Chương 24: Trầu cau

Nước Văn Lang, từ thời các vua Hùng dựng nghiệp, đã có tục ăn trầu và còn lưu truyền mãi đến ngày nay. "Ăn trầu" là nói cho gọn, chứ thực ra khi ăn phải có đủ cả ba thứ: Lá trầu không, miếng trầu và vôi (quết vào lá trầu). Ngoài ra, thùy theo từng người, còn kèm theo một lát vỏ quạch, vỏ chay hay một thứ vỏ quả nào đó cho thơm miệng. Ăn trầu mà có kèm theo một tí thuốc lào thì gọi là ăn trầu thuốc.

Bây giờ, ở đất thị thành ít người ăn trầu, nhưng ở nông thôn vẫn còn là tục lệ. Nhiều người ăn trầu đã thành nghiện, nhất là trong "giới" các bà. (Có lẽ như thể đối với người nghiện hút thuốc lào trong "giới" các ông!) Trầu ăn sau bữa cơm, trên đường đi chợ, đi làm, trong lúc nghỉ giải lao ... và hễ cứ hai , ba bà ngồi lại với nhau thì y như rằng, "miếng trầu là đầu câu chuyện".

Trầu ăn thơm mồm thơm miệng. Cùng ăn trầu làm cho người ta gần gũi nhau hơn. Và dù xã hội đã văn minh, có nhiều phương tiện đi lại và tiện nghi sinh hoạt hiện đại, Hà nội tục ăn trầu vẫn không bị xem là một tục lệ lạc hậu. Nghiện trầu không bị lên án như nghiện ma túy, không chê cười như nghiện rượu. Miếng trầu đưa lại cho người ta cảm giác lâng lâng dễ chịu.

Dù ở nông thôn hay thành thị thì trong các dịp lễ tết, trong các đám cưới xin, ma chay, rồi hội hè ... trầu cau là thứ không thể nào thiếu.

Ăn trầu là một phong tục lâu dài, là một nét văn hóa, và chắc sẽ còn lại mãi trong đời sống dân tộc, như một đặc điểm phổ biến và nổi bật.

Tuy nhiên, ăn trầu không phải là phong tục tập quán của riêng nước ta. Không nhiều thì ít, khắp miền Đông Nam Á và cả Nam Á cũng đều ăn trầu. Do vậy truyền thuyết "Trầu cau" không hẳn ở nước ta mới có. Cũng có thể đây là hiện tượng giao lưu văn hóa, nhưng hiện nay chưa ai có thể xác định được nguồn gốc xuất xứ của truyền thuyết này từ đâu.

Truyền thuyết "Trầu cau" của người Việt, do gắn với một phong tục nghi lễ, nên đã mang tính chất thiêng liêng đặc biệt.

Ngày xưa, thời các vua Hùng (chưa rõ là đời thứ mấy), ở làng kia có một gia đình sinh được hai người con trai tuổi suýt soát bằng nhau (có thuyết nói họlà anh em sinh đôi). Tính tình họ kín đáo giống nhau, các sở thích cũng gần giống nhau, và đặc biệt về hình dáng bên ngoài, từ nét mặt cho đến vóc người, cách đi đứng, nói năng ... lại càng giống nhau. Cả hai đều là những chàng trai khôi ngô tuấn tú.

Sự giống nhau của hai anh em đến mức cha mẹ họ cũng bị lẫn lộn, còn khi ra ngoài đường thì chẳng ai có thể phân biệt nỗi đâu là anh đâu là em. Tuy nhiên, giữa hai người với nhau thì ngay từ nhỏ họ đã không oc sự nhầm lẫn. Người anh có tên là Trầu, người em có tên là Cau.

Khi hai anh em khôn lớn thì cha mẹ họ đều già yếu thì nối nhau lần lượt qua đời. Vốn gia đình khá giả, nề nếp, do trước kia người cha có công, được vua Hùng phong thưởng, nên hai anh em cùng đến theo học một ông thầy ở làng bên cạnh, cách đấy cũng khá xa, vì thời đó làng mạc còn rất thưa thớt.

Ông thầy học vốn là bạn thâm giao của người cha. Sau ngày bạn ông mất, ông đưa cả hai anh em về ăn ở trong nhà để học hành cho tiện. Ông có một người con gái, khi ấy cũng đến tuổi trưởng thành, bằng vai phải lứa với hai chàng trai, và đấy là một cô gái tài sắc nết na, lại rất mực duyên dáng.

