩ có thể vị quân chủ trẻ tuổi này cho rằng đích tử sẽ đe dọa đến ngôi đại thống chăng?
- Mẫu hậu – Vượng cung kính hành lễ.
- Đám nội chư vệ không hộ tống quan gia chăng?
- Nhi thần không muốn chuyện bản thân lẻn ra khỏi cung trong đêm đến tai phụ hoàng nên đã trốn chúng mà đi.
Thái thượng hoàng hậu bật cười, trong tất cả những hoàng nam của thượng hoàng thì Vượng là người quan tâm đến bà nhất. Chàng luôn làm bà cảm thấy thoải mái bởi tính khí dễ chịu, không câu nệ tiểu tiết. Đột nhiên, Vượng quỳ xuống:
- Xin mẫu hậu thứ lỗi vì nhi thần đã không tham dự buổi yến mừng mẫu hậu đại hỷ. Chẳng qua nhi thần trước giờ vốn không hợp những bữa tiệc linh đình. Hơn hết, nói rằng yến tiệc dành cho mẫu hậu nhưng mẫu hậu lại không đến nên nhi thần cũng chẳng mấy hứng thú.
Thái thượng hoàng hậu nhẹ nhàng chạm vào vai Trần Vượng, cùng ngồi thấp xuống, gương mặt đôn hậu, cử chỉ dịu hiền làm sưởi ấm trái tim vị hoàng đế trẻ. Bà đỡ chàng lên, cả hai cùng ngồi xuống chiếc tràng kỷ, bà nói:
- Quan gia đến đây chỉ để thỉnh một tội vốn dĩ con không làm sai?
- Nhi thần sợ… Sợ rằng mẫu hậu lo nghĩ nhi thần vì kiêng dè lục đệ, nhi thần vì lục đệ ra đời mà không vui. Là nhi thần vẫn chưa hành xử tốt. – Vượng cười buồn.
Thái thượng hoàng hậu cảm thấy ấm lòng, quả nhiên bà đúng là nghĩ như vậy. Bà tự trách bản thân đã quá đa nghi với người con này, dù Vượng là con của cung phi nhưng bà rất mong chàng có thể trở thành bậc minh quân nối những thành tựu huy hoàng của tổ tông. Tinh thần Vượng phấn chấn hơn hẳn khi chắc rằng mẫu hậu không để tâm đến chuyện chàng rời yến tiệc sớm. Chàng tiến đến chiếc nôi gần đấy, nghiêng đầu nhìn ngắm đứa bé sơ sinh đang say giấc, khuông miệng khẽ mỉm cười.
Thái thượng hoàng hậu chợt thở ra tiếng mệt mỏi:
- Từ lúc ra đời cho đến giờ đã được ba tháng nhưng Nguyên Dục vẫn rất khó nuôi. Con ta vẫn cứ khóc thét bất kể ngày đêm làm bà vú lẫn đám tỳ nữ kiệt sức.
Vượng lấy từ trong ngực áo một hộp thon dài, bên trong là sợi dây đeo có miếng ngọc nhỏ hình tròn được đục lỗ ở giữa. Chàng liền đeo cho đứa bé.
- Vừa hay món quà nhi thần mang đến có thể giúp ích được lục đệ. Đồng điếu có pháp khí chống tà, loại trừ khí xấu để sinh khí dồi dào. Lục đệ hãy còn nhỏ, e sẽ thấy những thứ không sạch sẽ, nếu mang đồng điếu bên mình, thần sắc lục đệ sẽ khỏe lên.
Thái thượng hoàng hậu cười hiền:
- Quan gia thật có lòng. Còn nhớ món quà trước đây con tặng ta là miếng bội trì hà đồng tử, ta nhanh chóng có hỷ. Liền sau khi Nguyên Dục ra đời, ta tiếp tục thụ long thai. Quả thật, ta rất biết ơn con.
Vượng cùng Thái thượng hoàng hậu tươi cười đàm đạo rất lâu.
Sau đó, chàng hồi chính tẩm cung Quang Triều nghỉ ngơi thì gặp sinh mẫu. Tâm trạng Nguyên thái phi không được tốt, bà đã chờ đợi hoàng đế ở cung Quang Triều đã mấy canh giờ. Biết được hoàng đế lưu tại cung của Thái thượng hoàng hậu, bà càng thể hiện sự không bằng lòng.
