Ba giờ chiều, mưa giông gào thét. Từng giọt mưa nặng nề đổ xuống mặt đất, nước mưa cuốn trôi bụi bẩn đi xa. Mưa gầm rú, gió giật ầm ầm. Tiếng gió như tiếng oan hồn đòi nợ nhân gian. Mấy cây cổ thụ đầu làng bị gió thổi ào ào, những nhánh cây đung đưa va vào nhau kêu lạo xạo. Có vài thân cây nhỏ đã bị gió bứt gốc.
Đây là trận mưa lớn nhất mà người dân làng Tây An từng thấy. Mọi người, từ bé đến lớn đều trốn trong nhà, không ai lại muốn bước ra ngoài trong thời tiết thế này.
Chính vì vậy, không ai thấy được cô Sáu đang lầm lũi bước đi trong mưa. Dáng cô nghiêng ngã vì phải cố gắng chống chọi với những hạt mưa đang rơi đau buốt trên da thịt, còn cơn gió thì như chỉ muốn thổi bay cô ra tận cuối thôn.
Cô Sáu rất đẹp, cái đẹp của người phụ nữ đã quá lứa lỡ thì đương nhiên không sánh được với những thiếu nữ đôi mươi. Nhưng ở cô toát lên sự mặn mà của một người đàn bà đúng nghĩa.
Đây là lời nói mà mấy người khách thường rỉ tai nhau tại quán rượu của cô. Đặc biệt là mỗi khi vụ mùa kết thúc, lúc đã ngấm mấy chén rượu nếp, thì lời nói đó càng thêm trắng trợn.
Mười lăm tuổi, cô Sáu đã nức tiếng xinh đẹp trong làng. Số lượng người đến quán chè của ngoại cô đã không sao đếm cho hết. Trai làng chỉ cần có thời gian rảnh, họ sẽ đến đó uống một chén chè, ngồi nhìn cô Sáu say mê.
Nhưng, lời yêu của đàn ông có hoàn mỹ đến đâu, đó cũng chỉ là cát bụi. Một cơn gió thoáng thổi qua, cát bụi sẽ hóa hư vô.
Bọn họ có thể rất yêu cô Sáu, có thể vì cô mà trèo đèo lội suối, lên dốc vượt chông. Nhưng nực cười thay, họ lại không thể vì cô mà cãi lại lời ngăn cấm của mẹ cha.
Vợ đẹp là vợ người ta, vợ xấu là vợ mình. Dạng con gái mở quán bán hương, mấy ai lại chung thủy. – Đến tận ngày nay, cô Sáu vẫn còn nhớ như in những lời nhận xét đó.
Cô Sáu hận, cô hận cái xã hội bất công hạn chế quyền yêu của người phụ nữ. Cô hận tính cách cào bằng của con người chỉ biết đè ép kẻ hơn.
Năm đó, cô cũng từng yêu. Cái tình yêu khắc cốt ghi tâm, thề sống thề chết. Cô cũng từng ảo tưởng về một tương lai không xa, một mái nhà tranh hai quả tim vàng. Nhưng, ước mơ của cô rồi cũng vỡ vụn theo từng tiếng pháo. Ngày ấy, đám cưới của anh rộn ràng khắp chốn, người ta nói nói cười cười chúc mừng đôi uyên ương. Liệu còn có ai cảm thông cho một cô gái bán chè bên cây đa cổ.
Ngoại mất, cô Sáu vẫn quyết tâm ở lại quán nhỏ. Quán chè ngày nào được cô đổi thành quán rượu, hương rượu say mê quấn quít lòng người. Rượu cũng như yêu, uống một ly tình nồng mật ý, uống hai ly thoát khỏi bể khổ trần gian, cạn ba ly là vạn kiếp bất phục.
Một năm, hai năm, ba năm... trôi qua, cô Sáu vẫn cùng quán rượu nhỏ quấn quít. Cô đã không còn nghĩ đến việc lấy chồng, hay rằng cô đã quên mất rằng mình cũng có quyền được hưởng hạnh phúc.
- Oa, oa, oa...
Tiếng khóc vang lên giữa cơn giông, âm thanh được gió mang đi rãi đầy các ngõ.