Chẳng nói thì ai cũng rõ, thời nào trai tài gái sắc gần nhau, không chóng thì chày rồi sẽ bén duyên nhau. Hai ông bạn thâm giao từ trước đã có lời đính ước cho người anh và cô gái về sau sẽ nên vợ nên chồng. Ông bố cô gái khi đưa hai chàng trai về nhà, nghĩ rằng họ chưa đủ ba năm mãn tang cha mẹ, lại đang theo học, nên đã không nói ra điều ấy. Nhưng điều mà ông không lường trước thì mãi sau này mới rõ, aáy là việc cả hai chàng trai đều đem lòng yêu vụng nhó thầm cô con gái của ông.

Ông thầy học là người có uy vọng, nên số họ trò theo học rất đông. Khi mới hoăc thầy (thời ấy học hành ở ngay tại nhà thầy giáo) cá chàng đều lạ lùng bỡ ngỡ, nhưng khi biết trong nhà có cô con gái đẹp, thì chàng nào cũng đem lòng tơ tưởng, ước ao. Thời ấy, sự ràng buộc giữa thầy và trò còn rất nghiêm ngặt, nên các chàng cũng hẳn dám thầm yêu trộm nhớ, chứ bên ngoài, chẳng ai dám làm một điều khinh suất. Cả hai chàng Trầu, Cau cũng vậy, tuy ở trong nhà thầy, được thường xuyên giáp mặt cô gái, nhưng cũng đều hết sức dè dặt, không một lời xa xôi bóng bẩy, cũng không một lần tìm cách gặp gỡ riêng cô gái để trò chuyện. Vả lại, là con nhà có nề nếp, cha họ và ông thầy trước lại là bạn thân, nên họ càng phải giữ thể diện.

Vốn bẩm sinh là những người tính tình kín đáo nên hai chàng cũng không bao giờ bày tỏ nỗi lòng với nhau. Mỗi người đều đào sâu chôn chặt nỗi niềm vào tận đáy lòng. Không phải họ đoán biết để giữ gìn rồi sau này sẽ tìm cách lừa gatï nhau, mà đơn giản, chỉ do tình thế đòi hỏi họ phải có cách cư xử như vậy.

Thời gian thấm thoát trôi đi. Bề ngoài hầu như chẳng có chuyện gì xảy ra. và hai anh em vẫn đối xử với nhau tận tình chu đáo như bao giờ.

Về phần cô gái, trong đám học trò đông đúc của người cha, cô thấy có cảm tình với hai chàng ở trong nhà mình hơn cả. Họ là những người xứng đáng để cô trao thân gửi phận sau này. Tuy nhiên, trong thâm tâm, cô hoàn toàn hiểu mình không thể nào lấy được cả hai người. Ngặt nỗi, hai chàng trai lại giống nhau ghê quá, nên nhiều khi cô thấy thực sự bối rối trong lòng. Vốn là người thông minh, cô đã có cách xử xự hợp lý: Luôn tỏ ra thản nhiên, không để lộ ra ngoài những ýnghĩ thầm kín của mình. Cũng như các cô gái đương thời, khi chưa có lời của cha mẹ, cô chẳng bao giờ dám tự tiện trong quan hệ với một chàng trai nào, mặc dù trong lòng đã có nhiều cảm tình với họ.

Thời ấy, phong tục thuần phác chứ không phải xô bồ như bây giờ, nên tình trạng của họ kéo dài cũng khá lâu mà không hề xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Người ngoài nhìn vào chẳng ai thấy có sự khác thường. Chỉ ở đáy lòng của mỗi người trong số họ, là vẫn âm thầm diễn ra những điều khát khao, dằn dặt mà thôi.

Vậy mà, như thế ... cũng đã được ba năm. Ba năm đầy niềm hân hoan nhưng cũng đầy nỗi khắc khoải. Ba năm vừa là nhanh vừa là quá chậm với cả ba người.

Một hôm, khi mãn khóa lớp học, cũng là lúc hai anh em đã mãn tang bố mẹ và sắp sửa trở về nhà mình thì ông thầy học cho gọi người anh và cô con gái lại, nói họ từ nay sẽ nên vợ nên chồng, như lời đính ước của ông và bạn ông ngày trước. Nghe xong, hai người trẻ tuổi lặng lẽ cúi đầu, tuy bề ngoài tỏ ra e thẹn, nhưng trong lòng họ thực chẳng có niềm vui nào bằng.