- Nghe tên nội hầu bẩm lại con rời khỏi buổi yến, ta liền đến đây nhưng không ngờ con lại trốn ra khỏi hoàng thành, lại còn đến chúc tụng Lệ Thánh hậu.
Nguyên thái phi hắt ra tiếng thở bức bối:
- Vì sợ người đời nghi ngại chuyện Lệ Thánh hậu làm chính cung nhiều năm vẫn không có hỉ, thượng hoàng miễn cưỡng ban cho bà ta một đứa con gái. Cớ sao sau bao năm, bà ta lại liên tiếp sinh dục như vậy? Phải chăng thượng hoàng bỗng trở nên sủng ái bà ta?
Thấy điệu bộ Vượng uể oải, không để tâm đến lời nói của mình, bà càng tỏ thái độ bất lực với con.
- Quan gia ơi là quan gia! Đích tử ra đời, con còn có tâm trạng hay sao? Con có biết chăng để bảo vệ con, ta đã phải nhọc công thế nào không? Giờ đích tử ra đời, cái thai đó nếu là nam cũng sẽ lại có thêm một đích tử khác đe dọa đến con đấy!
Vượng đanh mặt nói:
- Mẫu thân, người nhọc công để bảo vệ nhi thần hay chính là bảo vệ cái ngôi vị này?
Nguyên thái phi phật ý, bà nói:
- Ta là vì con nên cố gắng giành những điều tốt nhất cho con. Vì muốn toàn tâm toàn ý dưỡng dục con, ta đã cam chịu đưa Phủ cho người khác nuôi dạy. Ấy thế con có thể buông ra câu từ đó với ta sao?
- Nhi thần không dám – Vượng chỉ khẽ thở dài – Từ hôm qua đến giờ toàn thân nhi thần đã không còn chút sức lực gì nữa. Mong mẫu thân đừng để bụng câu lỡ lời của kẻ làm con mà ảnh hưởng đến phượng thể.
- Quan gia có ý đuổi khéo, ta cố chấp lưu lại cũng tổ chuốc bực dọc. Được rồi, nghỉ ngơi cho tử tế, hôm nào ta lại gặp bàn chuyện.
Vượng cho quan nội hầu cung tiễn Nguyên thái phi.
Tên nội hầu thân cận bẩm nước ấm đã chuẩn bị xong. Chàng hướng về dục thất phía sau, lệnh đám tỳ nữ lui rồi bắt đầu trút y phục, từ từ đắm chìm cả cơ thể vào làn nước trong suốt. Vượng hiểu được tầm quan trọng của đích tử, tuy chàng là hoàng đế nhưng đó cũng chỉ là trên danh nghĩa, mọi sự đều do thượng hoàng định đoạt, một chút thực quyền của chàng âu cũng chỉ là hô mưa gọi gió lên bọn nô bộc mà thôi. Tình cảnh chàng giờ đây để miêu tả chính xác nhất chỉ có thể tóm ở bốn chữ Hư danh thiên tử.
Đêm mùa xuân se lạnh, kẻ hầu bên ngoài không dám hé nửa lời làm màn đêm vốn đã yên ắng lại càng tĩnh lặng hơn đến mức có thể nghe được tiếng xào xạc của những chiếc lá cuốn trong cơn gió nhẹ. Nước ấm tự lúc nào đã trở nên nguội lạnh, người ngâm mình bên trong dường như thả hồn về phương trời nào nên nhất thời vẫn chưa nhận ra cơ thể đang chống đối sự lạnh lẽo ấy. Hình bóng cô gái mặc phấn y, tóc xõa qua vai, trên có gắn một vật như cây trâm nhỏ ánh kim bất giác hiện lên mỗi khi đôi dạ phượng nhãn đẹp đẽ của nam tử nhắm lại. Tuy là đương kim thiên tử nhưng Vượng suy cho cùng cũng chỉ là chàng thiếu niên chưa đầy mười bảy tuổi, cảm giác lạ lẫm khi nhịp đập con tim bắt đầu hỗn loạn, chưa từng có bất cứ thiên kim tiểu thư nào có thể làm chàng rộn ràng như vậy. Vượng càng tò mò với những cảm xúc của bản thân, trong một thoáng ý nghĩ bồng bột của tuổi trẻ hiện lên, bằng bất cứ giá nào cũng phải đưa cô gái ấy vào cung.
