Chương 35: Càn khôn trong tranh

Trong bóng tối, không thể biết Hân Nghi tỉnh hay đang ngủ mê, tôi khẽ gọi: “Hân Nghi, Hân Nghi đừng sợ, tất cả vẫn ổn.”

Giản Tự Viễn lên tiếng: “Liệu có để cho người ta ngủ yên không đây?”

Cốc Y Dương bật đèn pin, gian hầm có ánh sáng, tôi có thể nhìn thấy Hân Nghi đang mở mắt to, ánh mắt tuyệt vọng, cô nói: “Đúng cô ấy, Thành Lộ. Tôi nhìn thấy cô ấy.”

Giản Tự Viễn nói: “Hân Nghi, vào lúc này em nên cứng cỏi lên.”

“Anh bớt lời đi được không?” Cốc Y Dương cắt ngang. Anh soi đèn pin một lượt rồi nhẹ nhàng nói: “Hân Nghi, ở đây chỉ có bốn chúng ta, đâu có ai khác?”

Tôi nói: “Chắc Hân Nghi vừa rồi ngủ mê…”

“Không. Tôi nhìn thấy Thành Lộ nói chuyện với cậu, lẽ nào cậu không biết? Cô ta đứng chỗ kia, cô ta còn vuốt má cậu…” Hân Nghi gần như sắp òa khóc.

Tôi ôm choàng lấy cô: “Tôi không nhớ mình nói chuyện với chị ấy, có lẽ tôi ú ớ nói mê cũng nên. Cậu chịu khó nghỉ đi. Ở đây chỉ có bốn chúng ta thôi, đúng thế.”

“Thế thì cậu nói xem, Thành Lộ có thể đi đâu? Chúng ta toàn phân tích ai giết La Lập Phàm mà không phỏng đoán gì về tung tích của Thành Lộ cả?” Hân Nghi nắm chặt tay tôi, tay cô đi găng mà tôi cảm thấy tay cô lạnh buốt.

Tôi không biết trả lời cô ra sao, đành nói: “Cậu đừng nghĩ nhiều, tiếp tục ngủ đi. Trời sáng thì chúng ta nghĩ cách xuống núi rồi báo công an. Chắc sự việc sẽ được sáng tỏ.”

“Liệu ta có sống mà xuống núi không?” Chẳng rõ đây có phải câu hỏi hay chỉ là Hân Nghi nói ra nỗi khiếp hãi trong lòng cô.

“Không có lý do gì để không thể.” Nhưng tôi lại thầm tự hỏi mình, mình tin được mấy phần?

Sau đó rất lâu không thấy Hân Nghi nói gì nữa, lại nghe thấy cả tiếng ngáy khe khẽ. Còn tôi thì không thể ngủ nổi, chỉ căng mắt nhìn bóng tối lạnh lùng, nghĩ đến câu hỏi của Hân Nghi.

Chúng tôi có còn sống mà xuống núi không?

Mấy hôm nay có quá nhiều chuyện không sao tưởng tượng nổi. Thời tiết đột biến, nhà khí tượng không dự báo nổi bão tuyết, chúng tôi tất nhiên không thể kiểm soát nổi đã đành nhưng người mất tích và người chết thì sao đây? Một điều rất tệ hại là trí nhớ của tôi liên quan đến vụ mất tích và người chết lại rất rời rạc chắp vá, không sao liên kết thành manh mối gì được.

Không. Không thể cứ tù mù mãi như thế này.

“Na Lan còn thức không đấy?” Cốc Y Dương bỗng hỏi.

Tôi nói: “Chắc anh định kể với em tại sao anh lại biết ngôi nhà gỗ này chứ gì? Lúc ban ngày anh còn do dự, giờ anh cho em biết sự thật đi?”

Cốc Y Dương thở dài: “Thứ lỗi cho anh… lúc đó anh không ngờ sự việc sẽ diễn biến nghiêm trọng…”

“Vì sự sinh tồn, chúng ta phải thành thật thẳng thắn với nhau. Có kẻ đang định giết chúng ta phải không?” Tôi hỏi.

“Nếu đã biết sự thật thì anh đâu có thể để chúng ta phải bị động như thế này? Nhưng anh biết, chắc chắn có liên quan đến ngôi nhà gỗ mà chúng ta thuê, có liên quan đến cái chết của Thạch Vi và An Hiểu.” Trong bóng tối nhận ra giọng anh dịch chuyển, anh đang xích lại gần tôi. “Bây giờ anh nói về nguồn cơn ban đầu của chuyến đi “nghỉ dưỡng” này.