Mấy ngày sau, đám cưới được tiến hành, có đông đủ họ hàng, làng xóm tới dự.

Khi cô gái trở thành cô dâu và về nhà chồng thì tình cảm giữa ba người càng ngày lại càng trở nên nan giải. Bề ngoài họ đối xử chu đáo, tử tế với nhau, nhưng trong lòng mỗi người đều thực sự có một cơn giông bão. Mọi sự giữa họ lúc này ít nhiều đều có vẻ gì đó gượng gạo, và điều ấy báo hiệu một sự đỗ vỡ không thể nào tránh khỏi.

Cơn giông bão khởi đầu từ người em và nổi lên mạnh nhất cũng từ người em. Trước tin là cái tin sét đánh: người mình yêu sẽ trở thành chị dâu, rồi sau nữa, là đám cưới và sự hiện diện của người đẹp ở ngay trong nhà mình.

Phải chi cô gái lấy một gnười nào khác thì lâu dần nỗi nhớ của chàng có thể nguôi ngoai đi. Nhưng đằng này, ngày nào chàng cũng thấy cũng gặp người mà trước kia mình đã thầm yêu, nên ngọn lửa tình dường như cứ được khơi thêm lên mãi. Ký ức của những ngày còn ở trong nhà thầy học cũ bỗng trở nhiên tươi roi tói trong lòng chàng. Đạo lý bảo chàng hãy vùi sâu chôn chặt mối tình vào trong lòng, nhưng trái tim htì luôn luôn tìm cách nói điều ngược lại. Trái tim ấy đập rộn lên mỗi khi càhng đứng trước người chị dâu, nó làm cho cử chỉ của chàng bỗng trở nên ngượng nghịu. Trái tim ấy lại đập thoi thóp mỗi khi còn chàng chỉ còn lại một hình bóng, và nhất là khi màn đêm buông xuống, thì nó khắc khoải tựa như sẽ không còn đủ sức để đập tiếp, và tựa như mỗi mạch máu trong cơ thể chàng cũng ngừng chuyển động. Nỗi cô đơn khủng khiếp càng lúc càng thêm vò xé tâm can chàng. Đã có lần người chị dâu nhầm lẫn gọi tên chàng bằng tên người anh trai. Lại có lần người chị dâu vồ lấy chàng khi làm đi làm ở đồng về. Sau những lần như thế, chàng cảm thấy nỗi cô đơn đã đến mức không thể nào chịu đựng được.

Vào một buổi mờ sáng, khi người anh và chị dâu chưa thức dậy thì người em lặng lẽ ra khỏi nhà. Chàng đi mãi, đi mãi, với tâm trạng hoàn toàn bơ vơ, vô vọng. Tự bản thân chàng không biết rồi mình sẽ đi đâu, về đâu, mà chỉ đinh ninh một diều, ấy là phải tránh xa ngôi nhà, đến một nơi nào đó.

Chàng không mảy may oán hận người anh. Bao nhiêu năm nay anh chàng đối xử tận tình, chu đáo với chàng. Kể từ ngày cha mẹ mất đi, hai anh em lại càng gắn bó nhau hơn. Cùng làm, cùng ăn, no đói có nhau, lại hàng đêm cùng ngủ, chuyện trò thủ thỉ, thật là tâm đầu ý hợp.

Chàng cũng hoàn toàn không oán trách gì người chị dâu. Chàng biết trước kia nàng đã có cảm tình với mình, còn bây giờ, trong thứ bậc mới, nàng cũng lại hết sức chu đáo, chẳng có điều gì phải che trách. Những khi có sự nhầm lẫn, cả hai đều ngượng ngùng đỏ mặt, nhưng lại sau đó, mọi sự lại hết sức bình thường. Không biết người chị dâu nghĩ thế nào, chứ chàng, sau những lần như thế ngồi một mình, chàng cảm thấy thật cô đơn và buồn nẫu ruột. Chàng ra đi chính là để tự rút lui, và mong muốn cho hai người luôn được hưởng hạnh phúc bên nhau. Chỉ có điều, tưởng là sẽ thanh thản, nhưng nào ngờ càng đi chàng càng cảm thấy buồn, và từng lúc, hình ảnh ngôi nhà, người anh và người chị dâu cũng lại hiện ra. Đấy là những người thân yêu nhất của đời chàng mà chàng không thể nào xa cách, nhưng đồng thời, đấy là những người mà từ nay chàng không thể cùng chung sống.

