Chương 13: Chương 12

Tôi có thể kể chính xác với bạn ngày tôi không còn lòng dũng cảm nữa.

Đó là gần bảy năm trước, vào những ngày cuối cùng nóng nực, trễ nải của tháng Bảy, khi những con phố nhỏ quanh lâu đài chật ních du khách, không gian đong đầy tiếng bước chân ngập ngừng của họ và tiếng rộn ràng của những chiếc xe tải bán kem xếp hàng thường trực trên đỉnh đồi.

Bà ngoại tôi mất một tháng trước đó sau thời gian dài đau ốm, thế nên choàng lên mùa hè năm ấy là nỗi u sầu dìu dịu; nó nhẹ nhàng bao phủ lên mọi việc chúng tôi làm, dập tắt tính ưa hò la sinh sự của chị em tôi, trì hoãn lịch trình quen thuộc của mùa hè với những kỳ nghỉ ngắn ngày và những buổi đi chơi. Mẹ tôi đứng hầu như cả ngày bên chậu giặt, lưng bà căng lên với nỗ lực ngăn dòng nước mắt, còn bố thì sáng nào cũng đi làm với vẻ mặt tư lự, nhiều tiếng sau lại về nhà với khuôn mặt bóng nhẫy vì cái nóng và chừng nào còn chưa mở bia thì chưa cất nổi nên lời. Em gái tôi ở nhà nhân dịp nghỉ hè năm nhất đại học, đầu óc nó đã để ở đẩu đâu xa lắc thị trấn nhỏ của chúng tôi. Tôi hai mươi tuổi, ba tháng sau thời điểm này tôi sẽ gặp Patrick. Chúng tôi đang thưởng thức một trong những mùa hè hiếm hoi được tự do tuyệt đối - không gánh nặng tài chính, không nợ nần, không nợ thời gian bất kỳ ai. Tôi có một công việc thời vụ, và có vô khối thời gian để thực tập trang điểm, đi đôi giày cao gót làm bố tôi nhăn cả mặt, và về cơ bản đã hiểu được mình là ai trên đời.

Những ngày ấy, tôi ăn mặc bình thường. Hay nói đúng hơn, tôi ăn mặc như bao cô gái khác trong thị trấn - tóc dài chấm ngang vai, quần Jean màu chàm, áo phông bó vừa đủ để khoe vòng eo bé tí và bộ ngực nhô cao. Chúng tôi dành hàng giờ để hoàn thiện kỹ thuật tô son bóng và đánh đúng màu khói cho mắt. Trông chúng tôi điểm nào cũng đẹp, thế nhưng chúng tôi vẫn cứ càm ràm suốt ngày về điểm sần không tồn tại và tì vết chẳng thấy đâu trên da dẻ.

Tôi có nhiều ý tưởng. Những thứ tôi muốn làm. Một anh chàng tôi quen ở trường đã chu du vòng quanh thế giới, để rồi khi trở về trông cậu ta thật khác biệt và lạ lẫm, như thể cậu không phải là cái thằng nhóc mười một tuổi còm nhom chuyên trị thổi bong bóng nước bọt trong suốt hai tiết tiếng Pháp. Tôi đã đặt một chuyến bay giá rẻ tới Úc trong phút bốc đồng, và cố tìm người có thể đi cùng mình. Tôi thích vẻ ngoại lai mà những chuyến đi khoác lên con người cậu ấy, sự xa lạ. Cậu ấy đã mang tới những làn gió nhẹ của một thế giới rộng lớn hơn, và điều đó tạo nên nét quyến rũ lạ lùng. Nói cho cùng, mọi người ở đây đều biết tường tận về con người tôi. Và với một đứa em như em tôi, tôi không bao giờ được phép quên bất cứ điều gì về con người ấy.