Tiết trời đầu tháng ba mát mẻ, cây cỏ tươi tốt nhờ những cơn mưa rào đầu mùa, chim chóc thi nhau cất tiếng hay nhất thu hút bạn đời. Thiện Anh dần quen với cảnh sống yên ả thế này. Dù đang ở kinh đô tráng lệ bậc nhất Đại Việt nhưng có lẽ với cô, so sánh thế giới ở tương lai thì đây chẳng khác vùng nông thôn đô thị mới là bao.
Thiện Anh dạo vòng ra mái đình trước sân thì gặp Chu An cùng một thiếu niên đối thi phú. Người thiếu niên trông rất quen thuộc, càng nghĩ nhưng mãi lại không nhớ ra, Thiện Anh nấp sau thân cây lớn, cố hình dung cậu ta giống với ai. Tuy nhiên, cô nàng không được may mắn, cặp mắt nhạy bén như cú vọ xuyên thấu vào ánh nhìn Thiện Anh. Cô giật mình, chỉ ước rằng gần đây có một cái lỗ đào sẵn nào đó, lập tức nhảy xuống mà chôn cái sự xấu hổ này đi. Thiện Anh rón rén toan rời khỏi hiện trường thì bất ngờ có bàn tay rắn chắc nắm chặt lấy cổ tay nàng. Giọng nói cậu ta như mấy cậu trai vừa bước sang tuổi dậy thì.
- Lén la lén lút như vậy, há chẳng phải kẻ bụng dạ tiểu nhân sao?
- Cung Định vương xin đừng trách phạt. Đây là đứa cháu gái của tôi, chắc là trông vương chưa từng quen nên muốn đến yết kiến. – Chu An cau mày, nhìn Thiện Anh – Còn không mau hành lễ với Cung Định vương?
- Thôi khỏi – Cung Định vương xua tay – Nếu là cháu gái của Văn Trinh công thì không cần phải đa lễ. Nhưng người con gái này phải dạy dỗ phép tắt thật nghiêm khắc, tránh phá hỏng nhã hứng của người khác.
Chu An gật nhẹ đầu. Thiện Anh đi theo Chu An ra lại mái đình, cô đứng nhìn ông và vị vương tử kia ngồi đàm đạo những thứ nhàm chán. Danh xưng Cung Định vương này nghe rất quen, cố gắng lục lọi vốn kiến thức sẵn có nhưng tiếc là cô vẫn chưa thể nhớ người này là ai trong lịch sử. Hoặc dĩ cũng có thể là một vương tôn công tử của một ông vương nào đó khác được ưu đãi phong tước chăng?
- Ngươi biết làm thơ không? – Cung Định vương chợt hỏi.
Thiện Anh thoáng bối rối, thơ thẩn xưa nay chính là sở đoản của cô. Chưa biết ra sao thì Cung Định vương nói tiếp:
- Có thi nhân nào ngươi ái mộ không?
Thiện Anh khẽ đưa mắt nhìn Chu An, nhận được cái gật đầu của ông, cô chầm chậm đọc lên.
- Tú hộ xuân phong noãn. Sa song thự sắc tân. Cung hoa tranh tiếu nhật. Trì thảo ám sinh xuân. Lục thụ văn ca điểu. Thanh lâu kiến vũ nhân. Chiêu Dương đào lý nguyệt. La ỷ tự tương thân.
Đây là bài Cung trung hành lạc của Lý Bạch, miêu tả cảnh sắc nhộn nhịp sinh động trong hoàng cung. Cung Định vương cảm thán áng thơ hợp với sắc trời tuy nhiên lại không hợp với nơi cô đang ở. Đọc bài thơ này trong phủ Chu An, chẳng khác nào so sánh phủ của ông chính là cung điện các bậc bề trên? Thiện Anh thầm mắng Cung Định vương là kẻ mồm mép, chuyện gì cũng có thể nghĩ ra.