Đầu óc mông lung, trống trãi, chàng cứ thế đi lang thang, đi mãi. Có lúc chàng định bụng sẽ rẽ vào một làng nào đó, ăn nhờ ở đậu ít ngày rồi sau sẽ làm ăn sinh sống lâu dài, nhưng ngay lập tức, chàng hiểu rằng mình không thể nào làm được như vậy. Tiếng nói của trái tim vẫn luôn luôn tỏ ra mạnh hơn tiếng nói của đạo lý ở trong bản thân chàng, và thế là chàng phải tha thẩn bước tiếp. Chàng không muốn ăn, không muốn uống và lại càng không muốn dừng chân nghỉ ở bất cứ nơi nào.

Khi đến trước một con sông rộng nước chảy xiết thì cũng là lúc sức lực chàng cũng gần cạn kiệt. Chàng ngồi phệt xuống bên bờ và ngó nhìn trân trân dòng nước.

Đã có lúc chàng muốn nhào xuống sông, để mặc cho dòng nước cuốn đi. Nhưng tỉnh trí lại, tháy cái chết ấy là hèn, nên chàng lại ngồi yên không nhúc nhích. Dòng nước vô tình vẫn cứ trôi, và bốn xung quanh, không một tiếng chim, không một bóng người, tất cả đều yên tĩnh, vắng lặng quá.

Chàng cứ ngồi như thế với nỗi buồn tủi xót xa cay đắng tưởng như sẽ kéo dài tận muôn đời. Đến một lúc, con mắt chàng đã hoàn toàn vô cảm, trí óc thôi không suy nghĩ, thì cũng là lúc trái tim chàng đập những nhịp cuối cùng. Chàng đã chết.

Cái chết trong quạnh vắng của chàng, lạ thay, đã cảm ứng đến cả đất trời.

Mấy ngày sau, từ chỗ chàng ngồi, bỗng thấy một loài cây thân thẳng mọc lên. Cây vươn cao xung quanh bao giờ bao giờ cũng có bảy tàn lá màu xanh xòe rộng, tỏa bóng râm mát xuống một vùng. Những tàn lá, mặc dù vẫn còn xanh, nhưng đã tự khía ra rách nát, như thể chứng tích của một niềm khổ đau, tang thương đến muôn đời. Tuy thế, nhưng mặc cho bão cuốn gió lay, thân cây bao giờ cũng vươn lên thẳng đứng, phải chăng đó cũng lại là một chứng minh của một tình yêu cao thượng và một tâm hồn thủy chung, trong sáng đến vô ngần.

Đên đốt thứ bảy thì ở thân cây trổ ra một buồng hoa. Hoa thơm tho tinh khiết, như tâm tình của người em đem dâng hiến cho đời. Rồi hoa kết thành quả, những quả hình thuông tròn màu xanh, ấy là sự kết tinh của tình yêu và cũng là của niềm đau khổ. Mùa qua mùa, cứ mỗi khi một tàn lá rụng xuống thì một buồng hoa, rồi sau đó, một buồng quả, xuất hiện.

Quanh năm gió đùa, nhưng chẳng mấy khi thân cây nhúc nhích. Chỉ có những tàn lá khẽ mỉm cười, nhưng ngắm cho kỹ, thì đấy lại là cái cười ở trong niềm khổ hạnh ...

Hai vợ chồng người anh thấy em đi mãi không về, càng chờ lâu lại càng thêm sôta ruột. Hai, ba ngày rồi cả một tuần (10 ngày), vẫn tịnh không thấy có tin tức gì, nỗi sốt ruột đã trở thành một niềm dày vò và ân hận.

Người anh nhớ lại những tháng ngày êm đềm chỉ có hai anh em với nhau, thì thầm trách mình làm sao đã vội lấy vợ.

Sự dày vò càng tăng thêm khi người anh ôn lại những lời dặn dò của người cha trước lúc qua đời. Phải chi anh em suốt đời chung sống, bảo ban chăm sóc cho nhau!

Dẫu có người vợ đẹp ở bên cạnh, nhưng người anh vẫn luôn luôn cảm thấy buồn phiền. Nỗi buồn phiền, càng lâu càng thêm chua chát, bởi vì bao nhiêu năm anh em gắn bó, không thể bỗng chốc có thể nguôi quên. Hình ảnh người em luôn luôn hiện diện đầy đủ trong tâm trí người anh, như một nỗi dày vò và như một lời trách cứ.