Hôm đó là thứ Sáu, ngày hôm ấy tôi làm công việc hướng dẫn đỗ xe cùng với một nhóm bạn nữ học cùng trường cũ, chỉ dẫn cho du khách tới tham dự một hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ tổ chức trên sân của tòa lâu đài. Ấn tượng về ngày hôm đó là tiếng cười đùa râm ran, đồ uống có ga tu ừng ực dưới mặt trời nóng rẫy, bầu trời xanh ngăn ngắt, ánh nắng xuyên qua những bức tường thành có lỗ châu mai. Hôm đó chẳng có vị du khách nào không mỉm cười với tôi. Làm sao họ có thể không mỉm cười với những cô gái vui vẻ, luôn cười rúc rích cơ chứ. Chúng tôi được trả ba mươi bảng, và vì quá hài lòng với số người tham dự nên nhà tổ chức đã cho mỗi đứa chúng tôi thêm năm bảng. Chúng tôi ăn mừng bằng một chầu say xỉn cùng mấy cậu trai đã làm việc ở bãi đỗ xe phía xa bên cạnh khu đón khách. Họ ăn nói lịch sự, mặc áo polo chơi bóng bầu dục, mái tóc mềm mại. Một cậu có tên là Ed, hai trong số họ đã vào đại học - giờ tôi vẫn chẳng nhớ ra là trường nào - và họ cũng đang đi làm để kiếm tiền vào kỳ nghỉ hè. Họ có rất nhiều tiền mặt sau cả một tuần làm phục vụ, thế nên khi chúng tôi cháy túi, họ rất vui khi được mua đồ uống cho những cô gái địa phương đã ngà ngà, luôn tay vuốt tóc, ngồi trên lòng nhau, không ngừng nô đùa rồi cười ré lên, và cứ gọi họ là quyền quý. Họ nói thứ tiếng rất lạ; họ nói về những ngày tháng bỏ học bỏ làm để đi du lịch, về những mùa hè ở Nam Mỹ, về du lịch bụi ở Thái Lan, về người đang cố thực hiện chuyến đi thực tập ở nước ngoài. Khi chúng tôi đang vừa uống vừa nghe kể chuyện, em gái tôi dừng lại bên quán bia ngoài trời, nơi chúng tôi đang nằm ngả ngốn trên cỏ. Nó mặc chiếc áo cũ rích cũ rơ và không trang điểm, và tôi quên bẵng mất lẽ ra tôi phải đi gặp nó. Tôi bảo với nó về nói bố mẹ là sau ba mươi tuổi tôi mới về nhà. Chẳng hiểu sao tôi thấy ý tưởng này buồn cười kinh khủng. Nó nhướng mày lên, rồi ngang nhiên bỏ đi như thể tôi là kẻ rắc rối nhất từng có mặt trên đời.

Khi quán Red Lion đóng cửa, tất cả chúng tôi đi vào ngồi giữa trung tâm mê cung của tòa lâu đài. Có đứa xoay xở bò qua cổng, sau khi va đụng tóe lửa và cười rũ rượi, tất cả chúng tôi đều tìm được đường vào chính giữa mê cung để ngồi đó uống rượu táo mạnh, trong khi đó có một đứa chuyền tay một điếu thuốc gai dầu tự quấn. Tôi nhìn chăm chú lên bầu trời đầy sao, cảm thấy mình như biến mất vào chiều sâu vô định của những vì tinh tú, mặt đất dập dềnh chao đảo quanh tôi như một boong tàu khổng lồ. Một người đang chơi guitar, tôi đi đôi giày cao gót sa-tanh hồng, tôi đá văng nó vào bụi cỏ rậm và chẳng bao giờ đi tìm lại. Tôi nghĩ hẳn mình đang làm chủ thế gian.

Phải nửa tiếng sau tôi mới nhận ra đám con gái đã đi hết.

Em gái tôi tìm thấy tôi, ở đó giữa trung tâm mê cung, một hồi sau, rất lâu sau khi mây đêm đã thế chỗ những vì sao. Tôi nói rồi đấy, nó rất thông minh. Quả tình là thông minh hơn tôi.

Nó là người duy nhất tôi từng biết có thể tìm đường ra khỏi mê cung đó một cách an toàn.

"Chuyện này sẽ khiến anh buồn cười cho xem. Tôi vừa làm thẻ thư viện."

Will đang ngập giữa bộ sưu tập CD của mình. Anh quay xe lại, chờ đợi cho tôi đặt xong ly nước xuống chỗ để ly trên xe. "Thật sao? Cô đang đọc gì."

"Tôi chẳng có gì sâu xa cả. Anh sẽ không thích nó đâu. Chỉ toàn chuyện trai gái quen nhau thôi mà. Nhưng tôi thích nó."

"Hôm nọ cô đã đọc cuốn của Flannery O'Connor." Anh uống một ngụm nước. "Bữa tôi bị ốm đó."

"Tập truyện ngắn ấy hả? Không tin nổi là anh để ý thấy nó đấy."

"Làm sao tôi không để ý thấy cho được. Cô để cuốn sách bên cạnh tôi. Tôi không cầm nó lên được."

"À."

"Thế nên đừng đọc những thứ vớ vẩn. Mang tập truyện của O'Connor về nhà. Thay vào đó hãy đọc nó."

Tôi định nói không, nhưng rồi nhận ra mình không biết chắc tại sao lại từ chối. "Được thôi. Đọc xong tôi sẽ mang trả ngay."

"Bật nhạc cho tôi nhé Clark?" "Anh muốn nghe gì?"

Anh bảo tôi tên CD, hất đầu chỉ vị trí áng chừng của nó, và tôi lục lọi cho tới khi tìm ra nó.

"Tôi có một người bạn chơi ở vị trí violin trưởng ở dàn nhạc giao hưởng Albert. Cậu ấy đã gọi báo rằng tuần tới cậu ấy sẽ chơi ở gần đây. Đoạn nhạc này đây. Cô biết nó không?"