Tên hầu vào bẩm lại vị khách quan trọng của Chu An đã đến. Nét mặt Cung Định vương đột nhiên trở nên lo lắng, liền từ biệt Chu An ra về. Vị khách quý ấy nhanh chóng vào trong sân phủ, vẫn bộ y phục màu trắng ấy, khác là trên đầu đội một loại mão nhỏ hình dạng gần giống đóa sen. Chu An và Cung Định vương lần lượt quỳ xuống, Thiện Anh nhớ ra đây là vị nam tử mà cô đã gặp, lại được Chu An mách bảo là đương kim thiên tử nên cũng hành lễ.
- Mời thầy hãy đứng lên. – Vượng ân cần đỡ Chu An dậy rồi quay sang vị vương tử thiếu niên kia – Hoàng đệ cũng đến đây sao?
Thiện Anh nghe hoàng đế gọi Cung Định vương là hoàng đệ thì bỗng giật mình, bất giác nhận ra người này. Trước kia khi nghiên cứu sử liệu, cô rất ngưỡng mộ sự thân thiết giữa thượng hoàng Trần Nghệ Tông và hoàng đế Trần Duệ Tông. Tìm hiểu sâu hơn thì biết rằng khi thượng hoàng Nghệ Tông còn là vương tử, có phong hiệu Cung Định, là người dẹp loạn Dương Nhật Lễ củng cố lại Trần triều. Thiện Anh không ngờ bản thân mình lại được tận mắt nhìn thấy vị thượng hoàng nổi tiếng bằng xương bằng thịt thế này.
Cung Định vương Trần Phủ là vương tử thứ ba của thượng hoàng Minh Tông và là vương tử thứ hai của bà Nguyên thái phi. Điều này đồng nghĩa với việc Vượng và cậu là anh em ruột. Đó cũng là lý do khiến Thiện Anh vừa nhìn thấy đã cảm giác Phủ rất quen thuộc, ra là cả hai anh em họ đều giống nhau như đúc.
Phủ trông rụt rè trước người anh quyền lực của mình:
- Hoàng huynh… Đệ có việc phải hồi cung, hoàng huynh cùng Văn Trinh công bàn luận, đệ xin phép trước.
Vượng nét mặt thoáng chút u buồn:
- Đệ luôn tránh mặt ta.
Phủ cúi mặt mà bẩm:
- Đệ vâng mệnh Nguyên thái phi và mẫu thân đến mừng cho cữu mẫu sinh hạ bé trai khỏe mạnh. Trưởng tử của họ do Văn Trinh công đặt tên rất sáng dạ nên mẫu thân muốn đệ xin chữ Văn Trinh công tiếp tục đặt tên cho ấu tử.
Vượng trầm ngâm một đỗi rồi ra hiệu cho phép Phủ rời đi. Thiện Anh tò mò vì sao họ là anh em ruột thịt nhưng trông lại xa cách đến thế. Lại nói, Phủ không gọi Nguyên thái phi là “mẫu thân” mà gọi hẳn ra chức danh như người xa lạ, còn mẫu thân mà cậu gọi là ai? Thiện Anh dù ham thích sử học đến mấy cũng không thể nghiệm được bởi rằng chưa từng bất cứ tài liệu nào chép về vấn đề này.
Chu An vời Vượng vào đình, nói Thiện Anh đứng hầu trà cạnh bên. Chàng hỏi về chuyện tử tôn của hoàng cữu Lê Quốc Mạo, thắc mắc Nguyên thái phi chưa từng đề cập đến chuyện người này có hài tử. Chu An cho rằng có lẽ Nguyên thái phi nghĩ hoàng đế trẻ có nhiều việc phải lo nên sai Phủ đưa lễ vật đến chung vui với Lê gia. Ông nói trưởng tử của Lê Quốc Mạo vừa sinh rất yếu ớt nên ông cho chữ Tỳ 貔 trong Tỳ Hưu 貔貅 làm tên, còn đứa trẻ sau ông vẫn chưa thấy hình hài của nó nên đành từ chối vì nếu không nhìn tướng mệnh của nó, e sẽ lựa chọn cái tên không phù hợp.
