Chương 1: Phần Dẫn

Phần dẫn 1 Mùa này, gió ấm làm say lòng người, mồ hôi ngầy ngậy hương ướt tà áo mỏng, ve sầu còn chưa im tiếng, các thuyền hái sen đã giục nhau xuất phát. Năm nay mưa thuận gió hòa nên được mùa sen, tất cả các thuyền trong làng, từ thuyền chạm khắc tinh xảo của nhà Liễu viên ngoại cho đến thuyền thúng loe miệng của nhà Diêu Nhị trọc đầu, đều túa ra cái hồ trải dài hai dặm ấy.

Ngọc Liên cảm thấy bất công cũng phải. Các thiếu nữ cùng tuổi hay khác tuổi Liên đều bơi thuyền đi hái sen, chỉ có cô – nhất là tên cô lại có “sen”[1] – phải đứng nhìn hàng trăm con thuyền đua nhau lên đường, và ngẩn ngơ nghe tiếng cười đùa, tiếng hát của chúng bạn.

[1] “Liên” có nghĩa là “hoa sen”.

Liên không thể đi, chỉ vì một điều cấm kỵ - một lời nguyền.

Tiếng hát ngọt lịm là của Xảo Vân con gái ông tú tài họ Ngô, vẫn bài quen thuộc ấy: “… Mùa thu hái sen hồ Nam, Sen cao quá đầu người, cúi xuống đùa với sen, Sen sáng trong xanh mượt, Em ôm sen vào lòng, Sen hồng sao hồng thắm, Nhớ chàng không đến, em ngẩng nhìn chim hồng bay…” Xảo Vân đã đến tuổi yêu đương, thuyền chưa ra khỏi tầm mắt người cha, cô đã bắt đầu đùa bỡn với cánh trai làng.

Ngọc Liên cũng đã đến tuổi ấy, thậm chí đã có ý trung nhân, người ấy cũng nặng tình với cô, chàng là Ngô Duy Lạc – anh trai của Xảo Vân. Ông tú Ngô sát sao kèm cặp quý tử dùi mài kinh sử để lều chõng đi thi mùa thu này. Nhưng ngay Ngô Duy Lạc cũng phá lệ, anh đang cùng hai thanh niên đồng tuổi bơi thuyền ra hồ. Duy Lạc đang hát một bài mới đặt lời, rất hồn nhiên, thiết tha tình ý.

“Lau lách đung đưa, Thuyền lan bồng bềnh, Nàng soi sen biếc dập dềnh sóng xô. Bãi tây, Tố nữa, Cò trắng tranh nhau khoe sắc, Mặt hồ vô tận nét kiêu sa.

Mắt nhìn theo xốn xang, mắt liếc lại đắm đuối, Ngày dài mà sao thuyền về muộn. Hồn sen vương vấn khắp hồ nước trong, Buộc mối duyên tơ hồng nồng nàn ba kiếp.”

Chỉ có ai quá ngố mới không nhận ra “hồn sen vương vấn”[2] nghĩa là gì. Rành rành là hát cho Ngọc Liên nghe. Ngọc Liên hồi hộp, tim đập rộn ràng, không sao nén nổi cõi lòng khát khao cháy bỏng. Phía xa xa, có tiếng một cô gái ranh mãnh cố ý hỏi: “Ngô tiểu tú tài tặng muội bài hát này phải không đấy?”

[2] Mấy chữ này có tên của hai người: Liên (sen), Lạc (vương vấn).

Xảo Vân cười, chữa thẹn cho anh trai: “Anh ấy nói là ‘mặt hồ vô tận nét kiêu sa’ kia mà! Dịp này hái sen, mỗi ngày anh ấy sáng tác một bài tặng cho một người.”

Tiếng cười, tiếng hát lại càng rộn ràng.

Ngọc Liên lại càng buồn thêm. Lẽ ra cô cũng được hưởng niềm vui!

Nhưng điều cấm kỵ kia, lời nguyền kia…

Không chịu nổi nữa, Ngọc Liên bỏ chạy về nhà.

Bà mẹ đang đứng nơi cửa, hình như đã lường trước là con gái sẽ về với bộ dạng này, bà buồn rầu nhìn Ngọc Liên miệng đang mấp máy mà không nói nên lời.

“Con vẫn muốn đi à?” Bà nhẹ nhàng hỏi.

Ngọc Liên gật đầu.

“Sao cứ ương ngạnh thế…” Nỗi bất lực xen lẫn trách móc.

“Mẹ ạ, con thạo sông nước chẳng kém bất cứ anh nào trong làng này. Hồ Chiêu Dương xưa nay vẫn êm ả, đâu có thể có bất trắc gì? Vả lại, đi hái sen, mấy chị em bạn cùng ngồi một thuyền, dẫu gặp chuyện gì thì vẫn có người cứu.” Liên cảm thấy lý do của mình có thể thuyết phục được cả trâu đá.

Đúng thế, mẹ cô đã nao núng, chỉ nói thêm câu nữa, chắc bà sẽ gật đầu. “Chưa năm nào con được đi hái sen, không được đi hát đối, có lẽ đời con sẽ ế chồng mất thôi!”

“Con bé này thật là...” Bà mẹ đã chịu thua. Nhưng Ngọc Liên không ngờ bà vẫn còn một chiêu cuối cùng: “Nhưng, con được ra hồ hái sen hay không, mẹ đâu quyết định được?”

