Chương 65: Mùi vị báo thù

Cường đạo Nguyên Sơn? Cái tên này Vân Tranh được nghe nhiều lần từ khi tới nơi này, nhưng tất cả đều chỉ là nghe, mà chưa bao giờ được thấy, từ những lời kể thì nơi đó không hoàn toàn chỉ có cường đạo, nói chính xác nó là chỗ dung thân cuối cùng, cho những người không còn đường nào khác để đi.

Y không nói gì, chỉ yên tĩnh ngồi xuống chống cằm suy nghĩ, Tịch Nhục vốn không có thiện cảm gì với những người trong quan, thậm chí còn có chút đồng tình với sơn dân, nàng là người Bặc, vốn trong mắt vị huyện lệnh gì đó kia, cũng chả khác gì sơn dân, ôm tiểu thiếu gia vào lòng, không để quấy rầy đại thiếu gia suy nghĩ.

Lại Bát hết sức căng thẳng, vận mệnh của rất nhiều người phụ thuộc vào một lời của thiếu nên kỳ lạ này.

Vân Tranh lúc này có chút giống thở phào nhẹ nhõm, vốn cứ tưởng chuyện này đều do sự cổ hủ cố chấp của Lâm huyện lệnh gây ra, ai ngờ bên trong còn lắt léo như thế, chuyện có nguồn cơn, tội nghiệt Lâm huyện lệnh giảm nhẹ phần nào rồi.

Lại Bát nói không giết người cũng có phần đáng tin, người càng sống gần thành trấn thôn trại càng ôn hòa, nếu không chẳng cần quan binh, các trại vì an nguy của mình cũng tụ lại với nhau tiễu trừ, còn kẻ sống sâu trong nơi sơn cùng thủy tận càng hung hãn tàn ác, nơi ở quyết định dân phong.

Nhưng điều đó không có nghĩa là toàn bộ sơn dân không có tội, tuy không phải đầu sỏ thì thế nào cũng có những kẻ thừa lúc cháy nhà hôi của, giống như những kẻ vốn là cư dân trong thành đã làm.

Vân Tranh đã mất không ít niềm tin vào cái gọi là nhân tính.

- Lại Bát, ngươi tự biết lần bạo loạn này làm toàn bộ bách tính Đậu Sa quan cực kỳ căm phẫn với các ngươi, lúc này ai dám có liên hệ với các ngươi đều bị phỉ nhổ. Lưu đô đầu nay đã là huyện thừa, hắn nể tình cũ không mời Vĩnh Hưng quân tham gia tiêu diệt các ngươi đã là may mắn cho các ngươi lắm rồi. Vân Tranh ngẩng đầu nhìn Lại Bát, nói hết sức nghiêm túc: - Các ngươi thù hận, người trong quan cũng thù hận, không thể vì thương hại các ngươi mà quên đi thảm cảnh máu chảy thành sông hôm đó.

Lại Bát gật gầu đầu, hắn vốn không ôm nhiều hi vọng, chắp tay định đi thì Vân Tranh ném cho một cái túi, nói: - Trừ phi đám sơn tặc chiếm cứ Nguyên Sơn bị giết hết, nếu không các ngươi không có cơ hội nào làm người hết.

Nguyên Sơn rất xa, cách Đậu Sa trại tới hơn 300 dặm, một nửa ở địa phận Thổ Phồn, nửa ở địa phận Đại Tống, phía Thổ Phồn là người Hắc Thủy bộ hung hãn thiện chiến, bọn đạo tặc không dám cướp, nên nhắm vào người Tống nhu nhược, tính tàn độc tạo thành bao năm qua đã bại lộ hoàn toàn trong lần dân biến này.

Lại Bát mở túi ra, là muối, mừng phát cuồng, quỳ xuống lạy: - Bọn mỗ đánh không lại người Nguyên Sơn, bọn chúng vừa đông vừa lợi hại, số mệnh đã thế, đành chết trong núi thôi, đa tạ ân tình tiểu tướng công.

- Các ngươi quanh năm sinh sống trong vùng núi này, chẳng lẽ không có liên hệ với Hắc Thủy bộ?

- Liên hệ làm gì? Lại Bát nghi hoặc hỏi: - Bọn chúng cũng nghèo lắm, trừ trâu với dê thì có gì đâu, đôi khi còn trao đổi muối với bọn mỗ, cái túi muối này thôi cũng đổi được một con trâu, nhưng trâu của bọn chúng không biết cày cấy, chỉ dùng để giết thịt. Bọn mỗ sống dựa vào rừng núi, thiếu gì thịt, nên không qua lại gì. Gọi chúng là bộ tộc cũng không đúng, chỉ là đám mục dân sống quần tụ ở Hắc Thủy thôi.

Mấy trăm năm trước Tùng Tán Can Bố thống nhất Thổ Phồn mới khiến vùng đất này có khái niệm quốc gia, nhưng không được bao lâu, khi Phật giáo cực kỳ hưng thịnh ở Thổ Phồn, lý luận Phật gia đã dần thay thế huy hoàng của Tùng Tán Can Bố, làm Thổ Phồn dần dần ngả về phía thần quyền, khiến tính gắn kết của người Thổ Phồn trở nên lỏng lẻo, ai ai cũng tin Phật, quên đi khái niệm quốc gia.

Nhưng bọn họ yêu thần thánh hơn yêu tổ tiên dân tộc thì kệ họ, quyền tự do của người ta, Vân Tranh không bận tâm, y chỉ quan tâm họ có thể đem lại lợi ích gì, chỉ dạng ngốc như Lại Bát mới nghĩ là không có.

