Dị Ngọc Phụng thấy chàng có vẻ thành khẩn, tuy không tin trong giới võ lâm còn có người nào mà ngay cả phụ thân mình cũng chẳng dám trêu vào, song cũng không hề nghi ngờ về lời nói của Đào Hành Khản, cơn giận trong lòng cũng liền tiêu tan phần nào, nàng bèn nhoẽn miệng cười nói:
- Vậy là tôn giá không động thủ với bổn cô nương hoàn toàn là vì lo cho bổn cô nương ư?
Đào Hành Khản đỏ mặt, ngượng ngùng nói:
- Tại hạ quả là có ý như vậy.
- Không động thủ cũng được, nhưng tôn giá phải để người kia lại, thế là xong.
Đối với Dị Ngọc Phụng, xử sự như vậy có thể nói đây là lần đầu tiên, bởi nàng ta cũng hết sức cao ngạo như cha, chịu để cho Đào Hành Khản tự do rời khỏi thế này, thật là một điều khó tin đối với những ai biết rõ cá tính của nàng ta. Cho dù ngay cả bản thân Dị Ngọc Phụng, cũng chẳng rõ vì lẽ gì lại có thiện cảm đối với chàng thanh niên anh tuấn này như vậy.
Chàng lẻn vào Ngân Hoa Cốc đánh cướp Lý Thuần Như, tuy may mắn gặp lúc Tây Môn Thất thọ thương và Dị Cư Hồ đi khỏi, song chàng tuyệt đối không phải cố tình chọn lựa thời cơ thuận lợi đó, cho dù Dị Cư Hồ có mặt trong Ngân Hoa Cốc và Tây Môn Thất không thọ thương thì chàng cũng vẫn mạo hiểm hành động như thường.
Vì vậy chàng gượng cười lắc đầu nói:
- Dị cô nương, tại hạ biết rằng cô nương để cho tại hạ rời khỏi như vậy là điều rất đáng quí, nhưng... tại hạ còn một điều thỉnh cầu quá đáng... chẳng hay cô nương có thể ưng thuận không?
Vừa nói với ánh mắt ngập đầy đau buồn, chàng vừa đăm đăm nhìn Dị Ngọc Phụng.
Dị Ngọc Phụng chưa bao giờ có cảm giác kỳ lạ như lúc này, bất giác thoáng đỏ mặt, thầm nhủ:
- Lạ thật, mình hình như là rất muốn được nghe chàng nói chuyện vậy, vì sao lạ thế nhỉ?
Trong khi nghĩ đã buột miệng nói:
- Điều gì tôn giá cứ nói đi.
Đào Hành Khản thoáng lộ vẻ mừng, gương mặt anh tuấn của chàng vốn ngập vẻ ưu sầu, giờ lộ vẻ vui mừng trông càng siêu thái thoát tục, khó ai sánh bằng.
Dị Ngọc Phụng nghe lòng xao xuyến khôn tả.
Chỉ nghe Đào Hành Khản nói:
- Dị cô nương nếu có thể để cho tại hạ đem Lý công tử rời khỏi đây, tại hạ sẽ trọn đời không quên đại đức của Dị cô nương.
Dị Ngọc Phụng sửng người, thầm nghĩ mình dẫn theo Đào Lâm cùng phụ thân đến Tứ Xuyên nhưng đi được mấy trăm dặm đường, phụ thân bỗng có linh tính, bảo mình trở về Ngân Hoa Cốc, nhất định phải mang theo Lý Thuần Như đến Tứ Xuyên gặp ông, lúc dặn bảo giọng nói hết sức nghiêm nghị trước nay chưa từng có, đủ biết việc này vô cùng hệ trọng, nếu mình tay không đến đó nhất định sẽ bị quở trách nghiêm trọng.
Do đó, nếu như Đào Hành Khản đưa ra bất kỳ thỉnh cầu nào khác, nàng đều có thể tự ý quyết định, duy có việc này là nàng không thể nào chấp thuận được.
Do dự hồi lâu, nhận thấy vừa rồi mình đã nói một cách quá quả quyết, lòng không khỏi áy náy, cười nói:
- Đào công tử, việc này quả tình là tôi không thể tự ý quyết định được.
Đào Hành Khản vẻ mừng trên mặt liền tắt lịm:
- Chả lẽ lệnh tôn đã bảo cô nương trở về lấy người ư?
Dị Ngọc Phụng gật đầu:
- Công tử đoán không sai.
Đào Hành Khản biến sắc mặt, lùi sau mấy bước nói:
- Dị cô nương, vậy thì... vậy thì...
Dị Ngọc Phụng tiếp lời:
- Phải chăng công tử cũng như tôi, không phải chính mình cần người này mà là đã chịu người sai khiến, nếu không cướp được người này thì bản thân công tử sẽ bị họa sát thân chứ gì?
Đào Hành Khản mặt mày xám ngắt lặng thinh. Dị Ngọc Phụng biết mình đoán trúng, bèn nói tiếp:
- Vậy thì tôi có một giải pháp, gia phụ và lệnh muội hiện đang chờ ở Tứ Xuyên, chúng ta sao không cùng đến nhà họ Thương để gặp họ rồi sẽ định liệu?
Đào Hành Khản kinh hãi:
- Xá muội... hiện đang ở cùng lệnh tôn ư?
Dị Ngọc Phụng gật đầu, vừa định nói gì nữa, bỗng sau lưng vang lên một tiếng nổ long trời lở đất, hai người đều giật mình kinh hãi, cùng ngoảnh lại nhìn, chỉ thấy bốn người từ trong Ngân Hoa Cốc chạy ra như gió cuốn, cách nhau tuy xa, song cũng có thể nhận ra đó chính là Tát Thị Tam Ma và Linh Xà tiên sinh.
Nhưng trông họ không như rượt đuổi nhau mà là bốn người cùng bỏ chạy tháo thân, ra chiều hết sức hốt hoảng. Tát Đằng và Tát Băng lại càng thảm não hơn, cả hai lăn bò chỉ monh nhanh chóng rời xa Ngân Hoa Cốc, chẳng còn nhớ đến khinh công thân pháp là gì nữa.
Dị Ngọc Phụng hết sức lấy làm lạ, bốn người đó thảy đều là cao thủ bậc nhất trong võ lâm, vì sao lại bỏ chạy một cách cuống cuồng thế này? Chả lẽ phụ thân mình đã về đến ư?
Nàng vừa định tiến đến xem cho rõ sự thật, bỗng lại nghe “ầm” một tiếng vang dội từ trong cốc vọng ra, vội đưa mắt nhìn, chỉ thấy bức vách đá hệt như bức bình phong cao đến ba trượng và dày hơn thước ở trước cốc đang lung lay dữ dội.
Dị Ngọc Phụng kinh hoàng thất sắc, nàng đã khôn lớn trong Ngân Hoa Cốc, bức vách kia thuở bé nàng đã từng trèo lên trèo xuống biết bao lần, biết rõ đó là một tảng đá dính liền với mặt đất, người nào lại có sức mạnh khủng khiếp đến độ có thể xô đẩy bức vách ấy lay chuyển thế kia?
Nàng bất giác dừng chân, chỉ thấy Tát Thị Tam Ma và Linh Xà tiên sinh đang chạy về phía mình, thân pháp của họ lúc này phải nói là nhanh đến cực độ, tiếng nổ đinh tai nhức óc hãy còn vang vọng thì bốn người đã chạy đến gần, chỉ thấy họ người nào cũng mặt mày trắng bệch, khắp người đẫm mồ hôi và mặt đầy bụi cát, trông hết sức thảm não.
Khi đến trước mặt Dị Ngọc Phụng và Đào Hành Khản, bốn người dừng chân, ngoảnh lại nhìn Ngân Hoa Cốc, buông tiếng hét to, đoạn lại chạy tiếp.
Dị Ngọc Phụng không nén được lòng hiếu kỳ, liền tung mình ngược ra sau, đứng cản trước mặt họ, rung động ngọn roi bạc trong tay, tạo thành một bức tường bạc rộng đến hơn trượng cản bốn người lại, quát hỏi:
- Trong cốc đã xảy ra chuyện gì?
Bốn người không đáp, chỉ nghe Tát Nguyên Bá quát:
- Tản ra.
Tát Đằng và Tát Băng liền phóng sang bên, tiếp tục chạy tới, còn Linh Xà tiên sinh thì càng lanh trí hơn, vừa thấy bị Dị Ngọc Phụng cản đường, liền lập tức quay người lại, sớm đã bọc vòng vượt qua Dị Ngọc Phụng.
Dị Ngọc Phụng vốn biết một mình khó có thể ngăn cản được bốn người, thấy ba người kia bỏ chạy, chỉ đối phó với một mình Tát Nguyên Bá lại càng tiện lợi hơn.
Nàng liền buông ra một chuỗi cười lanh lảnh, cổ tay hạ xuống, vòng sáng bạc liền tắt lịm, rồi thì vung roi điểm thẳng vào giữa ngực Tát Nguyên Bá và nói:
- Ba người kia đã bỏ chạy rồi, tôn giá còn muốn đào thoát ư?
Tát Nguyên Bá vừa thấy roi quét đến, vội thụp người nhào lăn xuống đất. Đừng thấy y dáng người mập lùn phục phịch, nhưng thân pháp thật nhanh khôn tả, liên tiếp lộn ba vòng, đã ra xa đến gần năm trượng.
Dị Ngọc Phụng cũng đã đuổi đến như bóng theo hình, liên tiếp ba roi nhanh như tia chớp, “vút vút vút” đều trúng vào mình Tát Nguyên Bá.
Dị Ngọc Phụng biết mình dùng sức rất mạnh, e Tát Nguyên Bá khó thể chịu nổi, ngờ đâu vừa ngưng tay, Tát Nguyên Bá đã buông tiếng gầm vang, tung người lên, hai tay mười ngón vươn ra chộp vào mặt nàng, kình phong từ các kẽ ngón tay tuôn ra mạnh khôn tả.
Dị Ngọc Phụng thật không ngờ đối phương bị mình đánh trúng ba roi mà còn lao tới mạnh như vậy, không khỏi sửng sốt, chỉ thấy ba nơi trúng roi của Tát Nguyên Bá áo bị rách bươm, nhưng da thịt chỉ hằn lên ba đường máu chứ không bị trọng thương.
Dị Ngọc Phụng giờ mới biết Tát Thị Tam Ma quả danh bất hư truyền, đều có chân tài thực học, ngay như môn Kim Chung Tráo cũng là hiếm có rồi.
Dị Ngọc Phụng vốn rất tự cao, xem thường quần hùng, chẳng khác cha là Dị Cư Hồ, không chờ Tát Nguyên Bá lao đến đã nghiêng người sang bên, nhẹ vung tay, nửa đoạn đầu ngọn roi bạc đã khoanh thành một vòng tròn, đón lấy cổ tay đang chộp tới của Tát Nguyên Bá.
Pho tiên pháp này của Dị Ngọc Phụng cực kỳ ảo diệu, khi nàng mới ra đời, Dị Cư Hồ đã phản lại Ma Giáo, giết sạch các cao thủ giáo phái này, đem Dị Ngọc Phụng đến Ngân Hoa Cốc ngoài Tây Vực, từ đó rất ít khi đi lại trên chốn giang hồ, pho tiên pháp này cũng là kết tinh bao tâm huyết của Dị Cư Hồ trong mười mấy năm qua, trong mỗi chiêu đều có thể tạo ra đến ba vòng tròn. Khi Đào Hành Khản mới từ Ngân Hoa Cốc xông ra đã bị Dị Ngọc Phụng dùng roi bạc tạo thành một vòng to thắt vào ngực, đó chính là chỗ thần diệu của pho tiên pháp này.
Mắt thấy cổ tay Tát Nguyên Bá sắp bị ngọn roi bạc của Dị Ngọc Phụng quấn lấy, nhưng ngay khi ấy, Tát Nguyên Bá người đang lơ lửng trên không, bỗng “vù vù”, tung ra hai cước, đồng thời rụt tay về, cả người ngã ngửa ra sau, giống như nằm ngủ trên không vậy.
Nhưng người đâu phải là chim, đương nhiên không thể nào nằm ngủ trên không, Tát Nguyên Bá nằm ngang trên không chỉ là trong khoảng khắc, nhưng hai cước do y bất thần tung ra thì rất là lợi hại, đá thẳng vào vùng tim của Dị Ngọc Phụng.
Dị Ngọc Phụng ngân tiên bị hụt hẫng, thấy chiêu thức của Tát Nguyên Bá hết sức kỳ ảo, lòng lại cảm thấy đắc ý, buông tiếng cười khanh khách, tung mình lên cao mười thước, áo trắng tung bay phấp phới trông thật ngoạn mục, ngân tiên quét ra, đầu roi lại tạo thành một vòng tròn đường kính hơn thước, nhắm đầu Tát Nguyên Bá chụp xuống.
Phen này Tát Nguyên Bá người đang lơ lửng trên không chẳng thể nào tránh né được nữa, chỉ nghe y buông tiếng thét vang, hai tay vội đưa lên bảo vệ nơi cổ, song đã muộn, cổ đã bị ngọn roi bạc quấn chặt.
Dị Ngọc Phụng một chiêu đắc thủ, lập tức nhả nội lực ra, Tát Nguyên Bá cơ hồ ngạt thở, Dị Ngọc Phụng lại vung tay, y liền bị ném ra xa sáu bảy thước, tay chân quơ loạn xạ, “bịch” một tiếng rơi xuống đất.