Ngọc Liên tiu nghỉu, nín lặng.

Hai mẹ con bước đến trước ngôi nhà nhỏ đen xỉn, do dự nhìn nhau không ai dám gõ cửa. Ngôi nhà nhỏ xây cất bằng gạch và gỗ này vốn dĩ không hề sơn đen, nghe nói là hậu quả của khói lửa hun suốt mấy trăm năm qua. Bốn mặt không cửa sổ, cửa chính hướng tây, trước cửa dựng một tấm bia đá không chữ, khiến các thầy phong thủy vừa nhìn thấy đã lắc đầu. Cả ngôi nhà đã nghiêng thấy rõ, tưởng có thể sập đổ bất cứ lúc nào, và nó toát ra một vẻ rùng rợn nanh ác. Hai bên trồng hai cây hòe đã héo khô ngả bóng xuống sân trông như hồn ma nhảy nhót, khiến ai định đến gần cũng phải dừng bước. Đương nhiên, dân chúng xung quanh vùng nói rằng lý do ngôi nhà bị đen xỉn là tại chủ nhân của nó.

Thân hình còm cõi của bà mẹ hơi run run. Ngọc Liên hiểu rằng người gánh lấy trách nhiệm gõ cửa phải là mình rồi. Cô hít một hơi thật sâu, bước đến trước cửa, tim đập mạnh.

Nhắm mắt lại, đưa tay lên, đưa tay gần hơn nữa, và ngập ngừng, gõ hay không gõ, người khởi xướng lại là người rút lui. Thôi vậy, đi về!

Nhưng cửa bỗng mở ra.

Nếu không có tiếng “két…” rền rĩ kéo dài tưởng như bất tận, thì có lẽ Ngọc Liên không nghĩ là cửa đã mở. Vì cửa màu đen, bên trong cửa cũng sâu hút một màu đen kịt.

Cô lúng túng ngoảnh lại nhìn mẹ.

“Đã đến rồi, sao không vào đi?” Giọng một bà già. Vẫn là giọng nói lần trước Ngọc Liên đã nghe, cô có cảm giác giống như chiếc cối xay kê không vững, khi chạy phát ra tiếng kêu ư ử rền rĩ đầy khổ đau.

Mậu A Bà là chủ nhân ngôi nhà đen này.

Có người nói Mậu A Bà là một nữ đạo sĩ, cũng có người bảo đó là một lão yêu; nhưng nói bà là phù thủy thì dễ chấp nhận hơn.

Phù thủy có thể biết quá khứ và tương lai, Mậu A Bà đã tiên đoán cái chết của Ấu Liên – em gái Ngọc Liên, cho nên khi gặp Mậu A Bà, cô như đông cứng hết mức, lòng can đảm mọi ngày đều tiêu tan hết cả. Mậu A Bà có mái tóc bạc buông xõa dài gần chấm đất, nhưng nét mặt thì trẻ hơn mẹ Ngọc Liên đến vài tuổi. Khi đứng dậy, lưng bà ta như muốn còng rũ xuống đất, đôi bàn chân trần thì trắng muốt, trắng hơn cả làn da Ngọc Liên.

Ngay dân làng cư ngụ bên hồ cũng không có phụ nữ nào đi chân đất cả!

Bên ngọn đèn dầu le lói như con đom đóm lại nhìn thấy Mậu A Bà quái dị như vậy, Ngọc Liên không khỏi thấy rùng mình.

Mậu A Bà cười nhạt: “Trời nóng như vậy mà rùng mình được, cháu nên cảm ơn bà già này đấy!” Thắp đèn xong, bà ta ngồi trong bóng tối, cúi đầu cầm mẩu đá nhám tiếp tục mài một hòn đá tròn tròn. Hình như đây là kế sinh nhai duy nhất của bà. Bà thường ra bờ hồ nhặt những hòn đá có thể được việc, đem về mài thành những viên đá tròn bóng láng. Ai đó dù sợ ngôi nhà đen của Mậu A Bà đến mấy, mỗi khi nhìn thấy những viên đá đã mài bóng của bà, vẫn phải luôn miệng trầm trồ tấm tắc. “Đá bà Mậu” là một bí mật rất có giá trị của phủ Nam Kinh, nghe nói các quan châu phủ dùng nó để thể hiện đẳng cấp sang trọng của mình ở kinh thành.

Bà mẹ Ngọc Liên hắng giọng định nói gì đó, thì Mậu A Bà đã lên tiếng: “Vẫn muốn đi, phải không?”

Rõ ràng câu này dành cho Ngọc Liên. Hai mẹ con chẳng ai bảo ai, cùng thấy gai lạnh.

Bà mẹ nói: “A Bà thật tinh tường… tôi khuyên không được cháu…”

“Thế thì bà cứ hỏi đi hỏi lại nó câu này: chuyện ba năm trước, là gì vậy?”

Ba năm trước, Ngọc Liên cho Ấu Liên cùng đi thuyền ra hồ hái sen, rồi Ấu Liên bị chết đuối.

Bà mẹ trào nước mắt: “Tôi… tôi…”

“Bà không có gan nhắc lại chuyện buồn khi xưa! Nhưng bà có nhớ bà chỉ còn nó là đứa con duy nhất không?”