Cô Sáu vội vàng lấy khăn bao bọc lại đứa nhỏ trong lòng.
Đây là con của cô Sáu, là kết tinh tình yêu của cô và một người đàn ông trong thôn – là người đã bỏ rơi cô năm ấy.
Thế nhưng, đây lại là kết tinh của tội lỗi.
Cô Sáu mang tội vì chưa chồng đã có con, vì dám xen vào tình yêu của một gia đình. Người đàn ông đó mang tội vì đã có vợ mà còn trăng hoa, làm tổn thương tấm lòng của một người phụ nữ.
Cho nên, sự xuất hiện của đứa bé này là tội lỗi.
Đứa bé – một sinh linh vừa chào đời, nó không có quyền lên tiếng cho quyền lợi của bản thân. Bọn họ rong rủi theo đam mê, nhưng cuối cùng chính nó phải là người gánh tội.
Bước chân cô Sáu chậm dần rồi dừng hẳn, bên cạnh cô là miệng Giếng cổ lâu năm. Cái giếng này đã có từ lúc xa xưa, từ lúc cô còn bé thơ vẫn đi theo ngoại lấy nước dưới lòng giếng.
Nước giếng đã nuôi lớn bao đời người dân bản xứ. Dòng nước đã chứng kiến bao sự đổi thay của nhân gian. Giờ đây, dòng nước ấm áp ấy đang bao bọc lấy một sinh linh.
- Mẹ xin lỗi...
Cô Sáu nghẹn ngào nhìn đứa con lần cuối, thân hình con đã chìm trong dòng nước đen.
Tiếng khóc của cô vang vang trong tiếng gió hét gào. Tiếng khóc thê lương của một người mẹ mất con, của một người vợ mất chồng, của một người con gái mất đi niềm tin đã có.
Cô Sáu cho rằng đứa bé là kết tinh của tội lỗi, nhưng không ai biết rằng: Thật ra, đứa bé là kết quả của sự vô tâm.
Người cha vô tâm không biết khống chế bản thân, làm tổn thương hai người phụ nữ, để rồi rũ bỏ trách nhiệm khiến nó và mẹ bơ vơ. Người mẹ vô tâm không biết lo cho tương lai, chỉ biết thả mình trong đam mê tình yêu không lối thoát, để rồi khi nó ra đời thì lại sợ hãi, dè chừng mà bỏ mặc nó; thậm chí vì ích lợi của bản thân mà nỡ nhẫn tâm hủy bỏ đi quyền sống của con ruột mình.
Đứa bé hận, hận cha bạc tình bạc nghĩa, hận mẹ tán tận lương tâm. Hận người đời vô tâm chỉ biết đứng kế bên chê bai nhục mạ, thử hỏi có ai từng đứng lên bảo vệ quyền lợi của một kẻ trắng tay.
Nỗi hận thù như nước thủy triều dâng, như kênh đào vỡ lũ. Một kẻ chưa từng được dạy cách yêu, đã phải học cách hận. Hận thù như mạng nhện quấn thân, càng vùng vẫy sẽ càng dính chặt.
Nước dâng qua thân, dâng qua đầu, cuối cùng nhấn chìm thân mình nhỏ bé. Mỗi một lần hít thở là một lần đau, sự lạnh lẽo và bơ vơ hỏi ai có thể chia sẻ?
Đứa bé muốn khóc nhưng không thành tiếng, muốn kêu lại chẳng thành lời, chỉ có thù hận là thoát ra, thấm nhập vào từng giọt nước.
Sự hận thù thấm đượm dòng nước giếng thiêng liêng, người ta có thể vớt được xác đứa bé lên, nhưng ai có thể vớt được sự hận thù của nó dưới lòng giếng?
Cứ thế, ngày qua ngày, người ta vẫn uống. Uống thứ nước đã bao đời nuôi sống từng thế hệ dân làng. Hôm nay, trong dòng nước ấy còn chứa đựng: sự hận thù của một sinh linh vừa mới chào đời và sự vô tâm của con người.
Nước thấm qua kẽ đất, men theo mạch nguồn, gieo rắc sự vô tâm lên toàn xã hội.