Chương 955: Khổng Viễn Đạt

Nói là canh năm xuất chiến nhưng canh ba Lang Thản đã dẫn quân đột kích Quan Sơn, tuy không thành công nhưng đã phá hết được rào chắn cũng như hố bẫy.

Rạng sáng, đợi quân ăn qua loa, lúc này ở Quan Sơn vẫn chém giết tưng bừng, tiếng nổ, tiếng tên xé gió, tiếng đá lăn, tiếng quân Tống hoặc quân Liêu gào thét từ nơi cao ngã xuống, truyền rõ vào tai mỗi người.

Đột nhiên Quan Sơn bốc cháy, số cây bụi không có bao nhiêu bị lửa thiêu đốt, đám cháy lan đi, khói bụi bốc cao che chắn gần hết tầm nhìn.

Kỵ binh của Triệu Phi nấp ở góc khuất dưới chân Quan Sơn, đợi kỵ binh nước Liêu tới tập kích trận địa pháo của quân Tống, phóng hỏa mục đích không phải thiêu chết quân Liêu trên núi, chuyện này gần như không thể, chẳng qua là hỗ trợ thanh thế cho tiếng đạn pháo gầm vang tạo ấn tượng giả rằng Quan Sơn cực kỳ nguy cấp, vì thế mà Lang Thản dùng thuốc nổ không biết tiếc là gì.

Quả nhiên kỵ binh người Liêu tới rồi, đợi quân Liêu đi qua được một nửa, Triệu Phu quát lớn dẫn kỵ binh Thanh Đường xông ra chặt ngang lưng người Liêu, còn về phần đã tiến vào tây Quan Sơn sẽ có Khương Triết ứng phó.

Chỉ còn một tay, mã sóc của Triệu Phu càng thêm độc địa, mỗi thương đâm ra đều nhắm vào yết hầu địch, vừa nhanh vừa chuẩn, nhưng hắn không lên quá cao, quân sĩ nhanh chóng vượt qua bên cạnh, tức thì tiếng chém giết rung trời.

Dù có đông đảo thân binh vây quanh, Triệu Phu vẫn kinh nghiệm hạ giáp che mặt xuống, trong loạn chiến trời mới biết có tên bay đạn lạc hay không, an toàn đặt lên hàng đầu.

Tân quân của hắn được lập ra mới mục đích trước tiên là phò trợ thái tử, nay thái tử đã đăng cơ rồi, vinh hoa phú quý không hết đang chờ đợi, làm sao có thể mất mạng ở chốn hoang vu này, nếu chẳng phải hôm qua đại soái nổi giận, giám quân giết người thì hắn đã chẳng dẫn quân xung trận.

Mình đã thể hiện đủ vũ dũng để khích lệ quân tốt, mục tiêu quân sự do đại quân hoàn thành là được.

Triệu Phu dần dời ra tiền tuyến, tránh xa nơi giao chiến quyết liệt, kế hoạch không phải chiếm lĩnh doanh trại người Liêu, chỉ cần giữ áp lực vừa đủ.

Kỵ binh đâm xuyên đội ngũ người Liêu, chỉ cần kiên thủ một tuần trà, hàng rào kẽm gai được dựng lên, lại thêm một tuần trà nữa thiên sương xa bắt đầu phát uy. Quân Liêu không bị lọt vào vòng vây đang điên cuống xông tới giải cứu.

Tôn Đại Chí dù thanh danh không lớn, nhưng ở đạo dụng thiên sương xa thì thiên hạ không ai sánh bằng, hiếm có nhất người này đạm bạc công danh, chưa từng tranh công với chư tướng, khi luận công ban thưởng thì lặng lẽ lùi sang bên, vì thế được Vân Tranh khen ngợi có phong phạm Đại Thụ tướng quân Phùng Dị thời Hán.

Nên khi dùng tới người này Vân Tranh vô cùng yên tâm, vị đồng song theo mình từ thời Thiếu niên quân tới giờ, đạo phòng thủ đã qua kiểm nghiệm mười mấy năm.

Vì thế bất kể quân Liêu tấn công ra sao, quân trận thiên sương xa vẫn vững như núi thái sơn, trong xe hoặc bắn nỏ hoặc phun lửa, người Liêu không có bất kỳ ai vượt qua được.

Ngoảnh đầu nhìn lên trên Quan Sơn, Lang Thản đích thân đốc chiến, binh sĩ liều mạng tác chiến, bản trận của Vân Tranh cũng đang dần áp sát, Trần Lâm không ở hậu trận mà dẫn quan quân pháp đi lên hàng đầu, hắn lần nữa thúc ngựa xông lên, trận này không hạ được Quan Sơn, Đoạn Ngạn Tu chính là tấm gương.

Bắc chinh là cuộc chiến toàn diện, không chỉ ở chiến trường.

Khi bắc chinh bắt đầu, Lý Thường chẳng qua chỉ là tri phủ Đường Châu, Đường Châu vốn là Đường huyện, Da Luật Hoa Tháp tàn hại nơi này, nên sau khi Đại Tống thu phục lại, vì an ủi đã thăng cho cái huyện nhỏ chưa đầy hai vạn người lên thành châu, còn miễn thuế mười năm.

Chỉ vẻn vẹn một chức tri phủ, một nơi dân cư thưa thớt, làm sao có thể giữ được Lý Thường một lòng muốn làm việc lớn?

Vì thế ông ta giao lại công vụ Đường Châu cho phụ tá, tới Nhạn Môn Quan trao đổi với Vân Tranh, tới lấy quyền chỉ huy của cường đạo Thái Hành Sơn từ đó biến mất.