“Em đã biết rồi, anh luôn không tin rằng An Hiểu tự sát, cũng giống như An Hiểu lúc đầu không tin Thạch Vi tự sát, cho nên anh bắt đầu gắng nhớ lại những điều anh biết. Khi An Hiểu thoát khỏi trạng thái người thực vật, bước đầu có phản xạ, rồi nằm viện, mỗi lần đến thăm, anh đều cùng cô ấy chơi trò chơi, nhằm kích thích các giác quan để chóng bình phục. Đó là kỹ năng mà một vị bác sĩ thần kinh ở Bắc Kinh dạy anh. Cách thức rất đơn giản: anh nói thật chậm, từng chữ một, anh nêu một câu hỏi; sau đó bảo cô ấy hãy gắng trả lời, há to miệng càng tốt, và đừng lo rằng anh không nghe thấy. Mở đầu là các câu hỏi rất đơn giản, ví dụ em tên là gì, bao nhiêu tuổi, em thích bài hát của ai… Thoạt đầu cô ấy nghe rất chật vật chứ đừng nói là trả lời; nhưng dần dần, nhìn ánh mắt cô ấy có thể biết cô ấy đã hiểu câu hỏi và dang cố nghĩ để trả lời. Hồi đó nếu ai vào bệnh viện số Thẩm Dương gặp anh, thì cứ vào thẳng buồng bệnh sẽ thấy anh đang nói chuyện với cô ấy, ghé miệng và tai cô ấy.

“Khi cô ấy đã chuyển biến khá nhiều thì trở về nhà dưỡng bệnh. Một hôm anh nêu câu hỏi bấy lâu anh vẫn bức xúc: có người hại em phải không? Anh nhớ rất rõ An Hiểu đang bình tĩnh bỗng tỏ ra rất sợ hãi, ngực phập phồng, chắc chắn là chưa thể tiếp nhận câu hỏi này. Anh thật vô ý, anh thấy sợ và luôn miệng xin lỗi. Sau đó ánh mắt cô ấy trở nên xa vắng. Anh đoán rằng nếu bị treo cổ hãm hại thì chưa chắc An Hiểu đã nhớ được chi tiết sự việc, và chưa chắc đã biết hung thủ là ai.”

“Sau một thời gian nữa, có lần anh đến thăm, thấy cô ấy đã bình phục rất nhiều, có thể ngồi tựa đầu giường chìa tay ra bắt tay anh. Anh hỏi “Em ăn cơm chưa?”. Cô ấy trả lời “Ăn cơm rồi” bằng một giọng cực khẽ, nếu anh không ghé tai sát miệng cô ấy thì không thể nghe ra. Anh rất xúc động, vì đó là lần đầu tiên An Hiểu nói được, dù giọng rất yếu. hôm đó là một cột mốc đáng nhớ, anh lập tức gọi điện cho bác sĩ ở Thẩm Dương vừa qua điều trị cho cô ấy. Ánh mắt An Hiểu lúc đó hết sức ân cần, hình như rất muốn nói với anh điều gì đó. Anh bèn hỏi em đang nghĩ gì, An Hiểu trả lời, chỉ bằng một tiếng, một âm. Thật không ngờ, đó là âm thanh cuối cùng mà cô ấy nói với anh.” Cốc Y Dương nghẹn ngào.

Tôi đưa tay ra chạm lên vai anh, khẽ nắn.. chẳng rõ dưới lớp áo dày xụ anh có cảm giác hay không.

Tiếng cuối cùng mà An Hiểu nói với Cốc Y Dương chắc phải liên quan đến mọi chuyện mấy hôm nay.

Sau một hồi lâu, Cốc Y Dương mới nói: “Cô ấy nói là “Hoa”.

“Hoa?”

“Thoạt đầu anh tưởng An Hiểu nói “hoa” là bông hoa, vì cô ấy vốn rất thích hoa, nữ giới nói chung đều thích hoa, nên anh không để ý, chỉ nghĩ lần sau đến thăm sẽ mua tặng An Hiểu một bó hoa hồng thật đẹp, thật không ngờ đó là lần cuối cùng anh gặp cô ấy. Ngày cuối tuần trôi qua, anh trở lại Bắc Kinh được hai hôm thì nghe tin An Hiểu đã rạch cổ tay tự tử. Anh gần như phát điên, rồi vộ trở về huyện lỵ - dịp đó gia đình An Hiểu đã chuyển lên huyện - rồi vào ngay công an huyện trình báo, yêu cầu công an điều tra sự việc, An Hiểu không thể tự tử. Nhưng không có một chứng cứ nào cho thấy An Hiểu bị sát hại cả, dịp đó cô ấy đã làm được một số động tác đơn giản, cầm cái kéo là chuyện được nhiên; ở hiện trường không có dấu hiệu gì đáng ngờ; mấy năm rồi An Hiểu nằm liệt giường, chẳng va chạm xích mích với ai.”