Thấy mẹ bị mắng mỏ, Ngọc Liên tức lắm, nỗi sợ hãi bỗng tan biến. “Em cháu là bị sẩy chân, là tại cháu, chứ liên quan gì đến mẹ cháu?”

“Không liên quan gì đến bà ấy ư?” Mậu A Bà dừng tay đang mài đá, ngẩng lên nhìn Ngọc Liên: “Cháu phải nghe bố mẹ cháu kể từ đầu, khi sinh Ấu Liên, ta đã dặn dò những gì?”

Khi Ấu Liên chào đời, bố mẹ Liên đã đến nhà Mậu A Bà cầu phúc và xem số, Mậu A Bà chỉ nói bốn chữ đáng buồn “Xuống nước thì chết”.

Cho nên Ấu Liên từ nhỏ luôn bị cấm mon men ra sông hồ. Hằng năm đến mùa sen, Ngọc Liên thường cùng các bạn trong xóm đi thuyền hái sen, cô ngoái đầu nhìn Ấu Liên nước mắt lưng tròng nhìn theo con thuyền dần đi xa, rất thương nó, rồi cô nghĩ mình sẽ chiều lòng đứa em.

Ba năm trước, hậu quả của việc chiều chuộng ấy là Ấu Liên chết đuối, khi mới 11 tuổi.

Nhớ lại cái tội lớn ấy của mình, Ngọc Liên cố kìm nước mắt nhưng miệng vẫn nói cứng: “Tại cháu giấu mẹ cho nó lên thuyền. Cháu đã sai. Hồi đó cháu chưa biết bơi, nếu không, đã cứu được nó. Nay cháu đã biết bơi, dù nước sâu đến mấy cũng bơi được, vậy tại sao không thể đi hái sen?”

Sau cái chết của Ấu Liên, Mậu A Bà bảo đừng cho Ngọc Liên xuống nước.

Xuống nước thì chết!

Bà mẹ gắt con: “Ngọc Liên!”

Mậu A Bà không hề nổi nóng, chỉ đưa bàn tay có những ngón tay xù xì như đốt tre lên vuốt mái tóc bạc lòa xòa rủ xuống. Hồi lâu sau mới hỏi: “Ta chúc mừng cháu, không chỉ không tránh xa sông nước như lời ta dặn, mà còn khổ công tập bơi.”

“Đúng thế, và suốt ba năm qua cháu chẳng làm sao cả!”

Mậu A Bà cười nhạt: “Cho nên cháu cho rằng ta toàn phán vớ vẩn chứ gì?”

Bà mẹ vội xen vào: “Cháu nó nói năng không cân nhắc, A Bà đừng cho là thật.”

Ngọc Liên lập tức xổ ngay ra những điều lâu nay cô vẫn nghĩ nhưng chưa dám mở miệng: “Mẹ ạ, bà ấy nói khoác thì có! Ấu Liên bị đẻ non mấy tháng, lúc mới sinh chỉ nặng chưa đầy bốn cân[3], ai cũng bảo nó sẽ dặt dẹo hay ốm, không thể bơi lội gì; hễ xuống nước thì… hồi đó con còn bé, dại dột, nên đã cho nó cùng ra hồ rồi nó trượt ngã xuống nước; ba năm qua ai cũng trách móc con, con cảm ơn, nhưng tuyệt đối không nên cho rằng chuyện đó ứng nghiệm với lời tiên đoán của A Bà! Ai cũng biết ba năm qua tối nào con cũng ra hồ tập bơi. Suốt ba năm trời bơi lội rồi, có làm sao đâu?”

[3] Cân ta, mỗi cân tương đương 400 gr.

Bà mẹ lại gắt: “Ngọc Liên! Hồi đó con còn dại dột nhưng nay đã lớn mà vẫn chẳng hiểu gì cả?”

Mậu A Bà hình như không cảm thấy Ngọc Liên cáu kỉnh ra sao, vẫn tiếp tục cặm cụi mài đá. Khi thấy cả hai mẹ con cùng im lặng, bà mới chậm rãi nói: “Ngọc Liên, cháu có biết nhà ta vì sao từ trong ra ngoài đều một màu đen không?”

Ngọc Liên hơi kinh ngạc trước câu hỏi đột ngột. “Tại sao ạ?”

“Vì bị cháy. Không phải tại ta luyện đan hay nấu cơm rồi lỡ gây hỏa hoạn, mà là bị những kẻ bực mình với ta phóng hỏa. Tại vì ta tiên đoán quá đúng. Bọn họ mất người thân, vì họ bất cẩn, lại không chịu nghe lời ta dặn dò. Người đời là thế đấy, họ thường không nghĩ xem mình sai ở đâu, nhưng lại thích gắn sai lầm cho người khác. Họ cho rằng ta có vu thuật, tà thuật, ta phán ra lời nguyền đó, nên mới xảy ra các chuyện bi thảm. Thế là họ trút giận vào ta, họ muốn đốt trụi ngôi nhà trắng của ta. Nhà cháy, cây cối bên cạnh cũng cháy, nhưng lửa tàn rồi mà nhà vẫn không đổ, cây cũng không đổ. Chỉ là nhà trắng biến thành nhà đen, cây xanh biến thành cây khô.” Mậu A Bà kể lại rất thản nhiên.

Ngọc Liên định hỏi: bà nói thế là ý gì. Nhưng cô cảm thấy hình như mình đã hiểu ẩn ý sâu xa trong đó.