Trạm đầu tiên của Lý Thường là huyện Trác Lộc, nơi này từ xưa đã là vùng binh gia ắt phải tranh đoạt, nằm ở giữa giao giới Phụng Thánh châu, Hoằng Dương sơn và Tuyên Châu, cách Nam Kinh nước Liêu chưa tới ba trăm dặm.

Lúc này Trác Lộc sơn cỏ cây tươi tốt, má giống trong ruộng đã mọc cao nửa xích.

Thấp thoáng giữa núi rừng có một căn nhà gỗ lớn, nhà gỗ nhìn thì đơn giản, nhưng nông phu đi qua đều nhón chân nhẹ nhàng, nếu trâu bò nhà ai mà kêu một tiếng thôi cũng bị chủ nhân cho ăn đòn, âm thanh chủ đạo ở nơi này là tiếng đọc sách vang vang.

Một trung niên văn sĩ hơn ba mươi gần bốn mươi thân hình cao lớn chắp tay sau lưng đi ra, theo sau đó là một đám trẻ con dáng vẻ cung kính, khác với những đứa bé mũi dãi ròng ròng ở bên ngoài là đám trẻ con này rất sạch sẽ, cho dù trên người đầy mảnh vá nhưng cực kỳ sạch.

Có lão hán dắt trâu đi qua nhìn thấy văn sĩ khom người thi lễ: - Khổng tiên sinh, tiểu lão nhi hôm nay ra ruộng đặt bẫy, bắt được vài con thỏ, thêm cho tiên sinh đĩa thức ăn để chiều nhắm rượu.

Khổng Viễn Đạt không khách khí, mỉm cười nhận lấy hai con thỏ: - Béo thật, nhắm rượu không gì bằng, Lục công sao không ở lại cùng ta, nói chuyện đồng ruộng dâu tăm cũng là thú vui.

- Lão hán không làm phiền tiên sinh nữa, ngài có bằng h ữu từ xa tới đó. Nói xong dắt trâu đi luôn:

Khổng Viễn Đạt nhìn quanh, đột nhiên thấy Lý Thường một thân áo vải hết sức bình thường ngồi trên lưng con lừa đang mỉm cười chắp tay với mình, mừng rỡ đi nhanh tới nắm tay Lý Thường: - Lý huynh vì sao tới vùng biên hoang nghèo khó này?

Lý Thường nhảy xuống ngựa tươi cười nói: - Khổng huynh có thể ẩn cư Trác Lộc mười năm, Lý Thường vì sao không thể tới thăm một chút. Ha ha ha, lần này lão phu mang theo thư của tông môn tiên sinh, thư của mẫu thân và thê nhi huynh, xem xong huynh đệ ta nhắm rượu trò chuyện cũng không muộn.

Đi xa lâu năm, thư nhà đáng giá vạn lượng vàng, vì thế Khổng Viễn Đạt gọi lão phó ra suối làm thỏ, còn mình nhìn chăm chăm Lý Thường đang lấy hành lý ra.

Tay run run ôm lấy cái bọc nhỏ, Khổng Viễn Đạt nước mắt thành hàng, quỳ sụp xuống đất: - Mẫu thân, hài nhi bất hiếu.

Lý Thường đuổi đám trẻ con đi, đỡ Khổng Viễn Đạt vào nhà, vừa đi vừa nói: - Lúc ta rời Đường Châu có đi qua đào nguyên huyện Khúc Phụ bái kiến bá mẫu, bá mẫu khỏe khoắn lắm, chuyện đồng áng vẫn làm được, gặp ta còn hỏi tình hình của Khổng huynh.

- Bá mẫu nói hảo nam nhi phải vì quốc gia, người không ý kiến gì, chỉ thương cho tức phụ nuôi con nhỏ sống như quả phụ. Về sau nghe nói ta tới thăm huynh, dặn, nếu huynh ở ngoài có nữ nhân khác, không được mang về nhà. Trách huynh sao không mang đệ muội theo..

Khổng Viễn Đạt từ lúc nghe Lý Thường nhắc tới mẫu thân thì khom người xuống, đợi ông ta nói xong mới đứng thẳng dậy: - Đệ ở Trách Lộc ngày đêm lo sợ, nào dám dính dáng tới nữ nhân, gia mẫu quá lo rồi, chuyết kinh xưa nay hiền huệ, đệ có nàng là đủ.

- Bá mẫu còn than phiền mình ít cháu chắt, mười năm này ít nhất thiệt mất năm đứa, trách Khổng huynh cũng phải. Có điều ngày tháng gian khổ của huynh sắp kết thúc, Vân hầu đã tới Đồng Đầu Quan, chẳng mấy chốc tới Phụng Thánh Châu, Trác Lộc khi đó trong tầm tay rồi.

Khổng Viễn Đạt thi lễ: - Lý huynh hãy ngồi đã, đợi đệ đọc xong thư nhà sẽ cùng huynh trưởng trò chuyện.

Lý Thường mỉm cười nhìn Khổng Viễn Đạt vội vàng đi vào gian trong, lúc này mới rảnh rỗi đánh gia gian nhà gỗ này.

Đây là căn nhà mang phong cách đất bắc tiêu chuẩn, cột nhà to lớn chống đỡ cả gian nhà, không sơn son, tất nhiên không trạm trổ, mười năm khói hun lửa sấy, đã không nhìn ra màu sắc ban đầu, chỉ còn màu vàng nhạt cổ quái.

Xà nhà treo mấy xâu thịt khô, bàn do vài khúc gỗ nguyên khối ghép thành, ghế cũng chỉ là khúc gỗ thừa nhỏ hơn thôi, ở trong hoàn cảnh này kiên trì dạy dỗ mười năm, Khổng thị có thể đứng vững nghìn năm, quả nhiên là không phải vô lý.