Đến một lúc không còn chịu đựng được nữa cũng là theo lời khuyên của người vợ, người anh đã lên đường đi tìm người em.

Chàng đi mãi, đi mãi, vừa đi vừa dò hỏi tin tức, và mỗi khi nhận được tín hiệu, chàng lại mãi miết lên đường.

Chàng ân hận không cân nhắc kỹ trước khi lấy vợ. Và khi lấy vợ rồi thì có phần lơ là trước tình cảm anh em. Phải chi con người chàng có thể tách ra làm hai được!

Trước kia, đã có lúc chàng nghĩ sẽ phải làm cho em ngôi nhà mới, rồi lấy vợ cho em, nhưng sỡ dĩ còn lần chần là do chàng cho rằng làm như thế em chàng sẽ cảm thấy bị hất hủi. Hai anh em từ bé đã gắn bó với nhau, đến nỗi bây giờ, bất cứ dấu hiệu nào của sự chia cắt cũng làm cho họ đau đớn. Vừa đi người anh vừa nghĩ đến em chàng chẳng may có mệnh hệ nào thì chính chàng sẽ phải gánh chịu trách nhiệm. Chàng muốn suốt đời được che chở, chăm sóc cho em.

Và chàng vẫn đi, đi mãi, không ăn, không uống, và cũng không dừng nghỉ ở bất cứ nơi nào.

Khi trước mặt chàng là con sông rộng nước chảy xiết thì người hiểu rằng em chàng cũng đã đi tới nơi này. Không một bóng người, không một con đò, xung quanh lặng ngắt như tờ và người anh bỗng hiểu ra em mình đã chẳng còn sống ở trên đời này nữa. Một nỗi xót xa ân hận nặng như trái núi, khiến cho chàng đổ vật xuống bên cạnh gốc cây, hai tay bám riết vào thân cây nhhư thể cầu mong một sự chia sẻ, một nơi nương tựa. Cứ như thế chàng khóc than cho nỗi niềm cay đắng của lòng mình. Đến một lúc, hai mắt chàng mờ đi, mọi giác quan cũng hoàn toaon vô cảm. Trái tim chàng chỉ còn thoi thóp đập trong giây lát rồi tắt lịm dần, và chàng đã về với cõi vĩnh hằng.

Người anh chết mà không bày tỏ được nỗi oan khuất của mình. Trên trời, những áng mây trôi, những cánh chim bay liệng ... Mây và chim chẳng phải vô tình. Cả đất trời cũng đều chứng giám cho tấm lòng yêu thương người em và sự ân hận của chàng.

Mấy ngày sau, ở dưới gốc cây chỗ chàng ngồi, có một dây leo từ đất mọc lên. Dây quấn quýt lấy gốc cây và cứ thế, vươn lên mãi. Từ mỗi đốt dây, một cuống lá chìa ra, và ở đầu mút, là một phiến lá hình tim xanh rờn. Lá có những đường gân đều đặn tựa như mạch máu dẫn máu đi nuôi cơ thể.

Nhìn cái cách dây cuốn lấy cây, ai cũng cho tạo hóa chẳng thực vôt tình. Đất trời linh thiêng đã cho anh em họ vĩnh viễn gắ bó với nhau.Tình cảm của người anh đối với người em còn được biểu hiện bởi nhữg phiến lá hình tim, cũng như thể muốn được nói lời giải bày với muôn đời hậu thế ...

Người vợ sau khi khuyên chồng ra đi tìm em thì ở nhà đêm ngày đứng ngồi không yên. Càng ngóng đợi càng thấy mất tăm hơi, chẳng có ai trở về, khiến nàng một mình thui thủi. Khi sự ngóng đợi đã hoàn toàn vô vọng thì nàng quyết định ra đi tìm chồng, tìm em, và nàng cũng đi mãi, đi mãi. Vừa đi nàng vừa dò hỏi tin tức và khi thấy ai mách bảo điều gì, nàng lại mãi miết lên đường.

Trong tâm trí nàng vẫn in rõ nét hình ảnh của cả hai người và đinh ninh rằng số phận sẽ không thể nào chia cắt họ được.

Nàng chẳng dấu lòng mình, trước kia có cảm tình với cả hai, vì không phân biệt được ai là anh ai là em trong số họ. Tuy nhiên, khi đã lấy chồng thì tình cảm của nàng hoàn toàn phân minh, và mọi cử chỉ, lời nói của nàng đều rất đúng mực, đàng hoàng, chẳng có thể chê trách hay nghi ngờ một điều gì. Những khi nhầm lẫn thì chỉ do nàng vô tình chứ tuyệt nhiên không có sự lẫn lộn về tình cảm.