“Kể từ đó, anh vẫn luôn cho rằng An Hiểu bị hại, anh muốn tự mình đi tìm sự thật, nhưng biết bắt đầu từ đâu? Không có một manh mối nào hết. An Hiểu từ khi bắt đầu bình phục cho đến khi bọn anh gặp mặt lần cuối, cô ấy chỉ nói độc một chữ. Anh nghĩ rất nhiều, chữ “hoa” có liên quan gì đến cái chết của cô ấy? đương nhiên, vắt óc suy nghĩ mãi vẫn không thể tìm ra một mối liên hệ nào.

“Sau một thời gian dài, anh bắt đầu suy nghĩ về mối liên hệ giữa hai cái chết của An Hiểu và Thạch Vi. Nơi An Hiểu lúc trước treo cổ cũng là nơi Thạch Vi đã từng treo cổ - ngôi nhà gỗ. Khi còn sống, hai người rất thân nhau. Và Thạch Vi treo cổ cũng được kết luận là tự sát không có dấu hiệu nào khác. Khả năng duy nhất là cách giải thích của một vài nhà tâm lý học: An Hiểu bị cái chết của bạn thân Thạch Vi tác động mạnh, tạo nên một thứ ám thị tâm lý gì đó, rồi dẫn đến tự sát."

“Anh đau đầu suy nghĩ mãi, cho đến một hôm anh nghĩ đến khả năng này: nếu tách bạch ra để xét thì chữ “hoa” của An Hiểu nói hoàn toàn vô nghĩa, nhưng nếu liên hệ với Thạch Vi thì lại có chút ý nghĩa. Thạch Vi là nữ sinh có năng khiếu nghệ thuật nhất trường trung học, có sở trường hội họa, đang chuẩn bị thi vào học viện mỹ thuật, thế thì chữ “hoa” này có phải là chữ “Họa” không? Nó chỉ là một giả thiết, nhưng giả thiết này đã đưa anh đến đây.”

Cốc Y Dương không nói tiếp nữa. Tôi nghe thấy vài tiếng sột soạt. anh bật đèn pin, chiếu vào một tờ giấy đã mở ra, chắc anh luôn mang nó bên mình. “Em nhìn đấy, có nhận ra điều gì không?”

Tôi cúi sát nhìn kỹ, đó là bức ký họa phong cảnh. Có thể nhận ra người vẽ rất có nghề, đường nét bay bổng cứng cáp, nếu bảo tôi làm chuyên gia bút tích học thì tôi sẽ đoán rằng, người vẽ nó rất tự tin và có chủ kiến. Phía trên cùng bức tranh là một ngôi nhà màu đen, chắc là ngôi nhà đen trong truyền thuyết, ở sân có vài cây thông cao vút, phía sau là sườn núi và rừng thông; phía xa trong bức tranh là một ngôi nhà gỗ màu trắng thấp thoáng ẩn hiện trong rừng cây.

“Có phải ngôi nhà đen là ngôi nhà gỗ mà Thạch Vi và An Hiểu đã treo cổ? Còn ngôi nhà trắng… lẽ nào là đây, ngôi nhà gỗ này? Tranh này do Thạch Vi vẽ?” Tôi kinh ngạc.

Cốc Y Dương nói: “Sau khi An Hiểu mất, cha mẹ cô ấy cho phép anh vào phòng cô ấy sắp xếp lại các di vật. Bức tranh này nằm trong cuốn album của An Hiểu, kẹp ở trang dán ảnh chụp chung của An Hiểu và Thạch Vi. Cho nên anh đoán rằng bức tranh này là tác phẩm của Thạch Vi. Sau đó anh hỏi cha mẹ An Hiểu, biết rằng cô ấy đã từng sang nhà họ Thạch sắp xếp lại các di vật của Thạch Vi. Anh đoán rằng, cũng giống anh, An Hiểu khi sắp xếp lại cũng đang muốn tìm đầu mối."