Ở Đại Tống giết trâu cày là trọng tội, cho dù là hoàng đế cũng chẳng có mấy cơ hội ăn thịt trâu, cho nên trong mấy câu chuyện truyền kỳ, hay kiếm hiệp sau này, đám hảo hán giang hồ vào tửu quán hơi chút là vỗ bàn nói:" Tiểu Nhị, cho ta năm căn thịt trâu!" Đều là bố láo bố toét, ngươi thử giết một con trâu thử xem, bị thích chữ lên trán đi đầy ngàn dặm ngay.

Khi Lại Bát nói tới chỉ một túi muối chưa đầy 2 cân đổi được một con trâu thì ngay lập tức mùi vị sự báo thù hiện lên trong đầu Vân Tranh, ai hỏi mùi vị đó thế nào, Vân Tranh nói chính xác, vị thịt trâu.

Tin tức không đối xứng, cho nên giá cả cũng không đối xứng, với mục dân thì muối quý giá, còn trâu bò thì khắp nơi, nên có tỉ lệ này chẳng lạ gì. Giống như người Tống thường bỏ rất nhiều tiền, hoặc mang lụa là gấm vóc đắt giá đi đổi lấy mấy cục đá phát sáng, trong mắt mục dân là hành vi của đám ngốc.

- Vân Đại, huynh định để tên ngốc đó đi đổi trâu thay huynh à? Trong mắt Vân Nhị, thiên hạ này cũng toàn đám ngốc hết, kể cả Vân Đại nhiều khi cũng rất ngốc, nên nó có gọi Lại Bát là tên ngốc cũng chỉ là đại từ chung chung, không có ý coi thường người ta.

- Chính thế, thiên hạ toàn kẻ ngốc mua bán mới dễ dàng, ngươi coi ta là đồ ngốc, ta coi ngươi là đứa ngu, hai bên có được điều mình muốn, đều hài lòng vui vẻ, càng ngốc càng tốt, ha ha ha... Vân Đại cười rất đáng sợ, nửa vui nửa sát khí, làm Vân Nhị cũng rợn người:

Bẻ một cành liễu bên đường, lột vỏ, dùng con dao nhỏ của mình cắt hai đầu, Vân Đại đục cái lỗ rồi đưa lên miệng thổi, âm thanh phát ra như quạ kêu mà thổi say sưa. Vân Nhị không chịu đựng nổi thứ nghệ thuật cấp thấp này bịt tai lại, Tịch Nhục lại nghe chăm chú, nàng rất muốn làm một cái sáo trúc như vậy.

Thấy bên đường có cỏ lận, Tịch Nhục nhớ ra hôm nay chưa cho trâu ăn, liền nhảy xuống bảo hại vị thiếu gia về trước, nàng muốn nhổ cho trâu ít cỏ.

Lá cỏ lận non nhiều nước, lợn trong nhà thích nhất, nhưng không được ăn nhiều sẽ bị tiêu chảy.

Vân Đại vừa nghe Tịch Nhục kể kinh nghiệm nuôi lợn vừa nhổ cỏ, cỏ nắm trong tay trơn tuột, như bôi một lớp nến trên đó vậy, lá bóng loáng rất dễ nhận ra, chẳng mấy chốc đã nhổ được đống cao chất lên xe trâu.

Đậu Sa trại thời gian này rất là đẹp, trước cái nhà gạch của Vân Tranh càng muôn hồng ngàn tía, đẹp nhất phải kể tới cây sơn chi ở trước cửa sổ, hoa màu hồng phấn to như nắm đấm của Vân Nhị, nở chi chít khắp cây.

Nhưng Vân Nhị không thích cây sơn chi, vì con rắn trông nhà cứ hay leo lên đó ngủ, con rắn ngu ngốc đó mấy lần rơi bịch xuống trúng người Vân Tam rồi, cây thất lý hương đề phòng muỗi vào nhà vẫn tốt hơn, nở hoa xong cho quả nữa.

Vân Đại và Tịch Nhục ôm đóng cỏ đi cho lợn, hai con lợn huýnh nhau tranh ăn, trông rất thú vị.

Lúc hai người họ đang xem lợn ăn thì một cái xe ngựa chậm rãi đi vào thôn, Vân Nhị nhíu mày, nó không thích sơn chi là vì nguyên nhân lớn tại Lương Kỳ, Lương Kỳ hay gài một đóa sơn chi lên tóc, nhưng sơn chi của người ta làm bằng lụa trắng, rất đẹp.

- Vân Nhị, ca ca của đệ đâu? Lương Kỳ nhảy từ trên xe xuống, vừa thấy Vân Nhị đã tươi cười hỏi:

- Sợ bị cắn, chạy vào trong núi rồi. Hai mắt Vân Nhị đảo một vòng, nếu không phải có một trung niên râu ngắn, trong có phần tiên phong đạo cốt thì nó còn nói lời khó nghe hơn.

Thằng nhóc này khó ưa như ca ca của nó, vậy mà lúc đầu mình còn bị cái mặt đáng yêu của nó lừa, Lương Kỳ hơi đỏ mặt, kệ Vân Nhị, gọi: - Vân Đại, Vân Đại, có nhà không?

Vân Đại ở sau nhau nghe âm thanh này hùng hổ đi ra, định hỏi tội Lương nha đầu, vừa qua chỗ rẽ thấy một lão giả mặt mày thanh thoát, bảy phần giống nàng hơi giật mình, về nhà “mách mẹ” à? Mấy tuổi rồi còn chơi trò này?