Nàng rất yêu thương chồng, nhưng cũng hiểu cả tâm trạng của người em. Ôi! Làm sao nàng có thể tách mình ra làm hai được!

Nàng cũng bàn với chồng làm nhà rồi cưới vợ cho em, nhưng chẳng lẽ chồng nàng chưa nói gì thì làm sao nàng có thể nói ra điều ấy trước được?

Nàng không nói còn bởi vì nàng biết bao nhiêu năm nay anh em họ gắn bó với nhau, nếu nàng nói trước e sẽ làm tổn hại đến tình cảm của cả hai người.

Nàng tự trách mình đã là nguyên nhân để cho người em phải bỏ nhà ra đi, cũng là nguyên nhân để anh em họ đi đến chỗ phải chia lìa. Chao ôi! Số phận mới thực nghiệt ngã làm sao!

Nàng vẫn mãi miết bước đi, vừa dò đường, vừa theo sự chỉ dẫn của những người nàng gặp. Đến khi trước mặt là con sông rộng, nước chảy cuồn cuộn thì nàng hiểu rằng thì sự tìm kiếm của mình chỉ là vô ích. Tuyệt vọng, nàng ngồi bệt xuống bờ sông, lưng dựa vào gốc cây, và để mặc cho nỗi cô đơn vò xé trái tim mình.

Mặt trời lơ lửng ở trên cao, tỏa xuống ánh nắng chói chang, cảnh vật xung quanh hoàn toàn tĩnh lặng. Không ăn, không uống, nàng ngồi tựa vào gốc cây, lú đầu còn ngắm nhìn những phiến lá hình tim, rồi sau đó thì lả dần cho đến khi hơi thở biến mất và trái tim cũng ngừng hoạt động.

Nàng đã chết trong nỗi niềm xót xa cay đắng và mang nặng mối tình chồng chất, chẳng bao giờ có thể nát tan. Thân thể nàng biến thành khối đá, nằm ở ngay dưới gốc cây có dây eo quấn quýt, như thể chứng kiến và cũng như thể một sự giãi bày với muôn đời hậu thế tấm lòng thủy chung son sắt của mình ...

Thời ấy, vua Hùng thường dẫn một tốp quân sĩ đi thăm thú các nơi, vừa nhìn ngắm giang sơn mà cũng vừa để tìm cách khai khản đất đai và tìm hiểu thâm những giống cây cỏ lạ.

Một hôm, nhà vua cùng đoàn tùy tùng đi đến dòng sông, đã dừng lại ở chính nơi có phiến đá, cây thân thẳng và chùm dây leo quấn quýt. Thấy sự lạ, Ngài suy ngẫm hồi lâu, rồi sai người trèo lên cây hái vài quả xuống.

Ngài dùng dao tước vỏ rồi bổ quả ra lấy một miếng, đưa lên miệng nhấm thử. Tiện tay, Ngài bứt một lá dây leo vì cho rằng chúng có liên hệ chi đây. Ngài xé ra một mảnh lá, rồi cũng đưa lên miệng nhai lẫn với miếng quả. Ngài thấy nơi đầu lưỡi có vị cay cay và trong người có cảm giác lâng lâng thật dễ chịu. Cái rét xung quanh cũng tự nhiên như biến đi đằng nào. Vừa nhai Ngài cũng vừa nhận ra một mùi thơm thoang thoảng, hoàn toàn thích hợp với khẩu vị và thể trạng của mình.

Tuy nhiên, do thận trọng, Ngài không muốn lấy nước trong khi nhai, mà nhổ xuống ở bên cạnh. Bãi nhổ ấy không ngờ lại rơi trúng vào phiến đá ...

Do dãi dầu lâu ngày ở dưới nắng gắt, vì cây và dây leo bây giờ đã lên cao, chỉ che mát được trong chốc lát, nên trên mặt phiến đá có một lớp bụi trắng mờ. Khi bãi nhổ của nhà vua rơi xuống thì lạ thay, trên mặt phiến đá, lớp bụi trắng biến mất và thay vào đó, là một vệt màu hồng tươi.