“Ta về thôi, mẹ ơi!” Ngọc Liên kéo tay mẹ.

Nét mặt bà mẹ vẫn đầy lo lắng: “Vậy con…”

Ngọc Liên cười: “Con xin nghe, con không đi nữa. Vừa nãy con bực mình, nói bừa cho hả giận như những người đã đốt nhà Mậu A Bà; nguôi giận rồi, con thấy A Bà nói là đúng.”

Ánh mắt bà mẹ nửa tin nửa ngờ, nhưng nụ cười của Ngọc Liên đã thuyết phục được bà.

Lúc sắp ra về, Ngọc Liên bỗng hỏi: “A Bà, cháu sẽ nghe lời, bây giờ bà giải thích giúp cháu: tại sao nói cháu xuống nước thì chết?”

Mậu A Bà trả lời xen lẫn tiếng mài đá rin rít: “Cháu từng nghe nói thiên cơ không thể tiết lộ chứ?”

“Cháu đã ba năm bơi lội mà không chết, lý do đó đã đủ để xin A Bà giải thích chưa?”

Tiếng mài đá ngừng bặt, rõ ràng là Mậu A Bà đang cân nhắc. Hồi lâu sau bà mới nói: “Ý bà già này là, cháu xuống nước bình thường thì không sao, nhưng đừng ra hồ sen. Nếu không… nó sẽ… đưa cháu đi đấy!”

Hai mẹ con ra về, không quên khép cửa ngôi nhà đen. Trong nhà lại yên tĩnh như thường; tiếng mài đá rin rít chứ không ồn ào, ồn ào là do tiếng người nói chuyện.

Gần như sau khi không nghe thấy tiếng bước chân của mẹ con họ nữa thì Mậu A Bà cũng vừa mài xong một hòn đá, bà ngắm nghía tác phẩm của mình dưới ánh đèn mờ nhạt, thở dài. Bà do dự khi đặt nó vào cái âu bằng gốm đặt trên bàn, rồi lại thở dài.

Thiên cơ không thể tiết lộ. Mình đã nói hơi nhiều thì phải? Đây là cái tật cố hữu của bà: bà không thể không thương xót người đời, nhưng người nghe cứ không ưng, còn bà thì bị họ ghét.

Nhưng vẫn còn một điều bí mật bà không nỡ nói ra: hôm nào bà mài xong một viên đá thì hôm đó sẽ có một người quen bà phải từ giã cõi đời.

Sự đời xưa nay cứ tàn nhẫn như thế đấy!

Trời đã tối hẳn, một con thuyền nhỏ nhẹ nhàng rời bờ, bơi trên hồ sen, rồi dừng lại ở một vùng nước trống vắng hiếm thấy giữa đám lá sen dày đặc.

Ngô Duy Lạc cầm mái chèo, Ngọc Liên ngồi ở mũi thuyền. Ngọc Liên chăm chăm nhìn vào vùng nước xám xịt trước mặt, tâm trạng cô rối bời, trái hẳn với mặt hồ đang tĩnh lặng.

Ấu Liên, chị đây mà! Sau ba năm trời, chị đã sẵn sàng rồi.

Em nói xem, ai dã đưa em đi? Là con ma nước trong truyền thuyết, hay là con ác ma Lã bổ đầu[4] của phủ Giang Kinh thời xưa, bao năm qua vẫn luôn tìm cách hại người?

[4] Tức bổ đầu họ Lã. Bổ đầu: nhân viên (thời phong kiến) chuyên trách bắt tội phạm.

Chị mong truyền thuyết của làng ta là thật, chị được gặp em vào ngày giỗ của em.

Nếu đúng là kiếp sau em không thể đầu thai trở về dương thế vì em bị chết đuối, thì đó là điều chị phải ân hận suốt đời, chị sẽ bù đắp cho em tất cả những gì chị có, sau ba năm bị giày vò, chị đã sẵn sàng cả rồi.

Em gái thân yêu hãy tha thứ cho chị.

Những giọt nước mắt nóng hổi lăn trên gò má giá lạnh của Ngọc Liên.

Nhìn qua làn nước mắt, Liên thấy tất cả đang mờ ảo, ánh trăng nhàn nhạt mong manh phủ lên vạn vật. Trong màn ảo ảnh này, một cô gái mảnh mai từ từ dâng lên khỏi mặt hồ.

Ngọc Liên kinh ngạc đờ đẫn, cô đưa ống tay áo lên quệt nước mắt, tim cô dường như ngừng đập.

Ấu Liên vẫn yếu ớt như ba năm trước, khuôn mặt trắng xanh dưới ánh trăng, vô số những giọt nước đang chảy xuôi theo làn tóc rối ướt đẫm; trông Ấu Liên thật đáng thương, hệt như ba năm trước, khi được vớt lên.

“Ấu Liên…” Ngọc Liên khẽ gọi em.

Ấu Liên từ từ đưa tay về phía chị gái, những giọt nước rơi xuống từ ngón tay Ấu Liên.

Ngọc Liên định hỏi: có ai đó hại em phải không? Nhưng cô bỗng có ngay câu trả lời: “Chính chị đã hại em.”

Sự hối hận giày vò cô suốt ba năm trời, giờ đây như nước lũ phá đê lạnh lùng xô đến khiến cô như sắp nát tan trong khoảnh khắc.