Song ngọn roi bạc của Dị Ngọc Phụng vẫn thắt chặt lấy cổ của Tát Nguyên Bá, y vừa rơi xuống đất, Dị Ngọc Phụng lại vung tay lên, y lại bị kéo lên cao, và rồi lại bị quật xuống đất, cứ thế liên tiếp bảy tám lần, Tát Nguyên Bá tuy có cương khí hộ thân, không đến nổi bị trọng thương, nhưng liên tiếp bị quật xuống đất mạnh như vậy, và yết hầu yếu hại lại bị roi bạc thắt chặt, cũng cảm thấy ngũ tạng bị lộn tung lên, mặt mày choáng váng, khó thể chịu nổi.
Đến lần thứ chín, Dị Ngọc Phụng quật y xuống đất, Tát Nguyên Bá đã thở hồng hộc, Dị Ngọc Phụng nới tay, giơ cao ngọn roi bạc quát hỏi:
- Trong cốc đã xảy ra chuyện gì? Có chịu nói chưa?
Tát Nguyên Bá ngực phập phồng nằm dưới đất, hai mắt trợn ngược, đâu còn hơi sức để trả lời Dị Ngọc Phụng nữa.
Dị Ngọc Phụng cười khúc khích, ngoảng lại nhìn, thấy Đào Hành Khản vẫn cứ cắp Lý Thuần Như đứng thừ ra đó, không khỏi bực mình nói:
- Đồ ngốc, sao không thừa lúc bổn cô nương động thủ bỏ trốn đi, còn đứng thừ ra đó làm gì?
Đào Hành Khản đỏ mặt, ngoảnh lại nhìn về phía cốc.
Dị Ngọc Phụng thấy Đào Hành Khản có vẻ như rất hồi hộp và sợ hãi, cũng liền nhìn theo ánh mắt chàng. Nàng bất giác thầm kinh hãi, thì ra bức vách đá lúc này lay động dữ dội hơn, tiếng “ầm ầm” vang lên liên hồi, cơ hồ cả mặt đất đều rung chuyển.
Dị Ngọc Phụng sau một thoáng ngẩn ngơ, vội quát:
- Ai ở trong Ngân Hoa Cốc xô bức vách đá kia hả?
Vừa nói vừa vung roi phóng đi về phía Ngân Hoa Cốc, nhưng chưa được bao xa, nàng bỗng trông thấy trước mắt một bóng người nhấp nhoáng, đã bị một người cản đường, định thần nhìn kỹ, ra là Đào Hành Khản.
Chỉ thấy chàng mặt đầy vẻ hốt hoảng, khẽ nói:
- Dị cô nương hãy lên ngựa rời khỏi đây mau, chậm trễ e không còn kịp nữa.
Dị Ngọc Phụng thấy chàng có vẻ thành khẩn, rõ ràng là hoàn toàn vì lo cho mình, không khỏi động lòng, nhưng nàng nhất quyết không chịu bỏ đi, chỉ nói:
- Đào công tử hãy để mặc tôi.
Nói đoạn, nàng liền lạng người sang bên kia hơn trượng, lại phóng tiếp về phía cửa cốc, khi còn cách mấy trượng, bỗng lại vang lên một tiếng nổ kinh thiên động địa, bức vách đá đã đổ sụp.
Trong đá vụn bay văng tung tóe và bụi cát mù mịt, chỉ thấy một bóng người mảnh khảnh với tốc độ nhanh đến tột cùng vọt lên không, hệt như một bóng người được tạo thành bởi sương khói lao thẳng tới Dị Ngọc Phụng.
Dị Ngọc Phụng đang khi kinh hồn động phách bởi bức vách đá đổ sụp, đứng thừ ra tại chỗ, bỗng thấy bóng người nhanh đến mức không thể tưởng tượng được lao về phía mình, đồng thời cũng nghe tiếng Đào Hành Khản hơ hãi nói:
- Không nên hoàn thủ.
Nhưng trong lúc cấp bách, nàng đâu chịu xuôi tay để cho kẻ khác muốn làm gì thì làm, sớm đã vung roi quét ngang ra, lúc ấy người kia đã đến rất gần, mắt thấy chắc chắn sẽ quét trúng, nhưng lạ thay, ngọi roi bạc lại xuyên qua thân thể đối phương.
Dị Ngọc Phụng sửng sờ, chả lẽ đó chỉ là một cái bóng hay sao? Song nàng liền lập tức hiểu ngay, thì ra đó là do thân pháp đối phương quá nhanh, khi đến trước mặt mình lập tức lại tạt sang bên.
Trong khoảng khắp ấy, mình tưởng đâu đối phương đang ở trước mặt, song đó chỉ là một ảo ảnh, nên ngọn roi bạc quét ra mới rơi vào khoảng không, còn đối phương thì biến mất, chẳng rõ đã quay sang hướng nào?
Song khi Dị Ngọc Phụng hiểu ra thì đã muộn, nàng chỉ còn thấy nơi vai đau nhói, nơi vai đã bị năm ngón tay người ấy nắm chặt, nàng cũng chỉ có thể nhìn thấy năm ngón tay ấy thôi.
Dị Ngọc Phụng liền lập tức vận công đề kháng, song vẫn cảm thấy đau thấu xương tủy, mặt hoa thất sắc, mồ hôi tuôn lả chả.
Chỉ nghe Đào Hành Khản hối hả nói:
- Sư phụ... đồ nhi đã đắc thủ rồi, chúng ta... đi thôi.
Dị Ngọc Phụng động tâm thầm nhủ:
- Thì ra người này là sư phụ chàng ta, nhưng chẳng rõ là ai mà lại có thể chế ngự mình một cách dễ dàng thế này?
Thử ra sức vùng mạnh, chẳng những không thoát ra được mà xương vai còn như bị đối phương bóp nát, bèn không dám cử động nữa.
Chỉ nghe người ấy với giọng lạnh như băng nói:
- Ba Thông Thiên Bửu Long trong Ngân Hoa Cốc từ đâu có?
Đào Hành Khản rung giọng đáp:
- Đồ nhi... không biết.
- Mở miệng là ta biết ngay ngươi là người chưa từng nói dối bao giờ, đã nói dối!
Người ấy buông tiếng cười khẩy nghe rợn người, nói tiếp:
- Hãy đến đây một kiếm đâm chết nàng rồi hẵng tính.
Dị Ngọc Phụng nghe vậy giật thót người, nghe đối thoại giữa hai người, đủ biết Đào Hành Khản cực kỳ khiếp sợ người này, giờ người ấy ra lệnh một kiếm đâm chết mình, rất có thể chàng có thể phục tùng mệnh lệnh. Thực không ngờ mình hoa dung nguyệt mạo, võ công xuất chúng mà rốt cuộc lại chết tại đây một cách bất minh bất bạch như vậy.
Nhưng chờ một hồi, chẳng nghe tiếng trả lời của Đào Hành Khản, mà cũng chẳng thấy kiếm đâm tới.
Hồi lâu, mới nghe Đào Hành Khản run giọng nói:
- Sư... phụ, đồ nhi... không thể nào... hạ thủ được.
Dị Ngọc Phụng mừng rỡ, lòng liền lập tức bình lặng khá nhiều, tuy nàng cũng hiểu rõ, cho dù Đào Hành Khản không muốn hạ thủ nhưng sư phụ chàng cũng có thể cưỡng bức và thậm chí đính thân động thủ, mình cũng khó có thể thoát chết.
Thế nhưng, sau khi nghe xong những lời nói của Đào Hành Khản, nàng cảm thấy vô cùng an ủi, bởi nàng vốn chính diện đối địch với Đào Hành Khản, vậy mà trong lúc nguy hiểm nhất, chàng lại không chịu ra tay sát hại nàng, vậy thì chứng tỏ điều gì?
Chính vì thế mà Dị Ngọc Phụng cảm thấy an ủi và vui sướng.
Chỉ nghe người ấy lạnh lùng hỏi:
- Vì sao ngươi không hạ thủ được?
- Chính bản thân... đồ nhi cũng... không rõ vì sao?
- Hừ, những gì ta đã nói với ngươi, ngươi quên cả rồi sao?
- Đồ nhi đâu dám quên những lời giáo huấn của sư phụ.
- Vậy sao còn chưa chịu hạ thủ?
Đào Hành Khản buông tiếng thở dài, Dị Ngọc Phụng bỗng cảm thấy lạnh nơi mạng sườn, cúi xuống nhìn, một thanh trường kiếm đã dí vào huyệt Khí Hộ nàng, cảm giác lạnh chính là do mũi kiếm đã đâm thủng áo nàng và chạm vào da thịt.
Dị Ngọc Phụng lại nghiêng đầu nhìn, thấy Đào Hành Khản mặt đầy vẻ đau khổ và ánh mắt đờ đẫn, vừa tiếp xúc với ánh mắt Dị Ngọc Phụng, chàng giật nẩy mình, lùi ra sau nửa bước và buông tay, thanh trường kiếm “keng” một tiếng rơi xuống đất.
Chỉ nghe người ấy tức giận hét to, vung tay điểm vào huyệt Kiên Tĩnh của Dị Ngọc Phụng, biến nàng bất động, rồi thì “bốp, bốp” hai tiếng, hẳn là Đào Hành Khản đã lãnh lấy hai cái tát tai.
Lại nghe người ấy giận dữ quát:
- Hãy lập lại những lời dạy của ta nghe xem!
Đào Hành Khản thoáng ngập ngừng, đoạn nói:
- Kiếm hạ hữu tình, nhất sự bất thành, kiếm hạ vô tình, vạn sự giai thành.
- Ngươi đã biết kiếm hạ vô tình thì vạn sự đều thành, vậy tại sao kiếm này lại không đâm xuống được, kiếm hạ lưu tình ư?
Đào Hành Khản ấp úng:
- Sư phụ, đồ nhi... đồ nhi...
- Hừ, hãy mau nhặt kiếm lên, đừng nói ra những lời vô tích sự nữa.
Dị Ngọc Phụng lúc này huyệt đạo bị khóa, người không động đậy được, nên chỉ có thể nghe hai người đối thoại với nhau chứ không trông thấy được hành động của họ, cũng chẳng biết Đào Hành Khản có vâng lời nhặt lấy kiếm hay không, lòng hết sức hồi hộp và thắc mắc về những lời nói của hai người.
Đang khi chưa biết may hay rủi, bỗng nghe sau lưng vang lên tiếng binh khí xé gió rất nhanh, nhưng khi đến gần thì trở nên uể oải, đồng thời lại nghe tiếng Đào Hành Khản cơ hồ như rên rỉ nói:
- Sư phụ, đồ nhi quả thật không thể nào...
- Ngươi có thể, và hơn nữa cũng chẳng cần hạ thủ từ sau lưng, hãy đến trước mặt nàng ta, một kiếm đâm thẳng vào ngực, như vậy mới đúng là kiếm hạ vô tình.
Người ấy vừa dứt lời, Dị Ngọc Phụng bỗng nghe tiếng bước chân của Đào Hành Khản loạng choạng đi đến trước mặt mình.
Chỉ thấy Lý Thuần Như dưới nách Đào Hành Khản chẳng rõ đã được buông ra tự bao giờ, Đào Hành Khản tay phải cầm kiếm, nhưng cổ tay rung rẩy liên hồi, và trông bước chân của chàng chệnh choạng thế kia, cũng chẳng như tự mình đi, mà như bị sư phụ kéo đến vậy.
Dị Ngọc Phụng lúc này hồi hộp đến cực độ, nàng giờ đã biết là người kia không bao giờ đích thân ra tay sát hại mình, mà nhất quyết buộc Đào Hành Khản phải ra tay hạ sát mình, hầu làm đúng theo lời dạy “kiếm hạ vô tình, vạn sự giai thành” gì đó của người kia. Cũng có nghĩa là sinh mệnh của mình đang nằm trong tay Đào Hành Khản.
Do đó, nàng đăm đăm nhìn vào mặt Đào Hành Khản, song khi đến trước mặt nàng, Đào Hành Khản đã cúi gầm mặt, không dám tiếp xúc với ánh mắt của nàng.
Đào Hành Khản đứng đờ ra một hồi, lại nghe người kia giục:
- Còn chưa hạ thủ hả?
Đào Hành Khản vụt ngẩng lên, vẻ đau khổ trên mặt đã lên đến cực độ, nhưng đột nhiên, một vẻ vui mừng vút qua trên mặt, tuy chỉ trong khoảng khắc, song vì Dị Ngọc Phụng đang chăm chú nhìn, nên nhận thấy được ngay.
Thế nhưng, Dị Ngọc Phụng chưa kịp hiểu là vẻ vui mừng kia là có ý nghĩa gì, đã thấy ánh thép lấp lóa, thanh trường kiếm đã nhắm ngay tim nàng đâm nhanh tới.
Dị Ngọc Phụng là con nhà võ, vừa thấy thế kiếm liền biết ngay Đào Hành Khản đã hạ quyết tâm, không bao giờ ngưng lại giữa chừng.
Trong khoảng khắc ấy, Dị Ngọc Phụng chợt nhớ lại vừa rồi mình đã cảm thấy an ủi và vui sướng bởi nghe câu nói “không hạ thủ được” của Đào Hành Khản, nàng cảm thấy mình thật là ngốc nghếch khờ khạo.
Trường kiếm đâm tới rất nhanh, Dị Ngọc Phụng chưa kịp nghĩ dứt đã cảm thấy ngực đau nhói, trường kiếm đã đâm vào, hai mắt nàng tối sầm, cảm thấy người bay bỗng nhẹ như giấy, tai chỉ nghe tiếng cười ha hả nói:
- Đi thôi!