"Tôi chẳng biết gì về nhạc cổ điển cả. Thỉnh thoảng bố tôi vô tình mở nhạc cổ điển trên đài FM, nhưng..."

"Cô chưa bao giờ đi nghe hòa nhạc hả?" "Chưa."

Trông anh thực sự kinh ngạc.

"À, thật tình tôi có đi xem Westlife một lần. Nhưng tôi không chắc như thế có được tính không. Đó là lựa chọn của em gái tôi. Ôi, tôi đã định đi xem Robbie Williams vào sinh nhật hai hai tuổi, nhưng tôi lại bị ngộ độc thức ăn."

Will nhìn tôi ánh mắt kinh điển ấy - ánh nhìn gợi ra ý nghĩ có lẽ thật tình tôi đã bị khóa trái trong ngục thất của ai đó suốt nhiều năm.

"Cô nên đi. Cậu ấy cho tôi vé. Buổi biểu diễn này hay lắm đấy. Đưa mẹ cô đi cùng."

Tôi bật cười và lắc đầu. "Tôi không nghĩ thế đâu. Mẹ tôi chẳng bao giờ đi chơi. Và đó cũng không phải lãnh địa của tôi."

"Cũng giống như phim có phụ đề không phải lãnh địa của cô chứ gì?"

Tôi cau có với anh. "Tôi không phải công trình của anh đâu Will. Cái này không phải My Fair Lady. "

"Pygmalion." "Gì cơ?"

"Buổi biểu diễn cô đang nói tới đó. Nó là Pygmalion. My Fair Lady chỉ là hàng con cháu tầm thường của nó thôi."

Tôi liếc nhìn anh. Chẳng ích gì. Tôi bật chiếc đĩa. Khi tôi quay lại, anh vẫn lắc lắc đầu.

"Cô đúng là kẻ hợm mình kinh khủng nhất, Clark." "Cái gì? Tôi ư?"

"Cô loại bỏ mọi loại trải nghiệm đó khỏi cuộc đời mình vì cô tự nhủ mình 'không thuộc kiểu người đó'." "Thì đúng là thế mà."

"Làm sao mà cô biết được? Cô chưa từng làm gì, chưa từng đi đâu. Làm sao cô có thể biết được dù chỉ chút xíu cô là kiểu người gì?"

Làm sao một người như anh hiểu chút gì về con người tôi. Tôi thấy gần như tức giận với anh vì cứ ngoan cố không chịu hiểu điều đó.

"Tiến lên. Mở mang trí óc của cô đi." "Không."

"Tại sao?"

"Vì tôi thấy không thoải mái. Tôi cảm thấy như thể... tôi cảm thấy như thể người ta sẽ biết."

"Ai? Biết cái gì?"

"Mọi người khác trên đời sẽ biết, rằng tôi không thuộc về những thứ đó." "Cô nghĩ tôi cảm thấy thế nào?"

Chúng tôi nhìn vào mắt nhau.

"Clark, giờ đây bất cứ nơi nào tôi tới người ta cũng nhìn tôi như thể tôi không thuộc về nơi đó."

Chúng tôi ngồi yên lặng khi nhạc nổi lên. Bố Will đang nói chuyện điện thoại trong sảnh, tiếng cười cố nén lan theo sảnh vào khu nhà phụ như thể đến từ một nơi xa lắm. Lối đi dành cho người tàn tật ở đằng kia, người phụ nữ ở cuộc đua ngựa đã nói thế. Như thể anh là một giống loài khác.

Tôi nhìn vào vỏ đĩa. "Tôi sẽ đi nếu anh đi cùng tôi." "Nhưng như thế đâu phải là tự cô đi."

"Không khác được."

Chúng tôi ngồi yên trong khi anh suy ngẫm chuyện này. "Chúa ơi, cô đúng là khó chịu thật đấy."

"Anh cứ việc nói thế đi."

Lần này chúng tôi không lên kế hoạch. Tôi không mong đợi gì. Tôi chỉ âm thầm hy vọng rằng sau thất bại ở chuyến đi xem đua ngựa, Will vẫn sẵn sàng ra khỏi khu nhà phụ. Bạn anh, người nhạc công, gửi vé miễn phí cho chúng tôi như đã hứa, kèm theo một tờ bướm ghi thông tin địa điểm biểu diễn. Nơi đó cách nhà Will bốn mươi phút lái xe. Tôi chuẩn bị sẵn mọi thứ từ nhà, kiểm tra nơi đỗ xe dành cho người tàn tật, gọi trước cho nhà hát để nắm được cách thuận tiện nhất để đưa xe lăn vào ghế của Will. Họ sẽ cho chúng tôi ngồi trước, tôi ngồi ở ghế gấp bên cạnh Will.

"Đó thực sự là chỗ ngồi tốt nhất đấy," người phụ nữ ở phòng vé vui vẻ nói. "Khi ngồi ở sàn nhà hát, ngay cạnh ban nhạc, cô sẽ thấy âm nhạc tác động mạnh mẽ hơn. Tôi vẫn luôn khao khát được ngồi ở đó."