“Lúc đầu anh không mấy chú ý đến bức tranh này. An Hiểu sưu tầm bức tranh của người bạn thân đã khuất là chuyện bình thường, dù có liên quan đến “ngôi nhà nhỏ màu đen” cũng chẳng có gì là lạ, vì Thạch Vi chết ở đó, ba người bọn anh cũng từng đến đó “thám hiểm”, ai cũng nhớ rất rõ. Cho nên Thạch Vi có ấn tượng sâu sắc rồi vẽ nên bức tranh cũng phải thôi. Anh thậm chí không bận tâm đến ngôi nhà trắng, vì trong núi không chì có một, hai ngôi nhà như thế. Nhưng rồi anh nghĩ, Thạch Vi và An Hiểu quen thân nhau từ nhỏ, anh từng nghe cả hai nói rằng từ hồi tiểu học họ đã hay vẽ tranh để thông tin cho nhau, ví dụ, khi ngồi trên lớp, muốn nói cho nhau một bí mật nào đó nhưng không muốn để cô giáo hoặc các bạn biết thì họ vẽ tranh, chứ không viết chữ, ví dụ đến giờ ra chơi sẽ chơi nhảy dây hoặc đá cầu, tan học sẽ về nhà ai làm bài tập. Lên trung học thì họ càng hay vẽ tranh để trêu một bạn nam nào đó. Cho nên anh nghĩ, liệu bức tranh này có phải điều bí mật mà Thạch Vi để lại cho An Hiểu không? Rồi một hôm nghiên cứu thật kỹ, anh đã tìm ra nhiều nghi vấn.”

Ngón tay Cốc Y Dương chỉ vào phía sau ngôi nhà màu đen rồi vạch ngoằn ngoèo lên phía trên. Tôi nhận ra giữa rất nhiều nét bút chì đủ hướng, có một nét rất mảnh, đứt quãng kéo từ ngôi nhà đen đến ngôi nhà trắng.

Tôi khẽ nói: “Chỉ là bức ký họa phong cảnh , và là một tấm bản đồ.”

“Anh cũng có kết luận như thế, nên mới đoán xem liệu cái chết của Thạch Vi và An Hiểu có liên quan đến hai ngôi nhà này không. Anh được biết ngôi nhà đen đã bị cải tạo thành biệt thự, một hôm cuối tuần anh đến đó khảo sát và nhận ra ngôi nhà trắng thì vẫn còn nguyên; anh đã xem kỹ ngôi nhà này mà không phát hiện ra đầu mối gì lạ. Rồi lại nghĩ, thỉnh thoảng vẫn thấy nhân viên phục vụ ra vào nhà này, nếu họ thấy anh thập thò ở đây thì dở, cho nên anh nghĩ ra kế hoạch thuê ngôi nhà gỗ được cải tạo từ ngôi nhà đen, đến đây “nghỉ dưỡng” để nhân đó nghiên cứu ngôi nhà trắng. Giờ mới biết kế hoạch của mình thật ngu xuẩn. Ban ngày, sợ sẽ chạm trán ai đó, cho nên hai ngày đầu mới đến, mỗi tối anh dành ít nhất 2 tiếng để đến ngôi nhà trắng này lục tìm. Anh từng kiểm tra từng tấc của gian hầm này, nhưng không phát hiện được gì. Mấy ngày vừa qua, nhất là kể từ lúc Thành Lộ mất tích, suốt ngày anh thấy mình như húc vào tường đá, hậm hực vô ích với những tấm ván ken rất khít, anh thất bại thảm hại.”

Tôi nói: “Thảo nào anh mang theo cả chiếc đèn pin cực mạnh. Em cứ tưởng chi người ưa kích thích như em mới luôn đem theo nó.” Sau khi Na Lan thoát khỏi “vụ án 5 xác chết”, mục 1 của “bách khoa đời sống Na Lan” nên viết là “luôn đem theo đèn pin.”

Cốc Y Dương hơi ngạc nhiên: “Thì ra em quan sát cũng rất tỉ mỉ… tất nhiên cũng không có gì là lạ, vì em luôn là người thích quan sát, không nhẹ dạ cả tin. Thảo nào, La Lập Phàm chế, em cũng nghi ngờ cả anh.”

Tôi nói: “Em nghi ngờ tất cả mọi người, kể cả em.” Tôi nghĩ một chút rồi nêu ví dụ: “Có lẽ anh không biết, đêm Thành Lộ mất tích, em đã mộng du rồi trèo lên gian gác nhỏ, cho nên em không thể chứng minh 100% mình luôn tỉnh táo.”

“Sao em biết chính mình mộng du?”

“Hân Nghi và Giản Tự Viễn đã nhìn thấy.” Tôi thở dài. “Hân Nghi vừa nói thấy em và Thành Lộ nói chuyện, nhưng chính em không biết gì hết, chắc lúc nãy đang mộng du.”

Cốc Y Dương hơi do dự, rồi nói: “Anh cũng nghe thấy em và Thành Lộ nói chuyện.”