Rồi thì nàng không còn hay biết gì nữa, hôn mê tại chỗ.
Chẳng rõ đã trải qua bao lâu, nàng mới dần phục hồi tri giác, mở mắt ra nhìn, mặt trời đã lặn về tây, ráng chiều soi nhuộm từng ngọn cây cọng cỏ, từng hòn đá hạt cát thảy đều đỏ như máu, đỏ hơn hết là chiếc áo của nàng đã bị máu tươi nhuộm đỏ hơn nửa phần.
Dị Ngọc Phụng hết sức lấy làm lạ về việc mình đã không chết, nàng rất muốn cố gắng ngồi dậy rồi hẵng tính, song vừa mới động đậy đã nghe bên cạnh có người nói:
- Tiểu thư đừng động đậy.
Dị Ngọc Phụng từng nhiều năm kề cận với Tây Môn Thất, chưa bao giờ thấy ông ta lại có vẻ già nua như hôm nay, chỉ thấy ông ta dáng lom khom đứng đó, nếu không nhờ ngọn đao chống chỏi, ông cơ hồ đã lăn ra đất.
Dị Ngọc Phụng định lên tiếng, nhưng không còn hơi sức để nói.
Chỉ nghe Tây Môn Thất nói:
- Tiểu thư, lão phu với lệnh tôn thâm thù chưa giải, nay lão phu tuy đã thọ trọng thương, nhưng tiểu thư thương thế còn trầm trọng hơn, nếu Đào Hành Khản mà đâm sâu hơn chút nữa, cắt đứt tâm mạch thì lúc này tiểu thư đã lìa khỏi cõi đời rồi. Thế nhưng, lão phu lại có ý cứu sống tiểu thư, chỉ cần tiểu thư chấp thuận lão phu một điều thôi.
Tây Môn Thất dứt lời, trầm ngâm hồi lâu, Dị Ngọc Phụng nhìn lên trời, chỉ thấy vài cánh chim ưng đang chầm chậm lượn lờ trên không, nàng chợt cảm thấy ghê sợ sự chết, nàng thật không muốn chết chút nào cả, thu hết sức mới thốt nên lời:
- Điều... gì... vậy?
Tây Môn Thất tiến tới một bước, chầm chập nhìn vào mặt Dị Ngọc Phụng.
Dị Ngọc Phụng nhận thấy ánh mắt Tây Môn Thất hết sức phức tạp, như mong muốn nàng nhanh chóng chết đi cho vừa lòng hả dạ, lại như mong muốn nàng tiếp tục sống để làm việc cho ông.
Hồi lâu, Tây Môn Thất mới ngửa mặt thở dài nói:
- Tây Môn Thất hỡi Tây Môn Thất! Thật không ngờ ngươi lại hy sinh tính mạng của mình mà cứu sống con gái của kẻ thù, nhưng ngoài vậy ra, biết còn cách nào khác hơn!
Dị Ngọc Phụng biết kể từ khi Tây Môn Thất ở lại trong Ngân Hoa Cốc, trong thâm tâm lúc nào cũng chỉ muốn trả thù hai cha con nàng, song vì hoàn cảnh không cho phép nên chưa dám ra tay, phụ thân mình cũng nhiều lần cảnh cáo, bảo Tây Môn Thất là một nhân vật khét tiếng trong giới hắc đạo, tuy trước mắt xem ra rất thuần phục, song thực tế lại là một mầm họa nguy hiểm, phải hết sức thận trọng đề phòng.
Bởi Tây Môn Thất võ công có chỗ độc đáo nên Dị Ngọc Phụng mới tôn kính gọi ông là thúc thúc. Tây Môn Thất đương nhiên là không dạy tuyệt kỹ của mình cho Dị Ngọc Phụng và Dị Ngọc Phụng cũng chẳng màng học, song Tây Môn Thất biết nhiều hiểu rộng, thường hay kể cho Dị Ngọc Phụng nghe những chuyện lạ trong võ lâm, do đó hai người nhìn bề ngoài như không hề có chút hiềm khích, nhưng thực tế thì mỗi người đều có ý đồ riêng, mãi đến bây giờ Tây Môn Thất mới thố lộ những gì trong lòng.
Dị Ngọc Phụng chỉ nhìn ông lặng thinh.
Tây Môn Thất lại buông tiếng thở dài mấy lượt đoạn nói:
- Tiểu thư, lão phu yêu cầu một điều, phải chăng tiểu thư nhất định bằng lòng thực hiện cho lão phu?
Dị Ngọc Phụng không sao hiểu nổi đối phương yêu cầu mình làm việc gì, nhất thời cũng khó trả lời được.
Tây Môn Thất vẻ mặt bỗng trở nên hung tợn, lớn tiếng nói:
- Tây Môn Thất này dùng tính mạng mình chỉ đổi lấy một lời hứa, cũng không xứng đáng hay sao?
Dị Ngọc Phụng uể oải nói:
- Thất thúc... hãy... nói đi.
- Nếu tiểu thư bằng lòng, lão phu sẽ truyền máu mình vào cơ thể tiểu thư, như vậy chẳng những tiểu thư được cứu mà còn có thêm mấy mươi năm công lực, tiểu thư bằng lòng hay không?
Dị Ngọc Phụng lúc này đã hết sức suy nhược, Tây Môn Thất lớn tiếng một chút là nàng chỉ cảm thấy hai tai lùng bùng, khó khăn lắm mới có thể nghe được lời nói của ông.
Nghe xong, Dị Ngọc Phụng mới biết thương thế của mình đã vô cùng trầm trọng, bằng không Tây Môn Thất lẽ nào lại chịu hy sinh tính mạng để cứu mình?
Nhưng nàng đâu biết Tây Môn Thất là người hết sức rắn rỏi, chỉ một lòng một dạ muốn báo thù cho Hắc Thủy đảo chủ Khúc Cầm Phu, nhưng lúc này bản thân ông cũng đã thọ thương rất trầm trọng, cho dù thương thế phục nguyên thì công lực cũng sẽ giảm đi rất nhiều, nên mới cam đành cứu sống cho Dị Ngọc Phụng hầu gởi gấm sự an nguy của Lý Thuần Như và những việc chưa hoàn thành lúc sinh tiền.
Dị Ngọc Phụng nghĩ lúc này nếu mình không chấp nhận thì chắc chắn sẽ chết, bất luận đối phương muốn mình làm gì thì cũng ngoài cái chết ra, cho dù việc làm ấy khiến mình phải chết thì cũng chẳng thiệt thòi gì, bèn nói:
- Thất thúc, được rồi... Ngọc Phụng xin hứa.
Tây Môn Thất đăm đăm mắt nhìn nàng một hồi rồi nói:
- Lão phu biết hai cha con tiểu thư tuy tàn ác, nhưng đã hứa là chắc chắn giữ lời, tuy nhiên, lão phu cũng vẫn cần tiểu thư thề nặng.
- Nếu Ngọc Phụng mà... phản bội lời hứa thì nhất định sẽ bị... trường kiếm...
xuyên tâm... mà chết.
- Được rồi, điều lão phu muốn tiểu thư làm chính là tiểu thư phải hết sức mình tìm gặp Lý Thuần Như, bảo y không được quên những lời lão phu đã nói với y, và võ công y không cao, tiểu thư còn phải xua đuổi kẻ địch cho y, khi y đối địch với kẻ khác, tiểu thư nhất định phải bênh vực y.
Dị Ngọc Phụng nghe xong, nhận thấy việc này chẳng có gì là khó, với địa vị cha con nàng trong võ lâm, cho dù là bảo vệ một người hoàn toàn không biết võ công thì cũng chẳng có gì là khó, thậm chí không cần mình ra tay, chỉ cần tặng cho y một chiếc ngân lệnh là đủ. Do đó nàng bèn hỏi:
- Còn gì... nữa không?
- Tiểu thư đừng nghĩ là sự việc quá dễ dàng như vậy.
- Ngọc Phụng biết.
Tây Môn Thất buông tiếng thở dài, bỗng đưa đơn đao lên nói:
- Lão phu có hai vật tặng cho tiểu thư, một là ngọn đao này, hai là chiếc giường Vạn Niên Huyền Băng trong cư thất lão phu. Trước hết tiểu thư hãy nằm yên ở đây một ngày, tuyệt đối không được động đậy, một ngày sau hẵng vào cư thất lão phu, nằm lên chiếc giường Vạn Niên Huyền Băng trọn bảy ngày. Trên đầu giường có mười bảy chiêu thức đơn đao song tiên của lão phu, binh khí của tiểu thư vốn là nhuyễn tiên, đành rằng chiêu thức ảo diệu, hơn hẳn mười bảy chiêu của lão phu, nhưng mười bảy chiêu ấy lại là đao tiên cùng thi triển, tiểu thư chưa học qua.
Dị Ngọc Phụng gật đầu. Tây Môn Thất đưa đao cắt vào Mạch Môn mình, máu tươi tuôn ra, lão lẹ làng áp chặp vào vết thương của Dị Ngọc Phụng.
Dị Ngọc Phụng chỉ cảm thấy trong người máu nóng sôi sục, lát sau mí mắt trỉu nặng thật muốn nhắm mắt lại ngủ. Nửa giờ sau, Tây Môn Thất nằm mọp trên mình Dị Ngọc Phụng, sắc mặt vàng bệt, toàn thân lạnh ngắt, giã từ cõi đời.
Trời dần tối, Dị Ngọc Phụng biết mình đã được cứu, bèn nằm yên dưới đất suốt một đêm.
Sáng hôm sau nàng cảm thấy chân khí toàn thân đã có thể vận chuyển theo ý muốn, luyện xong mấy lượt công, cho đến chiều mới đứng bật dậy, bồng tử thi Tây Môn Thất lên, cầm lấy ngọn đơn đao, lên ngựa đi về phía Ngân Hoa Cốc.
Đến nơi, Dị Ngọc Phụng giật mình kinh hãi, trong cốc hệt như đã bị thiên binh vạn mã dầy xéo, hoa cỏ thảy đều bị dẫm nát, cảnh tượng điêu tàn khôn tả.
Dị Ngọc Phụng thừ ra một hồi, biết đó nhất định là do sư phụ của Đào Hành Khản đã gây ra, song lại không biết người ấy là ai.
Bồng thi thể Tây Môn Thất vào trong cư thất của ông, đào huyệt mai táng ông, Dị Ngọc Phụng thừ ra hồi lâu, nghĩ nếu mình y lời Tây Môn Thất còn phải lên chiếc giường Vạn Niên Huyền Băng, nằm đến những bảy ngày, lâu vậy thì buồn chết còn gì?
Do đó nàng chỉ tìm lấy quyển sổ nhỏ ghi chép mười bảy chiêu pháp đơn đao song tiên nơi đầu giường, rồi lên ngựa rời khỏi Ngân Hoa Cốc, định cấp tốc tìm gặp phụ thân để báo cáo về biến cố đã xảy ra trong cốc rồi hẵng định liệu.
Nêu sau khi ra khỏi cốc, Dị Ngọc Phụng liền giục ngựa tiến thẳng về hướng Tứ Xuyên. Lúc nàng được lệnh phụ thân quay về tìm Lý Thuần Như, Dị Cư Hồ có báo là sẽ đi chậm để chờ nàng đưa Lý Thuần Như đến. Nhưng Dị Ngọc Phụng thấy mình đã ở lại Ngân Hoa Cốc đã hơn một ngày trời mà phụ thân cũng không quay về xem thử, hết sức lấy làm lạ.
Tuy nhiên, nàng chỉ nghĩ phụ thân mình võ công cao siêu, lẽ nào lại gặp tai nạn gì? Nhất định là vì chờ đợi quá lâu nên đã nóng lòng đến Tứ Xuyên trước rồi. Nàng bèn ra roi thúc ngựa đi luôn trong đêm.
Vào lúc giữa đêm, trăng sáng vằng vặc, Dị Ngọc Phụng bỗng từ xa trông thấy cỗ xe ngựa trắng đang dừng lại trên một khoảng đất trống.
Dị Ngọc Phụng mừng rỡ, vừa định cất tiếng gọi, bỗng nhìn thấy bên cạnh cỗ xe có một vật hết sức kỳ lạ, nàng bất giác ngẩn người, định thần nhìn kỹ, thì ra đó là một hương án bằng đất, và trên hương án cũng được ai đó vo đất làm nhang.
Dị Ngọc Phụng thầm nhủ:
- Lạ thật, chả lẽ phụ thân lại kết bái huynh đệ với ai đó tại đây hay sao?
Nàng vội giục ngựa đến gần, khi còn cách chừng nửa dặm, lại thấy cạnh hương án có một tảng đá to rất bằng phẳng, trên có khắc chữ “Song Hỷ”.
Dị Ngọc Phụng bất giác phì cười, bởi nếu chỉ có hương án thôi, thì còn có thể bảo phụ thân kết nghĩa huynh đệ với ai đó tại đây, nhưng trên đá lại khắc chữ “Song Hỷ”, rõ ràng là một đôi tình nhân đã thành hôn tại đây, chẳng thể là phụ thân được.
Nghĩ đoạn, Dị Ngọc Phụng tung mình lao tới và lớn tiếng nói:
- Cha, Phụng nhi đã trở lại rồi đây.
Chỉ thấy rèm xe vén lên, Ngân Lệnh Huyết Chưởng Dị Cư Hồ nhẹ nhàng tung mình xuống đất, thấy Dị Ngọc Phụng, ngạc nhiên nói:
- Ủa, sao chỉ có một mình ngươi?