Cô thậm chí còn hỏi chúng tôi xem liệu chúng tôi có muốn có người tới gặp chúng tôi trong bãi đỗ xe để giúp chúng tôi tới chỗ ngồi không. Sợ rằng Will sẽ cảm thấy người ta quan tâm quá đáng, tôi cảm ơn cô rồi bảo không cần.

Khi buổi tối đó tới, tôi không biết ai trở nên căng thẳng hơn ai, Will hay là tôi. Tôi còn cảm nhận rõ nỗi thất bại của chuyến đi chơi gần đây. Bà Traynor thì chẳng giúp đỡ gì, cứ đi ra đi vào khu nhà phụ tới mười bốn lần để xác nhận buổi biểu diễn sẽ tổ chức ở đâu, khi nào, chính xác thì chúng tôi cần gì.

Sinh hoạt buổi tối của Will phải thực hiện đầy đủ vào một lúc nào đó, bà nói. Bà cần đảm bảo có người ở đấy để giúp đỡ. Nathan thì có việc riêng rồi. Ông Traynor rõ ràng lại đi chơi tối. "Ít nhất nó cũng phải mất một tiếng rưỡi," bà nói.

"Và nó sẽ chán kinh hồn," Will nói.

Tôi nhận ra anh đang kiếm cớ thoái thác để khỏi phải đi. "Tôi sẽ làm việc đó," tôi nói. "Nếu Will cho tôi biết phải làm gì. Tôi không phiền nếu phải ở lại giúp đỡ đâu." Tôi nói ra câu đó trước khi kịp nhận ra mình đang đồng ý làm việc gì.

"Ồ, đó là điều mà cả hai chúng ta đều mong đợi đấy," Will nói nhát gừng, sau khi mẹ anh đã đi ra. "Cô thấy hết mông má của tôi, còn tôi thì được tắm trên giường bởi một cô nàng mà vừa nhìn thấy da thịt trần trụi thì đã chết ngất."

"Tôi đâu có chết ngất khi thấy da thịt trần trụi."

"Clark, tôi chưa thấy ai thiếu thoải mái với cơ thể con người như cô. Cô làm như thể nó là phóng xạ không bằng."

"Vậy thì để mẹ anh làm đi," tôi phản pháo.

"Được thôi, vì như thế sẽ khiến toàn bộ ý tưởng ra ngoài đi chơi quyến rũ hơn nhiều."

Rồi lại còn vấn đề với tủ quần áo. Tôi chẳng biết phải mặc gì.

Bữa đi xem đua ngựa tôi đã mặc không hợp lý. Làm sao tôi dám chắc tôi sẽ không mắc lại lỗi đó lần nữa? Tôi hỏi Will mặc gì là tốt nhất, anh nhìn tôi như thể tôi bị điên. "Đèn sẽ tắt," anh giải thích. "Chẳng ai nhìn cô đâu. Người ta tập trung vào âm nhạc."

"Anh chẳng biết tí gì về phụ nữ cả," tôi nói.

Cuối cùng khi đi làm tôi mang theo bốn bộ đồ khác, nhét tất cả vào cái giỏ đựng suit của bố rồi tống lên xe buýt. Rốt cuộc đó là cách duy nhất tôi có thể thuyết phục mình đi.

Nathan tới vào buổi trà chiều lúc năm giờ rưỡi, và trong khi ông để mắt đến Will, tôi chui vào phòng tắm để chuẩn bị. Đầu tiên, tôi mặc vào bộ đồ mà tôi nghĩ đúng "gu" của mình nhất, chiếc đầm suôn màu xanh có đính những viên cườm bự chảng màu hổ phách. Tôi tưởng tượng kiểu người đi nghe nhạc chắc hẳn phải âm thầm toát ra vẻ nghệ thuật và khoa trương. Will và Nathan cùng nhìn chằm chằm khi tôi bước vào phòng khách.

"Không," Will nói thẳng thừng.

"Trông bộ đó như đồ của mẹ tôi ấy," Nathan nói.

"Sao chưa bao giờ ông nói mẹ ông là ca sĩ Nana Mouskouri nhỉ," Will đế thêm.

Tôi nghe rõ tiếng hai người họ cười khùng khục khi tôi chui trở vào phòng tắm.

Bộ thứ hai là chiếc đầm đen tuyền - cắt chéo, đính cổ và nẹp tay màu trắng - mà tôi tự may lấy cho mình. Trông nó vừa sang trọng vừa ra dáng người Paris, ấy là tôi nghĩ thế.

"Trông cô như chuẩn bị đi bán kem không bằng," Will nói.

"Ôi, cô bạn, dù sao cô cũng sẽ thành người phục vụ tuyệt vời đấy," Nathan tán thành. "Mặc bộ đó vào ban ngày thì không sao đâu. Thật đấy."