Nhưng Ấu Liên không hề có ý trách móc, chỉ đưa tay ra, nói: “Chị ơi, cứu em với!

Ba năm trước chị không cứu được em, hôm nay chị phải thực hiện lời hứa của chị, dùng đời mình để cứu em.

Ngọc Liên đưa tay ra, không chút do dự.

“Ngọc Liên!” Ngô Duy Lạc kinh hãi kêu lên.

Nhưng đã muộn.

Ngọc Liên dường như tan vào trong màn đêm lạnh lẽo, không giãy giụa, không kêu cứu, biến mất trong im lặng. Hình như chỉ trong chớp mắt, mặt hồ đã trở lại êm ả phẳng lặng không một gợn sóng, im ắng như một tấm vải đen không chút sinh khí.

Phần dẫn 2 Không có chuyện đó, chỉ là bịa đặt, lừa bịp!

Lúc này An Hiểu rất giận Ian, từ câu chuyện bí hiểm rất vớ vẩn mà anh ta gửi cho, đến cả cái nickname trên mạng chat mà anh ta mới đặt, đều khiến cô lộn ruột. Một chàng trai quê miền đông bắc thứ thiệt, mới đi học đại học nửa năm đã đặt cho mình cái tên Tây!

Đương nhiên không phải An Hiểu giận Ian thật, vì anh là “ông xã” của cô; cả hai mới xa nhau nửa năm, anh đi Giang Kinh xa lắc học đại học, còn cô năm ngoái thi trượt đại học, ở lại huyện ôn lại bài vở. Cho đến giờ Ian vẫn mặn nồng với cô, cô nên mừng mới phải!

Nhưng, cái câu chuyện hai chị em gái chết đuối ấy khiến người ta quả đau lòng!

An Hiểu cũng biết tại sao Ian lại gửi câu chuyện ấy cho cô: anh muốn cô đừng làm cái việc định làm tối nay, anh muốn dẫn cô ra khỏi cái vòng kì quái mà cô tự khoanh cho mình. Câu chuyện ấy viết theo thể loại cổ văn, nghe nói là trích trong cuốn bút kí văn học thời Minh-Thanh có tên là “Ký sự Chiêu Dương”, ghi chép những chuyện đồn đại ở Giang Kinh xa lắc xa lơ. Xem ra, học đại học thật nhẹ nhõm, Ian có vẻ rất nhàn nhã.

Nhưng câu chuyện này lại khiến An Hiểu phấn khích, truyền thuyết trong đó sao mà quá giống lời đồn đại ở thị trấn này suốt ngàn năm qua?

Vào ngày giỗ của người chết oan, nếu đến chỗ người ấy bị chết, thì có thể gặp lại người đã chết.

Nhưng người ấy sẽ “đem ta đi.”

An Hiểu nửa tin nửa ngờ cả hai truyền thuyết. Vì thế, trong cái đêm không trăng không sao lạnh lẽo này, cô mới đi về phía ngôi nhà nhỏ ở sâu trong rừng. Cô bước đi có phần do dự.

Cách đây một năm, vào đúng đêm này, An Hiểu phát hiện ra Thạch Vi trong ngôi nhà ấy. Thạch Vi treo cổ trên xà nhà bằng chiếc thắt lưng da, đôi mắt vô hồn hướng về ánh đèn pin của cô, dưới chân Thạch Vi là cái ghế đẩu đã bị đạp đổ, trên mặt ghế vẫn còn dấu chân. Công an huyện không khó đưa ra kết luận: Thạch Vi tự sát. Khi bị phát hiện ra, xác cô hoàn toàn lạnh ngắt, đã chết được hơn 5 tiếng đồng hồ.

Từ sau sự việc đó, ngoại trừ trả lời cảnh sát một số câu hỏi, An Hiểu chỉ im lặng, hệt như một con bé ngớ ngẩn.

-Tại sao đêm đó cô có ý định đi tìm Thạch Vi?

-Vì suốt buổi tối không thấy bạn ấy về ký túc xá.

-Tại sao cô tìm đến ngôi nhà gỗ ấy?

-Vì ngày trước bọn em đã cùng vào đó chơi.

-Có biết tại sao Thạch Vi đến ngôi nhà đó không?

-Không biết.

An Hiểu là bạn chí thân của Thạch Vi, cả hai có thể tâm sự với nhau mọi chuyện, giữa họ gần như không có bất cứ bí mật gì.

Chỉ là gần như mà thôi!

Có một dạo Thạch Vi hay đi đi về về rất lạ lùng, An Hiểu cảm thấy bạn vẫn đang giấu cô điều gì đó. Cô hỏi “Cậu đi đâu, đang lớp 12 mà cứ rồ rồ như thế, không định thi đại học à?” Thạch Vi cười cười, chẳng bận tâm: “Tớ thi vào trường Nghệ thuật, thì kết quả học tập các môn văn hóa chỉ làng nhàng cũng xong!” Thạch Vi là hoa khôi của trường cấp III huyện, cô có nụ cười tươi tắn ngọt lịm trên khuôn mặt rạng rỡ sáng trong. An Hiểu nghĩ bụng, Thạch Vi nói không phải là không có lý. Thạch Vi có tài hội họa bẩm sinh, đã có định hướng theo học Mỹ thuật từ lâu, nên An Hiểu không hỏi thêm gì nữa. Cô đoán chắc bạn mình đã gặp chàng hoàng tử cưỡi ngựa trắng nào đó rồi, sớm muộn gì cũng sẽ cho mình biết mà thôi.