- Cha, Ngân Hoa Cốc đã xảy ra đại sự, Phụng nhi vừa về đến...
Dị Cư Hồ ngắt lời:
- Ngọc Phụng, ở đây ta cũng có đại sự, ngươi hãy khoan nói về Ngân Hoa Cốc đã.
Dị Ngọc Phụng kinh ngạc:
- Cha, ở đây có đại sự gì? Cha đã hay biết về biến cố trong Ngân Hoa Cốc rồi ư?
Dị Cư Hồ cười:
- Làm sao cha có thể biết được việc ở ngoài mấy trăm dặm? Ngọc Phụng, cha đã sống độc thân từ lâu, nay mới lại cưới vợ, sao ngươi chưa chúc mừng cha đi?
Dị Ngọc Phụng giật thót người, cơ hồ không dám tin vào tai mình:
- Cha... nói sao?
Bởi trong bao năm qua, nàng chưa từng nghe phụ thân đề cập đến việc tục huyền, khi nãy trông thấy chữ Song Hỷ trên đá, nàng còn cười thầm, chả lẽ phụ thân lại cưới vợ tại đây hay sao? Chẳng ngờ đó lại là sự thật.
Dị Cư Hồ nói:
- Cha vừa mới cưới vợ tại đây, hãy mau vào bái kiến mẫu thân.
Dị Ngọc Phụng thấy phụ thân nói một cách trịnh trọng chứ không phải đùa cợt, biết đúng là sự thật, nàng bèn quay sang nhìn tảng đá, chữ khắc trên ấy rõ ràng là do phụ thân đã sử dụng công lực tuyệt đỉnh Hóa Thạch Thần Phấn viết lên bằng ngón tay.
Trong một thoáng, Dị Ngọc Phụng nghe lòng rối bời, chẳng biết nên nói sao cho phải, bởi nàng nay đã là một thiếu nữ đã trưởng thành, xưa nay chỉ hai cha con sống nương tựa nhau, đã mất mẹ ngay còn thuở bé, thỉnh thoảng nàng cũng có hỏi về tông tích của mẫu thân, song Dị Cư Hồ nhất định không chịu cho biết.
Nay bỗng dưng một phụ nữ xa lạ trở thành mẫu thân nàng, bảo nàng gọi bằng mẹ, đó thật là một điều nàng khó có thể tưởng tượng được.
Do đó, nàng thừ ra hồi lâu mới nói:
- Cha, Phụng nhi không muốn gặp.
Dị Cư Hồ sầm mặt:
- Ngọc Phụng, ngươi không hài lòng về cha ư?
Dị Ngọc Phụng rợn người:
- Nữ nhi không dám.
- Vậy thì hãy đến bái kiến mau.
Nói đoạn lão nắm tay Dị Ngọc Phụng đi về phía cỗ xe, chưa đến nơi, lão vung tay áo phất nhẹ, rèm xe đã vén lên.
Dị Ngọc Phụng vừa kinh ngạc lại vừa thắc mắc, phụ thân đã cưới ai làm vợ thế nhỉ? Nên xe vừa vén lên, nàng liền định thần nhìn vào trong xem.
Khi nhìn kỹ, nàng giật mình sửng sốt, chỉ tay vào xe nói:
- Thì ra là... là... là...
Thì ra người ngồi trong xe chính là Đào Lâm. Dị Ngọc Phụng thật nằm mơ cũng chẳng thể nào ngờ đến phụ thân lại đi cưới một người con gái trang lứa với mình làm vợ, và càng không ngờ hơn nữa đó lại là Đào Lâm.
Dị Ngọc Phụng bàng hoàng như trong cơn ác mộng, nàng tuyệt đối không thể nhìn nhận Đào Lâm là mẹ. Hai mắt nàng trừng trừng nhìn vào Đào Lâm, chỉ thấy vẻ mặt Đào Lâm trơ lạnh, như trước mắt dù xảy ra việc gì cũng không hề ảnh hưởng đến nàng.
Dị Ngọc Phụng nhìn một hồi, bỗng quay phắt người bỏ đi, song chỉ được một bước, đã nghe Dị Cư Hồ gằn giọng quát:
- Đứng lại!
Dị Ngọc Phụng chẳng dám bất tuân, nhưng tuy đứng lại, vẫn quay lưng về phía Đào Lâm và Dị Cư Hồ.
Dị Cư Hồ vẻ mặt rất kỳ khôi, lạnh lùng thốt:
- Tại sao ngươi không quì bái?
Dị Ngọc Phụng vẫn đứng yên không quay lại.
Dị Cư Hồ tức giận gằn giọng:
- Trong mắt ngươi đã không còn phụ thân rồi không phải?
Dị Ngọc Phụng cao giọng:
- Đương nhiên là trong mắt Phụng nhi có phụ thân, nhưng bảo Phụng nhi gặp bất kỳ ngươi nào cũng quì xuống gọi là mẫu thân thì Phụng nhi chẳng thể nào làm được.
Đây là lần đầu tiên trong đời Dị Ngọc Phụng đã cãi lại phụ thân, nàng vô cùng kích động lẫn sợ hãi, bởi nàng rất hiểu rõ tính nết của phụ thân nàng, một khi trở mặt rất có thể gây bất lợi cho mình.
Quả nhiên, nàng vừa dứt lời, đã cảm thấy một luồng kình phong từ sau lưng ập tới. Dị Ngọc Phụng biết một khi phụ thân đã ra tay, mình có tránh cũng vô ích, nên vẫn đứng yên tại chỗ.
Chỉ cảm thấy hai vai trĩu xuống, tay phải Dị Cư Hồ đã đặt lên vai, hai chân nhũn ra, không tự chủ được quì sụp xuống đất.
Nhưng bản tính nàng rất ương ngạnh, trong khoảng khắc ấy, lòng nàng hét to:
- Không thể quì! Không thể quì!
Vận chân khí hai chân chỏi mạnh, nhưng công lực nàng sao có thể bì với Dị Cư Hồ, chỉ nghe “rắc, rắc” hai tiếng, hai chân đau nhói, mặt mày xây xẩm, ngã lăn ra đất.
Thì ra bởi nàng dùng sức chống chỏi nên hai xương ống chân đều bị gãy, tuy đau đến mức toàn thân run rẩy, mồ hôi đầm đìa, nhưng trong lòng lại hết sức vui mừng, bởi rốt cuộc nàng vẫn chưa quì lạy Đào Lâm.
Dị Cư Hồ thấy nàng cam chịu gẫy chân chứ không chịu quì lại, chẳng những không thương xót mà trái lại càng tức giận hơn, cười khẩy nói:
- Ngươi thật to gan, lại dám chống đối ta hả?
Dị Ngọc Phụng cũng cười khẩy nói:
- Chính cha đã áp bức nữ nhi, chẳng thể trách nữ nhi được.
Dị Cư Hồ cười ha hả:
- Ta không có một đứa con gái như ngươi.
Rồi thì lão vung tay, một chưởng giáng xuống Dị Ngọc Phụng.
Dị Ngọc Phụng chẳng bao giờ ngờ phụ thân lại tuyệt tình đến thế, chỏi tay xuống đất toan gắng gượng đứng lên, song chưởng lực của Dị Cư Hồ thâm hậu dường nào, trong đương kim võ lâm dễ có mấy ai chống nổi.
Dị Ngọc Phụng tuy định chỏi tay xuống đất mượn sức tung mình ra xa, nhưng toàn thân đã bị chưởng lực vây phủ, nàng chẳng những không cất người lên được mà xương vai suýt nữa đều gãy nát, người nghiêng đi ngã ầm xuống đất.
Ngay khi ấy, dưới mạn sườn nàng bỗng chạm vào một vật cứng rắn, lòng liền lập tức thì lóe lên tia hy vọng, vội nói:
- Hãy khoan.
Dị Cư Hồ lạnh lùng:
- Ngươi đã bằng lòng khấu đầu nhìn nhận mẫu thân rồi không phải?
Dị Ngọc Phụng không đáp, thò tay vào lòng lấy ra một chiếc lệnh bài lấp lánh ánh bạc, nghiêm giọng nói:
- Kiến Lệnh như kiến nhân.
Dị Cư Hồ ngẩn người, bởi chiếc ngân lệnh này chính là tín phù của lão, hiệu xưng “kiến lệnh như kiến nhân”, người nào cầm ngân lệnh này trong tay, bất kỳ nói gì, người trong võ lâm tuyệt đối không dám kháng cự.
Chiếc ngân lệnh hiện trong tay Dị Ngọc Phụng vốn là do Dị Cư Hồ giao nàng chuyển cho Linh Xà tiên sinh, lúc bấy giờ Dị Cư Hồ đã chấp thuận cho Linh Xà tiên sinh sử dụng một lần.
Dị Cư Hồ tuy vui mừng bất thường, song tuyệt đối tôn trọng lời hứa, bàn tay liền dừng lại trên không, lạnh lùng nói:
- Ngươi muốn sao?
- Nữ nhi chỉ muốn rời khỏi nơi đây, không yêu cầu gì khác.
“Keng” một tiếng, ném chiếc ngân lệnh xuống dưới chân Dị Cư Hồ.
Dị Cư Hồ dùng mũi chân hất nhẹ, chiếc ngân lệnh bay lên, đưa tay đón lấy, lạnh lùng nói:
- Ngọc Phụng, ngươi nhờ vào ngân lệnh được rời khỏi đây, nhưng ngươi có biết là kể từ nay tình cha con sẽ khó có thể tiếp tục nữa không?
Dị Ngọc Phụng rắn giọng:
- Đó là phụ thân bỏ con chứ không phải con bỏ phụ thân.
Dị Cư Hồ cười hăng hắc:
- Hay lắm! Hay lắm! Mong ngươi hãy tự giữ lấy thân.
Thò tay vào lòng lấy ra một chiếc lọ xanh, lão ném xuống đất nói tiếp:
- Trong lọ có hai hoàn Tiếp Cốt Đơn, hãy cầm lấy mà nối xương lại đi.
Dị Ngọc Phụng biết rõ Tiếp Cốt Đơn này của phụ thân công hiệu rất linh nghiệm, nhưng tính ương ngạnh đã khiến nàng không chịu nhận lấy, chẳng thèm ngó ngàng đến nói:
- Xin đa tạ.
Đoạn rút đơn đao ra, chỏi xuống đất hẫng cả hai chân, cố nén đau tung mình phóng đi.
Dị Cư Hồ chờ nàng ra xa hơn trượng mới nói:
- Hãy khoan, Ngân Hoa Cốc đã xảy ra chuyện gì?
Dị Ngọc Phụng không quay đầu đáp:
- Lý Thuần Như đã bị Đào Hành Khản cướp mang đi rồi, Tát Thị Tam Ma và Linh Xà tiên sinh đến gây sự, Tây Môn Thất đã chết, và có một cao nhân không rõ là ai đã xô ngã bức vách trước cửa cốc, làm cho trong cốc điêu tàn bừa bộn, người đó chính là sư phụ của Đào Hành Khản.
Dị Ngọc Phụng lúc này lòng vô cùng đau khổ, sau khi nói xong lại tung mình ra xa hơn trượng, hai xương ống chân bị gãy, lúc này đau nhức khôn tả, nối lại tuy không khó, nhưng khi chưa nối lại mà dùng đao chỏi đất phóng đi thì cũng chẳng phải dễ dàng.
Nhưng Dị Ngọc Phụng không muốn cần xin sự giúp đỡ của phụ thân, lại càng không chịu cúi đầu trước Đào Lâm, nàng từng bước nhảy vọt đi, lát sau chỉ còn là một chấm đen run rẩy đằng xa, sau cùng cả chấm đen cũng biến mất.
Sau khi Dị Ngọc Phụng đi khỏi, Dị Cư Hồ mới ngoảnh mặt lại gượng cười nói:
- Ngọc Phụng mất mẹ từ thuở bé, cá tính ương ngạnh, phu nhân chớ trách.
Đào Lâm mặt vẫn trơ lạnh:
- Phu quân quá lời, bởi thiếp mà khiến hai cha con bất hòa, thiếp thật hết sức áy náy.
Dị Cư Hồ đến gần, nhẹ vuốt lên tóc Đào Lâm, Đào Lâm như muốn lẩn tránh, thoáng nghiêng đầu đi, nhưng rồi thấy tránh cũng vô ích, đàn để mặc cho Dị Cư Hồ ve vuốt.
Dị Cư Hồ với giọng hết sức âu yếm nói:
- Phu nhân, chúng ta lên đường đi thôi.
Đào Lâm giọng ơ hờ:
- Ta đi thôi!
Trong lúc này con tim Đào Lâm cho dù chưa chết thì cũng đang hấp hối, mấy hôm trước nàng còn là một thiếu nữ hồn nhiên đầy sức sống, nhưng nay đã trở thành một người đầy u ám, ngay cả chính bản thân nàng cũng chẳng dám nghĩ đến, vì sao nàng lại trở thành vợ của lão ma đầu Ngân Lệnh Huyết Chưởng Dị Cư Hồ?
Lẽ ra nàng đã quyết định không bao giờ nghĩ đến điều gì nữa, kể cả Lý Thuần Như, nhưng khi nãy nghe Dị Ngọc Phụng bảo là Tây Môn Thất đã chết, và ca ca nàng là Đào Hành Khản đã đến Ngân Hoa Cốc cứu thoát Lý Thuần Như mang đi, cõi lòng như nước hồ lắng đọng của nàng bất giác lại gợn lên một làn sóng nhẹ, điều khiến nàng khó hiểu nhất đó là hành động của Đào Hành Khản.