"Ông sẽ phải đề nghị cô ấy lần tới phủi bụi diềm váy đi rồi hãy mặc." "Cậu nói phải, cái đầm hơi bụi đấy."

"Hai người," tôi nói. "Ngày mai trong trà của cả hai sẽ có nước lau nhà Mr Muscle cho xem."

Tôi bỏ qua bộ đồ thứ ba - chiếc quần ống rộng màu vàng - vì biết trước thể nào Will cũng liên tưởng tới chú gấu Rupert, và thay vì thế mặc vào lựa chọn thứ tư, chiếc đầm vintage vải sa-tanh đỏ đun. Nó được may cho một thời đại tiết kiệm hơn, và tôi luôn phải thầm cầu nguyện rằng tôi có thể kéo khóa qua eo, nhưng nó cho tôi vóc dáng của một ngôi sao trẻ thập niên 1950, và nó là chiếc đầm "thắng lợi", một bộ đồ mà khi mặc ta không thể không cảm thấy mình đẹp. Tôi khoác chiếc áo FH màu bạc qua vai, quàng tấm khăn lụa màu xám quanh cổ để che khe ngực, thoa chút son tiệp màu, rồi bước ra phòng khách.

"Oa oa," Nathan kêu lên tán thưởng.

Mắt Will lướt lên lướt xuống bộ đầm của tôi. Tới lúc đó tôi mới nhận ra anh đã thay áo sơ-mi và suit. Râu cạo nhẵn, mái tóc đã cắt gọn gàng, trông anh đẹp trai kỳ lạ. Tôi không thể không nở nụ cười khi nhìn thấy anh như thế. Không phải vì ngoại hình của anh; mà đó là vì anh đã cố gắng.

"Chiếc này được rồi," anh nói. Giọng anh vô cảm và đều đều một cách kỳ cục. Khi tôi cúi xuống chỉnh viền áo, anh nói thêm, "Nhưng bỏ áo FH ra."

Anh nói đúng. Tôi biết nó không thật phù hợp. Tôi cởi nó ra, gấp cẩn thận rồi đặt lên thành xe lăn.

"Cả cái khăn nữa."

Tôi giật tay lên cổ. "Cái khăn? Tại sao?"

"Nó không phù hợp. Trông cứ như thể cô đang cố giấu cái gì phía sau nó vậy."

"Nhưng tôi... ừm, nếu không quàng khăn tôi sẽ lộ hết khe ngực."

"Thế thì sao?" anh nhún vai. "Nghe này, Clark, nếu cô định mặc loại váy này, cô cần phải mặc nó với lòng tự tin. Cô cần phải đong đầy nó bằng cả thể xác lẫn tinh thần."

"Trên đời chỉ có anh, Will Traynor, là bảo phụ nữ cách mặc một chiếc đầm đỏ."

Nhưng tôi bỏ cái khăn ra.

Nathan đi xếp túi đồ cho Will. Tôi đang nghĩ xem nên nói thêm gì về cái tính kẻ cả quá quắt của anh, thì khi quay lại tôi thấy anh vẫn đang nhìn tôi.

"Trông cô tuyệt lắm, Clark," anh nói khẽ. "Rất đẹp."

Tôi đã quan sát mấy phản ứng thường gặp của những người bình thường - những người mà có lẽ Camilla Traynor sẽ gọi là người thuộc "tầng lớp lao động" - khi nhìn thấy Will. Đa số sẽ nhìn chằm chằm. Số ít sẽ mỉm cười tội nghiệp, biểu lộ sự thương cảm, hoặc hỏi tôi với giọng thì thầm như trên phim xem chuyện gì đã xảy ra. Tôi thường rất muốn được đáp lại rằng, "Nhân viên Cơ quan Tình báo MI6 không may bị lộ," chỉ để xem phản ứng của họ, nhưng tôi chưa bao giờ nói thế.

Còn với tầng lớp trung lưu thì thế này. Họ vờ như không nhìn, nhưng thực chất lại có nhìn. Họ quá lịch sự nên không nhìn chằm chằm. Thay vì thế, họ làm một việc rất kỳ cục là bắt hình Will trong tầm mắt mình nhưng vẫn kiên quyết không nhìn anh. Cho tới khi anh đi qua hẳn, họ sẽ nhìn thẳng về phía anh, dù miệng vẫn tiếp tục trò chuyện với người khác. Nhưng họ không nói về anh. Vì như thế là quá thô lỗ.

Khi chúng tôi tới sảnh chờ nhà hát Symphony, nơi những nhóm người lịch thiệp đang đứng, tay này cầm túi xách và tờ chương trình, tay kia cầm ly gin và tonic, tôi thấy loại phản ứng này lướt qua họ như một đợt sóng nhẹ nhàng theo chân chúng tôi vào tận chỗ ngồi. Giờ đây khi nghĩ lại, tôi không biết Will có để ý không. Đôi khi tôi nghĩ cách duy nhất để anh đối phó với điều đó là vờ như chẳng thấy gì.