Vượng nhấm nháp một chút trà sen, tấm tắc khen vị ngọt dịu trong từng giọt trà. Chu An đánh động hỏi:
- Quan gia đến đây là có chuyện chi muốn căn dặn lão?
Vượng khẽ đánh mắt sang Thiện Anh, bắt gặp ánh mắt cô cũng chăm chú vào mình, lòng chợt rộn lên lạ thường. Chàng mỉm cười rằng:
- Cũng không phải chuyện chi to tát. Học trò chỉ muốn nhờ thầy một việc, mỗi khi vào cung giảng dạy, thầy có thể đưa nàng ta theo không?
Thiện Anh không giấu nổi sự ngạc nhiên mà nói chen vào:
- Tôi á?
Vượng vờ nghiêm mặt:
- Vừa nãy còn tính khen ngươi đã biết phép tắc nhưng sao giờ lại vô lễ như vậy? Thầy An và ta đang nói chuyện, đến lượt ngươi xen vào sao?
Chu An nhìn Thiện Anh có chút ẩn ý, cô vội vàng quỳ xuống xin vị hoàng đế trẻ thứ tội bất kính. Vị hoàng đế trẻ thấy biểu hiện của cô gái thì thích thú, cười một tràng vui vẻ. Thiện Anh thầm nghĩ:
- Tuổi còn trẻ mà đã tâm tính bất thường, trị nước sau này thế nào? Đối với người này cẩn thận là trên hết, nếu để mất đầu vô duyên thì có thể sẽ mãi mãi không quay về thế giới của mình.
Một viên nội thị vệ đến bẩm nhỏ với Vượng, nét mặt in chút ưu tư. Chàng đứng lên và nói:
- Thật tiếc khi học trò không lưu lại lâu hơn nữa, thượng hoàng đi Ai Lao đến nay đã tròn một tháng, hiện gần về Kinh sư, học trò phải ra đón người. Thầy An hãy toại ước muốn của người trò này nhé.
Chu An gật đầu, đích thân tiễn vị đế trẻ khỏi phủ. Thiện Anh từ nãy vẫn quỳ như vậy, thấy hoàng đế đi khỏi, cô thở phào ngồi lên chiếc ghế bằng đá, đấm đấm hai đầu gối.
Vừa thấy Chu An, Thiện Anh tỏ chán chường:
- Ông không nghe rằng “chơi với vua như chơi với hổ” hay sao? Người này bề ngoài hòa nhã nhưng tính khí khó lường, khi nổi giận lên có khi không còn biết ai là thầy nữa đâu.
Chu An nghe thái độ bất kính như vậy thì mắng:
- Thật hỗn xược! Quan gia là ai để ngươi đàm luận?
Thiện Anh giật mình vì bỗng dưng Chu An lên giọng nhưng cũng nhanh lấy lại tinh thần. Chu An lắng lại một đỗi rồi nói:
- Bước đầu thuận lợi hơn ta tưởng. Ta định bụng khi thượng hoàng về đến kinh sư sẽ khẩn cầu cho ngươi bằng mọi giá phải vào được hoàng cung nhưng không nghĩ quan gia lại đích thân yêu cầu ngươi vào cung thế này.
Thiện Anh nhíu đôi mày thanh tú vào nhau như cần lời giải thích:
- Thật sự tôi vẫn chưa rõ việc ông cần ở tôi là gì. Tôi không biết võ, thân là nữ nhi lại không thuộc thế giới này thì vào cung liệu sẽ bảo vệ được vua hay sao?
Chu An liền tiếp lời:
- Ngươi là người của tương lai, cũng có thể biết hết tất cả những sự kiện lớn nhỏ nên việc gì sắp xảy đến ắt ngươi cũng rành rẽ. Hiện tại, ngươi chỉ cần ngăn chặn tai ương ập đến với quan gia, sớm thôi ta sẽ để ngươi trở về thực tại của mình.
Thiện Anh bĩu môi. Chu An không còn quan tâm đến ý tứ bất mãn của cô nữa, ông đột nhiên trở nên nghiêm trọng:
- Có chuyện này ngươi phải khắc sâu trong tâm trí. Tuyệt đối không được thương nhớ, không được có ham muốn sắc dục và hơn nữa là trở thành phi tử của quan gia, bằng không tất cả sẽ tan thành mây khói!