Bởi nếu Đào Hành Khản mà không hạ sát Lý Bảo tại nhà Diêm Phùng Hiểu thì Đào Lâm đâu liên tiếp gặp nhiều kỳ ngộ thế này, và đương nhiên cũng đâu trở thành vợ của Ngân Lệnh Huyết Chưởng Dị Cư Hồ.
Nhưng việc đã đến nước này, nàng cũng chẳng oán trách gì Đào Hành Khản, mà chỉ trách mình mệnh số truân chuyên, và chôn sâu tận đáy lòng hình bóng của Lý Thuần Như.
Thì ra mấy hôm trước, Đào Lâm với hai cha con Dị Cư Hồ rời khỏi Ngân Hoa Cốc trên cỗ xe ngựa trắng, nhưng đi được hơn trăm dặm đường, Dị Cư Hồ như chợt nhớ ra điều gì, lập tức ghìm cương cho xe dừng lại. Sau đó dùng hai tay kẹp vào càng xe, chỉ nghe “cách” một tiếng, càng xe gãy đôi, một con bạch mã vuột khỏi dây tách ra.
Dị Cư Hồ nói:
- Ngọc Phụng, hãy mau quay về Ngân Hoa Cốc mang Lý Thuần Như đến đây, chúng ta phải cùng hắn đến Tứ Xuyên để gặp vợ chồng Bát Quái Kiếm Lý Viễn.
Dị Ngọc Phụng liền lập tức vâng lời tung mình lên ngựa phóng nhanh đi.
Sau khi Dị Ngọc Phụng rời khỏi, cỗ xe ngựa lại đi thêm mười mấy dặm, đến một khoảng đất trống mới dừng lại.
Đào Lâm một mình gần gũi với đại ma đầu Dị Cư Hồ mà giới võ lâm nghe danh đã khiếp đảm, lòng cũng không khỏi có phần sợ hãi.
Nhưng nàng nằm mơ cũng không ngờ đến Dị Cư Hồ lại có ý định cưới nàng làm vợ, nàng chỉ sợ Dị Cư Hồ đột nhiên hạ thủ sát hại mình, nên ngồi trong xe không dám lên tiếng, thậm chí thở mạnh cũng chẳng dám.
Dị Cư Hồ chắp hai tay sau lưng đi loanh quanh trên khoảng đất trống, chờ đến khi mặt trời lặn mà vẫn chưa thấy Dị Ngọc Phụng trở về.
Dị Cư Hồ cau chặt mày nói:
- Lạ thật, sao Ngọc Phụng lại đi lâu thế này nhỉ?
Đào Lâm miễn cưỡng đáp:
- Có lẽ đã gặp việc gì đó trong cốc cũng nên.
Dị Cư Hồ bỗng ngoảnh mặt lại, mỉm cười nói:
- Đào cô nương, lão phu có điều này, chẳng hay Đào cô nương có chịu ưng thuận chăng?
Đào Lâm thấy ánh mắt đối phương rất kỳ lạ, không khỏi hồi hộp hỏi:
- Điều gì vậy?
Dị Cư Hồ tiến tới một bước:
- Đào cô nương hiền thục đoan trang, Dị mỗ góa vợ đã lâu, để khiến Ngọc Phụng quá là ngang bướng, chẳng hay cô nương bằng lòng kết nghĩa phu thê với Dị mỗ không?
Đào Lâm bàng hoàng sửng sốt, nhất thời chẳng thốt nên lời.
Dị Cư Hồ cười nói tiếp:
- Đào cô nương không trả lời, hẳn là đã ưng thuận, vậy thì chúng ta giao báo thiên địa tại đây nhé.
Đoạn lão đưa tay ra nắm lấy tay Đào Lâm, khi năm ngón tay Dị Cư Hồ sắp chạm đến cổ tay nàng, Đào Lâm mới hét lên:
- Không! Không!
Dị Cư Hồ chộp tới, không để Đào Lâm lẩn tránh, nắm lấy cổ tay nàng hỏi:
- Tại sao lại không?
Đào Lâm cảm thấy toàn thân bải hoải, không động đậy được, dựa vào giường nói:
- Không! Không!
Dị Cư Hồ mỉm cười, đắm mắt nhìn Đào Lâm. Dị Cư Hồ tuy đáng tuổi cha Đào Lâm, song nhờ công lực tinh thâm nên trông chỉ chừng trên dưới bốn mươi, và tướng mạo anh tuấn, vốn cũng chẳng khiến người ghê sợ, song nụ cười của lão lại khiến Đào Lâm rùng mình, sợ hãi nhắm hai mắt lại.
Chỉ nghe Dị Cư Hồ nói:
- Đào cô nương, nếu cô nương bằng lòng kết nghĩa phu thê với Dị mỗ, mối thù song thân cô nương mới có thể báo phục được.
Đào Lâm giật mình kinh hãi, mối thù của song thân? Chả lẽ cha mẹ mình đã ngộ hại rồi ư?
Nàng kinh ngạc hỏi:
- Song thân tôi... chả lẽ đã... ngộ hại rồi sao?
Dị Cư Hồ nghiêm giọng:
- Đó là điều tất nhiên thôi!
Đào Lâm biết Dị Cư Hồ là người tài ba lỗi lạc, cho dù lão không đạt được mục đích cưới mình làm vợ thì cũng không bao giờ dối gạt mình như vậy, nàng bàng hoàng hỏi:
- Vậy... ai là kẻ... hãm hại song thân tôi?
- Hiện vẫn chưa biết, khi nào chúng ta đến Tứ Xuyên là sẽ rõ ngay, đó là việc nhỏ, khi hai ta đã trở thành phu thê, thù của lệnh tôn và lệnh đường, chả lẽ Dị mỗ không báo phục được hay sao?
Đào Lâm thừ người ra, theo trực giác nàng biết Dị Cư Hồ ý đã quyết, đừng nói tại nơi hoang vắng thế này, cho dù nơi ở chốn đông đảo, một khi Dị Cư Hồ đã muốn, trên cõi đời này ai có thể ngăn cản?
Nàng nhắm mắt lại, hình bóng Lý Thuần Như lập tức hiện ra, hai người từng đồng cam cộng khổ hơn một tháng dài, một chân đã vào Quỷ Môn Quan, nhưng sau cùng vẫn quay về dương thế, nàng những ngỡ kiếp này sẽ không bao giờ rời xa Lý Thuần Như, cho dù thật sự Lý Thuần Như trở thành đày tớ, nàng trở thành a hoàn, miễn là được trọn đời kề cận bên nhau, nàng cũng cam lòng chấp nhận, nhưng nào ngờ lại xảy ra sự việc thế này.
Lại nghe Dị Cư Hồ nói tiếp:
- Đào cô nương không lên tiếng hẳn là đã bằng lòng, vậy thì Dị mỗ xin thi lễ.
Đào Lâm mở mắt ra, thấy Dị Cư Hồ đang hướng về mình chấp tay xá dài, nàng buông tiếng thở dài thậm thượt, nhìn Dị Cư Hồ lấy đất làm hương án, khắc đá thành chữ, rồi bị Dị Cư Hồ kéo xuống xe, cùng vái lạy trời đất.
Thế là trong đêm ấy, nàng trở thành phu nhân của lão ma đầu Dị Cư Hồ.
Chỉ trong một đêm, nàng tưởng chừng cả con tim hoàn toàn tê dại, song vẫn còn một chút cảm giác, trong cõi sâu tận đáy lòng nàng vẫn còn hình bóng của Lý Thuần Như.
Tiếng vó câu lộp độp, Dị Cư Hồ đánh xe thẳng tiến về hướng Tứ Xuyên, cỗ xe rung động, Đào Lâm miên man tưởng nhớ đến Lý Thuần Như, nàng đã từng yêu, và đến giờ vẫn còn yêu người thanh niên ấy.
Nhưng Lý Thuần Như hiện đang ở đâu? Có thể cách xa nàng hằng ngàn hằng vạn dặm, nhưng dù cho hai người cách xa đến bao lâu, mối tơ tình vẫn nối liền con tim của hai người. Đào Lâm nghĩ đến đây, bất giác buông tiếng thở dài não ruột.
Dị Cư Hồ nghe tiếng nàng thở dài, vội ngoảnh lại hỏi:
- Phu nhân có việc gì không vui vậy?
Đào Lâm vội đáp:
- Đâu có gì.
Song Dị Cư Hồ đã dừng xe bước xuống, đi về phía nàng. Lúc này xe đã đến bờ sông Trường Giang, qua sông đi thêm hơn trăm dặm nữa là đến nhà họ Thương rồi.
Đào Lâm cũng chẳng rõ xe đi mấy ngày đường, cả người nàng đều trở nên tê dại, vừa thấy Dị Cư Hồ đến gần, nàng liền ngoảnh đi nơi khác, chỉ thấy nước sông cuồn cuộn chảy về hướng đông, lại nhớ đến cảnh tượng lúc gặp gỡ Lý Thuần Như trên sông, lòng không khỏi bùi ngùi xúc cảm.
Chỉ nghe Dị Cư Hồ nói:
- Phu nhân, hai ta thành hôn đã sáu ngày rồi, ngày nào phu nhân cũng thở vắn than dài, có lẽ đang tưởng nhớ đến một người nào khác không phải?
Đào Lâm sửng sốt, sao lão lại hiểu ra tâm sự mình thế nhỉ?
Thật ra chẳng kể Dị Cư Hồ thông minh tuyệt đỉnh, dù là bất kỳ ai thì cũng có thể hiểu ra tâm sự của nàng.
Dị Cư Hồ thấy nàng lặng thinh, lại nói:
- Phu nhân đang nhớ Lý Thuần Như phải không?
Đào Lâm giật mình, nói vội:
- Không, không phải!
Dị Cư Hồ mỉm cười:
- Phu nhân càng phủ nhận thì Dị mỗ càng khẳng định chính là Lý Thuần Như, nhưng phu nhân có biết thân phận y thật ra là ai không?
Đào Lâm ngơ ngác:
- Không biết!
Thế là kể như nàng đã thừa nhận mình đang nhớ về Lý Thuần Như, vừa rồi sở dĩ nàng phủ nhận là vì sợ Dị Cư Hồ biết được y, lão ta sẽ hạ độc thủ sát hại chàng. Nói xong nàng tức khắc biết mình đã lỡ lời, vội nắm tay Dị Cư Hồ nói:
- Phu quân... xin đừng hãm hại Lý Thuần Như.
Dị Cư Hồ mỉm cười:
- Nếu y không phải là ấu tử của Hắc Thủy đảo chủ Khúc Cầm Phu, dĩ nhiên Dị mỗ không bao giờ hãm hại y, còn như chính y là kẻ mà Dị mỗ đã bao năm tìm kiếm thì... hắc hắc, cỏ không diệt tận gốc, xuân đến sẽ lại mọc, Dị mỗ không thể để cho y sống còn trên cõi đời này.
Đào Lâm rúng động cõi lòng, biết mình không sao ngăn cản được Dị Cư Hồ, bèn không nói gì nữ.
Dị Cư Hồ một mình đi đến bờ sông, đứng một hồi, thấy một chiếc thuyền buồm đi từ thượng du đang xuôi dòng xuống rất nhanh.
Dị Cư Hồ bỗng phi thân đến sau xe, lấy ra một miếng ván và một cuộn dây thừng, sau đó lại trở ra bờ sông, vừa lúc chiếc thuyền buồm trôi ngang qua, chỉ thấy Dị Cư Hồ xoay người vung tay, “vù” một tiếng, cuộn dây thừng bay thẳng ra, hai đầu dây đều có neo sắt, bay vút về chiếc thuyền buồm cách xa chừng ba trượng, rồi thì “bộp” một tiếng, neo sắt đã cắm vào boong thuyền.
Dị Cư Hồ cười ha hả, tiện tay ném chiếc neo còn lại cắm sâu xuống mặt đất, chiếc thuyền buồm lập tức chững lại, kéo sợi dây thừng căng thẳng như dây cung.
Dị Cư Hồ tung mình lên dây, bước thẳng về phía thuyền buồm, được giữa chừng đã thấy một người từ trong khoang chui ra, vừa thấy Dị Cư Hồ bước đi trên dây, không khỏi sửng người, lập tức vén áo, “soạt” một tiếng, rút ra một ngọn đao ba lưỡi, tiến tới một bước, vung đao nhắm sợi dây thừng bổ xuống.
Người đó ứng biến rất nhanh và thân thủ linh lợi, hiển nhiên cũng là nhân vật võ lâm và chẳng phải tay vừa.
Dị Cư Hồ lúc này chỉ đi đến giữa chừng, nếu đứt dây nhất định sẽ bị rơi xuống sông.
Nước sông chảy xiết thế kia, cho dù Dị Cư Hồ không đến đổi chết đuối, nhưng cũng sẽ bị ướt nhèm.
Nhưng Dị Cư Hồ võ công cao tuyệt, người kia vừa từ trong khoang bước ra, lão đã nhận biết đối phương cũng là một cao thủ võ lâm, sớm đã có sự chuẩn bị, vừa thấy đối phương rút binh khí cầm tay, lão liền nói:
- Có khách viếng thăm, chả lẽ không mừng đón ư?
Đồng thời ngón giữa búng nhẹ, “vù” một tiếng, một ngọn ám khí bay ra, trúng ngay thân đao người kia, chỉ thấy người kia loạng choạng lùi ra sau mấy bước, ngọn đao ba lưỡi cũng vuột tay bay đi, và “rắc” một tiếng, ngọn đao gãy làm đôi, lần lượt rơi xuống sông.