Tất cả mọi người nhìn thấy đều hết sức sửng sờ, kinh ngạc. Nhà vua, tuy cũng ngạc nhiên như mọi người, nhưng Ngài còn cảm thấy từ khi ăn xong miếng quả và thứ lá lạ, Ngài thấy trong người nóng bừng lên cùng lúc với cảm giác lâng lâng thoang thoáng, còn sau đó, tuyệt nhiên chẳng thấy dấu hiệu của sự xấu nào ở trong người mình.

Yên trí rằng đây là thứ quả và lá có thể ăn được nên Ngài sai một người lính trèo lên hái cả buồng quả xuống. Lại sai một người lính khác hái những lá đã già của chùm dây leo. Rồi Ngài bảo mọi người mang các thứ ấy cùng quay trở lại, cho người tìm các già làng xung quanh đến để hỏi han sự thể xem sau.

Đêm cuối thu buông xuống, khi trời có vẻ lạnh. Sau khi cùng mọi người ăn uống xong, nhà vua sai đốt một đống lửa rồi ném vào trong đó mấy mẩu đá. Các bô lão trong vùng, theo lịnh triệu tập của nhà vua, lúc này cũng đang có mặt ở xung quanh đống lửa sưởi.

Sau khi nghe mọi người kể lại lịch của hai anh em và cô gái, từ lúc họ khôn lớn, rồi cha mẹ chết, đã đi học và lấy vợ lấy chồng ra sau, lại nghe kể về sự biến mất của cả ba người ở ven dòng sông và sự xuất hiện của phiến đá cùng hai thứ cây kỳ lạ mọc lên từ đấy, nhà vua ngồi trầm ngâm suy nghĩ một lúc thì đứng dậy, thong thả từng lời:

- Tình cảm của con người ta thật là sâu nặng, nên đã cảm ứng tới cả đất trời. Từ nay về sau tất cả mọi người hãy đều ghi nhớ: Anh em đối xử với nhau phải thật hòa thuận, vợ chồng đối xử với nhau phải thật thủy chung, như tấm gương của hai chàng trai và cô gái để lại ...

Nói đoạn, nhà vua sai khều mấy mẩu đá ở trong đống lửa ra bảo ném vào trong một bình nước. Ngài lại sai bổ quả cây, chia cho mỗi người một miếng. Lá dây leo, Ngài sai quết vôi từ bình nước khi nãy vào, rồi cũng chia đều cho mọi người. Xong xuôi đâu đấy, Ngài bảo mọi người cùng nhau đưa lên miệng ăn thử cùng với Ngài, để ghi nhớ vào trong lòng những đạo lý tối cần, đã được trời đất chứng minh và ban tặng.

Lạ thay, vừa ăn mọi người vừa tấm tắc khen ngon. Sắc mặt ai cũng đều hồng hào, hai làn môi đỏ thắm, và trong người nóng bừng lên như có hơi men. Cùng lúc, một mùi hương cay nồng thoang thoảng bay ra trong bầu không khí ở khắp bốn xung quanh.

Ăn xong, mọi người trò chuyện với nhau cho mãi tới khuya. Tất cả đều cho rằng đây là một phong tục tốt cần được lưu truyền mãi mãi. Tuy thế, khi phải gọi tên của hai giống cây thì mọi người đã nghĩ không ra, còn khi bàn đến ý nghĩa của phong tục này, thì có người bảo "anh em hòa thuận", còn người khác lại bảo "vợ chồng chung thủy", còn người khác nữa thì cho rằng "có ý nghĩa cả hai".

Nhà vua lắng nghe lời bàn soạn của mọi người, Ngài suy nghĩ đăm chiêu ... rồi đứng dậy nói:

- Ta ngẫm đất trời sắp đặt cũng thật chu đáo, công phu. Từ nay trở đi, các cuộc tế lễ, các đám cưới xin, ma chay ... nhất nhất cũng đều phải có đủ cả ba thứ này. Trước là để tạ ơn trời đất, sau là để mọi người cùng hưởng và truyền nhau ghi nhớ những nền nếp tốt đẹp. ý nghĩa thì sâu xa như thế, nhưng để mọi người dễ nhớ, ta cho lấy tên của hai anh em để đặt cho hai giống cây, còn phong tục thì gọi tắt là tục " ăn trầu".

Theo lịnh nhà vua, giống cây và giống dây leo ở ven bờ sông kia, được mang đi ươm trồng ở khắp mọi nơi. Tục "ăn trầu" vì thế đã được lan rộng và lưu truyền cho mãi đến bây giờ. Tên của hai giống cây mọi người vẫn gọi như ngày xưa vua Hùng đã đặt. Đó là cây cau và dây trầu.