Chúng tôi ngồi xuống, hai người duy nhất ngồi phía trước khu ghế giữa. Bên phải chúng tôi có một người đàn ông nữa ngồi xe lăn đang trò chuyện rôm rả với hai phụ nữ ngồi hai bên ông. Tôi quan sát họ, hy vọng rằng Will cũng để ý thấy họ. Nhưng mắt anh hướng thẳng phía trước, đầu anh vùi sâu giữa hai vai, như thể anh đang cố để ẩn mình.

Chuyện này sẽ chẳng đến đâu cả, một giọng nói vang lên trong đầu tôi. "Anh có cần gì không?" tôi thì thầm.

"Không," anh lắc đầu. Anh nuốt khan. "Thật ra là có. Thứ gì đó đang chui vào cổ áo tôi."

Tôi cúi lại gần, thò tay vào trong cổ áo anh; một tấm mác còn sót bên trong.

Tôi lôi nó ra, hy vọng giật được nó đi, nhưng nó ngoan cố trụ lại. "Áo mới. Tấm mác làm anh khó chịu lắm hả?"

"Không. Tôi chỉ nghĩ tôi mang theo nó cho ngộ thôi." "Anh có mang theo kéo trong túi xách không."

"Tôi không biết, Clark. Tin hay không tùy cô nhé, tôi chả mấy khi tự mình xếp túi cả."

Trong túi không có kéo. Tôi liếc ra sau, khán giả vẫn đang dần dần yên vị trên ghế, rì rầm trò chuyện và xem qua tờ chương trình. Nếu Will không thể thư giãn và tập trung vào âm nhạc, buổi đi chơi sẽ thành uổng phí. Tôi không chịu nổi thất bại lần thứ hai.

"Ngồi yên nhé," tôi nói. "Sao..."

Trước khi anh kịp dứt câu, tôi vươn người tới, nhẹ nhàng lật cổ áo anh ra, đặt miệng lên đó, kẹp tấm mác phiền toái vào mấy chiếc răng cửa. Mất mấy giây tôi mới cắn đứt được nó, rồi tôi nhắm mắt lại, cố giũ bỏ hương thơm đàn ông sạch mát, giũ bỏ cảm giác da thịt anh ấn vào da thịt tôi, sự vô lý của việc tôi đang làm. Thế rồi cuối cùng, tôi thấy nó rụng ra. Tôi kéo đầu ra và mở mắt, vui mừng, với tấm mác đứt nằm giữa mấy chiếc răng cửa.

"Được rồi!" tôi nói, lôi tấm mác ra khỏi răng rồi liệng nó xuống dưới ghế. Will nhìn tôi chăm chăm.

"Gì thế?"

Tôi quay người trên ghế thì nhận ra khán giả phía sau đột nhiên chúi mắt vào tờ chương trình như thể nó vô cùng hấp dẫn. Rồi tôi quay lại Will.

"Ôi, thôi nào, đâu thể nào từ trước tới nay người ta chưa từng nhìn thấy một cô gái gặm cổ áo một chàng trai cơ chứ."

Có vẻ như tôi đã bịt được miệng anh trong thoáng chốc. Will chớp mắt vài cái, khe khẽ lắc đầu. Tôi ngạc nhiên nhận ra là cổ anh đã đỏ dừ.

Tôi vuốt phẳng váy. "Dù sao," tôi nói, "tôi nghĩ cả hai chúng ta nên biết ơn vì nó không nằm trong quần của anh."

Thế rồi, trước khi anh kịp đáp trả, ban nhạc bước ra, người mặc vét-tông dạ tiệc, người mặc đầm cocktail, và khán giả im bặt. Trong tôi bỗng trào lên chút phấn khích. Họ bắt đầu chơi nhạc, thế rồi đột nhiên cả khán phòng đong đầy một âm thanh duy nhất - thứ âm thanh ba chiều sống động nhất tôi từng nghe. Nó khiến tôi dựng tóc gáy, hơi thở nghẹn lại trong cổ họng.

Will nhìn sang tôi, gương mặt anh vẫn mang nét giỡn chơi như mấy phút trước. Okay, vẻ mặt ấy nói. Chúng ta sẽ thưởng thức thứ này.

Vị nhạc trưởng đứng lên, vỗ hai cái vào bục phát biểu, sự im lặng càng sâu hơn. Tôi cảm thấy sự tĩnh tại, cả khán phòng háo hức chờ mong. Rồi ông đưa cây gậy xuống và đột nhiên tất cả chỉ còn lại âm thanh thuần khiết. Tôi cảm thấy âm nhạc như một thực thể; nó không chỉ nằm trong tai tôi, nó trườn vào trong tôi, bao phủ quanh tôi, khiến mọi giác quan ngân rung. Nó khiến tôi sởn gai ốc và lòng bàn tay tôi ướt đẫm. Will đã không hề mô tả về buổi hòa nhạc như thế này. Tôi đã nghĩ chắc chắn tôi sẽ thấy chán. Không ngờ nó lại là thứ đẹp đẽ nhất tôi từng nghe.