Trong khi ấy, Dị Cư Hồ đã lên đến trên thuyền.
Người kia giật mình kinh hãi, ngẩng lên hỏi:
- Tôn giá là ai?
Dị Cư Hồ vốn định tùy tiện kéo lấy một chiếc thuyền để cho xe qua sông, song cũng chẳng rõ trên thuyền là ai, mà cho dù bất kỳ là ai thì lão cũng chỉ cần cất tay là hạ sát ngay, chẳng hề bận tâm đến, nhưng khi nghe đối phương hỏi, giọng nói cứng nhắc, bèn ngẩng lên nhìn, thấy người này da dẻ sạm đen, phục sức kỳ dị, thì ra không phải là người Trung Nguyên.
Dị Cư Hồ đáp:
- Tại hạ họ Dị.
Người ấy lùi ra sau một bước:
- Tôn giá móc thuyền bọn này lại làm gì?
- Tiện nội đang ở trên xe, không có cách qua sông, định tạm mượn thuyền một phen.
Người ấy tức giận nói:
- Chúng tôi thuê thuyền đi có việc khẩn cấp, sao có thể cho tôn giá mượn qua sông được? Vả lại, thuyền này cũng không thể chở được một chiếc xe.
Dị Cư Hồ buông tiếng cười dài:
- Không hề gì, chỉ cần tháo bỏ khoang thuyền là xong.
Đoạn lão tiến tới hai bước, người kia vừa rồi đã nếm mùi lợi hại, liền hốt hoảng thoái lui.
Dị Cư Hồ thụp người, một chưởng đẩy về phía khoang thuyền, lập tức kình phong ào ạt, ván vụn tung bay, thuyền chao đảo dữ dội, cả mái khoang đã bị chưởng lực cuốn đi, thanh thế quả thật là khủng khiếp, ván vụn lả tả rơi xuống sông, cả chiếc thuyền chỉ còn lại cột buồm mà thôi.
Dị Cư Hồ cười nói:
- Vậy chẳng phải đã có thể chờ được rồi.
Người kia mặt mày trắng bệch, thảng thốt la to, Dị Cư Hồ loáng thoáng nghe hiểu được một chút, đó là tiếng Thiên Trúc, dường như là nói người này thật to gan, dám kinh động Phật Giá, xin ý kiến trừng trị.
Dị Cư Hồ thầm nực cười, ngẩng lên nhìn, bất giác giật mình, thì ra khoang thuyền bị giở mất mái, đồ đạc hết sức bừa bộn, nhưng ba chiếc ghế vẫn đặt để một cách ngay ngắn, và ba người ngồi trên đó vẫn không động đậy.
Dị Cư Hồ vừa rồi đã dùng đến chín thành công lực đánh bay mái khoang, vậy mà dưới chưởng phong mạnh mẽ thế kia, ba người trong khoang vẫn an nhiên vô sự, đủ biết ắt là kình địch.
Dị Cư Hồ mỉm cười chú mắt nhìn, chỉ thấy người ngồi giữa là một lão hòa thượng Thiên Trúc gầy quắt queo và mặt đầy nếp nhăn, chẳng rõ tuổi tác bao nhiêu, hai bên cũng là hai tăng nhân tuổi chừng lục tuần. Ba người đều chắp tay trước ngực, hai mắt khép hờ, như không hề hay biết sự việc đang xảy ra trước mắt.
Dị Cư Hồ nhìn một hồi lâu, cũng cảm thấy đối phương cao thâm khôn lường, quay phắt lại, lão chộp vai người kia quát:
- Các người là ai?
Người kia toan tránh nhưng không kịp, vội vùng mạnh định thoát ra, Dị Cư Hồ bóp mạnh, xương vai y kêu răng rắc, đau đến mặt mày tái nhợt, song vẫn toét miệng mắng:
- Tôn giá sắp chết đến nơi rồi, còn hung hăng làm gì?
Dị Cư Hồ buông tiếng cười khẩy, vung tay toan ném đối phương xuống xông, nhưng vừa mới nhấc người đó lên, chợt thấy hai tăng nhân ngồi hai bên mở bừng mắt, ánh mắt hết sức kỳ dị.
Dị Cư Hồ biết nhiều hiểu rộng, vừa thấy ánh mắt liền lập tức rúng động cõi lòng.
Võ công hai tăng nhân ấy rất giống Mật Đạt Thần Công của Hoàng Giáo ngoài Tây Tạng, ánh mắt thoáng hiện màu vàng, đủ biết võ công và bối phận của họ trong Hoàng Giáo nhất định rất cao.
Nghĩ vậy, Dị Cư Hồ bất giác chùng tay, chỉ thấy lão hòa thượng ngồi giữa chầm chậm đưa tay lên, khoát sang hai bên, hai tăng nhân liền nhắm mắt lại.
Lão hòa thượng rề rà nói:
- Dị thí chủ muốn mượn thuyền thì hà tất đả thương người làm gì? Xin hãy qua sông mau, bọn lão tăng còn phải đi tiếp nữa.
Dị Cư Hồ đã thừa cơ nhìn kỹ ba tăng nhân ấy, chỉ thấy áo ca sa của họ quả là màu vàng, song bởi quá cũ kỹ, nhất là chiếc áo của lão tăng ngồi giữa, đã ngả sang màu xám trắng.
Dị Cư Hồ khẳng định họ là tăng nhân của Hoàng Giáo, nhất thời cũng chẳng dám vọng động, bởi vì võ công thế truyền của Hoàng Giáo rất kỳ dị, trái ngược với lẽ thường về võ học.
Nhưng Dị Cư Hồ hết sức lấy làm lạ, bởi tăng chúng Hoàng Giáo xưa nay chỉ ở trong mấy tự viện ngoài Tây Tạng và Thiên Trúc, không bao giờ ra ngoài. Trông tuổi tác ba người, hẳn là địa vị rất cao trong giáo, chẳng rõ họ vào Trung Nguyên có việc gì?
Nghe lão hòa thượng đã đồng ý cho mượn thuyền, Dị Cư Hồ cũng thừa gió quay mũi, lạnh lùng nói:
- Đại sư đã đồng ý cho mượn thuyền, vậy thì tại hạ cũng không dám quá đáng.
Nói đoạn lão buông người kia ra, vẫn theo dây thừng đi vào bờ, sau đó kéo thuyền vào, cho xe ngựa chạy lên, nhổ neo, quay buồm cho thuyền chạy sang bờ bên kia.
Dị Cư Hồ đứng cạnh xe, đề phòng ba tăng nhân bất thần ra tay tấn công, thuyền đi khá nhanh, lát sau đã ra đến gần giữa sông, bỗng nghe lão hòa thượng ngồi giữa chậm rãi hỏi:
- Dị thí chủ, chưởng phong khi nãy của thí chủ thoảng có mùi tanh, phải chăng là người trong Ma Giáo? Chẳng hay Quách lão ma chủ hiện nay thiên cư đến đâu vậy?
Dị Cư Hồ giật nảy mình, Quách lão ma chủ chính là tổ sư chưởng giáo sau khi hai ma giáo nam bắc hợp nhất, và cũng là nhạc phụ của Dị Cư Hồ, nhưng đã chết dưới tay Dị Cư Hồ từ mười bảy, mười tám năm về trước, cái tên Quách lão ma chủ đã từ lâu không còn ai đề cập đến nữa.
Sau một thoáng kinh ngạc, Dị Cư Hồ nói:
- Chẳng hay đại sư hỏi thăm ông ấy chi vậy?
- Khi xưa lão tăng có duyên gặp gỡ với Quách lão ma chủ một lần, phen này vào Trung Nguyên cũng chính là để tìm ông ấy, nhưng hỏi thăm các nơi, không một ai hay biết ông ấy hiện cư ngụ tại đâu.
Dị Cư Hồ nghe vậy rất lấy làm đắc ý, bởi việc lão làm phản lại Ma Giáo năm xưa và giết sạch cao thủ trong giáo kể cả vợ và nhạc phụ, giới võ lâm có thể nói là chẳng ai là không biết, chứng tỏ đó là mọi người trong võ lâm đều khiếp sợ mình, bèn cười phá lên nói:
- Đại sư muốn tìm Quách lão ma chủ, từ đây đi về hướng đông chừng ba trăm dặm, có một huyện tên là Phong Đô, đại sư đến đó hỏi là biết ngay.
Lão hòa thượng đâu biết Phong Đô tức là âm ty địa ngục, lại gật đầu nói:
- Đa tạ thí chủ đã chỉ điểm cho.
Trong khi ấy thuyền đã cập bến. Dị Cư Hồ cho xe lên bờ, quay đầu nhìn lại chiếc thuyền, lòng hết sức nghi hoặc, mãi đến khi thuyền mất dạng mới quay đầu lại, nghĩ lúc mình còn trong Ma Giáo, chưa hề nghe nói tăng chúng Hoàng Giáo từng có qua lại với Ma Giáo, ba tăng nhân kia đi lại trong Trung Nguyên, một ngày nào đó cũng sẽ biết cả nhà Quách lão ma chủ đã thảm tử, nếu họ đứng ra báo phục thì thật là cường địch.
Vừa nghĩ vừa đánh xe đi, tiếp đến lại nghĩ võ công của mình đã cao đến mức thiên hạ vô địch, hơn nữa còn có vài người mình lợi dụng được, thật chẳng việc gì phải sợ võ công của Hoàng Giáo. Thế là lão cảm thấy yên lòng.
Vào lúc chiều tối, xe đã đến một con đường rất rộng và thẳng tắp. Tứ Xuyên đường xá rất gập ghềnh, rất ít có đại lộ, vậy mà con đường này lại trải toàn đá nhỏ, mặt đường hết sức bằng phẳng, và hai bên đường cây to nối tiếp nhau, nhìn qua cũng biết con đường này là do người nào đó dày công xây đắp.
Vừa đến con đường ấy, xe ngựa càng chạy nhanh hơn, nhưng chưa bao lâu bỗng nghe "vù, vù" hai tiếng, một chiếc lưới to từ trên không thả xuống, cản hết cả con đường.
Dị Cư Hồ vội ghìm cương dừng xe lại, định thần nhìn kỹ, thì ra chiếc lưới ấy đan bằng dây thép và treo đầy gai sắc bén nhọn. Đồng thời cũng có sáu bảy người trên cây hai bên đường, cùng hiện thân quát hỏi:
- Trên xe là ai?
Dị Cư Hồ vừa bực tức lại vừa buồn cười, đưa mắt nhìn mấy người trên cây, thấy họ tuổi đều chưa quá ba mươi và oai phong lẫm liệt, có hai thiếu niên tuổi chừng mười bảy, mười tám, toàn thân võ phục đứng trên ngọn cây, chứng tỏ khinh công khá là cao siêu.
Dị Cư Hồ tuy chưa từng thấy nhà họ Thương bao giờ, song ước tính lộ trình thì đây hẳn là con đường dẫn đến Thương Gia Bình, bèn buông tiếng cười khẩy, cho xe tiến tới và nói:
- Có thiện ý đến viếng, cớ sao lại ác ý ngăn cản?
Hai thiếu niên võ phục cao giọng nói:
- Tôn giá đến viếng ai?
Dị Cư Hồ đến gần, đã trông rõ hai thiếu niên ấy hết sức anh tuấn, bên lưng mỗi người đều có đeo một ngọn chùy đồng tám ngạnh.
Nhà họ Thương gia truyền hai môn tuyệt kỹ, chính là Toàn Phong Chùy Pháp và Kỳ Môn Điểm Huyệt Pháp, hai thiếu niên tuổi còn trẻ như vậy, ít nhất cũng cách ba đời với Bạch Đầu Ông Thương Hào, mình cũng chẳng bận tâm đến chúng, bèn lạnh lùng nói:
- Lão phu cần gặp Bạch Đầu Ông Thương Hào.
Hai thiếu niên lập tức nói:
- Gia gia chúng tôi không tiếp khách.
Dị Cư Hồ cười:
- Kẻ khác thì ông ấy có thể không tiếp, nhưng còn lão phu thì bắt buộc phải tiếp.
Hai thiếu niên này chính là cháu của Bạch Đầu Ông Thương Hào, trong Thương Gia Bình, người nào cũng biết võ công, nhưng cao thấp chênh lệch nhau rất xa, hai anh em này, một tên là Thương Chấn, còn người kia là Thương Phát, là kẻ xuất sắc nhất trong hàng con cháu đời thứ ba, và được Bạch Đầu Ông thương yêu nhất. Do đó, đã học được nửa phần về ba mươi sáu chiêu Toàn Phong Chùy Pháp, hơn cả một số con cháu đời thứ hai.
Bạch Đầu Ông Thương Hào đương nhiên võ công đã cao đến tột bậc, nhưng ông không muốn tranh cường hiếu thắng với giới võ lâm, chỉ sống bình yên trong khoảng trời đất Thương Gia Bình của mình, và cũng nghiêm cấm con cháu môn hạ ra ngoài, nên Thương Chấn và Thương Phát không hề biết Dị Cư Hồ là một nhân vật như thế nào.
Nên khi nghe đối phương buông lời ngông cuồng, tuổi trẻ không khỏi hiếu thắng, hai người liền buông tiếng cười khẩy nói:
- Gia gia đã bảo, bất kỳ ai cũng không tiếp.
Dị Cư Hồ phì cười:
- Vậy thì lão phu đành phải làm một người khách bắt buộc thôi.
Dị Cư Hồ vừa dứt lời, những người trên cây lập tức lao xao, có kẻ lớn tiếng quát:
- Lão là cái thá gì mà dám xấc láo trước Thương Gia Bình hả?