Về tên của cây cau, tuy có nhiều loại (cau thường, cau thuyền bè v.v ...), nhưng vẫn chỉ gọi là "cau", còn về dây trầu, tuy cũng có nhiều loại (trầu quế, trầu thường v.v ...), nhưng còn đệm thêm từ "không" ở đàng sau, là "trầu không". Điều ấy có thể "giải thích" như thế này chăng: Vì có nhiều người nghĩ người anh tuy có vợ mà cũng như ... chưa có, giống như dây trầu kia chỉ quấn lấy thân cau, nên mới có ý tứ bóng bẩy thêm vào một từ "không" ấy? Tuy vậy, cũng có thể nghĩ rằng "trầu không" là ngụ ý của lá trầu chưa quết vôi. Khi ăn trầu, người ta quết vôi vào trầu chứ không phải vào cau, điều ấy phải chăng còn hàm nghĩa chỉ mối quan hệ của vợ chồng của người anh chứ không phải người em và chị dâu?

Tân Lang là tên mà sau này, khi có chữ viết, các nhà nho và các vị chức sắc đã dùng để ghi chép về giống cây và giống dây leo ấy. "Tân Lang" là từ Hán đã căn cứ vào "trầu cau" là từ Việt.

Sách Lĩnh Nam chích quái chép Lang chết hóa thành cây cau, Tân hóa thành hòn đá, còn người con gái hóa thành dây trầu. Các sách khác, như Tình sử Việt nam, Mỹ ẩm tùy bút, Sử nam chí dị mà sau này Giáo sư Nguyễn Đổng Chi dựa vào kể để biên soạn mục Sự tích trầu, cau và vôi trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam thì cho rằng : Lang chết hóa thành đá, Tân thành cây cau, và người con gái thành dây trầu.

Chúng tôi cho rằng: Cách đặt các sách nói trên, tuy có khác nhau, nhưng bên nào cũng đều có những điểm khả thủ.

Riêng chúng tôi đặt như đã biên soạn ở phần trên, vì các lý do sau đây:

- Lang (người em) chết hóa thành cây cau: Biểu thị sự ngay thẳng, không ghen tức với ngưòi anh, không tìm cách ve vãn chị dâu (mặc dầu trước kia hai người đã có cảm tình).

- Tân (người anh) chết hóa thành dây trầu quấn quýt thân cau: Biểu thị của sự ôm ấp, chở che, thương yêu của người anh đối với người em. trầu lại có lá hình trái tim chìa ra bên ngoài, như thể một sự giãi bày ...

- Người con gái hóa thành tản đá: Vừa là vật chứng của cây và dây, cũng vừa là vật thử của hai thứ đó (làm cho trầu cau chuyển sang màu đỏ). Đá là biểu thị của khối tình không tan, cũng lại làbiểu thị của sự trong sáng (vì đá nào nung thành vôi cũng đều có màu trắng cả!)

Ngoài ra, chúng tôi còn nhận thấy, trong đời mỗi con người, tình cảm anh chị em ruột bao giờ cũng có trước tình cảm vợ chồng. Do vậy, để anh em quấn quýt lấy nhau (trầu cau) sẽ hợp lý hơn, vì nó có trước. Cách gọi này cũng phù hợp với tên gọi "trầu cau" quen thuộc từ trước đến nay, trong đó tên người anh đặt trước rồi đến tên người em. Các cách đặt mà trong đó tên của một trong hai chàng trai bị lẫn với tên của người con gái (như cho cô gái biến thành dây trầu), chúng tôi nhận thấy còn chưa thỏa đáng.

Vả lại, nếu cho rằng người anh sau khi lấy vợ đã hắt hủi người em đến nỗi người em phải bỏ nhà ra đi, rồi người anh hối hận đi tìm, như tác giả Sự tích trầu, cau và vôi đã biên soạn, thì hỏi còn đâu là tình cảm "anh em hòa thuận" nữa?

Hơn nữa, nếu người em biến thành tảng đá, cứ chứng kiến cảnh vợ chồng người anh quấn quýt như dây trầu xung quanh thân cau, thì há phải chăng trớ trêu lắm sao? Tục ăn trầu, nếu đúng như vậy (em là đá, anh là cau, vợ là trầu) thì thử hỏi, còn đâu là ý vị?