Nhưng rõ ràng là Thạch Vi đã thay đổi khác hẳn, tính tình bỗng rất thất thường. Mọi ngày hễ Thạch Vi đang nói nửa chừng thì An Hiểu có thể nói nốt phần còn lại. Nhưng mấy hôm trước khi xảy ra chuyện, An Hiểu không rõ Thạch Vi có còn là cô bạn thân từ hồi còn đi nhà trẻ với nhau nữa không.

Thế rồi sau đó, sự việc kinh hồn xảy ra, Thạch Vi ra đi.

Thực ra trong những ngày trầm tư, tự khép mình, An Hiểu không hề ngớ ngẩn tý nào, trái lại, cô đã nghĩ rất nhiều, mụ cả đầu óc. Tuy tâm trạng rối bời nhưng cô vẫn tỉnh táo nhận ra điều này: Thạch Vi không có bất cứ lý do gì để phải tự sát cả.

Thạch Vi thường bảo, bố mẹ cô cũng không hiểu cô bằng An Hiểu. Giờ đây An Hiểu xâu chuỗi tất cả những điểm cốt lõi của bạn: một thiếu nữ xinh đẹp, vô cùng tự tin, luôn được mọi người yêu mến, tính tình vui vẻ thì sao có thể treo cổ tự tử?

Suốt một năm qua An Hiểu đau đáu đi tìm câu trả lời.

Thành tích học tập của An Hiểu luôn nằm trong tốp ba của lớp, nào ngờ cô lại thi trượt đại học! Nhưng những ai biết về An Hiểu thì không lấy làm lạ: đang chuẩn bị thi đại học thì xảy ra cái chết của người bạn thân, cô bị sốc là phải!

“Ông xã” của An Hiểu – Ian cho rằng cô cố ý thi trượt để được ở nhà học lại một năm, là nhằm tìm hiểu nguyên nhân cái chết của Thạch Vi – dù bên công an đã khẳng định loại trừ khả năng Thạch Vi bị sát hại. Trong ngôi nhà gỗ ấy chỉ có dấu chân của Thạch Vi và An Hiểu, không có dấu vết của người thứ ba, cũng không có bất cứ dấu hiệu vật lộn nào. Nghe nói, khám nghiệm tử thi có thể xác định sự khác biệt giữa tự treo cổ và bị treo cổ; pháp y đã khẳng định Thạch Vi tự treo cổ.

Lúc này An Hiểu đang bước đi trong khu rừng thông tối om, tiếng bước chân kêu lạo xạo trên tuyết khô, cô biết mình thật hão huyền: tại sao lại tin vào cái truyền thuyết vớ vẩn này? Sao lại tin rằng Thạch Vi đã chết được một năm sẽ chờ mình ở ngôi nhà gỗ ấy, nói cho cô biết sự thật về vụ treo cổ?!

Kể từ đầu mùa đông đến giờ, thời tiết khô hanh không có tuyết. Tuyết chỉ mới rơi cách đây hai tuần, mà cũng rơi rất ít, cho nên trong rừng lúc này tuyết rời rạc mỏng tang, đi đêm khá dễ dàng. Nhưng cô càng đi lại càng ngờ ngợ. Tất cả quá giống buổi tối cách đây một năm khi cô cất bước chân rối loạn tìm đến ngôi nhà nhỏ rồi phát hiện ra xác Thạch Vi. Tối nay sẽ thế nào đây? Cô biết một mình đi vào rừng thật là liều lĩnh. Cô đã thử thuyết phục hai bạn cùng lớp – vẫn tự xưng với cô là “anh” – đi hộ tống cô, nhưng khi nghe nói đêm hôm đi vào rừng thì họ rút lui, An Hiểu tốn tiền mời họ ăn bữa tối mà chẳng nhờ được gì.

Cuối cùng ngôi nhà đen ngòm cũng đã xuất hiện. Kể cả ban ngày, nó vẫn một màu đen xỉn như thế.

Ngôi nhà nhỏ tối đen.

Không ai biết tại sao nó có màu đen. Quét sơn đen? Bị lửa cháy rừng hun? Do người sống trong đó đốt lửa sưởi ấm? Hay là gỗ ban đầu đã có màu đen? Lịch sử ngôi nhà gỗ chẳng có quá nhiều nét bí hiểm, có thể nhận ra từ kết cấu của nó: chỉ là ngôi nhà gỗ như hàng nghìn ngôi nhà khác dựng trong rừng núi Trường Bạch, là nơi thợ đốn cây hoặc thợ săn tạm trú. Nó tồn tại ở đây bao nhiêu lâu rồi? 50 năm? 100 năm? Hay 300 năm? Không ai biết.

Ngôi nhà đen đã ở ngay trước mặt. Tại sao nó lại xiêu vẹo?

Tim An Hiểu dường như ngừng đập: ngôi nhà đen, xiêu vẹo, giống hệt ngôi nhà của mụ phù thủy trong câu chuyện ma hái sen!

Rành rành là Ian muốn dùng câu chuyện ấy để cảnh báo cô tuyệt đối chớ dại dột, ngôi nhà này lành ít dữ nhiều! Nếu không phải Ian vừa từ Giang Kinh về huyện nghỉ đông, chưa trở lại thị trấn, thì chắc chắn anh sẽ vội chạy về ngăn cô đừng làm chuyện này.