Có kẻ buột miệng nói:
- Cứ để mặc lão ta, để xem lão đi qua bằng cách nào?
Dị Cư Hồ không thèm đấu khẩu với họ, chỉ nhếch môi cười, chiếc lưới thép đã cản hết lối đi, quả không thể nào đánh xe qua được, nhưng với võ công của Dị Cư Hồ, nếu muốn phi thân qua lưới thép thì thật hết sức dễ dàng, chờ cho bọn người trên cây im lặng, lão vén rèm xe nói:
- Phu nhân, trước mặt có lưới cản đường, xe không qua được, cũng may là đã gần đến nơi, chúng ta hãy xuống đi bộ, vừa đi vừa ngắm cảnh cũng là một điều thú vị.
Đào Lâm cõi lòng đờ đẫn, Dị Cư Hồ bảo sao nghe vậy, hoàn toàn không phản đối, nghe nói chỉ gật đầu. Dị Cư Hồ bèn dìu nàng bước xuống xe.
Bọn người trên cây vừa trông thấy Đào Lâm, lại xôn xao lên, có người nói:
- Lão già này có vợ trẻ thế kia, nhất định không phải là người tốt, anh em đừng để cho lão qua khỏi đây.
Hai thiếu niên Thương Chấn vào Thương Phát nói:
- Lẽ đương nhiên, gia gia đã dặn bảo là bất kỳ ai cũng không được vượt qua đây một bước, mặc lão ta có phải là người tốt hay không cũng chẳng thể để lão qua khỏi đây được.
Trong lúc họ nói chuyện, Dị Cư Hồ đã dắt Đào Lâm tiến tới mấy bước, nhìn kỹ chiếc lưới cao khoảng ba trượng và rộng năm trượng, giăng trên hai ngọn cây to, vượt qua không khó, nhưng nếu giữa chừng đối phương hạ lưới xuống, mình tuy không sợ, nhưng Đào Lâm thì khó bảo toàn tính mạng.
Trong thoáng chốc đã nảy ý, cúi xuống nhặt sáu bảy hòn đá nhỏ, hai tay vung lên như vươn vai, lập tức tiếng rít gió vang lên liên hồi, bọn người trên cây đều bị ném trúng huyệt đạo bất động.
Dị Cư Hồ thấy mình đắc thủ, lòng hết sức đắc ý, cười ha hả bồng lấy Đào Lâm tung mình lên cao hơn trượng, chân đạp vào lưới lấy đà, lại tung lên cao hơn hai trượng, vượt qua lưới thép là đà hạ xuống.
Xuống đến đất mới ngoảnh lại, cười nói:
- Các ngươi là hậu duệ của Bạch Đầu Ông Thương Hạo, hẳn rất am tường về phương pháp điểm huyệt và giải huyệt, lão phu ra tay không nặng, chỉ cần các ngươi có chút căn cơ về nội công là có thể xông mở huyệt đạo, lão phu còn phải ngắm cảnh dọc đường, các ngươi cứ việc đuổi theo.
Bọn con cháu nhà họ Thương trên cây chỉ còn cách tức giận trừng mắt nhìn chứ không làm gì được, chỉ mong Thương Chấn và Thương Phát, một là bởi công lực thâm hậu hơn hết, hai là nhờ đứng trên cao nhất, đã trúng huyệt đạo nhẹ hơn, nên sau ba lần vận đề chân khí, huyệt đạo đã giải khai, liền lớn tiếng quát:
- Đứng lại!
Đồng thời vung động chùy đồng, rít gió vù vừ từ trên cây phóng xuống.
Dị Cư Hồ đi chưa được bao xa, đã nghe tiếng la hét sau lưng, cũng không khỏi thầm khen Thương Chấn và Thương Phát hai người đã tự động giải khai huyệt đạo một cách nhanh chóng như vậy.
Dị Cư Hồ quay đầu lại, tay trái vẫn ôm ngang lưng Đào Lâm, tay phải phất nhẹ, liền có một luồng sức mạnh mẽ ngăn Thương Chấn và Thương Phát lại.
Hai anh em họ Thương dù trẻ tuổi vô tri đến đâu, lúc này cũng nhận ra võ công của đối phương cao thâm khôn lường, mình quyết chẳng phải địch thủ, bèn đứng lại nói:
- Tôn giá thực sự là ai?
Dị Cư Hồ thấy hai người biết tự lượng sức mình, không ra tay tiếp nữa, cười ha hả nói:
- Lão phu là ai thì có quan hệ gì, chẳng phải bất kỳ ai cũng không được vào hay sao?
Thương Chấn cười giải lả:
- Xin tiền bối chớ trách, tuy gia tổ có dặn bảo vậy, nhưng có vài người thì có ngoại lệ.
- Vài người đó là ai?
- Mộc Tranh tiên sinh trên núi Võ Di Phúc Kiến.
Dị Cư Hồ cười khẩy:
- Lão Thương sao lại hệ trọng y thế nhỉ?
Thương Chấn nói tiếp:
- Vô Không Thiền Sư, cao tăng phái Ngũ Đài.
Dị Cư Hồ nghe chưa đề cập đến mình, mặt liền lộ vẻ giận nói:
- Còn ai nữa?
Thương Chấn và Thương Phát đưa mắt nhìn nhau, cười nói:
- Còn nữa chính là tôn giá đây.
Dị Cư Hồ tuy biết là hai người đã bịa đặt, song cũng thấy thích sự lanh lợi của họ, phì cười nói:
- Hai ngươi biết lão phu là ai không?
Hai người lại cười nói:
- Nói thẳng ra danh tánh e có sự mạo phạm.
Quả là bẻm mép hết sức, Dị Cư Hồ cười nói:
- Hai người đã không biết, tạm thời lão phu cũng không nói, hãy mau dẫn đường đưa lão phu đến gặp lệnh tổ.
Hai người ra chiều lưỡng lự, nhưng chỉ trong một thoáng, nói:
- Vâng, xin mời tôn giá.
Dị Cư Hồ thông minh dường nào, trong một thoáng ấy đã nhận ra hai người trong lòng có điều mờ ám, thành buông tiếng cười khẩy, dìu Đào Lâm đi theo sau, thoáng chốc đã vượt qua hơn dặm đường, thấy hai người bỗng rẽ sang trái, bỏ đại lộ phóng vào một con đường nhỏ khúc khuỷu, và chừng ba trượng thì đến một khu rừng tre rậm rạp.
Khu rừng tre không nhiều lắm, nhưng to lớn và thẳng cao chót vót, Dị Cư Hồ thấy hai người phóng vào rừng cũng liền vội theo sau.
Mới vừa đặt chân vào rừng, Dị Cư Hồ liền nhận thấy không ổn, chỉ thấy bốn bề bóng xanh thưa thớt, nhưng không còn nhận ra được phương hướng nữa, biết ngay mình đã bị sa vào trận thế.
Nghĩ đến hai anh em họ Thương lại đưa mình vào trận thế, không khỏi hết sức nực cười, song giả vờ tức giận nói:
- Hay cho hai tên tiểu tử kia, các ngươi đi đâu rồi hả?
Chỉ nghe Thương Chấn nói:
- Tôn giá võ công kinh người, sao không tự mà tìm kiếm?
Đoạn hai người cùng buông tiếng cười vang. Dị Cư Hồ vừa bực tức vừa nực cười, lẳng lặng đi vòng quanh từng ngọn tre và đưa tay ấn vào gốc, lát sau đã ấn hết sáu bảy mươi ngọn tre, sau đó mới bật cười ha hả.
Tiếng cười vừa dứt, hai tay áo cùng phất ra, hai luồng kình phong mạnh khôn tả liền lập tức nổi lên, những ngọn tre to va chạm vào nhau và ngã rạp, có một số bay bổng lên không, uy thế quả thật là khủng khiếp.
Thì ra vừa rồi Dị Cư Hồ đã vận nội lực ấn vào gốc tre, khiến toàn bộ rẽ tre đều lung gốc, sau đó mới tunh kình lực xô quét, nên tre liền gãy rạp ngay.
Trong tiếng ì ầm kinh thiên động địa, chỉ nghe Thương Chấn và Thương Phát thét lên kinh hoàng, Dị Cư Hồ đã tung mình lên không, lượn quanh một vòng, hai tay vươn nhanh ra, Thương Chấn và Thương Phát chưa dứt tiếng kêu thảng thốt thì đã bị chộp giữ.
Hai người nằm mơ cũng chẳng ngờ Trúc Hà Trận do chính tay tổ phụ mình bày dựng chỉ trong thoáng chốc đã bị đối phương phá hủy mất, thảy đều mặt mày tái ngắt.
Dị Cư Hồ đắc ý cười vang nói:
- Đúng là lấy trứng chọi đá, lại toan giam hãm lão phu trong trận, chỉ tự chuốc khổ vào thân thôi.
Đoạn vung tay, ném hai người ra xa ngoài hai trượng, rồi thì rơi phịch xuống đất, mặt mũi sưng húp.
Cũng may là Dị Cư Hồ không cố ý gây hấn với Bạch Đầu Ông Thương Hào, nên cũng không muốn sát hại hai người, bằng không chỉ cần tăng thêm một thành nội lực là hai người đã vỡ nát ngũ tạng chết ngay rồi.
Thương Chấn và Thương Phát vội lồm cồm bò dậy, nhưng Dị Cư Hồ đã đến trước mặt, hai người trong cơn kinh hoàng vẫn vung chùy đồng giáng mạnh xuống đối phương.
Dị Cư Hồ lại buông tiếng cười dài, hai tay bợ lên, "bịch, bịch" hai tiếng, hai ngọn chùy đồng đều trúng vào lòng bàn tay Dị Cư Hồ. Lập tức, sức phản chấn đẩy bật hai người ra, hai người lại thét to, hổ khẩu phún máu, hai ngọn chùy đồng bay vút lên không.
Thế là Thương Chấn và Thương Phát không còn động thủ được nữa. Dị Cư Hồ buông tiếng quát vang, tiến tới đưa tay lại định chộp lấy hai người, bỗng nghe có mấy tiếng quát:
- Xin hãy nương tay!
Lập tức có mấy người phi thân lao tới, nhưng Dị Cư Hồ đâu hề bận tâm, vẫn chộp vào ngực Thương Chấn và Thương Phát, đoạn mới ngoảnh lại nhìn. Thì ra hai người đàn ông và một người đàn bà trung niên, mặt đầy vẻ kinh hoàng đang đứng sau lưng mình.
Dị Cư Hồ biết ba người này nhất định là con cháu của Bạch Đầu Ông Thương Hào, bèn cười khẩy nói:
- Lão phu có hảo ý đến thăm viếng Bạch Đầu Ông, bọn trẻ vô tri lại toan giam hãm lão phu trong trúc trận, nên lão phu đã cho chúng nếm chút mùi đau khổ, để chúng biết trời cao đất dầy vậy thôi.
Người đàn bà trung niên có vẻ kinh hoàng hơn hết, Dị Cư Hồ vừa dứt lời đã vội nói:
- Các hạ nói rất đúng, hai đứa trẻ này quả là bướng bỉnh, lại thiếu hiểu biết, có mắt không biết cao nhân nên mới đắc tội với các hạ.
Đoạn bỗng quát:
- Hai người còn chưa chịu xin lỗi vị tiền bối này hả?
Dị Cư Hồ cười nói:
- Không cần đâu, tại hạ chỉ muốn gặp Thương lão một phen thôi.
Đoạn xô nhẹ, hai người bật lùi hơn một trượng, vừa vặn một tả một hữu đứng hai bên người đàn bà trung niên.
Người đàn bà trung niên mặt thư dãn hơn, vội nói:
- Các hạ muốn gặp gia phụ vốn không thành vấn đề, nhưng gia phụ...
- Chả lẽ Thương lão không gặp khách ư?
Người đàn bà trung niên mặt bỗng lộ vẻ đau khổ:
- Lẽ ra đó là một đại bí mật của Thương gia, tuyệt đối không thể tiết lộ với người ngoài...
Hai người đàn ông trung niên bỗng đồng thanh nói:
- Biểu muội định tiết lộ việc ấy cho người ngoài biết hay sao?
Người đàn bà trung niên nhướng mày:
- Nếu không thú thật, chúng ta có cách nào ngăn cản được vị khách này chứ?
Hai người đàn ông trung niên đưa mắt nhìn Dị Cư Hồ, đoạn cùng cúi đầu xuống.
Hồi lâu, một người trong số mới nói:
- Biểu muội ngay cả danh tánh lai lịch của đối phương cũng chưa hỏi rõ, vậy mà đã tiết lộ ra việc ấy sao?
Dị Cư Hồ nghe xong cuộc đối thoại của họ, lòng hết sức thắc mắc, nghe giọng điệu của họ, dường như Thương Gia Bình đã xảy ra việc gì hết sức trọng đại, và vì việc ấy, người trong Thương Gia Bình lại không muốn tiết lộ ra cho người ngoài biết.
Trong khi Dị Cư Hồ chưa hiểu ra, đã nghe người đàn bà trung niên nói:
- Xin hỏi tôn giá cao tánh đại danh?
Dị Cư Hồ mỉm cười:
- Tại hạ họ Dị, trú tại Ngân Hoa Cốc ngoài Tây Vực.
Ba người trung niên lập tức tái mặt, bật lùi liên tiếp ba bước, Thương Chấn và Thương Phát càng rúng động cõi lòng, mặt mày tái ngắt.
Dị Cư Hồ mỉm cười đắc ý:
- Ba vị bất tất sợ hãi, tại hạ đến đây không hề có ác ý.
