Chương 7: Nhường công việc
Nghe Hà Hưng Gia nhắc đến mấy đứa cháu, bà Lý do dự mà hạ giọng:
“Mẹ bảo rồi đấy, công việc này là tốt nhất rồi, không có cơ hội thứ hai đâu, đầy người muốn mà không được kìa. Đừng có kén cá chọn canh, sau này có muốn lên huyện làm mà không được thì mày cũng ráng mà chịu.”
“Con nghĩ kĩ rồi, công việc này mẹ cứ để cho anh cả hoặc anh hai đi, không thể để cái chức công nhân đấy ảnh hưởng đến tình anh em chúng con được.”
Lúc này Hà Hưng Gia ngập ngừng giãi bày nỗi lòng:
“Có trách thì trách bản thân con không biết cố gắng, làm tí việc cũng ngất lên ngất xuống. Người ta tới mùa dành cả ngày làm việc quần quật ngoài đồng, còn con … hễ mùa vụ là y như rằng bị thương lại phải phiền mẹ cơm bưng nước rót tận giường, chẳng ra thể thống gì.”
“Giời ạ! Chuyện đấy làm sao trách con được, những tai nạn đấy đâu ai muốn hả con?! Giờ lại còn đem công việc hai tay dâng cho người khác, ai còn dám nói gì con chứ. Trước mắt con cứ nghỉ ngơi mấy ngày cho mẹ, chuyện đấy để sau.” Những lời nói của con trai như vết dao cứa vào trái tim bà Lý, bậc làm cha mẹ nào ai muốn nhìn con mình thua kém người khác, thôi thì cứ để Hà Hưng Gia bình phục trước vậy.
Thấy tình hình dịu xuống, Hà Hưng Gia thỏ thẻ với mẹ: “ Mẹ à, mẹ xem con cứ nằm mãi ở nhà cũng không tốt cho cơ thể, mai con đi lên huyện một chuyến coi như thư giãn gân cốt nhá. ”
“Muốn đi thì đợi hai ngày nữa hẵng đi, tới lúc đó mùa vụ xong xuôi mày đi đâu không ai dám nói gì mày. Giờ mà đi người ta thấy lại nói ra nói vào.” - Bà Lý ngó nghiêng.
“Vậy cũng được, ngày kia con đi! ”
Hà Hưng Gia vắt tay lên trán suy nghĩ: ngày mùa không ra ruộng thì cũng thôi đi, nhưng để người ta thấy anh đi khơi khơi như vậy chắc chắn sẽ nghĩ anh giả ốm trốn việc. Cứ cho là nguyên chủ có tâm cơ ngay từ đầu, nhưng vết thương trên đầu là đau thật, việc anh bị chóng mặt, buồn nôn cũng là thật, còn cái hôm mệt đến ngất xỉu, … tất cả đều là sự thật không chút giả dối.
Lúc này bà Lý sực nhớ tới thằng cháu đích tôn cứ khóc nháo đòi ăn trứng, nên cắn răng lôi từ trong cạp quần ra một gói giấy báo được bọc rất cẩn thận, bên trong là 1 tờ phiếu thịt cùng một đồng tiền rồi nói:
“Con cầm lấy ít tiền, vào chợ huyện mua một miếng thịt bồi bổ cho cả nhà, đang ngày mùa nặng nhọc hao tốn thể lực, không thể chỉ húp mỗi nước rau luộc được. Với lại có tiện thì qua coi thằng năm thế nào. Hôm bữa nó nói muốn ở lại huyện học thêm, nghe bảo là định tham gia kì thi tuyển chọn công nhân của nhà máy nào trên đấy, đúng không nhỉ? Haizzzz không biết có được không nữa, nếu mà đậu thì tốt quá rồi, tới lúc đó nhà mình sẽ có tận hai người làm công nhân.”
“Tiền dư con cứ giữ lấy, nhớ đừng xài hoang. ”
Đạt được mục đích, Hà Hưng Gia khoái chí vui mừng, tới khi mình tự kiếm được tiền sẽ quay về phụng dưỡng mẹ nhiều nhiều một chút.
Những gì muốn nói đã nói xong, bà Lý ra ngoài để con trai tiếp tục nghỉ ngơi. Ai ngờ khi Lý Nhị Anh vừa bước ra khỏi phòng, Hà Hưng Gia liền nghe bên ngoài truyền đến cuộc hội thoại:
“Ơ Hưng Dân, giờ này mày đáng lý phải ở ngoài ruộng chứ? Sao lại lén la lén lút đứng ở đây?
“À thì con đợi mẹ đi chung nè, mà mẹ với thằng tư đang nói gì vậy? Lại còn đóng cửa kín mít.” - Hà Hưng Dân ngó mắt vào trong.
“Tao với nó nói gì cũng phải thông báo cho mày hả? Lo mà đi ra ruộng làm việc đi!”
Nghe tiếng bước chân càng ngày càng xa, Hà Hưng Gia cười khẩy: thì ra là Hà Hưng Dân
———
Bữa tối khi ai nấy đang thi nhau lùa cơm thì đột nhiên Lý Nhị Anh lên tiếng: “Vết thương của Hưng Gia chưa ổn, mẹ tính để nó ở nhà nghỉ ngơi thêm vài ngày nữa.”
Trương Đại Ni nghe mà tức sôi máu, vừa định gào mồm lên phản ứng thì Lý Nhị Anh chậm rãi cắt ngang: “Nó bảo mấy năm nay nó kiếm công điểm ít nhất nhà, toàn dựa vào 2 anh lớn, thế nên công việc ở lò mổ nó sẽ không tranh.”
Nghe mẹ chồng nói xong, Trương Đại Ni xoay ngoắt bật chế độ thảo mai: “Mẹ nói phải ạ, nếu vết thương của chú tư chưa lành thì để chú ấy nghỉ ngơi thêm vài ngày nữa, chút ít công điểm đó nhà ta cũng không thiếu mà.”
Còn những người khác khi nghe bà Lý thông báo xong cũng không che giấu nổi vui sướng, bọn họ kẻ tung người hứng gật đầu lia lịa, trong lòng người nào người nấy phải nói là vui như Tết. Đặc biệt là Hà Hưng Dân, từ lúc thấy mẹ và Hà Hưng Gia to nhỏ trong phòng, lòng hắn bồn chồn như lửa đốt, tưởng mẹ sẽ lén lút dấm dúi công việc ở lò mổ cho thằng tư. Đến Hà Kim Vượng nghe xong cũng tròn mắt kinh ngạc, nhưng ông vẫn để đó chưa nói tới.
Cuối cùng vụ mùa cũng kết thúc, mọi người trong thôn đã bước vào thời kì nông nhàn. Nhưng không khí Hà gia thì rất khác lạ, vì Hà Kim Vượng lúc này vẫn chưa thể quyết định ai xứng đáng đảm nhiệm vị trí công tác đó.
Người nhởn nhơ nhất Hà gia lúc này chắc chỉ có Hà Hưng Gia, vì anh sắp được lên huyện, lại lo khăn gói sắp xếp những thứ mà bà Lý nhờ anh mang cho Hưng Nghiệp. Trong đầu anh không còn gì khác ngoài chuyến đi huyện thành lần này. Đang tay xách nách mang, kết quả chưa kịp ra đến cửa đã bị cô em gái Hà Yến chặn lại.
Hà Yến kéo anh sang một bên hỏi lý do vì sao anh lại nhường vị trí công nhân lò mổ đó cho người khác?