Làm gì có chuyện đó! Chỉ là bịa đặt, lừa bịp?

Ai lại đi tin cái truyền thuyết ở vùng sông nước chẳng hề liên quan gì đến miền núi Trường Bạch này? Ngôi nhà xiêu vẹo, chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên!

An Hiểu tin rằng tối nay sẽ gặp Thạch Vi, Thạch Vi sẽ cho cô biết sự thật về vụ treo cổ.

Nếu cô có gan bước vào ngôi nhà đen đang ở ngay trước mặt.

Nhưng, nếu “sẽ đưa ngươi đi chết thay” là đúng, thì sao?

Từ thị trấn đến đây, An Hiểu đi xe đạp mất hơn nửa giờ, sau đó đi bộ xuyên rừng cây hơn một giờ, đã rất nhọc, bây giờ quay đầu bỏ cuộc thì đâu phải là tính cách của cô? Kể ra cũng lạ, lẽ ra sẽ rất mệt, nhưng lúc này cô thấy mình vẫn dồi dào sức lực.

Cửa ngôi nhà, thực ra không đáng gọi là cửa, chỉ là vài mảnh ván ghép lại. An Hiểu mím môi đẩy, cửa mở ra, phía sau treo tấm chăn chiên màu đen, chắc là để che gió lạnh lọt qua các khe ván hở.

Sau tấm chăn đen, tối như hũ nút!

Tim đập nhanh khác thường.

Dường như có một bàn tay vô hình dẫn hướng luồng sáng đèn pin, nó chiếu đúng vào cái xà ngang chính giữa nhà – nơi Thạch Vi đã từng buộc chiếc thắt lưng da để treo cổ. Khổ quá, mình đâu có muốn rọi đèn vào đây?

An Hiểu lia đèn sang bên, mắt nhắm nghiền. Suốt một năm qua, hình ảnh cái xác lạnh lẽo của Thạch Vi đung đưa qua lại đã vô số lần hiện ra trong những cơn ác mộng của cô, kể cả giấc ngủ ngày. Bây giờ cô không muốn thấy lại hình ảnh đó nữa.

Nhưng đúng vào lúc lia đèn pin sang bên và nhắm mắt lại, thì dường như cô thấy dưới cái xà ngang ấy có một thứ gì đó. Nói chính xác hơn, cô thấy một người bị treo ở đó! Lý thuyết quang học trong môn vật lý học từ thời cấp III nói về hiện tượng hình ảnh tạm lưu lại ở võng mạc, khiến An Hiểu run run.

Không, không thể! Cô lập tức mở to mắt. Lẽ nào hình ảnh có thể tạm lưu trong mắt suốt một năm? Sao ở đây lại có người? Cô không chiếu đèn vào xà ngang nữa, trong này vẫn đủ sáng để nhìn rõ ở đây chỉ có một mình cô.

Cô chỉ thấy một mình cô.

Để xác nhận lại cho chuẩn, An Hiểu từ từ chiếu đèn lên xà ngang. Trên đó không có gì hết.

Buồn cười thật, mình đến để “thăm” Thạch Vi, muốn cô bạn đã khuất sẽ “nói” cho mình biết sự thật về cái chết, mà mình lại sợ nhìn thấy “thứ lạ lùng”, thì mình còn hèn hơn cả Diệp tiên sinh thích rồng[1]!

[1] Điển cố: Diệp tiên sinh tỏ ra rất thích rồng, nhà treo vô số tranh vẽ rồng, rồng thật biết chuyện bèn bay đến thăm, Diệp tiên sinh nhìn thấy rồng thật thì sợ chết ngất. Ý nói “giả vờ, ra vẻ ta đây”.

An Hiểu lia đèn sang chỗ khác. Đúng lúc ánh đèn rời đi, cô lại nhìn thấy xác một phụ nữ treo trên xà ngang!

Bản năng khiến cô lùi lại phía tấm chăn đen treo ở cửa, gần như quên cả hít thở!

Cái xác ấy có mãi tóc xõa quá vai, mặc áo nhung màu vàng, quần bò côn, chân đi bốt da có viền hoa ở mép ống. Đúng là trang phục của phụ nữ.

“Thạch Vi…” An Hiểu lẩm bẩm.

Có điều, đó không phải trang phục của Thạch Vi. Khi treo cổ, Thạch Vi mặc áo nhung màu rượu boóc- đô, váy da màu đen.

Vậy thì truyền thuyết nói thế là đúng!

“Thạch Vi…” Lúc này quá gấp, An Hiểu không biết nên nói gì nữa.

“Suỵt…” Thạch Vi bảo cô hãy im lặng. Giọng Thạch Vi hình như từ nơi rất xa truyền đến, nghe rất huyền hoặc. An Hiểu đã có thể nhìn rõ hơn, thấy đầu Thạch Vi hơi đưa về phía trước, mái tóc đen nhánh xõa che gần kín khuôn mặt.

Trông cô hệt như lúc treo cổ năm ngoái.

“Cậu nói đi, thực ra cậu… Cậu à, gần đây tớ…” An Hiểu định giải thích cặn kẽ để Thạch Vi không cảm thấy đột ngột vì gặp cô ở đây. Nhưng cô bỗng cứng lưỡi.