Người đàn bà trung niên sắc mặt phục hồi nhanh hơn hết, song vẫn không khỏi mặt đầy vẻ ngượng ngùng, nói:
- Chẳng hay Dị tiên sinh đến đây có điều chi chỉ giáo, vừa rồi tiểu nhi đã đắc tội, xin Dị tiên sinh...
Dị Cư Hồ không chờ đối phương dứt lời, đưa mắt nhìn Thương Chấn và Thương Phát, sắc mặt hai người càng thêm khó coi, đoạn nói:
- Kẻ không biết thì không có tội, các vị hãy yên tâm.
Người đàn bà trung niên tên là Thương Linh, con gái của Bạch Đầu Ông Thương Hào, vừa nghe nói đối phương chính là Ngân Lệnh Huyết Chưởng Dị Cư Hồ mà giới võ lâm ai nghe danh cũng đều khiếp đảm, quả thật kinh hoàng đến toàn thân toát mồ hôi lạnh và hết sức lo lắng cho hai đứa con trai vô tri bướng bỉnh.
Vốn biết Dị Cư Hồ chịu ngọt chứ không chịu xẵng, nên mới lập tức nhận lỗi, nghe Dị Cư Hồ nói vậy mới thấy yên tâm vội nói:
- Nếu sớm biết Dị tiên sinh giá lâm là chúng tôi đã ra nghênh tiếp rồi, ngặt vì trong Thương Gia Bình đã xảy ra đại biến...
- Việc gì có thể cho biết chăng?
Thương Linh buông tiếng thở dài:
- Gia phụ Thương Hào đã tạ thế trước nay mấy hôm rồi.
Dị Cư Hồ giật mình sửng sốt, bởi qua một số hiện tượng vừa rồi, lão đã tiên đoán là trong Thương Gia Bình hẳn đã xảy ra biến cố hệ trọng, nên vừa nghe Bạch Đầu Ông đã chết, biết ngay quyết không phải thọ chung mà là bị chết đột ngột, vội hỏi:
- Về việc tạ thế của Bạch Đầu Ông Thương Hào, có thể cho biết tường tận chăng?
Thương Linh đưa mắt nhìn Dị Cư Hồ, như ngạc nhiên sao đối phương lại biết cái chết của phụ thân mình ắt có vấn đề, buông tiếng thở dài nói:
- Kể ra cũng thật xấu hổ, gia phụ đã bị... đã bị chết khiếp.
Dị Cư Hồ càng thêm kinh ngạc hỏi:
- Đã chết khiếp ư?
Trên cõi đời này cái gì khiến cho Bạch Đầu Ông Thương Hào chết khiếp chứ?
Thương Linh nhẹ gật đầu:
- Vâng, gia phụ tuy không nói một lời trước khi chết, nhưng chúng tôi đều nhận thấy đúng là ông ta đã chết khiếp, đây không phải là nơi chuyện trò, xin mời Dị tiên sinh và phu nhân hãy đến Thương Gia Bình đàm đạo.
Dị Cư Hồ đến Thương Gia Bình vốn có mục đích riêng, nhưng nghe Thương Hào đã chết, bất giác cảm thấy hứng thú vô cùng, liền gác việc mình sang bên nói:
- Được!
Đoạn lão dìu Đào Lâm theo sau nhóm Thương Linh đi về phía Thương Gia Bình.
Đi được chừng nửa dặm đường, chỉ thấy phía trước tường đỏ cao ngất, qua khỏi một cửa sắt to, mới thấy bên trong là một trang viện hết sức tráng lệ, trước mặt là một ngôi lầu to cao, bước vào trong, sự bài trí rất cổ xưa, thì ra là một đại khách sảnh.
Mọi người ngồi xuống xong, Thương Linh mới nói:
- Dị tiên sinh hẳn rất lấy làm lạ, vì lẽ gì gia phụ lại chết khiếp phải không?
Dị Cư Hồ gật đầu:
- Đó quả là chuyện lạ hiếm có.
Đoạn ngoảnh lại Đào Lâm hỏi:
- Phu nhân nghĩ đúng không?
Đào Lâm gặp cảnh ngộ thế này, lẽ ra không còn việc gì có thể khiến nàng hứng thú, song việc Bạch Đầu Ông bị chết khiếp quả là một chuyện lạ hi hữu, ít nhiều cũng khơi dậy lòng hiếu kỳ của nàng, bèn gật đầu nói:
- Quả đúng là chuyện lạ.
Thương Linh lại buông tiếng thở dài:
- Nếu nói về kẻ gieo tai họa, phải kể Diêm Phùng Hiểu ở Đông Xuyên và hai vợ chồng Bát Quái Kiếm Lý Viễn.
Dị Cư Hồ ngạc nhiên:
- Ba người ấy tuy cũng có danh tiếng trong võ lâm, nhưng chẳng thể khiến Bạch Đầu Ông đến đỗi chết khiếp được.
- Sự thể chính là lạ lùng như vậy, chẳng là hồi nửa tháng trước, đêm ấy bỗng có một người máu xông vào Thương Gia Bình, lúc bấy giờ hơi thở đã thoi thóp.
- Người đó là ai?
- Đó là đường huynh của tiện nữ, tên là Thương Sở Chi.
Dị Cư Hồ nghe nói đến tên người ấy, thoáng chau mày lặng thinh.
Thương Linh nói tiếp:
- Bấy giờ gặp lúc cả gia đình họ Thương đang hội họp mỗi tháng một lần, gia phụ cũng có mặt trong đại sảnh, mọi người thảy đều kinh hoàng thất sắc, gia phụ lập tức hỏi kẻ thù là ai, nhưng Sở Chi chỉ nói được mấy lời, tiếng nói khẽ đến độ không ai nghe được. Chỉ thấy gia phụ bỗng biến sắc mặt, và Sở Chi đã chết, gia phụ đột nhiên trở nên thái độ thất thường, chẳng nói một lời trở về phòng riêng, thế là buổi hội họp giải tán ngay.
Dị Cư Hồ bỗng hỏi:
- Sau đó lệnh tôn không hề đề cập đến những lời nói của Thương Sở Chi lúc sắp chết sao?
- Dị tiên sinh quả liệu sự như thần, sau đó gia phụ chẳng hề đề cập đến, dù chỉ một tiếng.
Dị Cư Hồ ngửa người ra sau, mỉm cười nói:
- Vậy thì càng thêm lạ lùng hơn nữa.
- Theo chúng tôi suy đoán, có lẽ có cường địch gì đó sẽ đến Thương Gia Bình gây hấn gì đó nên mọi người không cần gia phụ dặn bảo, đã lưu tâm giới bị... nhưng mấy ngày sau đó lại chẳng có việc gì xảy ra cả, bốn năm hôm sau mới có người đến. Đó là Diêm Phùng Hiểu với hai vợ chồng Lý Viễn và Lâm Tịnh Nhân, vợ chồng Lý Viễn bị người điểm huyệt không động đậy được, đã do Diêm Phùng Hiểu bồng vào. Diêm Phùng Hiểu gặp gia phụ nói rõ mục đích là nhờ gia phụ giải huyệt cho hai vợ chồng Lý Viễn. Gia phụ bằng lòng, liền đến bên vợ chồng Lý Viễn xem xét, rồi đột nhiên gia phụ mặt mày xám ngắt ngã xuống đất không dậy được nữa, khi chúng tôi đến gần xem xét thì đã bất trị rồi.
Dị Cư Hồ nghe xong cười nói:
- Thương cô nương nghĩ là Diêm Phùng Hiểu và vợ chồng Lý Viễn đã gây ra cái chết cho lệnh tôn thì thật là oan cho họ, hãy thả họ ra đi, mục đích tại hạ đến đây là để gặp ba người ấy.
Mọi người thấy Dị Cư Hồ liệu sự như thần, vừa kinh hãi, lại vừa khâm phục.
Thương Linh nói:
- Chúng tôi chỉ phái người canh giữ chứ không hề làm hại họ.
- Huyệt đạo của vợ chồng Lý Viễn đã chưa giải khai được, vậy chúng ta hãy đến đó xem thử.
Thương Linh như có vẻ khó xử, nhưng Dị Cư Hồ không chờ Thương Linh đồng ý đã cùng Đào Lâm đứng lên.
Thương Linh biết tuyệt đối không nên phật ý đại ma đầu này, đành miễn cưỡng nói:
- Cũng được, nhưng... lúc ấy bởi thấy gia phụ đã đột ngột chết đi, nên có động thủ với Diêm Phùng Hiểu, ông ấy có thọ thương một chút, chẳng hay Dị tiên sinh cần gặp họ chi vậy?
Dị Cư Hồ nhẹ gật đầu:
- Tại hạ cũng đã đoán trước như vậy, nhưng tại hạ chủ yếu là gặp hai vợ chồng Lý Viễn để hỏi vài lời thôi, xin các vị dẫn đường cho.
Thương Linh không dám cự tuyệt, bèn dẫn Dị Cư Hồ và Đào Lâm ra khỏi đại sảnh, băng qua một hành lang dài, đến trước một ngôi lầu hoàn toàn được xếp bằng những tảng đá vuông to đến ba bốn thước, và cao chừng ba trượng.
Thương Linh đến trước ngôi lầu đá, vỗ tay ba cái, lập tức trên mái xuất hiện bốn hán tử võ phục, Thương Linh dùng tay ra hiệu với họ, bốn hán tử lại liền biến mất.
Lát sau, tiếng kèn kẹt vang lên, một cánh cửa đá được kéo bằng xích sắt từ từ mở ra.
Thương Linh chìa tay nói:
- Xin mời Dị tiên sinh và phu nhân.
Dị Cư Hồ đưa mắt nhìn, thấy cánh cửa đá dầy hơn thước, xích sắt điều khiển sợi nào cũng to cỡ bắp tay, ngoài cánh cửa này ra không còn lối đi nào khác, hẳn người nào bị giam trong ấy khó có thể tẩu thoát, song lão chẳng do dự bước vào ngay.
Trong lầu đá rất âm u, chỉ có vài ngọn đèn nhỏ leo loét. Dị Cư Hồ võ công tuyệt đỉnh tuy tối tăm vẫn trông rõ mọi vật, chỉ thấy lầu cao ba trượng mà chỉ có một tầng, trên nóc có mười mấy lỗ vuông nhỏ cỡ ba bốn tấc, bên trong nhỏ hẹp hơn bên ngoài rất nhiều, chứng tỏ là vách đá rất dầy, một nam một nữ đang nằm dưới đất, một lão nhân khác đang đứng dựa vào vách, mặt đầy giận dữ, vừa thấy có người vào liền quát to:
- Bọn tặc tử nhà họ Thương, giam bọn ta ở đây với ý định gì hả?
Dị Cư Hồ thấy lão nhân mặt đầy anh khí, nhưng áo quần bê bết máu, đủ thấy trước khi bị giam tại đây nhất định đã trải qua một cuộc chiến đấu quyết liệt.
Dị Cư Hồ biết lão nhân ấy chính là Diêm Phùng Hiểu, một nhân vật lừng danh trong giới võ lâm Đông Xuyên. Còn hai người nằm dưới đất đương nhiên là vợ chồng Bát Quái Kim Ngân Kiếm Lý Viễn và Lâm Tịnh Nhân.
Dị Cư Hồ mỉm cười:
- Tại hạ không phải họ...
Tiếng "Thương" chưa kịp thốt ra khỏi miệng, bỗng nghe Đào Lâm thảng thốt kêu lên, Dị Cư Hồ cũng cảm thấy trước mắt chợt tối, trong khoảng khắc biết ngay việc gì đã xảy ra, người chưa quay lại nhanh như chớp tung mình ra sau, đến cửa trở tay tung ra một chưởng.
Dị Cư Hồ công lực thâm hậu dường nào, chưởng lực ít ra cũng trên ngàn cân, nhưng chỉ nghe "bình" một tiếng, như trúng vào một vật gì rất nặng nề.
Dị Cư Hồ lập tức quay người, đúng như lão nghĩ, ngay khi lão và Đào Lâm bước chân vào lầu đá, nhóm Thương Linh không hề theo vào, mà còn tức khắc đóng cửa đá lại.
Dị Cư Hồ trong đời chưa từng bị mắc mưu như vậy bao giờ, nhất là trong lúc thanh danh lừng lẫy như hiện nay, nỗi tức giận trong lòng thật khó thể hình dung.
Thế nhưng, lão lại buông tiếng cười to, tiếng cười vang vọng trong lầu đá, Đào Lâm đứng cạnh chỉ cảm thấy tâm thần dao động, huyết khí dâng trào, vội xua tay ngăn cản.
Dị Cư Hồ cười thêm ba tiếng nữa mới chịu ngưng, ngoảnh mặt lại nhìn, thấy Diêm Phùng Hiểu râu bạc đã dính đầy máu tươi.
Thì ra Diêm Phùng Hiểu đang thọ trọng thương, không chịu nổi tiếng cười được phát ra bởi công lực tuyệt đỉnh của Dị Cư Hồ, khiến thương thế càng trầm trọng hơn và phún ra máu tươi, lão đưa mắt nhìn Dị Cư Hồ lạnh lùng nói:
- Các hạ công lực tuy xuất thần nhập hóa, nhưng đã bị giam hãm trong ngôi lầu đá này, e cũng khó có thể thi triển.
Dị Cư Hồ cười hăng hắc:
- Nếu tại hạ mà không giết sạch cả nhà họ Thương này, thề chẳng làm người.
- Hay lắm, dám hỏi tôn giá là ai?