Và nó khiến trí tưởng tượng của tôi phiêu du ngoài mong đợi; khi tôi ngồi đó, tôi thấy mình nghĩ tới những điều bao nhiêu năm rồi tôi chưa từng nghĩ, những cảm xúc cũ xưa trào sôi trong tôi, những ý tưởng và tâm tư mới dâng lên như thể bản thân tri giác của tôi đang xáo động dữ dội. Nó dường như bao la, nhưng tôi không muốn ngăn nó lại. Tôi muốn ngồi như thế mãi. Tôi lén nhìn sang Will. Anh đang mê ly, bỗng như vô thức. Tôi quay đi, đột nhiên sợ phải nhìn anh. Tôi sợ nghĩ tới những gì anh đang cảm nhận, sự mất mát vô bờ, nỗi sợ hãi khôn dò. Cuộc sống của Will Traynor thật quá xa so với những trải nghiệm trên đời của tôi. Tôi là ai mà có quyền nói với anh rằng lẽ ra anh phải khát sống cuộc đời đó chứ?

Bạn Will gửi lời nhắn mời chúng tôi cuối buổi vào sau sân khấu gặp anh, nhưng Will không muốn. Tôi giục anh một lần, nhưng nhìn cơ hàm siết chặt của anh, tôi biết chắc anh sẽ không lay chuyển. Tôi không thể trách anh. Tôi nhớ lại cách người bạn làm ăn cũ đã nhìn anh ngày hôm đó - hòa trộn giữa thương hại, khiếp sợ, và đâu đó là cảm giác giải thoát sâu sắc, vì chẳng hiểu sao bản thân họ đã thoát được khỏi cú đòn riêng biệt này của số phận. Tôi nghĩ anh chỉ có thể chịu đựng chừng đó những buổi gặp gỡ kiểu ấy thôi.

Chúng tôi chờ cho tới khi mọi người về hết, rồi tôi đẩy Will ra, đi thang máy xuống bãi đỗ xe, rồi đưa Will lên ô-tô mà không gặp trở ngại nào. Tôi không nói gì nhiều; đầu tôi vẫn reo vang vì âm nhạc, và tôi không muốn nó phai đi. Tôi vẫn nghĩ hoài về buổi biểu diễn, về cách bạn Will chìm đi trong tiếng đàn anh chơi. Trước đây tôi không nhận ra âm nhạc có thể mở khóa mọi thứ trong ta, có thể đưa ta tới những nơi mà ngay cả người soạn nhạc cũng không lường trước được. Nó để lại dấu chân in hằn trong không khí quanh ta, như thể khi ra về ta mang dư vị của nó theo mình. Một đôi khi, khi chúng tôi ngồi đó giữa khán phòng, tôi đã quên bẵng mất có Will ngồi bên cạnh.

Chúng tôi từng xe lại bên ngoài khu nhà phụ. Trước mặt chúng tôi, hiện rõ mồn một phía trên bức tường thành, tòa lâu đài đứng đó, tắm đẫm ánh trăng rằm, lặng lẽ nhìn xuống từ đỉnh đồi.

"Thế cô không thuộc lãnh địa nhạc cổ điển hả." Tôi nhìn gương chiếu hậu. Will đang mỉm cười. "Chẳng thích nó tẹo nào cả."

"Rõ rồi."

"Tôi đặc biệt không thích đoạn gần cuối, khi cây đàn violin tự nó ngân lên lời ca."

"Tôi biết cô không thích đoạn đó. Thực tình, cô ghét nó quá nên mắt cô đầy lệ."

Tôi cười nhăn nhở với anh. "Tôi thích nó lắm," tôi nói. "Tôi không chắc mình sẽ thích mọi loại nhạc cổ điển, nhưng tôi nghĩ âm nhạc hôm nay quả là kỳ diệu." Tôi xoa mũi. "Cảm ơn. Cảm ơn vì đã đưa tôi đi nghe."

Chúng tôi ngồi yên lặng, nhìn lên tòa lâu đài. Bình thường vào đêm, nó tắm trong ánh sáng vàng cam của những ngọn đèn lác đác quanh bức tường thành. Nhưng đêm nay, dưới vầng trăng mười sáu, dường như tòa lâu đài ngập một sắc xanh siêu phàm.

"Anh nghĩ người ta đã chơi loại nhạc nào ở đó?" tôi nói. "Chắc họ đã từng nghe loại nhạc nào đó chứ."