Cổ họng ngắc lại, cô nghẹn thở.

Chiếc đèn pin rơi xuống đất.

Nhưng rồi Thạch Vi cũng nói: “Tớ đợi cậu đã lâu…” Thạch Vi từ từ ngẩng mặt.

Kinh ngạc, khiếp sợ, ngạt thở, An Hiểu cảm thấy đôi mắt mình như sắp vọt ra khỏi hốc mắt. Chân cô đang rời khỏi mặt đất. Cô từ từ lên cao.

Cô hãi hùng cúi xuống, chỉ nhìn thấy ánh đèn pin trên mặt đất chiếu vào chân mình, quần bò côn cùng đôi bốt da có viền hoa ở mép ống. Trong khoảnh khắc cuối cùng An Hiểu vẫn còn ý thức về sự tồn tại, cô bỗng nhớ ra chính mình đang mặc áo nhung màu vàng.

Phần dẫn 3 “Tuấn Nhạc, Tuấn Nhạc! Con có nghe thấy không?” Người phụ nữ khóc, gọi con. Vì cố kìm nén nên nghe như tiếng hít thở khốn khổ của một bệnh nhân hen khi đang lên cơn.

“Gọi thì ích gì?” Tiêu Thự lau mồ hôi trán, rồi bắt đầu xé chiếc sơ-mi đang mặc. “Tim vẫn còn đập, nó vẫn còn thở, sẽ không sao đâu. Mau băng bó ngay cho con!” Anh cũng cố nói khẽ, tuy bình tĩnh hơn nhưng giọng anh vẫn hơi run.

Nằm dưới sàn là Tiêu Tuấn Nhạc, 16 tuổi, con trai Tiêu Thự và Đồng Thị Lâm. Tiêu Thự nói đúng: con trai họ vẫn còn thở. Anh dùng cả răng cắn lẫn tay xé chiếc sơ-mi, rồi bắt đầu sờ đầu và mặt con. Gian gác không có điện, cơn bão tuyết khiến cả ngôi biệt thự mất điện chứ không riêng gì gian gác này. Anh sờ thấy đám máu thịt bê bết. Là mặt, là cổ, hay là vai Tuấn Nhạc? Vết thương nặng hơn anh tưởng rất nhiều.

“Không biết cô út và Đại Mao… thế nào rồi?” Trong bóng tối, Tiêu Tự đang cố băng bó cho con trai một cách vô ích. Anh nhận ra máu rất nhiều thấm ướt các mảnh vải băng bó. Anh hỏi vậy chỉ nhằm giúp vợ anh phân tâm một chút, đừng tiếp tục thút thít nữa, sẽ chẳng khác gì dụ sát thú mò đến.

Đồng Thị Lâm nói: “Lúc nãy lên gác, hình như nghe thấy tiếng kẹt cửa, chắc cả hai đã chạy thoát ra ngoài nhà rồi.”

“Thật vớ vẩn.” Tiêu Thự thở dài. “Gió tuyết lớn, giá rét như thế mà chạy ra ngoài thì khác nào tìm đến cái chết?”

“Nhưng chúng ta ở đây… thì an toàn à?” Chắc hẳn ánh mắt người vợ đang nhìn về phía cửa ra vào.

“Cửa đã khóa chặt rồi.” Tiêu Thự chỉ có thể nói chắc điều này.

“Khóa chặt rồi thì bọn chúng không thể vào hay sao?” Hình như vào những lúc hệ trọng, Đồng Thị Lâm toàn nghĩ theo lối bi quan.

Tiêu Thự cố gắng nói nhỏ nhất, và cũng nghiêm khắc nhất: “Cho nên ta đừng nói những lời vô ích nữa, kẻo sẽ dụ chúng tìm đến! Có lẽ nếu ta may mắn, khi chúng truy tìm cô út và Đại Mao xong, thì chúng đi luôn. Ta chỉ việc chờ đến khi trời sáng thì sẽ ổn cả.”

Bên ngoài kia gió đang rú rít như chó sói hú, Đồng Thị Lâm nghe thấy mấy tiếng kêu thảm thiết vọng vào, cô út và Đại Mao gặp nạn chăng? Cô út và Đại Mao gặp khốn thì tức là mình gặp may à? Là tiếng kêu thét hay tiếng gió, tiếng gió rùng rợn? Chờ đến sáng thì mọi việc sẽ ổn thật không?

Người vợ không nói gì nữa, cả căn phòng im ắng hết mức.

Đứa con trai đang nguy kịch từng phút từng giây.

Hai vợ chồng bị giày vò từng giây từng phút.

Rất lâu sau đó, căn gác vẫn yên tĩnh. Hình như nỗi khiếp hãi bị tấn công đã rời xa ngôi biệt thự nằm trong miền băng tuyết này. Hai vợ chồng Tiêu Thự đang chung một ý nghĩ: có lẽ mình đã gặp may, nguy hiểm qua thật rồi.

Đúng vào lúc này, ngoài cửa có tiếng chân bước khe khẽ. Từng bước từng bước, đi lên từng bậc cầu thang rồi tiến lên gác.

Đồng Thị Lâm tay bưng lấy miệng định kêu mà không thành tiếng.

Vài giây sau, từ căn gác vọng ra những tiếng rú thê thảm, tiếng giãy giụa, tiếng thân người đổ vật xuống sàn nhà.