"Tòa lâu đài ấy hả? Nhạc cụ thời trung đại. Đàn luýt, đàn dây. Không phải thứ tôi rành, nhưng tôi có vài thứ có thể cho cô mượn, nếu cô thích. Cô nên nhét tai nghe vào tai rồi dạo bộ quanh lâu đài, nếu cô muốn trải nghiệm vẹn tròn."

"Không. Tôi chẳng thích tới lâu đài."

"Luôn là thế đấy, bụt chùa nhà không thiêng."

Tôi trả lời vu vơ. Chúng tôi ngồi yên lặng một lát lâu hơn, lắng nghe tiếng máy rù rù nhỏ dần rồi im bặt.

"Thôi," tôi nói, mở khóa an toàn. "Tốt hơn tôi nên đưa anh vào nhà. Công việc cần làm buổi tối đang chờ."

"Chờ một phút thôi, Clark."

Tôi quay người trên ghế. Mặt Will chìm trong bóng tối nên tôi không trông ra.

"Cứ ngồi yên. Một phút thôi."

"Anh ổn không?" Tôi thả mắt xuống chiếc xe lăn, lo sợ rằng phần nào đó trên cơ thể anh bị kẹp, bị mắc kẹt, lo sợ tôi đã làm sai điều gì.

"Tôi ổn. Tôi chỉ..."

Tôi thấy được cổ áo sáng màu của anh, bộ suit đen tương phản với nó.

"Chỉ là tôi chưa muốn vào nhà. Tôi chỉ muốn ngồi và không phải nghĩ về..." Anh nuốt khan.

Dù trong không gian tranh tối tranh sáng, mọi thứ dường như vẫn thật khó nói.

"Tôi chỉ... muốn là một người đàn ông vừa đi nghe nhạc về cùng một cô gái mặc váy đỏ. Chỉ thêm vài phút nữa thôi."

Tôi buông tay nắm trên cửa xe. "Được mà."

Tôi nhắm mắt, ngả đầu lên tấm nệm trên thành ghế, và chúng tôi ngồi cùng nhau thêm một lúc thật lâu, hai con người lạc trong hồi ức âm nhạc, gần như ẩn mình dưới bóng của tòa lâu đài trên đồi trăng.

Chị em tôi chưa bao giờ nói chuyện rõ ràng về những gì đã xảy ra trong mê cung đêm đó. Mà thực tình tôi không biết chúng tôi phải nói gì nữa. Nó khẽ đỡ tôi dậy, rồi giúp tôi tìm quần áo, sau đó nỗ lực tuyệt vọng tìm kiếm đôi giày của tôi trong bụi rậm cho tới khi tôi bảo nó đừng bận tâm nữa. Dù sao tôi cũng sẽ chẳng bao giờ đi lại đôi giày ấy. Thế rồi chúng tôi chậm rãi đi về nhà - tôi đi chân trần, nó quàng tay qua tay tôi, dù chúng tôi đã không đi với nhau như thế kể từ ngày nó vào lớp một, và mẹ tôi cứ khăng khăng rằng tôi không bao giờ để nó khoác tay.

Khi về tới nhà, chúng tôi đứng trên thềm, nó vuốt tóc tôi, chùi mắt cho tôi bằng miếng khăn giấy ướt, rồi chúng tôi mở khóa cửa trước và bước vào như thể chẳng có chuyện gì xảy ra.

Bố vẫn còn thức xem bóng đá. "Hai cô con gái về hơi trễ đấy nhé," ông gọi với ra. "Bố biết hôm nay là thứ Sáu, nhưng mà..."

"Được rồi bố," chúng tôi đồng thanh đáp to.

Hồi đó, phòng riêng của tôi là phòng mà hiện nay ông ngoại ở. Tôi đi nhanh lên lầu, và trước khi em gái kịp nói gì, tôi đóng cửa lại sau lưng.

Tuần sau đó, tôi cắt phéng tóc. Tôi trả vé máy bay. Tôi không đi chơi với đám bạn gái cùng trường cũ nữa. Mẹ quá chìm đắm trong nỗi buồn đau nên chẳng để ý gì, bố thì gọi sự thay đổi tâm trạng trong nhà và thói quen mới thường xuyên khóa cửa trong phòng riêng của tôi là "vấn đề phụ nữ". Tôi đã hiểu ra mình là ai, đó là một người hoàn toàn khác cô gái cười khúc khích say xỉn với đám người lạ. Đó là người chẳng biết mặc cái gì có thể gọi là khêu gợi. Dù sao đi nữa, quần áo cũng chẳng phải là thứ lôi cuốn những gã tới nhậu trong quán Red Lion.

Cuộc sống trở lại bình thường. Tôi nhận việc ở hiệu cắt tóc, rồi quán Bánh Bơ, bỏ lại mọi điều phía sau lưng.

Từ ngày ấy tôi đã đi qua tòa lâu đài cả năm ngàn lần. Nhưng tôi không bao giờ đi vào mê cung nữa.